HƯƠNG VỊ PHÁP BẢO
Thiền sư U Silananda
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2015
(10)
Lý tưởng Bồ Tát
trong Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy
Trong kinh điển Pali, hoặc trong các bài pháp, Đức Phật thường dùng hai danh từ để chỉ chính Ngài: Bồ Tát (Bodhisatta) và Như Lai (Tathagata). Ngài tự gọi là Bồ Tát khi nói về giai đoạn trước khi Ngài Giác ngộ trong kiếp nầy. Và sau khi Ngài đạt Chánh quả rồi thì Ngài thường xưng là Như Lai.
Dựa trên những danh xưng nầy, ta có thể hiểu rằng Bồ Tát là một vị có đầy đủ điều kiện đạt Giác ngộ hoặc một vị đang đi trên con đường chắc chắn dẫn đến quả vị Phật. Trong Chú giải, chữ Bồ Tát có ba nghĩa:
1. là một người có đủ điều kiện, phẩm hạnh cần thiết để trở thành một vị Phật.
2. là một người luôn luôn có tâm nguyện mãnh liệt muốn trở thành một vị Phật. Ý nghĩa nầy chỉ có thể giải thích được trên từ ngữ Pali vì "satta" là tâm luôn hướng về, luôn hoài bão trở thành Phật. Còn "bhodisatva" (Sanscrit) để chỉ các vị phát tâm Bồ đề và đã Giác ngộ.
3. là một người có trí tuệ (boddhi) đạt được sự Giác ngộ các tầng thánh từ đó viên mãn được tất cả các phẩm tính của một vị Phật.
Theo giáo lý Nguyên Thủy, có ba quả vị Giác ngộ:
1. Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (hay Chánh Biến Tri).
2. Đức Phật Độc Giác hay Bích Chi Phật (Pachekka), hay Đức Phật Im Lặng.
3. Các đệ tử của Đức Phật gồm ba hạng:
- Các đệ tử chính: Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
- Các đại đệ tử: Kiều Trần Như, Ca Diếp, Ananda, A Nậu Đà La (Arudhana).
- Các thánh đệ tử đã đạt quả A La Hán.
Trong ba quả vị Giác Ngộ kể trên, về mặt phẩm chất và khả năng của mỗi quả vị có nhiều điểm khác nhau:
- Các vị Phật Toàn Giác đạt Giác ngộ giải thoát mà không có sự chỉ dạy của một vị thầy nào. Sau khi Giác ngộ, các Ngài trở lại giáo hóa cho chúng sanh.
- Các vị Phật Độc Giác tự đạt Giác ngộ nhưng không có khả năng truyền lại cho chúng sanh. Họ được ví như người nằm mơ nhưng không biết cách diễn tả giấc mơ cho người khác nghe.
- Các vị đệ tử Phật đạt Giác ngộ dưới sự hướng dẫn của một vị thầy, như Đức Phật, hay đạo sư. Họ có hoặc không có khả năng giáo hóa và giúp đỡ người khác đạt Giác ngộ.
Do đó ta thấy có nhiều phương cách và mục đích để đạt Giác ngộ. Theo giáo lý Nguyên Thủy, Phật tử có toàn quyền chọn lựa một trong ba phương cách đạt Giác ngộ kể trên tùy theo tâm nguyện và khả năng của mình. Nhưng theo truyền thống Đại thừa thì Phật tử được chỉ dạy nên đi theo con đường tiến đến Phật quả (Bồ Tát Đạo).
Ở đây, Sư không có kiến thức đặc biệt về giáo lý Bắc tông nên Sư chỉ trình bày những gì Sư quen thuộc trong giáo lý Nguyên Thủy.
