Nguồn Cội Phật Giáo Của Sự Thực Tập Chánh Niệm: Một Quan Điẻm Của Thiền Sinh

13/04/20224:23 SA(Xem: 2846)
Nguồn Cội Phật Giáo Của Sự Thực Tập Chánh Niệm: Một Quan Điẻm Của Thiền Sinh

NGUỒN CỘI PHẬT GIÁO CỦA SỰ THỰC TẬP CHÁNH NIỆM:
MỘT QUAN ĐIẺM CỦA THIỀN SINH*
Edel Maex1
Vô Minh dịch

 

Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Quyển “Đời sống đầy thảm họa” (Full Catastrophe Living)2 của Jon Kabat-Zinn đã thành công một cách tài tình trong việc chuyển các khái niệm Phật giáo truyền thống sang ngôn ngữ hàng ngày hiện đại để làm cho chúng dễ tiếp cận với phương Tây. Thật là một thiên tài khi đưa việc đào tạo chánh niệm ra khỏi bối cảnh Phật giáo, nhưng rủi ro có thể xảy ra là, thay vì mở ra một cánh cửa đến với Phật pháp (giáo lý Phật giáo), nó cũng có thể đóng một cánh cửa dẫn đến sự phong phú bao la của một truyền thống tâm linh đầy minh triết và giá trị thực tiễn. Bài viết này nhằm mục đích chuyển ngược lại một số khái niệm chánh niệm (từ tâm lý học) sang các khái niệm Phật giáo cơ bản (trong một phong trào đối lập với hướng đi đầu tiên của Jon Kabat-Zinn) để làm cho tài liệu Phật giáo dễ tiếp cận hơn với các giáo thọ MBSR / CT (Mindfulness-Based Stress Reduction - giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm; Mindfulness-Based Cognitive Therapy liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm), những người ít quen thuộc với truyền thống Phật giáo và để cho phép chúng ta kết nối lại với một số kho báu hiện diện trong cội nguồn của chúng ta. Nó thong dong lướt qua các kinh văn và khái niệm của các truyền thống Phật giáo khác nhau khi chúng có vẻ phù hợp với công việc này, rút ​​ra từ logic của kinh điển Pali, các ẩn dụ của kinh điển Đại thừa và các nghịch lý của các công án Thiền.

 

 

Cách đây nhiều năm, khi tôi vừa học xong vả tốt nghiệp bác sĩ tâm lý, tôi phải đối mặt với một câu hỏi lớn: làm sao tôi có thể sống sót khi hàng ngày phải đối mặt với quá nhiều nỗi đau của con người, với nỗi buồn, sự lo lắng, những tổn thương, mất mát ... ? Tôi phải tìm cách chèo thuyền một cách an toàn giữa hai tảng đá nguy hiểm. Một bên là nguy cơ bị choáng ngợp bởi tất cả nỗi đau và cảm xúc và tự mình phải chịu đựng sự kiệt quệ. Mặt khác, có nguy cơ đẩy cảm xúc của chính tôi ra xa và trở nên vô cảm, khách quan, vô dụng, dửng dưng lãnh đạm trước nỗi đau của bệnh nhân.

 

Khi tôi đang tìm kiếm câu trả lời, từ điều này đã dẫn đến điều khác, và tôi đã tìm hiểu về thiền Zen. Đây là câu trả lời cho câu hỏi của tôi. Rõ ràng, thiền là ‘sở thích của tôi.’ Tôi đã học được rất nhiều điều từ nó. Nó không chỉ hình thành nên tôi trong cách tôi làm việc mà còn trong cách tôi sống cuộc sống hàng ngày của mình.

Sau khoảng 10 năm, tôi bắt đầu cảm thấy ngày càng nhiều điều như: ‘Điều này thật không công bằng. Tôi đang giữ những gì tốt nhất cho bản thân.’ Vấn đề là tôi không biết làm thế nào để trình bày một thứ gì đó giống như thiền Zen trong bối cảnh trị liệu tâm lý. Bạn không thể chỉ bắt đầu thực hành thiền định trong bệnh viện! Và làm thế nào bạn có thể giải thích cho một người đang tìm kiếm thứ gì đó để xoa dịu nỗi đau của họ rằng bạn phải ngồi im lặng trong nửa giờ và không mong đợi điều gì từ nó? Phương pháp Thiền không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận như vậy.

 

Tôi bắt đầu thử nghiệm bằng cách đan xen vào công việc của mình một số yếu tố thiền định. Rồi một ngày có người hỏi tôi, 'Bạn không biết về công trình của Jon Kabat-Zinn sao?' Tôi chưa bao giờ nghe nói về anh ấy trước đây nhưng nhanh chóng bước ra ngoài và tìm thấy cuốn sách - vẫn chưa đọc - trong thư viện của học viện nơi tôi làm việc. Tôi nhận ra ngay lập tức, “Điều này sẽ giúp tôi tiết kiệm được mười năm làm việc!” Jon Kabat-Zinn cũng xuất thân từ một hoàn cảnh tương tự và với cùng động lực như tôi, đã tạo ra một chương trình nhằm làm giảm căng thẳng. Chương trình này đang được sử dụng trong một bệnh viện và là chủ đề của nghiên cứu khoa học nghiêm túc đã cho thấy nó là một công cụ được chấp nhận trong thế giới y tế. Tôi thấy rằng tôi không phải tự mình khám phá lại đường đi. Tôi đã liên hệ với Jon Kabat-Zinn và bắt đầu một chương trình đào tạo tám tuần dựa trên hướng dẫn của anh ấy. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên trong số những chương trình đào tạo mà bây giờ đã trở thành phổ biến.

