Thư Viện Hoa Sen

Một vài lợi ích của Thiền Phật giáo đối với đời sống con người

09/12/20215:35 CH(Xem: 5794)
Một vài lợi ích của Thiền Phật giáo đối với đời sống con người
MỘT VÀI LỢI ÍCH CỦA THIỀN PHẬT GIÁO
ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
(ĐĐ. Thích Chánh Đức)

ngoithien_02Tóm tắt: Trong những thập niên qua, giá trị thiền định Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến phương Đông lẫn phương Tây, không chỉ khép kín trong phạm vi tôn giáo, tự việnthiền định được ứng dụng nhiều phương diện trong phạm vi rộng của đời sống con người. Vào thế kỷ XXI, nhân loại bước vào kỷ nguyên đầy biến động với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Nhìn tổng thể, đời sống vật chất được nâng cao đáng kể nhưng tinh thần có nhiều mối lo về tai hoạ dịch nạn. Trong bối cảnh đó phương pháp tu tập thiền định Phật giáo đã đáp ứng phần nào về mặt đạo đức, môi sinh và giá trị lợi ích của tự thân, góp phần mang lại những giá trị lợi ích to lớn cho xã hội. Giá trịlợi ích mà thiền mang lại cho con người được mô tả trong kinh tạng và các công trình khoa học hiện đại. Trong khuôn khổ bài này, người viết đưa ra những khái niệm và mục đích của thiền định đồng thời làm sáng tỏ giá trị thiền với đời sống con người.

THIỀN LÀ GÌ?

Trong hệ thống kinh tạng Nikāya và Đại thừa Phật giáo, thiền định được đề cập trên dưới năm mươi bài kinh. Khái niệm thiền (禪) trước hết viết đủ là thiền na (禪那), phiên âm từ Phạn ngữ (S) là Dhyāna, Pāli (P) Jhāna, người Nhật gọi là Zen, Anh ngữ là Meditation; với nghĩa chính là tĩnh lự (靜慮), hay tư duy, suy xét về một đối tượng trong tâm thức, mục đích đạt kinh nghiệm tỉnh giác, giải thoátgiác ngộ [1; tr.617]. Ngoài chữ jhāna, dhyāna và bhāvanā, jhāna có động từ jhāpeti với ý nghĩa thiêu đốt, thiêu đốt các pháp đối nghịch là năm triền cái, làm tiêu huỷ phiền não, những yếu tố ngăn ngại sự phát triển tuệ trong tâm [2; tr.31].

Tiến sĩ Muller trong quyển Dictionary của East Buddhist Terms cho rằng: “Thiền định là tiếng ghép đôi, từ chữ Phạn là “thiền” (samādhi), chữ Hán dịch là “định” có nghĩa là quay nhìn vào bên trong, với trạng thái tĩnh lặng” [3; 460]. Từ “jhāna” có mối liên hệ mật thiết đến danh từ “samādhi”, thiền định hợp chung có thể hiểu là phương pháp tu nhằm tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không để tâm tán loạn, chân lý được sáng tỏ. Do vậy Thiền sư Suzuki tổng kết là do thiền mà nhập được định, nhờ định mà trí tuệ mới phát sanh [4; tr.126].

Thanh tịnh đạo luận giảng nghĩa Định (sammādhi) với nghĩa là sự tập trung. Tập trung là gì? Đó là sự xoay quanh (ādhāna) của tâm và tâm sở một cách đều đặn, chính đáng (sammā) vào một đối tượng duy nhất. Bởi vậy, nhờ đó mà tâm và tâm sở ở trong tình trạng quân bình, chánh đáng và đặt hết vào một đối tượng duy nhất không phân tán hay xao lãng [5; 158].

Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy thiền là sự tỉnh thức và luôn ý thức được những gì đang xảy ra trong cơ thể, trong tâm trí và cuộc sống hằng ngày của chính mình. Kinh tạng Pāli giảng rõ, thiền định chính là thiền chỉ (samatha bhāvanā) mục đích đoạn trừ năm chướng ngại; đó là năm triền cái (nīvarana). Trong giáo lý Bát thánh đạo (Atthangik ariya magga), nội hàm ý nghĩa thiền định bao hàm trong ba chi đó là Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Lục tổ Huệ Năng (638-713) trong Lục Bảo Đàn Kinh dạy: “Ngoại ly tướng tức thiền, nội bất loạn tức định”. Bên ngoài xa lìa hết các cảnh gọi là thiền, bên trong không loạn, gọi là định [6; tr.47]. Ngài Mã Minh (Aśvaghosha), 馬鳴, (80-150) trong tác phẩm Khởi Tín Luận Đại thừa phần Tu hành tín tâm, Ngài dạy pháp môn Chỉ quán mục đích xa lìa các cảnh, căn tiếp xúc với trần mà không vướng kẹt, chấp trước [7; tr.0582a06].

