CON NGƯỜI SỐNG VỚI BAO NHIÊU LOẠI THỰC TẠI ?
Tuệ Thiện
CON NGƯỜI SỐNG VỚI BAO NHIÊU LOẠI THỰC TẠI
Con người sống trong hai thế giới: thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Thế giới bên ngoài được hợp thành bởi những thực tại vật chất mà con người có thể nhận diện, hay biết qua năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Còn thế giới bên trong được cảm nhận bằng giác quan nào? Chính là bằng ý thức, đó là sự khám phá của tâm lý học Phật Giáo. Như vậy con người có 6 giác quan mà đối tượng là Lục Trần hay sáu Ngoại xứ. Cách đây hơn 2550 năm Đức Phật dạy như thế đã là một sự vén màn vô minh cho nhân loại. Nhưng ở thế kỷ XXI, chỉ lập lại như thế thì thật là xấu hỗ cho người con Phật. Chúng ta phải bổ túc kiến thức phật học bằng những phát minh của khoa học để hiểu rõ bản chất và ích lợi của các Ngoại xứ.
1/ Sắc xứ (ruparammana):Là đối tượng của mắt. Mắt nhìn thấy cái chi?
-Màu sắc, tri giác màu sắc là một kiến tạo của hệ thần kinh, một sinh hoạt tinh anh, khó diễn tả nhất. Làm thế nào để định nghĩa màu sắc? Có 2 cách: một là dùng độ dài sóng (đặc tính vật lý) để mô tả như màu Tím tương ứng với độ dài sóng là 400-450nm/ Màu xanh da trời tương ứng với 450-500nm/ Màu xanh lục là 500-570nm/ Màu vàng từ 570-590nm/ Màu cam từ 590-620nm/ Màu đỏ từ 620-700nm. Mắt con người chỉ nhìn thấy trong khoảng độ dài sóng từ 400-700nm ( giữa cực tím và hồng ngoại) Trong khoảng đó con người phân biệt được 150 màu khác biệt.Chúng ta thật không đủ ngôn ngữ để diễn tả tất cả các màu.Cách thứ 2 là dùng qui ước: như các màu sống là Đỏ, Lục, Xanh/ màu chết là Trắng, Đen, Xám.
-Hình thể và vật thể (formes et objets)
-Độ sáng chói (luminosité) tùy thuộc vào cường độ ánh sáng chiếu trên một mặt phẳng và sự phản chiếu ánh sáng của mặt phẳng đó, đồng thời khả năng nhận diện sự tương phản (contraste) nghĩa là sự khác biệt cường độ chói sáng của 2 bình diện đặt cạnh nhau.
-Không gian: làm sao mắt con người có thể ghi nhận được không gian 3 chiều trong khi võng mô chỉ được cấu tạo để nhận diện được chiều ngang và chiều đứng mà không có chiều sâu?
-Cử động: cảm nhận các cử động rất quan trọng trong sự sống còn của con người và trong sự thích ứng với môi trường chung quanh đầy những xung động và nguy hiểm.
2/ Thinh xứ (saddarammana): đối tượng của tai là âm thanh.
Âm thanh được qui định bởi 3 đặc tính :
-Tần số chỉ định tính cách Trầm (grave) hoặc Bổng (aigu) của âm thanh. Con người chỉ nghe được những âm thanh từ 20 tới 16.000 Hz
-Biên độ là cường độ của âm thanh được đo lường bằng đơn vị dB (décibel) Con người nghe được cường độ từ 20 (tiếng nói thì thầm) đến 100 dB (tiếng chát chúa điếc tai).
-Giai đoạn phát khởi biểu hiện vị trí của vật phát sóng lúc nó bắt đầu rung động.
3/ Hương xứ (Gandharammana) : đối tượng của mũi là mùi hương, ở thể hơi.
Người ta tổng kê được khoảng 31 mùi hương, một số liên quan đến các mùi phát ra từ cơ thể con người. Khứu giác của con người không hiệu quả vì mũi nó quá nhỏ so với loài vật, nhất là so với loài chó có một cái mõ rất dài. Con người chỉ có 10 triệu thụ thể khứu giác (récepteur olfactif) trong khi con chó có 1 tỷ thụ thể. Ở con người khả năng nhận được các mùi ngày càng yếu đi vì ngoài các mùi có trong thiên nhiên, con người còn tạo thêm nhiều mùi nhân tạo. Nếu được yêu cầu định danh nhiều mùi khác nhau, con người định được dưới 50%. Sự khó khăn không phải do cơ quan khứu giác, nhưng do khả năng không nhớ được hết tên gọi các mùi.
