Điểm tựa tâm linh mùa đại dịch

03/05/20205:58 SA(Xem: 9227)
Điểm tựa tâm linh mùa đại dịch
ĐIỂM TỰA TÂM LINH MÙA ĐẠI DỊCH 
Nguyên Cẩn


happy vesak day 2Lại một mùa Phật đản trở về trên quê hương chúng ta trong bối cảnh tín đồ sẽ có thể không đến chùa dự các lễ kính mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn, ngày Vesak Liên Hiệp Quốc - sự kiện văn hóa tâm linh của nhân loại, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Nỗi sợ trước đại họa 

Những ngày này, nhân loại đang đối đầu với một đại họa khốc liệt, có lúc trong 24 giờ đồng hồ số chết hơn cả nghìn. Có ai ngờ chỉ cách đây hơn hai tháng, khi nghe tin tức, chúng ta chỉ ghi nhận dịch lan đến 28 quốc gia, làm chết khoảng 2.000 người và gây nhiễm cho trên dưới 70.000 trường hợp. Nhưng giữa tháng 4-2020, con số ấy đã trở thành kinh hoàng mà có thể không ai nghĩ đến: hơn 2,1 triệu ca nhiễm, chết hơn 146 nghìn (17-4-2020).

Có những nước trước đây như Trung Quốc, nơi phát sinh ra bệnh dịch, đã tạm yên với hơn 3.000 người chết và dừng lại với hơn 80 nghìn ca nhiễm, trong khi những nước xa xôi và có tổ chức xã hội tưởng chừng “chu đáo” hơn như Mỹ và các quốc gia thuộc châu Âu lại đang hứng chịu những con số kinh hoàng. Riêng Mỹ có hơn 678 nghìn ca và Ý, Tây Ban Nha mỗi nước hơn 170 nghìn ca, trong đó số người chết ở Ý đã vượt 22 nghìn…

Cùng thời điểm, Việt Nam với 268 ca nhiễm và đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, được sự hợp tác của toàn dân.

Nhân loại đang co mình vì lệnh cách ly, phong tỏa ban ra khắp nơi từ Âu - Mỹ sang Á. Học sinh chưa được trở lại trường. Các giải thể thao dừng lại. Nhiều thành phố dừng mọi hoạt động, các đô thị vốn nhộn nhịp và chưa bao giờ yên ắng trở nên hoang vắngTây phương gọi là “ghost city”! Ngay tại TP.HCM, thành phố sôi động nhất cả nước, những ngày này đường sá cũng vắng đến nao lòng. Chợ búa cũng thưa thớt người đi. Tất cả đều sợ hãi trước một con vi-rút gần như vô hình vì nó quá nhỏ bé nhưng lẩn khuất đâu đó trong không khí, từ miệng người này hay người kia. Mà không sợ sao được, một số nước Âu Mỹ đã phải trả gíá đau đớn vì sự ứng phó chậm hay thiếu quyết liệt ban đầu.

Vì nỗi sợ ấy mà nhân loại chứng kiến nhiều chuyện mà trước đây chưa bao giờ chúng ta hình dung được.

Văn hóa phương Tây vẫn được ngợi ca là lịch sự, ngăn nắp thì trong đại dịch này đã không giữ được sự bình tĩnh, mà trở nên hỗn loạn vì “sợ”, người ta đã mua đến sạch những cuộn giấy vệ sinh trong các siêu thị. Họ còn giành nhau, thậm chí ẩu đả vì việc ấy. Phải chăng họ chủ quan sau nhiều thế kỷ sống trong phồn vinh và thanh bình, không hề có ý thức phòng chống dịch hay một điều gì bất trắc. Có nơi ai đeo khẩu trang còn bị chế nhạo, kỳ thị, nhất là giới trẻ. Cho đến hôm nay, một số tiểu bang của Mỹ (khoảng 8 tiểu bang) vẫn không cấm ra khỏi nhà và không đeo khẩu trang, thậm chí có công ty cấm nhân viên đeo sợ gây hoang mang.