Hoà thượng Thích Chơn Thiện nói tổng quát như sau: “Định (sammādhi) thường được dùng cùng nghĩa với thiền định (jhāna) có nghĩa là sự vắng lặng, sự trầm tư. Từ ghép thiền định (jhāna- sammādhi) thường dùng để chỉ cái phương pháp làm cho tâm vắng lặng, đưa tâm đến trạng thái tập trung cao độ, thành cái nhất điểm của tâm. Nói đơn giảnthiền định là sư tu tâm, thiền định lấy gốc nghĩa ở từ bhàvanà nghĩa là sự tu tập, sự phát triển tâm linh” [8; tr.180].

LỢI ÍCH CỦA THIỀN QUA DỜI SỐNG TINH THẦNĐẠO ĐỨC TÂM LINH 

Đời sống thiền được biểu hiện đẹp qua lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật, biểu hiện ấy ngày nay chứng minh sự lợi ích không những trong khoa học mà còn giúp đời sống tinh thần của con người được ổn định, góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội. Mục đích thiền định là “con đường chánh niệm” (satipatthana), hay “con đường độc nhất” (ekayano-maggo) [9; tr.85]; con đường giải quyết các vấn đề tiêu cực của con người điều động bởi tham dục, sân hậnsi mê. Đức Phật dạy: “Bản tính tự nhiên của tâm là kết quả điều gì chúng ta nghĩ, do tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu người nói hay hành động với một tâm độc ác, khổ não sẽ theo sau như dấu vết của bánh xe kéo. Bản tính tự nhiên của tâm là kết quả điều gì chúng ta nghĩ, do tâm làm chủ. Nếu người nói lên hay hành động với một tâm thanh tịnh, hạnh phúc theo sau vị ấy, giống như bóng không rời hình” [10; tr.58].

Ở trong trạng thái của thiền, người ta mới nhìn thấy thế giới hiện tượng nằm trong quy luật vô thường, khổ và vô ngã (vipassana-wisdom); và chỉ khi ở trong trạng thái của thiền, người ta mới có khả năng đạt được tâm thanh tịnh (samatha). Muốn đạt trạng thái tâm an tịnh, người thực hành thiền không những nghe, học và nghiên cứu trên lý thuyết mà phải thực hành thiền thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassana) để chuyển hoá năm triền cái. Sự giác ngộmục đích cuối cùng của thiền định trong Phật giáo.

Lợi ích trong cuộc sống hiện tại của thiền Phật giáo là gì? Người thực tập thiền sẽ đạt được sự an tịnh nội tâm, buông bỏ sầu não, không còn lo lắng mối nhân duyên thế gian, từ đó thân tâm cân bằng hoà đồng xã hội. Người thực hành thiền khi đã thuần thục, đạt các nấc thang của định sẽ hưởng được an lạc nội tâm bất động ngay hiện tại, không còn ưu tư phiền não, quấy rầy của ngoại duyên chi phối. Hiện tại lúc đó, cuộc sống rất bình an, gọi là hiện tại lạc trú (ditthadhamma sukha vihārati). Đạt được lạc trú hiện tại, người ấy thích sống yên tĩnh, độc cư, an nhàn, thoát ly mọi nội kết và ràng buộc nhân duyên, lúc đó chư Thiên, Đế Thích luôn hộ trì và kính ngưỡng [11; tr.195]. Người thực hành thiền chứng Sơ thiền, hành giả chứng được hỷ lạc do ly dục sanh, Nhị thiền do định sanh, Tam thiền không có hỷ chỉ có xả niệm lạc trú, đến Tứ thiền với xả niệm thanh tịnh, mỗi hỷ lạc tuần tự vi diệu hơn hỷ lạc trước. Các hỷ lạc này không chi phối tâm của người hành thiền, trái lại làm cho tâm người hành giả hiện tại lạc trú. Như vậy, thiền đem lại hỷ lạc cho người hành thiền, hỷ lạctác động như món ăn, được gọi là xúc thực đem lại lạc quan, nỗ lực, tinh tấn, phấn chấn, nghị lực cho người hành thiền, chứ không phải đem lại bệnh hoạn, điên cuồng loạn tâm, chán đời, tiêu cực như người ta đã gán một cách sai lạc cho việc hành thiền [12; tr.48].

