Phần 6: Những tăng sĩ Ấn Độ đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ hiện đại

25/05/20185:26 SA(Xem: 3873)
Phần 6: Những tăng sĩ Ấn Độ đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ hiện đại
Thích Trung Hữu
SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ & 
VAI TRÒ CỦA  TIẾN SĨ AMBEDKAR
Nhà Xuất Bản Phương Đông

Phần 6

NHỮNG TĂNG SĨ ẤN ĐỘ ĐẦU TIÊN

CỦA PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ HIỆN ĐẠI

 

Nói đến phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ đầu thế kỷ XX, người ta chú ý ngay đến Tiến sĩ Ambedkar, người đã lãnh đạo và hướng dẫn nữa triệu người dân Ấn quy y Tam bảo năm 1956. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu như ta không đề cập đến các tăng sĩ, một trong ba trụ cột hình thành nên cái gọi là Tam bảo - Phật giáo. Họ cũng là những người đầu tiên đóng góp cho sự phục hưng của Phật giáoẤn Độ. Một số vị trong họ cũng có liên quan hay cộng sự với Ambedkar trong những công tác Phật sự cao cả. Ở đây tôi xin giới thiệu 10 vị tỳ kheo đầu tiên của Ấn Độ trong thời hiện đại, gắn liền với sự phục hưng của Phật giáoẤn Độ.[1] Nói là “đầu tiên” không có nghĩa những vị này là những người sớm nhất theo thứ tự từ một đến mười, mà có lẽ là những người nổi bật, có học vấn và cống hiến. Ngoài ra còn những vị tỳ kheo khác cùng thời, nhưng cuộc sống thầm lặng hơn. Ví dụ như ngài Ariyawansa xuất gia với một vị thầy cùng huyện Chittagong, tuy là thầy, tức đi tu trước, nhưng không được đề cập trong sử sách nhiều.

1. Tỳ Kheo Mahavir Swami

Vị tu sĩ Phật giáo người Ấn Độ đầu tiên trong thời hiện đại được biết đến là Tỳ kheo Mahavir Swami. Ngài Mahavir thuộc bang Birhar (miền Đông Ấn Độ), là tín đồ của đạo Hindu (Ấn Độ giáo), cải đạo sang Phật giáo. Từ năm 1857, Mahavir theo chú là Kunwar Singh đấu tranh chống lại sự cai trị của thực dân Anh ở Ấn Độ. Sau khi chú ngài mất 1858 thì ngài sang Tích Lan học tiếng Pali và bắt đầu chú ý tới Phật giáo. Năm 1890, Mahavir thọ giới tỳ kheo với trưởng lão Indrasabha Nayaka là hòa thượng chứng minh. Năm 1891, Mahavir trở về Ấn Độ và dừng chân lại Kusinara (Câu Thi Na - nơi Đức Phật nhập Niết bàn) để mở đạo tràng hành đạo.

Mặc dù Kusinara đã được khai quật từ năm 1861 bởi Alexander Cunningham, nhưng khi Mahavir đến đó thì nơi nầy vẫn còn rất hoang vu. Ngài bắt tay vào sửa sang lại mọi thứ để làm nơi định cư lâu dài. Sự hiện diện của thầy Mahavir, một tu sĩ Phật giáo Ấn Độ, đã thu hút được sự chú ý và hoan hỷ của mọi người, và do đó khách hành hương, nhất là các phật tử Miến Điện kéo đến ngày càng đông. Năm 1898, với sự tài trợ của các phật tử Miến Điện, thầy Mahavir mua thêm một miếng đất ở gần đó để xây nhà khách làm chỗ nghỉ ngơi cho khách hành hương. Năm 1902, Thầy cùng với thầy Chandramani người Miến Điện tiến hành sửa chữa lại hai ngôi tháp bị hư và khởi công xây một ngôi chùa để an trí và tôn thờ tượng Đức Phật nhập Niết bàn dài 30 foot (khoảng 9 m). Đây được coi là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Ấn Độ trong thời hiện đại, tạo nền tảng cho sự phục hưng và phát triển của Phật giáoẤn Độ. Thầy Mahavir viên tịch năm 1919.

2. Tỳ Kheo Dharmananda Kosambi

Dharmananda Kosambi là một học giả Pali vĩ đại của Ấn Độ thời hiện đại. Ngài sinh vào ngày 9/10/1876, tại một ngôi làng hẻo lánh ở Goa, thuộc bang Maharashtra (Tây Ấn). Ngài là con út trong gia đình bảy anh chị em (5 gái, 2 trai). Thuở nhỏ, chú bé Kosambi không được đi học, mà chỉ học tiếng địa phương Marathi tại nhà và đọc một ít sách có sẳn trong làng. Một ngày năm 1879, Kosambi có dịp đọc về cuộc đời Đức Phật trên một tạp chí dành cho thiếu nhi ở địa phương. Ấn tượng sâu sắc về cuộc đời vĩ đại của Đức Phật, Kosambi ngay lập tức quyết định phải học Phật pháp. Sau này Kosambi đã kể lại giây phút thức tỉnh ấy rằng: “Tôi cảm thấy rằng dù gặp phải bất cứ khó khăn trở ngại nào đi nữa tôi cũng phải học Phật Pháp cho bằng được. Và nếu như tôi có thể làm được điều này thì coi như mụch đích của cuộc đời tôi đã được mãn nguyện.”

Để có thể học Phật pháp, Kosambi nghĩ rằng trước hết phải học tiếng Sanskrit. Do vậy, tháng 12 năm 1899, Kosambi rời nhà đi Pune để học Sankrit và Phật pháp. Ngài ở Pune một thời gian rồi đến Banaras (Ba La Nại) và ở đó một năm rưỡi nữa để học tiếng Sanskrit với các học giả Sanskit ở đó. Khi đã cảm thấy vốn kiến thức Sanskrit của mình đã đủ, Kosambi liền đi Nepal để mà tìm hiểu về Phật giáo, tuy nhiên ngài không thỏa mãn với Phật giáo ở đó, cho nên đã trở lại Ấn Độ, đến Bồ Đề Đạo Tràng. Tại Bồ Đề Đạo Tràng, một vị sư đã khuyên ngài nên đi thăm Tích Lan để mà, rất có thể ngài sẽ cảm nhận được thế nào là Phật giáo trên đảo quốc này. Nghe theo lời khuyên, Kosambi liền đi Tích Lan và đến đó vào tháng 3 năm 1902. Ít lâu sau đó, ngài quy y Tam bảoxuất gia làm tăng. Kosambi là vị tăng sĩ thứ hai của Phật giáo Ấn Độ trong thời hiện đại.

Tại Tích Lan, Kosambi học Pali và nghiên cứu Phật pháp dưới sự hướng dẫn của trưởng lão Hikkaduwe Sumangala, người sáng lập ra Viện Vidyodaya, nay là Trường Đại học Vidyodaya ở thủ đô Colombo. Kosambi ở Tích Lan được một năm thì trở về Ấn Độ. Ngài định đến Kusinara (Câu Thi Na, nơi Phật nhập Niết bàn), nhưng do không đủ lộ phí nên vẫn còn lưu lại Madras. Tại đây, Kosambi tiếp xúc với giáo sư P. Lakshmi Narasu[2] và các Phật tử khác đến từ Nam Ấn. Ngài cũng gặp một vài sinh viên người Miến Điện và họ đã khuyên ngài nên đi Miến Điện. Với sự giúp đỡ của các sinh viên người Miến, Kosambi đi Miến Điện để học Thiền cho đến năm 1904 thì về lại Ấn Độ. Khi trở về Ấn Độ rồi, Kosambi bỏ ra hai năm nữa để đi hành hương viếng thăm các thánh tích Phật giáo.

Trong thời gian từ năm 1906-1907, Kosambi đã hoàn tụclập gia đình và cũng có một con. Tuy nhiên, về căn bản, ngài không thích hợp với cuộc sống thế tục. Trong khi ở với gia đình, ngài lúc nào cũng cảm thấy âu lo và không thoải mái. Cho nên một lần nữa, Kosambi phải từ giả gia đìnhquyết tâm dâng hiến đời mình cho Phật pháp. Cuối năm 1906, Kosambi được Trường Đại học Calcutta mời dạy môn Pali, rồi làm giáo sư thỉnh giảng của Trường Cao đẳng quốc gia Calcutta. Tuy nhiên, do lòng thiết tha muốn truyền bá thông điệp của Đức Phật, nên khi Tiểu vương Sayajirap Gaekwad của Baroda[3] mời Kosambi viết một quyển sách về Phật giáo, ngài đã vui vẻ nhận lời và đi đến Baroda (thuộc bang Gujarat, Tây Ấn Độ). Ở đây, Kosambi cũng thuyết phục được Trường Đại học Bombay đưa môn Pali vào chương trình giảng dạy. Bản thân Kosambi dạy môn Pali ở Trường Cao đẳng Fergusson từ năm 1912 đến 1918. Có thể nói, Kosambi là người có công rất lớn trong việc giới thiệu tiếng Pali, ngôn ngữ chính của kinh điển Phật giáo (Nam truyền), vào chương trình giảng dạy tại nhiều trường đại học, cao đẳng ở Ấn Độ, như là cách để truyền bá Phật pháp.

Khoảng thời gian 1910, Tiến sĩ James H. Woods của Trường Đại học Harvard, người đã từng dạy Pali ở Bombay mời Kosambi đi Mỹ để cộng tác thực hiện quyển Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosha). Do cũng có nhiều việc đang làm ở Ấn Độ nên Kosambi đã đi tới đi lui giữa Mỹ và Ấn Độ cho đến năm 1927 thì hoàn chỉnh bản Devanagari,[4] và năm 1932 thì xong phần tiếng Anh. Do công trình này mà Kosambi đã được Trường Đại học Harvard cấp bằng Tiến sĩ khoa học. Bản Devanagari được Nhà xuất bản Bhartiya Vidya Bhavan, Bombay xuất bản năm 1940, còn bản tiến Anh thì Trường Đại học Harvard xuất bản năm 1950. Bản thân Kosambi cũng có viết một tác phẩm gọi là Dipika (Ánh Sáng) để chú giải quyển Thanh Tịnh Đạo Luận.

Kosambi rất chú trọng việc đưa Phật pháp đến với quần chúng thuộc giai cấp thấp. Năm 1937, Thầy xây dựng một ngôi chùa nhỏ tên là Bahujana Vihara (Chùa của quần chúng) ở gần Bombay. Để phổ biến Phật pháp, Thầy cũng viết nhiều tác phẩm bằng tiếng địa phương Marathi, như quyển Đức Phật, Phật Pháp Tăng, Chuyện Tiền Thân Đức Phật, Thiền Định Phật Giáo… Trong đó quyển Đức Phật (Bhagwan Buddha) được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác như Hindi, Assamese, Gujarati, Kannada, Malyalam, Orisa, Sindhi, Tamil và Urdu, và là một trong những tác phẩm ảnh hưởng rất lớn tới Ambedkar trong việc đến với đạo Phật. Lúc gần cuối cuộc đời, Kosambi đã giao chùa Bahujana cho Hội Đại Bồ Đề, rồi Thầy đi đến Sarnath (Lộc Uyển) để cộng tác và giúp đỡ các học giả Phật giáo ở đó như thầy Jagdish Kashyap, trong lĩnh vực Pali. Ngày 4 tháng 6 năm 1947, thầy Kosambi viên tịch tại một tịnh thất ở Sevagram (bang Maharashtra). Thầy đã phục vụ Phật pháp trên 45 năm, coi như Thầy đã hoàn thành ước mơ học và truyền bá Phật pháp của mình vậy.

