- Về Thăm Lại Đức Vua Seniya Bimbisāra
- Veḷuvana (Trúc Lâm Tịnh Xá)
- Hai Vị Đại Đệ Tử
- Thâu Nhiếp Mahā Kassapa
- MÙA AN CƯ THỨ HAI (Năm 586 trước TL)
- Bài Đồng Dao Biếm Nhẽ
- Về Thăm Quê Hương
- Hóa Độ Quyến Thuộc
- Các Ông Hoàng Quý Tộc Ra Đi
- MÙA AN CƯ THỨ BA (Năm 585 trước TL)
- Ôi! Hạnh Phúc Quá!
- Thần Y Jīvaka Komārabhacca
- Đức Tin Phát Sáng
- Lấy Vàng Đổi Đất
- Ngũ Minh(1) Cũng Chưa Đủ
- Viếng Thăm Kỳ Viên Đại Tịnh Xá
- Tại Rừng Mahāvana
- Dạy Dỗ Bậc Đại Trí Thức
- MÙA AN CƯ THỨ TƯ (Năm 584 trước TL)
- Tứ Đại Thiên Vương
- Chuyện Tình Của Chàng Nhạc Sĩ Càn-Thát-Bà
- Vesāli Thiên Tai, Dịch Hoạ
- Chậu Nước Bẩn, Thau Nước Sạch Và Cái Vòi Voi
- Máu Quý Hơn Nước
- Thăm Phụ Vương Lần Cuối
- Câu Chuyện Về Bộ Tam Y Quý Giá Và Đức Phật Metteyya (Di Lặc) Vị Lai
- Lúc Nào Thì Đức Phật Metteyya Xuất Hiện
- Những Bàn Tay Kỳ Diệu Và Lời Cuối Bên Những Người Thân
- Lễ Hỏa Táng Đức Vua
- Thành Lập Giáo Hội Bhikkhunī
- MÙA AN CƯ THỨ NĂM (Năm 583 trước TL)
- Ổn Định Ni Chúng
- Hóa Độ Kỹ Nữ Ambapālī
- Cảm Hóa Thủ Lãnh Tướng Quân Sīha
- MÙA AN CƯ THỨ SÁU (Năm 582 trước TL)
- Bát Gỗ Đàn Hương
- Tiếp Chuyện Đức Vua Seniya Bimbisāra
- Bà Quý Phi Xinh Đẹp
- Duyên Xưa, Lối Cũ
- Thần Thông Cảm Hóa Ngoại Đạo
- MÙA AN CƯ THỨ BẢY (Năm 581 trước TL)
- Đền Ơn Huyết Sữa
- Với Đức Vua Pāsenadi
- Cuộc Luận Chiến Về Chiêm Tinh
- Với Chàng Thanh Niên Nô Lệ
- Thêm Một Vị Đại Đệ Tử
- Về Sợi Dây Luyến Ái
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
TẬP 2
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà xuất bản Văn Học 2014
Với Đức Vua Pāsenadi
Trở lại Kỳ Viên, sau vài ba thời pháp sách tấn, khuyến hóa chư tỳ-khưu; đức Phật ân cần nhắc nhở các vị trưởng lão là nên phân bố chư tăng rộng đường đi du hóa các nơi do thời tiết đã tạnh ráo. Đức Phật cũng bảo, là Kỳ Viên nên giữ lại chừng một ngàn vị, nhất là số tỳ-khưu sơ tu còn quá nhiều tập khí; họ còn cần phải ở gần các vị trưởng lão, giáo thọ nhiều năm để bồi dưỡng pháp học, pháp hành.
Thế là sau đó, từng chúng, từng đoàn đảnh lễ đức Phật rồi y, bát lên đường. Quả thật, sau mùa an cư, họ là những cánh chim trời tự do, ra đi vì lợi ích cho nhiều người. Riêng đức Phật và một số trưởng lão phải ở lại, ra giêng, nắng ấm mới du hành – vì đây, đúng là thời có duyên với đức vua Pāsenadi, hoàng hậu, triều đình cùng các thành phần giai cấp khác trong quốc độ.