Con chó có thể nhận diện được những triệu chứng báo trước của bịnh kinh phong để thông báo cho chủ phòng ngừa vài phút trước khi lên cơn, hoặc nó có thể nhận diện được mùi của người bị bịnh ung thư, chưa kể mùi của những chất ma túy cất dấu trong các kiện hàng.
4/ Vị xứ (rasàyatana): đối tượng của lưỡi là các vị và là những chất phải hòa tan trong nước. Theo qui ước có 6 vị chánh: mặn, ngọt, đắng, cay, chua, béo. Cơ quan cảm nhận vị là các thụ thể nằm trong các gai trên lưỡi. Trẻ em có khoảng 10.000 gai, còn người lớn có khoảng 2.000. Cơ chế cảm nhận các vị không được rõ ràng, cũng như rất khó mà qui định ngưỡng cửa cảm giác cho mỗi vị.Các tác giả xưa như ông Hänig 1901 cho rằng mỗi vị sẽ được nhận diện bởi 1 vùng nhất định trên lưỡi như chẳng hạn vị ngọt sẽ được nhận định bởi đầu lưỡi và phía sau lưỡi, nhưng điều nầy đã bị phủ nhận bởi các nhà khoa học tân thời như Virginia Collins năm 1974 và Linda Bartoshuk năm 1993. Tại sao có người thích ăn ngọt, người khác lại thích ăn mặn. Điều nầy được xác nhận chung là do di truyền và ngoài ra còn những yếu khác như văn hóa, kinh nghiệm cá nhân; nhưng sự ưa thích nầy có thể thay đổi bởi một kinh nghiệm đau bịnh, khổ sở nào đó trong cuộc sống.
5/ Xúc xứ (photthabbàyatana)
Da là một bộ phận rất quan trọng của cơ thể sinh vật. Nó đảm nhận nhiều nhiệm vụ đặc biệt :
-Da là cơ quan của xúc giác giúp con người cảm nhận được 4 loại cảm giác: nóng/lạnh, cứng/mềm, đau/sướng, chuyển động/bất động;
-đồng thời da có nhiệm vụ che chở, bảo vệ con người khỏi thương tích do đụng chạm, khỏi cháy phỏng do tia cực tím hay hóa chất, khỏi sự mất nước, khỏi nhiễm trùng.
-Ngoài ra da có nhiệm vụ trong sự điều hòa thân nhiệt, nhờ tiết ra mồ hôi, làm co mạch máu hoặc giãn mạch ở dưới da.
-Da có nhiệm vụ trong sự điều chế vitamine D để giúp xương hấp thụ chất Calcium, điều chế mélanine và kératine, trong sự sản xuất tóc, lông, móng...
-Cảm giác chuyển động/bất động bao gồm trong cảm giác Bản thể (proprioception) cho ta biết vị trí của cơ thể trong không gian và đồng thời điều chỉnh tự động các cử động của thân thể và tay chân. Đó là nhờ những thụ thể có mặt trong bắp thịt, gân, xương và các khớp gởi những tín hiệu thần kinh lên óc não và tiểu não.
6/ Pháp xứ (dhammàrammana) còn gọi là pháp giới, pháp trần, cảnh trần là đối tượng của ý thức. Nó có thể là vật chất hoặc tinh thần/có thể là quá khứ, hiện tại, vị lai/có thể là hiện thực, tưởng tượng hay ảo tưởng.
