Phần 1: Giai cấp và phản kháng giai cấp

25/05/20185:24 SA(Xem: 6894)
Phần 1: Giai cấp và phản kháng giai cấp
Thích Trung Hữu
SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ & 
VAI TRÒ CỦA  TIẾN SĨ AMBEDKAR
Nhà Xuất Bản Phương Đông

Phần 1

GIAI CẤP VÀ PHẢN KHÁNG GIAI CẤP

  

1. Chế Độ Giai Cấp Và Tầng Lớp Tiện Dân

Đạo Bà la môn là một tôn giáo cổ ở Ấn Độ và có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ cấu xã hội Ấn qua nhiều thế kỷ, thậm chí cho đến ngày nay. Theo đó, xã hội Ấn Độ được chia làm bốn giai cấp chính,[1]giai cấp Bà la môn (giáo sĩ), Sát đế lợi (quý tộc, chiến binh), Phệ xá (nông - công - thương), và Thủ đà la (nô tỳ). Ngoài ra còn có một tầng lớp khác nữa không nằm trong hệ thống giai cấp, đó là những “Tiện dân”, những người hạ tiện hay những người “không thể đụng đến (Dalit, Untouchable), bởi vì họ bị cho là dơ bẩn đến nổi chỉ cần chạm vào họ thôi cũng đủ làm cho người chạm phải bị ô uế. Nguồn gốc sự phân chia giai cấp như thế đầu tiên được tìm thấy trong Rig-veda (Lê Câu Phệ Đà) khoảng 1,500 năm TCN. Đến thế kỷ II thì được hệ thống hóa trong bộ luật Manu[2] như sau:

Bấy giờ, vì mụch đích bảo vệ tất cả sinh linh, Thượng Đế sẽ giao nhiệm vụ cho người trong từng giai cấp. Bà la môn, những người được sinh ra từ miệng Thượng Đế, có bổn phận học tập, dạy dỗ, và cúng tế. Sát đế lợi, những người được sinh ra từ vai của Thượng Đế, có bổn phận bảo vệ đất nước và thần dân. Phệ xá, những người được sinh ra từ đùi của Thượng Đế, có bổn phận sản xuất ra của cải vật chất. Thủ đà la, những người được sinh ra từ bàn chân của Thượng Đế, có bổn phận phải phục vụ các giai cấp trên.

Như vậy, trong bốn giai cấp thì giai cấp Thủ đà la là thấp nhất. Tuy nhiên, tình trạng của họ vẫn còn tốt hơn những người “hạ tiện”, vì họ còn được coi là con người, trong khi tình trạng của những người “hạ tiện” còn thấp hơn cả loài người. Và sự phân chia giai cấp này là cha truyền con nối, từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, suốt đời suốt kiếp không được thay đổi.

Thành ngữ “Tiện dân” xuất phát từ khái niệm hay quan niệm bất tịnh (không sạch). Theo quan niệm xưa nay thì có ba thứ hay ba nguyên nhân làm cho bất tịnh. Một là khi người ta trải qua giai đoạn như lúc sinh sản, chết, và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ; hai là tiếp xúc với những vật nhiễm ô như xác thối; và ba là tiếp xúc với người lạ.[3] Tuy nhiên, sự bất tịnh của những Tiện dân Ấn Độ không thuộc trong ba loại trên, mà là do thừa kế từ cha mẹ. Hễ cha mẹ thuộc giai cấp nào thì con cái cũng thuộc giai cấp đó, và phải mang suốt đời không thay đổi. Khi nói về sự bất tịnh của giai cấp hạ tiện này, Tiến sĩ Ambedkar viết trong một tác phẩm của ông rằng: “Họ được sinh ra trong bất tịnh, bất tịnh trong khi sống và khi chết họ chết trong bất tịnh. Khi họ sinh con cái thì con cái của họ cũng kế thừa sự bất tịnh đó, vĩnh viễn, như một dấu ấn không phai, không thể nào xóa đi cho sạch được”. Theo thống kê năm 1908 thì có 50 triệu người “Tiện dân,” chiếm 24% tín đồ đạo Hindu và 16% dân số Ấn Độ. Con số này cho đến nay vẫn không thay đổi bao nhiêu. Để hiểu thêm về tình trạng của lớp người “Tiện dân” này, sau đây ta sẽ đi vào một số khía cạnh cụ thể.

