Phần 7: Tình trạng Phật giáo Ấn Độ hiện nay

25/05/20185:26 SA(Xem: 9854)
Phần 7: Tình trạng Phật giáo Ấn Độ hiện nay
Thích Trung Hữu
SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ & 
VAI TRÒ CỦA  TIẾN SĨ AMBEDKAR
Nhà Xuất Bản Phương Đông

Phần 7

TÌNH TRẠNG PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

HIỆN NAY

 

Với những hoạt động của Tiến sĩ Ambedkar, chư tăng và những nhà Phật học khác, Phật giáoẤn Độ đã được hồi sinh và ngày càng phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Như chúng ta biết, phong trào phục hưng của Phật giáo Ấn Độ bắt đầu với những hoạt động của các Phật tử (chỉ chung cho xuất giatại gia) ở trong và ngoài Ấn Độ từ cuối thế kỷ thứ XIX. Khi nhà sư Tích Lan Anagarika Dhammapala đến Ấn Độ năm 1891 thì chưa có tỳ kheo nào là người Ấn Độ. Trong giai đoạn từ 1891 đến 1956, số tỳ kheo là người Ấn Độ chỉ đếm trên đầu ngón tay, như tỳ kheo Mahavira, Dharma Ananda Kosambi, Bodh Ananda, Anand Kausalyayan, Rahul Sankrityayan, Jagdish Kashyap và Dharmarakshita... Trong số các nhà sư này thì thầy Mahavira qua đời vào năm 1919, Dhamma Ananda Kosambi qua đời vào năm 1947, và Bodh Ananda qua đời vào năm 1952, còn thầy Rahul Sankrityayan hoàn tục năm 1937..

Ấy vậy mà, sau sự cải đạo của Tiến sĩ Ambedkar thì số lượng người tu được tăng lên đáng kể. Năm 1970, các nhà sư Ấn Độ đã trở nên đủ đông để thành lập một tổ chức Phật giáo, đó là Hội Tỳ Kheo Toàn Ấn Độ (All Indian Bhikkhu Sangha) vào tháng 7 năm 1970, do Tỳ kheo Jagdish Kashyap làm Chủ tịch. Đến năm 2008 thì số thành viên của Hội là 2000 tỳ kheo. Đây chỉ là những thành viên của Hội, ngoài ra còn có những tăng, ni nằm ngoài Hội nữa. Theo số liệu điều tra thì năm 1991, đã có 3.000 tăng ni, sáu triệu tín đồ, 500 tu viện, 100 hội và tổ chức Phật giáo. Thành tựu này mặc dù khiêm tốn hơn so với vinh quang trong quá khứ của Phật giáo Ấn Độ, nhưng nó cũng đủ để nói lên một điều là tôn giáo của Đức Phật đã được hồi sinh trên quê hương nơi nó sinh ra 2. 500 năm trước.

Thật ra, do hoàn cảnh đặc biệt, Phật giáo Ấn Độ hiện nay có phần khác hơn Phật giáo truyền thống. Đó là vai trò của chư tăng không quan trọng cho lắm. Họ rất kính trọng các tỳ kheo, nhưng không cần thiết phải nương tựa vào Tăng bảo. Trong lễ thọ giới, người phật tử trước có thể truyền giới cho người mới đến, mà không cần phảitỳ kheo. Tất nhiên điều này không phải xãy ra đối với tất cả Phật giáo Ấn Độ, nhưng đúng là có chuyện đó, nhất là những “đệ tử” của Ambedkar. Cho nên, Phật giáoẤn Độ ngày nay, phần đông là Phật tử tại gia. Chúng ta có một vài số liệu sau đây để thấy tín đồ Phật giáo gia tăng như thế nào qua các giai đoạn:

Năm 1951: 0, 2 triệu (0,1 % dân số Ấn Độ).

Năm 1961: 33, 3 triệu (0, 7 %).

Năm 2001: 0, 8 %.

Năm 2005: 1, 1 %.

Nếu chúng ta so sánh tỷ lệ tăng trưởng giữa các tôn giáoẤn Độ từ năm 1991 đến năm 2001, chúng ta thấy rằng tín đồ Phật giáo tăng 24.5%, Ấn giáo tăng 20, 3%, Hồi giáo tăng 29.5%, Thiên Chúa giáo tăng 22, 6%, đạo Sikh 18, 2% Kỳ na giáo 26, 0%, và 1% là các cộng đồng khác. Như vậy, tỷ lệ tăng dân số Phật giáo đứng thứ ba sau Hồi giáoKỳ na giáo. Tuy nhiên, dân số Phật giáo, thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo. Có khoảng 20-30 triệu người khác không đăng kýPhật tử vì sợ mất trợ cấp của Chính phủ giành cho người giai cấp thấp của đạo Hindu.