Mấy hổm rày, đức Phật dường như thường xuyên đón tiếp bà Mallikā, là chánh hậu của đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc). Bà Mallikā là một phụ nữ đẹp đẽ, đoan chính, thông minh, hiền thục và chưa theo một tôn giáo nào. Từ khi hoàng tử Jeta (Kỳ-đà), dâng cúng rừng cây, cùng với đại triệu phú Cấp Cô Độc kiến lập Kỳ Viên đại tịnh xá để dâng cúng đức Phật và thập phương Tăng thì bà đâm ra tò mò! Cái đạo ấy thế nào mà hấp dẫn ông hoàng tử trẻ keo kiệt ấy nhỉ? Trong một vài lần dùng cơm tại vương cung, hoàng tử Jeta không ngớt tán thán đức Phật cùng giáo pháp của ngài. Ông hoàng này lại còn không hết lời ca ngợi vị đại đệ tử, nào là thần thông vi diệu, nào là trí tuệ, nhẫn nhục... đều tuyệt vời, vô song! Rồi ông hoàng kể cho bà Mallikā nghe nhiều huyền thoại về đức Phật và tôn giả Sāriputta. Rồi chuyện mới đây, tại cổng thành Sāvatthi, bà nghe thị nữ kể lại chuyện thần thông cảm hóa ngoại đạo của đức Phật nữa. Chính đức vua Pāsenadi đã ra tận nơi, tuy hơi khách sáo nhưng cũng tỏ vẻ cung kỉnh. Bà quyết định đến gặp vị Phật ấy.
Đức Phật biết bà hoàng hậu này được đức vua Pāsenadi rất thương yêu và kính trọng; nhưng ngài lại lựa chọn cách đón tiếp rất giản dị là ở giữa vườn cây.
Thấy đức Phật tuổi tác chừng ngang bằng đức vua Pāsenadi nhưng tướng hảo quang minh hơn nhiều. Đức Phật cao lớn, phương phi, nước da ngời sáng, mạnh khỏe còn đức vua của bà thì mập phệ, béo tròn, đi đứng đã bắt đầu phục phịch, nặng nề rồi!
Sau khi chào hỏi xã giao, bà ngồi trên chiếc ghế thấp đã được soạn sẵn, hỏi đức Phật quan niệm như thế nào về hạnh phúc đời người; và quả thật có hạnh phúc thật sự trên cuộc đời này không?
- Nó có đấy, thưa lệnh bà! Đức Phật nói – nhưng theo Như Lai biết và thấy - thì nó bấp bênh, chông chênh, giả tạm, thoáng có, thoáng mất, thay đổi, biến hoại... đúng như tính chất của Pháp!
- Pháp – tính chất của Pháp, từ này tôi chưa nắm bắt được ngữ nghĩa của nó, thưa đức Thế Tôn!
“Pháp” - thế là đức Phật bắt đầu giảng nói về bản chất của tất cả pháp hữu vi, bất cứ cái gì được cấu tạo, kết hợp đều chịu chung định luật vô thường, không có tự tính, không có ngã tính như thế nào! Ngay cả các quan niệm, ý nghĩ, cả các trạng thái tâm lý như buồn vui, thương ghét, khổ lạc cũng chịu chung định luật ấy nên nó đưa đến dukkha! Rồi đức Phật thuyết rõ cho bà nghe về dukkha, khổ đế, nó chi phối tất thảy chúng sanh trong ba giới, bốn loài... như thế nào!