3. Tỳ Kheo Kripasaran

Kripasaran sinh ngày 22 tháng 6 năm 1865 trong một gia đình Barua nghèo khó nhưng có truyền thống Phật giáo ở phố huyện Chittagong,[5] gần vịnh Bengal (một phần của Chittagong ngày nay thuộc Đông Nam Bangladesh). Cha ngài qua đời khi ngài chỉ mới lên mười, vì thế ngài đã phải làm việc vất vả để mà kiếm sống. Vốn đã được cha mẹ dạy về Phật pháp ngay từ nhỏ, cậu bé Kripasaran đã dành hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình ở các chùa địa phương. Do bản tính điềm đạm, Kripasaran ngay từ rất sớm đã được trưởng lão Sudhan Chandra, trụ trì chùa Uninepura gần đó, để ý tới và khi hội đủ nhân duyên thì chú bé đã xuất gia. Lúc đó Kripasaran mười sáu tuổi.  Không lâu sau đó thì có trưỡng lão Puranachara từ Tích Lan đến ở tại chùa Uninepura, do đó mà Kripasaran có dịp gần gũi và học hỏi Phật Pháp. Trưởng lão Puranachara rất ấn tượng trước sự thông minhlễ độ của Kripasaran nên đã làm hòa thượng truyền tỳ kheo giới cho Kripasaran, khi Kripasaran vừa đủ 20 tuổi. Puranachara cũng đặt cho ngài pháp hiệu là Chandrajyoti (Ánh Trăng), nhưng mọi người vẫn quen gọi theo thế danh của ngài là Kripasaran.

Năm sau, trưởng lão Puranachara đi thăm các Phật tích và dẫn Kripasaran đi cùng. Cuộc hành hương này đã mở rộng tầm mắt của Kripasaran, nên ngài đã quyết định cống hiến cuộc đời mình cho sứ mệnh phục hưng Phật giáoẤn Độ. Ngài cho rằng Calcutta, thủ đô Ấn Độ thời thuộc địa Anh, là thích hợp nhất cho hoạt động Phật sự. Hơn nữa, còn có mấy trăm phật tử người Barua đang làm việc ở đó để kiếm sống, hầu hết họ rất nghèo và mù chữ. Và ngài đã xây dựng một ngôi chùa nhỏ ở đó làm nơi tu tậpsinh hoạt Phật pháp.

Mục tiêu trước mắt của thầy Kripasaran là tổ chức lại các Phật tử Barua và hướng dẫn họ tu tập đúng theo Chánh pháp. Để có cơ sở hoằng dương Chánh Pháp, ngày 5 tháng 10 năm 1892, Thầy đã thành lập Hội Phật Tử Bengal. Với bình bát trên tay, Thầy đã đi khắp nơi, nhất là những nơi có nhiều Phật tử Bengal để quyên tiền xây một ngôi chùa cho khang trang ở Calcutta. Tám năm sau, năm 1900, Thầy đã đủ tiền để mua một miếng đất tại số 5, đường Lalit Mohan Dass để xây chùa. Năm 1903 thì ngôi chùa hoàn thành với tên Dharmankur (Dhamar là pháp, Ankur là cây giống), và con đường được đổi tên thành Đường Chùa Phật (Buddhist Temple Street). Cùng năm đó, một thầy đồng hương với Kripasaran đến để phụ Thầy thực hiện các công tác Phật sự. Những hoạt động đầy ý nghĩa của các thầy ở đây đã tạo được thiện cảm và thu hút nhiều thành phần trí thức tham gia. Nhờ vậy mà các công tác Phật sự càng thêm phát triển. Năm 1908, Kripasaran ấn hành tạp chí Ánh Sáng (Jagajjyoti). Năm 1909, ngài  khánh thành thư viện Gunalankara tàng trữ nhiều sách Phật giáo quý hiếm.

Thầy Kripasaran cũng có cộng tác với Anagarika Dhammapala trên nhiều phương diện. Các thành phần ưu tú ở Calcutta cũng đến để phụ giúp Thầy. Trong xu thế phát triển đó, Thầy đã mạnh dạn mở thêm nhiều chi nhánh khác tại nhiều địa phương như Simla, Lucknow, Dibrugarh, Darjeeling, Ranchi, shilong, Tatanaga… Nhờ vậy mà đã kết nối được với các phật tử Bengal trên khắp Ấn Độ. Chính cuộc sống khổ hạnhtận tâm phục vụ của Thầy đã cảm hóa được nhiều người, nên họ đã theo Thầy xuất gia, thọ giới, như tỳ kheo Bodhananda, Agrabamsa, Ananda, Aryalandar, Kajalkumar và Dharmadarsi.

Thầy Kripasaran cũng thường xuyên có những chuyến công tác nước ngoài. Năm 1908, nhận lời mời của trưởng lão U. Sagar and Tejabanta, Thầy đến thăm đất nước Miến Điện. Năm 1915, Thầy thăm Tích Lan theo lời mời của Anaragika Dhammapala. Bất cứ nơi nào Thầy đến, Thầy đều được các phật tử ở đó tiếp đón ân cầnkính trọng, một phần cũng bởi vì Thầy đến từ quê hương của Đức Phật. Điều này càng làm cho Thầy thêm quyết tâm phục hưng tôn giáo của Đức Phật trên mảnh đất mà nó được sinh ra.

Bên cạnh hoạt động tôn giáo, thầy Kripasaran cũng chú ý tới phương diện giáo dục. Ngài đã xây dựng và liên thông nhiều rường trung học ở Chittagong với Trường Đại học Calcutta. Năm 1910, Thầy tổ chức hội nghị Hội Thanh Thiếu Niên Phật Tử (Young Men’s Buddhist Association) để đánh giá các vấn đề của cộng đồng sinh viên. Thầy cũng tổ chức Hội Nghị Các Phật Tử Nữ (Buddhist Women’s Conference) để kêu gọi sự chú ý của xã hội về các vấn đềquyền lợi của phụ nữ. Thầy cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa môn Pali vào giảng dạy ở Trường Đại học Calcutta cũng như thuyết phục thành công chính phủ Ấn Độ cấp học bổng du học cho sinh viên nghành Pali. Và Benimadhab Barua là sinh viên – Phật tử Ấn Độ đầu tiên được nhận học bổng này để đuổi chương trình hậu tiến sĩ tại Trường Đại học Oxford, Anh quốc.

Một trong những cống hiến quan trọng của thầy Kripasaran là việc tổ chức Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới từ ngày 6 đến ngày 14 tháng 12 năm 1924 tại công viên Nalanda ở thủ phủ Calcutta. Hội nghị đã tập hợp các tăng sĩ Phật giáo, nhất là tăng sĩ người Barua và các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bậtẤn Độ, Bangladesh và Miến Điện để mà tìm ra phương hướng và cách thức thúc đẩy phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ. Cuối năm đó, Kripasaran và các trưởng lão khác đã mở giới đàn tại chùa Dharmankur để truyền giới cho một số tăng sĩ, những người có ý nguyện phục vụ đạo pháp.

Thầy Kripasaran viên tịch vào ngày 30 tháng 4 năm 1926 tại Calcutta. Thầy đã để lại một di sản vô giá về niềm tintinh thần phụng sự. Chùa Dharmankur do Thầy thành lập ngày nay trở thành trung tâm văn hóatư tưởng Phật giáo.

4. Tỳ Kheo Bodhananda

Bodhananda Mahasthavir sinh năm 1874 trong một gia đình Begali ở làng Chunar, huyện Mirzapur, bang Uttar Pradesh.[6] Ngài là một nhân vật nổi bật và đóng vai trò quan trọng trong phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ. Cha mẹ ngài qua đời khi ngài còn nhỏ, nên ngài đã đến sống với cô (hoặc dì) ở Varanasi (Lộc Uyển). Ngay từ nhỏ, Bodhananda rất thích ngắm nhìn những đoàn du sĩ ở Varanasi. Không bao lâu sau đó thì ngài đã từ bỏ gia đình để trở thành một du sĩ, và được biết với cái tên Nij Bodhananda (Bodhananda mới).

Năm 1896, Bodhananda tình cờ gặp một tăng sĩ hành hương đến Sarnath. Bodhananda hết sức ấn tượng với vẻ điềm tĩnhuy nghiêm của vị tăng, làm cho ngài cảm thấythiện cảm với Phật giáo. Ngài đã viết về điều này như sau:

“Năm 1896, khi tôi đang làm công việc giúp đỡ những nạn nhân của nạn đói ở Kashi thì tôi may mắn gặp một số vị tăng đến từ Tích Lan. Và thông qua họ mà tôi biết đến Phật giáo. Trong khi học Phật pháp, tôi thấy rằng những điểm tốt mà đạo Hindu đang có đều bắt nguồn từ Phật giáo. Phật giáo là một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, và nó chống lại sự bất bình đẳng cũng như chế độ giai cấp của đạo Hindu. Vì thế tôi đã quyết định truyền bá những lời dạy đầy từ bi của Đức Phật.”

Tuy nhiên ngài vẫn còn là một du sĩ đạo Hindu chứ chưa chính thức xuất gia theo đạo Phật.

Từ năm 1904, Bodhananda đến định cư ở Lucknow. Với tư cách là một tín đồ của thần Siva, Bodhananda đã xây dựng đền thần, nhưng cũng an trí tượng Phật trong đó. Và điều này đã bị các đạo sĩ khác chống đối, nên ngài đã di chuyển đến một địa điểm khác cũng gần đó. Do không thỏa mãn với cách sống của một du sĩ, Bodhananda cuối cùng cũng đã xuất gia để chính thức trở thành tu sĩ Phật giáo vào ngày 4/10/1914 với tôn giả Kripasaran và Gunalankar làm thầy thế phát. Và sau đó thì thọ giới Tỳ kheo. Bodhanada là vị tăng Ấn Độ đầu tiên xuất gia và thọ tỳ kheo với chư tăng người Ấn tại Ấn Độ. Bởi vì cho đến lúc đó vẫn chưa đủ số tăng để có thể mở một giới đàn, cho nên theo Luật, Bodhananda đã phải thọ giới trong một con thuyền trên sông Hằng.

Năm 1916, Bodhananda thành lập Hội Phật Tử Ấn Độ (Indian Buddhist Society) tại Lucknow để truyền bá Chánh pháp ở Bắc Ấn. Năm 1925, ngài xây dựng Chùa Phật (Buddha Vihara) ở Lucknow. Ngài cũng thành lập thư viện Phật giáo mà trong đó có sách bằng nhiều thứ ngôn ngữ như Pali, Sanskrit, Bengali, Hindi, Urdu, Persian cũng như bằng tiếng Anh. Với sự thành lập chùa và thư viện của Bodhananda, Lucknow trở thành một trung tâm Phật giáo. Và cùng với thời gian, ngài cũng đã hướng dẫn nhiều người đến với đạo Phật, trong đó có học giả Rahul Sankrityayan.

Không chỉ là một diễn giả giỏi, Bodhananda còn là một tác giả tài năng. Ngài đã viết nhiều sách và pamthlet (cuốn sách nhỏ bàn về một vấn đề thời sự) về tôn giáo và các vấn đề xã hội để đưa tư tưởng Phật giáo vào cuộc sống.

Bodhananda là người rất bộc trực. Ngài công khai chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp của Ấn giáo mà ngài coi như là nguyên nhân chủ yếu của các căn bịnh của xã hội Ấn Độ, nhất là cách cư xử thô bạo đối với những người cùng đinh. Và cũng do đó mà ngài rất quan tâm đến đời sống kinh tế xã hội của những người kém may mắn này. Năm 1928, ngài thành lập Liên Hiệp Các Giai Cấp Cùng Đinh (Backward Clasess League).

Bodhananda đã qua đời ngày 11/5/1952, thọ 78 tuổi. Với những cống hiến xuất sắc của mình, Bodhananda đã tạo ra được một mảnh đất màu mỡ cho sự phục hưng Phật giáoẤn Độ nói chung và quê hương Uttar Pradesh của ngài nói riêng. Ngài cũng đã di chúc lại hệ thống chùa và các cơ sở Phật giáo do ngài thành lập cho Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ.

