Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục đề cập đến điều tâm niệm thứ hai, trong nguyên tác Hán văn chép điều này là “Xử thế bất cầu vô nan” (處世不求無難) và được giải thích là: “Thế vô nan tắc kiêu xa tất khởi.” (世無難則驕奢必起). Hòa thượng Trí Quang ghép cả hai ý này để dịch trọn thành một câu là: “Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.”
Trong chữ Hán, hai ý nghĩa nan (khó khăn) và nạn (tai nạn, hoạn nạn) đều được diễn đạt bằng cùng một chữ 難 và có thể đọc là nan hay nạn đều được. Vì thế, trong câu này chúng ta cũng có thể hiểu cụm từ “vô nan” theo cả hai ý nghĩa, hoặc là không có khó khăn, hoặc là không có hoạn nạn.
Người Anh có câu ngạn ngữ: “Life is not a bed of roses.” - Cuộc sống không phải bao giờ cũng dễ dàng. Đó là một thực tế. Dù là con người ở phương Đông hay phương Tây, dù là cách đây hàng ngàn năm hay ngay trong thời hiện đại này, chúng ta vẫn luôn phải đối diện với thực tế ấy. Vì thế, việc mong cầu cho cuộc sống này không gặp khó khăn hay không bao giờ trải qua hoạn nạn, chắc chắn chỉ là một mong ước hão huyền và không bao giờ có thể trở thành sự thật. Điều tâm niệm thứ hai khuyên ta: “Ở đời chẳng cầu không gặp khó khăn”, và như thế rõ ràng đây là một quan điểm hết sức thực tế.
Điều hết sức hiển nhiên là bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều phải chấp nhận đối diện với khó khăn trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình, nên tâm lý sẵn sàng chấp nhận, không tránh né bao giờ cũng giúp ta có được ưu thế của người chủ động, thay vì để cho hoàn cảnh đẩy ta vào tư thế của người luôn phải giải quyết hậu quả của những chuyện đã rồi.
Nếu chưa tin vào điều này, quý vị có thể nhìn lại chính cuộc đời mình. Ngay cả trong giai đoạn êm ả nhất của đời người là thuở ấu thơ, liệu chúng ta có khi nào được sống một thời gian nào đó thực sự không gặp bất kỳ khó khăn nào chăng? Nếu quý vị cũng giống như tôi và bao nhiêu người khác, câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Ngay cả những bài học đầu đời cũng đòi hỏi chúng ta rất nhiều nỗ lực để vượt qua. Hãy nhìn các em bé lần đầu tiên được đưa đến trường mẫu giáo. Đối với các em, thật không dễ dàng chút nào khi phải bắt đầu làm quen với một môi trường mới. Nhiều em bộc lộ rõ sự sợ hãi, hốt hoảng; một số em khác cố sức bày tỏ sự phản đối. Nhưng điều tất nhiên là chúng ta vẫn phải buộc các em chấp nhận môi trường mới, vì ta biết chắc những khó khăn đó rồi sẽ được các em vượt qua. Tuy nhiên, cần nhắc lại điều này để thấy rằng, ngay từ những giai đoạn đầu tiên đến với cuộc đời thì con đường duy nhất để trưởng thành của mỗi chúng ta đều là phải vượt qua khó khăn. Mà khó khăn thì luôn hiện hữu trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Hay nói khác đi, đó là điều kiện tất yếu để mỗi chúng ta có thể thực sự trưởng thành.
Tôi nhớ những ngày đầu mới học bơi. Thật khủng khiếp và đầy thách thức, đến nỗi nhiều hôm tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Cảm giác hãi hùng những lúc hụp xuống nước và sặc liên tục làm tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, trong khi cố quẫy đạp thế nào thân thể cũng chẳng chịu nổi lên... Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng có thể bơi được, dù không giỏi lắm. Điều tất nhiên là khi nhớ lại bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, đều có những khó khăn nhất định mà ta đã từng vượt qua. Đối với người khác, có thể đó chỉ là những điều vụn vặt không đáng nói - như chuyện học bơi của tôi chẳng hạn - nhưng đối với chính bản thân ta thì mỗi một lần vượt qua khó khăn như thế đều là một kỳ tích khó quên. Và sự trưởng thành của mỗi chúng ta đều là sự nối dài và lặp lại của vô số những kỳ tích như thế.
Nhìn từ góc độ này, những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua trong cuộc sống không chỉ là điều đương nhiên phải chấp nhận, mà còn là điều kiện tất yếu để giúp ta trưởng thành, phát triển mọi kỹ năng của mình.
Như vậy, chúng ta đã thấy được rằng khó khăn chướng ngại là cần thiết để rèn luyện và học hỏi trong cuộc sống. Nhưng tất nhiên không phải lúc nào ta cũng phải sống trong khó khăn, chướng ngại. Vậy những khi không có khó khăn chướng ngại trong cuộc đời thì sao? Bản Hán văn nói rằng, những lúc ấy thì “kiêu xa tất khởi” (驕奢必起), nghĩa là sự kiêu căng tự mãn và xa hoa phung phí tất yếu sẽ sinh khởi.
