NGỌC ĐÈN PHÁP THIỀN TÔNG
Nguyên Giác
Trong ngày Sinh nhật thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, báo The Times of India ấn bản tiếng Anh ngày 6 tháng 7/2025 có bài do Ban biên tập viết, nhan đề “Dalai Lama turns 90: How is Zen Buddhism different from traditional and Tibetan Buddhism?” -- nghĩa là “Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 90 tuổi: Phật giáo Thiền tông khác với Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo truyền thống như thế nào?” -- đưa ra một giải thích cho các độc giả đọc Anh ngữ hiểu sơ lược về ba truyền thống Phật giáo này. Nơi đây, chúng ta dịch sang tiếng Việt bài viết kia, và sẽ góp thêm vài ý để làm sáng tỏ hơn về Thiền Tông.
Nên ghi nhận rằng, bài báo đó sẽ có tác dụng rất lớn, vì The Times of India là nhật báo tiếng Anh lớn thứ ba ở Ấn Độ về lượng phát hành và là tờ báo tiếng Anh hàng ngày bán chạy nhất thế giới. Theo Wikipedia, báo này có lượng phát hành tới 1,872,442 ấn bản (tính vào tháng 4/2023), và có tới 8 tờ báo liên kết (sister newspaper), trong đó nổi tiếng nhất là tờ báo tiếng Anh The Economic Times với 269,882 ấn bản (tính vào năm 2023) mỗi ngày. Đó là chưa kể tới số người không mua bản giấy, mà chỉ đọc qua mạng. Chúng ta vui mừng vì thấy ngày sinh nhật thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma được thế giới xem như một sự kiện lớn, và cũng là một cơ duyên để Chánh Pháp được biết tới nhiều hơn.
Bắt đầu bản dịch:
.
Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 90 tuổi: Phật giáo Thiền tông khác với Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo truyền thống như thế nào?
Ban biên tập ETimes.in / ngày 6 tháng 7/2025.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 đón sinh nhật lần thứ 90 của ngài vào ngày 6 tháng 7 năm 2025, và ngài cũng là vị giữ ngôi lâu nhất trong dòng truyền thừa của tất cả các Đức Đạt Lai Lạt Ma cho đến nay. Cuộc đời của ngài không chỉ làm nổi bật triết lý Phật giáo Tây Tạng nhưng cũng truyền cảm hứng cho sự quan tâm toàn cầu đối với Phật giáo nói chung.
Trong nhiều thế kỷ, Phật giáo đã phân nhánh thành nhiều tông phái khác nhau trong khi mỗi tông phái đều được định hình bởi văn hóa, khu vực và sự tiến hóa lịch sử. Trong khi Phật giáo Thiền tông, thường được biết đến với sự giản dị và thiền định trong im lặng, và sự lan rộng của Thiền tông ở Đông Á và phương Tây, Phật giáo Theravada truyền thống và Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng, và dòng truyền thừa tâm linh của các tông phái có nguồn gốc sâu xa từ những giáo lý Phật giáo sơ kỳ và các nghi lễ thực hành.
Vậy, chính xác thì Thiền tông khác biệt như thế nào? Và Phật giáo Theravada truyền thống và Phật giáo Tây Tạng có thể được đối chiếu như thế nào?
Sau đây là những điểm khác biệt cốt tủy và niềm tin chung giữa ba con đường Phật giáo riêng biệt này.
.
Cội nguồn và phát triển
Phật giáo Theravada là tông phái lâu đời nhất còn tồn tại, có nguồn gốc trực tiếp từ các cộng đồng Phật giáo đầu tiên ở Ấn Độ. Sau đó, được lan truyền sang Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Phật giáo Tây Tạng là một phần của truyền thống Mahayana chính, được phát triển ở Tây Tạng sau khi các nhà sư Ấn Độ mang các văn bản Phật giáo vào thế kỷ thứ 7. Trong đó bao gồm nghi lễ, mật tông và một hệ thống tu viện mạnh mẽ. Mặt khác, Thiền tông xuất phát từ Thiền tông Trung Hoa, kết hợp giữa Mahayana với các yếu tố Lão giáo và sau đó phát triển ở Nhật Bản thành Thiền tông mà ngày nay chúng ta gọi là Thiền tông. Mỗi tông phái đưa ra một quan điểm khác nhau, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ giáo lý cốt lõi của Đức Phật về đau khổ, vô thường và con đường đạt đến giải thoát.
Phương pháp thiền định và thực hành
Phật giáo Theravada tập trung vào vipassana (Thiền tuệ) và samatha (Thiền chỉ), khuyến khích người tu quan sát tâm một cách chặt chẽ và đạt đến Niết bàn xuyên qua lối sống đạo đức, kỷ luật và chánh niệm.
Phật giáo Tây Tạng kết hợp thiền định với quán tưởng, tụng thần chú, tay giữ thủ ấn và thực hành với thần linh (deity practices: thấy mình là một với các vị Phật, Bồ Tát, hoặc các đại diện phẩm chất giác ngộ như từ bi, trí tuệ). Nó cung cấp các con đường chi tiết như Lamrim, nghĩa là Con đường Tuần tự Tu học, và cũng dựa trên sự hướng dẫn của một vị thầy giỏi.
Thiền tông đơn giản hóa con đường tu học bằng cách tập trung gần như hoàn toàn vào ngồi thiền, còn gọi là zazen. Thay vì lý luận phân tích chi tiết hoặc nghi lễ sống động, Thiền tông dạy rằng sự giác ngộ đến thông qua trải nghiệm trực tiếp, không lời nói. Nó ít liên quan đến việc học và nhấn mạnh nhiều hơn vào "chỉ ngồi mà thôi" (just sitting).
Trên cơ sở kinh điển và giáo lý
Theravada truyền thống dựa rất nhiều vào Kinh điển Pali, đặc biệt là các bộ Sutta Pitaka, nơi ghi chép những lời dạy đầu tiên của Đức Phật. Các nhà sư và cư sĩ nghiên cứu những văn bản này như một nền tảng cho hành vi đúng đắn và trí tuệ.
Phật giáo Tây Tạng sử dụng nhiều kinh sách được viết bằng tiếng Tây Tạng, có nguồn gốc từ các văn bản tiếng Phạn. Nó bao gồm các kinh Mahayana và các văn bản mật tông. Nghiên cứu là phần rất quan trọng, và các nhà sư có thể tranh luận về triết học trong nhiều năm để phát triển sự thông suốt [giáo lý] và hiểu rõ [Phật pháp].
Thiền tông kính trọng kinh điển nhưng thường xem nhẹ việc học văn bản. Một câu nói nổi tiếng của Thiền tông nói rằng, “Giáo ngoại biệt truyền” (Truyền dạy ngoài kinh điển). Thiền tông khuyến khích người tu trải qua những kinh nghiệm vượt ngoài lời nói, sử dụng công án hoặc các câu đố và trải nghiệm trực tiếp để tìm ra sự thật.
Sử dụng nghi lễ và biểu tượng
Phật giáo Tây Tạng rất phong phú về các biểu tượng, hay tranh thangka, nghĩa là các bức tranh thiêng liêng, mandala, bánh xe cầu nguyện và các nhạc cụ nghi lễ phổ biến. Người ta cho rằng những thực hành này có thể thay đổi tâm và môi trường của người tu thành các biểu hiện của nhận thức giác ngộ.
Theravada đơn giản hơn về nghi lễ nhưng coi trọng việc cúng dường, tụng kinh và những ngày lễ. Tu viện, chùa chủ yếu được sử dụng làm trung tâm cho cộng đồng Phật tử và các hoạt động như bố thí và thiền định.
Thiền tông chuyên giữ mọi thứ cho đơn giản và có ý nghĩa. Thay vì các nghi lễ lớn, nó tập trung vào các hành động nhỏ, tĩnh lặng như cúi chào, thắp hương hoặc tụng kinh. Những điều này có vẻ như cơ bản, nhưng trong Thiền tông, chúng được thực hiện chậm rãi và với sự tập trung cao độ.
Sự khác biệt dựa trên ảnh hưởng văn hóa
Phật giáo Theravada vẫn có nền tảng sâu sắc ở các quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka và Myanmar, và cũng đang lan rộng trên toàn cầu vì tập trung vào chánh niệm và thiền định.
Phật giáo Tây Tạng được dẫn dắt bởi các nhân vật nổi tiếng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, và đã lan tỏa đến mọi người trên khắp thế giới. Những lời dạy của Phật giáo về lòng từ bi, nghiệp lực và con đường Bồ tát kết nối với những người đang tìm kiếm ý nghĩa ở cả phương Đông và phương Tây.
Thiền tông có cách tiếp cận bình an và chủ yếu tập trung vào sống với cái ở đây và bây giờ. Nó cũng ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Nhật Bản, như nghi lễ trà đạo và võ thuật. Ở phương Tây, nó phổ biến hơn đối với những người tìm kiếm sự tĩnh lặng và sáng suốt mà không cần đến tôn giáo chính thức. (Hết trích dịch)
.
Bài viết trên của Ban biên tập báo The Times of India hiển nhiên là được soạn theo hầu hết các sách phổ thông về Phật giáo trong thế giới tiếng Anh. Đối với Thiền tông thì bài viết không sai gì hết, nhưng chỉ là chưa đủ. Cần ghi nhận rằng phương pháp nhấn mạnh vào ngồi thiền là pháp Tào Động của Nhật Bản. Trong Thiền Lâm Tế và trước đó, vào thời của Pháp Bảo Đàn Kinh, lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng và vài thế hệ Thiền sư sau đó chỉ nhấn mạnh chủ yếu là Thấy Tánh, và xem việc ngồi Thiền hoài là kiểu y như mài ngói làm gương.
Trong bài viết trên cũng nhấn mạnh vào ý Thiền Tông là “pháp môn truyền ngoài kinh điển.” Thực ra, câu nói truyền ngoài kinh điển là có ý nói rằng phải đọc Kinh vô tự, Kinh không chữ, và phải đọc thấy Kinh Phật trong tâm, chứ không phải đọc kinh trong văn tự, chữ viết. Do vậy, các chùa Thiền tông thường nhất là tụng Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Bảo Đàn. Nghĩa là, vẫn có pháp ghi trong chữ viết, văn tự.
Thêm nữa, không nên nhìn Thiền tông như nhuốm màu Lão giáo, như kiểu nhiều Giáo sư Tiến sĩ phương Tây giải thích. Một số điểm tương đồng bề ngoài dễ gây nhầm lẫn. Thí dụ, Lão giáo thường nói về thái độ vô vi; trong khi Thiền tông thường nói về thái độ vô tâm, vô niệm. Hai phương pháp này có nhiều phần khác nhau, và các phần tương đồng nên hiểu tùy nghe ngữ cảnh.
Vô vi trong Lão giáo là “Không làm mà không gì là không làm” (vô vi nhi vô bất vi). Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh, rằng “vô vi” hiểu theo Lão giáo không đơn giản là “không làm gì cả”, mà là hành động thuận theo tự nhiên, không cưỡng ép, không can thiệp bằng ý chí cá nhân, không dùng tư tâm để điều khiển sự vật, để mọi thứ vận hành theo Đạo. Một vị vua theo “vô vi” sẽ cai trị bằng cách tạo điều kiện cho dân tự phát triển, không áp đặt luật lệ quá mức, không sử dụng nhiều quyền lực.
Trong khi đó, thái độ vô tâm trong Thiền Tông có nghĩa chủ yếu là “Không bị cảnh làm lay động.” Nghĩa là, giữ tâm như thị. Do vậy, ngài Trần Nhân Tông viết rằng đối cảnh mà vô tâm thì không cần gì tới thiền nữa (Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền). Nghĩa là, người tu không khởi niệm phân biệt khi đối cảnh, không thấy tâm mình khởi dậy yêu hay ghét, không khởi tâm níu kéo hay xua đẩy. Lúc đó, tâm người tu sẽ không trụ vào bất kỳ pháp nào, dù là trụ vào thiện/ác, đúng/sai, có/không.
Kinh Kim Cang viết thái độ này là “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Khi tâm không chỗ trụ, thì tâm giải thoát hiển lộ). Tâm giải thoát còn được Thiền tông gọi là Phật tánh, biểu hiện của từ bi, trí tuệ và giải thoát, không phải vô cảm. Khi đối chiếu, chúng ta có thể thấy rằng Thiền Vô Tâm, hay Thiền Vô Niệm chính là lời dạy trong Kinh Bahiya Sutta, rằng hãy để cái được thấy chỉ là cái được thấy, và cái được nghe chỉ là cái được nghe.
Nói rằng Thiền tông không dựa vào Kinh điển là không hoàn toàn đúng. Bởi vì bất kỳ kinh nhật tụng nào trong bất kỳ ngôi chùa Thiền tông nào cũng buộc phải tụng Bát Nhã Tâm Kinh và Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Tụng hàng ngày, hàng buổi, và phải sống các lời dạy này trong từng khoảnh khắc.
Bát Nhã Tâm Kinh có thể rút gọn thành Sắc tức thị Không, và Không tức thị sắc. Nghĩa là, Sắc (những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, được suy nghĩ tư lường) chính là Không, tức là không có tự ngã, không có tự tánh, như trò ảo thuật, vô thường, vô ngã, hư ảo như bọt nước, như tia chớp, như ráng nắng chiều. Và thấy ngược lại. Thấy như thế, thì không cần ngồi Thiền, và khi ngồi chỉ là để làm gương cho người ngoài cổng chùa. Ngoài tâm không có pháp. Trong khi Lão giáo phải tìm nơi u tịch luyện công, thì người tu Thiền thõng tay vào chợ vẫn không hề quái ngại.
Trong khi đó, Bốn lời đại nguyện của người tu Thiền đọc hàng ngày trong Kinh nhật tụng là: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Thực sự, cũng chỉ gom về tâm thôi. Không làm gì khác ngoài tâm mình.
Lục tổ Huệ Năng từng giảng rằng đó là: “Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Tự tâm phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Tự tánh pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Tự tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Nghĩa là: Khi thấy vô lượng niệm sanh khởi trong tâm thì hãy độ vô lượng tâm đó qua bờ, vào nơi an ổn; khi thấy vô lượng phiền não trong tâm thì người tu hãy đưa tất cả phiền não đó vào nơi tịch diệt; khi thấy trong tự tâm mình có vô lượng pháp môn của Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ thì hãy học, hãy tu, hãy trưởng dưỡng không ngừng; và khi thấy trong tự bản tâm mình đã có sẵn các phẩm chất giải thoát (tức Phật đạo) thì hãy hoàn thiện để sẽ không còn rơi vào đâu nữa.
Không phải tuyệt vời sao, khi chúng ta sinh trong thời còn có Phật pháp. Không phải tuyệt vời sao, khi chúng ta được thừa hưởng di sản Thiền tông rất độc đáo. Và không phải tuyệt vời sao, khi đi đứng nằm ngồi trong cõi trần gian đầy mưa bão tham sân si mà đã mặc được bộ áo giáp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Không tu bây giờ thì để tới bao giờ, và rồi ai sẽ truyền đi ngọn đèn Pháp?
THAM KHẢO:
Dalai Lama turns 90: How is Zen Buddhism different from traditional and Tibetan Buddhism? | The Times of India
- Từ khóa :
- Ngọc Đèn Pháp
- ,
- thiền tông