Thích Thanh Hòa
1. Giới thiệu
Duy Thức Phái là một trường phái Phật Giáo Đại Thừa chú trọng đến nhận thức luận. Kinh luận thuộc trường phái này thường nhấn mạnh rằng bất kì cái gì được kinh nghiệm, những cái mà thường được cho là chân thật, thực ra chỉ là một sự giả thác thuần túy ngôn ngữ (upacāra). Sự giả thác này là kết quả của quá trình phân biệt hay cấu trúc khái niệm diễn ra trên sự chuyển biến của thức. Vả lại, sự chuyển biến của thức cũng chỉ là một sự phân biệt mà sự phân biệt đó thậm chí không tồn tại.[1] Hay nói khác đi, toàn thể kinh nghiệm đó không là gì khác ngoài sự biểu hiện của thức.
Nếu toàn bộ kinh nghiệm chỉ là sự biểu hiện của thức, mà thức thậm chí cũng không thực hữu,[2] thế thì mọi nỗ lực của loài người cũng như toàn thể giáo pháp của đức Phật hướng tới điều gì? Có sự thật nào đáng quan tâm đằng sau cái thế giới biểu hiện của thức ấy?
Để trả lời những câu hỏi này, Duy Thức Phái đã đề xướng giáo lý ba tự tính như một khung sườn cho việc phát triển giáo nghĩa thức biến và trình bày quan điểm về nhận thức của mình. Giáo lý ba tự tính, vì thế, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong truyền thống Duy Thức. Nó hiện diện trong hầu hết mọi tác phẩm thuộc truyền thống này, như các kinh Giải Thâm Mật, Lăng-già; các luận Du-già Sự Địa, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh, Biện Trung Biên, Nhiếp, Nhị Thập, Tam Thập, và Tam Tự Tính.
Theo giáo nghĩa này, có ba tự tính hay bản chất (tri-svabhāva) đằng sau mọi hiện tượng. Hay nói cách khác, thực tại được cấu thành bởi ba đặc tính này. Đó là:
(1) tự tính biến kế sở chấp (parikalpita-svabhāva): tính chất vọng tưởng, huyễn hóa của các pháp;
(2) tự tính y tha khởi (paratantra-svabhāva): tính chất phụ thuộc vào cái khác để sinh khởi và tồn tại, hay còn gọi là duyên sinh;
(3) tự tính viên thành thật (pariniṣpanna-svabhāva): tính chất chân thật viên mãn của các pháp, cũng gọi là Chân Như.[3]
Bài viết này sẽ trình bày giáo lý ba tự tính qua các kinh luận tiêu biểu của Duy Thức Phái và đặc biệt so sánh làm nổi bật hai mô hình của giáo lý này.
2. Cấu trúc tiêu chuẩn của giáo lý Ba Tự Tính
Theo lịch sử phát triển, giáo nghĩa ba tự tính tuy được hoàn thiện và hệ thống hóa trong các tác phẩm của Vô Trước và Thế Thân nhưng thực sự đã có nền tảng kinh điển từ trong các kinh Đại thừa như Giải Thâm Mật và Lăng-già. Vì thế, trước khi đi vào khảo sát giáo lý ba tự tính trong các luận thư, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem khái niệm ba tự tính đã được phát biểu như thế nào trong ngữ cảnh kinh điển, cụ thể ở đây là Kinh Giải Thâm Mật.
Giáo lý ba tự tính trong Kinh Giải Thâm Mật
Trong Kinh Giải Thâm Mật, một trong những bản kinh sớm nhất xiển dương giáo nghĩa Duy Thức, ba tự tính được gọi với một tên khác, đó là ba tướng (trilakṣaṇa/ ba dấu hiệu, đặc tướng). Ba tướng này được trình bày như sau:
Tướng của các pháp, nói một cách khái quát, gồm có ba loại. Ba loại là những gì? Một là tướng biến kế sở chấp, hai là tướng y tha khởi, ba là tướng viên thành thật. Tướng biến kế sở chấp của các pháp là gì? Đó là tùy theo sự sai biệt về bản chất của các pháp mà giả lập tên gọi cho đến tùy theo đó mà sản sinh ngôn ngữ. Tướng y tha khởi của các pháp là gì? Đó là bản chất duyên sinh của các pháp; nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh; nghĩa là do vô minh làm duyên mà có hành, … cho đến chiêu tập hình thành toàn bộ khổ uẩn. Tướng viên thành thật là gì? Đó là Chân Như bình đẳng của các pháp; các vị bồ tát nhờ vào sự [thực hành] dũng mãnh tinh tiến, suy tư đúng pháp, tư duy đúng đắn mà thông đạt cái Chân Như này; sau đó lại dần dần tu tập sự thông đạt này cho đến quả vị Bồ-đề vô thượng chánh đẳng; như thế sự chứng ngộ mới được viên mãn.[4]
Dưới con mắt của người học Phật, tất cả các pháp (gồm các loại hữu tình và vô tình) đều được sinh ra bởi sự hòa hợp của nhân duyên, và vì thế đều vô thường và vô ngã. Tuy nhiên, các loài chúng sinh có một thiên hướng sâu dày đó là xem những thứ vô thường này là thường còn và chấp trước chúng như những thực thể tồn tại độc lập. Chính từ sự chấp trước này mà mọi thứ sai biệt của thế giới khởi lên. Tuy nhiên, những sai biệt này vốn không phải là bản chất chân thật của các pháp mà chỉ là sự phản ánh sai lệch qua chiếc lăng kính phân biệt hay cấu trúc thuộc phạm trù khái niệm / ngôn ngữ (vikalpa). Sự sai biệt do chấp niệm mang lại đó được gọi là tướng biến kế sở chấp.
Tính chất duyên sinh của các pháp được đề cập ở trên là tướng y tha khởi. Nói cụ thể hơn, tướng y tha khởi chính là giáo lý duyên khởi. Bản chất của thế giới là duyên sinh, là y tha khởi, thế nhưng chúng sinh lại dựng lên trên đó một thế giới biến kế—thế giới được cấu trúc bằng khái niệm—và tự giam mình trong đó, xem cái thế giới do mình biến kế ra như là chân thật, để rồi từ đó khởi lên các loại chấp thủ, khổ đau.