 

Trong lời mở đầu cuốn “Cuộc sống đầy thảm họa” của Jon Kabat-Zinn,2 Thích Nhất Hạnh đã mô tả cuốn sách như một cánh cửa từ Phật pháp đến thế giới cũng như từ thế giới đến với Phật pháp.3 ** Jon Kabat-Zinn trong cuốn sách của mình đã thành công một cách tài tình trong việc dịch Phật pháp truyền thống qua các khái niệm trong ngôn ngữ hàng ngày hiện đại để làm cho chúng dễ tiếp cận với phương Tây. Nếu khônglời nói đầu của Thích Nhất Hạnh, nguồn gốc Phật giáo của họ có thể đã không được nhiều độc giả chú ý. Thích Nhất Hạnh là một trong những Thiền sư Phật giáo hàng đầu ở phương Tây và vài lời của ông chắc chắn đã thu hút nhiều học viên Phật giáo đến với cuốn sách này và ứng dụng của chánh niệm trong thực hành lâm sàng. Công việc này đã tạo ra một thế hệ giáo thọ MBSR đầu tiên.

 

Jon Kabat-Zinn không chỉ dựa trên truyền thống Phật giáo mà còn dựa trên truyền thống khoa học mà ông được đào tạo, do đó dễ tạo ra khả năng chấp nhận cho công trình của ông trong thế giới khoa học và y học. Điều này đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu lỗi lạc vào lĩnh vực chánh niệm và kết quả thú vị đến từ nghiên cứu đó. Những gì chúng ta thấy bây giờ là thế hệ thứ hai của các giáo thọ chánh niệm, nhiều người trong số họ hoàn toàn không có nền tảng về Phật giáo, nhưng nhiều người trong số họ có một sự thực hành cá nhân rất chân thành. Thật là một thiên tài khi đưa việc đào tạo chánh niệm ra khỏi bối cảnh Phật giáo, nhưng rủi ro có thể xảy ra là, thay vì mở ra một cánh cửa đến với Phật pháp (giáo lý Phật giáo), nó cũng có thể đóng một cánh cửa dẫn đến sự phong phú bao la của một truyền thống tâm linh đầy minh triết và giá trị thực tiễn.

Nhiều câu hỏi nảy sinh trong nghiên cứu chánh niệm ngày nay đã có một lịch sử lâu đời trong kinh văn Phật giáo như một chủ đề thảo luận và thử nghiệm. Để đưa ra một ví dụ: trong Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra), một cô bé tám tuổi, không hề có bất kỳ kinh nghiệm thiền định nào, đột nhiên đạt được tỉnh thức hoàn toàn.4 Đoạn văn này chắc chắn đặt vào chương trình nghị sự câu hỏi về việc thực hành chính niệmcần thiết như thế nào (và vào thời điểm đó, phê phán gay gắt một thái độ xuất gia theo chủ nghĩa sô vanh [giành ưu thế] của nam giới). Một số kinh văn này sử dụng ngôn ngữ triết học rất chính xác, như trong phần lớn kinh điển Pali. Các kinh văn khác, chẳng hạn như Kinh Pháp Hoa hay Tử thư Tây Tạng, trông rất huyền diệu và tối nghĩa và khó có thể tưởng tượng rằng chúng chứa đựng cội nguồn của việc rèn luyện chánh niệm.

 

Bài viết này nhằm mục đích chuyển ngược một số khái niệm chánh niệm sang các khái niệm Phật giáo cơ bản (trong một phong trào đối lập với hướng đi đầu tiên của Jon Kabat-Zinn) để làm cho tài liệu Phật giáo dễ tiếp cận hơn với các giáo thọ MBSR / CT, những người ít quen thuộc với truyền thống Phật giáo và để cho phép chúng ta kết nối lại với một số kho báu hiện diện trong cội nguồn của chúng ta. Tôi thong dong lướt qua các kinh văn và khái niệm của các truyền thống Phật giáo khác nhau khi chúng có vẻ phù hợp với tinh thần này. Tôi không có chút áp lực nào phải trở nên toàn hảo, nhưng tôi sẽ rất vui khi nếm thử nó để nhắc nhở bản thân về câu nói của Đức Phật: “Giống như đại dương chứa nhiều báu vật, nhưng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị mặn, vì vậy giáo pháp chứa đựng nhiều kho báu nhưng chỉ có một hương vị duy nhất, đó là sự giải thoát.''5

 

Phương tiện (Upāya)

 

Những gì Jon Kabat-Zinn đã làm, phù hợp với cách tiếp cận lâu đời của Phật giáo gọi là phương tiện (upāya), thường được dịch là 'phương tiện khéo léo (thiện xảo)'. Đạo Phật không giáo điều, không phải là tín điều. Đó là một thực hành cần được học và khi chúng ta đọc những kinh văn cổ nhất, gần gũi nhất với Đức Phật lịch sử, chúng ta thấy rằng Ngài là một vị thầy xuất sắc. Đức Phật luôn xưng hô với người đang nói chuyện bằng ngôn ngữ và hệ quy chiếu của người đó. Điều này tạo ra một nền văn học vô cùng phong phú, trong đó cùng một thông điệp được trình bày lại theo nhiều cách khác nhau. Các vị tổ Phật giáo sau Đức Phật đã tiếp tục như vậy nên bạn thấy Phật giáo Trung Quốc giải thích theo cách rất Trung QuốcPhật giáo Tây Tạng theo kiểu Tây Tạng. Điều này giải thích cho sự phomg phú về văn phong, văn tự và sắc thái.

 

Jon Kabat-Zinn không làm gì khác ngoài việc tiếp tục truyền thống đó và khôi phục lại cách giảng dạy theo cách làm cho nó được giới y học và khoa học chấp nhận. Sự phát triển của MBCT một lần nữa tiếp tục truyền thống tương tự trong việc cải cách chính cách giảng dạy bằng ngôn ngữ CBT (Cognitive Behavioral Therapy = Liệu pháp hành vi nhận thức) và điều chỉnhphù hợp với những đau khổ của những người bị trầm cảm tái phát. Các bước phát triển tiếp theo cũng sẽ như vậy. Tất cả điều này, theo truyền thống Phật giáo, là sản phẩm của phương tiện (upāya).

