Phần 3: Phật giáo Ấn Độ: Suy tànPhục hưng

25/05/20185:25 SA(Xem: 5859)
Phần 3: Phật giáo Ấn Độ: Suy tàn và Phục hưng
Thích Trung Hữu
SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ & 
VAI TRÒ CỦA  TIẾN SĨ AMBEDKAR
Nhà Xuất Bản Phương Đông

Phần 3

PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ:

SUY TÀNPHỤC HƯNG

 

1. Phật Giáo Suy TànẤn Độ

Sau khi Đức Phật nhập diệt thì Phật giáo tiếp tục phát triển và mở rộng, cả về phương diện địa lý lẫn tư tưởng. Về phương diện địa lý, Phật giáo lan tỏa ra các vùng xa xôi khác của Ấn Độ. Đặc biệt dưới thời vua A Dục (Asoka), Phật giáo đã được truyền ra nước ngoài như Miến Điện, Tích Lan… Dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca, Phật giáo truyền sang Trung Quốc. Đến thế kỷ VIII lại truyền qua Tây Tạng… Về phương diện tư tưởng thì ta thấy có sự ra đời của Phật giáo bộ phái, sự phát triển của A tỳ đạt ma, nhất là sự hình thành Phật giáo Đại thừa, rồi Mật tông, Trung quán, Duy thức, Nhân minh… Ấy vậy mà trong quá trình phát triển như thế, Phật giáoẤn Độ, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, cũng đã bộc lộ những dấu hiệu suy thoái, để rồi cuối cùng gần như diệt vong trên mảnh đất mà nó được sinh ra. Đúng như triết gia và nhà Phật học người Đức Edward Conze nhận định: “Câu chuyện của Phật giáo Ấn Độ không phải lúc nào cũng vinh quang, mà có lúc cũng rất buồn”.

1. 1. Nguyên Nhân Của Sự Suy Tàn

Về nguyên nhân chủ quan. Một trong những nguyên nhân làm cho Phật giáo Ấn Độ bị suy tàn là do sự tha hóa của tăng đoàn. Theo tường thuật của Pháp Hiển, Huyền TrangNghĩa Tịnh, những người đến Ấn Độ vào thế kỷ V, VI, VII thì lúc bấy giờ các tăng sĩ Ấn Độ đã sống một cách xa hoa và không biết tiết độ. Họ có gia đình và đem cả vợ con vào chùa ở mà không hề biết xấu hổ. Họ nuôi tớ trai, tớ gái. Các chùa bắt đầu làm kinh tế, và chư tăng trở thành thương gia hay nhà công nghiệp. Họ cũng chăn nuôi và sở hữu những tài sản khổng lồ. Nói chung thì họ chỉ thích làm công việc thế gian, trong khi đó thì hoàn toàn lơ là với lời Phật dạy, không học cũng không tu hành gì hết.

Thật ra sự suy thoái đạo đức của chư tăng Ấn Độ còn nhiều khía cạnh để bàn chứ không thể nhìn một cách đơn giản. Ví dụ như thời vua A Dục, do vì vua quá ủng hộ Phật giáo nên chư tăng được nhiều ưu đãi. Điều này đã thu hút những tầng lớp bất hảo của xã hội. Họ vào chùa để khỏi phải đi lính và lao động nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi. Đã thế thì hẳn nhiên họ không thể nào tu hành một cách chân chánh. Điều này đã làm cho những vị chân tu bất bình và kết quả là suốt bảy năm không hề tổ chức an cư kiết hạbố tát. Vua A Dục phải làm một cuộc thanh lọc và đuổi sáu chục ngàn tăng sĩ giả ra khỏi tăng đoàn. Dù sao đi nữa thì tình trạng sa đọa của chư tăng là có thật, và điều này đã góp phần không nhỏ vào sự suy tàn của Phật giáoẤn Độ.

Thiếu tổ chức là một nguyên nhân khác của sự suy tàn. Phật giáo từ xưa đến nay không có một tổ chức chặt chẽ đối với tăng đoàn và nhất là đối với cộng đồng phật tử tại gia. Các tín đồ Phật giáo không có một sự liên kết đồng nhất và xây dựng một tổ chức đặc thù cho hàng tại gia như tín đồ ở các tôn giáo khác. Tính không tổ chức ở đây còn thể hiện ở chỗ là Phật giáo không có một chương trình để ràng buộc tín đồ gắn bó với đạo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở các tôn giáo khác, khi đứa trẻ vừa sinh ra thì họ đã đem đến đền thờ hoặc nhà thờ để làm lễ cho đứa bé, như lễ rửa tội của đạo Thiên Chúa, coi như đứa trẻ đó đã là một tín đồ rồi. Cho nên một người theo đạo là cả nhà theo đạo, một nhà theo đạo là cả dòng họ theo đạo, và được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Còn đối với Phật giáo, theo đạo là một việc làm tự nguyện, hơn nữa còn được khuyến khích là hãy suy nghĩtìm hiểu kỹ càng trước khi quy y. Truyền thống này thật ra đã có từ thời Đức Phật. Đức Phật ngài không bao giờ tìm cách để kêu gọi người khác quy y cho đến khi nào người ta thật sự mong muốn. Tuy nhiên, khi Đức Phật còn tại thế, người ta đến với đạo Phật thông qua nhân cách tuyệt vời của Đức Phật. Nhưng khi Đức Phật không còn nữa, nếu như chư tăng không thể thu hút họ thì họ hoặc là con cháu của họ sẽ không còn theo đạo nữa.

Việc không thành lập một cộng đồng Phật giáo chuyên biệt, lúc bình thường thì có vẻ như vô hại, nhưng khi Phật giáo gặp nạn thì không thể nào chống đở nổi vì không có tổ chức, không có người lãnh đạo, và điều này đã đúng với Phật giáo Ấn Độ. Khi Hồi giáo xăm lăng Ấn Độ, họ sát hại tất cả các tôn giáo bản địa khác như đạo Hindu (Ấn Độ giáo), đạo Jain (Kỳ na giáo), và dĩ nhiênđạo Phật, tuy nhiên trong khi những tôn giáo khác phục hồi lại được thì chỉ có Phật giáo là bị diệt vong tại Ấn Độ. Đó là vì sao? Vì các tín đồ Phật giáo, như Jacobi đã chỉ ra, “như thể là người ngoài, người bạn, và người ủng hộ của tăng đoàn mà thôi”. Còn tăng đoàn thì họ còn cúng dường, ủng hộ. Khi tăng đoàn tan rã thì họ cũng tan rã theo. Không có ai đứng ra kêu gọi bảo vệ Phật pháp.