Tướng viên thành thật là trạng thái mà khi mọi sự phân biệt đều dứt bặt, bản chất của các pháp được thể nghiệm đúng như chúng là. Đó cũng chính là trạng thái giác ngộ của một hành giả đã gạn lọc cái thế giới biến kế ra khỏi thực tại y tha khởi.
Giáo lý ba tự tính trong Duy Thức Tam Thập Luận
Về căn bản, giáo lý ba tự tính không thay đổi mà chỉ được trình bày lại một cách có hệ thống hơn trong các luận thư Duy Thức Phái. Trong số các luận thư đề cập đến giáo lý ba tự tính, Tam Thập Luận (Triṃśikā-vijñapti-kārikāḥ) của Thế Thân là một trường hợp điển hình cho sự kiện toàn đối với giáo lý này. Trong tác phẩm gồm 30 bài kệ tụng này, ba tự tính được lần lượt trình bày qua các kệ tụng 20 và 21, đầu tiên là tự tính biến kế sở chấp, như sau:
Bất kỳ sự vật hiện tượng nào được phân biệt bởi sự phân biệt như vậy như vậy, cái đó có bản chất là biến kế sở chấp. Nó không thực sự tồn tại.[5]
Khi bình luận về tự tính biến kế sở chấp, An Huệ nói rằng các pháp, dù nội hay ngoại (thân tâm hay ngoại vật), thậm chí giáo pháp của đức Phật, tất cả đều thuộc phạm vi phân biệt. Những pháp như vậy vốn không hiện hữu bởi chúng không thực sự tồn tại. Sự hiện hữu của chúng cũng không có bản chất của lý nhân quả. Điều này cũng giống như đối với sự hiện diện của một sự vật, hoặc sự không hiện hữu của nó, có nhiều sự phân biệt trái chiều nhau khởi lên. Chẳng hạn, dù trước mặt không có cọp, nhưng khi nghe ai đó nói có cọp, liền tùy tính cách của mỗi người mà trong họ khởi lên những cảm giác sợ hãi hay phấn khích khác nhau. Sự hiện hữu hay không hiện hữu của một sự vật mà có nhiều tính chất khác nhau như vậy là không hợp lý. Cho nên, tất cả những thứ đó chỉ là sự phân biệt thuộc tự tính biến kế sở chấp.[6]
Tiếp theo, tự tính y tha khởi được phát biểu ở tụng 21 như sau:
Tự tính y tha khởi là sự phân biệt khởi lên do duyên.[7]
Nếu tự tính biến kế sở chấp có bản chất là hoạt động phân biệt của tâm thức, không thuộc quan hệ nhân quả, thì tự tính y tha khởi chính là nền tảng từ đó các pháp được sinh ra, là lý nhân quả. Y tha khởi là sự sinh ra do các duyên hay do sự hòa hợp của nhân và duyên theo lý nhân quả.
Và cuối cùng, tự tính viên thành thật:
Tự tính viên thành thật là trạng thái luôn luôn không có cái trước (tự tính biến kế sở chấp) của nó (tự tính y tha khởi).[8]
Như những gì được thể hiện ở câu tụng trên, tự tính viên thành thật chính là tự tính y tha khởi khi nó không còn bị che phủ bởi tự tính biến kế sở chấp. Điều đó có nghĩa, sự xả trừ hoàn toàn tự tính biến kế sở chấp sẽ trả tự tính y tha khởi về trạng thái nguyên sơ của nó, tức là tự tính viên thành thật, bởi tự tính viên thành thật không là gì khác hơn tự tính y tha khởi trong trạng thái không còn phân biệt, không còn các sự giả thác như là ngã và pháp.[9] Nói cách khác, tự tính viên thành thật chính là sự xả ly hoàn toàn mọi hình thức phân biệt nhị nguyên.
Giáo lý ba tự tính trong Tam Tự Tính Luận
Bàn về giáo lý ba tự tính, trong số các tác phẩm thuộc Duy Thức Phái, Tam Tự Tính Luận (Tri-svabhāva-kārikā) vẫn thường được các nhà Phật học đương đại viện dẫn như một tác phẩm tiêu biểu. Bản luận gồm 38 bài tụng này thông thường được đề là do tôn giả Thế Thân tạo.[10] Sau bài tụng mở đầu giới thiệu chung về ba tự tính, Tam Tự Tính Luận dành hai bài tụng tiếp theo để định nghĩa ba tự tính như sau:
Cái mà nó trình hiện là y tha khởi, cách mà nó trình hiện là biến kế sở chấp; bởi vì sự sinh khởi [của cái trước] phụ thuộc vào duyên, sự tồn tại [của cái sau] chỉ là sự biến kế.
Trạng thái luôn luôn vắng mặt của hình thức mà nó trình hiện (yathā-khyānaṁ/ biến kế sở chấp) của cái trình hiện (khyātṛ/ y tha khởi) phải được hiểu là tự tính viên thành thật, bởi tính chất không thay đổi của nó. (Có thể diễn đạt theo cách dễ hiểu hơn: trạng thái vĩnh viễn không có hình thức trình hiện của cái trình hiện phải được hiểu là tự tính viên thành thật; [nó được gọi như thế] bởi nó không bao giờ thay đổi).[11]
Ở đây, ba tự tính được định nghĩa tương tự như trong Tam Thập Luận đã được trình bày ở trên. Tự tính biến kế sở chấp được định nghĩa là cái biểu hiện của sự trình hiện, tức là kết quả của sự biến kế. Tự tính y tha khởi là sự trình hiện mang tính duyên sinh. Tự tính viên thành thật chính là trạng thái mà tự tính y tha khởi vĩnh viễn không còn tự tính biến kế sở chấp.
