Khi bạn học cách an trú trong hiện tại, theo những người chủ xướng, bạn sẽ tìm thấy trong mình vẫn còn sự thấu cảm và lòng trắc ẩn giấu kín cho những người xung quanh. Điều đó chắc chắn là phần thưởng hấp dẫn cho công ty nào hy vọng tăng cường hợp tác trong các phòng ban của mình.

Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học vẽ ra bức tranh phức tạp hơn về tác động của chánh niệm đối với hành vi của chúng ta, với thêm bằng chứng mới cho thấy đôi khi nó có thể tăng thêm xu hướng ích kỷ của con người.

Theo một nghiên cứu mới, chánh niệm có thể đặc biệt có hại khi chúng ta đối xử không tốt với người khác. Bằng cách chế ngự cảm giác tội lỗi của chúng ta, dường như kỹ thuật thiền định phổ biến khiến chúng ta không còn muốn sửa chữa những lỗi lầm của mình.

"Trau dồi chánh niệm khiến mọi người xao nhãng những vi phạm của bản thân và nghĩa vụ trong đối nhân xử thế của họ, thi thoảng nới lỏng phạm trù đạo đức của chính mình," ông Andrew Hafenbrack, phó giáo sư quản lý và tổ chức tại Đại học Washington, Hoa Kỳ, người đứng đầu nghiên cứu mới này, cho biết.

Những tác động như vậy không nên khiến chúng ta chùn bước trước thiền định, Hafenbrack nhấn mạnh, nhưng ta có thể thay đổi thời gian, cách thức ta thiền định.

"Trong khi một số người xem nó như thuốc tiên, thì thiền chánh niệm là một cách thực hành cụ thể, đem đến các hiệu ứng tâm lý cụ thể," ông nói. Và chúng ta cần phải... quan tâm hơn chút nữa đến những tác động này.

Bình tĩnh và nhẫn tâm?

Có nhiều hình thức chánh niệm, nhưng các kỹ thuật phổ biến là tập trung vào hơi thở hay chú ý mãnh liệt đến những cảm giác trong cơ thể.

Có một số bằng chứng lạc quan cho thấy những cách làm này có thể giúp mọi người đối phó tốt hơn với căng thẳng, nhưng một số nghiên cứu trong vài năm qua đã chỉ ra rằng chúng cũng có thể có những tác động ngoài ý muốn và không mong muốn.

Chẳng hạn hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bang New York đã chỉ ra rằng chánh niệm có thể làm tăng mạnh xu hướng ích kỷcon người. Nếu một người đã mang tính chủ nghĩa cá nhân, thì họ thậm chí còn trở nên ít có khả năng giúp đỡ người khác hơn nữa sau khi thiền định.

Nghiên cứu mới của Hafenbrack đã tìm hiểu xem liệu trạng thái tâm trí của chúng ta khi thiền định và bối cảnh xã hội của chúng ta có thể ảnh hưởng, tác động tới hành vi của chúng ta hay không.

Nói chung, chánh niệm dường như làm dịu cảm giác bức bối, ông nói, điều này cực kỳ hữu ích nếu bạn cảm thấy bị ngộp trước áp lực công việc.

 

Tuy nhiên thì nhiều cảm xúc tiêu cực có thể có tác dụng hữu ích, nhất là xét đến các quyết định mang tính đạo đức.

Ví dụ như cảm giác tội lỗi có thể thúc đẩy chúng ta xin lỗi khi chúng ta làm tổn thương người khác, hoặc có hành động sửa chữa có thể vô hiệu hóa một số thiệt hạichúng ta đã gây ra. Hafenbrack nghi rằng nếu thiền chánh niệm khiến chúng ta bỏ qua cảm xúc đó, thì nó có thể khiến cho chúng ta không sửa chữa sai lầm.

Để tìm hiểu, ông đề ra một loạt tám thí nghiệm với tổng số mẫu 1.400 người, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau.

Một cách trong số đó là người tham gia được yêu cầu nhớ rồi viết về một tình huống mà họ cảm thấy có lỗi. Một nửa sau đó được yêu cầu thực hành một bài tập chánh niệm để hướng sự tập trung vào hơi thở của họ, trong khi những người khác được yêu cầu để tâm trí họ nghĩ vẩn vơ.

Sau đó, những người tham gia được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi đo lường cảm giác tội lỗi của họ. Họ cũng phải tưởng tượng họ đã được cho 100 đô la. Nhiệm vụ của họ là ước lượng xem họ sẽ sẵn lòng quyên góp bao nhiêu cho người mà họ đã đối xử tệ để làm một món quà sinh nhật bất ngờ.

Đúng như Hafenbrack nghi vấn, những ai thực hành thiền chánh niệm cho biết họ ít hối hận hơn - và họ ít rộng lượng hơn nhiều đối với người mà họ đã xử tệ. Trung bình, họ chỉ sẵn lòng chi ra 33,39 đô la, trong khi những ai để tâm trí đi lan man lại sẵn lòng chi 40,70 đô la - chênh lệch gần 20%.

Trong một thí nghiệm khác, Hafenbrack chia người tham gia thành ba nhóm. Nhóm một thực hành thở chánh niệm, còn nhóm thứ hai được yêu cầu để tâm trí đi lan man và nhóm thứ ba lướt web.