 

Upāya là một chủ đề quan trọng trong Kinh Pháp Hoa. Nó kể về câu chuyện của một người đàn ông giàu có, có nhiều con và có rất nhiều đồ chơi. Đột nhiên, anh nhận ra rằng ngôi nhà đang bốc cháy và các con anh đang chơi trong ấy. Anh ta gọi: ‘Cháy, cháy!’, nhưng bọn trẻ nghĩ rằng anh ta chỉ nói đùa và tiếp tục chơi. Cuối cùng, người cha nói: “Mau ra ngoài đi, cha mua cho chúng con một số đồ chơi mới rất thú vị.” Những đứa trẻ chạy ra ngoài và được cứu khỏi đám cháy.6 Bản văn này so sánh một số lời dạy của Đức Phật với một món đồ chơi được cho là khéo léo có nghĩa là phương tiện thiện xảo (upāya) để cứu chúng ta ra khỏi đau khổ mà không có bất kỳ ý nghĩa cưỡng gán nào khác. Nó phê phán một khuynh hướng phổ biến vào thời điểm đó là quá đề cao lý thuyết và xem nhẹ việc thực hành.

Các giả thuyết nghiên cứu không được tạo ra một cách ngẫu nhiên. Chúng luôn bắt đầu từ một phỏng đoán dựa trên kinh nghiệm thích đáng. Đối với một phỏng đoán xác đáng, nó có thể được rút ra từ các nguồn tài liệu khoa học, lâm sàng và Phật giáo. Trong quá trình nghiên cứu, điều này có thể giúp chúng ta đưa ra các giả thuyếtý nghĩa và hữu ích và không đánh mất mình trong việc nghiên cứu những “phương tiện” có bản chất vô nghĩa.

 

Tứ diệu đế

 

Trong Kinh Kālāma trong kinh điển Pali, Đức Phật được hỏi câu hỏi: “Có nhiều vị thầy giảng pháp quanh đây, vậy chúng con nên tin ai?” Ngài trả lời: “Đừng dựa vào truyền thống, kinh thánh, thẩm quyền hay triết học. Chỉ khi bạn tự mình thấy rằng một thực hành dẫn đến đau khổ hoặc hạnh phúc thì bạn mới nên từ chối hoặc chấp nhận nó.’7 Bản văn này minh họa rằng đau khổcốt lõi của tất cả. Phật pháp giảng rõ về đau khổ và không có gì khác. Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi _ những bác sĩ tâm lý _ rất phấn khích sử dụng nó trong thực hành lâm sàng!

 

Đây được gọi là sự thật cao quý thứ nhất (Khổ):8 sự quan sát rằng có đau khổ. Nó không phải là một giáo điều. Nó không nói rằng tất cả đều là đau khổ. Nó chỉ nói lên sự thật có thể quan sát được về sự đau khổ. Điều đó cũng giải thích tại sao nó mang tính tổng quát: nó không phải về đau mãn tính, không phải về trầm cảm, không phải về rối loạn ăn uống mà là về đau khổ. Vì vậy, nó có nghĩa là: có thể quan sátnhận ra mọi điều kiện gây ra đau khổ. Nhưng tất nhiên phương tiện thiện xảo (upāya) dạy chúng ta phải điều chỉnh nó cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cá nhân đau khổ cụ thể. Một khía cạnh thú vị khác của đoạn Kinh Kālāma này là Đức Phật trình bày rõ ràng Giáo Pháp như một giả thuyết có thể kiểm chứng được. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà khoa học cảm thấy bị thu hút bởi Phật giáo.

 

Tập đế thứ hai nói về nguồn gốc của khổ đau (Tập) và tập đế thứ ba về sự chấm dứt đau khổ (Diệt) do sự chấm dứt nguồn gốc của nó. Nguồn gốc được xác định là

“Dục” (khát ái, thirst - tiếng Pali tanhā). Đến lượt mình, dục bắt nguồn từ thọ (cảm giác - vedanā). Mối liên hệ giữa “Thọ” và “Dục” không phải là tuyệt đối. “Thọ” có thể được ngăn chặn để không trở thành “Dục”.

 

Để đưa ra một ví dụ: giả sử tôi yêu vợ người hàng xóm của tôi. Theo một cách nào đó thì không có gì là sai cả, cho đến thời điểm tôi chắc chắn muốn chiếm hữu cô ấy, khi tôi bắt đầu thấy cuộc sống của mình thật vô giá trị nếu không có cô ấy, khi tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì đó là khi cảm giác (thọ) trở nên khát khao (dục) và chúng tôi có thể chắc chắn rằng nhiều đau khổ sẽ theo sau. Nó là một phần của chuỗi sự kiện dẫn đến nhiều vụ tự sát hoặc giết người. Tương tự đối với suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Thời điểm tôi muốn chiếm hữu chúng, thời điểm tôi theo đuổi chúng, đau khổ chắc chắn theo sau.

Lĩnh vực chánh niệm trong y học hiện đại và chăm sóc sức khỏe có một số ngôn ngữ rất đẹp để mô tả điều này. Chúng ta nói về phản ứng căng thẳng (stress reactivity) và đáp ứng căng thẳng (stress response). Khả năng phản ứng là khi “dục” (tham ái)  xuất hiện, đáp ứng có thể diễn ra miễn là cảm giác hoặc suy nghĩ vẫn là cảm giác hoặc suy nghĩchúng ta có thể nhận thức được điều đó mà không cần tự động phản ứng lại. Chúng tôi cũng gọi đây là nhận thức siêu nhận thức "xem một ý nghĩ như một ý nghĩ, một cảm giác như một cảm giác". Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là yếu tố then chốt để rèn luyện chánh niệm thành công.9

Làm thế nào để chúng ta học được điều đó? Có một con đường, một phương pháp. Diệu đế thứ tư là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ (Đạo). Con đường được gọi là con đường bát chánh.