Như vậy, qua những định nghĩa về ba tự tính được trích dẫn từ các tác phẩm tiêu biểu trên, có thể thấy rằng, tự tính y tha khởi—tức là bản chất phụ thuộc vào duyên mà sinh khởi của các pháp—có thể được biểu hiện dưới hai hình thức: hoặc là sự biến kế (phân biệt) của tâm thức, hoặc là sự vắng bặt các hoạt động của tâm thức. Điều đó có nghĩa, khi thực tại, vốn là y tha khởi, được nhận thức bởi sự phân biệt đối đãi, bởi sự giả thác ngã và pháp, nó sẽ trở thành thế giới biến kế sở chấp—thế giới trong mắt kẻ mê. Trái lại, khi nhận thức không còn bị nhuốm màu bởi các hoạt động phân biệt, chỉ còn là nhận thức thuần túy, thực tại y tha khởi sẽ trở thành thế giới viên thành thật, nó sẽ được nhận thức như chính nó là—thế giới trong mắt bậc giác ngộ. Có thể nói, cái thấy có hay không có sự phân biệt là hai mặt của cuộc sống, một bên là sinh tử luân hồi và một bên là niết bàn giải thoát. Về điểm này, Nhiếp Luận nhận định:
Do mật ý gì ở trong Kinh Phạm Thiên Sở Vấn[12] Đức Thế Tôn nói rằng Như Lai không thấy sinh tử cũng không thấy niết bàn? Đó là do mật ý rằng ở trong tự tính y tha khởi, mà bản thân nó vừa là tự tính biến kế sở chấp vừa là tự tính viên thành thật, sinh tử và niết bàn vốn không sai biệt. Vì sao vậy? Vì từ tự tính y tha khởi này, phần biến kế sở chấp trở thành sinh tử, phần viên thành thật trở thành niết bàn.[13]
Thế giới tuy được quan niệm là được cấu thành dựa trên ba tự tính này nhưng không phải có ba thực tại riêng biệt xếp chồng lên nhau. Thế giới vẫn luôn là một. Có điều, tùy theo tâm chúng ta, ngoại hiện của nó có thể thay đổi từ phạm trù này sang phạm trù khác tương ứng với ba tự tính mà tự thân nó vẫn không thay đổi. Hay nói khác đi, một người có thể nhận thức một sự vật hiện tượng qua ba góc độ khác nhau, đó là sự vật hiện tượng như là kết quả của sự biến kế, sự vật hiện tượng sinh khởi do duyên, và sự vật hiện tượng như chính bản thân nó. Khả năng thay đổi của các tự tính hay các phạm trù thực tại trong mối tương quan với người quan sát này chính là cơ sở cho giáo lý chuyển y, cho sự chuyển thức thành trí, chuyển mê thành ngộ, chuyển luân hồi thành niết bàn.
3. Hai mô hình giáo lý ba tự tính
Trên đây là ba tự tính được trình bày theo quan điểm phổ thông với mô hình tiêu chuẩn được trình bày trong Tam Thập Luận, một quan điểm lấy tự tính y tha khởi làm nền tảng cho tự tính biến kế sở chấp cũng như tự tính viên thành thật, theo đó tự tính y tha khởi là căn bản cho sinh tử cũng như niết bàn. Tuy nhiên, đó không phải là cách hiểu duy nhất về giáo nghĩa ba tự tính bởi trong hệ thống luận giải của Duy Thức Phái còn có những hình thức trình bày khác về giáo nghĩa này, thậm chí sự khác biệt đó có khi xảy ra ngay trong cùng một bản văn.[14] Nhận định về hiện tượng này, Sponberg cho rằng sự không nhất quán này phản ánh sự phát triển qua từng giai đoạn của giáo nghĩa ba tự tính và ông đưa ra hai mô hình khái quát cho giáo nghĩa này, đó là mô hình ‘xu chuyển’ và mô hình ‘tiệm tiến’.[15]
Mô hình Xu chuyển
Mô hình xu chuyển (pivotal model) là cách lý giải giáo lý ba tự tính dưới hình thái dao động quanh trục, theo đó, tự tính biến kế sở chấp và tự tính viên thành thật được xem như hai khía cạnh khác nhau của tự tính y tha khởi. Ở mô hình này, tự tính y tha khởi được hiểu như là sự thật căn bản—mối tương quan duyên sinh—của các pháp và làm nền tảng cho hai tự tính còn lại. Khi sự thật duyên sinh—tự tính y tha khởi—bị nhận thức sai lầm qua chiếc lăng kính nhị nguyên, qua sự giả thác ngã và pháp, qua sự biến kế và ngôn ngữ, đó chính là tự tính biến kế sở chấp. Ngược lại, khi gạt bỏ những tương quan đối đãi mang tính nhị nguyên, thoát khỏi ma trận của biến kế và ngôn ngữ, sự thật sẽ hiển hiện như chính nó, đó chính là tự tính viên thành thật. Sự dịch chuyển từ một bên sai lầm sang một bên chân thật này chính là sự chuyển y (āśraya-parāvṛtti), một sự chuyển đổi từ trong nhận thức căn bản đối với thế giới và là nền tảng cho mọi sự giác ngộ giải thoát.
Theo mô hình xu chuyển, tự tính y tha khởi vẫn luôn hiện diện như một sự thật tối hậu hiển nhiên.[16] Tuy nhiên, tùy theo cách chúng ta tiếp nhận thế giới mà có sự sai khác. Mê thì thế giới hiển hiện sai lệch trong tự tính biến kế sở chấp, ngộ thì thế giới hiển hiện tròn đầy trong tự tính viên thành thật. Đây chính là mô hình ba tự tính được triển khai trong Nhiếp Luận và Tam Thập Luận mà ở trên đã trích ví dụ minh họa. Do tính phổ biến của hai tác phẩm này, hay đúng hơn, do tư tưởng Duy Thức được phát triển đến giai đoạn sung mãn bởi hai anh em nhà Thế Thân, mô hình xu chuyển được trình bày trong các tác phẩm của hai tôn giả này đã trở thành mô hình tiêu biểu cho giáo nghĩa ba tự tính.[17] Chính từ mô hình xu chuyển được xem là tiêu biểu này mà Nagao có nhận định về giáo lý ba tự tính như sau:
Theo thuyết ba tự tính, thế giới xoay quanh tự tính y tha khởi như thể xoay quanh một chiếc trục. Tự tính y tha khởi là nền tảng mà từ trên đó tự tính biến kế sở chấp (hay sinh tử luân hồi) chuyển biến và tự tính viên thành thật (hay niết bàn) xuất hiện.[18]
Mô hình Tiệm tiến
Khác với tính đối xứng của mô hình xu chuyển, mô hình tiệm tiến (progressive model) phản ánh tiến trình đi lên của nhận thức hay sự giác ngộ lần lượt qua ba cấp độ tương ứng với ba tự tính, từ mê tiến dần đến ngộ. Theo trình tự, hành giả phải trừ bỏ tự tính biến kế sở chấp và y tha khởi để đạt đến tự tính viên thành thật. Kẻ mê nhận thức thế giới trong mối tương quan đối đãi nhị nguyên được hình thành do sự phân biệt hư vọng. Đó là tự tính biến kế sở chấp. Qua sự tu tập, tiến lên một bước, hành giả nhận thức và trừ diệt chỗ y cứ của mọi sự đối đãi nhị nguyên, tức là bản thân sự phân biệt hư vọng. Đó là tự tính y tha khởi. Cuối cùng là tự tính viên thành thật, đó là trạng thái xa lìa mọi vọng chấp nhị nguyên, thoát khỏi ma trận của biến kế và ngôn ngữ, vượt lên trên cái thế giới giả tạo bởi duyên sinh; là trí vô phân biệt về thực tại, về Chân Như.