Buổi gặp gỡ đầu tiên là như vậy. Vài ba hôm sau, bà chánh hậu Mallikā lại đến Kỳ Viên, và lúc nào cũng chỉ vài thị nữ theo hầu. Thỉnh thoảng có thêm hoàng thân Jeta, vì lệnh bà lại thuyết phục hoàng thân nên đi nghe pháp, vì pháp hay lắm! Lần này, đức Phật chưa thuyết về nguyên nhân dukkha (tập đế), mà ngài nói đến các cảnh trời, thuận thứ những cái gọi là “hạnh phúc” từ thấp lên cao, nhân và quả, tâm và cảnh như thế nào. Buổi khác, đức Phật lại thiện xảo mở ra cảnh giới cao hơn, về những chúng sanh xem các dục vật chất là hạ liệt, thấp kém; họ đã tu tập và thành tựu những hạnh phúc tinh thần, cao hơn hạnh phúc vật chất không biết bao nhiêu mà kể...
Thấy căn trí và duyên với bà chánh hậu có thể bước cao hơn, đức Phật nói đến những hạnh phúc của các cõi trời vô sắc, là những hạnh phúc rất thanh lương, rất vi tế mà mọi người trên cõi đời này không thể quan niệm, khái niệm về nó được. Tuy nhiên, cả ba cõi ấy vẫn còn trầm luân, sanh tử. Cứu cánh giáo pháp của Như Lai là giải thoát tất thảy mọi ràng buộc trong ba cõi. Và muốn tu tập thì phải có chánh kiến như thế nào, lộ trình như thế nào. Đến đây, đức Phật mới giảng rộng về tập đế và con đường tu tập (đạo đế), để chấm dứt tất thảy mọi đau khổ, phiền não trên cuộc đời.
Vào cuối buổi giảng lần thứ sáu, bà chánh hậu đắc pháp nhãn, có niềm tịnh tín bất động, bất thối với con đường. Bà đã bước được bước chân đầu tiên vào giáo pháp bất tử.
Trở về cung mà tâm bà còn hoan hỷ, nhẹ lâng lâng. Bà thuyết phục đức vua Pāsenadi:
- Bệ hạ nên đến đức Thế Tôn để nghe pháp một lần đi!
Đức vua mỉm cười:
- Vị ấy có nhiều thần thông lực, phải vậy chăng?
- Đồng ý là vậy, nhưng ý tiện thiếp muốn nói là giáo pháp kìa! Giáo pháp giác ngộ đấy!
Đức vua có vẻ nhíu mày:
- Ý nàng nói là vị ấy đúng là một vị Phật? Một vị đại A-la-hán thật sự trên đời này?
- Chắc hẳn vậy rồi.
Ngẫm ngợi một lát, vua hỏi:
- Hậu có biết xuất thân của vị ấy không?
- Thưa biết! Nhưng đâu cần phải lý lịch hoặc xuất thân?
- Cần thiết chứ! Rất cần thiết tổ tông, dòng máu di truyền là khác! Ông ta là thái tử con vua Suddhodana, bộ lạc Sākya, một vương quốc hiền hòa, nhỏ bé, chư hầu nhiều đời của Kosala! Từ xưa đến nay, dòng dõi sát-đế-lỵ như chúng ta chỉ xuất sinh những tướng quân, những minh quân vĩ đại chứ không có trường hợp xuất sinh những sa-môn, những bà-la-môn, những giáo chủ vĩ đại!
Ngừng một lát, vua tiếp:
- Như thế, một vị Phật phải được xuất sinh từ dòng dõi bà-la-môn chính thống, trẫm mới tin được. Lại nữa, một vị Phật, ít ra thì tuổi tác cũng cỡ như các giáo chủ Makkhali Gosāla, Pakudha Kaccāyana, Nigaṇṭha Nāṭaputta, Ajita Kesambala, Sañjaya Velaṭṭhaputta kia chứ? Ông ta còn trẻ quá! Chỉ bằng tuổi trẫm là cùng!
Nói thì nói vậy, nhưng thấy hoàng hậu vốn là người có trí, lại không dễ dàng đặt đức tin không đúng chỗ; và hoàng tử Jeta cũng vô cùng kính phục, đã nói mãi, thuyết phục mãi, nên đức vua quyết định đến thăm.