5. Tỳ Kheo Rahul Sankrityayan

Rahul Sankrityayan sinh ngày 9/4/1893 ở làng Kanaila (nhưng được sinh ra ở làng Pandaha, quê ngoại ngài cách đó mười km), huyện Azamgarh, bang Uttar Pradesh. Rahul được ông ngoại, là một cựu quân nhân, yêu quý nên muốn tạo điều kiện cho ngài có được một sự giáo dục tốt nhất. Cho nên 5 tuổi Rahul đã được cho đi học và ngài cũng học rất giỏi. Ngài viết về bản thân mình rằng ngài có thể học xong một chương trình nào đó chỉ trong 4 tháng thay vì 12 tháng như những đứa trẻ khác cùng tuổi. Mặc dù vậy, Rahul lại không ham học cho lắm. Ngược lại, những vần thơ sau đây lại khơi gợi trí tưởng của ngài: “Ôi, bạn thật ngu ngốc và lười biếng. Hãy ra đi để khám phá thế giới bao la. Bạn chỉ có một đời sống thôi. Mà cho cho bạn có thể sống lâu hơn, nhưng tuổi trẻ của bạn cũng sẽ không thể trở lại.” Rahul đã lập lại vần thơ đó rất nhiều lần trong tự truyện của mình.

Được cảm hứng bởi triết lý “seeing the world” (tạm dịch: trải nghiệm thế giới) cùng với bản tính phiêu lưu và nổi loạn, đã thúc đẩy Rahul bỏ nhà ra đi khi ngài mới 13 tuổi khi đang học lớp sáu. Ngài đi Calcutta chỉ với 22 Rupee trong túi. Ở đó, Rahul nhập bọn với mấy đứa trẻ bụi đời cùng trang lứa. Tuy nhiên do không có tiền cho nên cậu bé Rahul đã phải trở về làng và nối lại việc học, sau bốn tháng đi bụi. Tuy vậy, giấc mơ khám phá thế giới vẫn không nguôi trong lòng và một lần nữa, Rahul lại biến khỏi nhà. Lần này thì Rahul may mắn tìm được một việc làm ở quầy bán thuốc lá ở Calcutta. Nhưng một lần do ăn kẹo say (intoxicating sweets- không biết là kẹo gì) làm cho ngài bị bịnh nghiêm trọng phải nhập viện. Sau khi bình phục Rahul lại quay trở về làng Kanaila.

Mặc dù ông chủ tiệm thuốc lá ở Calcutta nhiều lần gọi Rahul trở lại làm việc, nhưng Rahul đang có một dự định khác. Ngài muốn học tiếng Sanskrit và muốn trở thành một du sĩ lang thang. Và thế là ngài lại bỏ nhà ra đi lần thứ ba. Ngài lang thang đây đó với các đạo sĩ. Đến tháng 10 năm 1910 thì ngài, cùng với bạn là Yogesh, đến Varanasi và bắt đầu học tiếng Sanskrit ở đó. Ngài cũng cố gắng cầu nguyện các vị thần và nữ thần ban phước lành bằng cách niệm danh hiệu của họ, nhưng tám ngày trôi qua mà vẫn không thấy có sự hiển linh nào,[7] làm cho ngài vô cùng thất vọng đến nỗi đã ăn trái độc tự tử, suýt chút nữa là mất mạng. Từ đó ngài không còn tin vào thần linh nữa. Cũng trong thời gian này, Rahul có dịp tiếp xúc với ngài Ramavatar Sharma, một học giả vĩ đại và là một người theo chủ nghĩa duy lý. Sharma đã khuyến khích ngài nên đi học lại và ngài đã đăng ký học lớp 7 tại trường Dayanand ở Varanasi.

Cũng trong thời gian này, đạo sư (của Ấn giáo) Lakshaman Das từ Parasa (Bihar) đến Varanasi để tuyển môn đồ. Trông thấy Rahul, vị đạo sư rất thích và đề nghị Rahul theo ông ta. Rahul đã đồng ý vì nghĩ rằng như thế ngài sẽ có điều kiện thuận lợi để học. Thế nhưng, ngược lại với những gì Rahul nghĩ, cuộc sống của một “tiểu đạo sĩ” tuy thoải mái về vật chất nhưng không phải là môi trường thích hợp cho việc học. Với lòng khát khao kiến thứcđam mê du lịch, Rahul đã rời đền thờ ở Bihar và đi xuống miền Nam Ấn. Ngài ở đó khá lâu và học tiếng Tamil ở đó.

Sau khi hoàn thành chuyến du lịch ở miền Nam, Rahul về lại Parasa vào năm 1914. Tuy nhiên, ngài lại cũng thấy cuộc sống ở đây quá khô khan, không thích hợp cho những người có tư tưởng tự do như ngài và cũng không phải là điều kiện tốt để học hỏi thêm kiến thức. Vì thế ngài đã âm thầm rời Parasa và đi Ayodhya. Ở đây Rahul tiếp xúc với những người của Hội Arya Samaj[8] và bắt đầu học kinh Vệ Đà.

Khi Rahul đang ở Ayodhya thì cha ngài biết được và đến đó đưa ngài về nhà. Nhưng cha ngài không thể giữ ngài được lâu. Ngài đã biến khỏi nhà và đi đến Học viện Arya Samaj để học tiếng Sanskrit, Ả Rập, và Tôn giáo học. Sau khi hoàn thành khóa học hai năm ở Arya Samaj, Rahul đi đến Lahore, rồi Mirzapur (bang U.P). Một lần nữa, cha ngài đã tìm đến nơi ngài đang ở và buộc ngài phải về nhà. Tuy nhiên trước sự kiên quyết của Rahul, người cha đành phải gạt lệ để cho con mình đi theo con đường tâm linh mà nó đã chọn. Và đó là lần cuối cùng hai cha con gặp nhau.

Đã từ lâu Rahul đã không thỏa mãn với giáo lý đạo Hindu. Trong lúc ngài đang băn khoăn về con đường mà mình đang đi thì năm 1917 ngài tình cờ gặp thầy Bodhananda ở Lucknow. Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ này là một bước ngoặt trong cuộc đời của Rahul, Ngài viết:

“Tôi đã nghe về Đức Phật từ năm 1910. Nữa năm sau đó, khi tôi đang ở Dharmashala (còn được gọi là Dharamsala, Bắc Ấn, nơi ở của ngài Dalai Lama hiện nay) thì tôi gặp du sĩ Khunnilal Shastri. Ngài ấy đưa cho tôi một quyển sách nhỏ về Phật giáo bằng tiếng Sanskrit. Cuộc gặp gỡ này đã phần nào tác động đến tâm tư của tôi. Năm sau, khi tôi đi từ làng đến Banaras, tôi gặp một vài vị sư Miến Điện đang cầu nguyện ở Sarnath. Do bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi không thể giao tiếp với nhau. Tôi chỉ thấy họ cố gắng giải thích cái từ “Cakkhu” gì đó. Sau này tôi mới hiểu ra rằng Cakkhu là chữ Chakshu trong Pali, có nghĩa là “Đức Phật là con mắt của thế gian”, Điều này làm cho tôi thấy tò mò và muốn tìm hiểu về Phật giáo. Lúc đó chưa có sách Phật giáo bằng tiếng Hindi, cách duy nhất để tìm hiểu Phật pháp là gặp và nói chuyện với người nào biết về giáo lý Phật.

Năm 1917, khi tôi ở Lucknow thì có một vài người giới thiệu với tôi về một vị sư. Và tối hôm đó tôi đã đi gặp vị ấy, đó là tỳ kheo Boddhananda Mahasthavir. Sư giảng cho tôi nghe về nhiều khía cạnh của Phật giáo cũng như trả lời những câu hỏi của tôi. Qua cuộc nói chuyện này, tôi đã học được rất nhiều về Phật pháp cũng như giải tỏa được nhiều nghi vấn cho bản thân.”

Từ đó Rahul bắt đầu đầu tư vào việc học Phật pháp. Năm 1919-1920, ngài đi hành hương các Phật tích. Năm 1921, Đảng Quốc Đại Ấn Độ phát động phong trào “Bất hợp tác” với người Anh để yêu cầu chính quyền Anh trao trả độc lập. Rahul cũng tham gia phong trào này. Rồi ngài bị bắt bỏ tù 6 tháng do những bài phát biểu chính trị. Sau khi ra tù, ngài được giữ một chân thư ký của huyện Chhapra. Cũng từ năm 1922, Rahul cũng tham dự vào một số hoạt động tôn giáo. Chính ngài đã mạnh mẽ biện hộ trước Hội đồng Cấp cao của Đảng Quốc Đại Ấn Độ (The Congress High Commnad) về việc chuyển giao sự quản lý Bồ Đề Đạo Tràng cho Phật giáo.[9]

Từ tháng Ba đến tháng tháng Tư năm 1923, Rahul đến Nepal. Ở đây ngài tiếp xúc với một số tăng sĩ và học giả Phật học đến từ Mông Cổ và Trung Hoa. Khi trở về Ấn Độ, ngài lại bị bắt do những phát ngôn chính trị của ngài ở Nepal. Kết quả là ngài bị bỏ tù 2 năm. Trong thời gian ở trong tù, ngài vẫn đọc và viết. Ngài đọc Trung Bộ Kinh bằng tiếng Tích Lan mỗi ngày và dịch 4 bộ tiểu thuyết bằng tiếng Anh sang ngôn ngữ Hindi. Ngài cũng học tiếng Pháp trong suốt hai năm ở trong tù. Năm 1926, sau khi ra tù, Rahul thực hiện một chuyến du lịch lên Bắc Ấn.

Năm 1927, Học viện Phật giáo Vidyalankara Pirivena ở Tích Lan đang cần một người dạy môn Sanskrit, và Hội Đại Bồ Đề đã giới thiệu Rahul. Đến lúc đó, Rahul đã khá thông thạo các ngôn ngữ Hindi, Sanskrit, Urdu, Arabic, Persian, Tamil, Kannanda, tiếng Anh và tiếng Pháp. Giờ đây, ngài tranh thủ thời gianTích Lan để học tiếng Pali. Và chỉ trong một thời gian ngắn ngài đã đủ trình độ để đọc toàn bộ Tam tạng bằng tiếng Pali. Trong khi ở Tích Lan, Rahul cũng đọc các sách Phật giáo khác, và viết bình luận bằng tiếng Sanskrit về tác phẩm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận của Thế Thân.

Khoảng cuối năm 1927, Rahul viết thư yêu cầu Brahmachari Vishvanath đến Tích Lan. Ấy vậy mà, không lâu sau đó, ngày 10/2/1928, Brahmachari Vishvanath lại chính thức xuất gia, trong khi Rahul vẫn còn là một du sĩ Hindu mặc dù ngài không mặt đồng phục của một du sĩ. Brahmachari Vishvanath được thầy thế phát là ngài Viện trưởng của Viện Phật học Vidyalankara Pirivena, trưởng lão L. Dhammananda Maha Nayaka Thera đặt pháp danh là Bhadant Anand Kausalyayan, Trong khi ở Tích Lan, Rahul cảm thấy rằng cần phải đến Tây Tạng để tìm kiếm các kinh sách Phật giáo mà các tăng sĩ Ấn Độ mang qua đó khi Phật giáo bị Hồi giáo truy sát ngàn năm trước. Ngài khởi hành vào đầu năm 1929, đến 19 tháng 7 cùng năm thì tới Lhasa thủ đô Tây Tạng. Ngài có dịp tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma. Viếng thăm Trường Đại học Phật giáo Depung Gompa. Ở đây ngài thấy có 7000 tăng sĩ đến từ các nước, nhưng không có ai đến từ Ấn Độ. Ngài cũng thăm một tu viện cổ nhất ở Samya (nay chỉ còn phế tích do hỏa hoạn), nơi bảo tồn thi thể của Tỳ kheo Shanktarakshita[10] và các học giả Ấn Độ từng sống và dịch kinh từ tiếng Sanskrit sang tiếng Tây Tạng. Ngày 24/4/1930 Rahul với nhiều kinh sách, tranh, tượng Tây Tạng, trở về Ấn Độ, rồi qua Tích Lan. Ngài quyết định bỏ hẳn đạo Hindu để làm một tu sĩ Phật giáo. Ngày 20/7/1930, Rahul đã xuất gia với trưởng lão L. Dhammananda Maha Nayaka Thera, cùng một thầy với Bhadant Anand Kausalyayan. Từ đó Rahul đã dành hết thời gian và sức lực để truyền bá Phật pháp bằng cách viết báo và sách. Quyển sách đầu tiên của ngài về Phật giáoCuộc Đời Và Những Lời Dạy Của Đức Phật (Hindi: Buddha Charya). Ngài cũng tiến hành dịch các tác phẩm Phật giáo bằng tiếng Pali sang tiếng Hindi. Tháng 7/1932, Rahul và Anand thay mặt Hội Đại Bồ Đề đi Luân Đôn để lo công việc Phật giáo. Năm 1933, Rahul gặp Jagdish Narain ở Patna (Hoa Thị Thành), một thanh niên đang khát khao đi tìm chân lý. Năm sau đó, chàng thanh niên Jagdish Narain đi thăm Tích Lan và đã xuất gia ở đó, và cũng được trưởng lão L. Dhammananda Maha Nayaka Thera đặt pháp danh là Jagdish Kashyap. Như vậy Anand, Rahul và Jagdish thọ giáo cùng một vị thầy, và bộ ba này đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự phục hưng của Phật giáoẤn Độ. Cống hiến quan trọng đầu tiên của họ là dịch các tác phẩm bằng tiếng Pali như năm bộ Nikaya, Kinh Pháp Cú, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo… sang tiếng Hindi, là thứ tiếng của đại đa số người Ấn Độ. Những dịch phẩm này đều được xuất bản bởi Hội Đại Bồ Đề.

Mặc dù đang làm công việc dịch thuật như thế, nhưng Rahul vẫn tranh thủ để đi đó đây, vừa để thỏa mãn máu du lịch của mình, cũng vừa để làm các công tác Phật sự. Từ năm 1934 đến 1938, ngài đã đến các nước như Nhật, Mãn Châu, Liên Xô, Iran, và nhất là Tây Tạng. Trong ba lần mạo hiểm đến Tây Tạng vào các năm 1930, 1934 và 1935, ngài đã mang về cho Ấn Độ 80 tác phẩm tiếng Sanskrit. Đây là những tác phẩm quý giá mà Ấn Độ đã bị thất lạc từ lâu. Ngài đã kể lại một trong những kinh nghiệm mà ngài đã làm ở Tây Tạng như sau:

Đối với tôi, tu viện Sakya và các chi nhánh của nó là nơi quan trọng nhất tàng trữ hầu hết những tác phẩm bằng tiếng Sanskrit được viết trên lá bối. Những người ở đó rất sẳn lòng đáp ứng yêu cầu của bạn. Chỉ sau 3 ngày sau khi đến đó, tôi đã có thể mượn được các tác phẩm ở đó để mà sao chép. Sau khi chép xong 4 chương của bộ Lượng Thích Luận (Vartikalankara), tôi đi đến gặp tu viện trưởng, ngài khuyên tôi đi đến thư viện ở Lakhang-Chenmo vì ngài nghe nói có nhiều sách bằng tiếng Sanskrit ở đó lắm.

Sau khi xin được phép, người giữ thư viện liền mở cửa, và một lớp bụi như đám mây bóc lên sau cánh cửa. Khi chúng tôi bước vào phòng thì thấy trên nền nhà là một lớp bụi dày cỡ 2 phân, như thể căn phòng này đã không được mở 50 năm rồi vậy. Trên một kệ sách tôi còn thấy cả trứng chim nữa. Sau khi hắn giọng do bị nghẹt bụi, tôi bắt đầu nhìn quanh căn phòng. Hàng ngàn quyển sách đang nằm im trên những khung gỗ. Và giữa rừng sách này, mắt tôi bổng sáng lên khi thấy các bản kinh lá bối bằng tiếng Sanskrit cũng có mặt ở đó. Chúng được buộc lại bằng những sợi dây da đã cũ sờn.

Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng thấy được bản đầy đủ của Lượng Thích Luận, thậm chí còn có bản chú giải chương một của nó nữa, và một bản hoàn chỉnh của Du Dà Sư Địa Luận (Yogacara Bhumi) của ngài Vô Trước. Với niềm vui rộn rã, tôi đã xin phép mượn những tác phẩm này để sao chép lại. Và trong khoảng thời gian từ 26/5 đến 6/7 tôi đã dành hết thời gian cho công việc sao chép này.

Là một người theo chủ nghĩa duy lý và tư tưởng phóng khoáng, Rahul cũng bị thu hút bởi Chủ nghĩa Marx. Được gợi hứng bởi cuộc Cách mạng tháng 10/1917 ở Nga, ngài đã viết cuốn tiểu thuyết Thế Kỷ XXII để nói lên quan điểm chính trị của mình. Ngài cũng rất muốn đến đất nước cách mạng này, và cũng đã đến được vào năm 1935. Ngài đến Moscow (Mát-xcơ-va) từ Mãn Châu. Rahul rất muốn gặp tiến sĩ Scherbatsky, tác giả của tác phẩm Logic Phật giáo (Buddhist Logic) nổi tiếng, nhưng lúc đó Scherbatsky đang ở Leningard mà Rahul thì không được phép vào đó. Do đó ngài đã phải trở về Ấn Độ nữa tháng sau đó. Đến năm 1937, Rahul lại đi Liên Xô một lần nữa. Lần này thì ngài được Học Viện Liên Xô mời dạy môn Sanskrit ở Trường Đại học Leningard. Rahul đã ở Leningard từ 17/11/1937 đến 13/1/1938. Ở đây Rahul gặp cô Lola, thư ký của Khoa Tây Tạng - Ấn Độ học. Lola có thế nói tiếng Pháp, Anh, Mông Cổ và bây giờ thì cô yêu cầu Rahul dạy cô tiếng Sanskrit, và cô cũng sẽ dạy Rahul tiếng Nga. Hai người dần dà nảy sinh tình cảm với nhau. Kết quả là Rahul đã hoàn tục để chung sống với cô Lola. Ngài giữ hình thức cư sĩ như thế cho đến hết đời.

Năm 1938, Rahul trở về Ấn Độtrở thành một nhà hoạt động chính trị. Ngài đã vào tù ra khám mấy lần, nhưng vẫn không ngừng sáng tạo trên lĩnh vực văn học. Năm 1943, Rahul, sau bao nhiêu năm, đã trở về thăm lại quê hương. Lúc này ngài đã 50 tuổi. Ngài không được gặp lại cha mẹ ngài vì họ đều đã qua đời.

Tháng 7/1945, Chính phủ Liên Xô mời Rahul làm Giáo sư Sanskrit ở Trường Đại học Leningard theo sự đề nghị của giáo sư Scherbatsky, một nhà Ấn Độ học vĩ đại. Scherbatsky rất coi trọng tài năng của Rahul, nói rằng Rahul là người duy nhất có thể thay thế vị trí Chủ tịch khoa Ấn Độ học của ông ở đại học Leningard. Từ 7/1945 đến 7/1947 Rahul dạy tiếng Hindi, Sanskrit, Tây Tạng, và môn Logic Phật giáo. Lola vợ ngài và con trai Igor cũng ở chung với ngài ở trường đại học. Nhưng khi Rahul về Ấn Độ thì cô không về theo, cho nên Rahul phải về một mình. Ngài về đến Bombay chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ dành được độc lập vào ngày 15/8/1947. Từ tháng 8/1947 trở đi, cơ bản Rahul vẫn ở Ấn Độ. Ngài được bầu làm Chủ tịch Hội Hindi toàn Ấn Độ. Ngài cũng được Chính phủ Ấn Độ đề cử làm thành viên Hội đồng phiên dịch Hiến pháp.[11] Dù rất bận rộn như thế, nhưng Rahul vẫn không ngừng sáng tácbiên soạn như Từ Điển Thành Ngữ Hành Chánh (Administrative Terms Dictionary) với sự cộng tác của một số học giả, và cô Nepali đánh máy. Năm 1950 Rahul kết hôn với cô Nepali. Ngài cũng biên soạn bộ Lịch Sử Trung Á (Hindi: Madhya Asia ka Ithas) 2 quyển dày 2.000 trang. Tác phẩm vĩ đại này đã giúp ngài nhận được giải thưởng Sahitya Akademi Award[12] năm 1958.

Rahul là một học giảnhà trí thức lớn. Ngài không những là một nhà văn mà còn là nhà ngôn ngữ học. Ngài biết nhiều thứ tiếng và có thể viết một pamphlet chừng 30 trang mỗi ngày và một quyển sách chừng 500 trang trong vòng một tháng. Tác phẩm của ngài bao hàm nhiều lĩnh vực như tiểu thuyết, lịch sử, khoa học, triết học, du lịch, sinh học, và dĩ nhiênbao gồm Phật giáo. Ngài cũng dịch và hiệu đính nhiều công trình bằng tiếng Pali và Sanskrit. Tổng cộng ngài có khoảng hơn 150 công trình văn học. Rahul nói về cách viết của ngài như sau: “Tôi không bao giờ đợi đến lúc tinh thần thoải mái hay hoàn cảnh cho thiệt tiện nghi mới viết. Tôi có thể viết ở nhà, trên tàu, xe lửa, trạm xe bus, quán trọ.”

Là một nhà Phật học, tất nhiên Rahul rất nhiệt tâm trong việc phục hưng Phật giáoẤn Độ. Khi Tiến sĩ Ambedkar cải đạo sang Phật giáo vào tháng 10/1956 cùng với nữa triệu người thuộc giai cấp cùng đinh, Rahul đã nhiệt liệt hưởng ứng và bày tỏ lòng tôn kính của ngài đối với vị lãnh đạo của giai cấp cùng đinh. Ngài đã viết một cuốn sách nhỏ tựa đề là Nav-deekshit Baudh (tạm dịch: Những Người Theo Phật Giáo Mới) được xuất bản năm 1957. Trong tác phẩm đó, Rahul có viết rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Tiến sĩ Ambedkar đã làm một điều vĩ đại nhất cho đất nước này bằng cách hướng dẫn hàng trăm ngàn người đến với Phật giáophục hưng Phật giáoẤn Độ. Lịch sử sẽ không bao giờ quên Ambedkar do vì vai trò đặc biệt duy nhất này… Phật giáo không chỉ cần thiết cho việc cải thiện cuộc đời của giai cấp cùng đinh, mà sự phục hưng của nó cũng là một việc tốt đối với Ấn Độ bởi vì điều đó sẽ lấy lại ánh hào quang của Phật giáo nói riêng và văn minh Ấn Độ nói chung.”

Năm 1959, Viện Vidyalankara Pirivena ở Tích Lan nâng cấp lên thành Trường Đại học, và đã mời Rahul làm Trưởng khoa Triết học. Tuy nhiên sau đó thì ngài bị bịnh nên phải trở về Ấn Độ vào tháng 8/1961. Đến tháng 9/1961 thì ngài bị mất trí nhớ. Ngài được đem qua Liên Xô để chữa trị nhưng không có kết quả nên lại trở về Ấn độ. Ngày 14/4/1963, Rahul trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Darjeeling, Bengal, thọ 70 tuổi.

Rahul Sankrityayan rõ ràng là một học giả vĩ đại. Ngài đã đạt được nhiều bằng cấp, học hàm, học vị, cũng như nhiều giải thưởng vinh dự của các trường Đại học của chính phủ Ấn Độ và các nước khác. Rahul sẽ được nhớ đến do đã làm giàu cho nền văn học Hindi, và văn học Phật giáo Hindi. Ngài đã có công trong việc đưa những bản thảo kinh sách Phật giáoTây Tạng ra ánh sáng, hiệu đính, chuyển dịch, và chú giải chúng. Những công trình này thật sự là những cống hiến quan trọng đối với Phật giáo vậy.

6. Tỳ Kheo Anand Kausalyayan

Anand Kausalyayan, thế danh là Harnamdas, là một thánh tăng, một nhà Phật học lỗi lạc và cũng là một tác giả đầy sáng tạo. Ngài sinh ngày 5/1/1905 trong một gia đình danh giá ở làng Sohana gần Chandigard thuộc bang Punjab, Bắc Ấn Độ. Cha ngài là Ramsaran Das, hiệu trưởng trường trung học Ambala. Ngài có một người anh em là Haridas. Hai anh em mất cả cha mẹ từ nhỏ và được nuôi dưỡng bởi người cậu. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu thanh niên Harnamdas tham gia Phong trào tự do. Sau đó thì vào học Trường Cao đẳng quốc gia ở Lahore. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Ranamdas phải vừa học vừa đi làm. Buổi sáng Ranamdas đi bỏ báo và buổi tối thì làm gia sư. Do không quan tâm đến sức khỏe nên Ranamdas thường hay bị bệnh. Nhưng ngài cũng lấy được bằng cử nhân vào năm 1924, lúc ngài 19 tuổi.

Hai năm sau, Harnamdas cảm thấy có một sự thôi thúc nội tâm nào đó thúc giục ngài phải ra đi. Ngài kể lại rằng:

“Khi tôi 21 tuổi thì tôi bị bịnh nặng. Mặc dù được uống những loại thuốc tốt nhất, nhưng cơn sốt vẫn không thuyên giảm chút nào. Ấy vậy mà, tôi lại rất muốn chạy đi khỏi nơi đó. Nhưng những người thân quanh tôi không cho tôi đi, vì tình trạng hiện thời của tôi. Một hôm tôi bịa ra câu chuyện rằng tôi vừa mơ thấy đã tắm ở sông Hằng do đó mà cơn sốt của tôi đã biến mất. Nghe vậy, họ do dự một hồi rồi đồng ý cho tôi đi ra sông Hằng, trên lưng một con ngựa. Sau khi đi được vài dặm thì tôi thả con ngựa cho nó trở về nhà, còn tôi thì cứ vấn thân vào cuộc đời hoang dã”.

Trong khi lang thang nơi này nơi kia để tìm sự bình yên trong tâm hồn, Harnamdas tình cờ gặp Rahul Sankrityayan tại Meerut vào cuối năm 1926. Lúc đó Rahul đang nằm trong Hội Arya Samaj. Theo gương Rahul, Harnamdas cũng gia nhập hội và đổi tên thành Brahmachari Vishvanath. Rahul cũng khuyên Vishvanath nên đi thăm các Phật tích, và Vishvanath đã làm theo. Không giống như phần lớn các du sĩ thời đó rất ít học, Vishvanath là một trí thức. Cuốn sách mà ngài ưa thích và đi đâu cũng mang theo bên mình là Anh Hùng Và Thần Tượng Anh Hùng (Hero And Hero Worship) để ngài có thể đọc bất cứ khi nào thuận tiện. Nhìn thấy vậy, một vài người đã mỉa mai gọi ngài là “một du sĩ trẻ gầy còm đang đọc sách Tây.”[13] Và điều này đã làm cho các thành viên khác của Hội Arya Samaj thất vọng, vì triết lý của Hội là dựa vào thánh thư Vệ Đà được viết bằng tiếng Sanskrit.

Năm 1927, Vishvanath nhận được thư gởi từ Rahul, nói rằng ngài đang dạy Sanskrit ở Tích Lanyêu cầu Vishvanath hãy đến đó ngay lập tức. Ở Tích Lan, Vishvanath học tiếng Pali. Do bị thu hút bởi giáo lý nhà Phật nên Vishvanath đã xin xuất gia làm tăng với tôn giả L. Dhammanada, viện trưởng Viện Vidyalankara Pirivena với pháp danh là Anand Kausalyayan. Anand nói rằng ngài bị Phật giáo lôi cuốn không phải bằng sự mặc khải, mà là do ngài tìm thấy sự an ủi trong những lời dạy của Đức Phật. Đức Phật không khuyên người ta tin một cách mù quáng. Sự tự do nhận thức và sự vấn thân phục vụ xã hội đã làm cho ngài rất ấn tượng. Ngài cũng nói rằng lời khuyên của Har Dayal “hãy lấy phần ít nhất và cho phần nhiều nhất” cũng ảnh hưởng đến quyết định của ngài trở thành một tỳ kheo.

Anand đã học tiếng Pali và Phật giáo 18 giờ một ngày. Ngài học 18 tháng thì đã có thể lào thông ngôn ngữ Pali và các kinh văn bằng tiếng Pali. Trong khi học Pali, Anand đã dịch bộ Đại Sử (Mahavamsa) bằng tiếng Pali sang tiếng Hindi, và đó là bản dịch đầu tiên sang tiếng Hindi về bộ Sử Phật giáo Tích Lan vĩ đại này.

Năm 1932, Hội Đại Bồ Đề yêu cầu Anand và Rahul đi Luân Đôn để hỗ trợ công việc Phật sự ở một Trung tâm Phật giáo mà Anagarika Dhammapala thành lập năm 1928. Rahul chỉ ở đó một vài tháng rồi trở về Ấn Độ, còn Nanad thì vẫn ở lại. Ngài cũng đến Liverpool, Paris, Berlin suốt hai mươi tháng và có những buổi nói chuyện về Phật pháp ở đó, rồi trở về Tích Lan. Hai năm tiếp theo, ngài đi giảng pháp khắp Tích Lan. Bất cứ đi đâu, Anand đều đi bộ, và đều được mọi người chào đón nồng nhiệt. Họ kéo nhau đến nghe một vị tăng sĩ Ấn Độ thuyết pháp bằng chính ngôn ngữ Tích Lan của họ.

Năm 1934, Anand và Rahul có thêm một người bạn mới, đó là Jagdish Kashyap. Ba vị này là ba tăngtiên phongnổi bật của Phật giáo Ấn Độ thời kỳ phục hưng. Cả ba cùng một thầy và đều được đào tạo từ Viện Vidyalankara Pirivena (bây giờ là trường Đại học). Họ là những người bạn thân và cùng hoạt động cho phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ. Có khi họ ngồi lại với nhau và mỗi người bày tỏ kế hoạch tương lai của mình. Rahul thì nói rằng ngài sẽ viết thật nhiều sách. Anand thì nói rằng ngài sẽ đi thuyết giảng khắp nơi và viết báo để phục vụ nền văn học Hindi. Jagdish thì nói rằng ngài muốn dành nhiều thời gian để học, nghiên cứu, giảng dạy và sẽ thành lập một Học viện giáo dục. Đúng như mong ước, Anand đã trở thành một nhà vân du mà không dính vào bất cứ nơi nào cố định. Năm 1939, ngài tham dự lễ khánh thành Buddha Vihara (Chùa Phật) ở thủ đô New Delhi do Hội Đại Bồ Đề thành lập. Trong buổi lễ, Anand cũng gặp lại một số người quen trước đây. Họ hỏi ngài sao lâu rồi không về quê, ngài trả lời rằng không có chuyện gì nên không về. Anand đã 16 năm rồi chưa về quê, nên những người thân lo cho ngài. Quả thật, ngay khi hay được tin ngài đang ở Delhi, cậu ngài từ Punjab vội vã đến gặp ngài. Thật tội nghiệp cho người cậu, khi đến Delhi thì Anand đã đi Sarnath (Lộc Uyển) rồi. Ngay tức tốc, người cậu chạy theo ngài đến Sarnath và gặp ngài ở đó, trong y phục của một tỳ kheo. Anand đã ở Sarnath một thời gian và làm biên tập cho nguyệt san Dharmadatu, một nguyệt bằng tiếng Hindi do Hội Đại Bồ Đề xuất bản.

Mặc dù sinh ra ở Punjab nhưng Anand thích tiếng Hindi và ngài viết chủ yếu bằng tiếng Hindi.[14] Nhưng thỉnh thoảng ngài cũng viết bằng tiếng Punjab, Urdu and tiếng Anh. Tác phẩm của ngài bao gốm nhiều lĩnh vực, trong đó có Phật giáo. Ngài đã dịch kinh sách Phật giáo từ tiếng Pali sang tiếng Hindi như Kinh Bổn Sinh, Bổn Sự, Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Pháp Cú… Năm 1959, Anand đảm nhiệm chức trưởng khoa Hindi của Trường Đại học Vidyalankara ở Tích Lan.

Anand có dịp gặp Tiến sĩ Ambedkar vài lần. Từ năm 1951 thì họ gặp nhau thường xuyên hơn để bàn về vấn đề cải đạo cho những người cùng đinh. Tuy nhiên, khi Ambedkar quy y Tam bảo vào tháng 10/1956 thì Anand đang có chuyến thăm Trung Quốc để làm những việc liên quan đến lễ Phật đản 2500 năm tại Trung Quốc. Trên đường trở về Ấn Độ, Anand đã đọc trên máy bay về sự kiện quy y lịch sử của Ambedkar. Nên khi vừa đặt chân xuống Ấn Độ, ngài đã ngay lập tức đến Maharashtra và tham dự một số lễ quy y tiếp theo đó. Tiến sĩ Ambedkar đã dự định sẽ làm một lễ quy y tập thể nữa ở Bombay vào 16/12/1956, nhưng điều đó đã không xảy ra vì Ambedkar qua đời đột ngột ở Delhi vào ngày 6/12/1956, trong khi đang ngủ. Trùng hợp là lúc đó Anand cũng đang ở Delhi, nên đã dự tang lễ và đưa thi thể của Ambedkar về Bombay quê hương Ambedkar. Ngay sau khi hỏa thiêu Ambedkar, Anand đã làm lễ quy y cho hơn một trăm ngàn người ngay tại đó. Từ đó về sau, Maharashtra trở thành nơi hành đạo chính của Anand. Ngài ở đó để tiếp tục hướng dẫn những người mới quy y theo đạo Phật.

Ngay khi Tiến sĩ Ambedkar vừa qua đời, Anand liền nghĩ ngay đến việc dịch cuốn Đức PhậtGiáo Pháp Của Ngài của Ambedkar sang tiếng Hindi. Khi Anand có việc phải đi Thái Lan, ngài cũng tranh thủ thời gian và đã hoàn tất bản dịch ngay tại Bangkok. Trong lúc này, Học viện Phật giáo Vidyalankara Pirivena ở Tích Lan được chính phủ Tích Lan nâng tầm lên thành Trường Đại học Thế giới Vidyalankara. Trường đã mời ba học giả Phật giáo lỗi lạc Ấn Độ làm Trưởng khoa. Anand làm Trưởng khoa Hindi, Rahul làm Trưởng khoa Triết, và Shastri làm Trưởng khoa Sanskrit. Trong thời gian 9 năm ở Tích Lan, Anand đã biên soạn nhiều sách và tự điển. Ngài cũng không quên về thăm Ấn Độ hàng năm để làm việc với phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ.

Năm 1968, Anand nghỉ làm việc cho Trường Đại học Vidyalankara và trở về Ấn Độ. Ngài liền nghĩ đến việc phải tạo một nền tảng Phật pháp vững chắc ở Maharashtra, nơi mà Phật giáo vừa mới được cắm rễ với những hoạt động của tiến sĩ Ambedkar, nhất là sau sự kiện quy y tập thể của nữa triệu người tại Nagpur vào 14/10/1956. Nagpur sau đó đã trở thành trung tâm học tập và đào tạo của các tỳ kheo trẻ và hàng cư sĩ lãnh đạo. Tại đó, Anand đã hướng dẫn hơn một trăm học viên, nhiều người trong số đó trở thành tiến sĩ, một số xuất gia làm tăng. Ngài được cho là người chu đáo và có lòng bi mẫn đối với học viên, giúp đỡ họ trong mọi trường hợp. Anand rất ít nhận viện trợ từ các tổ chức Phật giáo mà ngài sống dựa vào viết sách, báo. Do những đóng góp của ngài trong lĩnh vực ngôn ngữ Pali và văn học Phật giáo, ngài được Trường Đại học Nalanda cấp bằng Hậu tiến sĩ danh sự vào năm 1971.

Ngày 22/6/1988, Anand qua đời tại Nagpur, thọ 83 tuổi. Ngài thọ tỳ kheo năm 1928, trải qua 60 năm miệt mài phục vụ Phật pháp. Ngài gắn liền với phong trào Phật giáo mới từ năm 1956, và trải qua 20 năm ở Nagpur để nuôi dưỡng phong trào phục hưng Phật giáo do Tiến sĩ Ambedkar để lại.