Về nguyên nhân khách quan. Đầu tiên và trước hết là phải kể đến sự thù hằn của đạo Bà la môn nói chung.  Lý do là: Thứ nhất, Phật giáo chủ trương bình đẳng giai cấp, vì thế đã đe dọa vị trí “cao quý” của giai cấp Bà la môn. Thứ hai, Phật giáo cũng chống lại việc hiến tế động vật, đã làm mất đi một nguồn lợi lớn của các giáo sĩ làm nghề tế lễ này. Người Ấn có thói quen mời các đạo sĩ làm lễ cúng các vị thần ở làng hay gia đình họ. Do ảnh hưởng của Phật giáo, người ta không còn tin và không còn mời các đạo sĩ làm lễ nữa, do đó mà các đạo sĩ này bị mất đi nguồn lợi lớn, nên họ đã kết hợp với nhà cầm quyền để chống lại Phật giáo.

 Đặc biệt là khi Phật giáo gần như trở thành quốc giáo dưới thời vua A Dục, nghĩa là đe dọa sự tồn tại của họ, thì dĩ nhiên các Bà la môntín đồ của họ không thể làm ngơ. Do đó họ phát động một phong trào chống lại Phật giáo với nhiều hình thức. Một mặt họ gieo rắc tâm lý thù hằn đối với chư tăng, như tuyên truyền rằng nếu ai gặp phải chư tăng thì sẽ rất là xui xẻo. Mặt khác họ đồng hóa Phật giáo vào trong tôn giáo của họ, như tuyên truyền Đức Phậthóa thân thứ chín của thần Vishnu, và Phật giáo là một nhánh của Bà la môn giáo. Cho nên thay vì theo Phật giáo, tốt hơn là nên theo Bà la môn giáo. Giáo sư K. T. S. Sarao của Trường đại học New Delhi viết trong tác phẩm Sự Suy Tàn Của Phật GiáoẤn Độ rằng: “Các Bà la môn đã đồng hóa tôn giáo của Đức Phật vào trong hệ thống Bà la môn và làm cho ranh giới giữa Phật giáoBà la môn giáo trở nên bất phân là điều có thật. Và điều này đã tác động đáng kể vào sự suy tàn của Phật giáoẤn Độ.”[1]

Bên cạnh các giáo sĩhọc giả Bà la môn giáo tấn công Phật giáo trên mặt trận tư tưởng, các ông vua Bà la môn đã dùng bạo lực để đàn áp tôn giáo của Đức Phật. Vua Pusyamitra, người sáng lập ra triều đại Sunga, sau khi lên ngôi đã tiến hành khôi phục lại Bà la môn giáo vốn mất vị trí độc tôn dưới thời vua A Dục. Một mặt vua cho khôi phục việc hiến tế súc vật, mặt khác ra sức tiêu diệt Phật giáo bằng cách phá hủy chùa chiền, đền tháp và tàn sát chư tăng, làm cho Phật giáo trong thời kỳ này không chỉ mất đi sự ủng hộ của hoàng gia như trước đây mà mà còn bị tổn thương nặng nề. Vua Sasanka (603-620) đối với Phật giáo còn nặng tay hơn nữa. Theo ghi chép của Huyền Trang thì vua Sasanka, ngoài việc phá các chùa chiền, còn quăng phiến đá có dấu chân Phật xuống sông Hằng,[2] chặt cây bồ đềBồ Đề Đạo Tràng, thay tượng PhậtBồ Đề Đạo Tràng bằng tượng thần Siva. 

Nếu như sự thù hằn của Bà la môn giáo làm cho Phật giáo Ấn Độ bị suy yếu thì sự tấn công của người Hồi giáo đã bứng Phật giáo ra khỏi nơi nó sinh ra. Người Hồi giáo Ả Rập bắt đầu xăm lược Ấn Độ vào thế kỷ thứ VII. Đến thế kỷ thứ XI là người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ.  Để cho tiện việc thiết lập tín ngưỡng của họ, những người Hồi giáo đã ra tay mạnh mẽ đối với các tôn giáo bản xứ. Theo Amitabha Chatterjee trong Ai Hủy Diệt Đại Học Nalanda thì có đến hàng ngàn tăng sĩ đã bị quăng vào lửa hoặc bị chặt đầu. Những người sống sót thì tìm cách chạy trốn sang các nước lân cận như Trung Quốc, Nepal, Tây Tạng, trong khi hàng triệu tín đồ bị bắt buộc cải đạo sang Hồi giáo.

Vấn đề là tại sao những tôn giáo khác cũng bị đàn áp như Phật giáo mà họ có thể phục hồi lại được, trong khi Phật giáo thì không? Theo Ambedkar thì đó là do cơ chế tu sĩ Phật giáo khác với Bà la môn giáo. Đối với Phật giáo, không phải ai cũng có thể làm tăng, nhưng một Bà la môn cha thì tự nhiên sinh một Bà la môn con. Sự tồn tại của một tôn giáo về căn bản, rõ ràng phụ thuộc vào vai trò của tầng lớp tu sĩ rất lớn. Bằng cách giết hại chư tăng, người Hồi coi như đã giết Phật giáo.[3] Ambedkar đã viết như thế trong Thanh Gươm Của Hồi Giáo (Sword of Islam) rằng:“Thanh kiếm của người Hồi giáo đã giáng mạnh xuống tầng lớp tu sĩ, làm cho họ hoặc chết hoặc trốn ra nước ngoài, không còn ai giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp.”

Không nghi ngờ gì nữa, cuộc tấn công và tàn sát của người Hồi giáo thật sự là một cơn ác mộng đối với Phật giáo, là nắm đấm quyết định vận mệnh Phật giáo Ấn Độ, làm cho tôn giáo của Đức Phật không thể nào trụ lại được trên mảnh đất mà nó sinh ra. Theo nhà Phật học Ahir, những gì mà đạo Hindu chưa làm xong (trong việc tiêu diệt Phật giáo) thì được hoàn tất bởi những người Hồi giáo cuồng tín vậy.

Thật ra sự thụ động của chư tăngPhật tử Ấn trước sự tàn sát của Hồi giáo một phần cũng do tâm lý. Ngài Huyền Trang kể lại rằng khi ngài đang ở Ấn Độ thì đã nghe nói về thuyết mạt thế rồi. Người ta tin rằng Phật giáo sẽ bị tiêu diệt 1.500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Đó là số phận của Phật giáo. Cho nên khi người Hồi giáo đến, người Phật tử nghĩ rằng thời kỳ Phật giáo đã kết thúc, cho nên họ đã không chống lại người Hồi. Trường hợp chư tăng của Đại học Nalanda là một ví dụ. Nhiều sử liệu ghi lại rằng hàng ngàn tăng sĩ của Trường đã ngồi im cho mấy chục quân Hồi mặc tình chém giết. Họ không đánh trả lại là do họ thực hành hạnh bất bạo động, nhưng chắc là họ cũng bị ảnh hưởng bởi thuyết mạt thế đang thịnh hành thời bấy giờ?

Trên đây là những nguyên nhân nổi bật được cho là góp phần làm suy tàn Phật giáoẤn Độ. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác nữa. Ví dụ như có học giả cho rằng do vì Phật giáo dựa quá nhiều vào giai cấp lãnh đạo, nên khi triều đại này sụp đổ mà gặp triều đại kế tiếp không ủng hộ thì Phật giáo liền suy yếu ngay. Học giả James Atkins trong quyển Những Tôn GiáoTrung Quốc thì tin rằng Phật giáo Ấn Độ suy tàn là do các tăng sĩ lỗi lạc của Ấn Độ đi ra nước ngoài để truyền bá Phật giáo nên không còn ai giữ gìn Phật giáo trong nước. Có người thậm chí còn quy tội cho Phật giáo Mật tông, cho rằng một số nghi thức của Mật tông liên quan đến tính dục đã làm yếu đi nền tảng đạo đức của tăng sĩ. Một số học giả Bà la môn thì đổ thừa Phật giáo suy tàn là do đệ tử Phật không tin vào Thượng Đế, và thẩm quyền của Vệ Đà. Tuy nhiên, lý thuyết này không vững, bởi vì Kỳ na giáo, ví dụ, cũng đâu có tin vào Thượng ĐếVệ Đà, nhưng nó vẫn tồn tạiẤn Độ cho đến ngày nay.

Mặt dù có rất nhiều yếu tố được đưa ra để lý giải cho sự suy tàn của Phật gíáo ở Ấn Độ, nhưng thật ra thì cũng chưa ai xác định được đâu là nguyên nhân thật sự làm cho Phật giáoẤn Độ bị suy tàn. Bởi vì những sự kiện mà ta đưa ra ở đây, chúng cũng xảy ra đối với các tôn giáo khác cũng như với Phật giáo ở những nước khác. Ví dụ như cho rằng Phật giáo suy tàn là do sự suy đồi đạo đức của chư tăng nên tín đồ đã quay lưng lại với họ thì cũng không đúng lắm. Trong lịch sử tôn giáo, chưa thấy có tôn giáo nào bị diệt vong chỉ vì lý do đạo đức. Hơn nữa chúng ta nên nhớ rằng, bên cạnh những người “phá giới phạm trai” còn có những vị khác mà đời sống của họ rất là gương mẫuphạm hạnh. Họ chính là rường cột của Phật pháp, chống đở ngôi nhà Phật pháp trong lúc suy vi. Hay khi Phật giáo từ Ấn Độ mới truyền vào Trung Quốc, nó cũng vấp phải sự chống đối từ các tôn giáo bản địa của người Trung Quốc như Khổng giáo, Lão giáo, rồi các pháp nạn Tam Võ Nhứt Tôn… Nhưng Phật giáo Trung Quốc vẫn không rơi vào tình cảnh tiêu vong như ở Ấn Độ. Có lẽ nói như Kane, không phải một hay một vài nguyên nhân mà làm cho Phật giáoẤn Độ suy vong mà là sự kết hợp của tất cả các nguyên nhân, chủ quan và khách quan, tương tác lẫn nhau trong một thời gian dài mới làm cho Phật giáo Ấn Độ thành ra như thế. Nếu không, chúng ta cũng đành tin vào hai chữ định mệnh huyền bí. Định mệnh của Phật giáo Ấn Độ là như thế.

1. 2. Tình Trạng Suy Tàn

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, đa sắc tộc, đa tôn giáothường xuyên bị chia cắt thành nhiều tiểu quốc. Tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị, xã hội của triều đại hay khu vực mà tình trạng của Phật giáo cũng thịnh suy khác nhau. Vì vậychúng ta không thể xác định chính xác thời gian nào Phật giáo bắt đầu suy tàn. Nhiều khi ở khu vực này Phật giáo đã có dấu hiệu của sự suy tàn nhưng ở khu vực khác Phật giáo lại cực thịnh. Ngay cả trong phạm vi một tiểu quốc tình trạng cũng rất khác nhau.

Ví dụ như vua A Dục là một Phật tử thuần thành, nhưng vợ ông lại rất ganh tỵ với Phật giáo, đã nhiều lần chặt cây bồ đềBồ Đề Đạo Tràng. Ngược lại, các vua triều đại Gupta (320-550) là những tín đồ của đạo Bà la môn nhưng dưới thời đại này một số học giả Phật giáo như ngài Thế Thân chẳng hạn, lại rất được ủng hộ. Trường Đại học Nalanda đã phát triển rực rỡ trong thời kỳ đầu thành lập chính cũng nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tâm của các đại đế triều đại Gupta. Hay như giai đoạn từ năm 700 đến 1150, trong khi người ta nghe rất ít về Phật giáo ở Punjab, Haryana, UP, Bihar, Bengal and Orissa và một phần của Rajasthan, thì ở Kasmir, Bengal và Bihar, Phật giáo lại rất phồn thịnh dưới sự cai trị của các vị vua của triều đại Pala, là những tín đồ của Phật giáo Đại thừaMật tông.

Một trong những biểu hiện của sự suy tàntình trạng thoái hóa về tu dưỡng đạo đức và học tập Phật pháp của người tu. Điều này ta đã nói ở phần nguyên nhân suy tàn. Ngoài ra là sự bỏ hoang của các tự viện, sự giảm thiểu số lượng người tu và tín đồ. Ví dụ như khi Pháp Hiển đến Ấn Độ những năm 399 - 414, thì Phật giáo ở Madhyadesa và Kusinagar (Câu Thi Na - nơi Phật nhập Niết bàn) còn tương đối khá, nhưng khi Huyền Trang đến (629-645) thì Phật giáo gần như không còn sức sống, chỉ có một số ít tu viện là còn nguyên vẹn, còn phần lớn thì đều đổ nát và rơi vào hoang phế.

Ở nhiều nơi, Phật giáo bị thay thế bởi Bà la môn giáo, và tượng Phật bị thay thế bằng tượng thần của tôn giáo họ. Huyền Trang chứng kiếnxung quanh Bồ đề đạo trạng chỉ có sáu chùa Phật, nhưng có đến mười đền thờ thần. Ở Janapada chỉ có hai chùa Phật với vài thầy nhưng có đến hàng trăm đền thờ thần với một số lượng lớn đạo sĩ Bà la môn. Ở Varanasi có khoảng ba mươi chùa với ba ngàn tăng, trong khi đó đền thờ Bà la môn thì có hơn một trăm với hơn mười ngàn tín đồ của họ. Ở Asam, người ta không còn tin Phật giáo mà chỉ thấy có sự hiện diện của Bà la môn giáo. Điều đáng nói nữa là chư tăngtrình độ rất thấp, nhưng ngoại đạo đều là những người có trình độ học vấn cao.

Như trên đã có nói, thật khó xác định thời gian nào Phật giáo bắt đầu suy tàn. Nhưng rõ ràng là từ sau thế kỷ XII, Phật giáo gần như hoàn toàn suy vong ở Ấn Độ, ngoại trừ một vài vùng ven Hy Mã Lạp Sơn. Người ta kể rằng, khi vua Akbar (1556-1605) của triều đại Mô-gôn, triều đại Hồi giáo Mông Cổ, muốn tìm hiểu về tất cả các tôn giáo đương thời, người ta đã giới thiệu cho nhà vua biết về đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Kỳ na, đạo Thiên Chúa, đạo thờ lửa, nhưng không có ai giới thiệu ông về Phật giáo cả. Tuy nhiên cũng có tài liệu ghi rằng sau khi Hồi giáo chinh phục Ấn Độ thì tình hình Phật giáo tuy có suy thoái nhưng không đến nổi diệt vong. Nhà sử học Tây Tạng Taranatha thuật lại rằng nhiều học giả Phật giáo đã chạy nạn từ Bắc Ấn xuống phía Nam sau khi miền Bắc bị người Hồi xăm chiếm. Trong tác phẩm Tính Chất Của Năng Lục Sống Trong Sự Bất Tử (viết năm 1582), tác giả Krsnadasa Kaviraja kể lại rằng triết gia Hindu Sri Caitanya trong chuyến đi của ông xuống miền Nam Ấn vào năm 1510 đã tranh luận với nhiều tu sĩ Phật giáo và ông đã bị thua. Trong khi đó theo nghiên cứu của Giáo sư Sarao của Trường Đại học New Delhi thì khi  Abul Fazal (1551-1602 - Sử quan của vua Akbar) đến thăm Kasmire (Kế Tân) thì gặp vài người lớn tuổi tự xưng là phật tử. Qua những chuyện trên ta thấy rằng Phật giáo chưa bao giờ bị đứt đoạn ở Ấn Độ, mà nó vẫn tồn tại dù chỉ là leo lét mà thôi. Cho nên giáo sư Sarao đề nghị rằng, thật là không đúng khi chúng ta dùng những thành ngữ như ‘biến mất’ hay “diệt vong” để chỉ tình trạng Phật giáo Ấn Độ. Còn Tiến sĩ Ambedkar thì cho rằng tuy về hình thức, Phật giáo đã không còn ở Ấn Độ nhưng về mặt tinh thần thì nó vẫn luôn luôn tồn tại.

Khi nói về tình trạng Phật giáo Ấn Độ, nhà Phật học người Ấn, Giáo sư Ahir, trong Di Sản Của Phật Giáo, đã dùng những lời hết sức cảm khái như sau:

Phật giáo sau lần cuối cùng bị khủng bố bởi quân Hồi giáo đã hạ màn cuối cùng trên sân khấu Ấn Độ để rồi sau đó chìm vào im lặng, sự im lặng của lãng quên. Các thánh tích bị đổ nát và che phủ trong những cánh rừng âm u. Các tự viện và đền tháp bị chuyển đổi sang các tôn giáo khác. Và Đức Phật thì hầu như bị quên lãng trong ký ức của mọi người từ khi Ngài bị đồng hóa vào trong hệ thống khổng lồ của các vị thần Bà la môn giáo.[4]

2. Sự Phục Hưng Phật Giáo Ấn Độ

Sự phục hưng của Phật giáoẤn Độ có thể phân làm hai giai đoạn, là giai đoạn tiền đề và giai đoạn phát triển. Giai đoạn tiền đề từ năm 1750 đến năm 1891. Hoạt động chủ yếu trong giai đoạn này là sự phát hiện các di tích Phật giáo bởi các nhà khai quật và khảo cổ, mang Phật giáo trở về sự chú ý của mọi người. Ngoài ra còn có các hoạt động văn học về Phật giáo. Giai đoạn phát triển bắt đầu từ năm 1891 đến năm 1950. Giai đoạn này đánh dấu bằng sự xuất hiện của một tu sĩ người Tích Lan: Tỳ kheo Anagarika Dhammapala. Ông đến Ấn Độ vào năm 1891 và chính thức kêu gọi phục hưng lại tôn giáo của Đức Phật. Trong giai đoạn này có nhiều hoạt động sôi nổi để khôi phục và chấn hưng Phật giáo trên đất nước mà nó đã được sinh ra hơn 2.000 năm trước. Trong phần này ta không đề cập đến những hoạt động của Ambedkar, vì sẽ dành một phần riêng để nói về vai trò của ông. Năm 1950 là năm Ambedkar từ chức chức Bộ trưởng Tư pháp để tập trung vào khía cạnh tôn giáo, cho nên ta tạm thời lấy năm đó làm móc giới hạn cho giai đoạn phát triển, và khởi đầu cho những hoạt động của Ambedkar. Nên nhớ là sự phân chia giai đoạn như vậy chỉ là tạm thời cho tiện việc nghiên cứu mà thôi, chứ trước năm 1950 Ambedkar đã có những hoạt động tôn giáo rồi.

2. 1. Giai Đoạn Tiền Đề

2. 1. 1. Các Công Trình Khai Quật

Phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ được khởi đầu bằng các phát hiện của nhà khảo cổ học người Anh Padre Tieffenthaler về  trụ đá của vua A Dục ở thủ đô Delhi vào năm 1750.  Sự phát hiện này làm cho họ rất ngạc nhiênthích thú. Vì thế ông đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm, và có những kết quả đáng khích lệ. Cũng năm 1750 ông phát hiện thêm trụ đá của vua A Dục ở Kausambi. Tiếp theo đó là sự khám phá trụ Lauriya-Araraj ở Bihar vào năm 1784. Năm 1785, trụ Delhi-Topra ở Ferozshah Koat, Delhi cũng được Đại úy Polier khám phá. Ông giới thiệu những câu khắc trên đó cho ông William Jones, người thiết lập Hội Á Châu Bengal ở Calcutta vào năm 1784. Mục đích của Hội là sưu tập, giải mã và dịch những mảnh khảo cổ do những thành viên của hội tìm được.

Năm 1819, hang động Ajanta được hai người lính Anh tình cờ phát hiện. Hang động Ajanta là một quần thể hang đá trên sườn núi ở làng Ajintha thuộc quận Aurangabad,  bang Maharashtra. Tại đây có 30 hang đá, là phế tích của những ngôi chùa và tu viện thờ Phật, hoạt động từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Hang Ajanta lưu giữ được những bức tranh tường có thể coi là đẹp nhất trong mỹ thuật Phật giáo. Ngoài những bức bích họa, Ajanta còn là tập hợp những công trình điêu khắc đá với nhiều tượng hình và cấu trúc trang trí tạc ngay vào vách đá. Tiếp theo sự phát hiện quan trọng này là hàng loạt các hang động khác ở Tây Ấn như động Ellora, Nasik, Karle, Bhaja và Junnar cũng được phát hiện. Năm 1836, người ta phát hiện thêm một số trụ đá nữa với nhiều câu khắc trên đó. Tuy nhiên, không có người nào hiểu được nội dung của những câu khắc đó cũng như tác giả của chúng là ai. Không một học giả Ấn Độ nào thời đó có đủ trình độ để giải mã thứ ngôn ngữ cổ xưa ấy của Ấn Độ.

Vào năm 1837, James Prinsep, một viên chức cao cấp của Sở đúc tiền Ấn Độ ở Calcutta, và là Tổng Thư ký Hội Á Châu Bengal, sau nhiều năm cần mẫn nghiên cứu và làm việc, đã thành công trong việc giải mã những câu khắc trên các trụ đá. Đến tháng 7 năm 1837 thì ông xuất bản những bản sao, sự phiên âm ngữ âm, và bản dịch ra Anh ngữ những câu khắc trên các trụ đó. Ông cũng làm một cuộc nghiên cứu tỉ giảo các câu khắc và thấy rằng chúng có cùng một ngôn ngữ và nội dung. Những chữ mở đầu của tất cả các câu khắc trên các trụ đá là: “Người được chư thần thương yêu, Vua Piyadasi đã nói thế này.” Nhưng ai là Vua Piyadasi thì vẫn còn nằm trong bí mật.

May mắn thay, cũng vào khoảng thời gian đó, George Turnour vừa dịch xong cuốn Mahavamsa (Đại sử), một cuốn sử biên niên vĩ đại viết bằng tiếng Pali của Tích Lan, sang tiếng Anh, và ấn hành nó. Chữ Piyadasi thấy trong Mahavamsa đã giúp James Prinsep nhận ra rằng vua Piyadasi không ai khác mà chính là vua A Dục (Ashoka), là vị hoàng đế Phật tửđại thế kỷ III trước Tây lịch. Sự giải mã những chỉ dụ của vua A Dục và sự nhận diện ra vua A Dục là một sự kiện vĩ đại, đã mở ra một kỷ nguyên mới. Nó làm phong phú cho lịch sử Ấn ĐộPhật giáo đến nỗi tất cả các sách lịch sử đều cần phải được viết lại.

Sự xuất hiện của ông Alexander Cunningham, vị Tổng giám đốc đầu tiên của Cơ Quan Nghiên Cứu Khảo Cổ Ấn Độ vào năm 1821, là một ân huệ cho Ấn Độ nói chung và Phật giáo nói riêng. Không nghi ngờ gì nữa, ông là một nhà khảo cổ vĩ đại, và là một vị anh hùng hỗ trợ cho sự phục sinh của Phật giáoẤn Độ. Khám phá quan trọng đầu tiên của ông được thực hiện tại Sanchi. Mặc dù những công trình kiến trúc ở Sanchi đã được khám phá từ năm 1818, nhưng mãi cho đến năm 1851, Đại tháp mới được Cunningham mở ra. Bên trong tháp, ông phát hiện xá lợi của hai vị đại đệ tử của Đức Phậttôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Moggallana). Những xá lợi này được mang về Luân Đôn, được giữ gìn cẩn thận cho đến khi nó được trả về Ấn Độ vào thế kỷ sau. Tác phẩm Bhilsa Topes Hay Là Những Công Trình Kiến Trúc Phật GiáoTrung Ấn của ông xuất bản năm 1854 là một nghiên cứu toàn diện về những chùa chiền và đền tháp ở Sanchi.

Sự nhiệt tâm và say mê của Cunningham trong lãnh vực khảo cổ đã mở ra một viễn cảnh về việc nghiên cứu những công trình kiến trúc cổ. Và một điều may mắn khác, một học giả người Pháp M. Stanisla Julien, trong thời gian đó cũng xuất bản một bản dịch những tường thuật về cuộc du hành của ngài Huyền Trang, một nhà hành hươngchiêm bái nổi danh của Trung Hoa đến Ấn Độ từ năm 629 đến năm 644 sau Tây lịch. Cunningham đi theo dấu chân của ngài Huyền Trang, viếng mọi nơi mà nhà hành hương Trung Hoa đã diễn tả, và với sự làm việc kiên nhẫnnăng động, ông đã thành công trong việc khám phá ra hầu hết các công trình Phật giáoẤn Độ. Trong tác phẩm bất hủ của ông: Địa Lý Cổ Đại Ấn Độ, Phần I, Thời Đại Phật Giáo, Cunningham tóm tắt lịch sử vinh quang của những di tích và những công trình kiến trúc Phật giáo rải rác khắp nơi trên đất Ấn. Vào năm 1870, ông khai quật vùng lân cận chùa Bồ Đề Đạo Tràng, và xuất bản những kết luận của ông trong tác phẩm Đại Bồ Đề. Vào năm 1873-1874, Cunningham khai quật đại tháp Bharhut và nhờ đó mà đã cứu vãn được các công trình nghệ thuật tinh tế nhất của Phật giáo khỏi bị rơi vào quên lãng và hư hại. Công trình nghiên cứu Tháp Barhut cũng đã rọi một luồng ánh sáng vào nơi thờ phượng cổ nhất của Phật giáo ở vùng Trung tâm Ấn Độ. Năm 1877, Cunningham đã xuất bản toàn bộ phát hiện của ông cho thế giới được biết.

2. 1. 2. Phương Diện Văn Học

Edwin Arnold là một nhà thơ và nhà báo người Anh. Ông chính là tác giả của tác phẩm Ánh Sáng Châu Á (The Light of Asia), một tác phẩm bằng thơ nổi tiếng kể về cuộc đời vĩ đại và đầy màu sắc của Đức Phật. Ông cũng là một trong những người tiên phong giới thiệu Phật giáo đến với người phương Tây. Năm 1856 ông đến Ấn Độ để đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phạn ngữ ở Pune. Ông lưu lại Ấn Độ bảy năm. Trong thời gian này ông đi du lịch khắp nước Ấn Độ. Khi ông viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng thì kinh hoàng khi thấy tình trạng đáng thương của thánh tích thiêng liêng nhất của tín đồ Phật giáo. Khi trở về nước, ông đã viết những bài báo đăng trong tờ Telegraph mà ông là chủ biên, miêu tả về tình trạng xuống cấp của Bồ Đề Đạo Tràng, cũng như kêu gọi thế giớitín đồ Phật giáo hãy cứu vãn nơi thiêng liêng này trước khi nó bị tổn hại nhiều hơn.

Từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, các nước Phật giáo châu Á bị mất độc lậptrở thành thuộc địa của các nước thực dân phương Tây. Sau khi giành lại được độc lập, họ bắt đầu nghĩ đến việc phục hồi lại di sản Phật giáo đã mất. Năm 1871, Miến Điện tổ chức hội nghị Phật giáo quốc tế. Kết quả của hội nghị này là các văn bản bằng tiếng Pali được khắc lên 729 phiến đá do vua Mindon của Miến Điện tài trợ.

Những hoạt động quốc tế như thế đã phần nào tác động đến phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ. Ví dụ như Rajendra Lal Mitra (1824-1891) đã nghiên cứubiên soạn nhiều công trình Phật giáo như Bồ Đề Đạo Tràng, Di Sản Của Đức Phật Thích Ca, Văn Học Sanskrit Phật Giáo ở Nepal… làm dấy lên làn sóng nghiên cứu Phật giáo mạnh mẽ ở Ấn Độ. Mặc dù trong thời gian này chưa ai thật sự lên tiếng kêu gọi phục hưng lại tôn giáo của Đức Phật, nhưng sự khai quật các thánh tích cùng làn sóng nghiên cứu Phật Pháp trong và ngoài Ấn Độ đã tạo ra một sự nhận thức mới của người dân Ấn về di sản quý giá mà họ vốn sở hữu, tạo tiền đề cơ bản cho việc phục hưng Phật giáo sau này.

 

 

2. 2. Giai Đoạn Phát Triển

Phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1891 khi tôn giả Anagarika Dhammaapala đến Ấn Độchính thức kêu gọi sự phục hưng. Trước đó tuy là cũng có những hoạt động tôn giáo, như ta đã đề cập, nhưng chỉ vì tò mò hay thích thú mà thôi, chứ chưa ai nghĩ rằng phải làm sống lại tôn giáo của Đức Phật. Tuy nhiên trước khi đi vào tìm hiểu hoạt động của Dhammapala, ta cần biết sơ qua về Henry Steel Olcott, vì chính Olcott là người đã hướng dẫn Dhammapala đến với đạo Phật.

Đại tá Henry Steel Olcott (sinh ngày 02 tháng 8 năm 1832 - qua đời ngày 17 tháng 2 năm 1907) là một sĩ quan Mỹ. Ông làm truyền tin, nhà báo, luật sư và là một trong những người sáng lập Hội Thông thiên học.

Tháng 12 năm 1878, Olcott rời New York để di chuyển trụ sở của Hội Thông thiên học đến Ấn Độ, và đã hạ cánh xuống Bombay vào ngày 16 tháng 2, 1879. Nơi đây, ông có dịp để trải nghiệm đời sống tâm linh của mình trên quê hương của vị thầy tinh thần của mình, Đức Phật. Nhưng cũng chính nơi đây, ông chứng kiến cái tình cảnh mà ông gọi đó là “nỗi đau khổ vô vọng” của những người cùng đinh trong xã hội Ấn Độ. Ông bắt đầu hoạt động để giúp đỡ họ về mặt vật chất cũng như tinh thần. Ví dụ như ông mở lớp dạy nghề, mở trường dạy học để nâng cao trình độ của họ. Ông cũng cho rằng họ khổ là do chế độ giai cấp. Muốn thoát khỏi tình trạng đó thì phải thoát khỏi cái ách giai cấp. Ông quan sát thì thấy rằng trong những tôn giáo ở Ấn thì chỉ có Phật giáo là không phân biệt giai cấp, cho nên ông đã hướng dẫn những người cùng đinh cải đạo sang Phật giáo. Tuy nhiên, khi vấp phải một số chống đối của người Hindu giai cấp trên thì ông liền bỏ cuộc, vì ông không muốn làm mích lòng họ.

Nói về Anaragika Dhammapala. Ông sinh năm 1864 (và mất năm 1933) trong một gia đìnhtruyền thống Phật giáoTích Lan. Lúc đó Tích Lan là thuộc địa của Anh và do đó người dân cũng bị bắt buộc theo đạo Thiên Chúa. Dhammapala cũng không ngoại lệ, và ông được cha nhà thờ đặt tên thánh là Don David. Tuy nhiên ngay từ lúc nhỏ, cậu bé David đã được cha mẹ dạy về Phật pháp. Mặc dù cậu ta sống nội trú ở trường Dòng và bị bắt phải đọc kinh Thánh, David vẫn lén đọc kinh Phật, dù nhiều lần bị bắt gặp và bị tịch thu. Một lần vào dịp lễ Phật đản, David đến xin tu viện trưởng nghỉ phép một ngày để về nhà làm lễ tắm Phật, nhưng đã bị từ chối. Ấy vậy mà cậu bé vẫn bỏ trường về nhà. Và kết quả là cậu bị phạt nặng. Nhiều lần như thế xảy ra làm cho David rất bất bình và lập quyết tâm phải khôi phục lại Phật giáo.

Khi Olcott đến Tích Lanquy y Tam bảo vào năm 1880, sau khi chứng kiến cuộc tranh luận công khai về giáo lý giữa Tỳ kheo M. Gunanada và Giám mục Thiên Chúa giáo David Silva, với chiến thắng thuộc về Gunanada. Từ đó về sau, Olcott đã tích cực hoạt động cho sự hồi sinh của Phật giáo Tích Lan đang bị đàn áp bởi Thiên Chúa giáo dưới thời thuộc địa. David trước đó đã có nghe nói về Olcott và Hội Thông thiên học. Cho nên khi Olcott đến Tích Lanquy y Tam bảo, cậu ta rất thích thú.  Cậu đã xin cha mẹ rời khỏi nhà để đi tuyên truyền vận động cho sự phục hồi Phật giáo. Và từ đó David đổi tên thành Anagarika Dhammapala, nghĩa là “Du sĩ bảo vệ Phật pháp.”  

Năm 1889. Dhammapala cùng với Olcott tham dự một lễ quy ở thủ đô Tokyo. Sự thành tâm và tấm lòng của người Nhật đối với Phật pháp càng nung nấu quyết tâm của ông đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người. Cũng trong thời gian này, Dhammapala đọc được những bài báo của Edwin Arnold về Bồ Đề Đạo Tràng, nên ông quyết định rằng phải đích thân đến chiêm bái thánh địa này. Do đó, ngày 18 tháng 1 năm 1891, Dhammapala cùng với thầy Kozen Gunararana Nhật Bản đi Ấn Độ, và điểm dừng chân đầu tiên là Varanasi (Ba La Nại). Khi vừa đến đây, Dhammapala cảm thấy giật mình với những gì ông thật mục sở thị tại nơi được coi là thiêng liêng này. Nơi mà Đức Phật đã chuyển bánh xe pháp đầu tiên ngay sau khi thành đạo hơn hai ngàn năm trước, thì giờ đây gần như hoang phế. Còn khi ông đến Bồ Đề Đạo Tràng thì như ông đã viết trong nhật ký rằng:

Sau khi dùng điểm tâm xong, tôi cùng với Kozen và anh Durga và tiến sĩ Chatterjee đi đến Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thiêng liêng nhất của tất cả hàng Phật tử trên thế giới. Khi gần đến nơi, chúng tôi thấy nằm rải rác đây đó những tượng Phật đã hư cũ. Tại cổng vào của Đạo Tràng cũng có nhiều tượng Phật trong tư thế đang ngồi thiền hay thuyết pháp. Thật là xúc động! Phía ngoài ngôi đền có tượng Đức Phật đang ngồi trên tòa kim cang, và sự trang nghiêm của Ngài như lan tỏa ra xung quanh làm thổn thức trái tim người mộ đạo. Một cảm giác phấn khích lẫn hân hoan tràn ngập trong tôi. Ngay khi tôi chạm trán vào tòa sư tử, một cảm giác lạ lùng xâm chiếm hồn tôi. Tôi cảm thấy rằng mình phải dừng lại nơi đây để chăm sóc thánh địa thiêng liêng này. Không có gì trên đời này có thể sánh với nơi Đức Phật đạt được giác ngộ dưới cội bồ đề này. Tự nhiên tôi buột miệng hỏi Kozen rằng thầy ấy có muốn cùng tôi dừng lại ở đây không? Không ngờ thầy trả lời rằng thầy cũng đang nghĩ đến điều đó. Và cả hai chúng tôi đã trang trọng phát nguyện là sẽ ở lại đây chăm sóc thánh địa này cho đến khi nào có chư tăng khác đến thay thế.[5]

Dhammapala đã yêu cầu chính quyền địa phương trả lại Bồ Đề Đạo Tràng cho Phật giáo quản lý, nhưng nhà chức trách nói rằng vì nó đã bị các giáo sĩ Hindu chiếm giữ từ thế kỷ XVI, nếu các Phật tử muốn lấy lại thì phải hỏi các giáo sĩ để mua lại. Dhammapala liền quyên góp tiền để làm việc đó, nhưng các giáo sĩ lại không chịu bán. Hơn nữa họ còn cấm Dhammapala đặt tượng Phật vào trong ngôi đền. Dhammapala liền gửi thư đến các tổ chức Phật giáo ở Miến Điện và Tích Lan để kêu gọi cộng tác. Ngày 31 tháng 5 năm 1891, Dhammapala thành lập Hội Đại Bồ Đề để có cơ sở phục vụ cho sự phục hưng. Kế đó ngài thỉnh bốn vị tỳ kheo Tích Lan đến Bồ Đề Đạo Tràng để thành lập đoàn thể Tăng già. Dhammapala suy nghĩ rằng việc đòi lại Bồ Đề Đạo Tràng sẽ không thể thành công nếu thiếu sự cộng tác của cộng đồng Phật giáo thế giới. Vì thế ông đã tổ chức một cuộc Hội nghị Phật giáo quốc tế tại Bồ Đề Đạo Tràng vào ngày 31 tháng 10 năm 1891 để thực hiện ý định trên. Đến tháng 5 năm sau thì ông xuất bản Tạp chí Đại Bồ Đề  làm cơ quan ngôn luận truyền bá Chánh pháp.

Hoạt động của Dhammapala khiến các giáo sĩ Bà la môn ghen ghét. Một lần nọ, khi Dhammapala đi Calcutta thì các giáo sĩ liền cho người đến đánh đập các vị tỳ kheo Tích Lan đang ở Bồ Đề Đạo Tràng. Họ tuyên bố rằng toàn khu vực Bồ Đề Đạo Tràng là của họ và họ không cho phép bất cứ tu sĩ Phật giáo nào đến ở. Tuy nhiên sự hung hăng của các giáo sĩ không thể làm nản lòng các sứ giả Như Lai mà còn thúc đẩy họ hoạt động mạnh mẽ hơn nữa.

Dhammapala làm việc không ngưng nghỉ. Ông rất đau lòng nhìn Phật giáo suy tàn trên mảnh đất mà nó được sinh ra. Vấn đề giải phóng cho giai cấp cùng đinhphục hồi Phật giáo luôn cánh cánh bên lòng. Ông viết trong nhật ký rằng: “Khi nào thì ngày ấy sẽ đến… Ấn Độ, quê hương của Đức Phật đã bị người ta quên rồi. Khi nào thì tôi sẽ được nhìn thấy Phật pháp trở về trên đất nước này đây?” Dhammapala chạy như con thoi từ nơi này đến nơi khác, trong và ngoài Ấn Độ để kêu gọi và gây quỹ cho Hội. Ngoài trụ sở chính ở Bồ Đề Đạo Tràng, Hội Đại Bồ Đề còn mở chi nhành ở nhiều nơi khác khắp Ấn Độ. Năm 1920, Hội đã khánh thành tu viện Dhammarajika (Pháp Vương) ở Bengal và xá lợi xương của Phật đã được an trú nơi đây để phụng thờ. Ngoài ra Hội cũng xây dựng nhiều chùa, tháp, trường học, thư viện… cũng như phiên dịch và xuất bản các kinh sách Phật giáo ra nhiều ngôn ngữ Ấn Độ[6] để mà phổ biến trong quần chúng.

Dhammapala đã dành hầu như trọn cuộc đời mình để phục hưng Phật giáoẤn Độ. Ngày 29 tháng 4 năm 1933, ông đã trút hơn thở cuối cùng tại Sanarth (Vườn Lộc Uyển). Lúc sắp lâm chung, ông đã phát nguyện rằng sẽ tái sanh trở lại Ấn Độ “hai mươi lăm lần nữa” để mà tiếp tục công cuộc phục hưng Phật giáotruyền bá Chánh pháp. Điều may mắn là những gì ông chưa hoàn thành đã được những người tiếp nối ông hoàn thành. Năm 1949, chính phủ bang Bihar đã thông qua đạo luật thành lập Hội đồng quản trị Bồ Đề Đạo Tràng bao gồm bốn thành viên Phật giáo và bốn thành viên Hindu giáo thay vì toàn bộ người Hindu như trước đây. Thế là sau sáu mươi năm đấu tranh kiên trì, những người đệ tử Phật cuối cùng đã giành được quyền quản lý thánh địa của họ một cách hợp pháp. Dhammapala chắc cũng mỉm cười nơi cõi Niết bàn.