Sứ mạng của một vị Phật là cứu giúp chúng sanh hoặc chỉ dạy cho chúng sanh tự cứu thoát ra mọi khổ đau của vòng luân hồi sanh tử. Nhưng để được trở thành một vị Phật, một chúng sanh phải trải qua không phải là nhiều năm mà là vô số kiếp sống trầm luân trong tam giới. Do đó, nếu chúng ta khuyên một người hãy trở thành Phật có nghĩa là ta khuyên người ấy phải kiên trì chịu đựng mọi khổ đau qua muôn ức kiếp sống trong vòng luân hồi nầy. Trong kinh điển Nguyên Thủy, chưa bao giờ Đức Phật thẳng thắn khuyên một ai nên cố gắng đạt quả vị Phật, mà Ngài chỉ luôn luôn sách tấn đệ tử Ngài phải nỗ lực thành tựu thánh quả A La Hán càng sớm càng tốt.
Mặc dù con đường đạt Thánh đạo luôn luôn được nhấn mạnh nhưng không phải vì vậy mà Phật thừa và Duyên Giác thừa không được đề cao trong giáo lý Nguyên Thủy.
Đối với những ai có Đại Bi tâm muốn gánh chịu mọi khổ đau trong vô lượng kiếp để hoàn thành các hạnh nguyện Bồ Tát đều có thể phát Bồ Đề tâm để đi trọn con đường tiến đến Phật quả. Như vậy sự lựa chọn là hoàn toàn do tâm nguyện của chúng ta.
Phải làm những gì để có thể trở thành một vị Phật?
1. Trước hết phải là một vị Bồ Tát. Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, muốn trở thành một vị Bồ Tát, một người phải phát những lời nguyện rất lớn và phải hội đủ những điều kiện rất cao:
- Người ấy phát nguyện hành Bồ Tát Đạo trước mặt một vị Phật tại thế và được chính Đức Phật ấy chứng minh cho.
Sư muốn nhắc lại chuyện tiền thân của Đức Phật Cồ Đàm (mặc dù Ngài đã nhập diệt cách đây hơn 2.500 năm nhưng ta vẫn gọi Ngài là Phật Hiện Tại vì chúng ta đang hành theo giáo pháp của Ngài).
Trong một kiếp rất xa xôi, Ngài là đạo sĩ Sumedha, được gặp Đức Phật hiện tiền lúc bấy giờ là Phật Nhiên Đăng (Dipancara), Ngài phát tâm muốn trở thành vị Phật với lời nguyện như sau:
"Khi ta vượt thoát đến bờ bên kia rồi, ta sẽ giúp chúng sanh vượt thoát khỏi giòng trầm luân nầy.
Nếu ta có thể cắt đứt được giòng sanh tử, lên được thuyền Chánh pháp.
Ta sẽgiúp cho các chúng sanh cũng được như ta".
Những câu nầy cho chúng ta thấy Bồ Tát không thể đem chúng sanh qua bờ bên kia với Ngài được, nhưng Ngài phải đến bờ bên kia rồi mới tìm cách chỉ dạy cho chúng sanh vượt thoát được như Ngài.
Muốn phát đại nguyện nầy và muốn được Đức Phật hiện tiền thọ ký phải hội đủ 8 điều kiện sau:
a. Phải là một con người ở cõi nhân gian chứ không phải chúng sanh ở các cõi giới khác.
b. Phải là người đàn ông. Nếu một người nữ muốn phát nguyện thì phải chuyển thân nam trước.
c. Dù có khả năng đạt Thánh quả giải thoát A La Hán trong kiếp đó, vị nầy vì tâm đại bi đối với chúng sanh, cũng tự nguyện bỏ qua cơ hội đó.
d. Phải tự thốt lời nguyện trước mặt một vị Phật hiện tiền. Nếu chỉ nguyện trước một vị Phật đã nhập diệt hoặc trước một tôn tượng thì sẽ không giá trị vì thiếu sự hứa khả của một vị Phật thật sự.
e. Phải là một vị tỳ kheo sống đời phạm hạnh vì nếp sống cư sĩ tại gia không thích hợp với con đường Bồ Tát hạnh.
f. Phải toàn thiện năm pháp thần thông và tám tầng thiền (bốn tầng thiền Sắc giới và bốn tầng thiền Vô Sắc giới).
g. Phải có tâm quyết định triệt để xả ly tất cả, ngay cả thân mạng mình cho các vị Phật.
h. Phải có ý chí vô cùng mạnh mẽ để đạt Phật quả. Nếu có ai nói rằng cõi trần thế này là một đại dương vô tận, vị ấy cũng sẵn sàng lội qua, hay là một biển than nóng đỏ mênh mông vị ấy cũng sẵn sàng bước lên để vượt đến bờ bên kia.