Về phương diện xã hội, theo ghi chép trong Bộ luật Manu thì, giai cấp tiện dân không được sống trong làng mà phải sống ở ngoài khu dân cư của các giai cấp khác. Thức ăn của họ phải đựng bằng những cái đĩa mẻ. Quần áo của họ được may bằng vải của người chết, trong khi trang sức chỉ là những miếng sắt cũ kĩ. Họ không được mặc đồ sạch, mang giày, đeo đồng hồ và các loại trang sức bằng vàng bạc, như là cách để phân biệt họ với những người khác. Sự phân biệt này còn được thể hiện qua cách đặt tên. Giai cấp Thủ đà laTiện dân không được đặt những cái tên đẹp, mà phải biểu thị sự thấp hèn, khinh miệt, thường là họ lấy tên của các loài động vật, chim chóc.[4] Tất nhiên họ không bao giờ được phép ăn chung hay kết hôn với giai cấp trên. Mạng sống của họ thì không có giá trị gì mà những người của giai cấp trên có thể lấy mạng họ mà không phải đền bù gì hết.

Giai cấp Thủ đà laTiện dân không được tắm hay uống nước ở những giếng nước công cộng, vì như vậy họ sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Họ phải sống xa khu dân cư, ở những nơi hết sức ô uế và mất vệ sinh. Họ không được phép vào trong làng trừ khi giai cấp khác có việc sai họ làm như hốt phân, thu dọn xác chết động vật hay đưa tin đám ma, đám cưới. Trong tác phẩm Hủy Bỏ Chế Đột Giai Cấp (Annihilation of Caste) của mình, Ambedkar viết rằng ở thời kỳ triều đại Peshwa (thế kỷ XVIII - XIX), những người “Tiện dân” không được đi gần với giai cấp khác vì sợ cái bóng của họ có thể làm ô uế người kia. Trong khi đi đường, những “Tiện dân” được yêu cầu phải mang theo chổi để quét dấu chân của họ vì sợ người khác dẩm lên sẽ bị ô uế.

Về phương diện kinh tế, những Tiện dân không được sở hữu tài sản, đất đai, bởi vì nếu có tài sản họ có thể không còn phục tùng giai cấp trên. Trong làng, Các Bà la mônSát đế lợi nắm hết các vị trí kinh tế, chính trị cho nên giai cấp hạ tiện không có chút cơ hội nào để mà ngoi lên được. Nếu họ có đủ tiền để mua đất cũng không ai chịu bán đất cho họ, bởi vì đơn giảnpháp luật không cho phép. Nếu họ cố làm trái thì sẽ bị phạt. Trong điều kiện vô sản như thế, những Tiện dân này sinh sống bằng cách nào? Họ không còn cách nào khác là phải làm việc cho giai cấp cao, và giai cấp cao cũng biết vậy nên đã ra sức bóc lột họ. Ở đây không có sự thương lượng về giá cả. Các chủ đất muốn trả cho bao nhiêu tùy họ. Thù lao có khi là tiền mặt, có khi là ngũ cốc như bắp hay lúa thóc tùy theo vụ mùa. Nếu là tiền thì ít nhất có thể. Nếu là ngũ cốc thì đó là loại hạt dơ bẩn dính trong phân động vật. Khi mùa màng kết thúc thì những Tiện dân này đi cắt cỏ hoặc lượm củi để đem ra chợ bán. Ở đây, cũng như khi họ làm thuê cho các chủ đất, các giai cấp cao thông đồng với nhau để ép giá họ đến mức thấp nhất có thể. Ngoài ra những Tiện dân cũng có thể kiếm sống bằng nghề quét đường, dọn phân, chùi cầu, và đi xin ăn.