Đức Phật tiếp ông vua uy danh hiển hách này cũng ở ngoài vườn cây, trong lúc đang đàm đạo với các trưởng lão. Đức Phật ngồi trên tảng đá lót tấm nệm cỏ, các vị trưởng lão như Sāriputta, Mahā Moggallāna, Vappa, Assaji, Mahā Kassapa, Uruvelākassapa, Bhaddiya, Ānanda... ngồi xung quanh lác đác trên những tấm nệm cỏ ở những vị trí thấp hơn...
Thoáng nhìn, đức vua đã suy giảm một phần nào ngạo khí. Vì, tuy đức Phật trẻ tuổi - nhưng trong nhóm đệ tử của người, ai cũng toát ra vẻ đẹp tuyệt vời của nhân tướng học; lại nữa, còn có mấy vị trưởng lão tuổi tác không thua gì các giáo chủ ngoại đạo (Vappa, Assaji, Uruvelākassapa...), trông vừa tiên phong đạo cốt vừa toát ra vẻ thông thái của các bậc hiền triết!
Sau khi chào hỏi xã giao, đức Phật bảo đặt một chiếc ghế thấp cho vua ngồi. Sự tế nhị đầu tiên ấy làm đức vua cảm kích vì ông mập quá, không thể ngồi trên tấm nệm cỏ dễ dàng được.
Đức Phật mở lời trước:
- Thật hân hạnh cho tịnh xá Kỳ Viên, được một đức vua trẻ tuổi, vĩ đại đến thăm!
- Không dám đâu, thưa sa-môn Gotama! Ngài cũng trẻ tuổi và vĩ đại như vậy, chỉ nhìn thoáng qua hàng cao đệ xung quanh đây là đủ biết! Chưa nói đến sa-môn Gotama đã hiển lộ thần thông lực cho thế gian mở rộng tầm mắt!
Đức Phật mỉm cười:
- Như Lai nhớ không lầm thì đại vương lên kế vị ngôi vua vào năm hai mươi sáu tuổi, và chỉ hai năm sau là đại vương đã trở thành một vị vua vĩ đại mà vẫn rất trẻ, tuổi còn rất nhỏ!
Đức vua rất bằng lòng với câu nói này. Nhưng sau đó thì giật thót mình, dường như đức Phật biết là nhà vua chê đức Phật còn trẻ tuổi, qua câu chuyện với hoàng hậu Mallikā! Tuy nhiên, không giấu được sự thắc mắc trong lòng, đức vua hỏi:
- Thưa sa-môn Gotama! Có gì không phải xin sa-môn bỏ quá cho! Rằng là, có phải sa-môn Gotama đã từng tuyên bố trước hội chúng, nơi này và nơi kia, là sa-môn đã chứng đắc Vô Thượng Giác, như là một đức Chánh Đẳng Giác trên đời này?
- Đúng vậy! Như Lai đã từng tuyên bố như vậy!
-Trẫm biết rằng, các sa-môn, các bà-la-môn thượng thủ, các giáo phái chủ, giáo phái sư, khi được trẫm hỏi như vậy thì họ không khẳng định, không phủ định, chỉ trả lời ỡm ờ, vòng quanh. Nay, làm thế nào mà sa-môn Gotama lại dám tuyên bố một cách tự tin như thế khi tuổi còn quá trẻ và xuất gia cũng chưa được bao lâu?
- Đại vương biết không - Đức Phật tiếp lời – Có bốn cái nhỏ, rất nhỏ nhưng không được coi khinh, xem thường, đó là: Một ấu hoàng, một con rắn nhỏ, một đốm lửa nhỏ, một sa-di nhỏ!
Đức vua thừa thông minh để biết đức Phật đang ám dụ mình đây, cảm thấy vui trong lòng, nhưng ngoài miệng thì nói:
- Xin cho được nghe!
- Một ấu hoàng - Đức Phật chậm rãi nói - lớn lên, làm vua, nếu là xấu ác thì có thể quấy đảo cả thiên hạ, làm cho muôn dân phải đau khổ; nếu là hiền thiện thì có thể trở thành một đấng minh quân, đem lợi lạc và an vui cho nhiều quốc độ. Một con rắn nhỏ cũng không được coi khinh, vì biết đâu đấy là rắn chúa mà chỉ một tí nọc độc của nó có thể làm chết cả một con voi to. Một đốm lửa nhỏ cũng cần phải cẩn thận – vì nó có thể lây lan thiêu đốt nhà cửa, vườn rừng. Một sa-di nhỏ cũng có thể đắc quả A-la-hán, thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát cùng các thắng trí! Vậy Như Lai khuyên đại vương là đừng nên xem thường, coi khinh những cái nhỏ, rất nhỏ vậy!
Đức vua Pāsenadi, bây giờ, xác định rõ là đức Phật đã tế nhị răn dạy mình. Nhìn lướt qua các vị trưởng lão, vị nào cũng bình tịnh, an nhiên – và ai cũng phảng phất nụ cười, dường như họ đều đã biết nguyên nhân câu chuyện.
“Ôi! Đây đúng là những con người minh triết trong một giáo hội minh triết! Ôi! Còn chần chờ gì nữa mà không tìm chỗ nương tựa cho đời mình!” Nghĩ thế xong, đức vua Pāsenadi, thay đổi tư thế, quỳ mọp xuống:
- Đức Thế Tôn đã mở sáng con mắt cho trẫm. Vậy cho trẫm được quy giáo đức Đạo Sư cùng với giáo hội minh triết này!
Đức Phật lại mỉm cười:
- Đại vương có vội vã quá không? Đã suy nghĩ chín chắn, chu đáo chưa? Dường như đại vương còn thắc mắc về dòng dõi sát-đế-lỵ của Như Lai nữa đấy!
Đức vua quỳ lạy một lượt nữa, sau khi sợ hãi nói: “Đệ tử không dám ạ!”
Việc đức vua Pāsenadi quy giáo đức Phật giản dị như vậy đấy, chỉ qua một lần đối thoại như vậy đấy! Nhưng là một biến cố trọng đại đối với nước Kosala.
Vốn là con trai trưởng của đức vua Mahākosala hiển hách và lừng danh, Pāsenadi được vua cha gởi đi du học ở viện đại học tại Takkasilā, thủ đô của nước Gandhāra(1). Đây là cơ quan giáo dục lớn nhất, quan trọng nhất, uy tín nhất với chương trình đào tạo nghiêm túc, phong phú, có chất lượng đầy sức thuyết phục, hấp dẫn tuổi trẻ tri thức trong mọi quốc độ. Các giới cấp cao sang trong xã hội như bà-la-môn, sát-đế-lỵ mới đủ điều kiện cần thiết vì học phí rất cao; tuy nhiên, các sinh viên nghèo, có chí vẫn có thể theo học được bằng cách phục vụ lao công cho trường, cho lớp, cho thầy dạy học. Ngoài các môn triết lý, thần học, sinh viên còn phải đi chuyên sâu về các môn thế học như luật pháp và chính trị; các học nghệ cần thiết, thực tiễn cho xã hội như y khoa, luyện voi, đấu kiếm, bắn cung...(1) Sau bảy năm trở về, đức vua Mahākosala bổ nhiệm chức vụ thống đốc thành phố Kāsi(2) để xem xét tài lãnh đạo của Pāsenadi như thế nào. Khi vua cha mất, ông về kế vị ngôi vương, mà trong huynh đệ, không ai có thể suy bì được(3) Lúc ấy ông mới hai mươi sáu tuổi mà phải cai trị một vương quốc khá rộng lớn với những tranh chấp phức tạp giữa các tiểu vương chư hầu. Được biết rằng, thủ đô Sāvatthi chỉ ước chừng 350 ngàn dân, nằm trong một vuông đất mỗi bề chỉ một phần tư do tuần. Và ngay chính lãnh thổ Kosala cũng không rộng lớn lắm, chỉ ước chừng 40-50 do tuần theo hình bầu dục, khoảng ba triệu người. Nhưng địa giới thuộc quyền ông làm chúa tể, được vua cha giao lại – thì kéo dài từ tây sang đông, từ bắc xuống nam. Điểm cực tây là sa mạc, cả cao nguyên Tarai, tây bắc giáp giới Gandhāra. Phía đông chạy dài bao gồm luôn các bộ tộc Sākya, Koliya, Moriya, Mallā và cả Kālāma. Phía nam xuống tận sông