2. Sau khi đã được Đức Phật hiện tiền thọ ký, vị ấy sẽ chính thức trở thành một Bồ Tát và bắt đầu hành trì cho đến mức viên mãn đầy đủ 10 Ba-la-mật. Ba-la-mật là những phẩm hạnh tuyệt hảo, tuyệt đối mà một vị Bồ Tát tự biết được do trí tuệ đặc biệt của mình.
Mười Ba-la-mật, những phẩm tính của các hiền nhân cao cả, la:ụ bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm Từ và tâm Xả.
Một vị Bồ Tát phải hoàn thiện tất cả các phẩm tính nầy qua vô lượng kiếp sống và nhiều chu kỳ thế giới. Người bình thường như chúng ta cũng có thể hành các hạnh nầy dù ở mực độ khác nhau.
- Chẳng hạn như khi bố thí cúng dường, người thường chỉ cho ra một phần nhỏ những gì mình có, trái lại Bồ Tát thì cho ra đến tận cùng ví như một hủ đầy nước được lật úp xuống, chẳng còn giọt nào bên trong.
- Hoặc như khi trì giới, Phật tử chúng ta hay bị đứt giới vì nhiều lý do, sau đó xin giới lại. Nhưng giới đức của Bồ Tát thì không khi nào bị đứt đoạn cho dù phải bỏ đi mạng sống của mình.
- Vị Bồ Tát lúc nào cũng hướng về sống xả ly dù đang ở vị trí quyền uy giàu có.
- Bồ Tát lúc nào cũng hướng về sự phát triển trí tuệ cho đến mức cùng tột. Ngài không từ bỏ bất cứ một cơ hội quán sát, học hỏi nào hướng đến Giác ngộ. Vì vậy Phật tử luôn luôn được khuyến khích là phải cố gắng tra cứu Phật pháp để nâng cao trí tuệ.
- Vị Bồ Tát không bao giờ dễ duôi, giải đãi trên đường hành đạo.
- Đức kiên trì, nhẫn nhục của vị Bồ Tát được ví như đất, luôn luôn chịu đựng mọi thứ cấu tịnh đổ lên trên mình.
- Vị Bồ Tát luôn luôn chân thành chính trực, không bao giờ nói dối, được ví như ngôi sao mai đầu tiên trên bầu trời, không bao giờ thay đổi vị trí của mình.
- Tâm quyết định vững chắc của Bồ Tát được so sánh như núi đá hùng vĩ không sức mạnh nào có thể lay chuyển nổi.
- Tâm Từ của Bồ Tát được trải rộng đến tất cả mọi người, oán thân bình đẳng. Ba-la-mật nầy được ví như nước, đối với người tốt hay xấu khi dùng nước thì nước đều đem lại sự mát mẻ cho họ như nhau.
- Tâm Xả Ba-la-mật được ví như đất, luôn luôn thăng bằng và bình thản.
Tất cả 10 Ba-la-mật nầy được thực hành ở ba mức độ khác nhau. Chẳng hạn như hạnh bố thí:
- ở mức độ căn bản: Cho những gì bên ngoài thân như của cải, vợ con...
- ở mức độ trung bình: Cho ra những gì trong thân như tay, mắt...
- ở mức độ cùng tột: Cho luôn cả mạng sống.
Nhân 10 Ba-la-mật trên với 3 mức độ trên sẽ có cả thảy là 30 loại Ba-la-mật. Cùng với 30 loại Ba-la-mật nầy, vị Bồ Tát phải thực hiện 5 đại xả ly (chân tay, mắt, tiền của, vương quốc, vợ con) và 3 đối tượng thực hành (vì hạnh phúc của chúng sanh, vì sự bảo vệ cho gia đình thân thuộc, và vì sự viên thành quả vị Phật).