Giáo dục thì chỉ dành cho giai cấp cao. Đối với giai cấp hạ tiện thì đi học là một điều tội lỗi. Nếu họ nghe kinh Vệ Đà thì bị rót chì vào lổ tai, nếu đọc lên những câu kinh Vệ Đà thì sẽ bị cắt lưỡi, nếu họ học Vệ Đà thì sẽ bị phân thây làm nhiều mảnh. Đó là bởi vì những người Bà la môn cho rằng kinh Vệ Đàngôn ngữ của Thượng Đế mà chỉ có những người cao thượng mới được tiếp xúc. Còn người hạ tiện tiếp xúc sẽ làm ô uế kinh văn và do đó xúc phạm Thượng Đế. Nhưng có lẽ còn một lý do thầm kín khác nữa mà những Bà la môn, người sáng tạo và là bật thầy về kinh Vệ Đà, cấm người khác tiếp xúc với hệ thống Vệ Đà là vì cả kinh Vệ Đàngôn ngữ Sanskrit dùng để viết kinh Vệ Đà là cội nguồn tri thức, như tiếng Latin trong thời Trung đại và Phục hưng ở châu Âu, như Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo. Bằng cách ngăn chặn học kinh Vệ Đà, những Bà la môn cũng đồng thời ngăn chặn giai cấp thấp nguồn tri thức mà nhờ đó họ có thể tiến thân.

Về phương diện tôn giáo thì, mặc dù cả bốn giai cấpTiện dân đều cùng một tôn giáo, thờ những vị thần giống nhau, nhưng giữa họ có một khoảng cách như trời với vực. Giai cấp thấp không được vào các đền thờ của giai cấp cao. Nếu họ muốn lễ lạy thần thì họ phải đứng ngoài xa lễ vào. Nhưng thông thường thì họ có đền thờ riêng, nhỏ hơn, cũng như có những lò thiêu riêng khi họ qua đời.

Bà la môn giáo không chỉ có phân biệt giai cấp mà còn phân biệt giới tính nữa. Phải thừa nhận rằng trong hầu hết xã hội cổ trung đại, vai trò của phụ nữ vô cùng thứ yếu, nếu không muốn nói là vô cùng thương cảm. Một điều rất rõ ràng là các ông vua đều có tam cung lục viện, và đàn ông có năm thê bảy thiếp là bình thường. Cha mẹ nghèo có thể đem con gái đi bán. Các ông chồng cũng thế, có thể đem vợ ra mua bán, trao đổi hoặc đem tặng người khác như một thứ tài sản. Theo Luật Manu của Bà la môn giáo thì một phụ nữ dù là bao nhiêu tuổi cũng không được làm gì theo ý mình mà phải chịu dưới sự hướng dẫn hay quản lý của người đàn ông như cha, chú, anh, con, và trên hết là người chồng. Thậm chí nếu người chồng có phẩm hạnh kém, hay bị các căn bệnh truyền nhiễm thì người vợ cũng phải thờ anh ta như thờ đấng Phạm thiên. Nếu người vợ không tuân theo luật thì cô ta sẽ bị phạt nặng, như cho chó xé xác chẳng hạn.

Không chỉ có thế, phụ nữ Ấn Độ xưa cũng không được phép thực hành các nghi lễ tôn giáo cũng như theo đuổi đời sống tâm linh. Vì sao? Theo tác phẩm Người Vợ Hoàn Hảo (Strīdhammapaddhati – TK XVII - XVIII) thì đó là do phụ nữ “có quá trình kinh nguyệt và sinh nở nên bản chất vốn là không sạch. Hơn nữa phụ nữ có nhiều tính xấu nên không thích hợp cho việc tu hành và học tập những điều thiêng liêng, huyền bí, không thích hợp để nghe và tụng Sanskrit. Và do không thể đọc tụng nên phụ nữ cũng không thể thanh tịnh hóa bản thân, do đó mà phụ nữ phải mang tội suốt đời. Do ba đặc điểm trên, nghĩa là bất tịnh, tội lỗi và không được đọc tụng kinh điển, cho nên phụ nữ không thể thực hành tôn giáo”.