Trong số kinh luận của Duy Thức Phái, Trang Nghiêm Kinh Luận có thể được xem là trường hợp điển hình nói về mô hình tiệm tiến này. Phẩm Thuật Cầu của bộ luận này trình bày ba tự tính như sau:
Sự phân biệt hư vọng được xem như trò ảo thuật (māyā); tương tự, sự mê lầm nhị nguyên thì giống như cái được tạo ra bởi trò ảo thuật (māyā-kṛta).
Sự phân biệt hư vọng—tự tính y tha khởi, cái gây ra sự mê lầm—nên được xem như trò ảo thuật, cái được tạo ra từ một cành cây hoặc một cục đất sét… thông qua chú thuật. Sự mê lầm nhị nguyên—trạng thái biểu hiện của tự tính biến kế sở chấp, cái trình hiện như năng thủ và sở thủ trong sự phân biệt hư vọng—nên được hiểu như là cái được tạo ra bởi trò ảo thuật, ví dụ như, hình ảnh một con voi, một con ngựa, hay vàng… mà chúng xuất hiện trong trò ảo thuật.[19]
Sự không tồn tại của [sự vật hư vọng] trong [trò ảo thuật] nên được hiểu là chân lý tuyệt đối. Sự nhận thức về [sự vật hư vọng] trong [trò ảo thuật] đó nên được hiểu là chân lý tương đối.
Giống như con voi và các thứ khác không tồn tại trong trò ảo thuật, cũng vậy, chân lý tuyệt đối (tự tính viên thành thật) là cái phi hữu của tự tính biến kế sở chấp nhị nguyên trong tự tính y tha khởi đó. Mặt khác, giống như có sự nhận thức về con voi và các thứ khác xuất hiện trong trò ảo thuật đó, cũng vậy, chân lý tương đối là sự nhận thức về cái hư vọng (tự tính biến kế sở chấp) trong sự phân biệt đó (tự tính y tha khởi).[20]
Đối chiếu hai mô hình, điểm nổi bật chính là sự khác nhau trong cách phát biểu về tự tính y tha khởi. Ở mô hình xu chuyển, tự tính y tha khởi là lý duyên sinh nằm sau mọi hiện tượng, là nền tảng cho cả sinh tử—tự tính biến kế sở chấp—và niết bàn—tự tính viên thành thật. Do tự tính y tha khởi được đồng nhất với lý duyên khởi nên Nhiếp Luận gọi nó là tự tính y tha khởi một phần thanh tịnh.[21] Gạt bỏ phần nhiễm ô, tức tự tính biến kế sở chấp, thì tự tính y tha khởi vốn thanh tịnh hiển hiện thành tự tính viên thành thật. Trong khi đó, ở mô hình tiệm tiến, tự tính y tha khởi chỉ là bước trung gian—một trạng thái có bản chất là nền tảng cho sự mê lầm cần được loại trừ—trên lộ trình giác ngộ giải thoát từ sinh tử đến niết bàn, từ ô nhiễm đến thanh tịnh. Trang Nghiêm Kinh Luận đã nhận định nó là “nền tảng cho mê lầm” và “cần được đoạn trừ” như sau:
Chân lý là cái mà nó (1) vĩnh ly nhị nguyên, (2) làm nền tảng cho mê lầm, và (3) hoàn toàn không thể diễn tả, xa lìa hý luận. Nó (1) cần được nhận biết, (2) cần được đoạn trừ, và (3) cần được thanh tịnh. Nó vốn thanh tịnh bởi xa lìa cấu uế, giống như hư không, vàng, và nước.[22]
Một điều đáng ngạc nhiên, mô hình tiệm tiến cũng hiện diện trong Tam Tự Tính Luận, một bản luận thường được xem là tác phẩm cuối đời của tôn giả Thế Thân.[23] Nói ngạc nhiên bởi điều đó sẽ làm mất đi tính thống nhất trong quan điểm của Thế Thân về giáo lý ba tự tính, cái đã được xác lập trong Tam Thập Luận—một tác phẩm được xem là chín muồi về mặt tư tưởng của tôn giả.
Ở phần đầu của Tam Tự Tính Luận, ba tự tính được trình bày không khác với mô thức xu chuyển trong Tam Thập Luận; tuy nhiên, từ bài tụng thứ 17, ba tự tính được chuyển hướng trình bày theo mô hình tiệm tiến một cách khác lạ.[24] Bài tụng 17 của Tam Tự Tính Luận nói:
Biến kế sở chấp và y tha khởi nên được biết là có tính chất nhiễm ô. Tự tính viên thành thật được xem là có tính chất thanh tịnh.[25]
Ba tự tính tiếp tục được khẳng định theo mô hình tiệm tiến ở tụng thứ 31:
Để thông đạt thật lý, ba khía cạnh phải được nhận thức, trừ bỏ, và thành tựu đồng thời theo trình tự đó.[26]
Như vậy, với việc xem tự tính y tha khởi là ô nhiễm và cần được đoạn trừ, cấu trúc giáo lý ba tự tính của Tam Tự Tính Luận đã không còn mang tính đối xứng của mô hình xu chuyển mà có hướng tiệm tiến theo trình tự cái sau loại trừ cái trước. Đây là một điểm khác biệt đáng quan tâm giữa Tam Tự Tính Luận và các tác phẩm khác của Thế Thân về giáo lý ba tự tính.