Gaṇgā, chạy song song với thượng lưu con sông này, giáp với đông bắc Bārāṇasī, tiếp tục theo hướng tây bắc, ôm luôn con sông Sadānīra rồi vòng trở lại khởi điểm. Cơ cấu hành chánh cũng đã có sẵn từ trước, ông chỉ kế thừa. Hệ thống quản lý điều hành thì có các quan chức đại thần lão niên quen việc, biết việc từ thời vua cha. Đức vua Pāsenadi trẻ tuổi rất khó chịu bởi các vị công thần này. Tín nhiệm quan đại thần Ugga thì quan đại thần Ārohanta ganh tỵ. Phải tìm cách liên kết họ lại thì mọi vấn đề chính trị, hành chánh đều suôn sẻ. Nhưng chính hai vị này thì nói xa nói gần, bóng gió rằng coi chừng viên thống tướng Bandhula nắm binh quyền sẽ tiếm ngôi! Chưa hết! Cứ mỗi nước chư hầu, vua phải bổ nhiệm một vị tướng giỏi, vừa mang chức năng đại sứ toàn quyền vừa giám sát các thuộc quốc. Cả một mạng lưới điệp viên, tình báo bủa khắp mọi nơi làm tai mắt cho triều đình trung ương! Nếu không bản lĩnh, trí tài thì làm sao cai trị được một đế quốc như thế!
Khi còn làm thống đốc thành phố Kāsi, ông yêu thương một cô gái con người làm tràng hoa, lúc đăng cơ xong, ông phong làm chánh hậu – là bà Mallikā - mặc cho triều thần phản đối cô ấy thuộc giai cấp thấp kém. Về sau, đức vua còn có ba vương phi khác, đó là Ubbīrī và hai chị em Somā và Sakulā(1), nhưng đức vua đặc biệt sủng ái chánh hậu Mallikā. Bà là một cô gái diễm lệ, hiền thục, khéo léo luôn cận kề săn sóc an ủi ông, mỗi khi triều chính mệt mỏi. Vua rất quý trọng bà về tư cách xử sự, trí thông minh nên hay hỏi ý kiến bà về việc dùng người, thái độ khoan nhượng hoặc cứng rắn đối với chư hầu cũng như những điều lệ cương, nhu trong chính sách cai trị. Ông thấy rõ cái tệ nạn giai cấp làm ngăn cản bước tiến của xã hội, ngăn chặn sự tiến thân của rất nhiều thanh niên trí thức của các giai cấp dưới. Tại đại học Takkasilā, ông quen thân một số thanh niên vệ-xá, thủ-đà-la, chăm ngoan, hiếu học. Và ông đã không ngần ngại bổ nhiệm họ vào các chức vụ trọng yếu như phụ tá chánh án hoàng gia, quản lý kinh tế thành phố này hay thành phố khác. Bảy năm học tập, hai năm làm thống đốc, trí óc ông sắc bén do quen suy tư, thẩm xét từ nền tảng kiến thức triết học cũng như kiến thức thần học có sẵn. Dầu là giai cấp nào, tôn giáo, hệ phái nào cũng đều là thần dân của ông, phải biết tôn trọng và có chính sách trung dung phải lẽ, không được ngả bên này hay bên khác. Mười mấy năm cai trị, triều đại của ông vững mạnh, đời sống xã hội phồn vinh, các nước chư hầu đều thần phục. Chỉ có nước Māgadha là ở quá xa, cũng là một đế quốc hùng mạnh tương đương, xét ra là một hiểm họa tranh đoạt thiên hạ với ông. Tuy nhiên, việc ấy, vua cha đã nhìn xa trông rộng rồi, đã gả cô công chúa Kosalavidehi, em của Pāsenadi cho đức vua Seniya Bimbisāra, với một vùng đất trù phú và xinh đẹp tại xứ Kāsi làm của hồi môn để tạo mối thân tình. Đức vua Seniya Bimbisāra cũng không thua gì ông về mọi lãnh vực, lại đạo đức, hiền thiện rất đáng tin cậy. Mười mấy năm nay không có chiến tranh lớn, chỉ có vài bộ lạc nhỏ nổi loạn đòi tự trị, đòi độc lập; và chỉ cần một viên tướng nhỏ cầm quân là có thể dẹp yên. Nhức đầu nhất là bọn cướp thường xuất hiện như ma, biến mất như quỷ, luôn quấy rối địa phương này và địa phương khác. Tăng cường binh bị, quốc phòng chưa cần thiết lúc này, nhưng phải bổ sung binh lính tuần tra đem lại an bình cho muôn dân khắp hang cùng, ngõ hẻm.
