Thi Tài Võ Nghệ

02/08/20145:30 CH(Xem: 7189)
Thi Tài Võ Nghệ
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 1

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014

Thi Tài Võ Nghệ

Mỹ nhân đoạt giải hoa khôi ấy, chinh phục được trái tim của thái tử Siddhattha chính là nàng Yasodharā, công chúa cưng của vua Suppabuddha và hoàng hậu Amitā Pamitā. Đức Suddhodana đã vài lần thấy cô bé xinh đẹp ấy khi theo mẹ đến trình diện ông. Hoàng hậu Mahā Pajāpati Gotamī, từ lâu đã đặc biệt yêu mến cô cháu gái đoan trang, nhân hậu rất hợp với tính cách của bà.

Dòng Sākya từ thuở xa xưa lập quốc, do muốn gìn giữ huyết thống anh hùng nên anh em ruột được phép lấy nhau. Đấy là điều biệt lệ. Sau đấy, dòng nối dòng, để cho huyết thống khỏi nhạt phai, anh em con cô cậu còn được phép kết hôn. Trường hợp hai trẻ bây giờ là như vậy nên đức vua Suddhodana tức tốc cử đoàn sứ giả do đức thân vương Amitodana làm trưởng đoàn; với những cỗ xe sang trọng mang phẩm vật quý giá sang Koliya cầu thân.

Mấy hôm sau, phái đoàn trở về với khuôn mặt rầu rĩ, cúi đầu, lặng lẽ thở dài. Đức vua Suddhodana ngạc nhiên, nóng nảy hỏi:

- Sao thế? Con trai ta không xứng đáng chăng?

- Không phải vậy, tâu đại vương! Amitodana nói - Đức vua Suppabuddha khen thái tử của chúng ta cốt cách phi phàm, thế gian hiếm có.

- Thế sao các người lại âu sầu, ủ rũ như vậy.

- Đức Suppabuddha gần như thách thức, phán rằng: “Tiền liệt tổ tông ta đâu kém gì Sākya, đều lập quốc trên yên ngựa, trải qua nhiều đời vẫn lấy võ công làm trọng. Con gái ta tài sắc vẹn toàn, biết bao nhiêu là vương tôn công tử đưa mắt dòm ngó. Ta không dám chê thái tử của các ngươi một điểm nào cả. Nhưng để khỏi mất lòng với anh hùng trong thiên hạ, ta phải giữ lẽ công bằng, không thiên vị bằng một cuộc thi tài võ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung, đô vật, cử tạ, đao kiếm, quyền thuật... Tất cả thái tử, hoàng tử, vương tôn, công tử... trong các nước lân bang kể cả cháu ta là Siddhattha tuổi vừa niên thiếu đều có thể ghi danh tham dự. Ai là người trổ tài vô địch trong đám quần hùng, phần thưởng quý giá nhất, ấy là con gái cưng của ta. Các phần thưởng thứ đệ khác cũng đều là vật trân quý...”

Nghe thế xong, đức Suddhodana lấy làm buồn lòng, tự nghĩ: “Siddhattha dáng người nho nhã, văn nhược. Nếu thi tất cả các môn như văn chương, từ khúc, thiên văn, địa lý, thuật số, tự nhiên học, y dược, ngôn ngữ, triết học, luận lý, toán học, đo lường... thì vị tất trên thế gian này có người sánh được. Nhưng còn võ công thì...” Đức vua lắc đầu như cố xua đi một sự thật đau lòng. Nước Koliya, ngài biết rằng, có rất nhiều trang dũng sĩ, từ nhỏ đã khổ luyện bắn cung, cỡi ngựa, đao kiếm, quyền thuật... Mà vượt trội nhất là Devadatta. Nhưng Devadatta với Yasodharā là anh em khác mẹ, tuy nó không dự thi chính thức, nhưng ai cấm nó ra oai trấn áp quần hùng, nhất là làm nhụt chí thiếu niên dòng Sākya? Tính khí ương bướng với bộ dạng kiêu hùng của Devadatta không hứa hẹn một sự khả toàn nào cả. Chắc chắn là nhóm vương tôn, công tử Koliya sẽ bảo vệ đóa hoa quốc sắc thiên hương của mình... Riêng Kapilavatthu thì có những ai nào? Bọn thiếu niên vương tử dòng Sākya cùng con cháu các lão thần... đứa nào cũng vạm vỡ, khỏe mạnh; võ nghệ của chúng đều xứng tài làm tướng cả...; nhưng nổi trội nhất, có lẽ là Kāḷudāyi, Mahānāma, Bhaddiya, Bhagu, Kimbila... Với tình hình như vậy thì con trai ta sẽ thua, và sợi dây tơ hồng ràng buộc con ta ở lại với vương vị, với cuộc đời nhung gấm cũng đứt khúc theo...