Tín đồ Phật giáo Ấn Độ ngày nay được chia thành bốn nhóm.

1) Những người Phật giáo trong nhóm đầu tiên là những người theo đạo Phật theo truyền thống gia đình từ thời Phật.

2) Những người Phật tử trong nhóm thứ hai là những người đến từ các nước láng giềng. Họ sống ở Ấn Độ nhưng họ không phải là cư dân Ấn Độ. Họ chủ yếu là người Tây Tạng đã theo Đức Dalai Lama đến Ấn Độ từ năm 1959. Những người khác đến từ các nước châu Á, và phần còn lại là một số người châu Âu.

3) Những người Phật tử trong nhóm thứ ba là những người đã đến với Phật giáo từ phong trào chấn hưng Phật giáo của ngài Dhammapada và sự truyền giáo của Hội Đại Bồ Đề. Họ cũng là những người đến với Phật giáo bằng giáo dụchọc thuật. Do đó, các Phật tử trong nhóm này bao gồm tất cả các tầng lớp khác nhau của xã hội.

4) Và cuối cùng là những môn đồ của Tiến sĩ Ambedkar.

Trong bốn nhóm Phật tử này, những người của Ambedkar chiếm đa số, tới 90% tổng số tín đồ Phật giáo Ấn Độ.

Trên đây chúng ta đã đề cập số lượng của tín đồ Phật giáoẤn Độ, bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem cuộc sống của họ như thế nào, họ có thay đổi gì sau khi cải đạo sang Phật giáo.

Về phương diện vật chất, Tiến sĩ Ambedkar đã nổ lực đem lại cho những người cùng đinh những lợi ích thiết thực, cụ thể. Ông đấu tranh để họ được sử dụng nguồn nước công cộng, được làm lễ trong một số đền thờ. Và khi ông làm Bộ trưởng Tư pháp, ông đã xóa bỏ chế độ cùng đinh trong Hiến pháp Ấn Độ.[1] Tuy nhiên đó không phải là cống hiến quan trọng nhất của Ambedkar đối với tầng lớp cùng đinh. Cống hiến quan trọng nhất của ông đối với tầng lớp cùng đinh là ở phương diện tinh thần, và nhất là hướng dẫn họ đến với đạo Phật. Ông nói rằng cuộc đấu tranh của ông và những người cùng đinh không phải chỉ vì kinh tế, mà còn vì danh dự, vì sự tự tôn trọng. Từ nhiều thế kỷ, những người cùng đinh đã tin một cách mù quáng rằng số phận của họ là do Thượng Đế quy định cho nên họ đã chấp nhận chúng vô điều kiện, họ có bổn phận phải phục vụ giai cấp trên. Ambedkar cho rằng, cái quan niệm như thế cần phải được chấm dứt. Ông tuyên bố rằng bộ Luật Manu (quy định về chế độ giai cấp) là do con người làm chứ không phải là sản phẩm của Thượng Đế gì cả. Và ông đã đem đốt nó trong một cuộc hội nghị của những người thuộc giai cấp thấp vào năm 1927, vì cho đó là biểu tượng của sự bất công. Ông bảo những người theo ông rằng:

Các bạn bị nghèo đói, tước đoạt và nhục nhã không phải vì nó đã được định sẳn do tội lỗi kiếp trước của các bạn, mà do sự bạo ngược và phản bội của những người ở trên bạn. Bạn không có đất bởi vì những người khác đã chiếm đoạt chúng. Bạn không có địa vị vì những người khác đã giành hết cho họ rồi. Đã đến lúc phải nhổ các tư tưởng về cao và thấp ra khỏi đầu óc của các bạn. Chúng ta chỉ có thể nâng cao phẩm giá của mình khi chúng ta biết tự trọng và dựa vào sức mình. Trên thế gian này, không có giá trị nào đạt được mà không do nỗ lực phi thường, không có tiến bộ nào có thể đạt được trừ phi chúng ta phải trải qua quá trình rèn luyện.”[2]

Có thể nói rằng, dưới ngọn cờ của tiến sĩ Ambedkar, giai cấp cùng đinh đã nhận thứctừ bỏ các mê tín dị đoan và sự cam chịu. Họ đã bắt đầu hành động, và điều này dẫn đến sự giải phóng họ khỏi ách của chế độ nô lệ của xã hội Hindu. Nếu không có sự dẫn dắt sáng suốtcan đảm của Ambedkar, những người thuộc giai cấp cùng đinh không thể đạt được vị thế mà họ đang hưởng trong xã hội Ấn Độ hiện nay.

Đúng là, sau khi trở thành Phật tử, cuộc sống của những người giai cấp cùng đinh đã thay đổi tích cực. Nếu Phật giáo đã "xoa dịu nỗi đau khổ của sự thất vọng ... và giúp hàng triệu người sống cuộc sống ngọt ngào, ôn hòa", thì nó cũng cải thiện cuộc sống của những người cùng đinh Ấn Độ một cách đáng kể. So với các cộng đồng thuộc giai cấp cùng đinh khác thì những cùng đinh - Phật tử đã có một sự thay đổi tích cực. Họ có ý thức về tầm quan trọng của giáo dục; do đó, thay vì lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc cầu khẩn và tế lễ thần linh, họ đầu tư vào việc học hành cho con cái. Kết quả là đời sống kinh tế của họ đã được cải thiện hơn.

Sự thay đổi quan trọng mà Phật giáo đem đến cho họ là niềm tin vào bản thân. Họ không còn tự ti như trước đây nữa. Họ tin rằng giá trị của con người không phải do giai cấp quy địnhphụ thuộc khả năng của anh ta. Vì vậy, họ cố gắng để học tập và nâng cao năng lực bản thân. Những người Phật tử mới không còn tin vào bất kỳ lực lượng siêu nhiên nào nữa, nhưng hành động theo luật nhân quả và khoa học. Họ không còn phân biệt giai cấp. Nói chung, so với các cộng đồng người cùng đinh khác như Matangs, Charmas hay Bhangis… thì đời sống xã hội, văn hóa, giáo dục và kinh tế của các Phật tử mới đã được cải thiện đáng kể.

Khi tôi học ở Ấn Độ, tôi có gặp và tiếp xúc với một số Phật tử Ấn Độ. Họ nói rằng việc đến với đạo Phật là một thay đổi vĩ đại. Trước đây họ không dám nhìn lên, không dám nói vì sợ giai cấp trên, nhưng sau khi quy y Tam bảo, họ có thể ngẩng cao đầu mà đi, vì họ không tin vào giai cấp nữa. Họ không còn làm những nghề hạ tiện và dơ bẩn để phục vụ giai cấp trên nữa. Họ trở thành tài xế taxi, viên chức Nhà nước… Tôi đã gặp một nhân viên hải quan ở sân bay New Delhi. Anh ta hỏi tôi có phải là tín đồ Phật giáo không, tôi trả lời là phải. Anh ta liền cười vui vẻ nói anh ta cũng là một Phật tử.

Tất nhiên, không phải tất cả những người cùng đinh khi cải đạo sang Phật giáo thì không còn nghèo nữa. Thật ra chỉ có một số ít người có trình độthành đạt, đa số còn lại thì tình trạng không khác trước đây mấy. Tuy nhiên, họ đã có một sự chuyển biến từ đức tin mù quáng sang chủ nghĩa duy lý. Điều này đã tạo cho họ một khát vọng về giáo dục và cầu tiến, nhất là trong giới thanh niên. Và đây chính là chìa khóa cho sự tiến bộ của họ về lâu về dài.

Thật vậy, tỷ lệ biết chữ của những người cùng đinh - Phật tử đang dần được cải thiện, từ 18,3% năm 1951 đến 56,2% năm 2001. Báo Hindustan Times cuối năm 2016 (tôi không nhớ chính xác là tháng mấy) có đăng bài báo về một người Phật tử giai cấp cùng đinh. Ông chỉ mới học lớp 7 và làm tạp vụ cho một ngôi trường. Ấy vậy mà ông lại là cha của 5 đứa con, 3 gái và hai trai, đều là tiến sĩ, và đều thành đạt. Một người là viên chức chính phủ, 3 người là giáo sư và một người làm việc ở nước ngoài. Trên vách nhà ông có treo bức hình của Tiến sĩ Ambedkar. Rõ ràng, “những thay đổi tích cực trong những người Phật tử đã đến từ niềm tin mới. Sự tiến bộ này là do nhân tố tôn giáo... Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội, kinh tế và tâm lý của họ... Tóm lại, Phật giáovai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế và tâm lý của Phật tử.”[3]