Như vậy đó! Một đức vua vĩ đại như thế mà quy giáo sa-môn Gotama là tiếng sét đánh thứ hai, sau tiếng sét thứ nhất là đức vua Seniya Bimbisāra! Các giáo phái khác bàng hoàng, khó chịu và ganh tỵ.
Hôm kia, đức vua Pāsenadi nằm thấy mộng dữ, cảm thấy lo sợ(1). Một vị lão thần bà-la-môn đoán mộng, bảo là sắp có chuyện chẳng lành xảy đến cho đức vua, phải nên giết cừu, dê, trâu, bò mỗi loại bảy trăm con tế lễ thần linh để tránh họa. Nghe lời, vua truyền sắm lễ vật, tế vật theo nghi thức truyền thống của đạo bà-la-môn là phải hy sinh hằng ngàn sinh linh trong cuộc đại tế này. Hay tin, hoàng hậu Mallikā lật đật đến can gián, khôn ngoan và sáng suốt khuyên vua đừng vội giết vật, nên đến thỉnh thị ý kiến của đức Phật. Nghe lời, đức vua đến Kỳ Viên, kể lại giấc mộng dữ của mình, mong được đức Phật tìm cách hóa giải tai họa.
Đức Phật nói:
- Hãy bình tĩnh, đại vương! Rồi Như Lai sẽ giải trừ tai họa cho! Bây giờ đại vương cho Như Lai được hỏi, khi mình giết một vật, cho đầu rơi, máu chảy thì lúc ấy, tâm mình là lành, tốt hay là xấu, ác?
- Tâm giết vật, sát vật thì làm sao mà lành, tốt được!
- Cảm ơn đại vương đã hiểu. Bây giờ cho Như Lai được hỏi tiếp - Giết một sanh mạng là xấu ác, giết một ngàn sanh mạng thì xấu ác tăng lên một ngàn lần. Chẳng lẽ nào lấy một ngàn lần xấu ác ấy để cầu nguyện, để van vái thần linh giải trừ tai hoạ cho đại vương? Chẳng lẽ nào chúng ta có thể gieo một nhân đắng - một ngàn nhân đắng, lại có thể thu hoạch được một trái ngọt, một trái lành được sao? Đại vương là bậc có trí, hãy trả lời cho Như Lai nghe với nào?
Đức vua Pāsenadi thất sắc, nín lặng.
- Lại nữa – đức Phật tiếp - Nếu có thần linh, thì thần linh là một loại chúng sanh tiến hóa bậc cao, có phước báu thù thắng hơn cõi người. Chẳng lẽ nào, các vị thần linh ấy lại thích hưởng thụ đầu súc vật, máu súc vật do đại vương dâng cúng? Nếu quả có loại thần ấy – thì nó còn tệ mạt, hạ liệt, thấp thỏi hơn con người - là quỷ dữ, là ác thần, là ác dạ-xoa đấy! Bọn quỷ xấu ác, thiếu phước ấy lại có thể hộ trì, giải trừ tai họa cho đại vương được sao?
