Tại Cung Trời Tusita

30/07/20149:40 SA(Xem: 11741)
Tại Cung Trời Tusita
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 1
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014

Tại Cung Trời Tusita

 

Đạo sĩ Kapila sau kiếp ấy, hóa sanh vào cõi trời sắc giới. Trước đấy, xuống lên chìm nổi không biết bao nhiêu kiếp rồi như cát của con sông Gaṅgā, sự tìm kiếm con đường vô thượng quả là xa hút không thấy mé bờ. Từ thời ngài phát nguyện rộng lớn làm bậc đại giác ngộ đến nay đã trải qua gần hai mươi a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Bảy a-tăng-kỳ phát nguyện ở trong tâm, chín a-tăng-kỳ phát nguyện thành lời, bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp được sự thọ ký của hai mươi bốn vị Phật.

Thuở xa xưa ấy, khi đức Chánh Đẳng Giác Dīpaṅkara ra đời, ngài làm một vị đạo sĩ tên là Sumedha, nhờ nằm trải đường, lót thân cho đức Phật Dīpaṅkara mà được thọ ký, rằng là trải qua hai mươi bốn vị Phật, ngài sẽ là vị Phật tổ thứ hai mươi lăm, hiệu là Sākya Gotama.

Thế rồi, biết bao nhiêu ba-la-mật, bậc hạ, bậc trung và bậc thượng ngài đã hành trì rốt ráo, viên mãn công hạnh. Kiếp chót ở cõi người, ngài làm thái tử Vessantara, đã thực hiện hạnh bố thí ba-la-mật đến cho vô lượng kẻ đói nghèo, khốn khổ. Với bảy trăm đại thí, ngài làm cho đại địa phải chấn động. Ngài đã bố thí cả linh hồn của quốc độ là con bạch tượng oai hùng. Ngài bố thí luôn cả vợ và con với đại nguyện vô thượng. Sau kiếp ấy, ngài hóa sinh làm vị thiên tửcõi trời Tusita, hiệu là Setaketu; ở đây, ngài chờ đợi nhân duyên đầy đủ hạ sanh xuống cõi người để tu hành thành bậc Chánh Đẳng Giác...

...Đã bốn ngàn năm trôi qua, thiên tử Setaketu thọ hưởng hạnh phúc thiên đường, không một bợn nhơ phiền não. Thiên tử ngồi nhớ từ kiếp này sang kiếp kia, thấy mối nhân duyên chằng chịt không có kẻ hở. Ngay tuổi thọ của ngài sắp chấm dứt ở đây nó cũng nằm trong vòng nhân duyên ấy. Và có lẽ không bao lâu nữa, ngài sẽ bỏ đây mà ra đi! Điều này càng ngày càng nhận rõ vì thời gian gần đây có năm hiện tượng phát sanh ở nơi ngài. Thứ nhất là tràng hoathiên nữ đã công phu trang điểm cho ngài chỉ mới buổi sáng là nó bắt đầu khô héo. Ngạc nhiên, thiên nữ kết tràng hoa khác, đến chiều thì nó cũng ủ rủ. Thứ hai là dù mặc bất kỳ chiếc thiên bào nào, dù tơ lụa hay gấm vóc của cõi trời, được một lát là nó biến mất màu sắc, nhợt nhạt trông đến dị kỳ. Thứ ba là mồ hôi bắt đầu tươm rỉ rất khó chịu, điều mà các vì thiên tử với sắc thân vi tế, tinh sạch và chí mỹ cảm nhận rất rõ ràng. Thứ tư là sự suy nhược của cơ thể; mỗi bước đi, mỗi cử động chân tay, ngài đều cảm thấy không còn tí hơi sức nào. Và sau rốt, điều thứ năm, điều này quan trọng quyết định nhất, là tâm ngài không còn an lạc nữa, đã bắt đầu thấy chán nản những thú vui khoái lạc của ngũ dục.

Nhưng mà hết thọ mạng ở đây thì ngài sẽ giáng sinh ở phương nào, xứ nào? Một vị đại bồ-tát như ngài đâu phải bất kỳ chỗ nào cũng gá thân vào được? Phải giáng sinh ở đâu, mà ở đó tuổi thọ của chúng sinh tối thiểu khoảng chừng một trăm tuổi. Nếu tuổi thọ hằng vạn tuổi thì chúng sanh đâu thấy rõ rệt lý vô thường và khổ não? Nếu tuổi thọ quá ít thì chúng sinh ở đấy nhiều ác căn, ít phước báu, nghiệp dày làm sao giáo hóa được? Thứ đến, địa xứ mà đại bồ-tát chọn chỗ giáng sinh phải là nơi hội tụ tất cả khí linh thiêng của trời đất. Dòng họ ngài chọn lựa giáng sinh thì phải là vua chúa (hoặc là bà-la-môn có địa vị quốc sư), nhưng phải là người có gieo duyên quyến thuộc từ quá khứ; lại phải có nhiều căn cơ trí tuệ, biết sống đời đạo đức và hiền thiện. Điều kiện thứ năm nữa, đại bồ-tát phải còn biết chọn mẹ. Mẹ mà đại bồ-tát mượn thai bào phải là người đã nhiều kiếp phát lời nguyện làm Phật mẫu, sống đời trong sáng, đức hạnh và giàu tình thương...