7. Tỳ Kheo Jagdish Kashyap

Tôn giả Jagdish Kashyap thế danh là Jagdish Narain, sinh năm 1908 tại Ranchi, gần Bồ Đề Đạo Tràng, bang Bihar. Cha là Shyam Narain làm viên chức ở tòa án Ranchi. Ngay từ nhỏ Jagdish Narain đã được đi học, và tốt nghiệp Trung học vào năm 1925. Mặc dù là một người thông minh học giỏi, nhưng Jagdish lại rất mộc mạc và có lối sống đơn giản, một chút ngông và quan điểm tiến bộ. Sau khi tốt nghiệp Trung học, ngài được gởi đi Patna (Hoa Thị Thành cũ) để học cao hơn, và tốt nghiệp Đại học năm 1929. Từ Patna, Jagdish đi Varanasi để học Cao học về Triết học ở trường Banaras Hindu University, rồi bằng Cao học thứ hai về Sanskrit cũng tại trường đó.

Sau khi hoàn tất chương trình giáo dục như vậy, Jagdish đi đến học tập với một lãnh đạo của Hội Arya Samaj và là giáo sĩ đại diện của Hội ở Mỹ. Trình độ về Triết học và Sanskrit của Jagdish đã giúp ngài có thể am hiểu sâu sắc các vấn đề của Hội Arya Samaj. Ngài làm việc ở đó từ năm 1931 đến 1933 với tư cách là một Gurukula (thầy đồ, thầy giáo làng). Thật ra, ngay khi Jagdish vừa tốt nghiệp đại học thì đã có nhiều gia đình muốn gả con gái cho, nhưng Jagdish đã quyết định sống cuộc sống độc thân mà ngài cho là lý tưởng để làm một “thầy đồ.”

Những năm làm “thầy đồ” là một bước ngoặt trong cuộc đời của Jagdish. Là giai đoạn ngài có mối quan hệ thân tình nhất với Hội Arya Samaj, mà cũng là giai đoạn ngài nghiên về phía Phật giáo ngày càng nhiều hơn. Với tư cách là một “thầy đồ”, ngài hiểu rõ hoàn cảnh của người dân xung quanh. Ngài thấy có một khoảng cách giữa lý thuyếtthực tế của Hội Arya Samaj, nhất là trong vấn đề phân biệt giai cấp. Ngài thấy rằng Hội có sự phân biệt giữa thầy giáo giai cấp cao và thầy giáo giai cấp thấp. Đó là lý do ngài càng nghiên về Phật giáo. Do đó, sau khi học xong Cao học, ngài muốn học tiến sĩ về đề tài Triết học Phật giáo. Tiến sĩ Bhagwan Das, một người đáng kính và là một triết gia ở Kashi đã khuyến khích ngài, nhưng cho rằng muốn nghiên cứu Phật giáo thì trước hết nên học qua Tam tạng giáo điển bằng bản gốc tiếng Pali. Khi học Cao học Sanskrit, Jagdish đã có dịp tiếp xúc với Pali, ngài đặc biết thích thú kinh Pháp Cú. Giờ thì ngài quyết định đến Tích Lan để nâng cao trình độ Pali của mình.

Ngài viết một lá thư bằng tiếng Sanskrit cho Trường Đại học Vidyalankara Pirivena ở Tích Lan, tự giới thiệu bản thân là một người trẻ ở Magadha (Ma Kiệt Đà) đang khát khao đi tìm chân lý, muốn đến Tích Lan để học tiếng Pali để phục hưng truyền thống Phật giáo Ấn Độ đã mất. Nhưng Jagdish không nhận được thư trả lời của Trường Đại học Vidyalankara Pirivena.

Trong lúc gần như từ bỏ hi vọng thì Jagdish nhận được một lá thư từ nước Đức, mà người gởi là Rahul, hẹn sẽ gặp nhau khi Rahul trở về Ấn Độ.

Họ đã gặp nhau ở Patna, tại chổ ở của K.P. Yayaswal, một nhà Ấn Độ học lỗi lạc. Rahul đã đem đến những bản kinh mà ngài tìm được ở Tây Tạng, làm cho Jagdish vô cùng ấn tượng. Họ nói về Đức Phật, Phật giáo và các quốc gia Phật giáo trên thế giới. Rahul cũng giới thiệu cho Jagdish về bài kinhĐức Phật nói với những người Kalamas, bảo họ không nên tin và chấp nhận cái gì nếu chưa được suy xét cẩn thận bằng chính hiểu biếtkinh nghiệm của họ, làm cho Jagdish vô cùng xúc độngkính trọng Đức Phật.

Cuộc gặp tại Patna này đã làm tăng thêm niềm tin của Jagdish đối với Phật pháp, và thôi thúc ngài phải đi Tích Lan. Rahul và Anand lúc ấy đang làm việc cho Trường Vidyalankara Pirivena, nên có thể giới thiệu Jagdish đến đó để học Pali cũng như Phật giáo. Tuy nhiên, khi Jagdish hỏi cha mẹ ngài thì họ không đồng ý, nói rằng họ có thể không bắt ngài lập gia đình nhưng không thể chấp nhận ngài ra nước ngoài. Nhưng Jagdish cứ nài nỉ mãi nên cuối cùng họ cũng phải đồng ý. Và ngài rời Ấn Độ tháng 10/1933 để đi Tích Lan.

Một năm sau, năm 1934, Jagdish Narain xuất gia với Ngài L. Dhammananda với pháp danh là Jagdish Kashyap (Kashyap: Ẩn sĩ, Bậc thánh), mà sau này trở thành một cái tên rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo. Thế là Jagdish cùng với Anand và Rahul trở thành “bộ ba” của các tăng sĩ Ấn Độ cận đại và đóng vai trò quan trọng trong sự phục hưng Phật giáoẤn Độ suốt bốn thập kỷ.

Suốt thời gian học ở Tích Lan, Jagdish đã dịch Trường Bộ Kinh sang tiếng Hindi, với sự cộng tác của Rahul. Sau đó thì hai người lập kế hoạch đi Nhật Bản. Tuy nhiên, khi họ đến Penang (Malaysia) thì bị cảnh sát Anh chặn lại, do Jagdish đã từng tham gia phong trào “Bất hợp tác” của thánh Gandhi chống lại chính quyền Anh ở Ấn Độ. Rahul thì tiếp tục đi Nhật Bản, còn Jagdish thì bị giữ lại ở Penang. Tuy nhiên, người dân ở Penang thì lại rất vui khi thấy Jagdish bị giữ lại đó bởi vì lần đầu tiên họ thấy các tỳ kheo Ấn độ, và họ cũng rất tôn kính Rahul và Jagdish, và yêu cầu hai ngài thuyết pháp. Họ sắp xếp cho Jagdish ở một nơi gần bờ biển, và ngài ở Malaysia khoảng một năm. Ngài chọn cư ngụ trong chùa Trung Quốc và học tiếng Hoa. Các bài thuyết giảng của Jagdish được tập hợp lại thành một quyển sách nhỏ và xuất bản cũng tại Penang năm 1935 với cái tên là Phật pháp (Buddha Dhamma). Ngài cũng đi thăm Singapore và Miến Điện.

Ở Penang, do tiếp xúc với các các tăng sĩ Phật giáo Đại thừa Trung Quốc nên ngài học về thiền (không biết là thiền Nguyên thủy hay thiền Đại thừa). Ngài cũng học tâm lý trị liệu và đã điều trị thành công cho một vài phật tử ở đó. Khi Jagdish trở về Tích Lan, ngài tiếp tục thực tập thiền. Điều này làm cho Rahul không thích.[15] Rahul đã yêu cầu Anand khuyên Jagdish từ bỏ thực thập thiền đó, nhưng Jagdish không nghe. Hơn nữa còn trải qua một năm trong rừng để chuyên tâm hành thiền. Trong thời gianTích Lan và thăm các nước Đông Nam Á, Jagdish có dịp tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Phật giáo, họ bày tỏ ước vọng muốn phục hưng Phật giáoẤn Độ. Cho nên Jagdish quyết định trở về Ấn Độ.

Jagdish trở về Ấn Độ cuối năm 1936. Ngài gặp lại Rahul và xin lỗi vì đã phớt lờ lời khuyên của Rahul trước đây. Rahul vỗ vai Jagdish và cười, làm cho Jagdish thấy nhẹ nhõm. Ba người bạn lại sống hòa thuận với nhau một thời gian dài ở Allahabad. Trong lúc chuyện trò, mỗi người nói lên những dự định tương lai của mình. Tuy nhiên, lúc này Jagdish phải trở về quê thăm cha mẹ và người anh trai, những người mà Jagdish cảm thấy mắc nợ rất nhiều. Gia đình và hàng xóm thấy Jagdish đã trở thành một thầy tu, làm cho họ vui buồn lẫn lộn, nhưng nói chung họ hài lòng. Jagdish nói cho họ nghe kế hoạch của ngài là sẽ định cư ở Sarnath và cống hiến cuộc đời mình cho Phật pháp.

Từ năm 1937, Jagdish chủ yếu ở Sarnath và hợp tác với Hội Đại Bồ Đề. Cùng với Rahul và Anand, ngài tiếp tục dịch Tam tạng giáo điển từ tiếng Pali sang tiếng Hindi, và các hoạt động khác trên lĩnh vực văn học, giáo dụcxã hội, như xây dựng chùa chiền, trường học. Jagdish cũng vận động để đưa Pali trở thành một môn học ở Trường Đại học Banaras. Ngài chấp nhận làm việc cho trường với mức lương tối thiểu. Ngài dạy môn Pali và Logic Phật giáo. Cũng trong thời gian này, tôn giả Dharmananda Kosambi đến Sarnath. Do đó Jagdish đã tranh thủ để học về A Tỳ Đạt MaThanh Tịnh Đạo Luận với Kosambi. Jagdish làm việc cho Trường Đại học Sarnath được chín năm.

Khi Ấn Độ độc lập năm 1947, có một sự thức tỉnh về việc xác định những giá trị của đất nước. Tỳ kheo Jagdish đã được quê hương ngài (Magadha-Ma Kiệt Đà, gần Trường Đại học Nalanda) chào đón, và ngài nghĩ đến việc phục vụcống hiến lâu dài cho việc phục hồi lại Phật giáo ở quê hương. Một trong những việc làm đó là giới thiệu tiếng Pali (được cho là tiếng Ma kiệt đà thời Đức Phật) vào chương trình giảng dạy ở các trường cũng như lấy lại vinh quang một thời của Trường Đại học Nalanda. Trước hết Jagdish thiết lập lại truyền thống khất thực như thời Đức Phật. Có thể nói, đây là lần đầu tiên sau gần một ngàn năm những người dân ở Ma kiệt đà nhìn thấy hình ảnh của một vị tăng quấn y vàng cầm bát đi khất thực. Và khi Jagdish tiếp xúc với họ, nói với họ bằng chính ngôn ngữ địa phương thì họ mới biết rằng ngài cũng là người Ma Kiệt Đà, làm cho họ ngạc nhiên sung sướng.

Do Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ suốt một thời gian dài, cho nên người dân Ma Kiệt Đà, dù thỉnh thoảng vẫn thấy hình ảnh của Đức Phật, nhưng họ không biết gì về Phật giáo. Họ cứ tưởng Đức Phật cũng là một vị thần như các thần khác của đạo Hindu. Thầy Jagdish đã giải thích cho họ hiểu về Đức Phậtlịch sử Phật giáoẤn Độ. Ngài cũng đọc một vài đoạn kinh Pali để cho họ thấy được sự gần gũi giữa tiếng Pali và tiếng Ma Kiệt Đà mà họ đang sử dụng, và nhấn mạnh trách nhiệm của họ là phải học ngôn ngữ cổ của tổ tiên họ. Ngài cũng chỉ ra cho họ thấy rằng rất nhiều địa danh ở Bihar (Ma Kiệt Đà thuộc bang Bihar) có từ thời Đức Phật cho thấy rằng ngày xưa Phật giáo đã thịnh hành ở đấy như thế nào. Ví dụ như làng Sari-Chak gần Nalanda gắn liền với tên của tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất). Mọi người thích thú lắng nghe Jagdish kể, một số người xúc động đến rơi nước mắt.

