Câu Chuyện Lịch Sử Về Vua Trần Nhân Tôn Và Hưng Đạo Đại Vương

16/11/20163:37 SA(Xem: 22093)
Câu Chuyện Lịch Sử Về Vua Trần Nhân Tôn Và Hưng Đạo Đại Vương

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ VỀ
VUA TRẦN NHÂN TÔN và HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG
Bài và ảnh: Tôn Thất Thọ

trannhantongTháng Chạp năm Giáp Thân (1284), dưới thời vua Trần Nhân Tôn (1279-1293), tướng nhà Nguyên là Thoát Hoan đưa thư sang xin mượn đường nước ta để đánh Chiêm Thành. Nhà vua từ chối và trả lời: “Từ nước tôi đến nước Chiêm Thành, đường thủy đường bộ đều không tiện”; đồng thời, lệnh cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) chia quân các nơi để phòng thủ. Vua tôi nhà Nguyên vẫn quyết định sang xâm phạm nước ta. Đề cập đến giai đoạn quân giặc xâm lăng, tác giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược chép: “Thoát Hoan thấy Hưng Đạo vương giữ cả các nơi, liền tiến binh lên đánh núi Kỳ Cấp, ải Khả Ly và ải Lộc Châu. Quân hai bên đánh nhau ở núi Kỳ Cấp hai ba trận không phân thắng bại. Nhưng sau vì Khả Ly và Lộc Châu thất thủ, quân An Nam phải rút về ải Chi Lăng. Thoát Hoan dẫn đại binh đến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo vương kém thế, thua chạy ra bến Bái Tân, xuống thuyền cùng bọn gia tướng là Dã Tượng và Yết Kiêu về Vạn Kiếp. Các tướng thu nhặt tàn quân dần dần cũng kéo về đây.

Nhân Tôn nghe Hưng Đạo vương thua chạy về Vạn Kiếp, liền ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải Đông (tức Hải Dương) rồi cho vời Hưng Đạo vương đến bàn việc, nhân thấy quân mình thua, trong bụng lo sợ, mới bảo Hưng Đạo vương rằng: “Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân?”.

Hưng Đạo vương tâu rằng: “Bệ hạ nói câu ấy thì thật là nhân đức, nhưng mà tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!”. Vua nghe nói trung liệt như vậy, trong bụng mới yên” (VNSL t1, sđd, tr. 139).

Gần đây, tác giả Lê Thành Khôi trong quyển Histoire du Viet Nam des origines à 1858 được nhà Sud Est Asie xuất bản năm 1987 tại Paris, tác giả đã viết với nội dung như trên ở trang 186:

“Nhân Tông, bord d’un sampan léger, était descendu Hai Dong (Quang Yên). Il fi t mander Hung Dao et l’interrogea, soucieux: “La puissance de l’ennemi semble telle que je crains qu’une guerre prolongée n’entraine pour le peuple d’immenses destructions. Ne vaut-il pas mieux nous rendre pour l’en sauver?”. Le généralissime répondit: “Ces paroles manifestent les sentiments d’humanité de Votre Majesté, mais les Temples Dynastiques et les Dieux du Sol et des Moissons, que de viendraient-ils alors? Si vous voulez vous rendre, faites d’abord trancher ma tête!”.

Dịch là:

Vua Nhân Tông đi thuyền nhẹ xuống Hải Đông (Quảng Yên). Ngài cho vời Hưng Đạo vương đến hỏi: “Thế giặc dữ dội như thế e rằng cuộc chiến sẽ kéo dài gây tàn hại cho dân chúng, thôi thì để trẫm đầu hàng giặc để cho dân chúng bớt khổ”. Hưng Đạo vương trả lời: “Đức ngài nói câu đó thật là vị vua có lòng thương dân, nhưng rồi sơn hà xã tắc sẽ ra sao? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì xin chém đầu thần trước đã” (Histoire du…, sđd, tr.186).

Trong cuốn Việt sử toàn thư, soạn giả Phạm Văn Sơn cũng có chép câu chuyện giữa vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương khi hội họp ở Hải Đông trên một chiếc thuyền nhẹ với nội dung tương tự:

Vua Nhân Tông được tin Hưng Đạo vương lui quân khỏi Lạng Sơn liền xuống chiếc thuyền nhỏ ra Hải Đông (tức là Hải Dương), triệu Hưng Đạo vương đến. Nhân Tông nói: “Thế giặc lớn như vậy chống với nó e dân sự sẽ tàn hại, hay là hàng chúng nó để cứu lấy dân?”. Hưng Đạo vương khẳng khái trả lời rằng: “Bệ hạ vì lòng thương dân mà nghĩ như vậy nhưng tôn miếu và xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng thì hãy chém đầu tôi đi trước đã”. (Việt sử toàn thư, sđd, tr.184).

Về sau, rất nhiều cuốn từ điển, điển tích danh nhân, truyện danh nhân… của nhiều tác giả khác xuất bản trước và sau năm 1975 đã sao chép và truyền lại với cùng nội dung như thế!

Mặt khác, trong cuốn Đại cương lịch sử VN tập 1, (Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đồng biên soạn), xuất bản 1998 tại Hà Nội ghi ở trang 226 như sau về sự kiện này xảy ra vào thời vua Trần Thánh Tông:

“Thuyền chủ tướng Trần Quốc Tuấn xuôi sông Lục Nam về Vạn Kiếp. Nghe tin quân ta rút lui, vua Thánh Tông vội vã đi thuyền ra gặp Quốc Công tiết chế. Trời chiều, nhà vua vẫn chưa ăn sáng, người lính cận vệ nắn phần gạo xấu của mình dâng lên. Thánh Tông vờ hỏi Thống soái: “Thế giặc như thế ta phải hàng thôi”. Trần Quốc Tuấn nghiêm chỉnh trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”.

Như thế sự thật là thế nào, và mức độ chính xác của câu chuyện trên ra sao?

Ghi chép giai đoạn này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 26 (tháng 12-1284), giặc đánh vào các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng, quan quân bị thua, lui về đóng ở Vạn Kiếp. Lúc ấy vua ngự chiếc thuyền nhẹ sang lộ Hải Đông, ngày đã gần chiều, chưa ăn cơm sáng, có tiểu tốt là Trần Lai đem dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung, ban cho tước thượng phẩm.

Hưng Đạo vương vâng lệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn người mạnh khỏe làm quân tiền phong, vượt biển vào nam, thế quân đã hơi nổi; các quân nghe thế, không quân nào là không đến tụ họp. Vua đề thơ đề ở cuối thuyền rằng: Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Ái do tồn thập vạn binh” (Cối Kê việc cũ người nên nhớ, Hoan Ái hãy còn mười vạn quân)” (ĐVSKTT, T1, sđd, tr.503).

Đại Việt sử ký tiền biên được khắc in năm Canh Thân (1800), biên soạn bởi các sử gia Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên (đời Trần), Lê Tung, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ và được Ngô Thời Nhậm tu đính, ở trang 438 chép sự kiện trên cũng với nội dung tương tự.

Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục ghi:

“Quốc Tuấn chia quân chống cự phòng thủ. Quân Nguyên kéo tới Lộc Châu, lại sai Bả tổng là A Lý sang nói rõ về lý do cất quân là cốt sang đánh Chiêm Thành chứ không có ý gì khác. Quân ta ngăn cản ở núi Kheo Cấp, quân Nguyên không tiến sang được. Chúng liền tiến theo cửa ải Khả Ly, quan quân ta chống cự lại không được; chúng bèn vào cửa ải Chi Lăng, quan quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp. Nhà vua ngự chiếc thuyền nhỏ sang Hải Đông, lúc ấy trời đã chiều mà chưa ăn cơm sáng, có tiểu tốt là Trần Lai đem cơm gạo hẩm dâng lên, nhà vua khen là người trung nghĩa, cho chức Thượng phẩm.

Nhà vua sang Hải Đông hạ lệnh cho Quốc Tuấn điều khiển dân quân các lộ Vân Trà, Ba Điểm, chọn người khỏe mạnh cho làm tiền phong, vượt biển kéo vào mặt nam, thế quân dần dần phấn chấn….” (KĐVSTGCM, T1, sđd, tr. 495).

Qua nội dung trong các cuốn “cổ sử” đó, ta thấy rằng vua Trần Nhân Tôn gặp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở Hải Đông để bàn kế chống giặc,cũng như hạ lệnh cho Hưng Đạo vương tổ chức tấn công giặc Nguyên, không có đoạn nào ghi chép việc nhà vua có ý đầu hàng như các soạn giả Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn, Lê Thành Khôi và nhiều soạn giả khác đã ghi chép như trích dẫn ở phần đầu bài viết. Không biết câu chuyện trên có xuất xứ từ đâu. Theo chúng tôi, có thể các soạn giả vừa nêu có sự lẫn lộn giữa sự kiện vua Trần Thái Tông (1225-1258) với Trần Thủ Độ, xảy ra trong lần quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta lần đầu vào năm Đinh Tỵ (1257), với câu nói nổi tiếng của quan Thái sư: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”.