Tóm lại, phải hội đủ tất cả điều kiện và phẩm hạnh trên đây, vị Bồ Tát với tâm Đại Bi vô lượng và phẩm hạnh trên đây, vị Bồ Tát với tâm Đại Bi vô lượng phải trải qua vô lượng kiếp trôi lăn trong đau khổ cùng với chúng sinh để cứu giúp chúng sinh bớt đau khổ mới mong thành đạt Phật quả.
Cần bao nhiêu thời gian để một vị Bồ Tát hành trì và hoàn tất 10 Ba-la-mật nầy?
Các vị Phật được tiêu biểu tùy theo 3 đặc điểm, phẩm hạnh của các Ngài:
1) Vị Phật mà trí tuệ là thù thắng
2) Vị Phật mà đức tin là thù thắng
3) Vị Phật mà tinh tấn là thù thắng
Do đó, vị Bồ Tát nào mà trí tuệ là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Trí Tuệ Phật sau 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ Tát có đức tin là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Tín Tâm Phật sau 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ Tát có tinh tấn là phẩm hạnh nổi bật nhất thì sẽ trở thành Tinh Tấn Phật sau 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
Chắc quí vị sẽ tự hỏi ai là người đặt ra thời gian nầy?
Dựa vào kinh Buddhavasa nói về các Đức Phật trước Đức Phật Cồ Đàm trong đó có câu "vào 4 A-tăng-kỳ và 100 đại kiếp trước, có một đạo sĩ tên là Sumedha...", các nhà Chú giải đã nhân số đó lên 2 lần cho các vị Tín Tâm Phật và nhân số đó lên 4 lần cho các vị Tinh Tấn Phật.
Có thể rút ngắn thời gian thành Phật quả được không?
Thí dụ nếu một vị Bồ Tát từng giây từng phút cố gắng tinh cần phát triển 10 Ba-la-mật không ngừng nghỉ thì vị nầy có thể đạt Phật quả sớm hơn không? (giống như làm thêm giờ phụ trội để hoàn thành công việc sớm hơn hạn định). Điều nầy không thể thực hiện được vì trí tuệ chưa chín mùi và vì các yếu tố cần thiết khác cũng chưa đủ để viên thành 10 Ba-la-mật kia. Ví như khi gieo một hạt giống, ta phải đợi đúng thời gian hạt giống mới thành cây, ra hoa và kết trái. Ta không thể làm cách gì đốt giai đoạn để cây sớm trở thành quả được.
Như vậy thời gian thực hành viên mãn 10 Ba-la-mật không thể thay đổi được. Do đó ta có thể nghĩ rằng chắc không ai muốn trở thành một vị Tinh Tấn Phật cả vì cần nhiều thời gian hơn hết. Sư xin kể về một cao tăng rất nổi tiếng ở Mandalay là thành phố mà Sư sinh trưởng. Vị nầy nổi tiếng vì học hành rất chậm lụt, trí nhớ kém cỏi, thuộc một câu kệ phải mất thời gian rất lâu. Nhưng Sư có đức tinh tấn rất mãnh liệt và nhờ cố tâm như vậy nên khi đã học, đã nhớ một điều gì, Ngài không bao giờ quên và sau đó Ngài trở thành một nhà Phật học tinh thông. Ngài viết một bộ sách Phật pháp và ở trang cuối, Ngài đã ghi lời phục nguyện là "Mong cho công đức viết bộ kinh nầy giúp tôi trở thành một vị Tinh Tấn Phật!" cho ta thấy Ngài đã hoan hỉ sẵn sàng đón nhận 16 A-tăng-kỳ để được trở thành Phật.
Một vị Bồ Tát đã đạt Giác Ngộ chưa?
Theo kinh điển Phật Giáo Bắc tông thì nhiều người nghĩ rằng Bồ Tát là vị đã đạt Giác ngộ nhưng chưa nhập Niết bàn vì còn nguyện cứu độ chúng sanh.
Nhưng theo giáo lý Nguyên Thủy thì vị Bồ Tát chưa đạt thành Giác ngộ . Vị nầy hoãn lại việc thành đạt Giác ngộ chứ không phải hoãn lại việc nhập Niết bàn. Trước hết hãy xem Giác ngộ là gì?