Lợi ích trong cuộc sống tương lai: “Một người thực tập thiền đã đoạn tận mọi gốc rễ khổ đau, niềm hỷ lạc nội tâm đến với người đó. Nhân hỷ lạc hiện tại là nền tảng tiến bộ tâm linh không những đời này mà còn cả đời sau” [13; tr.195].

Lợi ích đến với sự giải thoát tối thượng: “Thực hành thiền đưa đến mục đích cuối cùng đoạn tận khổ đau và chứng đạt Niết bàn. Thiền địnhcông năng đoạn trừ các tham dục, khiến cho ác ma không thấy đường đi lối về” [14; tr.37]. Khảo sát trong Kinh tạng Nikāya có đề cập đến lợi ích thiền, nhấn mạnh trên phương diện tuyệt đối mà đối tượng nghe pháp ở đây là chư vị Tỳ kheo, đệ tử của Ngài. Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy: “người thực hành thiền địnhcông năng thoát ly được sự chi phối của năm dục trưởng dưỡng; nghĩa là đoạn trừ năm món dục lạc thế gian. Đức Phật ví nếu vị Tỳ kheo đắm mê các dục trưởng dưỡng giống như con nai sống trong rừng mà bị sập bẫy…; trái lại vị Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp; chứng được bốn cấp độ thiền thì vị ấy đã vượt thoát khỏi tầm mắt ác ma” [15; tr.209]. Trong Kinh Tiểu Khổ Uẩn hay Kinh Bẫy Mồi, Đức Phật nói lên kinh nghiệm của mình khi chưa giác ngộ thì bị các dục chi phối, nếu khôngthiền định thì không thể đoạn trừ [16; tr.207]. Cũng trên nền tảng giảng dạy về thiền, Đức Phật dạy những vị thực hành thiền thì tâm không còn sợ hãi như trong Kinh Chư Thiên và Kinh Upāli. Từ những cảm xúc tiêu cực được đoạn trừ, sự hỷ lạc phát sinh và công đức từ đó lớn mạnh thân tâm được quân bình. Như vậy, thiền là phương pháp rèn luyện tư duy, tự thân giác ngộ đến một lúc mọi cơ cấu tinh thần ổn định, khi ấy nhận chân như thật về các pháp mà tâm bất thiện không sinh khởi.

Khi những cảm xúc như sự cảm thông, chia sẻ được sinh khởi, chúng tạo ra một nguồn năng lượng thương yêu tích cực, thúc đẩy chúng ta từ tư duy đến hành động trở nên tỉnh thức. Lời nói, việc làm luôn có chiều hướng xây dựng, yểm trợxoa dịu đau khổ. Nguồn năng lượng tinh thần phát sinh từ những cảm xúc tốt đẹp luôn hướng ta đến sự vươn lên hoàn thiện tâm hồnđời sống tràn đầy hỷ lạc.

LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐẾN SỨC KHỎE THỂ CHẤT 

Thiền định ngoài tác động đến lợi ích thân tâm, còn tác động đến não bộ con người. Các nghiên cứu khoa học về thiền Chánh niệm (mindfulness) đã cho thấy tác động của thiền định là do sự tương tác giữa hai chức năng thần kinhtâm lý.

Một cách tổng quát, công nănglợi ích của thiền ngoài việc đoạn trừ tam độc và năm triền cái, còn là tiến trình tu tập giúp tâm trí trong sáng, thân thể khoẻ mạnh. Đạo đức truyền thống có năm tiêu chuẩn nhận định về một cá nhân, là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nếu tình chí bị kích động quá mức, những sang chấn tinh thần sẽ gây ra sự mất quân bình về âm dương, khí, huyết, tạng, phủ mà gây ra các bệnh nội thương [17; tr.13-30]. Vì vậy trong y học cổ truyền, có năm loại tâm ảnh hưởng đến sức khoẻ đời sống: Nếu vui mừng quá hại tâm (hỷ thương tâm), nóng giận quá hại gan (nộ thương can), sầu muộn quá hại phổi (bi thương phế), lo lắng quá hại tỳ (ưu thương tỳ), sợ hãi quá hại thận (khủng thương thận). Vì những tính khí trên, chúng ta cần thực tập thiền Chánh niệm nhằm giữ sức khỏe bản thân, sống tỉnh giác, nuôi dưỡng lòng từ, trau dồi đức hạnh, cống hiến cho cộng đồngxã hội.