Vua Trần Nhân Tôn và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là hai danh nhân lớn của dân tộc, cả hai vị đều có vai trò rất quan trọng đối với tiến trình lịch sử, với nền văn hóa và sự phát triển của đất nước Đại Việt, vì thế thiển nghĩ dù chỉ là câu chuyện ngoại sử hay đó chỉ là giai thoại thì cũng rất cần xác minh sự chính xác của nó.

Cũng cần nói thêm về sự kiện Hưng Đạo vương rút quân về Vạn Kiếp. Khi nhận định về sự kiện này, tác giả Hoàng Cao Khải đã viết trong tác phẩm Việt sử yếu của ông với một tư tưởng rất tiến bộ: “Trần Quốc Tuấn biết được kế hoạch của quan quân nhà Nguyên nên đã chia binh làm hai đạo ứng chiến: một đạo đóng ở Kỳ Lừa (Lạng Sơn) để ngăn chặn quân của Thoát Hoan. Còn một đạo binh nữa thì trấn thủ tỉnh Nghệ An để phòng bị quân của Toa Đô. Lúc bấy giờ, quan quan nhà Nguyên đã vượt khỏi cửa ải Chi Lăng, quan quân ta kháng chiến bất lợi, phải rút lui để bảo thủ đồn Vạn Kiếp, vua ta phải đi xuống miền Hải Đông. Thoát Hoan một mạch xua quân tiến sâu vào nội địa nước ta. Quân nhà Nguyên chiếm cứ Bắc Giang, rồi vào lấy luôn kinh thành Thăng Long,

Sở dĩ quan quân ta không kháng chiến là để dụ quân giặc tiến vào sâu trong nội địa, rồi sau quân ta mới phản công. Toa Đô từ nước Chiêm Thành kéo quân trở về Bắc Kỳ, dọc đường đi qua các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đều không gặp một sự ngăn trở nào. Quan quân ta không ngăn trở bước tiến quân của quân giặc là để đợi đến lúc chúng bị khó nhọc, mỏi mệt rồi quân ta mới đánh úp thì chắc chắn phần thắng lợi sẽ về ta.

Thoát Hoan chiếm được thành Thăng Long, càng đắc chí kiêu căng, không màng đặt kế hoạch phòng bị. Gặp lúc Toa Đô kéo quân trở về đến Tây Kết chỉ cách Thăng Long ba trăm dặm, nhưng chưa kịp hợp làm một với cánh quân của Thoát Hoan. Bấy giờ Trần Quốc Tuấn mới tung quân ra để nghinh chiến. Một mặt ngài sai Trần Nhật Duật đốc suất một cánh quân đánh bại quân giặc ở cửa quan Hàm Tử, chém đầu được tướng Nguyên là Toa Đô. Một mặt ngài sai tướng Trần Quang Khải đốc suất một cánh quân khác đánh bại quân địch ở đò Chương Dương lấy lại được kinh thành Thăng Long.

Còn mặt trận khác thì do tướng Trần Quốc Toản dẫn binh đón đường ngăn chặn quân địch, và giao chiến với chúng ở Vạn Kiếp. Bọn tướng Nguyên là Thoát Hoan bị thua nặng, chạy trốn về Tàu…” (Việt sử yếu, sđd, tr.209).

Thiết tưởng đây là một nhận định đúng đắnchính xác về kế hoạch hành quân vào thời điểm đó của Hưng Đạo vương, một tướng lãnh tài ba của quân dân ta trong thế kỷ XIII; người đã viết nên tập danh thư Binh thư yếu lược. Ông đã vận dụng ngay những điều đã biên soạn để cùng quân dân cả nước đánh tan mấy chục vạn quân Nguyên âm mưu xâm phạm bờ cõi nước ta.

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư, T1, Nxb VHTT, 2004. - Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb VHTT, 2011. - Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T1,QSQTN, Nxb Giáo Dục, 2007. - Việt Nam sử lược, Q1, Trần Trọng Kim, TTHL Bộ GD SG, 1971. - Việt sử toàn thư, Phạm Văn Sơn, Saigon, 1960. - Histoire du Viet Nam des origines à 1858, Lê Thành Khôi, Nxb Sud Est Asie (Paris), 1987. - Việt sử yếu, Hoàng Cao Khải, Nxb Nghệ An, 2007. - Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Nxb GD, 1998

(Văn Hóa Phật Giáo số 260 tháng 11 năm 2016)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10297)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.