Nói tóm lại, trong hệ thống giai cấp của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, giai cấp Thủ đà lagiai cấp Tiện dân chịu nhiều thiệt thòi và bất công. Họ không chỉ bị tước đoạt tất cả quyền lợi mà còn bị coi thường còn thua súc vật. Thánh Gandhi miêu tả tình trạng họ rằng: “Về mặt xã hội, họ bị đối xử như những người bị bệnh hủi. Về mặt kinh tế, họ còn thua cả nô lệ. Về mặt tôn giáo, họ bị từ chối vào những nơi gọi là ‘ngôi nhà của Thượng Đế’ (đền thờ thần). Mặc dù cũng là đạo Hindu nhưng họ bị cấm sử dụng các lợi ích công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện, giếng nước, công viên.” Sangharakshita,[5] một tăng sĩ châu Ấu và cũng là người có công trong việc phục hưng Phật giáoẤn Độ, cũng diễn tả rằng: “Có khoảng một trăm triệu Tiện dânẤn Độ. Mỗi ngày có khoảng bốn hay năm trăm trong số họ bị giết bởi giai cấp cao trong lúc hàng ngàn người khác bị đánh dập, hiếp dâm, và khủng bố bằng cách cướp phá hay đốt nhà. Không thể đếm hết số trường hợp họ bị kỳ thị. Chuyện quấy rối và làm nhục diễn ra gần như mỗi ngày.”[6]

Sự phân chia giai cấp này làm cho xã hội Ấn Độ trông giống như một cái hộp có nhiều ngăn trong đó mỗi giai cấp là một ngăn khác nhau với lối sống khác nhau. Hiện tượng này, theo Ambedkar, đưa đến hai hệ lụy không thể tránh khỏimâu thuẫn xã hộitiêu diệt lương tâm cộng đồng. Do quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau nên các giai cấp không thể hợp tác với nhau được mà coi nhau như kẻ thù. Các nhà cải cách Ấn Độ đều đồng ý rằng tính giai cấp đã cướp đi cái cảm giác của tình đồng bào, tương thân tương ái giữa người dân Ấn với nhau. Cũng bởi vì tính giai cấp mà họ cũng không cảm thấy rằng phải có trách nhiệm với giai cấp khác. Trong Tiêu Diệt Giai Cấp, Ambedkar cho rằng sự phân chia giai cấp trong xã hội là một điều đáng bị lên án, bởi vì nó giết chết lương tâm cộng đồng, giết chết lòng từ thiện. Ở đây không có sự thông cảm, không có lòng trắc ẩn đối với người bất hạnh. Nếu có chăng là chỉ với người cùng giai cấp. Một người chỉ có trách nhiệm với giai cấp anh ta và cái gọi là lòng yêu nước cũng chỉ giới hạn trong giai cấp của anh ta mà thôi. Ambedkar còn cho rằng đất nước Ấn Độ sẽ không bao giờ tiến bộ và phát triển được nếu nó không xóa bỏ chế độ giai cấp: “Bạn không thể xây dựng đất nước, hay đạo đức, hay bất cứ cái gì trên nền tảng giai cấp. Giai cấp sẽ làm sụp đổ tất cả và khi nào còn giai cấp thì bạn đừng mơ đến cái gì hoàn thiện”, Ambedkar khẳng định.

 

2. Những Phản Kháng Chống Lại Sự Phân Biệt Giai Cấp

Phản ứng chống lại hệ thống cấp bậc ở Ấn Độ không phải là một hiện tượng mới trong lịch sử Ấn Độ. Đạo Jain (Kỳ na giáo) và đạo Phật được xem là các phong trào lâu đời nhất, thách thức quyền bá chủ của đạo Bà la môn. Cả hai đều bị coi là những kẻ dị giáo do không tin vào đấng sáng tạo Phạm thiên. Cả Mahavira (Đại Hùng - lãnh đạo đạo Kỳ na giáo) và Đức Phật đều không ủng hộ sự tế lễ súc vật và sự cứu rỗi của các vị thần trong văn học Vệ Đà. Mahavira tuyên bố rằng "Con người bạn là của riêng bạn. Ngoài ra không còn Đấng nào nữa." Đức Phật cũng nói giống như vậy, "Hãy thấp đuốt lên mà đi. Hãy tự cứu lấy mình bằng sự nổ lực của bản thân". Như vậy, cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo đều nhấn mạnh đến sự tự giúp đỡ và tự kỷ luật. Họ cũng bác bỏ tính kiêu ngạo của các thầy tu Bà la môn cũng như phủ nhận chế độ giai cấp của tôn giáo ấy.