Đại dịch toàn cầu phá vỡ cái “mác” văn minhcon người đã tự dựng lên. Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, trong bài viết “Corona - Biến cố của thế kỷ” trên báo Giác Ngộ số 1043 (25-3-2020), nhận xét: “Điều đó cho chúng ta thấy rằng, nếu không xuất phát từ cái tâm có tu tậpđạo đức vốn có thì mọi thứ lịch sự, văn minh đó có vẻ hào nhoáng hơn là giá trị thực, nó được duy trì khi cuộc sống an lành... Những thứ mặt trái luôn tiềm ẩn trong tâm con người chỉ vì chưa có dịp để biểu lộ mà thôi.”

Còn những hệ lụy và những hậu quả khác nữa. Phải kể đến tình trạng thất nghiệp tăng cao. Đã có hàng triệu người thất nghiệp. Người ta dự báo con số lên đến 25 triệu lao động không có việc làm.

Ngay tại Việt Nam, những người bán lẻ, bán vé số, những người làm công, cũng đang trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn khi kinh tế suy thoái. Nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Mỹ cũng dự báo kinh tế sụt giảm đến 7% năm nay. Còn thị trường chứng khoán cực kỷ ảm đạm khi nhiều chỉ số rơi xuống từ 5 đến 8%.

Khoảng giữa tháng 2-2020, chúng ta còn chứng kiến chỉ số Dow Jones của Mỹ nằm ở khoảng 29.400, những hôm đầu tháng 4 là 21.000. Đó là một sự sụp đổ khoảng 30% trị giá cổ phiếu. Các chỉ số tại thị trường chứng khoán châu Âu cũng thiệt hại tương tự.

Tổng thống Mỹ phải đề xuất một gói cứu trợ khổng lồ đến 2.200 tỷ USD. Các nước khác cũng tùy tình hình mà xuất quỹ, thế giới đang trải qua một cơn suy thoái kinh hoàng.

Rất nhiều công ty sẽ phải đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản. Những ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, khách sạn hoàn toàn hay gần như đóng băng “vì dịch bệnh”.

Đại dịch cũng khiến người ta “sáng” ra khi phát hiện những “điểm mù” trong nền kinh tế toàn cầu hóa bấy lâu: từ chuyện chuỗi cung ứng dựa quá nhiều vào Trung Quốc, một khi mắt xích đó trục trặc, nhân loại cũng “hắt hơi sổ mũi” theo, cho đến chuyện cả một nền công nghiệp phục vụ y khoa bị bỏ quên vì không ai chuẩn bị cho một cơn dịch nên người ta thiếu máy thở, thiếu khẩu trang và các loại vật tư khác...

Hệ thống an sinh xã hội cũng bộc lộ điểm yếu ở cả châu Âu và Mỹ, thiếu giường cho người bệnh, ngay tại Hoa Kỳ hơn 27 triệu người không có bảo hiểm nên rất sợ đi bệnh viện. Điều tưởng như là không thể có đối với quốc gia này!

Nghĩ về Đức Phật và những điều Ngài dạy

- Nguyên lý vô thường

Chúng ta bất ngờ chăng khi có một kỳ nghỉ Tết dài đăng đẵng không hề mong muốn? Hãy nhớ một trong ba nguyên lý trong ba dấu ấn của hiện hữu khi chúng ta học Phật là vô thường. Ai cũng biết rằng, những gì vô thường dẫn đến khổ đau, không như ý. Trong đó quy luật sinh diệt là điều chúng ta cần phải hiểu. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở.

Người hôm qua còn khỏe nhưng hôm nay hệ hô hấp bị tấn công chỉ vài ngày sau là qua đời. Chúng ta nghe những con số rùng mình ở New York hiện nay: cứ 2 phút rưỡi lại có một người chết, dài hơn một chút là Ý, Tây Ban Nha và các nước khác... và chúng ta nghiệm ra thân thể từ sinh đến diệt phải trải qua chu kỳ bệnh tật, mà có khi do thiếu nhân duyên như thiếu máy thở, hay thiếu thuốc men, nên đành phải tử vong. Chúng ta quán chiếu thân thể vô thường để không quá luyến áisinh khổ đau. Nên vấn đề không phải là cơn bệnh dịch đang hoành hành, vấn đềthái độ của con người khi đối đầu với nó.

Nếu bình tâm, giữ gìn vệ sinh theo hướng dẫn, tuân thủ “giãn cách xã hội” (social distancing), rửa tay, đeo khẩu trang... thì chúng ta cũng đã tôn trọng tấm thân này, nói như BS.Đỗ Hồng Ngọc là “ta phải cảm ơn mình”. Vì có cái thân này, ta mới có thể làm những việc khác như cứu giúp đời, phát tâm thiện nguyện trong phạm vi khả năng tài chính hay chuyên môn của mình, đóng góp cho xã hội. Chúng ta trân trọng những người đang hy sinh thời gian, cả sức khỏe trên tuyến đầu chống dịch hiện nay từ các y bác sĩ cho đến những người bảo vệ, lao công trong bệnh viện. Họ đang chiến đấu vì người khác và cho cả xã hội. Đối diện với vô thường, người ta phải biết cách sống. Hãy nhớ con virus không phân biệt đối xử với bất kỳ ai vì giai cấp hay quan điểm chính trị. Chúng ta không có nơi nào để trốn thoát trong cuộc khủng hoảng sức khỏe công cộng này, và vì vậy chúng ta buộc phải đối đầu với những gì đang xảy ra hôm nay.

Sam Harris(1), trong tác phẩm “Hãy thức dậy: Hướng dẫn về tâm linh phi tôn giáo”, viết: “Một số người hài lòng giữa thiếu thốn và nguy hiểm, trong khi những người khác thì khốn khổ mặc dù có tất cả sự may mắn trên thế giới. Điều này không có nghĩa là hoàn cảnh bên ngoài không quan trọng. Nhưng đó là tâm trí của bạn, chứ không phải là hoàn cảnh, đó là chính bạn quyết định chất lượng cuộc sống của bạn. Tâm trí của bạn là nền tảng của mọi thứ bạn trải nghiệm và của mọi đóng góp bạn làm cho cuộc sống của người khác. Với thực tế này, nó có ý nghĩa để đào tạo nó”.

Chúng ta nhớ lá thư Thầy hiệu trưởng, ông Domenico Squillace của trường cấp ba Alessandro Volta ở Milano, đã viết cho học sinh có đoạn:

“... Không có gì mới dưới ánh mặt trời, thầy muốn nói như thế, nhưng những ngày trường học đóng cửa thầy thấy mình cần phải nói. Nhưng điều thầy muốn nói với các con là hãy giữ bình tĩnh, không để bản thân bị lôi kéo bởi cơn mê sảng tập thể và hãy tiếp tục - với sự đề phòngthận trọng - để sống một cuộc sống bình thường... Không có lý do gì để vơ vét ở các siêu thị và nhà thuốc, hãy để khẩu trang lại cho những người bệnh, vì chỉ dành cho họ... Bản năng di truyền của chúng ta là khi cảm thấy bị đe dọa bởi một kẻ thù vô hình là nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, điều nguy hiểm nhất là xem đồng loại của chúng ta như một mối đe dọa, hay một kẻ thù tiềm năng. So với các dịch bệnh của thế kỷ mười bốn và mười bảy, hiện nay chúng ta có một nền y học hiện đại, thầy tin tưởng ở sự tiến bộ, sự chính xác của nó, chúng ta hãy sử dụng suy nghĩ hợp lý để giữ gìn tài sản quý giá nhất mà chúng ta sở hữu, cấu trúc xã hội và tình nhân loại”.


Nếu chúng ta không thể làm điều đó, thì có nghĩa là dịch bệnh sẽ thực sự chiến thắng!(2)
Chúng ta hiểu Đức Phật đã dạy sự thật về nỗi khổ - bất như ý thì trong dịch bệnh, chúng ta vừa phải lo bản thân mang bệnh vừa phải sợ xa lìa người thân trong những cảnh khổ của chia lìa trong yêu thương cũng như các nỗi đau về thể xác khi lâm bệnh tật...

Có đương đầu với dịch bệnh, chúng ta mới thấy quý sức khỏe. Sức khỏe mới thực sự là vốn liếng lớn nhất của đời người. Nếu khôngthân thể khỏe mạnh, thì dù có cả núi vàng biển bạc, chúng ta cũng chẳng vui vẻ gì. Có ai đó nói rằng: “Một lần dịch bệnh giúp chúng ta hiểu ra rằng… chiếc giường đắt nhất thế gian là giường bệnh, thần dược quý giá nhất thế gian chính là sức khỏe”!

Không đau yếu là một trong những niềm vui tối thượng như có bạn trung hậu, như trong phẩm Niết-bàn:
 Không bệnh lợi tối thượng,
 Biết được tiền tối thượng
Thành tín đối với nhau
 Là bà con tối thượng
 Niết-bàn, lạc tối thượng 
(3)  

- Nguyên lý duyên sinh

Stephen Bachelor(4) từng có nhận định về Đức Phật, Ngài “không phải là một người chỉ biết sống ẩn dật thiền định trong chốn rừng sâu, Đức Phật đã thường xuyên du hành đến các làng xã, thị trấn tiếp xúc và hướng dẫn lối sống cho dân chúng ở nhiều địa phương. Ngài là vị đạo sư đầu tiên và quan trọng nhất, trong lịch sử nhân loại, vượt qua lối sống của một chính khách. Ngài luôn quan tâm tìm cách giúp cho xã hội vận hành và phát triển, nghĩ ra các nguyên tắc sống dựa trên quy luật tự nhiên khách quan và môi trường nơi Ngài sống.

Phật cũng đã chỉ dạy cho chúng ta phải nhận thức và hướng những hy vọng chúng ta vượt qua mọi tin tưởng thần bí. Ngài thường từ chối giải quyết sự việc theo phỏng đoán siêu hình, thay vào đó Ngài chỉ hướng cho mọi người cần chú ý tôn trọng đến nhân quả nghiệp báu, chú ý đến thay đổi hành vi hiện tại. Việc thực hành chuyển hóa thân tâm không chỉ dành cho những thời khắc tốt xấu, mà cho tất cả mọi khoảnh khắc thời gian, kể cả những lúc khó khăn nhất. Đây là lý do tại sao các nhà tư tưởng Phật giáo rất quan tâm đến tình hình trong giai đoạn hiện nay".

Thời Phật sống và cả những thế kỷ sau, con người luôn tôn trọngbảo vệ rừng núi, sông suối. Cả cuộc đời của Ngài như hòa vào đời sống thiên nhiên.

Rất tiếc, con người đã không còn tôn trọng thiên nhiên như những người xưa, như thông điệp mà Ngài đã dạy lưu lại trong kinh, luật.

Con người đã khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá núi rừng, chặn nguồn làm thủy điện, hy sinh hạ du, tàn phá thượng nguồn, lợi bất cập hại. Kết quả là con người hủy hoại chính ngôi nhà của mình: Trái đất. Cuộc sống đô thị phải hứng chịu mọi loại ô nhiễm từ bầu khí quyển đến nguồn nước và cả tiếng ồn. Chỉ trong 2 tháng sau thời điểm phát khởi Covid-19, mức độ ô nhiễm đã giảm từ 20-30%. Còn thực phẩm từ nuôi trồng đến thương phẩm, con người dùng quá nhiều hóa chất từ trồng trọt đến ủ chín. Có người đã nói thẳng: “Tất cả mọi thứ ô nhiễm này đều xuất phát từ ô nhiễm tâm.”(5) Kể từ sau “biến cố Vũ Hán - Trung Quốc”, con người bắt đầu “dừng lại” sau thời gian dài cứ đuổi bắt ảo ảnh của hạnh phúc. Dù chỉ một thời gian ngắn thôi mà sức sống trên mặt đất đã mạnh mẽ hơn. Nhưng ai biết được sau này khi con người trở lại với công cuộc khai phá như trước.