Mặc dù Jagdish cũng đi hoằng pháp ở nhiều nơi khác, nhưng ngài tập trung nhiều ở Patna (Hoa Thị Thành) và Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) bởi vì chúng thuộc Ma kiệt đà xưa. Ngài muốn thành lập trường đại học ở cả hai nơi. Ngài đã thuyết phục Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gaya và Nalanda đưa tiếng Pali vào chương trình giảng dạy và ngài sẽ dạy học ở đó hoàn toàn miễn phí. Các sinh viên trở nên thích thú với môn Pali do ngài dạy, bởi vì nó dễ hơn môn Sanskrit và hơn nữa cũng dễ kiếm điểm hơn. Trong khi Jagdish đang làm việc này thì chính phủ bang Bihar cũng có kế hoạch thành lập ba viện nghiên cứu về Sanskrit, Pali và Prakrit đại diện cho ba tôn giáoBà la môn, Phật giáoKỳ na giáo. Viện nghiên cứu Sanskrit sẽ đặt ở Mithila, viện Pali ở Nalanda và viện Prakrit ở Vaisali (Tỳ xá ly). Và Jagdish được mời để thành lập và tổ chức Học viện Pali ở Nalanda.

Ngài làm việc này với tất cả tâm huyết và đam mê. Ngày 20/11/1951, Jagdish tổ chức Lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng trường, có sự hiện diện của ngài Rajendra Prasad, tổng thống đầu tiên của Ấn Độ. Các nước Phật giáo khác đã gởi lời chúc mừng và đóng góp tiền của, kinh sách. Ngài Dalai Lama cử đại diện đặc biệt đến chúc mừng và tặng trường một tượng Phậtbộ kinh Tây Tạng. Trường Đại học Nalanda mới này cách trường Đại học Nalanda cổ không xa, và thu hút nhiều sinh viên từ các nước đến học tập, nghiên cứu.[16]

Tôn giả Jagdish từ lâu đã từng nghĩ đến việc làm một ấn bản Tam tạng giáo điển của Phật giáo bằng hệ thống chữ viết Devanagari[17] để tất cả sinh viên ngành Pali cả nước học, giờ ngài thấy thời cơ đã đến. Ngài bắt đầu liên lạc với chính phủ và các cá nhân, học viện trong cả nước cho việc này. Rất may là lúc đó chính phủ Ấn Độ cũng muốn tổ chức lễ kỷ niệm 2500 năm Đức Phật đản sinh, cho nên đề nghị của ngài đã được chính phủ tán thành. Dự kiến sẽ xuất bản 41 tập trong thời gian 5 năm. Ngài làm việc 18 giờ một ngày với những cộng sự và sinh viên cũng nhiệt tình không kém. Những khi thiếu chi phí, ngài phải bán nhà của ngài đề mà thanh toán. Nhờ đó mà tập 1 đã ra mắt kịp thời đúng vào ngày lễ Phật đản năm 1956. Và đến năm 1961 thì công trình đã hoàn thành mỹ mãn. Một lễ ra mắt đã được tổ chức ở Sarnath vào tháng 12/1961. Bộ sách đã được đệ trình lên Thủ tướng Jawanar Lal Nehru tại buổi lễ. Trong khi Bộ Thánh điển Phật giáo này đang trong quá trình in thì trường Đại học Sanskrit của Varanasi mời Jagdish làm giáo sư thứ nhất và trưởng khoa Pali và Phật giáo vào năm 1959. Ngài làm ở đây đến năm 1965 thì xin nghỉ hưu và trở về Nalanda và làm việc ở đó cho đến năm 1973.

Tôn giả Jagdish Kashyap là một nhà Phật học có cái nhìn phóng khoáng. Ngài cộng tác với Hội Đại Bồ Đề. Ngài ủng hộ Phật giáo Thái Lan ở Bồ Đề Đạo Tràng cũng như hiến cúng 1, 25 hecta đất và sáu tòa nhà ở Nalanda cho Tăng già Thái  vào năm 1974. Ngài cũng làm việc với Phật giáo Nhật ở Ấn Độ. Ngài được mời qua Nhật năm 1954 trong dịp lễ khánh thành đại tháp Vishva Santi, kết thân với thầy Nichidatsu Fujii cũng như liên hệ với phái Nhật Liên Tông của Nhật BảnẤn Độ. Năm 1970, ngài trở thành phó chủ tịch Hội tăng già Phật giáo Ấn - Nhật (Bharat - Japan Buddha Sangha). Jagdish rất xúc động với những gì xảy ra với nhà lãnh đạo Tây Tạng Dalai Lama, do đó ngài đã cố gắng hết sức để giúp đỡ những tăng sĩ Tây Tạng tỵ nạn ở Ấn Độ, như hiến cúng đất ở Sarnath và Nalanda cho họ sử dụng và giúp họ thành lập học viện Tây Tạng tại Trường Đại học Sanskrit ở Varanasi.

Tuy nhiên, đối với phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ, Jagdish không thể hiện trách nhiệm rõ ràng. Ngài giữ liên lạc với Tiến sĩ Ambedkar và phong trào Phật giáo ở Maharashtra từ những năm 1950, cũng như Phật giáo ở các vùng khác như Rajasthan, Uttar Pradesh. Đối với vấn đề cải đạo của những người thuộc tầng lớp thấp sang Phật giáo, ngài có quan tâm và cũng đôi lần làm lễ quy y cho họ. Tuy nhiên, vấn đề này không phải là mụch đích duy nhất của ngài. Có lẽ là do chương trình hoạt động của ngài bao hàm quá nhiều lĩnh vực làm cho ngài không thể dành nhiều thời gian cho vấn đề cải đạo.

Ngay từ đầu, Jagdish đã tỏ ra thích thú đối với thiền Phật giáo. Ngài không chỉ thực tập mà còn có nhiều kế hoạch để phát triển. Ngài tài trợ một chương trình phát triển Thiền tông ở Nalanda cũng như xây dựng chổ ở cho những thiền sinh đến tu tập mà sau đó ngài đã hiến cúng cho Phật giáo Thái Lan ở Ấn Độ. Ngài cũng ủng hộ hệ thống tổ chức thiền Minh Sát của S.N. Goenka.

Tôn giả Jagdish có một sức khỏe rất tốt do ngài làm chủ được vấn đề ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên, trong suốt năm năm thực hiện 41 tập Bộ Tam tạng Giáo Điển, ngài đã không quan tâm đến vấn đề sức khỏe của mình, và ngài đã bị mắc bệnh tiểu đường. Sau khi nghỉ hưu năm 1973, cũng là lúc sức khỏe của ngài ngày càng yếu. Hai năm sau thì ngài gần như không thể đi và cuối cùng thì nằm liệt giường. Ngài quyết định sống trong ngôi chùa Nhật ở Rajgir (tên mới của Rajagriha - thành Vương Xá, thuộc huyện Nalanda). Từ cửa sổ phòng ngài có thể nhìn thấy những ngọn đồi quanh thành phố cũng như tháp Hòa bình của Nhật trên một ngọn đồi gần đó. Tôn giả Jagdish mất ngày 28/1/1976 và được hỏa tán tại Nalanda.

8. Tỳ Kheo Nandabansha

Tỳ kheo Nandabansha sinh ngày 15/6/1909 trong một gia đình đạo Hindu (Ấn Độ giáo) ở làng Betbari, huyện Sibsagar, bang Assam, miền Bắc Ấn Độ. Cha ngài mất khi ngài lên chín. Vài năm sau thì mẹ cũng qua đời. Quá đau khổ, ngài đến với tôn giáo để tìm sự an ủi. Đầu tiên ngài đọc các kinh sách đạo Hindu, nhưng ngài không tìm thấy sự cứu rỗi. Tình cờ ngài đọc được kinh Pháp Cú nên bắt đầu thấy có cảm tình với Phật giáo. Ngài từ bỏ đạo Hindu và quy y Tam bảo năm 1930 tại Chùa Rahanpather với trưởng lão Uttamananda làm thầy tế độ. Ngài học Phật Pháp ở trường Nalanda Vidya từ năm 1934 đến 1937. Tháng 11 năm 1937, ngài thọ giới tỳ kheo tại chùa Rahanpather Buddha.

Năm 1939, tỳ kheo Nandabansha đến làng Desanpani cũng thuộc huyện Sibsagar và thành lập Chùa Phật ở đó. Cùng năm, ngài thành lập Hội Phật tử toàn Assam (All Assam Buddhhist Association) để đoàn kết Tăng niPhật tử ở Assam. Ngoài ra, Ananbansha cũng xây dựng nhiều trường học và học viện Pali tại nhiều vùng khác nhau trên Ấn Độ. Ngài cũng phối hợp hoạt động với các tổ chức phúc lợi xã hộitôn giáo khác. Nandabansha cũng là một tác giả sung sức với hơn 30 đầu sách về Phật giáolịch sử bằng tiếng Assam, làm cho Phật giáo được phổ biến trên vùng Assam.

9. Tỳ kheo Lakhera Ariyawansa

Lakhera Ariyawansa sinh ngày 23/10/1915 trong một gia đìnhtruyền thống Phật giáo ở làng Lakhera, huyện Chittagong, bang Bengal (ngày nay thuộc Bangladesh). Thuở nhỏ ngài học trường làng. Đến năm 1928 thì xuất gia làm sa môn với thầy Pragyalankar cùng huyện. Sau đó bắt đầu học Pali ở Trường Maha Muni Pali Bodhi Niketan. Năm 1930, Ariyawansa cùng với cha và thầy bổn sư đi hành hương các Phật tích ở Bắc Ấn. Khi ngài đến Sarnath thì tình cờ gặp sư Tích Lan Moligoda Ariyawansa cũng đang đi chiêm bái thánh tích như ngài. Và Lakhera Ariyawansa đã bày tỏ nguyện vọng muốn học Phật pháp với vị sư Tích Lan. Ariyawansa của Tích Lan hứa sẽ sắp xếp để cho ngài đến Tích Lan trong thời gian sớm nhất.

Sau chuyến Phật tích, Ariyawansa trở về nhà và tiếp tục học Pali và Phật pháp. Năm 1931, ngài được Tổng thư ký của Hội Đại Bồ Đề, ngài Devapriya Valisinha, cũng là người mà ngài gặp khi đi Phật tích, mời tham dự khóa huấn luyện và đào tạo tỳ kheo tại Sarnath, với mười nhà sư nữa đến từ Tích Lan. Tại đó, Ariyawansa học tiếng Pali và tiếng Tích Lan. Năm sau thì ngài được mời đi Tích Lan. Tại Tích Lan, Ariyawansa bắt đầu học chuyên sâu vào Tam tạng giáo điển cũng như ngôn ngữvăn học Tích Lan dưới sự hướng dẫn của trưởng lão Molligoda Ariyawansa, Hiệu trưởng của trường Pravachanodaya Oriental College. Cũng tại Tích Lan, ngài được thọ giới tỳ kheo vào tháng 6/1938. Ngài tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1941. Tháng 12/1941, sau chín năm rưỡi theo học tại Tích Lan, tỳ kheo Ariyawansa trở về quê hương Ấn Độ và bắt đầu giảng dạy Phật pháp, trong khi vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu. Từ năm 1942-1945, ngài theo học ở Trường Bengal Sanskrit Association, và được cấp bằng chuyên môn về kinh, luật, luận. Bốn năm tiếp theo, ngài sống tại chùa Abhaya tại quê nhà Chittagong để phục vụ dân làng và dạy họ Phật pháp.

Năm 1949, Ariyawansa nhận lời mời của Devapriya Valisinha làm việc cho Hội Đại Bồ Đề một thời gian ở Sarnath và Calcutta. Tháng 11/1950, ngài đến New Delhi để quản lý chùa Phật Đà (Buddha vihara) ở đó thay cho tỳ kheo Saddhatisa. Ở thủ đô Delhi, Ariyawansa có những hoạt động Phật sự tích cực như tổ chức lễ Phật đản, hội thảo và thuyết giảng về Phật pháp, đón tiếp chư tăng trong và ngoài nước, xuất bản về văn học Phật giáo. Ariyawansa cũng tiếp xúc với các lãnh đạo chính phủ như Thủ tướng Nehru, Tiến sĩ Ambedkar (đang làm Bộ trưởng Tư pháp)… để kêu gọi ủng hộ Phật giáo. Ngài đã góp phần trong việc thuyết phục chính phủ Ấn Độ đưa ngày Phật đản trở thành ngày lễ quốc gia.