 

Bát chánh đạo

 

Tám yếu tố của Bát chánh đạo không phải là một chuỗi đơn giản. Chúng bao gồm lẫn nhau. Chúng được gọi là ‘đúng’ (chính) nhưng thuật ngữ tiếng Phạn (sammā / samyak) bắt nguồn từ lý thuyết âm nhạc và thực sự có nghĩa là hài hòa. Chúng ở ngay trong ý nghĩa hòa hợp với nhau để tạo thành thang âm hoặc hợp âm. Vì tám yếu tố khó ghi nhớ, chúng thường được tóm tắt thành ba nhóm: hiểu biết (Huệ), đức hạnh (Giới) và thiền định (Định).

Huệ (prajñā) là sự đi vào con đường. Đó là kinh nghiệm của tôi rằng những người tìm kiếm sự trợ giúp trong bối cảnh y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ không có động cơ tham gia vào MBSR / CT nếu không có một số hiểu biếtsự tin tưởng nhất định về lý do tại sao họ nên làm điều này và tại sao nó hữu ích.

 

Giới (´sīla) là yếu tốchúng ta có lẽ ít thoải mái nhất. Không cần liên hệ với các ngành khác, không phải khoa học tự nó đã có giá trị rồi sao? Nhưng chánh niệm chắc chắn không hẳn như thế. Nếu khônglòng tốt, sự tôn trọng và phẩm giá thì đó không phải là chánh (sammā, right) niệm chút nào. Những đức tính này, cũng là điều kiện tiên quyết, là yếu tố và là hệ quả của Đạo. Giới (Đạo đức) trong Phật giáo hoàn toàn khác với những gì chúng ta quen thuộc ở phương Tây ở chỗ nó được định nghĩa liên quan đến đau khổ: thiện là điều dẫn đến an lành, bất thiện là điều dẫn đến đau khổ. Nói theo cách này thì ngay cả đạo đức cũng trở thành một giả thuyết có thể kiểm chứng được. Và tất nhiên, nó là nền tảng của y học phương Tây trong lời thề Hippocrate và mệnh lệnh của nó, Primum non nocere (Trước hết không gây hại).

 

Thiền định (samādhi) là nhóm thứ ba. Thiền phổ biến hơn rất nhiều ở phương Tây so với phương Đông. Chúng taxu hướng ủng hộ nó nhiều đến mức sự hòa hợp với các yếu tố khác của con đường (bát chánh đạo) có nguy cơ bị mất.

Thiền Phật giáo là sự giao thoa giữa thiền chỉ (samatha) và thiền tuệ (vipassanā). Thiền chỉ (samatha) là dừng lại, làm dịu. Nó đề cập đến hành động dừng các hoạt động theo thói quen của chúng ta và tập trung sự chú ý của chúng ta vào một điều gì đó đơn giản. Nó không thể thiếu đối với phản ứng thư giãn của Benson.10 Bước tiếp theothiền tuệ (vipassanā): nhìn, nhìn rõ, nhìn sâu. Sự thư thái như vậy xảy ra trong quá trình rèn luyện chánh niệm không phải là kết thúc mà nó là một bước tiến tới việc nhìn, hướng tới nhận thức (siêu nhận thức). Thiền là tình huống thực nghiệm. Đó là nơi mà chúng ta nhìn thấy tâm trí của mình hoạt động và học cách chuyển từ phản ứng với những gì thể hiện tự nó sang việc lưu giữ nó một cách có ý thứcđáp ứng một cách thích hợplành mạnh, đó là bằng trí tuệlòng từ bi.

Chánh niệm (sammā-sati) tìm thấy vai trò của nó ở đây nhưng ý nghĩa của thuật ngữ chánh niệm đã mở rộng trong những năm gần đây ngoài ý nghĩa ban đầu của nó.

Rõ ràngtoàn bộ sự việc không kết thúc trên đệm ngồi (tọa cụ). Từ những gì bạn khám phá trong thiền định (định) sẽ phát triển sự hiểu biết (huệ). Từ sự hiểu biết này (huệ) phát triển lòng từ (giới), điều này lần lượt thúc đẩyduy trì việc thực hành thiền định (định) của bạn, dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn (huệ), dẫn đến ... Vòng tròn là vô tận.

 

Nghiệp (karma)

 

Chủ đề tranh luận sôi nổi vào thời Đức Phật là nghiệp. Từ nghiệp có nghĩa là hành động, hành vichủ đích. Theo các văn bản cổ điển, nghiệp chướng có thể được tạo ra bằng cơ thể (thân), lời nói (khẩu) và suy nghĩ (ý) (bằng một ngôn ngữ nghe có vẻ quen thuộc một cách đáng ngạc nhiên đối với một nhà trị liệu nhận thức ngày nay). Cuộc thảo luận vào thời điểm đó là về hậu quả của hành vi của một người. Trong số những người ngọai đạo, phái hư vô phủ nhận rằng hành vi đó có bất kỳ hậu quả nào và cuộc sống ít nhiều là ngẫu nhiên. Những người khác tán thành quan điểm duy vật, cho rằng hành vi chỉ có hậu quả vật chất và không có hậu quả về mặt tâm lý hay đạo đức. Lời tuyên bố của Đức Phật rất rõ ràng:

‘Tôi là chủ sở hữu các hành động của mình (nghiệp), người thừa kế các hành động của tôi, được sinh ra từ các hành động của tôi, liên quan đến các hành động của tôi và có các hành động của tôi với tư cách là người phán xét của chính tôi. Bất cứ điều gì tôi làm, vì điều tốt hay điều ác, tôi sẽ trở thành người thừa kế ..’11 Đức Phật cho thấy một quan điểm thân giáo về bản thân. Chúng ta là những gì chúng ta làm.

 

Như vậy, Tứ Diệu Đế là một lý thuyết về nghiệp. Chúng nói rằng có một vấn đề và có thể làm gì đó để giải quyết vấn đề đó. Hành động của chúng taý nghĩa. Công thức kết thúc với việc giải thích những gì cần phải làm.