Kiêu căng tự mãn là vì thấy rằng mọi việc đều dễ dàng đối với mình, từ đó khởi tâm cho rằng mình tài giỏi hơn người khác - những người đang phải vật lộn với khó khăn chướng ngại. Xa hoa phung phí vì khi sự mưu sinh dễ dàng thì người ta không biết quý tiếc, trân trọng đối với những giá trị vật chất mình đang có. Sự khởi sinh những tâm lý này dường như là tất nhiên trong hoàn cảnh mà cuộc sống luôn xuôi chèo mát mái và chúng ta liên tục dễ dàng gặt hái từ thành công này đến thành công khác. Đây cũng chính là nguyên nhân hư hỏng của vô số những “cô chiêu cậu ấm” được lớn lên trong sự nuông chiều thái quá của các gia đình giàu có, quyền thế. Thật đáng buồn là chính vì thế mà thay vì tận dụng được “lợi thế hơn người” ngay từ lúc mới bước vào đời, thì những đứa con được nuông chiều này lại trở thành những gánh nặng cho xã hội vì sự hư hỏng của chúng. Trong trường hợp hoàn cảnh gia đình sa sút, suy sụp, thì chúng thực sự không đủ khả năng để tự mình vươn lên trong cuộc sống cạnh tranh công bằng, và vì thế thường có một kết cục không mấy tốt đẹp.
Mặc dù có phần chắc chắn là chưa hề tiếp cận với những ý nghĩa này trong mười điều tâm niệm, nhưng dường như hầu hết những người khôn ngoan giàu có đều đã hành xử theo cách cho thấy họ hiểu rất rõ điều này. Tỷ phú Bernard Marcus nói: “Một trong những điều tồi tệ nhất mà cha mẹ làm với con cái là cho chúng quá nhiều thứ, đến nỗi chúng không có cơ hội để thành công hay thất bại bằng chính năng lực của mình.” Đồng quan điểm này, tỷ phú Bill Gates nói: “Tôi nghĩ rằng tôi không nên để lại nhiều tiền cho con cái. Điều đó sẽ không tốt cho chúng và cả xã hội.” Và không chỉ nói suông, ông đã thực hiện điều đó bằng việc hiến tặng phần lớn khối tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện xã hội thay vì giữ lại cho con cái mình. Hơn nữa, ông còn nhắc lại lời một tỷ phú khác, ông Warren Buffett, mà ông thừa nhận là phù hợp với suy nghĩ của ông. Warren Buffett đã viết câu này trong một bài báo vào năm 1986: “Tôi nghĩ rằng để lại cho những người trẻ tuổi một khối tài sản khổng lồ không phải là điều tốt.”
Hầu hết chúng ta đang làm điều ngược lại khi muốn “ủ ấm” con cái mình để tránh cho chúng hết thảy mọi khó khăn trong cuộc sống. Từ những ý nghĩa học được trong điều tâm niệm này, chúng ta rất cần phải thay đổi quan điểm trong việc giáo dục con cái.
Một trong những đức tính quý báu nhất của con người là tính khiêm cung, luôn biết tôn trọng người khác. Khi sự kiêu căng tự mãn khởi sinh thì nó giết chết đi đức tính này trong ta. Thay vì tôn trọng người khác, ta sẽ luôn nghĩ mình là tài giỏi và người khác là kém cỏi hơn mình. Điều này không giúp ta thực sự trở nên cao quý hơn bất kỳ ai, mà ngược lại nó biến ta thành kẻ hợm hĩnh, khoe khoang và đánh mất đi khả năng hòa nhập, gần gũi với mọi người quanh ta. Nguy cơ này chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều đối với những ai thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Mặt khác, xa hoa phung phí là một hệ quả khác cũng không kém phần nguy hiểm đối với một đời sống dễ duôi, trôi chảy. Do không nhận thức được những khó khăn của người phải tự làm ra của cải vật chất, những kẻ sống trong môi trường thuận lợi về vật chất của cải thường rất dễ rơi vào khuynh hướng tiêu pha phung phí, chạy theo nếp sống xa hoa với sự tốn kém tiền bạc nhiều khi hoàn toàn vô nghĩa. Điều này không hẳn là vô hại như nhiều người vẫn tưởng, vì thật ra nó biểu hiện rõ tính ích kỷ, không biết quan tâm đến người khác, cụ thể là những người không được may mắn như mình. Nhiều hình ảnh minh họa rõ nét có thể dễ dàng tìm thấy trong giới showbiz hiện nay. Với tiền bạc kiếm được một cách dễ dàng từ công chúng, họ sử dụng theo những cách mà người bình thường khó lòng tưởng tượng nổi. Chỉ cần vào Google gõ bốn chữ “túi xách tiền tỷ”, chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi thấy những người sở hữu chúng không phải các doanh nhân thành đạt mà chỉ toàn là các ngôi sao showbiz. Và để có thể hình dung cụ thể, chỉ riêng một chiếc túi xách của họ đã trị giá đến 2,5 tỷ đồng Việt Nam - một số tiền có thể làm được hàng khối việc giúp nâng cao đời sống của biết bao người nghèo khó. Nhưng không chỉ riêng một người, rất nhiều “sao” không chịu thua kém nhau về khoản xa hoa này. Trong một bức ảnh, người ta nhìn thấy cả bốn “sao” chụp chung với 4 chiếc túi trị giá khoảng 10 tỷ đồng Việt Nam, và dường như điều này không nói lên được ý nghĩa gì tốt đẹp xét trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều người khó khăn nghèo túng...