Khi nói về công lao của Dhammpala trong việc phục hưng Phật giáoẤn Độ, học giả Sanjay Parkash Sharma đã viết rằng, “Phong trào phục hưng Phật giáoẤn Độ được bắt đầu từ thế kỷ XIX bởi một số người, nhất là những người thuộc giai cấp thấp ở Nam Ấn. Sự xuất hiện của Anagarika Dhammapala là một bước ngoặt trong phong trào này. Ông đã tạo ra được một tinh thần phục hưng Phật giáo mạnh mẽ trong ý thức của những người đương thời vậy.”[7]

Thật ra phong trào phục hưng Phật giáo được khởi động từ Nam Ấn. Ở đâu cũng vậy, người miền Nam luôn luôn phóng khoáng và có tư tưởng cách mạng. Từ cuối thế kỷ XIX, học giả người Tamil C. Iyodhi Doss (Iyothee Thass) đã lãnh đạo giai cấp cùng đinh chống lại chế độ giai cấp của đạo Hindu. Ông nói với mọi người rằng tổ tiên người Tamil vốn là những tín đồ Phật giáo, rằng họ là hậu duệ của một tôn giáo vẻ vang nhất đã từng tồn tại nhiều thế kỷ trong lịch sử Ấn Độ. Với sự giúp đỡ của Henri Steel Olcott, Doss đã đi thăm Tích Lan và đã quy y Tam bảo ở đó. Khi trở về Ấn Độ, ông lập tức thành lập Hội Phật Giáo Nam Ấn vào năm 1890, cũng như Tuần báo để làm cơ quan ngôn luận của Hội. Doss có công truyền bá Phật pháp và hướng dẫn hàng ngàn người quy y Tam bảo.

Ngoài Doss ra còn có nhiều cá nhân và tổ chức khác ở Nam Ấn bày tỏ sự bất mãn đối với chế độ giai cấp, đồng thời tỏ ra thích thú Phật giáo. P. Lakshmi Narasu cũng là một học giả Tamil. Ông đặc biệt đam mê triết học Phật giáo và ước muốn phổ biến  giáo lý của Đức Phật đến với mọi người. Ông biên soạn rất nhiều sách Phật giáo như Cốt Tủy Đạo Phật, Phật Giáo Là Gì, Đạo Phật Và Đạo Hindu… Cũng như Doss, Narasu cũng hướng dẫn nhiều người theo đạo Phật.

Như vậy phong trào phục hưng Phật giáo đã diễn ra ở cả miền Bắc và miền Nam Ấn Độ. Năm 1947, chính phủ Anh thừa nhận nền độc lập của Ấn Độ, tạo môi trường thuận lợi để Phật giáo phát triển. Cũng năm ấy, xá lợi của hai tôn giả Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên được rước trở về Ấn Độ và thờ ở đại tháp Sanchi.[8] Tại buổi lễ rước xá lợi, thủ tướng Ấn Độ Nehru đã phát biểu như sau:

Tôi nhân danh chính phủ Ấn Độ có mặt hôm nay để chào mừng các bạn và để nhận xá lợi của hai người con vĩ đại của đất nước này. Nhiều người trong các bạn đã đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau, và tôi hân hạnh được chào đón các bạn. Chào đón các bạn đã trở về quê hương của mình, nếu tôi có thể được nói như thế. Đây không chỉ là sự trở về của những viên xá lợi, mà còn là sự trở về của Chánh pháp. Hôm nay chúng ta chào đón nhiều sự trở về, trong đó có sự trở về của nhiều người con Phật từ những miền đất nước xa xôi. Các bạn đã thật sự trở về quê hương của mình, nếu tôi có thể được nói như thế. Xin hân hạnh chào đón tất cả các bạn.[9]  Năm 1947 nhằm Phật lịch 2500 năm. Nhiều hoạt động đã được tổ chức trong ngày đặc biệt này tại nhiều nước trên thế giới. Tại Ấn Độ, Đại lễ Phật đản đã được tổ chức long trọngrộng rãi trên phạm vi toàn quốc.  



[1] K. T. S. Sarao, The Decline of Buddhism in India, New Delhi, India: Munshiram Manoharlal Publishers, 2012: 79.

[2] Chuyện kể rằng khi nhà vua dùng đục đục dấu chân Đức Phật ra khỏi phiến đá thì ngay sau đó trên phiến đá lại nổi lên hình dấu chân như trước. Vua giận quá quăng luôn xuống sông Hằng. Nhưng lạ thay, nó lại quay trở về chỗ cũ.

[3] Có lẽ đây là lý do ông chủ trương một đạo Phật không cần người xuất gia.

[4] D. C. Ahir, Heritage of Buddhism, Delhi: Buddhist world Press, 2010: 141.

[5] D. C. Ahir, The Pioneers of Buddhist Revival in India, Delhi: Sri Satguru Publications, 1989: 11.

[6] Ấn Độ có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau.

[7] Sanjay Prakash Sharma (ed.), Dr. B. R. Ambedkar: A Crusader of Social Justice, vol. 2, India: R B S A Publishers, 2003:192

[8] Xá lợi của hai tôn giả Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên được nhà khảo cổ người Anh là Alexander Cungningham khai quật vào năm 1851 tại khu quần thể tháp Sanchi, bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, và được đưa về viện bảo tàng Victoria and Albert ở Anh. Năm 1939, Hội Đại Bồ Đề xin Chính phủ Anh quốc trả lại những xá lợi này. Chính phủ Anh đã đồng ý, nhưng liền đó chiến tranh thế giới thứ I xảy ra nên không thể thực hiện được, cho đến năm 1947. Trước khi về quề hương Ấn Độ, xá lợi của hai vị tôn giả đã được rước qua Tích Lan, Miến Điện, Nepal và nhiều thành phố lớn của Ấn Độ để cho công chúng chiêm báiđảnh lễ. Cuộc hành trình kéo dài từ ngày 24/2/1947 đến 30/11/1952.

[9] D. C. Ahir, Buddhism in India, Status, Growth and Development, Delhi: Buddhist World Press, 2011: 10.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2012(Xem: 32376)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.