Trong thế kỷ XIII và XIV, các nhà cải cách xã hội ở Maharashtra đã bắt đầu thuyết giảng về việc chống lại chế độ giai cấp. Trong số này có Chakradha Swami, người thành lập ra giáo phái Mahanubhava. Giáo phái Mahanubhava đã bác bỏ ý tưởng về sự vượt trội của giai cấp Bà la môn và sự thấp kém hơn của các giai cấp khác khi sinh ra. Đồng thời họ đã thừa nhận quyền tu hànhthực hành tôn giáo đối với nam giới và nữ giới của cả bốn giai cấp. Những nhân vật khác như Namdeva, Mukunda Raj Jnyanoba trong thế kỷ XIII, Chokhamela, Nandanara và Ravidas trong thế kỷ XIV, đã sáng tác những bài hát để tuyên truyền cho việc phá bỏ hệ thống đẳng cấp.

Ở miền Bắc Ấn Độ, nhà thơ dị giáo Kabir (1440 - 1518) đã bác bỏ thẩm quyền của truyền thống Bà la môn và các thực hành mê tín của họ. Ông chống lại chế độ đẳng cấp và phân biệt xã hội. Ông nhạo báng những tuyên bố của Bà la môn về tính ưu việt của họ bằng những bài thơ như sau:

Nếu một người mẹ Bà la môn có thể sinh ra một Bà la môn,

Tại sao không sinh bằng con đường khác?

Bằng cách chạm vào người khác (giai cấp),

Có thể làm họ bị ô nhiễm ư?

Sự kiêu ngạo không bao giờ đem lại bất kỳ điều gì tốt.

Làm thế nào anh ta, người được gọi là Kẻ chiến thắng[7]

Khi mà lòng kiêu căng

tràn ngập trong lòng của bạn?

Đừng áp bức người yếu đuối;

Bởi vì tiếng thở dài của họ

có thể trở thành một sức mạnh lớn,

và bùng lên thành cơn lửa dử.

Tiếng nói của Kabir có ảnh hưởng đáng kể đến các giáo phái sau này, như đạo Sikh chẳng hạn. Người sáng lập đạo Sikh là Guru Nanak (1469-1538) đã bác bỏ hệ thống giai cấp như là nguyên nhân của sự phân biệt xã hội và sự xuống cấp đạo đức. Theo ông, sự cứu rỗi và giải phóng con ngườimục đích cuối cùng của sự tồn tại của con người. Mục đích này có thể đạt được thông qua niềm tin đúng, tôn thờ đúng và hành động đúng bất kể giai cấp, tín ngưỡng hay giới tính. Đạo Sikh đã trở thành một phong trào chống lại đạo Bà la môn chính thống một cách có tổ chức.

Trong thời kỳ thuộc địa, một trong những nhà cải cách xã hội đầu tiên chống lại hệ thống đẳng cấp là Raja Rammohan Rai (1772-1833). Raja Rammohan Rai thách thức chế độ chính thống Hindu (Đạo Bà la môn mới) bằng cách thành lập Brahma Samaj (1828), ủng hộ cải cách xã hộibình đẳng giai cấp dưới mọi hình thức. Nó đề cao giáo dục phụ nữ, tái hôn của góa phụ... Nó cũng yêu cầu chính phủ Anh phải hủy bỏ hủ tục bắt người vợ phải chết theo người chồng. Tương tự, ở Punjab và các khu vực khác ở miền Bắc Ấn Độ cũng có những phong trào đấu tranh chống giai cấp, như Hội Arya Samaj do Swami Dayanand (1824-1883) sáng lập. Hội này đã chống lại hệ thống giai cấp do truyền thừa, và ủng hộ một hệ thống dựa trên nghề nghiệp cũng như công nhận hôn nhân giữa các giai cấp.