Thế đấy, như một đóa kỳ hoa muôn triệu năm mới nở một lần, khi đóa hoa nở, sắc màu kỳ diệu và tỏa hương thơm tối thượng thì nó đã kết tụ trong tự thân mọi tinh hoa của trời đất. Cũng vậy, sự xuất trần của một vị đại bồ-tát phải hội đủ năm điều kiện hy hữu nêu trên; thiếu một điều kiện là thiếu tất cả.

Sau khi dùng thần thông quan sát bốn châu thiên hạ, thiên tử Setaketu thấy rõ chỉ có cõi Nam thiện bộ châu, dưới dãy núi Himalaya, có một vương quốc Kapilavatthu nhỏ bé, thuộc dòng tộc Sākya, có một vị vua là Suddhodana và hoàng hậu Mahāmāyā là hội đủ năm điều kiện nêu trên:

- Châu: Nam thiện bộ châu.

- Tuổi thọ: Trăm tuổi.

- Quốc độ: Bắc Trung Ấn Độ - vương quốc Kapilavatthu

- Dòng dõi: Hoàng tộc Sākya

- Phật mẫu: Hoàng hậu Mahāmāyā

Quan sát và thấy rõ điều đó xong, thiên tử Setaketu chợt mỉm cười. Ngài biết rõ, chính một tiền kiếp xa xôi, ngài đã thành lập vương quốc ấy. Còn nữa, chính vào thời làm đạo sĩ Kapila, ngài đã giúp đỡ năm công chúa và bốn hoàng tử lập nên kinh đô Kapilavatthu này. Lại nghĩ đến câu nói “Tằng tằng tổ tổ” xưa của đạo sĩ Kapila... mà lắc đầu chán ngán, quả thật ta đã sinh tới sinh lui mãi trên cái quả đất chật chội dưới kia!

Trong khi đang suy nghĩ như vậy thì hằng hà sa số chư thiên vương, chư thiên trong rất nhiều thế giới đồng quy hội về, đứng dày đặc cả không gian, xung quanh bảo điện của ngài, đồng thanh cất lời thỉnh nguyện:

“- Thời đã đến! Thời đã đến! Trong tam thiên đại thiên thế giới, chỉ có đại bồ-tát, thiên tử Setaketu là chúng hữu tình duy nhất đã thực hành tròn đủ ba mươi pháp ba-la-mật(1). Nay vì sự lợi ích, sự an vui, vì hạnh phúc cho chư thiênloài người, chúng tôi thỉnh nguyện thiên tử hãy xuất trần giáng thế để thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề...”

Thiên tử Setaketu cũng biết vậy, thời đã đến rồi, nên ngài nhẹ nhàng gật đầu.

- Thôi được rồi, các vị hãy lui về đi. Ta biết rõ là ta sẽ làm những gì!

Hằng ngàn, hằng ngàn đám mây lành ngũ sắcxung quanh rực sáng niềm hoan hỷ; vô số chư thiên vương, chư thiên bay lượn ba vòng về phía hữu, biểu hiện sự tôn kính mà cũng biểu hiện niềm vui và lời từ giã. Thiên tử Setaketu đăm đăm nhìn theo, ngài biết rằng chúng sinh đang chờ đợi ở nơi ngài phương thuốc diệt khổ mà ngài thì đã lặn lội kiếm tìm bằng thời gian của vô lượng hạt vi trần trên thế gian này.


(1) Ba mươi pháp ba-la-mật: Ba-la-mật, Tàu âm từ chữ Pāramī, nghĩa là “đến bờ kia”. Pāramī có bực thượng, bực trung và bực hạ, nên 10 Pāramī gồm: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ, xả trở thành 30 Pāramī.

- 10 Pāramī bực hạ: Tức là nếu hành 10 Pāramī nói trên ở cấp độ thấp nhất thì qua được bờ kia.

- 10 Pāramī bực trung: Tức là nếu hành 10 Pāramī nói trên ở cấp độ cao hơn thì qua được bờ trên (Upapāramī – Thượng Pāramī).

- 10 Pāramī bực thượng: Nếu hành trì 10 Pāramī ở cấp độ tối thắng, viên mãn thì qua được bờ cao thượng (Paramatthapāramī – Thắng Pāramī).






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :