- Vương Quốc Cổ Xưa
- Tại Cung Trời Tusita
- Đại Bồ-Tát Đản Sanh
- Lời Tiên Tri Của Đạo Sĩ Asita
- Lễ Quán Đính
- Lễ Hạ Điền
- Con Đường Học Vấn
- Tuổi Thơ Và Tình Thương Của Thái Tử
- Ngục Vàng
- Thi Tài Võ Nghệ
- Trong Cung Vui Và Những Dự Thảo Phát Triển Đất Nước
- Đêm Khuya Nghe Gió Thở Dài
- Tấm Lòng Với Cuộc Đời
- Ba Giấc Mộng Của Nàng Yasodharā
- Ý Nghĩa Và Giá Trị Cuộc Sống
- Bốn Vị Sứ Giả
- Giấc Mộng Của Đức Vua Suddhodāna
- Ra Đi Lúc Hoàng Thành Say Ngủ
- Gót Khất Sĩ Lang Thang
- Vị Đạo Sư Đầu Tiên
- Gặp Gỡ Đức Vua Seniya Bimbisāra
- Vị Đạo Sư Thứ Hai
- Rừng Khổ Hạnh
- Tấm Nệm Cỏ Kusa
- Một Vầng Nhật Nguyệt
- Bốn Mươi Chín Ngày Sau Khi Thành Đạo
- Gióng Trống Pháp Bất Tử
- Giáo Hoá Năm Người Bạn Đồng Tu
- Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappa-Vattana Sutta)
- Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta)
- MÙA AN CƯ ĐẦU TIÊN (Năm 587 trước TL)
- Hoá Độ Công Tử Yasa Cùng Với Bạn Hữu
- Những Bài Pháp Quan Trọng Tại Lộc Uyển Dành Cho Thành Phần Ưu Tú
- Hãy Ra Đi Như Những Cánh Chim Trời Tự Do
- Hóa Độ Nhóm Vương Tử Ham Chơi
- Về Thăm Lại Cội Cây Giác Ngộ Và Dòng Sông Linh Thiêng
- Nhiếp Hóa Anh Em Đạo Sĩ Kassapa
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 1
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014
Tuổi Thơ Và Tình Thương Của Thái Tử
Rừng cây ở nơi vườn Ngự đã mấy mùa thay lá, thái tử lớn lên như nụ măng, như sắc hoa ngày càng mũm mĩm và tươi thắm. Lệnh bà Gotamī vô cùng dấu yêu, cưng chiều hơn ngọc hơn ngà. Thấy thái tử từ lúc sáng tinh mơ, ngày này sang ngày khác, chuyên cần, đều đặn bước vào phòng tịnh tâm, vào phòng học... lòng lệnh bà dậy lên mối thương cảm vô hạn. Ngoài kia bướm bay, chim hót, hoa nở. Bên kia tường thành, chốc chốc vẳng lại tiếng reo cười nô đùa của bọn trẻ. Lệnh bà Gotamī chạnh nghĩ đến thái tử, lại thở dài.
Hôm kia, không dằn lòng được, bà thưa với đức vua Suddhodana:
- Có lẽ bệ hạ nên cho trẻ học ít lại, thỉnh thoảng cho nó vui chơi chút đỉnh. Nó là trẻ con mà!
Thấy thái tử suốt bao nhiêu năm chăm chuyên vào sự học, chưa có lúc nào cần phải nhắc nhở; lại nữa, tư cách và phẩm chất của thái tử càng lúc càng hiển lộ như viên ngọc maṇi không tì vết, không dễ dàng nhiễm được tính tình của một ai khác nên đức vua mỉm cười bằng lòng:
- Ừ! Cũng được! Con cái của các đức thân vương, con cái của các đại thần đồng trang lứa với nó cũng nhiều đấy!
Thế là bắt đầu từ hôm ấy, con trai của các đức thân vương, của các lão thần được phép cùng chơi với thái tử. Trong số ấy có ba trẻ là thái tử thân thiết nhất, đó là Ānanda, Mahānāma và Kāḷudāyi.
Ānanda là con trai của đức thân vương Amitodana, sinh cùng một năm, một tháng, một ngày, một giờ với thái tử, tướng mạo xinh đẹp và có một trí nhớ phi thường. Khi làm lễ tắm rửa và đặt tên, các thầy bà-la-môn rành thông tướng pháp khen ngợi, tán dương không hết lời. Họ nói rằng, vương tử có một đầu óc siêu phàm, bất cứ môn học nào, chỉ cần liếc mắt qua hoặc thoáng nghe qua là nhớ, là thuộc lòng tức khắc. Ngoài ra, vương tử còn có sức khỏe không ai bì nổi; theo tướng số thì ngài suốt đời không bệnh tật, và tuổi thọ có thể vượt quá giới hạn trăm năm của đời người. Tuy nhiên, có điều rất kỳ lạ mà các thầy bà-la-môn không hiểu, là Ānanda không có số làm vua, không có số lập gia đình, tướng đại phú quí mà không hưởng, chỉ thành công xán lạn ở địa vị của người phụ tá!
Mahānāma là con trai của đức thân vương Sukkodana, cũng là hòn ngọc quí của hoàng gia. Khi sinh ra, các thầy bà-la-môn nói nhỏ với đức thân vương Sukkodana là Mahānāma có số làm vua! Chính bí mật này làm cho đức thân vương nuôi tham vọng ngôi vị chí tôn của Kapilavatthu sau này! Mahānāma có người em là Anuruddha, dáng người nho nhã, thông minh, phúc hậu; cũng thường hay theo anh dự cuộc vui chung với thái tử.
Kāḷudāyi là con một lão thần lương đống, tướng uy nghi đường bệ, chững chạc, trung hậu; tính tình lúc cứng rắn, lúc dịu dàng, tương lai có thể là một vị đại thần mẫu mực cho triều đình.
Người nhỏ tuổi nhất là Nanda, con của hoàng hậu Gotamī, em cùng cha khác mẹ với thái tử, tướng mạo cũng rất đẹp, đại phú quí nhưng cũng không có số làm vua... Đức Suddhodana rất lấy làm lo lắng về những lời tiên tri, trước đây là thái tử và sau này là Nanda! Nếu ai cũng xuất gia làm sa-môn cả thì sơn hà xã tắc này để lại cho ai? Vì lo sợ chuyện bốn sứ giả một lúc nào đó đến báo triệu nên nhà vua đã ra lệnh âm thầm cho những người già lão, lọm khọm, xấu xí; những người mắc bệnh trông lở loét, hôi hám, ghê tởm lần hồi ra khỏi kinh thành; an trí cho họ ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Vẫn chưa yên tâm, đức vua còn cho người theo dõi những người thái tử tiếp xúc ở những nơi chốn thái tử thường hay lui tới vui chơi.
Thời gian sau, đức vua Suddhodana cảm thấy yên tâm. Thái tử thường cùng với Ānanda, Mahānāma, Kāḷudāyi dạo chơi loanh quanh trong vườn Ngự, bao giờ cũng có Nanda chập chững theo sau. Và những trò vui chơi của bọn trẻ thảy đều hồn nhiên và vô hại. Đấy là những trò chơi thông dụng thời bấy giờ: làm người bù nhìn, đấu gậy, chơi xe ngựa và các cung tên tí hon; đấu trí với nhau trên tấm ván chia tám hay mười ô vuông (cờ tướng hay cờ vua thuở xưa?) Khi mệt, chúng nằm dài trên cỏ xanh rồi líu lo nói chuyện với nhau. Thái tử lấy cái kèn nhỏ thường mang theo bên mình để thổi một khúc nhạc cổ xưa, man mác buồn. Kāḷudāyi và Mahānāma thảo luận vài điểm về văn chương hay triết học Vệ-đà, sau đó họ nhờ thái tử giảng rộng thêm. Kiến thức của thái tử quá uyên bác. Ānanda say sưa lắng nghe. Nanda đùa nghịch với tràng hoa trên cổ mình, sau đó lén mang tràng hoa ấy quàng cho thái tử.
Thái tử nói với cả bọn:
- Lần sau, các bạn đừng nên kết tràng hoa như vậy nữa. Hoa để tự nhiên trên cây, trên cành trông tươi thắm và đẹp đẽ hơn.
Lệnh bà Gotamī từ sau lùm cây bước ra cùng với hai người thị nữ mang bánh trái trên tay.
- Cây, cỏ, hoa, lá đều có sự sống đấy các bạn! Thái tử tiếp lời - Hãy thương yêu chúng như chúng ta đã từng thương yêu chim, cá, dế mèn, châu chấu, bướm, ong... trong khu vườn này vậy.
Ānanda mỉm cười:
- Chưa có điểm nào, điều gì mà thái tử nói sai cả, phải không các bạn?
- Đúng vậy! Mahānāma gật đầu - Tràng hoa trên cổ thái tử giờ trông xấu xí một cách thảm hại, nó mất sự sống rồi đấy!
Lệnh bà Gotamī góp lời:
- Nhận xét ấy thật là chính xác. Các con hãy cùng nhau ăn bánh trái rồi xem chuyện lạ lùng này.
Nói xong, bà lấy tràng hoa khỏi cổ thái tử rồi thay vào một chuỗi bích ngọc. Cả bọn chăm chú quan sát. Chợt Ānanda phát biểu:
- Xâu bích ngọc trên cổ thái tử, trông hoài vẫn không thấy đẹp, ấy mới kỳ!
Lệnh bà Gotamī tiếp tục thay bằng chuỗi hồng ngọc, chuỗi ngọc trai, chuỗi kim cương... Ānanda thì vẫn tiếp tục chê xấu, không đẹp!
- Chưa có một loại trang sức nào tôn thêm vẻ đẹp cho thái tử cả, điều ấy làm ta ngạc nhiên từ lâu lắm rồi! Bà Gotamī nói rồi tiếp tục ngắm nghía - nước da của thái tử sáng và trong quá, tất thảy trân châu, bảo ngọc trên thế gian đều phải bị lu mờ.
Thái tử mỉm cười:
- Mẹ! Cái gì nếu để tự nhiên đều đẹp cả, chẳng riêng gì trường hợp của con đâu! Vả, khi trang điểm thêm cái gì đó, con cảm thấy vướng víu khó chịu thế nào!
Mọi người cùng cười xòa khi thấy thái tử nhíu mày! Ôi! Ngay chính cái nhíu mày của thái tử cũng làm cho biết bao nhiêu người phải yêu mến!
Hôm kia, thái tử cùng với bọn trẻ đi chơi xa, sau khi thoát khỏi những đôi mắt giám sát của thị nữ, họ lạc vào một trại nuôi ngựa rộng mênh mông. Những chuồng ngựa nối tiếp những chuồng ngựa chạy dài đến hút mắt. Hằng trăm người đang làm việc trong chuồng ngựa và trên những bãi chăn. Ôi! Ngựa quá nhiều và quá nhiều loại ngựa màu sắc và hình dáng khác nhau. Cả bọn chui hàng rào lẻn vào một chuồng ngựa gần nhất.
Một đứa trẻ ăn mặc dơ dáy vừa từ trong cỏ chui ra, thấy “những người sang trọng” ở đâu chợt hiện đến, hắn sợ hãi quỳ mọp xuống. Thái tử bước tới, dịu dàng nắm tay, cất giọng nhỏ nhẹ:
- Đừng sợ! Không ai làm gì đâu mà sợ! Chúng ta là bạn mà!
Đứa trẻ vẫn không dám ngước đầu lên.
Thái tử lấy tay phủi những cọng rơm trên đầu, lấy khăn lau những cáu bẩn trên mặt, vuốt lại mái tóc bù xù của trẻ rồi ân cần nói:
- Bạn tên chi? Đã mấy tuổi rồi? Hiện làm gì, ở đâu?
Đứa trẻ như cảm nhận được tấm lòng dịu dàng, nhân hậu của thái tử qua cử chỉ thân thiện, qua giọng nói ấm áp của chàng nên đã mạnh dạn ngước đầu nhìn lên. Trước mắt hắn chợt sáng rực. Đúng là trước mặt hắn xuất hiện những vị con trời, quí phái quá, cao sang quá, đẹp đẽ quá!
- Ta là Siddhattha, đây là Mahānāma, đây là Kāḷudāyi, đây là Ānanda, còn đây là Nanda. Chúng ta đều là bạn tốt. Hãy đứng dậy chơi, ông bạn!
Ôi! Cái giọng nói và nụ cười của họ! Đứa trẻ như mê đi!
Sau đó, nó cho biết nó tên là Channa, đã mười lăm tuổi, con của một vị tướng sát-đế-lỵ, bị thất sủng của triều đình, trông coi trại ngựa. Từ khi cha mẹ Channa mất, không còn ai nuôi nấng nên nó sống lang thang ở trại ngựa này. Những người chăn coi trại ngựa vì biết rõ gốc tích của Channa, lại đã từng kính trọng vị tướng - nên họ để cho Channa sống tự do, muốn làm gì thì làm. Phần vật thực hằng ngày thì ai cũng có thể cho nó ăn no. Ngoài ra, Channa có tài đặc biệt về trị ngựa và xem tướng ngựa nên cả trại rất nể trọng, ưu ái nó.
Thấy tình cảnh và bộ dạng của Channa rất đáng thương, thái tử hỏi:
- Bạn không có đủ áo quần để mặc sao? Và chui rúc làm gì nơi đống cỏ khô ấy?
Channa cười bẽn lẽn:
- Em có một ngôi nhà do cha mẹ để lại, nhà đã cũ xưa, đổ nát rồi nhưng còn ở được. Sở dĩ em đến sống đây là vì em “mê” một con ngựa! Nó đây...!
Channa dẫn thái tử đến xem con ngựa ở phía trái chuồng. Dáng ngựa thon thả, mảnh khảnh, dọc sống lưng và sống chân chạy dài một đường chỉ đỏ nổi bật giữa sắc lông màu ngà, trông rất cao sang, quí phái. Thái tử tò mò xem mắt, xem chân, sờ bụng chú ngựa ấy, bất giác thốt lên:
- Đúng là vua của loài ngựa.
Channa hớn hở nói như reo:
- Đúng vậy! Và hơn cả vua của loài ngựa nữa vì nó nghe được cả tiếng người, ngoan ngoãn, dễ dạy - rồi Channa tới vuốt ve bờm ngựa, nói - nằm xuống đi, bạn thân mến!
Ngựa ngoan ngoãn nằm xuống, gối đầu trên chân Channa ra chiều thân thiết.
- Nó bao nhiêu tuổi rồi hở Channa?
- Nó cùng tuổi với em, ba em bảo thế. Ba em lại còn nói rằng, nó sinh ra cùng một ngày, một giờ với em!
Thái tử chợt nhíu mày:
- Bạn sinh ngày nào, giờ nào hở Channa?
- Thưa, ngày trăng tròn tháng Vesākha, khi mặt trời lên chừng mấy cái đòn gánh!
Bất giác, thái tử đưa mắt nhìn Ānanda. Ānanda đưa mắt nhìn thái tử. Ānanda nói:
- Thật kỳ diệu. Thế là tất cả chúng ta: Hoàng huynh, đệ, Channa và con ngựa này cùng một tuổi, cùng sinh một ngày, một giờ!
Rất lấy làm thú vị, thái tử hỏi:
- Nó tên gì hở Channa?
- Tên nó là Kaṇṭhaka!
Bắt đầu từ hôm ấy, thái tử và Ānanda thường lui tới thăm viếng Channa và ngựa Kaṇṭhaka. Channa đã biết người đến thăm mình chính là hai ông hoàng cao sang của vương quốc Kapilavatthu nên càng sinh tâm kính trọng.
Thái tử và Ānanda mang cho Channa y phục, vật dụng, tiền bạc; ngược lại Channa chỉ cho hai người cách chăm sóc ngựa, cách cỡi ngựa, điều phục ngựa. Không lâu sau, thái tử rất giỏi cỡi ngựa và rất thân thiết với Channa. Còn Channa thì rất mực trung thành, hết lòng hầu hạ thái tử.
Lệnh bà Gotamī, qua những người thị nữ, biết việc ấy nên bà đã tâu lại cho đức vua hay. Nghĩ cũng không có hại gì, vả, thái tử cũng đã là một thiếu niên trưởng thành, cần những thú vui lành mạnh, đức Suddhodana bèn cho Channa vào ở cạnh ngôi vườn gần cung điện, làm riêng cho một cái chuồng đẹp đẽ cho ngựa Kaṇṭhaka ở để làm vui lòng thái tử.
Phía tây hoàng thành có một tòa lâu đài, nơi mà đức vua Suddhodana để dành nghinh tiếp đức vua Suppabuddha cùng hoàng hậu Amitā Pamitā - là em ruột của ngài. Tháp tùng đức vua và hoàng hậu nước Koliya bao giờ cũng có thái tử Devadatta, công chúa Yasodharā cùng khá nhiều vương tôn, công tử trong hoàng tộc.
Thế là, bọn thiếu niên, thiếu nữ cành vàng lá ngọc của hai quốc độ có dịp gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi kiến thức lẫn những cuộc du ngoạn, vui chơi đây đó.
Yasodharā (1) mang sắc đẹp cao sang, quý phái và e ấp, kín đáo của một đóa cúc trắng trên đầu núi. Chính lệnh bà Gotamī đặc biệt để ý đến vị công nương diễm kiều có cá tính dịu dàng trầm mặc này. Cả hai lại rất hợp chuyện với nhau.
Devadatta kiến thức uyên bác nhiều lãnh vực. Trong những cuộc luận đàm về triết học, văn chương... với chúng bạn, bao giờ Devadatta cũng nổi trội hẳn lên. Riêng thái tử thì chỉ biết ngồi nghe, lắng nghe chăm chú, nhưng sau rốt lại mỉm cười yên lặng.
- Hoàng huynh - Devadatta nói - Đệ nghe danh về sở học uyên bác của hoàng huynh, nhưng tại sao hoàng huynh không tham dự để cho chúng đệ được mở rộng kiến văn?
Thái tử đặt nhẹ tay lên vai Devadatta:
- Chính hoàng đệ đã là bậc đệ nhất, xứng đáng cầm cây cọ danh dự trên các chiếu tranh luận. Ai còn dám so tài với hoàng đệ nữa?
Devadatta nắm tay thái tử hất ra:
- Đệ không dám tin như thế. Chính hoàng huynh là người khôn ngoan nhất: Chỉ muốn đứng ngoài mọi cuộc tranh luận để hưởng phần “ngư ông đắc lợi!”
Thái tử rất mực nhũn nhặn:
- Ta nào có dám thế. Chỉ có điều ta biết rất rõ: mọi cuộc tranh luận rồi không đưa đến đâu cả. Nó vô nghĩa và phù phiếm thế nào!
Devadatta phất tay bỏ đi, cười lạt:
- Thấy chưa! Hoàng huynh bao giờ cũng là bậc minh triết giữa đám nhân loại tép riu này!
Thái tử tự nghĩ:
“- Cái hiếu chiến hiếu thắng ẩn chứa nét hung dữ của Devadatta là yếu tố bất lợi cho cuộc đời của y sau này!”
Ngày kia, vào mùa xuân, một đàn hạc lông trắng như tuyết, đầu và chân đỏ như son (sếu đầu đỏ) từ phương nam, bay ngang qua bầu trời Thượng Uyển để về Himalaya. Devadatta trông thấy liền giương cung nhắm bắn. Mũi tên hung tàn xé gió bay vút lên không trung. Cả đàn chim chợt rối loạn. Một cánh chim nhỏ lảo đảo sa xuống đất, máu đào nơi vết thương nhuộm thắm cả lông.
Thái tử Siddhattha lúc ấy đang ngồi chơi nơi vườn hoa, trông thấy, vội vàng chạy đến, đưa nhẹ tay nâng chim trời thọ nạn. Ngài ngồi xếp bằng, ôm sát chim vào lòng, sửa tỉ mỉ lông cánh lại cho thẳng thớm, mơn trớn cho quả tim hạc bớt đập mạnh. Thái tử sè bàn tay mịn màng như đọt chuối non vừa hé lá, vuốt ve chim âu yếm bằng tình thương dịu dàng của người mẹ. Tay trái ngài ôm chim với cử chỉ trấn an, tay mặt nhè nhẹ rút mũi tên ác nghiệt, đoạn hái lá cây tươi hòa với mật ong đắp lên vết thương.
Từ thuở nhỏ đến giờ, thái tử chưa hề biết đau đớn là gì! Vô tình bàn tay mềm dịu của ngài chạm phải đầu mũi tên bén nhọn làm cho ngài cảm thấy nhức buốt, khó chịu vô cùng. Do vậy, thái tử cảm thông sâu sắc vết thương trầm trọng của chim nên hết lòng tự tay chăm sóc không chút nề hà mệt nhọc.
Một lát sau, tốp thị vệ của Devadatta từ bên ngoài chạy đến, kính cẩn tâu:
- Thưa thái tử điện hạ! Thái tử vương quốc Koliya là Devadatta vừa mới bắn được một con chim hạc, rơi vào vườn này. Kính lạy thái tử! Xin ngài vui lòng trao con chim hạc ấy cho thái tử chúng con!
Thái tử Siddhattha đáp:
- Không thể được! Các ngươi hãy về nói lại với hoàng đệ rằng: Nếu chim hạc chết rồi thì ta có thể trao cho, nhưng nay nó còn sống thì ta phải giữ lại để săn sóc vết thương!
Devadatta nóng nảy phi ngựa đến, chống tay sừng sộ:
- Hạc bay lượn trên trời là vô chủ, nhưng khi ta đã bắn rơi, dầu sống hay chết, nó thuộc quyền sở hữu của ta. Hoàng huynh phải trao chim hạc lại cho ta mới hợp lý!
Thái tử Siddhattha áp cổ hạc vào má, thốt lời ôn tồn nhưng nghiêm nghị:
- Này hoàng đệ! Chẳng những con chim hạc bị thương tội nghiệp này thuộc về ta, cần ta che chở, bảo bọc; mà tất cả những loài vật yếu đuối thiếu khả năng tự vệ, ta đều có bổn phận phải đùm bọc, nâng đỡ. Ta ước nguyện rằng, tình thương của ta phải được san sớt đồng đều đến cho tất cả chúng sanh. Ta còn muốn rằng, lòng từ tâm ấy phải là tiếng nói mát mẻ, êm dịu giữa thế giới xấu xa, độc ác của loài người. Phải làm thế nào để lòng từ tâm kia xoa dịu, an ủi được mọi niềm bi thương, thống khổ trên trần thế. Ý nghĩ ấy là ước nguyện khôn nguôi của ta. Hoàng đệ phải hiểu như vậy!
Devadatta lắc đầu, cười lạt:
- Thưa hoàng huynh kính mến! Chẳng ai hiểu được lý luận “người vật đồng đẳng” đạo đức giả ấy cả!
Thái tử Siddhattha ôm chim rất trìu mến, đứng dậy:
- Chẳng có giả trá nào ở đây khi ta thương mến con chim tội nghiệp này. Nhược bằng hoàng đệ không thể hiểu, hoặc không muốn hiểu - thì chúng ta hãy đem việc này ra giữa hội đồng dòng tộc, nhờ các bậc hiền lão, trưởng thượng phân xử.
Thế là câu chuyện được đem ra giải quyết giữa triều đình có hội đồng trưởng lão dòng họ đại diện cho cả hai quốc độ Kapilavtthu và Koliya. Rất nhiều lý lẽ được đem ra bàn cãi, mổ xẻ khá khách quan, không ai thiên vị ai. Tuy nhiên, giữa thái tử Siddhattha và Devadatta ai cũng có lý. Rốt lại, phải trái không biết thuộc phần ai!
Trong lúc mọi người đang phân vân khó xử, bỗng một giọng nói hùng hồn từ phía sau vẳng lại:
- Từ xưa đến nay, thiên lý vạn lý trên đời không ra ngoài “sự sống”. Nếu tại vương quốc này, sự sống còn có chút giá trị thì người “bảo vệ sự sống” được quyền giữ chim hơn là người “hủy diệt sự sống”. Kẻ hủy diệt sự sống thì hung dữ, ác độc, đồng nghĩa với bạo tàn và phá hoại. Người bảo vệ sự sống thì hiền hòa, thiện lương, đồng nghĩa với bảo tồn và xây dựng. Một bên là hận thù và bóng tối, một bên là tình thương và ánh sáng. Cả hai có hai ý nghĩa tương biệt rất minh bạch, sáng rỡ như nhật nguyệt, ai phải ai trái không cần phải bàn cãi nữa. Hãy giao con chim hạc đáng thương cho vị thái tử nhân đức!
Cả triều thần và hội đồng trưởng lão như trút được gánh nặng, thở dài nhẹ nhõm. Họ hoan hỷ nhìn nhận sự phân xử ấy là sáng suốt, cao minh, công bằng, hợp lý, hợp với đạo sống muôn đời.
Đức vua Suddhodana rất lấy làm cảm kích, quay nhìn người phát biểu thông minh, sâu sắc, nhưng lạ lùng làm sao, đằng sau ấy không có một ai! Một quan đại thần bảo là thấy một tu sĩ lạ mặt hiện đến, nói những điều cần nói rồi biến đi như phép lạ!
Thế là thái tử Siddhattha được cuộc, hớn hở mang chim về, sau đó bỏ công chăm sóc chim một cách rất tận tình, với tất cả tấm lòng. Không lâu sau, chim hạc lành hẳn vết thương. Giữa người và chim như có một mối giao cảm vô hình, nên thái tử đi đâu, hạc đi liền bên hoặc nép dựa mình vào ngài với tất cả sự an tâm và lòng tín cẩn.
Vào mùa thu, khi đàn hạc di trú, trốn lạnh, rời Himalaya tìm nắng ấm phương nam, chúng lại vầy đoàn từ bỏ phương bắc. Thái tử mang chim ra Thượng Uyển, vuốt ve âu yếm hạc, nhìn đàn chim trên trời rồi nói rằng:
- Hỡi con! Có hội ngộ tất có biệt ly. Tháng ngày nương náu bên ta, con đã có đủ sức khỏe để hôm nay trở về với bầy bạn. Tình thương của ta thì chắc con đã hiểu, nhưng ta không thể nào vì tình thương ấy mà buộc ràng con ở nơi khu vườn chật chội này. Ta sẽ trả cho con về với bầu trời cao rộng, trả con lại với tháng ngày tự do, với quyến thuộc xa cách bấy lâu!
Thái tử tung chim lên không. Hạc chớp chớp đôi mắt, lượn quanh ba vòng, kêu to lời từ biệt rồi vỗ cánh theo đàn bay về phương trời xa tít.
Thái tử đăm đăm nhìn theo chim cho đến khi mất dạng; vừa sung sướng, vừa bùi ngùi: Một nỗi niềm khôn tả!