Nói tóm lại, trải qua lịch sử phát triển của Duy Thức Phái, giáo lý ba tự tính được hình thành và hoàn thiện theo thời gian mà đỉnh điểm là sự kiện toàn của tôn giả Thế Thân qua luận Tam Thập Luận. Sự khác nhau giữa hai mô hình ba tự tính cũng nói lên sự khác nhau từ góc nhìn về thực tại. Với tự tính y tha khởi làm nền tảng cho mọi sự thật, gồm cả sinh tử lẫn niết bàn, mô hình xu chuyển có thể được xem như cái nhìn mang tính bản thể luận. Tuy nhiên, để thể nghiệm được thực tại thanh tịnh vượt ra ngoài mọi sự đối đãi nhị nguyên của tự tính viên thành thật, hành giả cần phải thực hành quá trình tu quán và trải nghiệm sự chứng đắc theo trình tự từ mê đến ngộ của mô hình tiệm tiến mang hơi hướng của giải thoát luận. Và như vậy, dù ba tự tính được giải thích theo mô hình nào thì đó cũng là những góc nhìn giúp hành giả nhìn thấu và thể nghiệm được chân lý thực tại, nó không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau.
Kết luận
Như đã nói, tôn chỉ của Duy Thức Phái là mang lại một cái thấy trong sáng không bị các kiến chấp phân biệt làm vẩn đục, một cái thấy đúng như thật đối với các pháp. Theo giáo lý ba tự tính, chúng ta trôi lăn trong sinh tử hay giải thoát trong niết bàn đều phụ thuộc vào cách chúng ta nhận thức thế giới. Điểm then chốt cần phải nhận ra, giải thoát là một cảnh giới của sự tận diệt những thiên kiến vọng chấp mang tính đối đãi nhị nguyên, xả trừ mọi giả thác ngã và pháp. Đây cũng chính là ý nghĩa tu tập của giáo lý ba tự tính. Ở phương diện này, giáo lý ba tự tính trở thành một công cụ tu quán đắc lực giúp hành giả quán chiếu bản chất của các pháp, hiểu được sinh tử và niết bàn là hai mặt của cuộc sống, là hai thực tại song hành—một bên là thế giới kinh nghiệm thuộc tục đế, và bên còn lại là thế giới siêu nghiệm thuộc chân đế.
Thích Thanh Hòa (TP. Đà Nẵng).
Tham khảo:
Giải Thâm Mật Kinh [解深密經]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang, Đại Chính 16, số 676.
Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn Kinh [持心梵天所問經]. Hán Dịch bởi Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, Đại Chính 15, số 585.
Tư Ích Phạm Thiện Sở Vấn Kinh [思益梵天所問經]. Hán Dịch bởi Tam Tạng Cưu-ma-la-thập, Đại Chính 15, số 586.
Anacker, Stefan. Seven Works of Vasubandhu: The Buddhist Psychological Doctor. Rev. ed. Delhi: Motilal Banarsidass, 2005.
Asaṅga. A Compendium of the Mahāyāna: Asaṅga’s Mahāyānasaṃgraha and Its Indian and Tibetan Commentaries. Translated by Karl Brunnhölzl. 3 vols. Boulder: Snow Lion, 2018.
———. Mahāyāna-Sūtrālaṃkāra. Edited by Sylvain Lévi. Paris: Librairie Honoré Champion, 1907.
Boquist, Åke. Trisvabhāva: A Study of the Development of the Three-Nature-Theory in Yogācāra Buddhism. Sweden: University of Lund, 1993.
Cảnh-Tình. "Biện Trung Biên Luận Tụng Văn Trung Đích Lưỡng Chủng Duy Thức Tam Tính Thuyết Mô Hình." 臺大佛學研究, no. 28 (臺灣大學文學院佛學研究中心: 2014): 51-104.
D'Amato, Mario. Maitreya's Distinguishing the Middle from the Extremes (Madhyāntavibhāga) Along with Vasubandhu's Commentary (Madhyāntavibhāga-Bhāṣya): A Study and Annotated Translation. New York: The American Institute of Buddhist Studies, 2012.
———. "Three Natures, Three Stages: An Interpretation of the Yogācāra Trisvabhāva-Theory." Journal of Indian Philosophy 33, no. 2 (2005): 185-207.
Di Lặc, Bồ tát. Du-già Sư Địa Luận [瑜伽師地論]. Hán Dịch bởi Pháp Sư Huyền Trang. 100 quyển, Đại Chính 30, số 1579.
Kapstein, Matthew T. "Who Wrote the Trisvabhāvanirdeśa? Reflections on an Enigmatic Text and Its Place in the History of Buddhist Philosophy." Journal of Indian Philosophy 46 (2018): 1-30.
Mạnh Thát, Lê. Triết Học Thế Thân. Dịch bởi Đạo Sinh. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.
McNamara, Daniel. "On the Status of the Trisvabhāvanirdeśa in Contemporary Conceptions of Yogācāra Thought." (2011). http://www.academia.edu/8365343/.
Nagao, G. M. Mādhyamika and Yogācāra: A Study of Mahāyāna Philosophies. Edited by L. S. Kawamura. Albany: State University of New York Press, 1991.
Sponberg, Alan. "The Trisvabhāva Doctrine in India and China: A Study of Three Exegetical Models." Ryūkoku daigaku bukkyō bunka kenkyūjo kiyō 21 (1982): 97-119.
Sthiramati. Triṃśikāvijñaptibhāṣya. In Sthiramati's Triṃśikavijñaptibhāṣya—Critical Edition of the Sanskrit Text and its Tibetan Translation. Edited by Hartmut Buescher. Wien: ÖAW, 2007.
Thế Thân, Tôn giả. Duy Thức Tam Thập Luận Tụng [唯識三十論頌]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang, Đại Chính 31, số 1586.
Tzohar, Roy. "Thoughts on the Early Indian Yogācāra Understanding of Āgama-Pramāṇa." Kervan - International Journal of Afro-Asiatic Studies 21 (2017): 261-277.
———. A Yogācāra Buddhist Theory of Metaphor. New York: Oxford University Press, 2018.
Vasubandhu. Madhyāntavibhāga-Bhāṣya. Edited by Gadjin M. Nagao. Tokyo: Suzuki Research Foundation, 1964.