 

lý do này, tiêu chí để tham gia MBSR / MBCT ít nhất là sự sẵn lòng kiểm tra toàn bộ câu hỏi về khả năng kiểm soát hành vi của bạn, để khám phá khả năng rằng tình cảnh của bạn không chỉ phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài, mà chính bạn có thể chịu trách nhiệm ở một mức độ nào đó. Đôi khi bệnh nhân đến với kỳ vọng rằng chánh niệm sẽ tác động lên họ như một loại thuốc nào đó. Trong trường hợp đó, tôi phải nói rằng: chánh niệm sẽ không làm được gì cho bạn, nhưng nó có thể dạy bạn cách làm điều gì đó cho chính mình. Đối với nhiều bệnh nhân, đó chính là điều họ đang tìm kiếm và cần nhất, một cách tham gia vào sức khỏehạnh phúc của chính họ. Họ hạnh phúccuối cùng đã tìm thấy những gì họ có thể làm cho bản thân thay vì bất lực dựa vào các điều kiện bên ngoài, thuốc và bác sĩ.

 

Bệnh nhân bệnh nặng vì bị trầm cảm lâm sàng hoặc bị rối loạn tâm thầnthể không thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình và trong trường hợp đó, việc huấn luyện chánh niệm sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên, ngay cả những người bị rối loạn tâm thần cũng có thể được giúp đỡ và có thể tìm ra cách để kiểm soát một số ảo giác đáng lo ngại, như công trình của Chadwick và các đồng nghiệp của ông đã cho thấy.12

 

Huấn luyện chánh niệm trong bối cảnh lâm sàng hóa ra là cách làm việc với mọi người rất có hiệu quả. Trọng tâm không phải là những gì không thể làm được mà là những gì có thể làm được. Nhờ làm việc với chánh niệm, tôi nhận ra rằng, là một bác sĩ lâm sàng, tôi được đào tạo để đánh giá thấp năng lực của con người. Khi đọc kinh văn như Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra), tôi cảm động trước quan niệm sâu sắc rằng mỗi chúng ta đều có tiềm năng trở thành một vị Phật. Bắt đầu một nhóm MBSR hoặc MBCT mới không phải là bắt đầu với một nhóm người có nhiều hoặc ít vấn đề nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, nó đang bắt đầu với một nhóm những vị Phật tiềm năng. Ít nhất, đó là cách tôi nhìn nhận và tôi biết điều đó đúng với nhiều người dạy các phương pháp can thiệp dựa trên chánh niệm.

 

Trí­-Bi (Prajñā-karunā)

 

Nghiên cứu ngày nay đã cho chúng ta thấy những tác dụng hữu ích của thiền định (samādhi). Chúng ta đang có được sự hiểu biết ngày càng tăng (prajñā) về các cơ chế làm nền tảng cho nó. Điều ít được nói đến nhất trong lĩnh vực nghiên cứu chánh niệm là Giới (Sīla, đức hạnh). Thực tế là nó ít rõ ràng hơn nhưng không có nghĩa là nó không có mặt. Nó không thể vắng mặt.

 

Trong Phật giáo, kết quả của việc thực hành thường được gọi là trí-bi (prajñā-karunā). Ngay từ những buổi sơ khai của Phật giáo, nhận thứcđạo đức đi đôi với nhau.

 

Trí Huệ (Prajñā) và Từ Bi (karunā) không phải là hai.13

Chúng là một. Yếu tố nhận thứcđạo đức tạo thành một chỉnh thể không thể tách rời. Trong thiền, người ta nói rằng sự hiểu biếtlòng từ bi liên quan với nhau như ngọn lửa và sức nóng, cái này là chức năng của cái kia. Lòng trắc ẩn tự nhiên tuôn trào từ sự hiểu biết. Không có lòng từ bi thì không thể hiểu được.

 

Làm thế nào chúng ta có thể giải thích điều đó bằng các thuật ngữ tâm lý học quen thuộc hơn? Nhận thức siêu nhận thức là một kết xuất hiện đại của prajñā. Nhưng tôi không thể nhận thức một cách siêu nhiên về cảm giác buồn bã của mình, nếu không dành nhiều sự tử tế cho cảm xúc của mình và chính bản thân mình. Không thể chăm chú vào tất cả những gì hiện bày mà không có một liều lượng lớn lòng tốt. Thành thật với bản thân như thế này là bạn đang mở lòng ra với mọi thứ. Và mọi thứ không phải lúc nào cũng đẹp.

Có thể xảy ra trường hợp tôi ngồi trên tọa cụ vào buổi tối và đột nhiên nhớ ra điều gì đó thực sự ngu ngốc mà tôi đã làm, một sai lầm mà tôi đã mắc phải, một điều nực cười mà tôi bận rộn trong ngày đến mức tôi hoàn toàn quên mất nó. Rồi buổi tối tôi nhớ nó trong lúc tọa thiềncảm thấy bế tắc. Thật là đau khổ khi nhận thức được sự ngu ngốc của chính mình mà không có lòng thương yêy. Chúng ta cần lòng thương yêu để có thể có được sự chú ý cởi mở và dễ tiếp thu. Tôi phải buông bỏ việc đánh giá bản thân, và trách móc bản thân về những suy nghĩcảm xúc của tôi. Hành động nhận thức về mặt nhận thức là không thể nếu khôngthái độ nhân ái.

 

Theo cách này, nhận thức cần lòng từ ái, nhưng đối với nhận thức siêu nhận thức thì có một hệ quả đạo đức nào không? Đạo đức của nhận thức không phải hoàn toànđạo đức. Giả sử tôi đang rất rất rất tức giận, tức giận đến mức có thể giết ai đó. Sự tức giận của tôi thu hẹp ý thức của tôi. Trong sự thu hẹp này ẩn chứa một mối nguy hiểm lớn. Khi thay vì thu hẹp, tôi có thể mở lòng và nhìn thấy cơn giận của mình và kiềm chế nó mà không hành động bốc đồng, khi tôi có thể nhìn thấy suy nghĩphán đoán của mình trong công việc mà không coi đó là hiện thực khó chịu, điều gì sẽ xảy ra?