Những người tham gia sau đó được yêu cầu viết thư xin lỗi một người mà họ đã xử tệ, rồi hai trọng tài độc lập sau đó đánh giá thư theo tiêu chí cá nhân đó có chịu trách nhiệm về hành động hay không, và liệu họ có đề nghị bù đắp cho lỗi lầm hay không. (Lá thư xin lỗi chân thành đạt chất lượng cao cần phải đạt cả hai yếu tố)

Phù hợp với giả thuyết của Hafenbrack, những ai thực hành chánh niệm đưa ra lời xin lỗi ít chân thành hơn so với những người thuộc một trong hai nhóm kia. Điều này một lần nữa cho thấy chánh niệm đã bóp nghẹt cảm giác tội lỗi, và kéo theo đó là sự sẵn lòng sửa đổi của người có lỗi.

Các thí nghiệm còn lại cho thấy điều này đúng trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm việc ra quyết định kinh doanh có thể ảnh hưởng đến công bằng xã hội.

Chẳng hạn, những người tham gia vào thí nghiệm tưởng tượng rằng họ là giám đốc điều hành một công ty hóa chất xử lý các vật liệu nguy hiểm. Sau đó, họ được yêu cầu cho biết về sự ủng hộ của họ đối với một chính sách môi trường mới vốn giúp giảm ô nhiễm không khí. Những ai vừa thực hành chánh niệm ít có khả năng ủng hộ các biện pháp sửa chữa.

Thuốc Phật

Điều quan trọng là cần nhận thức rõ rằng những nghiên cứu này tìm hiểu tác động của thực hành chánh niệm trong các bối cảnh rất cụ thể, khi cảm giác tội lỗi hiện rõ trong tâm trí người tham gia. "Chúng ta không nên quá khái quát hóa và kết luận chánh niệm khiến bạn trở nên tệ hơn," Hafenbrack nói.

Tuy nhiên, kết quả của ông có thể khuyến khích chúng ta nghĩ nhiều hơn một chút về chuyện khi nào chúng ta nên áp dụng thực hành chánh niệm.

Ví dụ, chúng ta nên nghĩ kỹ về việc áp dụng nó sau khi có khúc mắc với bạn bè hay đồng nghiệp, nhất là nếu bạn biết rằng mình đã sai. "Nếu chúng ta giảm cảm giác tội lỗi của mình 'một cách nhân tạo' bằng cách thiền định để quên nó đi, chúng ta có thể có kết cục là quan hệ tệ hơn, hay thậm chí là ít quan hệ hơn," ông nói.

Miguel Farias, phó giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Coventry, Anh, nói rằng ông hoan nghênh bất kỳ nghiên cứu nào phân tích chi tiết tác động của chánh niệm một cách cẩn thậnchính xác. "Tôi nhất định nghĩ rằng chúng ta cần bắt đầu nhìn vào các sắc thái."

Trong cuốn sách 'Thuốc Phật' mà ông là đồng tác giả với Catherine Wikholm, Farias mô tả vì sao can thiệp chánh niệm ở phương Tây thường được thể hiện như là 'cách khắc phục nhanh chóng', trong khi bỏ qua hầu hết chỉ dẫn đạo đức vốn nằm trong truyền thống tôn giáo ban đầu - vốn có thể quan trọng để đảm bảo rằng thực hành chánh niệm đem lại những thay đổi mong muốn cho hành vi con người.

Làm việc với Ute Kreplin tại Đại học Massey ở New Zealand, Farias gần đây đã tìm hiểu các nghiên cứu có sẵn về hậu quả của thiền định đối với sự quên mìnhlòng trắc ẩn, nhưng thấy ít có bằng chứng cho thấy có những thay đổi tích cựcý nghĩa ở các cá nhân.

"Hiệu ứng yếu hơn nhiều so với những gì mọi người nói." Giống như Hafenbrack, ông ngờ rằng thiền định chánh niệm vẫn có thể hữu ích - nhưng việc bạn thấy được những lợi ích mong muốn hay không có thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính cách, động lựcniềm tin của thiền giả, ông nói. "Bối cảnh thực sự quan trọng."

Ít nhất, nghiên cứu của Hafenbrack cho thấy những người thực hành thiền định có lẽ nên chuyển sang áp dụng các kỹ thuật thiền khác bên cạnh việc thở chánh niệm và chú ý mãnh liệt đến những cảm giác trong cơ thể trong những lúc họ đang có bất đồng với người khác.

Ví dụ, ông đã kiểm tra một kỹ thuật được gọi là 'thiền lòng tốt', vốn lấy cảm hứng từ cách thực hành Phật giáo gọi là 'thiền từ bi' (Metta Bhavana). Cách làm này là suy gẫm về mọi người trong cuộc sống của bạn - từ bạn bè, gia đình cho đến người quen và người lạ - và vun xới những ước muốn và cảm giác ấm áp dành cho họ.

Trong nghiên cứu về cảm giác tội lỗi, Hafenbrack phát hiện rằng - không như thở chánh niệm - thiền từ bi làm tăng ý định khắc phục sai lầm. "Nó có thể giúp mọi người cảm thấy bớt tội lỗi hơn và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, mà không có nguy cơ làm giảm mong muốn mối sửa chữa quan hệ," ông nói.

Con người là sinh vật phức tạp với nhiều nhu cầu khác nhau; Sử dụng nhiều kỹ thuật để định hình cảm xúchành vi của mình là đúng.

Đôi khi điều đó cần phải nhìn vào bên trong, để kéo suy nghĩ về lại cơ thể chúng ta, và những lần khác lại cần nhìn ra bên ngoài, và nhắc nhở bản thân về chúng ta có những kết nối thiết yếu của với người xung quanh.

Thực sự là không có cách nào khác để chịu trách nhiệm về hành vi của mình và đảm bảo các mối quan hệ của chúng ta tiếp tục thăng hoa.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.