———. Triṃśikāvijñaptikārikāḥ. In Sthiramati's Triṃśikavijñaptibhāṣya—Critical Edition of the Sanskrit Text and its Tibetan Translation. Edited by Hartmut Buescher. Wien: ÖAW, 2007.
———. Trisvabhāvakārikā. In Being as Consciousness: Yogācāra Philosophy of Buddhism. Edited by Fernando Tola and Carmen Dragonetti. 219-228. New Delhi: Motilal Banarsidass, 2004.
Vô Tánh, Bồ Tát. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích [攝大乘論釋]. Hán Dịch bởi Pháp Sư Huyền Trang. Đại 31, số 1598.
Vô Trước, Bồ Tát. Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận [大乘莊嚴經論]. Hán Dịch bởi Ba-la-phả-mật-đa-la, Đại Chính 31, số 1604.
———. Nhiếp Đại Thừa Luận [攝大乘論]. Hán Dịch bởi Chân Đế, Đại Chính 31, số 1593.
———. Nhiếp Đại Thừa Luận Bổn [攝大乘論本]. Hán Dịch bởi Huyền Trang, Đại Chính 31, số 1594.
Williams, Paul. Mahāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations. 2nd ed. New York: Routledge, 2009.
[1] Vasubandhu, Trisvabhāvakārikā, trong Being as Consciousness: Yogācāra Philosophy of Buddhism, ed. Fernando Tola and Carmen Dragonetti (New Delhi: Motilal Banarsidass, 2004), k. 5: asatkalpo 'tra kaścittaṃ yatastena hi kalpyate | yathā ca kalpayatyartha tathātyantaṃ na vidyate || Sự biến kế hư vọng là gì? Đó là thức, bởi qua nó (thức) mà nó (sự biến kế hư vọng) được biến kế. Cái mà trong đó nó (thức) biến kế đối tượng, cái đó tuyệt đối không tồn tại.
[2] Madhyāntavibhāga-Bhāṣya, ed. Gadjin M. Nagao (Tokyo: Suzuki Research Foundation, 1964), I.3, 19: tasya grāhyasyārthasyābhāvāt tad api grāhakaṃ vijñānam asat | Do bởi sự không tồn tại của đối tượng sở thủ nên thậm chí thức năng thủ cũng không tồn tại.
[3] Bồ Tát Vô Trước, Nhiếp Đại Thừa Luận Bổn [攝大乘論本], Huyền Trang dịch Hán, Đại 31, số 1594, 139b06-09: 若圓成實自性。是遍計所執永無有相。云何成圓成實。何因縁故名圓成實。由無變異性故。名圓成實。又由清淨所縁性故。一切善法最勝性故。由最勝義名圓成實/ Nếu tự tính viên thành thật là sự thiếu vắng hoàn toàn tự tính biến kế sở chấp nơi tự tính y tha khởi, vậy tự tính viên thành thật là gì, do nhân duyên gì mà gọi là viên thành thật? Do nó có tính chất không biến dị nên gọi là viên thành thật. Lại nữa, do nó làm đối tượng sở duyên của pháp thanh tịnh và là tối thắng trong các thiện pháp về mặt thắng nghĩa nên gọi là viên thành thật.
Vô Tánh chú thích thêm rằng: [由無變異性故名圓成實等者]。應知此性。常無變故。又由清淨所縁性故。一切善法最勝性故。圓滿成就眞實爲性/ [Do nó có tính chất không biến dị nên gọi là viên thành thật… ]. Nên biết, do có tính chất thường hằng bất biến, lại là sở duyên của pháp thanh tịnh và là tối thắng trong các thiện pháp nên tự tính này có tính chất viên mãn, thành tựu và chân thật (Bồ Tát Vô Tánh, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích [攝大乘論釋], Pháp Sư Huyền Trang dịch Hán, Đại 31, số 1598, 403b28-c01). Cũng xem thêm Asaṅga, A Compendium of the Mahāyāna: Asaṅga’s Mahāyānasaṃgraha and Its Indian and Tibetan Commentaries, trans. Karl Brunnhölzl (Boulder: Snow Lion, 2018), vol. I, 186.
[4] Giải Thâm Mật Kinh [解深密經], Pháp sư Huyền Trang dịch Hán, Đại 16, số 676, 693a15-25: 謂諸法相略有三種,何等為三?一者、遍計所執相;二者、依他起相;三者、圓成實相。云何諸法遍計所執相?謂一切法名假安立自性差別,乃至為令隨起言說。云何諸法依他起相?謂一切法緣生自性,則此有故彼有,此生故彼生,謂無明緣行,乃至招集純大苦蘊。云何諸法圓成實相?謂一切法平等真如。於此真如,諸菩薩眾勇猛精進為因緣故,如理作意,無倒思惟為因緣故,乃能通達。於此通達,漸漸修集,乃至無上正等菩提方證圓滿.
[5] yena yena vikalpena yad yad vastu vikalpyate | parikalpita evāsau svabhāvo na sa vidyate || 由彼彼遍計,遍計種種物,此遍計所執,自性無所有 (Vasubandhu, Triṃśikāvijñaptikārikāḥ, trong Sthiramati's Triṃśikavijñaptibhāṣya—Critical Edition of the Sanskrit Text and its Tibetan Translation, ed. Hartmut Buescher (Wien: ÖAW, 2007), k. 20; Tôn giả Thế Thân, Duy Thức Tam Thập Luận Tụng [唯識三十論頌], Pháp sư Huyền Trang dịch Hán, Đại 31, số 1586, tụng 20).
[6] Xem thêm Sthiramati, Triṃśikāvijñaptibhāṣya, trong Sthiramati's Triṃśikavijñaptibhāṣya—Critical Edition of the Sanskrit Text and its Tibetan Translation, ed. Hartmut Buescher (Wien: ÖAW, 2007), *43.
[7] paratantra-svabhāvastu vikalpaḥ pratyaya-udbhavaḥ | 依他起自性, 分別緣所生 (Vasubandhu, TriṃśK, k. 21ab; Thế Thân, Tam Thập Luận, tụng 21ab).
[8] niṣpannas-tasya pūrveṇa sadā rahitatā tu yā || 圓成實於彼, 常遠離前性 (Vasubandhu, TriṃśK, k. 21cd; Thế Thân, Tam Thập Luận, tụng 21cd).
[9] Giả thác như là ngã và pháp (ātma-dharma-upacāra / 假說我法). Giả thuyết / giả thác (假說 / 假託 /hư cấu, không thật), sự giả thác thuần túy ngôn ngữ, sự mô tả, ẩn dụ… là những từ / cụm từ được dùng để dịch từ upacāra trong cụm từ ātma-dharma-upacāra. Upacāra vốn là điểm nhấn trong thuyết mô tả của Thế Thân nói riêng, trong tư tưởng Duy Thức Phái nói chung, cho nên bản thân từ này hàm chứa ý nghĩa sâu xa rất khó để chuyển dịch. Đó là lý do khiến từ Đông sang Tây, mỗi dịch giả có mỗi sự lựa chọn không giống nhau. Xem thêm sự khảo cứu rộng rãi về khái niệm này qua chuyên khảo A Yogācāra Buddhist Theory of Metaphor (New York: Oxford University Press, 2018) của Roy Tzohar, hay Chương “Về tự biết và bàn thêm về cơ cấu tự biết” trong Triết Học Thế Thân, Đạo Sinh dịch (Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005), 313tt của Lê Mạnh Thát.
[10] Bản luận gồm 38 bài tụng này thông thường được đề là do tôn giả Thế Thân tạo. Tuy nhiên, với những điều bất thường trong lịch sử truyền thừa, cấu trúc nội dung cũng như hành văn mà Kapstein từng chỉ ra, vai trò tác giả của Thế Thân đối với bản luận này cũng đáng được cân nhắc lại. Kapstein đã lần lượt phân tích các yếu tố mà ông cho rằng chúng cho thấy tác giả của Tam Tự Tính Luận là một người khác chứ không phải Thế Thân, hay ít ra không phải Thế Thân của Câu-xá và Tam Thập Luận, mặc dù quan điểm này không hợp nhất với hầu hết các nhà nghiên cứu đi trước. Ông chỉ ra sự không nhất quán giữa Tam Tự Tính Luận với các tác phẩm khác của Thế Thân về mô hình ba tự tính, giáo lý đốn ngộ, cách dùng động từ trình hiện (khyā). Bên cạnh đó, sự thiếu vắng trong lịch sử Hán dịch, đề tên tác giả khác nhau trong hai bản dịch Tạng cũng là hai yếu tố bất thường khác thuộc phạm vi lịch sử. Xem Matthew T. Kapstein, "Who Wrote the Trisvabhāvanirdeśa? Reflections on an Enigmatic Text and Its Place in the History of Buddhist Philosophy," Journal of Indian Philosophy 46 (2018); Daniel McNamara, "On the Status of the Trisvabhāvanirdeśa in Contemporary Conceptions of Yogācāra Thought," (2011).
[11] yat khyāti paratantro ʼsau yathā khyāti sa kalpitaḥ | pratyaya-adhīna-vṛttitvāt kalpanā-mātra-bhāvataḥ ||2|| tasya khyātur yathā-khyānaṁ yā sadā-avidyamānatā | jñeyaḥ sa pariniṣpanna svabhāvo ʼnanyathātvataḥ ||3|| (Vasubandhu, Trisvabhāvakārikā, k. 2-3).
[12] Xem chi tiết Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn Kinh [持心梵天所問經], Tam Tạng Trúc Pháp Hộ dịch Hán, Đại 15, số 585, 4b23-24; Tư Ích Phạm Thiện Sở Vấn Kinh [思益梵天所問經], Tam Tạng Cưu-ma-la-thập dịch Hán, Đại 15, số 586, 36c09-15.
[13] 世尊依何密意。於梵問經中説。如來不得生死不得涅槃。於依他起自性中。依遍計所執自性及圓成實自性。生死涅槃無差別密意。何以故。即此依他起自性。由遍計所執分成生死。由圓成實分成涅槃故 (Vô Trước, Nhiếp Đại Thừa Luận Bổn, 140c01-06). Cũng xem thêm Nhiếp Đại Thừa Luận [攝大乘論], Chân Đế dịch Hán, Đại 31, số 1593, 120c28-a03; Asaṅga, A Compendium of the Mahāyāna, II.28, 192.
[14] Mario D'Amato, Maitreya's Distinguishing the Middle from the Extremes (Madhyāntavibhāga) Along with Vasubandhu's Commentary (Madhyāntavibhāga-Bhāṣya): A Study and Annotated Translation (New York: The American Institute of Buddhist Studies, 2012), 18.
Về sự thiếu thống nhất trong cách trình bày giáo lý ba tự tính xảy ra trong cùng một văn bản, có ý kiến cho rằng những bản văn như vậy, cụ thể như Biện Trung Biên Luận, thể hiện tính đa tầng hay hỗn tạp trong quá trình kết tập và biên soạn. Xem Cảnh-Tình, "Biện Trung Biên Luận Tụng Văn Trung Đích Lưỡng Chủng Duy Thức Tam Tính Thuyết Mô Hình," [辯中邊論頌文中的兩種唯識三性說模型.] 臺大佛學研究, no. 28 (臺灣大學文學院佛學研究中心: 2014): 93.
[15] Alan Sponberg, "The Trisvabhāva Doctrine in India and China: A Study of Three Exegetical Models," Ryūkoku daigaku bukkyō bunka kenkyūjo kiyō 21 (1982). Sau Sponberg, hai mô hình này cũng được nhiều nhà nghiên cứu hiện đại tiếp nhận để giải thích sự đa dạng trong cách trình bày giáo nghĩa ba tự tính trong các bộ luận của Duy Thức Phái, trong đó có thể kể đến Mario D'Amato, Daniel McNamara, Roy Tzohar, Matthew T. Kapstein… Xem thêm: Kapstein, "Who Wrote the Trisvabhāvanirdeśa? Reflections on an Enigmatic Text and Its Place in the History of Buddhist Philosophy."; Mario D'Amato, "Three Natures, Three Stages: An Interpretation of the Yogācāra Trisvabhāva-Theory," Journal of Indian Philosophy 33, no. 2 (2005); McNamara, "On the Status of the Trisvabhāvanirdeśa in Contemporary Conceptions of Yogācāra Thought"; Roy Tzohar, "Thoughts on the Early Indian Yogācāra Understanding of Āgama-Pramāṇa," Kervan - International Journal of Afro-Asiatic Studies 21 (2017).