 

Sẽ có nhận thức lớn hơn về hoàn cảnh, về mối liên hệ giữa các động cơ của chính tôi, về quan điểm của người khác, về nguyên nhânhậu quả của cảm xúclựa chọn của tôi, và về sự đau khổ của tất cả những người có liên quan. Lòng trắc ẩn bắt nguồn từ nhận thức về đau khổ, trong bản thân tôi và người khác, và về mối liên hệ giữa chúng ta. Vụ giết người có khả năng sẽ không xảy ra. Nhận thức rõ hơn có lẽ sẽ dẫn đến cách đối phó phù hợp hơn với tất cả các tình huống bên trong và bên ngoài.

 

Tôi phát hiện ra rằng khá thường xuyên sau một chương trình kéo dài 8 tuần, những người tham gia nhận ra rằng họ trở nên từ bi hơn đối với động vật. Tôi đã nghe nói về nhiều nỗ lực, đôi khi mang nhiều tính hài hước, để cứu những con nhện mà trước đó chúng có thể đã bị giết một cách thiếu suy nghĩ. Lúc đầu, tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe những kết quả này của việc rèn luyện chánh niệm, đặc biệt là vì không có một thuyết giảng Đại thừa nào về việc ‘cứu độ tất cả chúng sinh’ được tìm thấy trong chương trình. Nhưng thực tế đơn giảnnhận thức rõ hơn khiến người ta nhạy cảm với nỗi đau của loài vật nhỏ bé nhất. Tôi thật cảm động vì điều đó.

 

Điều hợp lý là các nhà nghiên cứu nhận thức tiếp cận lĩnh vực này từ khía cạnh nhận thức. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta cũng tìm ra cách để khái niệm hóa tốt hơnđiều tra các khía cạnh từ bi của chánh niệm. Tác phẩm gần đây “Liệu pháp tập trung vào lòng trắc ẩn” (Compassion Focused Therapy) của Paul Gilbert14 đưa ra một ví dụ về hướng đó.

 

Việc giảng dạy

 

Cũng như nhiều khía cạnh của việc giảng dạy, các truyền thống Phật giáo khác nhau đã điều chỉnh mô hình mối quan hệ thầy trò của họ cho phù hợp với văn hóa mà nó được giảng dạy. Trong MBCT, mối quan hệ này đi vào thế giới của y học và tâm lý trị liệu. Sự thay đổi văn hóa này làm nảy sinh nhiều cạm bẫy.

Việc giảng dạy chánh niệm, cũng như trong việc giảng dạy bất kỳ kỹ năng nào, được coi là sự tương tác giữa kỹ năng tự thân, sự khéo léo của giáo viên và sự khéo léo của học sinh. Việc giảng dạy phải được điều chỉnh một cách khéo léo phù hợp với khả năng của học sinh. Người học dù là nam hay nữ đều là một yếu tố xác định như nhau trong mối quan hệ với người dạy.

 

Không có nơi nào mà việc thực hành của chính một huấn luyện viên chánh niệm lại khó khăn hơn ở khâu tìm hiểu và đối thoại. Trở thành một nhà trị liệu thường là một trở ngại cho việc dạy chánh niệm. Theo kinh nghiệm của tôi trong việc giảng dạy và giám sát những người huấn luyện chánh niệm rằng các nhà trị liệubác sĩ thường dựa vào bản năng để đưa ra lời khuyên hoặc niềm nở, thân thiện và hỗ trợ, đôi khi theo những cách làm mất lòng người khác. Thay vào đó, việc đào tạo chánh niệm thừa nhận trách nhiệm của chính người đó đối với suy nghĩcảm xúc của họ cũng như đối với việc thực hành của họ.

Khâu tìm hiểu trong một lớp học chánh niệm chỉ là một kỹ thuật khác để dạy chánh niệm, giống như cách thanh lọc cơ thể hoặc tạo không gian thở trong ba phút.

Cạm bẫy phổ biến là xem việc tìm hiểu như một cuộc thăm dò trị liệu tâm lý, hướng đến một khung hoặc giải pháp của vấn đề.

 

Trong quá trình hỏi đáp, giáo viên liên tục bị thách thức (mặc dù không cố ý), và rất dễ phản ứng thay vì đáp ứng. Cho dù nỗi sợ hãi xuất hiện hay tức giận hay buồn bã, người dạy sẽ chăm sóc nó một cách tử tế, không phán xét, với một tâm hồn cởi mở. Bạn chấp nhận nó như một sự thật, như cách mà thực tập sinh trải nghiệm góc nhìn của chính mình. Bạn thừa nhận quan điểm của người tham gia như quan điểm của họ, mà không cần phải xác định hoặc đồng ý với quan điểm đó.

 

Là những người huấn luyện, chúng ta được mời gọi là hiện thân của chánh niệm. Chúng ta sẽ nhận thấy xu hướng của tâm tríbảo vệ, an ủi, đồng ý, mâu thuẫn, phản ứng. Cả nhóm sẽ nhìn chúng tôi và tự hỏi: anh ấy sẽ nói gì với điều này? Vì vậy, bằng cách đáp ứng mà không phản ứng lại bất cứ điều gì đến, chúng ta trở thành một hình mẫu trong quá trình dạy chánh niệm. Cách chúng tôi trả lời được hướng dẫn bởi mục đích dạy học viên tham dự một cách có chú tâm vào kinh nghiệm của chính họ. Chúng tôi chấp nhận những gì người học trình bày quan điểm của họ về thế giới và hỗ trợ làm rõ trải nghiệm đó.

Bước đầu tiên để nghiên cứu về sự tìm hiểuthực hành thiền của chính chúng ta. Ngồi hoặc nằm xuống một cách bình thản và tử tế, chú ý vào những gì thể hiện chính nó, là một sự rèn luyện mạnh mẽ. Chính xác là những gì xảy ra trong cuộc tìm hiểu.