Sự ưu tưlo nghĩ của đức vua Suddhodana lộ rõ trên nét mặt. Hôm kia, sau khi quan sát thần sắc nhợt nhạt của đức vua, biết được sự bất an của người, thái tử tâu:

- Xin vương phụ hãy an tâm. Người hãy chấp nhận lời thử thách của quốc vương Koliya. Vả chăng, sự công bằng ấy cũng hợp lý. Về các môn võ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung, đao kiếm... thì hoàng nhi dẫu bất tài, nhưng Devadatta chưa phải là tay thần tiễn, Kāḷudāyi chưa phải là tay kiếm thần, Mahānāma, Kimbila chưa phải là những kỵ sĩ ưu hạng...

Đức vua Suddhodana tưởng tai mình nghe lầm:

- Con nói sao? Con cũng tài giỏi về võ nghệ à? Con học từ bao giờ?

- Thưa, từ lúc tám tuổi do các giáo sư dạy chương trình ngoại khóa. Đặc biệt, môn cỡi ngựa, điều phục huấn luyện ngựa, con học được từ Channa. Bao nhiêu năm qua, con vẫn thường xuyên luyện tập; nhưng thấy những môn học ấy dễ đem đến sự đắc chí của kẻ vũ phu nên con chẳng dám múa may cho mọi người biết đấy thôi.

Thấy thần sắc, ngôn ngữ, thái độ của thái tử rất an nhiên, tự tin, đức vua thở phào, nhẹ nhõm, vững dạ vô cùng. Sau đó, vua tức tốc cho sứ giả với sức phi mã đến báo tin cho vua Suppabuddha, chấp nhận một cuộc thi tài võ nghệ, được thông tin rộng rãi cho cả hai quốc độ.

Đức vua Suppabuddha vuốt râu cười ha hả:

- Được. Được. Tốt lắm. Vậy một tuần sau, hãy tổ chức cuộc thi tại đại võ trường kinh đô Kapilavatthu, chính ta sẽ làm giám khảo. Hãy bố cáo tin này ra khắp bàng dân thiên hạ. Các vương tôn công tử, con cháu các danh gia vọng tộc tuổi vừa niên thiếu cả hai quốc độ, đều có quyền tham dự một cách bình đẳng.

Đến ngày, kinh đô Kapilavatthu như thay khuôn mặt mới để bước vào ngày hội lớn. Khắp các đường phố, cổng ngõ, nhà nhà... đèn treo, cờ bay, hoa kết... rực rỡ, rộn ràng. Bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc đều được mở rộng để cho muôn dân đến xem cuộc thi thố tài năng lần đầu tiên trong lịch sử. Có người thì muốn xem cho mãn nhãn tài nghệ siêu quần bạt tụy của giới quý tộc, các ông hoàng. Có người thì tò mò pha lẫn ngưỡng mộ muốn thấy tận mắt vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của công chúa Yasodharā...

Tại kinh đô Devadeha nước Koliya, sự náo nức cũng không kém gì. Nhóm thiếu niên hoàng gia, quý tộc ở đây cũng đã tấp nập xe ngựa đến Kapilavatthu từ mấy hôm trước. Trước khi lên đường, Devadatta tâu với vua cha:

- Thưa vương phụ! Hai con trai tài giỏi của hai đức hoàng thân là Anudāma và Viruḷhāka đã xe ngựa đi rồi, vì từ lâu, họ cũng gắm ghé Yasodharā. Với bản lãnh của chúng, tuy rất vững vàng, nhưng con vẫn cảm thấy e ngại...

Đức Suppabuddha chăm chăm nhìn con trai, lạnh lùng cất tiếng:

- Ý ngươi là thế nào?

- Thưa, cha hãy cho con được tham dự để bảo vệ uy tín cho Koliya. Bên Sākya, thái tử Siddhattha không biết thế nào, hắn như con rồng thần luôn giấu cái đầu cái đuôi rất kỹ, một đối thủ vô danh mà con luôn luôn cảm thấy lo ngại mơ hồ. Ngoài ra, Kāḷudāyi, Mahānāma... đều là những địch thủ đáng gờm; Anudāma và Viruḷhāka của chúng ta tuy võ nghệ sáng giá nhất trong đám thiếu niên hoàng tộc, nhưng vị tất đã tranh nổi võ khôi nguyên lưỡng quốc.

Trầm ngâm một lát, Suppabuddha dịu dàng nói:

- Con ạ! Ta rất mến Siddhattha, nhất là cái nhũn nhặn, lễ độ, từ hòa của y. Đức tính ấy con kém xa. Lại nữa, ta dẫu tuyên bố hùng hổ nhưng cả hai nước đều là người một nhà. Cuộc biểu dương võ nghệ lần này, bên ngoài thì chọn rể mà bên trong là sự liên kết, thắt chặt sức mạnh võ lực theo chiến lược lâu dài, đã trở thành quốc sách để tránh sự dòm ngó, xâm lược của các cường quốc. Con hãy hiểu như vậy để xử sự cho đúng đắn. Con đã là thái tử rồi, việc nước trong mai hậu, con sẽ lo toan, đảm nhận đấy!

- Con hiểu, thưa vương phụ! Nhưng ý con chỉ muốn làm nhụt bớt sự kiêu căng, ngã mạn của dòng Sākya, từ lâu, họ coi thường chúng ta lắm. Con chỉ xin được tham dự như góp vui vậy mà!

- Con hiếu thắng cũng không thua kém ai đâu. Ta cho con tham dự, nhưng mà phải biết điều, lịch sự đấy! Quyết định cuối cùng là do ta, tự ta!

Số người ghi danh rất đông, nhưng khi nghe tin nước Devadaha có Devadatta, Anudāma, Viruḷhāka...; nước Kapilavatthu có Siddhattha Mahānāma, Kāḷudāyi, Bhaddiya, Kimbila... nhiều người đã tự động rút lui, vì họ biết chẳng thể nào tranh nổi với những thiếu niên kỳ danh ấy.

Trên khán đài danh dự đầy đủ các đức vua, các hoàng hậu, hoàng phi, các hoàng thân, vương tử, công nương, các vị lão thần, đại thần của hai quốc độ. Hai khán đài cánh gà hai bên dành cho các danh gia vọng tộc, những khách mời danh dự đại diện các nghiệp đoàn uy tín như ngân khố (chủ cho vay), vàng bạc, thợ thủ công, các thương gia đồng sắt, hương liệu, áo quần, lúa gạo, gia vị, bánh kẹo... Còn dân chúng thì đầy đặc khắp nơi...

Công chúa Yasodharā ngồi sau lưng hoàng hậu Amīta Pamitā đưa mắt đăm chiêu không nhìn vào đâu cả vì nàng đang lo lắng, sợ rằng Siddhattha sẽ thua cuộc trước những trang nam nhi lực lưỡng, tướng mạo oai hùng dưới võ trường.

Devadatta oai vệ trong bộ võ phục gọn ghẽ, giáp bào, mũ, hia, đai... cẩn ngọc, nạm vàng; thân cao lớn, bó cung tên vàng đeo sau lưng, trên thân con chiến mã cũng oai hùng không khác gì chủ tướng. Bên cạnh Devadatta là Viruḷhāka và Anudāma là hai vị vương tử rất có tiền đồ của Koliya; võ phục sang trọngsáng ngời châu báu không kém gì Devadatta...

Mahānāma phục sức nho nhã, thanh lịch; nhưng thanh bảo đao nạm ngọc vắt chéo qua lưng, ngồi trên lưng chú ngựa hung đỏ, trông thần uy hiên ngang lẫm lẫm. Kāḷudāyi trong bộ võ phục hoàng kim sáng ngời, đao kiếm cung tên đầy đủ cả; ngồi trên con ngựa ô nhàn nhã nước kiệu đi tới. Kimbila với bộ võ phục nâu đỏ như mặt trời chiều, cao lớn trên lưng con ngựa nòi, cung tên, bảo đao... đều đã sẵn sàng xuất trận!

Ngoài ra, còn có năm trang dũng sĩ, con cháu của các lão thần và các đại thần khác, võ phục và võ khí cũng sáng ngời ngời, cũng quyết so tài một phen, không được phần thưởng này thì được phần thưởng khác.

- Thế thái tử Siddhattha đâu?

Công chúa Yasodharā hỏi thầm. Đức vua Suddhodana cũng đưa mắt tìm kiếm; mà những người đã từng hâm mộ thái tử cũng có vẻ nóng lòng mong đợi.

Lúc ấy, từ vòm cửa đông, một bóng ngựa nhàn nhã, chậm rãi bước nước kiệu đi tới, nhẹ như hơi gió, không một chút bụi cuốn theo... Trên lưng ngựa, một chàng trai thanh lịch, trang sức dị giản trong bộ võ phục màu trắng, thần sắc an tĩnh đến trước khán đài, dừng cương, nhẹ nhàng bước xuống. Thái tử khẽ nghiêng mình cúi chào hàng ghế danh dự, mà ở đấy là các bậc trưởng thượng, cha chú của hai dòng tộc. Và cũng ở đấy, có một công nương đang hồi hộp, thẹn thùa nép sau lưng mẹ...

Giữa đại võ trường, một viên võ tướng xuất hiện, với loa phóng thanh trên tay, cất giọng lớn tuyên bố thể lệ cuộc thi, tuần tự từng môn thi như thế nào, có đức vua Suppabuddha làm chủ khảo. Các vị giám quan cũng được đề cử nhanh chóng, mỗi nước bốn người.

Đức vua Suppabuddha bước xuống ngồi ở bàn giám khảo, tuyên bố vài lời, lấy tinh thần thượng võ làm trọng, giao đấu thân hữu, vũ khí không đụng nhau... Có ba môn thi chính là bắn cung, múa đao và cỡi ngựa... Mọi người vỗ tay hoan hô như sấm dội... Cuộc thi bắt đầu...

Môn bắn cung. Mười hai xạ thủ đứng hàng ngang, cầm sẵn cung tên. Mười hai cái trống có vẽ hồng tâm đậm nét đặt sẵn ở xạ trường. Mốc đầu tiên, trống đặt xa sáu govo (chừng 434m). Đã sẵn sàng, cờ phất; như đồng loạt, mười hai mũi tên vàng lao đi. Giám quan tuyên bố: tất cả đều trúng hồng tâm. Tiếng vỗ tay rào rạt như sóng dội. Tầm thứ hai, bảy govo, mười xạ thủ bắn trúng hồng tâm, hai bị loại. Tầm thứ ba, tám govo, ba xạ thủ rớt đài. Tầm thứ tư, chín govo, cả bảy xạ thủ đều bắn trúng hồng tâm, đó là Siddhattha, Devadatta, Anudāma, Viruḷhāka, Kimbila, Mahānāma, Kāḷudāyi. Đến đây thì ai nấy đều rõ tài của con cháu hoàng gia, có danh có thực vậy. Khi thị vệ di chuyển trống đến tầm mười govo thì các khán đài xôn xao vì nó xa quá. Thế rồi năm người bắn trúng. Anudāma và Viruḷhāka bắn lệch. Dòng Sākya còn bốn và Koliya chỉ còn một. Khi trống chuyển đến tầm mười một govo thì ba người nữa bỏ cuộc, chỉ còn Siddhattha và Devadatta. Cả hai đức vua khẽ đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười mãn nguyện.

Devadatta nhìn Siddhattha, ngạc nhiên nói:

- Đệ không ngờ hoàng huynh cũng là tay cự phách.

- Hoàng đệ cũng chẳng kém gì. Thôi, chúng ta huề nhé?

- Không, không! Đệ phải chứng tỏ là Koliya cũng có kẻ anh hùng...

Nói xong, Devadatta hô thị vệ đặt trống xa mười bốn govo, tức là hồng tâm chỉ còn như đầu cây nhang cháy đỏ; nói giọng thách thức:

- Hoàng huynh có dám bắn không?

- Hoàng đệ hãy bắn đi!

Devadatta nghiêng mình đảo cánh cung, từ từ kéo dây, nhắm mục tiêu, thả dây... Mũi tên xé gió, lao vút đi, ghim đúng hồng tâm không sai lệch một ly nào. Tiếng hoan hô như làm vỡ cả võ trường.

Siddhattha vui mừng vỗ vai Devadatta:

- Với cung ấy, tên ấy, mục tiêu ấy thì trên thế gian này chẳng có ai bắn giỏi hơn hoàng đệ.

- Vậy hoàng huynh bỏ cuộc sao? Devadatta hí hửng nói.

- Không phải vậy! Thái tử sai thị vệ đặt trống xa hai mươi govo, tức là không còn thấy mục tiêu nữa, rồi tiếp - Ta muốn hỏi ngược lại, đệ có dám bắn mục tiêu ấy không?

- Hoang đường! Devadatta nói như quát - Không thấy mục tiêu mà bắn được ư?

- Phải! Siddhattha cất giọng chậm rãi - Đệ bắn bằng mắt, ta thì bắn bằng tâm!

Sự việc xẩy ra làm cho võ trường im lặng như tờ.

Thái tử Siddhattha cất giọng dõng dạc:

- Ta xin thử dây cung.

Nói xong, thái tử giương cung, kéo mạnh, cung gãy. Thị vệ mang đến cung khác, gãy nữa; cái cung khác, bằng đồng, lại gãy nữa do sức tay của thái tử quá mạnh.

Quăng cung, thái tử nói với viên võ tướng:

- Tại đền thiêng Simhābanu có một cây cung thần, thờ đã tự nghìn xưa. Nó bằng đồng, nặng lắm. Vậy cảm phiền cho mười lựcmang đến đây cho ta.

Lát sau, mười lực sĩ dòng Sākya hì hục mang cung đến. Nó đen tuyền, bóng loáng. Thái tử một tay đỡ cây cung đưa thẳng tới trước, tay kia kéo thử dây đồng rồi thả ra. Một tiếng ngân trầm hùng lan dần, lan ra xa như tiếng chuông đồng vang động trong không gian không ngớt.

Trên các khán đài, mọi người đứng cả dậy, dân chúng xôn xao ùn ùn xô đẩy về phía trước, thần lực của thái tử đã áp đảo quần hùng, đã làm cho mọi người sửng sốt, kinh hãi. Trong lúc ấy, thái tử bình tĩnh, lắp một mũi tên đồng, đứng bất động như nhập định, nhè nhẹ kéo dây, mắt nhắm, nín thở... Mũi tên vàng vọt khỏi dây cung, chỉ thấy lằn chớp cháy không gian... rồi mất tích... Các vị giám quan chạy đến mục tiêu. Mũi tên thần không những xuyên đúng hồng tâm, đi qua hai mặt trống, mà còn chưa hết đà, bay xa chừng một phần hai govo nữa rồi ghim vào một gốc cây đại thọ, chuôi tên không ngớt rung rinh... Bốn tên lực sĩ, nhanh như chim cắt, chạy bưng chiếc trống, đem đặt trước khán đài cho đức vua Suppabuddha nhìn ngắm. Ngài bước xuống, săm soi nhìn, đưa tay sờ... Lát sau, ngài khẽ thốt:

- Cung thần nơi đền thiêng Simhābanu không phải là hoang truyền. Mà tài thần tiễn của thái tử Siddhattha, ta vẫn không dám tin là chuyện có thật.

Cả đại võ trường như vỡ ra với tiếng la, tiếng hét, tiếng hoan hô ca tụng tài thần tiễn của thái tử Siddhattha...

Ngày thứ hai, thi đao kiếm. Thể lệ cuộc thi về đao hay kiếm là phải nhanh, bén và chuẩn xác. Múa kiếm nhanh nhưng còn thấy kiếm là bậc hạ. Múa kiếm nhanh, không thấy kiếm, nhưng chỉ ngăn được ba phần nước bên ngoài phun vào, là bậc trung. Kiếm nhanh đến độ nước phun không dính võ phục, mới là bậc thượng.

Phần thi kiếm nhanh, tám võ sinh còn thấy kiếm, đạt bậc hạ. Qua bậc trung, chỉ còn sáu người múa kiếm quanh mình mà không thấy kiếm, đấy là Siddhattha, Devadatta, Anudāma, Viruḷhāka, Bhaddiya, Kāḷudāyi; nhưng khi múa nhanh, chỉ có Siddhattha và Devadatta là không dính nước; đạt bậc thượng.

Phần thi đao bén và chuẩn, đối tượng là những khúc gỗ được dựng sẵn trước mặt, đường kính chừng một gang tay, có kẻ chỉ đỏ mười hàng đều đặn. Sau một bài quyền múa đao, mỗi võ sinh phải ra đao bổ dọc, lấy đi một thanh gỗ mà khúc gỗ vẫn đứng yên. Đề thi quá khó, nó đòi hỏi cả ba yếu tố: nhanh, bén và chuẩn. Thế là có kẻ qua được nhát thứ ba, nhát thứ tư... là khúc gỗ ngã đổ. Devadatta, Viruḷhāka, Bhaddiya qua được nhát thứ sáu...

Thái tử Siddhattha đứng quan sát, chưa ra tay vội, nói với các bạn:

- Qua nhát thứ sáu, mặt bằng chân đế quá nhỏ, sẽ không giữ yên được trọng khối còn lại. Sáu nhát quá nhanh lấy ra sáu thanh gỗ, vậy là các bạn đã khá giỏi...

Devadatta hãnh diện cướp lời:

- Vậy là hoàng huynh bỏ cuộc rồi!

Thái tử Siddhattha mỉm cười:

- Không phải vậy! Hãy xem đây!

Nói xong, Thái tử định thần giây lát, hít một hơi chân khí, ánh sáng trắng nháng lên, mười lằn chớp như mười con giao long lượn xuống khúc gỗ. Mười thanh gỗ trước sau nằm ngã xuống mà tưởng như đồng loạt sắp xếp đều đặn... vì thái tử đã xuống đao nhanh quá, quá sức tưởng tượng của mọi người. Devadatta khâm phục quá, thốt lên:

- Đúng là tay đao đệ nhất thiên hạ, thật là không ai chịu nổi, xin bái phục!

Thái tử nói với các bạn:

- Với thanh bảo đao, chém sắt như cắt bùn, việc ấy không khó. Dùng thanh bảo đao, đoạn lìa hai ba thân cây cùng một lúc mà cành lá không rung động, lại khó hơn; nhưng ta cũng có thể làm được.

Họ đến rừng cây. Thái tử đứng nhắm hai thân cây đứng song song cách nhau chừng một đòn gánh, chàng yên lặng như trú định; thế rồi, một chiếc bóng nháng lên như cánh chim ưng, bảo đao nằm ngang với thân mình, một luồng ánh sáng xẹt qua... Mọi người chưa thấy thái tử ra tay như thế nào, đã hoành thân trở về chỗ cũ, thần sắc tươi tỉnh. Hai thân cây không đổ, cành lá vẫn bất động... Thái tử tủm tỉm cười.

Mọi người nhao nhao, tiếng lời bàn luận chưa dứt thì một ngọn gió thổi qua, “rắc rắc”, hai thân cây đồng ngã xuống một lượt. Như vậy là vì thế đao đi quá nhanh, nhát cắt quá phẳng, chuyện tưởng không thể mà thành có thể. Tất cả võ sinh đều tâm phục, khẩu phục...

Cả đại võ trường rào rào vỗ tay, trống đánh, kèn thổi, thùng đập... âm thanh dậy lên như một cơn địa chấn; khi viên võ tướng tuyên bố kết quả thi đao kiếm: Thái tử Siddhattha giải đặc biệt, ngoại hạng; Devadatta, Bhaddiya, Viruḷhāka giải nhất đồng hạng.

Thái tử thế là đã thắng vượt xa hai trận, lý ra không cần phải thi nữa; nhưng theo yêu cầu của mọi người, cuộc hội thao nên tiếp diễn để cho ngày vui của hai quốc độ được trọn vẹn. Cả hai vị quốc vương đều đồng ý. Thế là cuộc thi cỡi ngựa được tổ chức vào ngày hôm sau.

Đêm vừa rồi, kinh thành Kapilavatthu như thức ngủ, đèn đuốc sáng choang phố này, phường kia... để ăn uống, chuyện trò, bàn luận về tài kiếm đao của các vương tử, các ông hoàng... quả thật là chưa từng thấy. Lác đác đây đó nơi các góc phố, đám đông tụ lại, há miệng lắng nghe những gã lang thang kể chuyện với cử chỉ, điệu bộ, thêu dệt hay ho như diễn trò... Tại các cung điện hoàng gia cũng thế, được vui chơi tiệc tùng cho đến khuya. Đêm đó, có lẽ đức vua Suddhodana và công chúa Yasodharā là vui nhất.

Sáng ngày, mây lành, gió nhẹ, nắng vàng như lụa mỏng nhẹ phủ khắp kinh thành. Mọi người đầy đặc võ trường hớn hở chờ đợi cuộc thi cỡi ngựa...

Người và chiến mã đã sẵn sàng ở điểm xuất phát. Ai ai cũng đăm đăm nhìn Kāḷudāyi vì chàng có nước da đen lại ngồi trên lưng chú ngựa ô! Mahānāma oai vệ và nhàn nhã trên lưng con ngựa hung hung đỏ, ai cũng tin chắc chàng sẽ thắng. Kimbila với võ phục màu sáng, nước da trắng trẻo, lại ngồi trên lưng con bạch mã, trông đẹp vô cùng. Bhaddiya thì có vẻ tự tin, chủ nhân con ngựa hoàng kim nổi tiếng bấy lâu nay. Devadatta tướng người cao lớn, phương phi, hùng dũng với chú chiến mã lai giống Sindhu uy danh vô địch. Siddhattha, võ phục màu trắng thanh lịch, lúc nào cũng với chú ngựa Kaṇṭhaka màu ngà voi, mảnh mai, thon nhỏ... hiền lànhngoan ngoãn hết mực...

Trống đánh, cờ phất... đoàn ngựa vọt đi. Cái bóng ngựa cao lớn của Devadatta không mấy chốc đã dễ dàng dẫn đầu. Cái bóng đen của Kāḷudāyi bám riết theo sau... Nhưng mà ô kìa, cái vệt trắng của Kimbila đã bứt lên, bứt lên; và chỉ vài hơi thở sau là Kimbila đã cho các bạn hít bụi... Cái vệt hung hung đỏ của Mahānāma cũng không dễ dàng bỏ cuộc, đang cùng với Viruḷhāka, Anudāma, Bhaddiya... phi bên nhau như đang còn giữ sức ngựa. Còn thái tử Siddhattha và ngựa Kaṇṭhaka đâu rồi? A, con ngựa Kaṇṭhaka đang nhàn nhã gõ vó ở sau cùng, nhưng khi mà Kimbila đã vượt khỏi Devadatta chừng mươi đầu ngựa thì Kaṇṭhaka mới bắt đầu ra oai. Nó bất chợt dựng bờm, hí một tràng dài rồi lao đi như ánh sao băng. Nó lần lượt bỏ năm bảy chú ngựa sau cùng, bỏ vệt hoàng kim, bỏ vệt hung đỏ... rồi nó bỏ luôn vệt trắng! Chưa thôi, đến ngang đây, Kaṇṭhaka mới bắt đầu trổ uy thần mã, nó không chạy nữa, mà nó bay. Nó bay nhẹ nhàng, chập chờn, như mây, như sóng... Nó lướt êm ru như lướt trên một tấm thảm nhung... Khi Kimbila, Mahānāma, Devadatta, Kāḷudāyi, Viruḷhāka, Bhaddiya, Anudāma... trước sau vừa qua khỏi vòng đua thứ nhất, thì nó đã ở cuối vòng đua thứ hai! Từ đây, biết chắc mình đã thắng rồi, Kaṇṭhaka bắt đầu biểu diễn. Nó phi kiểu lượn sóng, người ta chỉ thấy những lượn sóng trắng ngà nhấp nhô, nhấp nhô đều đặn, mềm mại, uyển chuyển... Nó phi kiểu lằn chớp, cả người và ngựa chỉ còn thấy một luồng ánh sáng bay ngang... Cả võ trường đồng lúc như đứng cả dậy, dường như họ không còn thấy chú ngựa nào nữa cả, chỉ có Kaṇṭhaka... với những pha biểu diễn ngoạn mục! Tiếng hoan hô, ca ngợi, vỗ tay, đập trống, gõ chiêng... như trời long, đất lở...

Kaṇṭhaka đã dựng đứng hai chân, tại đích đến, cuối vòng thứ ba; nó hí một tràng rất dài như tự thưởng cho mình đã chiến thắng một cách oanh liệt! Channa, người hầu ngựa, la hét đã khản giọng, bây giờ đến bên Kaṇṭhaka, vuốt ve, âu yếm, sung sướng nói lớn:

- Đối với Kaṇṭhaka, tất thảy ngựa trên thế gian đều là ngựa què!

Kimbila thật lâu sau đó mới về nhì, tiếp đến Mahānāma, Kāḷudāyi, Viruḷhāka, Anudāma, Bhaddiya, Devadatta... về ba, tư, năm, sáu, bảy, tám... còn các ngựa khác thì có vẻ uể oải bỏ cuộc. Devadatta lững thững dắt ngựa đến khiếu nại với giám quan và giám khảo:

- Nếu có con ngựa Kaṇṭhaka thì ai cũng có thể thắng trận một cách dễ dàng! Cuộc thi này không công bằng. Ngựa giỏi chứ không phải người giỏi. Ai có gan cỡi con Ngựa Sư Tử trong hoàng cung mới là tay bản lãnh!

Vua Suppabuddha tận mắt chứng kiến các cuộc thi, ngài thấy rõ ở bộ môn nào, thái tử Siddhattha cũng vượt trội. Vượt trội trên cả sự tưởng tượng của mọi người. Vị thế vô địch ấy có khoảng cách trời vực, không thể so sánh nổi... Devadatta, con ta, có quá đáng không, còn gì nữa mà không phục? Tuy nhiên, cha nào mà không thương con, không có chút thiên vị? Siddhattha thắng thì đã thắng rồi, nhưng hãy cho chúng thử xem, để cho con ta gỡ gạc một chút thể diện, đức Suppabuddha bèn nói với vua Suddhodana:

- Phiền hoàng huynh hãy ra lệnh cho mang con Ngựa Sư Tử ấy ra đây!

- Nó dữ lắm! Đức Suddhodana dè dặt nói - Nó là một con ngựa chướng, thường khóa mấy vòng xích sắc mà cột nó lại!

cuộc vui đang trên đà hưng phấn, nên ai cũng khẩn cầu cho mang Ngựa Sư Tử ra. Đức vua Suddhodana ngần ngại, nhưng thái tử Siddhattha đã mỉm cười nói:

- Xin vương phụ hãy an tâm. Hãy để cho tất cả mọi người được mãn nguyện.

Thế rồi, bốn lực sĩ đã dẫn Ngựa Sư Tử đến. Nó có sắc màu đỏ nâu vàng, vằn vện và cao lớn dị thường. Nó đưa mắt khinh thị nhìn mọi ngườiđồng loại. Một vài chú ngựa thấy oai của nó, vội thụt lui... Mahānāma, Kāḷudāyi, Bhaddiya... đồng đến ngăn cản:

- Không được đâu, hãy bãi bỏ cuộc so tài này. Thái tử Siddhattha đã mười phần thắng cuộc, mà chúng ta, giỏi lắm cũng mới chỉ hai, ba là cùng!

Thái tử đến vỗ vai các bạn, trấn an. Devadatta ỷ sức mạnh, hô quân hầu dạt ra rồi hăm hở bước tới, nhảy vút lên. Con ngựa đứng im. Nhưng khi Devadatta vừa kéo cương, là nó đã gầm lên một tiếng, rồi nó nhảy sóng, nó hắt sóng, nó dựng bờm, nó dựng đứng hai chân... bất chợt, nó lao nhanh... dừng phắt lại! Devadatta đã giữ cương, nắm bờm, ôm cổ... rất chắc, rất vững, rất giỏi... nhưng với thủ đoạn quá quắt như thế, Devadatta đã bị bắn về phía trước như bao giẻ rách, may mắn là chưa gãy tay, gãy chân... Đến phiên Kimbila, chàng rất tự tin, hai chân quặp vào lưng ngựa như hai móc sắt. Tha hồ cho ngựa dồn tới, hắt lui, dợn sóng... chàng vẫn trụ vững. Nhưng sau đó, một cú nhảy ngược, phi, đạp, lắc... bất ngờ của chú ngựa hoang dại, Kimbila phải té nằm chỏng gọng... Con ngựa bất trị, hung dữ có lẽ tức giận người đã ở lâu trên lưng mình, quay lui định giẫm đạp Kimbila; nhưng bốn tên lực sĩ vốn dày dạn kinh nghiệm, đã kịp thời chạy đến ứng cứu...

Ở các khán đài danh dự, mọi người cả kinh, thất sắc. Vua Suddhodana hô lớn:

- Quân bây đâu! Hãy nhốt nó vào chuồng!

Thái tử bình tĩnh bước ra, nói lớn:

- Xin vương phụ chuẩn tấu! Hoàng nhi cũng phải cỡi con ngựa ấy mới công bằng!

Channa chợt mỉm cười, đến nói nhỏ gì đấy với thái tử, người ta chỉ thấy thái tử gật gật đầu. Xong, chàng an nhiên với nụ cười bước đến, dịu dàng đặt tay lên bờm ngựa, vuốt ve ra chiều thân thiết. Lát sau, thái tử ôm đầu ngựa, cúi sát vào tai nó, nói những lời từ ái, không ai nghe cả:

“- Con thân mến! Ta không có làm hại con đâu! Ta đến với con không phải để hống hách, để làm ông chủ; mà như một người bạn, một người bạn thân ấy mà!”

Nói xong, rất tự tin, ngài thò tay tháo gỡ mấy sợi xích sắt còn buộc trên cổ, chân và bụng nó. Con Ngựa Sư Tử đứng im như lặng lẽ quan sát “địch thủ” làm gì! Đôi mắt của nó thường đỏ như máu, thường ửng lên sòng sọc... đã bắt đầu dịu lại. Nó nhìn thái tử. Thái tử nhìn nó. Bốn con mắt gặp nhau. Một năng lượng từ hòa, mát mẻ... từ thái tử như được tuôn tràn qua “tâm hồn” con ngựa dữ. Chợt nó đưa cái đầu “gạ gạ” nhẹ vào tay thái tử như quen thân nhau đã lâu rồi! Đưa tay đặt nhẹ lên lưng ngựa, thái tử nhảy lên. Bây giờ, con Ngựa Sư Tử đã trở nên ngoan ngoãn, thuần thục, hiền lành; nó cất từng bước nhịp nhàng, chậm rãi... trước những tiếng reo hò của muôn vạn người ngưỡng mộ...

Devadatta cùng các vị vương tôn, công tử... cả hai quốc độ, đồng chạy lại, khoanh chéo hai tay trước ngực, cúi đầu xuống trước thái tử:

- Chúng đệ hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. Chúng đệ vô cùng vinh hạnh được thất bại trước bậc đại anh hùng “Thần võ khôi nguyên lưỡng quốc”

Đức vua Suppabuddha hớn hở bước đến vỗ vai thái tử, nói lớn:

- Con đã trổ tài vô địch một cách rất oanh liệt, rất từ tốn mà cũng rất khiêm cung. Ta thật rất sung sướng mà ban viên trân châu vô giá này cho con đây!

Yasodharā đã nép mình sau lưng cha. Vua Suppabuddha cười ha hả, nắm bàn tay của con gái mình, đặt vào bàn tay của thái tử Siddhattha trước sự chứng kiến của hai dòng tộc, trước sự hò reo như động đất, như vỡ núi của muôn người...






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Mới đây, 250 nhà hàng và quán ăn ở phố cổ Hà Nội đã ủng hộ việc không tiêu thụ thịt chó, mèo bằng cách dán các poster tại nhà hàng với thông điệp “Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn. Chúng tôi không phục vụ thịt chó mèo tại đây”.
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.