[16] Về điểm này, Du-già Sư Địa dành riêng phẩm Chân Thật Nghĩa (cụ thể, phần phá quan điểm hư vô) để khẳng định đằng sau các hiện tượng hư giả luôn tồn tại một cái chân thật. Tóm tắt ý đó trong mối tương quan với ba tự tính, Williams nhận định: “Phải tồn tại một nền tảng chân thật, bởi nếu không có một nền tảng chân thật thì cái cấu trúc sai lầm—tự tính biến kế sở chấp—không thể xảy ra.” Bồ tát Di Lặc, Du-già Sư Địa Luận [瑜伽師地論], Pháp Sư Huyền Trang dịch Hán, 100 quyển, Đại 30, số 1579, 488b18-c2; Paul Williams, Mahāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations, 2nd ed. (New York: Routledge, 2009), 91.
[17] D'Amato đã phác thảo lịch sử phát triển của Duy Thức Phái tại Ấn Độ thành ba giai đoạn: giai đoạn sơ khai gồm Kinh Giải Thâm Mật và Luận Du-già Sư Địa, giai đoạn thứ hai tiêu biểu bởi Trang Nghiêm Kinh Luận và những bộ luận tương tự, giai đoạn cuối gồm các tác phẩm chín muồi của hai anh em nhà Vô Trước – Thế Thân. Xem D'Amato, "Three Natures, Three Stages: An Interpretation of the Yogācāra Trisvabhāva-Theory," 188.
[18] G. M. Nagao, Mādhyamika and Yogācāra: A Study of Mahāyāna Philosophies, ed. L. S. Kawamura (Albany: State University of New York Press, 1991), 11.
[19] yathā māyā tathā'bhūtaparikalpo nirucyate | yathā māyākṛtaṃ tadvat dvayabhrāntirnirucyate ||
yathā māyā yantraparigṛhītaṃ bhrāntinimittaṃ kāṣṭhaloṣṭādikaṃ tathābhūtaparikalpaḥ paratantraḥ svabhāvo veditavyaḥ | yathā māyākṛtaṃ tasyāṃ māyāyāṃ hastyaśvasuvarṇādyākṛtis tadbhāvena pratibhāsitā tathā tasminn abhūtaparikalpe dvayabhrāntirgrāhyagrāhakatvena pratibhāsitā parikalpitasvabhāvākārā veditavyā | Asaṅga, Mahāyāna-Sūtrālaṃkāra, ed. Sylvain Lévi (Paris: Librairie Honoré Champion, 1907), xi.15. Hán dịch tương đương: 偈曰。如彼起幻師。譬說虛分別。如彼諸幻事。譬說二種迷。釋曰。如彼起幻師譬說虛分別者。譬如幻師依呪術力變木石等以為迷因。如是虛分別依他性亦爾。起種種分別為顛倒因。如彼諸幻事譬說二種迷者。譬如幻像金等種種相貌顯現。如是所起分別性亦爾。能取所取二迷恒時顯現。(Bồ Tát Vô Trước, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận [大乘莊嚴經論], Ba-la-phả-mật-đa-la dịch Hán, Đại 31, số 1604, 611b20-27).
[20] yathā tasmin na tadbhāvaḥ paramārthas tatheṣyate | yathā tasyopalabdhis tu tathā saṃvṛtisatyatā ||
yathā tasmin na tadbhāvo māyākṛte hastitvādyabhāvas tathā tasmin paratantre paramārtha iṣyate parikalpitasya dvayalakṣaṇasyābhāvaḥ | yathā tasya māyākṛtasya hastyādibhāvenopalabdhis tathābhūtaparikalpasya saṃvṛtisatyatopalabdhiḥ | Asaṅga, MSA, xi.16. Hán dịch: 偈曰。如彼無體故。得入第一義。如彼可得故。通達世諦實。釋曰。如彼無體故得入第一義者。如彼謂幻者幻事無有實體。此譬依他分別二相亦無實體。由此道理即得通達第一義諦。如彼可得故通達世諦實者。可得謂幻者幻事體亦可得。此譬虛妄分別亦爾。由此道理即得通達世諦之實。(Vô Trước, Trang Nghiêm Kinh Luận, 611b28-c06).
[21] Nhiếp Đại Thừa Luận Bổn: 此中生死謂依他起性雜染分。涅槃謂依他起性清淨分/ trong đây, sinh tử nghĩa là phần ô nhiễm của y tha khởi, niết bàn nghĩa là phần thanh tịnh của y tha khởi.
[22] tatvaṃ yat satataṃ dvayena rahitaṃ bhrānteś ca saṃniśrayaḥ śakyaṃ naiva ca sarvathābhilapituṃ yac cāprapañcātmakam | jñeyaṃ heyam atho viśodhyam amalaṃ yac ca prakṛtyā matam yasyākāśa-suvarṇa-vāri-sadṛśī kleśād viśuddhir matā || Asaṅga, MSA, XI.13. Có thể tham khảo bản Hán dịch, mặc dù khá khác biệt về cấu trúc: Vô Trước, Trang Nghiêm Kinh Luận, 611a27tt.
[23] Stefan Anacker, Seven Works of Vasubandhu: The Buddhist Psychological Doctor, Rev. ed. (Delhi: Motilal Banarsidass, 2005), 289.
[24] Xem thêm McNamara, "On the Status of the Trisvabhāvanirdeśa in Contemporary Conceptions of Yogācāra Thought"; Åke Boquist, Trisvabhāva: A Study of the Development of the Three-Nature-Theory in Yogācāra Buddhism (Sweden: University of Lund, 1993), 122.
[25] kalpitaḥ paratantraśca jñeyaṃ saṃkleśalakṣaṇam | pariniṣpanna iṣṭastu vyavadānasya lakṣaṇam || Vasubandhu, Trisvabhāvakārikā, k. 17.
[26] arthatattvaprativedhe yugapal lakṣaṇatrayam | parijñā ca prahāṇaṃ ca prāptiś ceṣṭā yathākramam || Trisvabhāvakārikā, k. 31.