Theo giáo lý Nguyên Thủy, Giác ngộ là chứng nghiệm được Tứ Diệu Đế, kinh nghiệm trực tiếp Niết bàn và sự thân chứng nầy là kết quả của việc hành thiền Minh Sát. Khi tâm của hành giả quán đạt đến mức viên mãn sẽ sanh khởi một tâm thánh đạo bắt lấy Niết bàn làm đối tượng, thực chứng được Tứ Diệu Đế.
Có 4 tầng bậc Giác ngộ: Nhập lưu (còn 7 lần tái sanh), Nhất lai (còn 2 lần tái sanh), Bất lai (không còn tái sanh làm người) và A La Hán (hết tái sanh). Cho nên dù đạt Giác ngộ ở tầng thánh nào thì thời gian còn lại cũng quá ngắn không đủ để hoàn thành các Ba-la-mật. Đọc Túc Sanh truyện kể lại các tiền thân của Đức Phật, ta sẽ thấy rất nhiều kiếp, Bồ Tát tái sanh làm kiếp thú như khỉ, nai, chó... Nếu đã vào tầng thánh cho dù là tầng thánh thứ nhất, Bồ Tát cũng không tái sanh vào 4 đường ác đạo. Do đó ta có thể nói là Bồ Tát chưa đạt Giác ngộ nhưng Bồ Tát luôn luôn là một chúng sanh phi thường, dù trong kiếp người hay súc sanh vì lúc nào cũng làm điều lợi ích cho chúng sanh, nêu lên những gương sáng. Trong kiếp nào, Bồ Tát cũng là người dẫn đầu một nhóm hay một nước, có giới đức trong sạch, luôn sống và tu hành tùy thuận với mọi chúng sanh.
Bồ Tát có hành Thiền quán không?
Bồ Tát giữ tâm trong sạch và huân bồi Ba-la-mật bằng hành thiền quán nhưng vị nầy ngưng ngay trước khi Giác ngộ.
Người hành Thiền quán có thực tập 10 Ba-la-mật không?
Ba-la-mật không phải chỉ dành riêng cho các vị Bồ Tát mà mọi người đều có thể hành trì theo khả năng, mức độ khác nhau. Hãy xét xem khi hành thiền Minh Sát, ta có thực tập được 10 Ba-la-mật nầy chăng?
1) Bố thí: Thiền sinh đến đây đều cúng dường tài vật cho thiền viện, dâng cúng thức ăn cho các Sư và bạn tu, chấp tác, công quả...
2) Trì giới: Mỗi ngày thiền sinh đều thọ giới và giữ giới đức trong sạch.
3) Thoát ly: Thiền sinh phấn đấu từ bỏ cuộc sống gia đình và xã hội đến thiền viện vài ngày, vài tuần để sống đời xuất gia, giữ phạm hạnh. Xuất gia có hai nghĩa (còn gọi là ẩn cư):
- Về thể xác: Thoát ly khỏi gia đình hay xã hội bên ngoài.
- Về tâm linh: Cố gắng làm cho tẩy trừ các ô nhiễm ra khỏi nội tâm.
4) Trí tuệ: Hành thiền Minh Sát là phương cách tốt nhất để phát triển trí tuệ. Do hành thiền Minh Sát ta mới thấu hiểu được sự thật về vạn vật, về thân, tâm. Sự thấu suốt ấy gọi là trí tuệ. Và chúng ta thật sự đang có trí tuệ nầy vì khi hành thiền Minh Sát, chúng ta không thể không thấy mọi vật thật sự là vô thường, khổ và vô ngã.
5) Tinh tấn: Thiếu tinh tấn không thể thiền tập được nên khi hành thiền hành giả tích trữ rất nhiều loại Ba-la-mật nầy.