Thiền còn được xem là có năng lực trị liệu, cải thiện trí nhớ, tăng trưởng não bộ, điều hoà thân thể, lưu thông thần kinhhuyết mạch, có thể tránh và ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Bác sĩ Herbert Benson và cộng sự tại Đại học Harvard (Mỹ) thường khuyến khích mọi người thực tập thiền thư giãn. Ông chứng minh một người ngồi thiền 10 – 20 phút/lần, 2 lần/ngày, có thể thuyên giảm, phòng ngừa các chứng bệnh về tim, cao huyết áp, mất ngủ [18; tr.8]. Tác giả Jeseph B. Nelson công bố nghiên cứu qua bài viết ngày 24/7/2006 với tựa đề Thiền và quản lý bệnh tiểu đường (Meditation and art of Diabetes management), cho biết: Mỗi ngày ngồi thiền khoảng 20 phút sẽ làm bệnh nhân thư thái, yêu đời, giảm căng thẳng, ổn định tâm thần. Khi căng thẳng, nhịp tim không đều, phổi thở nhiều hơn, áp suất huyết áp cao, bao tử khó tiêu hoá, dẫn đến lượng đường trong máu gia tăng. Ngoài ra, khi tâm lý căng thẳng xuất hiện, hệ thần kinh giao cảm bị kích động, các tế bào tiết ra chất norepinephrine và nang thượng thận tiết ra chất epinephrine hay adrenaline; epinephrine làm tim và bắp thịt gia tăng hoạt động, hệ đối giao cảm vận hành làm tiết ra chất acetylcholine để quân bình cơ thể. Hệ thần kinh nội tiết sản xuất chất CRH (corticotrophinreleasing hormone) để duy trì thăng bằng. Chất CRH được truyền đến tuyến yên (pituitary gland). Tuyến yên tiết ra chất ACTH (adrenocorticotropic hormone). Chất này theo máu chuyển đến nang thượng thận để kích thích bộ phận này, nhằm tạo ra chất crotisol. Chất này có nhiệm vụ tái tạo sự quân bình cơ thể. Bác sĩ Benson cho rằng có từ 60-90% bệnh tật do căng thẳng mà ra. Căng thẳng nhiều khi biểu hiện ra nóng giận, nó là một tâm sở bất thiện trong Phật giáo, gây nên độc tố làm hư hoại thân và tâm. Ông nghiên cứukết luận, thiền giúp con người giảm bớt căng thẳng; mỗi cá nhân hãy tự trị liệu cho chính mình (self-care). Đức Phật rất khéo léo nhu nhuyến điều phục cảm xúc của mình làm cho chúng trở nên êm dịu, Kinh Pháp Cú số 222 dạy: “Ai điều được cơn giận, Như hãm xe chạy xe, Vị ấy đánh xe thật, người khác cầm cương hờ”. Như vậy, hai quan điểm qua kết quả nghiên cứu có sự trùng hợp [19; tr.50, Phụng Sơn (2015),tr.200].

Thực tập chánh niệm khiến não bộ chúng ta thay đổi. Bà Sharon Beglet và nhà thần kinh học Doidge trình bày luận điểm này trong tác phẩm Train your mind, change your brain. Các tác giả cho thấy, khi trạng thái tâm vui, buồn phản ánh chuyển động làm thay đổi các chất hoá học và luồng điện trong các tế bào thần kinh. Tác phẩm Bộ não của Phật của bác sĩ y khoa Mendius cho rằng: Não bộ là một mô nặng 1,3-1,4 kg, ước tính có 100 tỉ tế bào thần kinh; mỗi tế bào thần kinh tiếp nhận khoảng 5.000 kết nối, gọi là khớp nối thần kinh từ các tế bào thần kinh khác. Mỗi tế bào thần kinh thông thường truyền tín hiệu từ 5 đến 50 lần/giây [20; tr.21]. Như vậy, mức độ truyền thông tế bào thần kinh rất lớn, gần đây họ nghiên cứu cho rằng tính cách mềm dẻo, dễ thay đổi của bộ não (brain plasticity hay neuroplasticity) có thể thay đổi được qua sự tập luyện có chú ý; sự chú ý, tập trung có thể chuyển hoá não bộ [16; tr.94-104]. Bộ não chính là công cụ tác động và định hình quan trọng nhất của tâm. Tâm và bộ não tương tác với nhau sâu sắc tới mức chúng được nhận thức như một hệ thống tâm/bộ não thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau [13; tr.22]. Đạo Phật nhấn mạnh tính cách chủ động của tâm, bởi tâm có thô, có tế, công năng của tâm ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và hành động của con người. Như vậy, người thực tập thiền định, luôn chánh niệm là sợi dây kết nối giữa não bộ với tâm thức và ngược lại. Chỉ khi khéo léo chánh niệm mới thấy được sự đồng điệu thế giới bên trong và bên ngoài, hay là sự nhất như giữa danh và sắc (vật chấttinh thần của con người) bất nhất bất dị. Bởi bộ não chủ yếu học tập từ những gì chúng ta chú tâm tới, nên chánh niệmcon đường tiếp nhận những trải nghiệm tốt đẹp và biến chúng trở thành một phần của chính bản thân ta.