Thông qua hoạt động của các tổ chức này, tính giáo điều của sự phân biệt đẳng cấp bị thử thách nghiêm trọng, và sự kỳ thị được giảm bớt. Cộng đồng những người thuộc giai cấp thấp cũng phát huy sức mạnh bản thân, chống lại sự bất bình đẳng bằng cách thành lập nhiều tổ chức chống đẳng cấp, như phong trào Sri Narayan Dharma Paripalana, vận động tinh thần tự tôn của giai cấp thấp trong thời kỳ thuộc địa Anh.

Một trong những tiếng nói gây ảnh hưởng nhất chống lại sự độc đoán và khắc nghiệt của hệ thống giai cấpẤn Độ là nhà cải cách Marathi Jotirao Phule (1827-1890). Phule sinh ra trong cộng đồng người Mali ở quận Satara của Maharashtra. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1847, ông bắt đầu làm việc như một viên chức chính phủ địa phương. Một lần nọ ông chịu sự sỉ nhục trong một lễ cưới của một người bạn. Một nhóm thanh niên thuộc giai cấp Bà la môn đã sỉ nhục và lăng mạ ông khi họ phát hiện ra ông là một người Mali.[8] Sự kiện đó đã làm thay đổi nhận thức của ông và ông bắt đầu thách thức hệ thống giai cấpthúc đẩy cải cách xã hội.

Mặc dù Phule không có trình độ học vấn cao, nhưng ông đã nhận ra vai trò quan trọng của giáo dục. Ông nhận ra rằng, nếu khônggiáo dục, những người thuộc giai cấp cùng đinh sẽ không bao giờ ngóc đầu lên nổi. Năm 1848, ông mở trường học nữ sinh ở Poona, và năm 1854, mở một trường nữa cho cả nam và nữ. Ông là nhà cải cách xã hội đầu tiên mở trường học cho những tiện dân trên khắp Ấn Độ. Phule đã tiến hành nhiều hoạt động cải thiện đời sống của công nhân ở các nhà máy ở Bombay. Ông cũng giúp đỡ nông dân và chuyển những nguyện vọng của họ tới các quan chức thuộc địa. Năm 1873, ông thành lập Satyasodhak Samaj (Hiệp hội những người tìm kiếm chân lý) để kêu gọi sự tự do cho con người, bình đẳng và tương thân tương ái. Satyasodhak Samaj phản đối hình thức nghi lễ, bác bỏ uy quyền của Vệ Đà, phủ nhận tôn thờ thần tượng và hành hương. Thông điệp của Satyasodhak Samaj đã được truyền đi khắp mọi nơi ở Maharashtra. Tiểu vương vùng Baroda bị cuốn hút bởi sự nhiệt tình của Phule, đã gọi ông là Booker T. Washington của Maharashtra, trong khi Ambedkar gọi ông là nhà cải cách lớn nhất của Ấn Độ. Còn các nhà làm sử của Maharashtra gọi ông là Tâm hồn vĩ đại (Mahatma – Thánh Gandhi cũng được tôn xưng danh hiệu này).

Phong trào chống chế độ giai cấp của Jotirao Phule được kế thừa bởi Karmavir Vitthal Ramji Shinde (1873-1944). Shinde là một nhà hoạt động của Hội Prana Samaj (đại khái giống như nhân điện, dùng năng lượng của cơ thể để dưỡng sinh và trị bệnh) ở Maharashtra. Nhận thức được tình trạng của giai cấp cùng đinh ở Maharashtra, ông đã thúc đẩy giáo dục bằng cách mở trường học và ký túc xá cho họ. Shinde thành lập Tổ chức sứ mệnh của những người bị đàn áp (Depressed Classes Mission Society) vào ngày 18 tháng 10 năm 1909 dưới sự chủ trì của Ngài Narayanrao Chandavarkar, Thẩm phán Tòa án Tối cao và Phó Hiệu trưởng của Đại học Bombay. Hiệp hội của Shinde đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Hindu, Parsis, Hồi giáo, Ki - tô hữu và châu Âu. Shine được tôn trọng như một nhà lãnh đạo nổi bật của những người cùng đinh ở Maharashtra.