Thế giới bên ngoài được hình thành bởi những thực tại vật chất được phân chia thành 3 loại:
a) Thực tại Qui ước do con người đặt tên riêng lẽ từng cái như cái nhà, chiếc xe, lời ru, tiếng hát...hoặc đặt tên chung thành từng nhóm như phương hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới/ Thời gian: giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm/ Biểu tượng: lá cờ, quốc ca, logo...
b) Thực tại Cùng tột trong ý nghĩa là không thể phân tách vì khi phân tách nó không còn là chính nó: chẳng hạn tế bào hoặc vi trùng là đơn vị hữu cơ nhỏ nhứt có sự sống hay những chất vô cơ trong bảng Tuần Hoàn các nguyên tố hóa học của khoa học gia Mendeleïev công bố năm 1869, lúc đó chỉ có 80 nguyên tố, ngày nay đã lên đến 118 nguyên tố.
c) Thực tại Ngoại-cảm-giác: sở dĩ gọi là ngoại cảm giác vì giác quan con người rất yếu, có khi thua cả loài vật như khứu giác thua loài chó, thị giác thua loài chim ăn đêm, xúc giác thua loài dơi...do đó có những thực tại mà con người không nắm bắt được mặc dù chúng hiện hữu thực sự. Trong trận tsunami năm 2004, người ta tìm thấy rất ít xác thú vật bị chết vì chúng đã chạy trốn lên rừng núi hết cả, do cảm nhận được hiểm nguy bằng chính giác quan của chúng, trong khi loài người bị chết hơn 200.000 người.
Thế giới bên trong bao gồm các thực tại phi-vật-chất (réalité immatérielle) chỉ có thể tiếp cận và trải nghiệm trực tiếp bởi đương sự, không ai có thể xác nhận là có thật. Ngay cả đương sự đôi khi cũng không cảm nhận hay nắm bắt được, trừ khi đã được luyện tập vững chắc bằng phương pháp nội quán (thiền Quán). Đó là cách duy nhất để tự tìm hiểu chính mình. Kết quả là chúng ta có thể nhận diện được những thực tại tâm lý qui ước như những cảm giác dễ chịu hay khó chịu của thân và của tâm (vui buồn, đau đớn, khổ sở hay sung sướng, hạnh phúc), những tình cảm, cảm xúc thương ghét, thù hận hay dửng dưng, những trạng thái của tâm, những ý định của tâm hay những đối tượng thiên hình vạn trạng của nó. Ngoài ra tâm lý học Phật giáo còn cho biết sự hiện hữu của 121 loại tâm và 52 thành phần phụ thuộc của chúng (tâm sở). Đó là những thực tại tâm lý cùng tột không thể phân chia.
Đến đây cần phải kể đến những thực tại Tâm Linh xảy ra ngoài tầm tay bình thường. Đó là những trải nghiệm của những vị đã chứng đắc Thiền, Thần thông, Đạo quả hay những linh ứng xảy ra với những vị được Thiên chúa thiên khải như: Abraham, Moïse, Mohammed, thánh Paul, thánh Martin, thánh François d'assise...hay với 3 em bé chăn cừu ở Fatima (François, Jacinthe, Lucie) được Đức Mẹ Maria hiện cho thấy 6 lần năm 1917. Các nhà khoa học ngày nay gọi là những thực tại Xuất Thần (réalité intuitive extraneuronale)
Có bao nhiêu loại thực tại ?
2/- Theo phạm trù Thực Ảo :
- Hiện thực : tương ứng với một tri giác đúng thực tại, có thể kiểm chứng bằng một người khác độc lập, khách quan.
- Ảo tưởng(réalité virtuelle).
-Vừa thực vừa ảo (réalité augmentée). (Thí dụ năm 2017, ứng cử viên tổng thống Pháp Jean Luc Mélenchon đã xuất hiện cùng một lúc ở 2 nơi khác nhau Lyon và Paris để diễn thuyết cho được đông người nghe.Thực ra ở Paris ông chỉ hiện hình một cách ảo tưởng bằng kỷ thuật hollogramme.
Sự hiện hữu của những thực tại ngoại-cảm-giác làm cho con người khiêm tốn hơn khi biết rằng giác quan của mình còn thua cả những con thú và những lý luận cho rằng “tôi phải thấy, nghe, sờ đụng được thì mới tin” là có thật thì không còn đúng nữa. Những thực tại xuất-thần mỡ ra cho con người một con đường vượt thoát, vươn lên những cõi thoát trần để không còn bị trói chặt trong cõi đời hạn hẹp trăm năm.
TUỆ THIỆN
(20/10/2021)