Nghe đến ngang đây, đức vua cảm thấy trí sáng, thông suốt được vấn đề:
- Xin đức Tôn Sư cho đệ tử được nghe tiếp!
- Vậy thì phải làm ngược lại, tâu đại vương! Nghĩa là phải tác ý, phải khởi tâm làm một việc lành, tốt, một ngàn việc lành, tốt. Và chính nhờ năng lực một ngàn việc lành tốt kia thì tức khắc tai họa, nếu có, sẽ tự động được giải trừ!
- Đệ tử hoàn toàn lãnh hội, đã hoàn toàn thấy rõ sự sai lầm của sự tế vật. Nhưng vừa rồi, đức Tôn Sư có sử dụng từ điều kiện cách, “nếu có”, đệ tử chưa hiểu rõ lắm!
- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu- Như Lai thấy rõ rằng, chưa chắc đã có tai họa gì! Vì chiêm bao là lúc trạng thái tâm, trạng thái trí chập chờn, mơ màng - ở đấy là do các “tưởng”(1) đúc kết, vẽ vời không trung thực các hình ảnh hiện tại, quá khứ, vị lai mà thành! Có thể nó là lành tốt, có thể nó là xấu ác; nhưng các nhà chiêm tinh gia đoán mộng, từ xưa đến nay họ cốt ý để mưu sinh, để kiếm tiền nhiều hơn là có lòng tốt với khổ chủ!
- Nếu nó xấu ác thật sự thì sao, thưa đức Tôn Sư!
- Thì nên làm một ngàn điều lành, tốt để giải trừ - hay nên làm một ngàn việc xấu ác để tăng thêm tội thì tùy ý đại vương vậy!
Với cách đặt vấn đề thiện xảo như vậy, trí tuệ như vậy - đức Phật đã làm cho đức vua biết cách bố thí, trì giới, làm các công đức, thiện sự, phước sự... sau này! Ngay ngày hôm sau, đức vua cung thỉnh đức Phật và hội chúng 1000 vị tỳ-khưu làm một cuộc cúng dường lớn tại cung điện. Đức Phật và chư tăng đã đọc kệ phúc chúc, mong rằng với phước sự ấy, đức vua được tai qua nạn khỏi. Và quả thật, mấy ngày sau đó, đức vua cảm giác được an lành; và một làn gió mới, trong trẻo len vào đời sống tâm linh của nội cung, nội viện và cả triều thần. Hoàng hậu Mallikā là người sung sướng nhất vì bà đúng là người bạn đời hiền thiện, cao quý, đã sáng suốt, đã dịu dàng đưa cánh tay hoa sen của mình dẫn dắt ông vua chồng quyền uy hiển hách đi vào chánh đạo!
Đức Phật biết là đã đặt được nền móng giáo pháp vững chắc tại kinh đô này, quốc độ này; ngài lại chuẩn bị đi du hóa phương khác.(1) Xem thêm Đức Phật lịch sử của H.W. Schumann, Trần Phương Lan dịch, tr.257, NXB T/P HCM, năm 2000.
(2) Kāsi cũng là một nước, thủ đô là Bārāṇasī. Trong quá khứ nước này có nhiều sự liên hệ với nước Kosala. Vào thời Phật, Kāsi lệ thuộc Kosala. Khi gả con gái mình cho đức vua Bimbisāra, đức vua Mahākosala đã cắt xứ này cho
(3) Đức vua Mahākosala có khá nhiều vương phi, thứ hậu – 30 vương tử Kosala được đức Phật hóa độ tại rừng Kappāsīya là con của các bà này.
(1) 10 năm sau, vua Pāsenadi muốn được thân tình với dòng dõi Sākya của Phật - mới xin cưới thêm vương phi Vāsabhakkhattiyā, cô công chúa con vua Mahānāma với nàng nữ tỳ - sinh ra thái tử Viḍūḍabha, là người nổi loạn chống vua cha và tiêu diệt dòng Sākya sau này.
(1) Mahā Supina Jātaka.
(1) Tri giác – Saññā.