Những lợi ích vừa trình bày trên được chứng minh qua khoa học hiện đại và các nhà nghiên cứu, bác sĩthẩm quyền về thiền dưới cái nhìn khách quan. Người thực hành và trải nghiệm về thiền tự thân họ nếm trải pháp vị, như những gì Đức Phật đã tuyên thuyết.

Kết luận

Thiền Phật giáocon đường tối thượng nhổ tận gốc rễ khổ đau đưa đến an lạc đời này và đời sau; con đường mà chính Đức Phật đã đi qua, dựa trên nhận thức khổ đau giữa thế gian, từ đây dẫn dắt con người đi ra khổ, lìa tham ái, bỏ ngã chấp, tự thân chứng ngộ mới mẽ và giá trị.

Dòng chảy của tư duy hình thành nên khái niệm hữu ngã, có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, mất định hướng, hệ luỵ đến đời sống hằng ngày. Thiền định Phật giáo đặt tâm làm căn bản như là nền tảng để xây dựng đời sống giữa thân và tâm được lành mạnh. Thiền Phật giáotác dụng giúp cho tâm con người hiện đại bình lặng, đem lại cuộc sống an lạc, làm việc tập trung, hiệu quả, giảm bớt căng thẳng, cân bằng tâm lý và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chính những giá trị phổ quát của thiền Phật giáo được người viết nêu trên mà nhân loại trên thế giới ngày càng quan tâm đến thiền Phật giáo.

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* ĐĐ. Thích Chánh Đức: Học viên Cao học khoá I (2019-2021), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

[1] Đạo Uyển, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu (2006), Từ điển Phật học, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

[2] Nyanatiloka (1970), Buddhist Dictionary, Manual of Buddhist Term and Doctrines, end. Nyanaponika Ceylon.

[3] William Edward Soothill and Lewis Hodous, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, (2003).

[4] Daisetz Teitaro Suzuki (2002), Thiền luận quyển thượng, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh.

[5] Bhadantacariya Buddhaghosa, Nanamoli Bhikkhu dịch sang Anh ngữ, Thanh tịnh đạo luận, tập 1, Thích Nữ Trí Hải (Việt dịch), (2014), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

[6] 六祖大師法寶壇經: CEBETA, T48, no.2008.

[7] 大乘起信論 一卷. 馬鳴菩薩造. 梁西印度三藏法師真諦譯. Sao y bản CBTA trong CD-ROM số. 1666 (No.1667).

[8] [Thích Chơn Thiện (2000), Tăng già thời Đức Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

[9] Thích Minh Châu (2013), Đại tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Kinh Trung Bộ tập 1, Nxb Tôn Giáo.

[10] S.Radhakrishnan (1950), The Dhammapada, Uk: Oxford University Press.

[11] Thich Trung Dinh (2016), An analytical study of the Adhisikkhà, Based on the Pãnca-Nikāya, Gautam Buddha University.

[12] Thích Minh Châu (2013), Như Lai thiền, Nxb. Hồng Đức.

[13] [14] Thích Minh Châu (2013), Như Lai thiền, Nxb. Hồng Đức.

[15] Thích Minh Châu (2013), Đại tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Kinh Trung bộ tập 1, Nxb. Tôn Giáo.

[16] Phụng Sơn (2014), Thiền hạnh phúc, Nxb. Hồng Đức.

[17] TS. Bác sĩ Bành Tân (Viên Đạt dịch) (2016), Sự ảnh hưởng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín đối với nội tạng, Nxb. Phương Đông.

[18] Hồng Quang (2014), Thiền sức khoẻ & chuyển hoá xã hội, Nxb Phương Đông.

[19] Hồng Quang (2014), Thiền sức khoẻ & chuyển hoá xã hội; Phụng Sơn (2015), Thiền phát triển tâm để phát triển bộ não, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

[20] Rick Hanson, Richard Mendius, (Nguyễn Hà Phương, Lê Thị Minh Hà dịch) (2019), Bộ não của Phật, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội

Tạo bài viết
17/07/2021(Xem: 10230)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: