Chủ đề chia sẻ của lá thư tuần này là điều tâm niệm thứ tư trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指): Lập hạnh bất cầu vô ma (立行不求無魔). Nguyên bản Hán văn giải thích điều tâm niệm này là: Hạnh vô ma tắc nguyện bất kiên (行無魔則誓願不堅). Hòa thượng Trí Quang dịch trọn hai ý này trong một câu là: “Sự nghiệp đừng cầu không bị trở ngại, vì không bị trở ngại thì chí nguyện không kiên cường.”
Chữ 行 trong Hán văn có hai cách đọc gần nhau, nghĩa khác nhau. Đọc là hành mang nghĩa là đi, di chuyển, như hành quân, vi hành; hoặc thực hiện, làm điều gì, như trong hành động, hành vi... Đọc là hạnh mang nghĩa tính nết, phẩm hạnh, như trong chữ đức hạnh (德行). Khi điều tốt, nết tốt còn được nuôi dưỡng trong tâm ý thì gọi là đức, khi được thực hiện thì gọi là hạnh. Ví như có ý muốn giúp người thì đó là đức, thực sự bắt tay vào việc giúp đỡ thì đó là hạnh.
Trong câu này có vài khái niệm cần tìm hiểu trước khi có thể hiểu được trọn vẹn ý câu. Lập hạnh (立行) nghĩa là xác lập một khuynh hướng tốt đẹp nào đó mà mình sẽ kiên trì thực hiện theo, nhằm một mục đích nào đó. Như ngài Ca-diếp, đại đệ tử của đức Phật ngày xưa, được biết là người lập hạnh đầu-đà, tức là ngài chọn cách tu khổ hạnh, chấp nhận những điều kiện khó khăn, khổ nhọc để rèn luyện tu tập - nhưng xin lưu ý là hoàn toàn không phải cách tu chỉ biết khổ hạnh của ngoại đạo. Ví như một người lập hạnh bố thí, có nghĩa là người ấy chọn pháp bố thí làm khuynh hướng tu tập chính. Hòa thượng Trí Quang dịch hai chữ “lập hạnh” thành “sự nghiệp”, là cách dịch hoàn toàn thoát ý, để chỉ cho khuynh hướng hành động, phát triển tạo thành sự nghiệp của một người. Trong sự tu tập, chúng ta nên hiểu theo nghĩa phẩm hạnh như trên; trong đời sống thì nên hiểu việc lập hạnh là xác lập một khuynh hướng sống và làm việc như thế nào, còn sự nghiệp là nói đến kết quả của sự lập hạnh đó.
Hạnh (行) đi đôi với nguyện (願), vì hạnh là xác lập khuynh hướng, đường lối, còn nguyện là xác lập ý chí, quyết tâm sẽ thực hiện theo khuynh hướng, đường lối đó. Chẳng hạn như người lập hạnh bố thí là xác định khi có cơ hội sẽ sẵn sàng phân phát, chia sẻ, tài vật hiện có của mình đến với kẻ khó khăn, nghèo túng. Nhưng khi thực hiện việc bố thí ắt không tránh khỏi những khó khăn, cản trở, nếu không có quyết tâm, ý chí thì sẽ có nhiều trường hợp không thể vượt qua để thực hiện điều mình muốn. Vì thế, người ấy cần có một nguyện lực kiên cố, tức là một ý chí vững vàng, kiên quyết, cho dù có gặp bất kỳ sự khó khăn trở ngại nào cũng sẽ nỗ lực thực hiện cho bằng được việc bố thí. Cho nên, có thể nói việc lập hạnh có hiệu quả trong thực tế hay không là tùy thuộc vào nguyện có đủ kiên cố hay không. Bởi không có nguyện lực kiên cố thì khi gặp đôi chút khó khăn, trở ngại, hành giả tất yếu sẽ thối lui mà không hoàn tất được tâm hạnh của mình.
Chữ ma (魔) mang nghĩa ma chướng, ma quỷ... Trong ngữ cảnh này, chúng ta nên hiểu đó là những gì đi ngược lại hoặc gây trở ngại cho việc làm chân chánh. Vì thế, khi ta phát tâm làm một điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho mọi người thì những khuynh hướng đi ngược lại, ngăn trở việc ấy đều được xem là ma chướng.
Chẳng hạn, quý vị nhận biết sức khỏe mình đang có vấn đề và muốn rèn luyện thể lực nhiều hơn bằng cách dậy sớm tập thể dục đều đặn. Ngay vào thời điểm thức giấc buổi sáng, trước khi bước chân xuống giường quý vị cảm thấy có một khuynh hướng trì kéo lại. Khuynh hướng ấy nói với quý vị: “Vẫn còn sớm chán, mình có thể nằm thêm mười phút nữa vẫn được mà...” Chính cái khuynh hướng uể oải, lười nhác hoặc trì trệ đó luôn có mặt trong mỗi người chúng ta, và nó chống lại sự siêng năng, tinh tấn, tích cực thực hiện những điều tốt đẹp. Khuynh hướng đó chính là ma được nói đến ở đây, chứ không phải những con ma mặc áo trắng xõa tóc dài như trong những câu chuyện ma ta vẫn thường nghe kể...
Như vậy, trọn câu trên có thể được dịch là: “Lập hạnh đừng cầu không ma chướng, vì không ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.”
Lập hạnh là bước đầu tiên trên con đường tu tập, hay nói khái quát hơn là con đường hướng thượng. Chưa lập hạnh thì cũng giống như người bước lên đường mà chưa xác định sẽ đi đến đâu, hoặc chỉ biết tên đích đến nhưng chưa quyết định phải đi theo con đường nào. Tâm trạng lúc ấy là một tâm trạng mơ hồ, chưa dứt khoát, và do đó chưa thể có sự quyết chí lên đường. Và như trên đã nói, người đã lập hạnh và muốn thực hành hiệu quả trong thực tế thì trong tâm trước phải có đức. Không có đức trong tâm làm gốc thì hạnh ấy không do đâu mà thể hiện ra bên ngoài, hoặc có thể hiện thì cũng rơi vào sự lệch lạc như cầu mong danh lợi, tiếng tốt... mà không thực sự hướng đến ý nghĩa tốt đẹp nhất của tâm hạnh ban đầu.
Đức hạnh thì có rất nhiều, mỗi người có thể chọn một hoặc nhiều đức hạnh làm chí hướng noi theo. Như trong kinh điển thường nói, vị tỳ-kheo có đến ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Tế hạnh là những hạnh rất nhỏ nhặt, vi tế, ý muốn nói rằng bậc xuất gia phải tu tập rất nhiều các tế hạnh như vậy. Trong thực tế, người xuất gia trước hết là người tu hạnh (修行 - ta vẫn quen đọc là tu hành, không chính xác), tức là đặt nặng ở việc thực hiện và tu sửa những đức hạnh của mình, vì chưa tu hạnh thì có nghĩa là chưa thực sự bước chân lên con đường xuất gia.