6) Nhẫn nhục: Hành thiền Minh Sát đòi hỏi tâm kiên trì, nhẫn nhục chịu đựng với rất nhiều mặt như thời tiết, thức ăn, giờ giấc, cảm thọ khó chịu trong thân và tâm... Ngài Mahasi thường nhắc "Nhẫn nhục đưa tới Niết bàn". Thiền sinh vun bồi hạnh nầy nhiều nhất khi hành thiền.
7) Chân thật: Trong khóa thiền, thiền sinh giữ im lặng cao quý (Noble Silence), tuyệt đối không nói chuyện, thọ 8 giới trong đó có giới không nói dối. Trong giờ trình pháp với Sư, thiền sinh trình bày một cách thành thực những gì kinh nghiệm được, không thêm bớt, không tưởng tượng.
8) Quyết tâm: Thiền sinh phải có quyết tâm hành thiền mới hành thiền được và khi đã hành rồi quyết không từ bỏ dù gặp khó khăn hay chướng ngại.
9) Tâm Từ: Trước khi thiền quán, thiền sinh thiền tâm Từ để rải tâm từ ái cho chính mình rồi cho tất cả các chúng sanh. Tâm Từ còn giúp cho dễ đạt định. Trong khi quán, tâm Từ cũng được áp dụng khi thiền sinh ghi nhận có những tâm sân hận đang sanh khởi.
10) Tâm Xả: Khi có cảm giác khó chịu hay đau đớn trong thân hay tâm, thiền sinh chú niệm vào nó, không để cảm giác nầy quấy rầy mình thì lúc đó thiền sinh đang trau giồi tâm Xả. Chỉ ghi nhận cảm giác mà không dính mắc vào. Do tâm Xả nầy mà dần dần giúp thiền sinh thấy được đặc tính vô ngã của sự vật.
Tóm lại hành thiền Minh Sát là một hình thức vun bồi đủ 10 Ba-la-mật hữu hiệu và tốt đẹp nhất. Do đó, Bồ Tát cũng hành thiền nhưng không đi đến chỗ rốt ráo mà ngừng ngay khi sắp Giác ngộ.
Tại sao một người lại muốn trở thành một vị Phật?
Một vị Bồ Tát nhìn lại chúng sanh thấy thật rõ ràng chúng sanh đang đắm chìm trong khổ đau, đè nén bởi sanh, già, đau, chết và tham ưu ở đời. Ngài muốn cứu vớt chúng sanh và Ngài biết muốn làm được điều đó Ngài phải trở thành một vị Phật. Đó là lý do duy nhất để một người phát nguyện thành Phật.
Một vị Phật có cứu được tất cả chúng sanh không?
Cứu độ chúng sanh là lời nguyện của một vị Bồ Tát nhưng thật sự không có vị Phật nào có thể cứu độ chúng sanh được. Trước hết phải hiểu cứu độ có nghĩa như thế nào? Theo Phật giáo thì không có một người nào có thể cứu một người nào ra khỏi vòng luân hồi được, có nghĩa là không thể ban cho ai sự Giác ngộ của mình. Đức Phật chỉ có thể giúp chúng sanh phương cách để tự cứu lấy mình. Chúng ta không nên nghĩ rằng sẽ được cứu độ chỉ vì chúng ta có lòng tin vào Đức Phật. Chính Ngài đã dạy rõ ràng là ta phải tinh tấn nỗ lực thực hành để đạt Giác ngộ cho chính mình. Vậy cứu độ theo đạo Phật có nghĩa là ban cho lời chỉ dạy. Tất cả sự cứu giúp khác chỉ là những trợ duyên mà thôi.
Người theo giáo lý Nguyên Thủy có ai nguyện trở thành Phật không?
Nhiều người không có hiểu biết đúng đắn tường nói là hành theo giáo lý Nguyên Thủy chỉ đạt đến thánh quả A La Hán mà thôi. Nếu nói rằng giáo lý Nguyên Thủy không tin cũng không muốn thành Phật là điều không xác đáng. Việc muốn trở thành Phật, Bích Chi Phật hay A La Hán là hoàn toàn do tâm nguyện của từng người.