Còn đối với vấn đề sinh hoạt tôn giáo của các Phật tử mới này thì có lẽ được biểu hiện điển hình qua chương trình tu học của Hội Tăng Già Phật Giáo Tam GiớiẤn Độ. Xin được giới thiệu sơ qua sau đây:

Sinh thời, Tiến sĩ Ambedkar muốn xây dựng một mô hình “Phật giáo mới” cho Phật tử Ấn Độ, trong đó mọi người đều bình đẳng tu tậphoằng pháp mà không phân biệt xuất gia hay tại gia. Bởi vì theo ông: “Tăng đoàn mở rộng cho tất cả những ai quy kính hoàn toàn vào Phật - Pháp - Tăng, mà không phân biệtxuất gia hay tại gia”. Tuy ông chưa thể thực hiện được, nhưng ý tưởng đó đã được những người tiếp bước ông thực hiện.

Một trong những người tiếp bước và phát triển sự nghiệp của Ambedkar là tỳ kheo Sangharakshita. Được khơi nguồn cảm hứng từ ý tưởng về Phật giáo mới của Ambedkar, Sangharakshita đã thành lập Hội Những Người Bạn Của Phật Tử Phương Tây (Friends of the Western Buddhist Order (FWBO) ở Luân Đôn vào tháng 4 năm 1967. Mụch đích của Hội là ứng dụng những lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc sống đời thường cũng như liên hệ chúng đối với văn hóatriết học phương Tây hiện đại. Trong Hội này, sự phân biệt xuất giatại gia không nghiêm khắc lắm như Phật giáo truyền thống.

Trong khi ở Anh quốc, Sangharakshita luôn luôn nhớ về những Phật tử và những người bạn ở Ấn Độ. Ông thấy rằng Phật giáo Ấn Độ cần có một trung tâm tu học theo mô hình của FWBO. Vì vậy ngài đã khuyết khích đệ tử ngài là Dhammachari Lokamitra đến Ấn Độ để tìm cách thực hiện hoài bảo đó của ngài. Theo đó, Hội Tăng Già Phật Giáo Tam Giới (Trailokya Bauddha MahaSangha Sahayaka Gana-TBMSG) được thành lập tháng 2/1977. Lý do để thành lập Hội, Lokamitra trong cuộc phỏng vấn tháng 11/1988, đã cho biết là, “để đáp ứng những nhu cầu về tinh thầnxã hội của các phật tử mới ở Ấn Độ”. Hội cũng liên kết với các tổ chức xã hội khác nhằm mụch đích phát triển Phật giáo Ấn Độ mới (hay còn gọi là Phật giáo Ambedkar) kết hợp tu tập theo Chánh pháphoạt động xã hội.

Hội TBMSG không phải là một tổ chức tu viện hay tăng đoàn tỳ kheo nhưng nó hoạt động như một tăng đoàn thực thụ. Tất cả ba nhân vật chính của TBMSG (Tiến sĩ Ambedkar, Sangharakshita và Lokamitra) mặc dù chưa bao giờ đề xuất ý tưởng hủy bỏ Phật giáo tu viện, nhưng cũng không ủng hộ chủ nghĩa tu viện. Dhammachari Lokamitra, mặc dù là tu sĩ nhưng ông không đắp y để tiện việc phục vụ xã hội. Vì vậy, các thành viên của Hội, kết hôn hoặc độc thân, thực hành Chánh pháp đúng quy định và đóng góp cho sự phát triển của Hội phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Các hoạt động chủ yếu của TMBGS tập trung vào ba lĩnh vực, bao gồm cung cấp các khóa học và bài giảng, tổ chức các khóa tu định kỳ, và tạo ra các cộng đồng dân cư tu học theo Phật pháp.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tiên, TMBGS khuyến khích các khóa học và các bài giảng tại các trung tâm công cộng khác nhau để hướng dẫn giáo pháp cho các thành viên. Mục đích của các cuộc pháp đàm là hướng dẫn những người mới quy y làm sao để trở thành một Phật tử đúng nghĩa, chứ không chỉ đơn giảnquy y một cách hình thức. Theo đó, họ phải hiểu Phật pháp, tuân giữ các giới luật, cũng như thực hành thiền thường xuyên. Các diễn giả của các khóa học và bài giảng cũng tìm cách để áp dụng các lời dạy của Đức Phật, Ambedkar và Sangharakshita vào cuộc sống hàng ngày để giải quyết các vấn đề cụ thể của các thành viên như bạo lực gia đình, lạm dụng rượu, nghèo đói, giáo dục, việc làm…

Đối với lĩnh vực thứ hai. Khi còn tại thế, Đức Phật khuyên các Tỳ kheo phải an cư trong ba tháng mùa mưa để thực hành Pháp một cách nghiêm túc hơn. Các thành viên của TBMSG tiếp tục truyền thống tốt đẹp này để có cơ hội trải nghiệm những kinh nghiệm tâm linh thâm sâu hơn. Do đó, hành thiền là một trong những chương trình quan trọng. Những người mới đến được giới thiệu các kỹ thuật thiền truyền thống của Phật giáo như tập trung hơi thởtu tập tâm Từ.