Đây là lý do tại sao rất khó để dạy cho ai đó một kỹ năng mà chúng ta chưa làm chủ được bản thân ở một mức độ nào đó. Jon Kabat-Zinn nói: “Tất cả bắt đầu từ thực hành của chính chúng ta: người ta dạy từ niềm đam mê của một người đối với việc luyện tập”. Thích Nhất Hạnh, trong một buổi hội thảo, đã kể câu chuyện về một sinh viên ghen tị đã hỏi Thầy: “Vậy khi nào tôi sẵn sàng trở thành một giáo thọ?”. Câu trả lời nhanh chóng của Thầy là: "Khi bạn hạnh phúc". Một thước đo tỉnh táo và một thước đo động lực tốt cho bất kỳ ai muốn dạy chánh niệm.

 

Kinh Pháp Hoa có một số lời khuyên cảm động dành cho bất kỳ vị thầy nào: '[vị thầy] nên ở nhà của Đức Phật, mặc áo cà sa của Đức Phật và ngồi trên ngai vàng của Đức Phật." Kinh giải thích thêm: căn nhà là lòng tốt, sự nhẫn nại là chiếc áo cà sa, và tính không của tất cả các Pháp là ngôi báu'.15 Ảnh hưởng đầu tiên của thiền đối với thực hành lâm sàng của tôi là tôi đã học cách nhìn thấy bệnh nhân của mình không phải là người quấy rầy mà là người đau khổ. Đối với một bác sĩ tâm thần, đây thực sự là một sự thay đổi mô hình. Từ biphản ứng chữa lành tự phát đối với đau khổ. Lòng tốt và sự kiên nhẫn giúp chúng ta không tự động phản ứng lại những phản ứng bất lợi.

 

Giống như một chiếc áo choàng, chúng có thể bảo vệ chúng ta, ngay cả khi quá trình thay đổi gặp nhiều khó khăn. Tính không (emptiness) đề cập đến sự cởi mở mà chúng ta khám phá và trau dồi trong thực hành của chính mình. Nó đề cập đến sự hiểu biết sâu sắc về bản chất trống rỗng, không tự tính của mọi sự vật, rằng chúng không tồn tại vĩnh viễn và tự sinh. Đó là điểm mà tất cả bắt đầu.

 

Hướng dẫn sử dụng các biện pháp can thiệp

 

Trong kho tàng rộng lớn tích truyện Phật giáo, người ta có thể tìm thấy viên ngọc sau đây:

Thiền sư Câu Chi (Gutei), mỗi khi bị chất vấn, chỉ cần giơ một ngón tay lên. Một lần nọ, có một vị khách hỏi vị thị giả trẻ của Ngài, “Sư phụ của anh đang dạy thiền gì?” Cậu bé cũng giơ một ngón tay lên. Nghe đến đây, Câu Chi đã dùng dao chặt đứt ngón tay của cậu bé. Khi cậu bé chạy ra ngoài hét lên vì đau đớn, Câu Chi đã gọi cậu lại. Khi cậu bé quay đầu lại, Câu Chi đã giơ ngón tay lên. Cậu bé đột nhiên được khai sáng.16

Xin trấn an bạn: sự kiện này chưa bao giờ thực sự diễn ra. Thiền sư đi lại không mang dao, huống hồ là chặt ngón tay. Những câu chuyện kiểu giáo huấn này, được gọi là công án, có chủ ý và mang tính hài hước tuyệt vời, thách thức định kiến ​​của chúng ta.

Câu chuyện này là (trong số những thứ khác) về việc hướng dẫn các biện pháp can thiệp. Câu Chi, trong quá trình giảng dạy của mình, dường như tuân theo một quy trình rất đơn giản để can thiệp: ngài chỉ giơ một ngón tay lên. Nhưng khi ‘người học việc của thầy phù thủy’ nhỏ bé của chúng ta tuân theo diễn thức bậc thầy của mình thì anh ta hoàn toàn thất bại. Cùng một hành vi, ít nhất là như vậy, rõ ràng là không mang cùng một ý nghĩa. Chỉ khi diễn thức bị phá vỡ (tượng trưng bằng cách cắt ngón tay) thì anh ta mới nhận ra điểm mấu chốt.

 

Hành vi được hiển thị trong công án này chắc chắn không phải là một diễn thức để bắt chước trong việc rèn luyện chánh niệm! Nhưng khi chúng ta băn khoăn về hành vi nào mà người quan sát có thể nhận ra sự tìm hiểu khéo léo, thì câu chuyện này cảnh báo chúng ta đừng quá hời hợt trong việc hiểu điều gì đang thực sự diễn ra.

 

Tam bảo

 

Trung tâm của tất cả các truyền thống Phật giáo là những gì được gọi là Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.

Phật ban đầu là viết tắt của nhân vật lịch sử. Trong những năm sau đó, ý nghĩa chuyển từ con người sang cái mà Ngài tượng trưng. Jon Kabat-Zinn đôi khi đưa ra bức ảnh chụp một bức tượng Phật lớn trong các buổi nói chuyện của mình và gợi ý cho khán giả rằng điều này không nên được hiểu là đại diện cho một vị thần, mà là một trạng thái tinh thần cụ thể, cụ thể là sự tỉnh thức.

Pháp là giáo lý, và thực hành. Như lịch sử của Phật giáo cho thấy, nó luôn trong một quá trình cải cách liên tục phù hợp với nhu cầu hiện tại của những người đang ở trước mặt chúng ta.

 

Tăng đoàncộng đồng, ban đầu có nghĩa là cộng đồng những người xuất gia (tăng ni) và mở rộng cho tất cả những người có liên quan. Tăng chúng không mang màu sắc cá nhân. Nhóm (Chúng) là quan trọng. Chúng ta hỗ trợ nhau khi cùng nhau luyện tập. Đó là một lý do tại sao việc dạy chánh niệm theo nhóm lại có tác dụng mạnh mẽ.

 

Ngoài ra còn có cộng đồng các giáo viên và nhà nghiên cứu về chánh niệm. Chúng ta cũng là một tăng đoàn. Hy vọng của tôi là tăng đoàn này, khi nó phát triển và ngày càng bắt rễ sâu hơn trong khoa học phương tây và trong thực hành lâm sàng, sẽ không mất tất cả các mối quan hệ với sự phong phú của cội nguồn Phật giáo cổ xưa của nó. Vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi từ truyền thống đó.