Sau đây Sư sẽ cho quý vị bảng danh sách 10 vị người Miến Điện đã có lời nguyện sẽ trở thành một vị Phật. Sư có bằng chứng cụ thể là ngoài mười vị nầy còn có rất nhiều người khác có lời nguyện giống như vậy. Nhìn vào danh sách nầy quý vị sẽ thấy tên người thứ bảy là Đại Lão Thiền Sư Tuangpulu Sayadaw có tu viện ở Santa Cruz. Ngài có rất nhiều đệ tử người Miến và người Mỹ và ai cũng nghĩ rằng Ngài đã đạt được thánh quả A La Hán. Nhưng sự thực không phải vậy, vì Ngài từng nói rõ là Ngài đã phát nguyện thành Phật. Nay Ngài đã mất và đây là thí dụ điển hình gần với các thiền sinh đây nhất.
Tên vị thứ tám trong danh là quốc vương Miến Điện vào thời Pagan. Vị vua nầy đã xây một ngôi chùa rất vĩ đại hiện vẫn còn nguyên một bảng ghi khắc 100 câu kệ Pali rất hay trong đó có câu cuối cùng là "Do phước báu cúng dường chùa nầy tôi xin nguyện được trở thành Phật để cứu độ chúng sanh".
Tên vị thứ chín và thứ mười trong danh sách là hai vị vua, một Miến Điện, một Thái Lan đều có công với Phật Pháp. Trên đây là những thí dụ tiêu biểu cho ta thấy những nước theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng có nhiều vị Sư đã phát nguyện thành Phật. Và trong đạo Phật, lời mong cầu nào cũng phải kèm theo với việc làm hay thực hành.
Tóm lại, Bồ Tát là một bậc phi thường với lòng từ bi to lớn, tâm lượng cao cả và hạnh nguyện rất đáng kính phục. Các Ngài đã làm những việc mà không một người thường nào có thể làm được. Tất cả các Phật tử Phật Giáo Nguyên Thủy cũng rất trọng ngưỡng các Bồ Tát, tuy nhiên không đặt các Ngài ngang hàng với Đức Phật, vì như trên đã nói các Ngài chưa giải thoát và chưa Giác ngộ.
Khi giảng dạy về đề tài nầy Sư chỉ có ý muốn trình bày cho quý vị một số tư liệu và thông tin đúng đắn, chính xác về Bồ Tát hạnh dựa trên kinh điển của Phật Giáo Nguyên Thủy. Sư không có ý đem ra bàn cãi hay tranh luận với bất cứ ai. Sư nghĩ đây là một đề tài rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu các điều kiện và cách thực hành để trở thành một vị Phật.
Điểm quan trọng ở đây không phải để bàn cãi hay so sánh mà là để nhìn trở lại chính mình xem có phát triển các hạnh lành và giảm thiểu các điều bất thiện hay không. Và cuối cùng thì phương pháp duy nhất để làm điều nầy vẫn là sự cố gắng trau dồi việc hành thiền Minh Sát.
SADHU! SADHU! SADHU!
NLTV 1996
Tứ Đế, lý thù thắng
Ly dục, pháp thù thắng
Giác nhãn, người thù thắng
(Pháp Cú 273)
Bỏ thiền, trí huệ diệt
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng
(Pháp Cú 282)
Từng sát na trừ dần
Những ô nhiễm nơi mình
Như thợ vàng lọc quặng
(Pháp Cú 239)
Thích an tịnh giải thoát
Bậc chánh giác chánh niệm
Chư thiên đều ái kính
(Pháp Cú 181)
Lành thay, chế ngự tai!
Lành thay, chế ngự mũi!
Lành thay, chế ngự lưỡi!
(Pháp Cú 360)
Không tuệ, không thiền định
Không bằng sống một ngày
Có tuệ, tu thiền định
(Pháp Cú 111)
Khó chế, khó nhiếp phục
Kẻ trí điều tâm chánh
Như thợ khéo nắn lên
(Pháp Cú 33)
Hơn thắng mọi người khác
(Pháp Cú 104)
Gắng làm các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch
Chính lời chư Phật dạy
(Pháp Cú 183)
Hướng về khắp tất cả:
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật Đạo.