Lĩnh vực thứ ba liên quan đến không gian để các thành viên của Hội đến với nhau để thực hiện lý tưởng của cuộc sống theo Chánh pháp và chia sẻ những kinh nghiệm của họ về pháp học và do đó phát triển tình huynh đệ thiêng liêng. Đây thực sự là mô hình của một tăng đoàn, nơi các cộng đồng khác nhau đã sống cùng nhau trong sự hòa hợp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của ba lĩnh vực này, TBMSG đã thành lập các trung tâm an cư và các cơ sở công cộng như Trung tâm an cư Saddhamma Pradeep tại Bhaja, thành phố Pune và Trung tâm an cư Huyền Trang ở Bordharan, quận Wardha. Các thành viên của TBMSG tập trung về các cơ sở tôn giáo gần nơi họ ở hàng tuần hoặc hàng ngày để ăn uống, thiền định, học tập và chia sẻ với người khác kinh nghiệm về thực hành Pháp.  Nó không chỉ làm phong phú cuộc sống của các thành viên mà còn có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, để chuyển hóa xã hội.

Khi Ambedkar còn sống, ông đã nhấn mạnh rằng, sự giải phóng con người bao gồm hai khía cạnh, là vật chấttâm linh. Mà người ta chỉ có thể đạt được sự giải phóng tâm linh khi nhu cầu vật chất ổn định. Có thực mới giựt được đạo. Để triển khai chủ trương đó của Ambedkar cũng như theo lời dạy của Đức Phật, "làm việc vì lợi ích cho nhiều người", TBMSG thành lập tổ chức từ thiện Bahujan Hitay. Kế hoạch của Bahujan Hitay là phát triển các trung tâm cộng đồng, các đội y tế toàn thời gian, ký túc xá, và các trường học địa phương với mục đích chính là để phục vụ rộng rãi cho những người nghèo của tầng lớp thấp của tất cả các tôn giáo. Đến năm 1992, Bahujan Hitay đã thành lập bốn mươi hai trường mẫu giáo với 1.200 trẻ em, mười lăm ký túc xá với 600 học sinh tiểu học và trung học. Các chương trình khác như các lớp học di động phục vụ 280 học sinh, lớp học nữ phục vụ 190 học viên, lớp dạy nghề phục vụ 125 sinh viên, chương trình chăm sóc sức khoẻ phục vụ 7.000 cư dân nghèo tại các phòng khám tập trung và di động. Các công trình thư viện và chương trình văn hóa cũng được khai triển ở nhiều địa phương.

Muốn biết về cuộc sống của những người Phật tử Ấn Độ, có lẽ không gì hơn là nghe chính họ nói. Nhà văn, nhà đạo diễn Ấn Độ Sumitra Bhave đã có những cuộc phỏng vấn những Phật tử ở Mumbai đã cho ta biết phần nào về họ. Nữ phật tử Rakhma bày tỏ niềm tin của cô với đạo Phật như sau:

Bây giờ chúng tôi đã là những Phật tử. Chúng tôi không còn thờ Thượng Đế hay thần linh nữa, mà chỉ tham gia các nghi lễ của đạo Phật như lễ Phật đản, lễ ngày sinh Ambedkar. Chúng tôi cũng làm bánh kẹo vào những ngày lễ Divali theo truyền thống Ấn Độ, nhưng không có đến đền thờ để cúng bái và làm những việc không có ý nghĩa như trước. Chúng tôi cũng bỏ các nghi thức của đạo Hindu trong những lễ tang hay cưới gã. Một người anh trai của một cô dâu đã phản đối đàn trai rằng nếu họ trét turmeric[4] lên cô dâu và chú rễ thì anh ta sẽ không dự lễ cưới. Trước đây mẹ tôi thờ thần, bây giờ chúng tôi quăng hết các dụng cụ thờ cúng ấy xuống sông. Cuộc sống này đã đủ mệt mỏi rồi, tại sao ta còn phải chăm sóc mấy ông thần kia nữa chứ?... Ai đã chỉ con đường cho chúng ta, nếu không phải là Đức Phật và ngài Ambedkar khả kính của chúng ta? Chỉ cần giữ cho tâm ý bạn thanh tịnh, không trộm cắp, không nói dối và hãy giúp đỡ mọi người như dắt một người tàn tật hay người mù qua đường, hay đỡ một đứa bé bị ngã, đó là Thượng Đế rồi chứ còn gì nữa”.[5] Còn Savitri thì nói rằng, “nhiều người cứ mở miệng ra là nói “Chúa, Chúa”, thật là tội lỗi. Chúa hay không là do tâm của mình. Chỉ cần mình làm việc và sống cho tốt, thì là tu rồi”.[6]