Ở miền Nam Ấn Độ, chế độ giai cấp cũng được thực hành như ở những phần còn lại của đất nước. Khi Vivekananda viếng thăm bang Kerala vào năm 1892, ông đã nhìn thấy sự tồn tại của không chỉ “người không nên chạm đến” mà còn có cả “người không nên nhìn thấy.”[9] Kerela đã có một lịch sử lâu dài về việc chống sự bất bình đẳnggiai cấp. Từ năm 1830, nhà thơ Asan đã làm những bài thơ nổi tiếng như sau:

Nói với tôi,

Những đứa con Bà la môn

Đã đến từ đỉnh của cây leo

Hay từ một đám mây?

Hay anh ta sinh ra

Từ ngọn lửa tế thần?

giai cấp tìm thấy trong máu,

Hay là nó trong xương hoặc tủy?

Hay là cơ thể của người phụ nữ Chandala (giai cấp thấp)

Hay người phụ nữ Bà la môn vô sinh?

Anh ta có dấu ấn riêng trên trán

Hay chùm tóc phía sau đầu lúc mới sinh?[10]

Có phải người Bà la môn mới sinh ra đã thuộc sẳn kinh Vệ Đà

Hay cũng phải học như bao nhiêu người khác?

Đến năm 1917, những người không phải Bà la môn ở Nam và Tây Ấn bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị. Người ta chứng kiến sự nổi lên của các đảng công bằng (Justice party) ở Madras và Maharashtra. Trong số những người bảo trợ cho các phong trào này là Shahu Chhatrapati, tiểu vương của Kolhapur. Mặc dù ông là tín đồ của giáo phái thờ thần Siva, nhưng ông rất hăng hái trong việc chống lại các Bà la môn. Năm 1902, ông ban hành một sắc lệnh, trong đó cho phép những người thuộc giai cấp thấp làm việc trong các ban ngành của nhà nước. Chính ông là người ủng hộ Ambedkar cũng như hỗ trợ tiền bạc cho Ambedkar những lúc túng thiếu. Ông và Ambedkar có những quan điểm chung về vấn đề giai cấp.

Gandhi cũng là một trong những người có chủ trương xóa bỏ vấn đề của “người cùng đinh”[11] trong những năm 1920-1930. Gandhi cho rằng cái gọi là những người cùng đinh vốn không có trong giáo lý của đạo Hindu. Vì vậy ông đã nỗ lực để loại bỏ nó khỏi đạo Hindu. Gandhi và các nhà lãnh đạo Hindu khác tiến hành cải thiện điều kiện cho người cùng đinh và thống nhất xã hội Hindu. Ông tuyên bố rằng, "Những gì tôi muốn, những gì tôi đang sống cho, là loại trừ vấn đề giai cấp cùng đinh tận gốc rễ”. Một mặt, ông khuyên những người cùng đinh nên tự làm mình tốt, bỏ đi những thói quen xấu xacải thiện cách sống của họ. Mặt khác, ông kêu gọi người các giai cấp khác, nhất là giai cấp Bà la môn, bỏ ý tưởng về sự phân biệt cao thấp giữa họ và các tầng lớp khác, vì sự phân biệt như thế đi ngược lại nguyên tắc cơ bản nhất của đạo đứctrái với tinh thần nhân đạo.

Theo học giả Sharma, có năm lý do mà các nhà cải cách hiện đại xúc tiến việc chống lại chế độ đẳng cấp và vấn đề người cùng đinh. Thứ nhất, họ bị ảnh hưởng bởi lý tríquan điểm nhân đạo của phương Tây. Do đó, họ cho rằng sự phân chia các đẳng cấp và sự không công bằng là một hành vi vô nhân đạo của xã hội. Thứ hai, hệ thống đẳng cấp đã chia xã hội Ấn Độ thành nhiều nhóm làm cho sự đoàn kết và thống nhất quốc gia trở thành không thể. Thứ ba, hệ thống đẳng cấp đã tước đoạt nhân quyền của một bộ phận đông đảo người dân, dẫn họ đến tình trạng lạc hậu. Thứ tư, hệ thống giai cấp tạo ra cảm giác hận thù giữa các giai cấp. Thứ năm, vì sự thất vọngđau khổ, các giai cấp thấp sẵn sàng chuyển đổi sang các tôn giáo khác, làm cho đạo Hindu ngày càng mất tín đồ, nên họ phải tiến hành cải cách.

