Bước sơ tâm

28/04/20174:15 SA(Xem: 9214)
Bước sơ tâm

blank
BƯỚC SƠ TÂM

Vĩnh Hảo

 

duc phat dan sanhBước sơ tâm là bước đi như thế nào, vào lúc nào?

—    Là khi tâm rộng mở một phương trời, khởi động cho bước chân ban đầu. (1)

Bước chân ban đầu vì thế, là bước chân vừa chấn động đại địa, vừa rung chuyển thiên không.

Bước chân ban đầu là bước chân quan trọng, khi chân vừa dợm cất lên, chưa đặt xuống; khi đất trời lay chuyển quần tụ vào một điểm, chờ đợi nâng bàn chân; khi đóa sen cung kính trân trọng, không muốn bàn chân thanh khiết phải chạm vào thực tế ô nhiễm của trần gian.

Bước chân ban đầu là bước chân khai mở con đường vượt thoát những phiền não, ràng buộc của kiếp sống; giải trừ những vọng chấp đảo điên từng dìm đắm thế nhân trong khổ lụy.

Bước chân ban đầu là bước chân định hình cảnh giới ly sinh-diệt (2), tịch lặng vô vi, không đến không đi, không tăng không giảm, không dơ không sạch… Nhờ vậy, bước chân sẽ chạm vào cõi đời năm trược (3) mà không nhiễm, đi qua cõi sinh-diệt mà không sinh-diệt, đến với trần gian mà không hề đến, lìa khỏi trần gian mà không hề đi… (4)

Ai có thể cất được bước chân như thế? — Đức Phật, và tất cả chúng sinh; vì chúng sinh là Phật sẽ thành. Có điều, Đức Phật có thể thị hiện trọn vẹn bảy bước dài qua bảy chi phần của giác ngộ (5); còn chúng sinh, hay những người xuất gia ban sơ phát tâm bồ-đề, vẫn thường bị lung lay ngay sau bước chân ban đầu. Những bậc tuệ căn thượng thừa thì bước xa hơn, nhưng vẫn cứ bị khập khiểng, lừng khừng ở bước thứ sáu, không làm sao bước qua được bước thứ bảy. Con đường cao đẹp từ đó chỉ phản ảnh những mộng tưởng, được sơn phết bằng màu sắc và thanh âm rỗng tuếch, vô vị của cõi đời uế trược. Hệ lụy nhân sinh từ thiền môn hay thế trần, nào khác nhau chi mấy.

Trần gian có lắm con đường. Sinh ra ở đời nầy, cũng phải bước đi thôi. Không thể nói “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (6). Quan trọng là bước chân ban sơ, đã quyết định, chọn lựa như thế nào. Giờ nầy, chân đã đi, và đi quanh đã nhiều. “Bụi đường dài gót mỏi đi quanh” (7). Có thể nào trở về chốn cũ để cất lại bước chân ban đầu không? Có thể lắm. Nhưng chốn cũ là chốn nào? Thực ra không có thời gian và nơi chốn nào thực sự hiện hữu như là thời điểm và địa điểm ban đầu, ban sơ. Không có sự dừng nghỉ của thời gian và nơi chốn. Không có vị trí cũ, thời gian cũ. Những gì vừa thoáng sinh, đã thoáng diệt. Đừng mong cầu một cái gì cố định, dù là thời gian hay không gian.

Chỉ có thể lặng tâm, ngay nơi khoảnh khắc hiện tiền nầy, buông xả tất cả — tức là hãy khởi sự bước đi bằng bước chân thứ bảy: xả! Hãy đánh sập, đánh đổ, vứt bỏ hết những con đường, những phương thức, những thành tựu hay thất bại, những vẻ vang rạng rỡ nào đó của danh vọng từng làm mình hãnh diện, những sai lầm nào đó từng làm mình ê chề xấu hổ… Hãy trút bỏ hết, và ngồi yên, trong tịch lặng.

Và rồi, nào, hãy hồn nhiên như trẻ thơ, vô tư như một chú tiểu: hãy cất bước chân đi như một vị Phật sơ sinh.

 

 

California, Mùa Phật Đản 2017

Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.net)

 

______________

 

(1) “Phát túc siêu phương,” cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng (Quy Sơn Cảnh Sách Văn - HT. Thích Trí Quang dịch).

(2) “Thế gian ly sinh-diệt,” thế gian vốn chẳng sinh-diệt (Kinh Lăng Già).

(3) Cõi đời có năm điều uế trược: 1. Kiếp trược: đời sống đầy tai ương, tật bệnh. 2. Phiền não trược: đời sống đầy tham, sân, si, nhiều phiền não. 3. Kiến trược: con người đầy những tà kiến, biên kiến, nhận thức sai lầm, điên đảo. 4. Chúng sinh trược: chúng sinh mọi loài sống trong vô minh, bản năng, thù oán, tổn hại lẫn nhau. 5. Mạng trược: phước kém, đời sống ngắn ngủi.

(4) “Như lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai,” nghĩa Như Lai ấy là không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, nên gọi là Như Lai (Kim Kim Cang, đoạn 29, Uy nghi tịch tĩnh).

(5) Thất Giác Chi, hay Thất Bồ Đề Phần: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, và xả.

(6) Một câu trong “Một Cõi Đi Về,” nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.

(7) Một câu trong bài “Không Đề,” thơ Tuệ Sỹ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/05/2017(Xem: 13749)
10/06/2016(Xem: 11183)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.