 

Vì vậy, tôi muốn kết thúc bài viết này, như một sự cúng dường cho tăng đoàn này, bằng một cuộc đối thoại tuyệt vời giữa Đức Phật và A-nan (Ananda), thị giả của Ngài:

A-nan thưa với Đức Thế Tôn rằng: ‘Đây là một nửa của đời sống thánh thiện, thưa Đức Thế Tôn: tình bạn đáng ngưỡng mộ, tình bạn đồng hành đáng ngưỡng mộ, tình bạn thân thiết đáng ngưỡng mộ.’

 

- ‘Đừng nói vậy! Ananda. Đừng nói vậy! Tình bạn đáng ngưỡng mộ, tình bạn đồng hành đáng ngưỡng mộ, tình bạn thân thiết đáng ngưỡng mộ thực sự là toàn bộ cuộc sống thánh thiện. Khi một nhà sư có những người đáng ngưỡng mộ làm bạn, đồng hành và đồng đội, thì người đó có thể được kỳ vọng sẽ phát triển và theo đuổi con đường bát chánh đạo.’17

 

 

GHI CHÚ

 

1. Edel Maex là một bác sĩ tâm thần thực hành và một thiền sinh.

2. Kabat-Zinn (1990).

3. Thích Nhất Hạnh (1990).

4. Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra), chương 12. Có nhiều bản dịch tiếng Anh của Lotus Sūtra. Một trong những bản hay nhất là của Reeves (2009).

5. Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna) 5.5.

6. Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra), phẩm 3.

7. Kinh Kālāma: Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikāya), 3,65.

8. Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya), 56.11.

9. Teasdale et al., (2002).

10. Benson et al., (1974).

11. Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikāya), V.57.

12. Chadwick et al., (2009).

13. Keown (1992/2001).

14. Gilbert (2010).

15. Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra), phẩm 10.

16. Vô Môn Quan (Mumonkan), tắc 3.

17. Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya), XLV.2.

 

 

KINH SÁCH THAM KHẢO

 

* BENSON, H., B. A. ROSNER, B. R. MARZETTA, and H. M. KLEMCHUK. 1974. Decreased blood-pressure in pharmacologically treated hypertensive patients who regularly elicited the relaxation response. The Lancet 1 (7852): 289 – 91.

* CHADWICK, P., S. HUGHES, D. RUSSELL, I. RUSSELL, and D. DAGNAN. 2009. Mindfulness groups for distressing voices and paranoia: A replication and randomized feasibility trial. Behavioural and Cognitive Psychotherapy 37 (4): 403 – 12.

* GILBERT, PAUL. 2010. Compassion focused therapy. London and New York: Routledge.

* KABAT-ZINN, J. 1990. Full castastrophe living: the program of the Stress Reduction Clinic at the University of Massachusetts Medical Center. New York: Dell Publishing.

KEOWN. 1992/2001. The nature of Buddhist ethics. Basingstoke, UK: Macmillan/Palgrave.

* REEVES, GENE. trans 2009. The Lotus Sūtra, a contemporary translation of a Buddhist classic. Wisdom Publications.

* TEASDALE, J. D., R. G. MOORE, H. HAYHURST, M. POPE, S. WILLIAMS, and Z. V. SEGAL. 2002.

Metacognitive awareness and prevention of relapse in depression: Empirical evidence. Journal of Consulting Clinical Psychology 70 (2): 275 – 87.

* THICH NHAT HANH. 1990. Foreword. In Full castastrophe living: the program of the stress reduction clinic at the University of Massachusetts medical center. by J. Kabat-Zinn New York: Dell Publishing.

 

Chú thích của người dịch

 

* Bài viết đã in trong tập Contemporary Buddhism, Phật giáo đương đại, Tập 12, Số 1, Tháng 5 năm 2011 do J. Mark G. Williams, và Jon Kabat-Zinn biên tập. In lại trong “Mindfulness: Diverse Perspectives on Its Meaning, Origins and Applications” của J. Mark G. Williams, và Jon Kabat-Zinn, Routledge, 2013.

 

** Cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã viết “Lời nói đầu” cho quyển sách của Jon Kabat-Zinn.

 

Cho ấn bản thứ nhất

 

Cuốn sách rất dễ đọc và thiết thực này sẽ hữu ích về nhiều mặt. Tôi tin rằng nhiều người sẽ thu được lợi nhuận từ nó. Đọc nó, bạn sẽ thấy thiền là một cái gì đó liên quan đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cuốn sách có thể được mô tả như một cánh cửa mở ra cả về pháp (từ phía thế giới) và thế giới (từ phía của pháp). Khi giáo pháp thực sự quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, thì đó là giáo pháp chân chính. Và đây là điều tôi đánh giá cao nhất về cuốn sách. Tôi cảm ơn tác giả đã viết nó.

THICH NHAT HANH

PLUM VILLAGE, PHÁP QUỐC

1989

 

Cho ấn bản thứ hai

 

Như vô số người đã khám phá ra trong suốt 25 năm qua, chánh niệm là nguồn an lạc và niềm vui đáng tin cậy nhất. Ai cũng có thể làm được. Và ngày càng rõ ràng rằng không chỉ sức khỏehạnh phúc của chúng ta với tư cách cá nhân, mà sự tiếp tục của chúng ta với tư cách là một nền văn minh và một hành tinh đều phụ thuộc vào nó. Lời mời của cuốn sách này dành cho mỗi người chúng ta thức dậy và tận hưởng từng khoảnh khắc mà chúng ta được cho để sống chưa bao giờ cần thiết hơn ngày nay.

THICH NHAT HANH

PLUM VILLAGE, PHÁP QUỐC

2013

 


Bài đọc thêm:
https://thuvienhoasen.org/a14320/chanh-niem-la-gi 
https://thuvienhoasen.org/a9060/noi-ay-cung-la-bay-gio-va-o-day 
blank



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2022(Xem: 6765)
19/07/2022(Xem: 3649)
19/06/2022(Xem: 10876)
13/04/2022(Xem: 53767)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.