Ngài cũng là một trong những người đón nhận cây bồ đề do thủ tướng Tích Lan tặng Ấn Độ năm 1964 nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Anagarika Dhammapala. Cây bồ đề được thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Lal Bahadur Shastri trồng tại công viên Đức Phật ở thủ đô Delhi. Ngài cũng đã thành lập chùa Jagajjoyti ở Delhi phục vụ cho cộng đồng Phật tử Bengal quê hương ngài.

Tỳ kheo Ariyawansa đã viết một số tác phẩm bằng tiếng Anh, Hindi và Bengali. Ngài là phó chủ tịch của Hội Đại Bồ ĐềẤn Độ một thời gian. Ngài kết hợp với các tổ chức Phật giáo trong và ngoài Ấn Độ như Tăng già Phật tử Thế giới, là cố vấn danh dự Viện nghiên cứu Phật giáo Thế giới ở Hàn Quốc, tham gia Hội nghị Phật tử Thế giới để kêu gọi cho hòa bình. Năm 1978, Ariyawansa tham dự Hội nghị Hội Liên hiệp Phật tử Thế giới theo lời mời của Hội Phật tử Nhật Bản. Tháng 10/1985, ngài dẫn phái đoàn Phật giáo Ấn Độ dự Hội nghị Phật giáoTrung Quốc.

Tỳ kheo Ariyawansa tính tình vui vẻ, cư xử lịch thiệp, và luôn tỏ ra thấu hiểu người khác. Với trình độ Phật pháp uyên thâm, ngài đã dạy, viết, diễn thuyếttham gia các hội nghị quốc tế  rất thành công. Nói chung, ngài là một nhà sư, nhà Phật học xuất sắc.[18]

10. Tỳ kheo Dharmarakshita

Dharmarakshita sinh ngày 1/4/1923 tại một ngôi làng nhỏ gần Kushinagar (Câu Thi Na - nơi Đức Phật nhập Niết bàn). Dharmarakshita là một trong những học sinh đầu tiên của trường tiểu học do trưởng lão Miến Điện U Chandramani thành lập năm 1929 với mụch đích truyền bá Phật giáo. Rồi ngài đổ trung học phổ thông, trong đó môn Pali đạt điểm thủ khoa. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phật giáo (Buddha College) ở Kusinagar, Dharmarakshita theo học Trường Đại học Hindu Bararas (Banaras Hindu University), rồi thạc sĩ, và cuối cùngtiến sĩ ở Trường Đại học Ranchi với đề tài Buddha Yoga Sadhana (tạm dịch: Con Đường Thiền Định Của Đức Phật).

Trong lúc đang học trung học phổ thông, Dharmarakshita đã bộc lộ thiên hướng về Phật giáo. Ngài trãi qua hầu hết thời gian với trưởng lão Chandramani. Ngày 28/4/1942, với sự cho phép của cha mẹ, ngài xuất gia làm sa môn, rồi thọ tỳ kheo hai năm sau đó. Không lâu sau đó thì ngài đi Tích Lan để học Tam tạng giáo điển ở Trường Cao đẳng Đông phương Maha Matinda (Maha Matinda Oriental College). Đây là một trường dạy Phật pháp rất tốt, và Dharmarakshita đã được trao chứng nhận xuất sắc là người đã thuộc Tam tạng giáo điển.

Trở về từ Tích Lan, Dharmarakshita lại học tiếng Hindi và Urdu cũng như nghiên cứu kinh Vệ Đà. Với kiến thức sâu sắc về Phật giáo, Dharmarakshita tham gia hoặc động Phật sự với Hội Đại Bồ Đề. Ngài trãi qua hầu hết cuộc đời ở Sarnath và phục vụ Phật pháp với nhiều hình thức. Trong nhiều năm, ngài là chủ biên của tờ Dharmaduta (Pháp Giới) tiếng Hindi, thuộc Hội Đại Bồ Đề. Trong suốt những năm ngài làm chủ biên, tờ Dharmaduta trở thành một tập san hàng đầu và đóng góp tích cực vào việc truyền bá Chánh pháp trong cộng đồng người nói tiếng Hindi.

Tỳ kheo Dharmarakshita là một nhà giáo dục lỗi lạc. Ngài làm giảng viên dạy Pali cho Trường Cao đẳng Đại Bồ Đề (Maha Bodhi College) ở Sarnath trong 10 năm. Và từ năm 1959, ngài trở thành Hiệu trưởng của trường suốt 15 năm nữa. Ngài cũng là thành viên của Trường Đại học Sanskrit Varanaseya, hướng dẫn nghiên cứu sinh của Trường Đại học Agra. Ngài tham gia Hội nghị Liên hiệp Phật tử Thế giới ở Miến Điện năm 1954 và là khách mời đặc biệt tại Đại hội Phật giáo lần thứ sáu tại Miến Điện năm 1956. Ngài cũng hợp tác tích cực với Hội Tăng già Kusinagar, Vaishali, Bhartiya.

Tỳ kheo Dharmarakshita biết đến Tiến sĩ Ambrdkar từ năm 1943. Ngài viết rằng:

“Đó là năm 1943. Tôi đang biên soạn một quyển sách của tôi ở trong phòng của một tu viện ở Kushinagar. Lúc đó là chín giờ sáng. Hai người bước vào phòng và đứng cạnh bàn. Tôi ngước lên nhìn thì thấy người quản lý tu viện với một người đàn ông hơi cao, nước da sáng và đầy cá tính. Tôi liền hỏi người quản lý “Ngài đến khi nào?”.  “Chúng tôi vừa mới đến”, người quản lý trả lời và quay sang người đàn ông bên cạnh giới thiệu: “Ngài ấy là Tiến sĩ Bhim Rao Ambedkar”. Nghe vậy, tôi tự hỏi, Tiến sĩ Ambedkar, người giải phóng cho giai cấp cùng đinh, người mà tôi rất thích những bài phát biểu và bài viết của ngài ấy, đang đứng trước mặt tôi sao? –“Ngài đang viết cái gì vậy?” vị tiến sĩ hỏi. –“Bất cứ cái gì liên quan đến chế độ giai cấp đề cập trong Tam tạng giáo điển. Tôi đang thu thập chúng và dịch sang tiếng Hindi”, tôi trả lời. –“Rất tốt, tôi cần những tỳ kheo như thế”, Ambedkar nói tiếp với giọng chắc nịch “tiếp tục viết và truyền bá Phật pháp. Khi viết xong hãy gởi chúng đến Sant Ram ở Lahore cho tôi nhé. Tôi sẽ phụ trách xuất bản cho”.

Quả đúng như vậy. Khi bản thảo đến tay Ambedkar ở Lahore, chúng được xuất bản ngay lập tức.

Khi Tiến sĩ Ambedkar tổ chức quy y tập thể cho nửa triệu người thuộc giai cấp thấp vào tháng 10/1956, Dharmarakshita đã tham gia tích cực. Và lần cuối ngài gặp Ambedkar tại Sarnath vào tháng 11/1956. Dharmarakshita đã đóng góp tích cực trong phong trào phục hưng Phật giáo do Ambedkar khởi sướng, cũng như đã viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Marathi để phục vụ hàng Phật tử ở Maharashtra, quê hương của Ambedkar.

Tỳ kheo Dharmarakshita là một học giả Phật học nổi tiếng. Ngài đã viết hơn 50 chuyên đề về Phật giáo bằng tiếng Hindi và Pali. Do sự cống hiến này, Trường Đại học Nalanda đã cấp ngài bằng Hậu tiếndanh dự vào năm 1971. Ngài viên tịch này 23/5/1977 khi ngài 57 tuổi.



[1] Nội dung này hầu hết  được chúng tôi trích dịch từ quyển The Pioneers of Buddhist Revival in India (Những người tiên phong trong phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ), Nxb. India Books Center, Delhi, Ấn Độ, 1912.

[2] Tác giả quyển Cốt lõi của đạo Phật (The Essence of Buddhism) tiến sĩ Ambedkar đánh giá rất cao.

[3] Người đã cấp học bổng cho Ambedkar.

[4] Một loại ngôn ngữ cổ Ấn Độ được hình thành từ thế kỷ I đến thế kỷ IV và phổ biến từ thế kỷ VII-X.

[5] Barua là một tộc người ở Nam Ấn, rất có truyền thống Phật Pháp. Chittagong là cách đọc trại của người Anh từ chữ Caittagram hay Cetiyagāma, có nghĩa là ngôi làng của những chùa tháp. Cho thấy Phật giáo ở đây đã từng thịnh vượng như thế nào.

[6] Đa số người Begali ở bang Tây-Bengal ở Nam Ấn. Có lẽ cha mẹ của Bodhananda di cư đến Uttar Pradesh và sinh ngài ở đây.

[7] Tài liệu không ghi rõ Rahul muốn cầu điều gì.

[8] Arya Samaj (Hội cao thượng) được Dayananda Saraswati sáng lập ngày 7/4/1875. Đó là một phong trào cải cách Ấn giáo Ấn Độ nhằm nâng cao các giá trịthực hành dựa theo kinh Vệ Đà.

[9] Nhưng không có kết quả vì thái độ nữa vời của các lãnh đạo Đảng Quốc Đại, và chỉ được chuyển giao năm 1949.

[10] Tịch Hộ (zh. 寂護, sa. śāntaraksita), 750-802, là một cao tăng Ấn Độ thuộc Trung quán tông. Ngài là người truyền bá Phật giáo sang Tây Tạng thời kì đầu. Ngài theo Trung quán nhưng có tính chất dung hòa với Duy thứcvì vậy, ngài và đệ tửLiên Hoa Giới (sa. Kamalaśīla) được xem là đại biểu của hệ phái Trung quán - Duy thức (sa. madhyamaka-yogācāra). Một trong những tác phẩm quan trọng của ngài là Nhiếp Chân Thật Luận (攝真實論, sa. tattvasamgraha).

[11] Bộ Hiến pháp được Tiến sĩ Ambedkar biên soạn bằng tiếng Anh. Sau đó Chính phủ cho phiên dịch sang tiếng Hindi.

[12] Một giải thưởng Văn chương Ấn Độ, trao tặng cho tác phẩm xuất sắc nhất của năm.

[13] Nguyên bản ghi là “đang đọc sách tiếng Anh”, nhưng tôi dịch là sách Tây, vì nó giống như trường hợp mấy ông thầy đồ mà đọc sách tiếng Pháp ở nước ta trước đây vậy. Trông ngồ ngộ.

[14]Ấn Độ có khoảng 29 ngôn ngữ chính. Phổ biến nhất là tiếng Hindi. Còn tiếng Punjab đứng hàng thứ 11.

[15] Không biết tại sao Rahul lại không thích. Nếu là thiền Đại thừa thì họ có lý do để không thích. Nhưng đó là thiền Nguyên thủy thì sao? Hay là cũng giống như một số vị ở Việt Nam, chỉ học Phật pháp nhưng không thích thiền.

[16] Hòa thượng Thích Minh Châu học ở trường này.

[17] Có thể hiểu Devanagari như là một bản chữ cái mà làm cơ sở cho nhiều ngôn ngữ khác của Ấn Độ như Hindi, Marathi, Nepali, Pali, Konkani, Bodo, Sindhi and Maithili… Hình thành từ thế kỷ thứ I. Devanagari có bốn mươi bảy ký tự chính, trong đó mười bốn nguyên âm và ba mươi ba là phụ âm.

[18] Không biết Ariyawansa mất năm nào. Chỉ biết đến năm 1989, năm xuất bản tác phẩm The Pioneers of Biddhist revival in India mà tôi đang dựa vào để viết phần này, thì ngài vẫn còn sống.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32376)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.