Qua những lời bộc bạch trên ta thấy rằng, những Phật tử Ấn Độ, tuy là mới quy y nhưng đã hiểu Phật pháp khá tốt, biết được thế nào là chánh tínmê tín. Họ cũng sáng tác những bài hát thể hiện niềm vui khi trở thành đệ tử của Đức Phật. Những phụ nữ bình dân Ấn Độ, trong tâm trạng háo hức chuẩn bị đi đến thành phố Nagpur để quy y Tam bảo theo lời kêu gọi của Ambedkar, đã hát như sau:

Hàng ngàn người, đàn ông và đàn bà, sẽ đến đó

Hàng ngàn người, đàn ông và đàn bà, sẽ đến đó

Một cuộc hành hương vĩ đại vì Bhima[7] của chúng ta đang ở đó

Một cuộc hành hương vĩ đại vì Bhima của chúng ta đang ở đó

Hãy nghe những điều tôi nói, nghe tôi nói, hãy phụng sự Đức Phật của chúng ta

Bạn ơi, chúng ta hãy đi đến đó năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay nhé!

Bạn mặt sari[8] với đường viền màu vàng

Và tôi sẽ chuẩn bị xe bò

Chúng ta hãy thực hiện tâm nguyện của Bhima (Ambedkar)

Chúng ta hãy hoàn thành tâm nguyện của Bhima.

Không có ai là bà con ở đó

Thậm chí chúng ta rất nghèo, nhưng chúng ta sẽ san sẻ cùng nhau

Bạn ơi, chúng ta sẽ đi đến đó năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay.[9] 

Và đây là cảnh họ đi chùa:

Chúng ta hãy đi chùa, này bạn ơi

Đi chùa, đi chùa, đi chùa.

Hai đồng một lọn nhang, ba đồng một cây nến

Cột chúng vào sari. Chúng ta hãy đi chùa.

Bạn mặt sari trắng hay áo sơ mi trắng?

Bạn đã sẳn sàn để đi chưa?

Chúng ta hãy đi chùa.

Chúng ta đang đến gần vương quốc của Bhim (Ambedkar)

Tôi chắc rằng Narayanrao cũng đang chơi trống ở đó

Chúng ta hãy đi chùa, đi chùa, đi chùa.[10]



[1] Đó là chỉ trên quy định pháp luật, nhưng thực tế thì nó vẫn còn trong quan niệm của mọi người, và sự phân biệt vẫn diễn ra hiện nay.

[2] Ahir, The Legacy of Dr. Ambedkar, sđd: 191.

[3] D. S. Janbandhu and Gautam Gawali, “Impact of Buddhist Conversion: A Case Study of the Ex-Mahars in Maharashtra,” in Bhalchandra Mungekar and Aakash Singh Rathore (ed.), sđd: 199.

[4] Tumeric là một loại bột nghệ, hoặc cùng họ với nghệ. Trong Ấn Độ giáo, bột nghệ thường được dùng trong các lễ nghi đám cưới và lễ cầu nguyện vì nó có ý nghĩa tôn giáotâm linh rất lớn đối với họ.

[5] Sumitra Bhave, The pan is on the stove: Eight Dalits women‘s life stories, Pune: Stivani Prakash, 1987: 18. 

[6] Nt, 10.

[7] Cách gọi thân mật đối với Tiến sĩ Bhimra Ramji Ambedkar.

[8] Áo truyền thống phụ nữ Ấn Độ. Như áo dài của phụ nữ Việt Nam.

[9] Indira Junghare, Songs of the Mahars: An Untouchable Caste of Maharashtra, India”, in Ethnomusicology 27, no. 2 (1983): 288. 

[10] Nt, trang 287.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32375)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.