Nói tóm lại, sự bất bình đẳng của chế độ phân biệt đẳng cấp và vấn đề người cùng đinh đã là vấn đề được xã hội quan tâm từ rất sớm. Một số nhà cải cách đã thể hiện sự bất đồng với hệ thống giai cấp cho nên đã đề xuất các giải pháp phá bỏ nó. Những cuộc đấu tranh như thế dường như trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ thuộc địa với những tư tưởng tự dodân chủ của phương Tây. P. Kesava Kumar nhận xét rằng: "Thập niên 1980 ở Andhra Pradesh được biết đến bởi sự vùng lên của tầng lớp dưới đáy xã hội. Những cuộc đấu tranh này không chỉ quan trọng về tư duy triết học, mà còn là vấn đề trách nhiệm đối với lịch sử. Họ đã nỗ lực một cách có ý thức để đánh giá lại các truyền thống thống trị lâu đời để giải phóng họ khỏi ách áp bức (của truyền thống đó)." [12] Quan sát của Kumarji về Andhra Pradesh cũng có thể được áp dụng đối với phong trào đấu tranh của dân nghèo ở các vùng miền khác trên toàn Ấn Độ.



[1] Đây là nói về bốn giai cấp căn bản thôi, chứ đi vào chi tiết thì hết sức phức tạp. Mỗi giai cấp đều có những giai cấp nhánh, rồi nhánh của nhánh nữa. Ước tính có khoảng ba ngàn giai cấp chính và 25 ngàn giai cấp nhánh. Dân số của các giai cấp không đồng nhau, có giai cấp lên đến hàng triệu người, nhưng có giai cấp chỉ có vài trăm người mà thôi.

[2] Manu là tên người soạn ra bộ luật, nên được gọi là Luật Manu, bộ luật chính thức quy định chế độ giai cấpẤn Độ. Ông ta là phụ tá của vua Pusyamitra Sunga trị vì Ấn Độ khoảng 185-149 trước Công nguyên.

[3] Đức Phật cho rằng chỉ có phiền não và những tính xấu như tham lam, sân hận, độc ác… mới làm ta ô nhiễm mà thôi.

[4] Còn những người thuộc giai cấp cao thì thường lấy tên hoặc họ của họ theo tên các vị thần.

[5] Không nên nhầm lẫn với tỳ kheo Ấn Độ Dhammarakshita.

[6] Sangharakshita, Ambedkar and Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 2006: Preface.

 

[7] Danh xưng để chỉ những người đã chinh phục được dục vọng của mình. Đức Phật cũng được xưng là Kẻ chiến thắng - Điều ngự sư.

[8] Mali là một trong những cộng đồng người thuộc tầng lớp Tiện dân. Nghề chính của họ là trồng trọt và chăn nuôi.

[9] Untouchability: Người không nên chạm đến. Unseeablity: Người không nên nhìn thấy. Nếu như Untouchability để chỉ cho những người mà chỉ cần chạm vào họ làm cho người chạm bị ô uế thì Unseeability là để chi cho những người mà chỉ cần nhìn thấy họ thôi cũng đủ làm cho người thấy bị ô uế. Cho nên những người này phải sống trong rừng sâu để không bị người khác thấy.

[10] Những dấu hiệu mà những người Bà la môn trang điểm để chứng tỏ họ là Bà la môn.

[11] Gandhi một mặt muốn xóa bỏ vấn nạn người cùng đinh nhưng mặt khác lại kiên quyết duy trì chế độ giai cấp.

[12] P. Kesava Kumar, Against Brahmiṇical Tradition: A Philosophical view of Dalit critique of Modernity, http://untouchablespring.blogspot.in/2007/08/against-brahminical-tradition.html.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32377)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.