- Chúng ta hiểu nghĩa duyên sinh, duyên khởi trong giáo lý Phật

John Donne viết “Cái chết của bất kỳ ai cũng gây nên hao tổn trong tôi vì tôi thuộc về loài người. Đừng hỏi rằng chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn bạn đó!”(6). Ông cũng nhấn mạnh con người không phải là một hải đảo tự thân, mỗi con người là một mảnh của đại lục. Điều đó không có gì mới nếu ta hiểu giáo lý duyên khởi “cái này có nên cái kia có…”, chúng ta hành động thế nào thì môi trường và thiên nhiên đáp trả chúng ta như vậy. Có ai thắc mắc vì sao Đà Lạt nóng lên nhiều hay Phú Quốc bị ngập nước, TP.HCM bị triều cường triền miên?, v.v…

Môi trường chúng ta sống là cộng biểu tất cả mọi người, nhưng chính bản thân ta cũng là cộng biểu, dù ta có biệt nghiệp của riêng mình. Cộng nghiệp luôn có trong ta vì ta có tất cả tính chất môi trường mình đang sống, thế nên phải thấy đóng góp tốt cho y báo là thay đổi biệt nghiệp của mình.

“Bạn nên biết rằng, mọi chúng sanh trên cuộc đời, dù là cây cỏ, con kiến, con cá… đều có vai trò bình đẳng cho sự tồn tại trong một trật tự của vũ trụ, không một ai được sự ưu đãi đặc biệt trong quy luật đó. Vạn vật sinh ra trong tự nhiên để nương tựa vào nhau, cùng sanh cùng diệt cộng hưởng nhau, không thừa không thiếu trong một mắt xích dây chuyền. Hủy hoại một mắt xích cũng là hủy hoại chính mình. Con người cũng chỉ là một mắt xích bình đẳng trong chuỗi trật tự đó....!(7).

Người ta có thể nêu ra hàng loạt nguyên nhân theo sự suy đoán chủ quan của mình, nào là do thói quen ăn thịt động vật, cụ thể loài dơi hay rắn…, nào là do phòng thí nghiệm để “sổng” ra con virus ấy theo thuyết âm mưu là có kẻ “chế tạo” ra nó… Cho đến nay vẫn không ai biết nguyên nhân thực sự. Nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đã không thấu suốt ý nghĩa của tương tức, tương sinh giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên hay môi trường.

- Nguyên lý về lòng từ bi

Trong hoàn cảnh nào thì con người cũng cần đến sự tương trợ như hiện nay. Liên bang Nga hay các nước cũng đang hỗ trợ Mỹ và Ý hay một số nước đang gặp khó khăn, gác sang một bên những bất đồng trong chính kiến hay những khác biệt về văn hóa.

Nói như ngài Dalai Lama thứ XIV, tôn giáo tốt nhất là tôn giáo về lòng yêu thương; Phật giáo hay các tôn giáo khác cũng chỉ như cà-phê hay nước trà, trong khi nguyên liệu chính là nước, lòng từ bi. Nếu thiếu lòng từ, mọi chuyện đều không có ý nghĩa vì chỉ mang tính chất nghi lễ phù phiếm. Chỉ có lòng yêu thương mới gắn bó con người trên thế gian này.

Muốn như thế, hãy quán chiếu lòng mình vì phải “... sát khuẩn tự tâm cho thanh tịnh”.

Phương tiện sát khuẩn tâm phải chăngchánh niệm như nhà tâm lý trị liệu Mark Epstein viết, việc ứng dụng thực hành chánh niệm hiện nay trong phục vụ trị liệu tâm lý mang giá trị thực tiễn cao và là sự phát triển sáng suốt. Chính chánh niệm, đựợc xem là một kỹ thuật trị liệu tâm lýhiệu năng cao đã bị bỏ lỡ, một điểm quan trọng được thiết kế để dạy cho mọi người biết tuân thủ về sự tồn tại của kiếp sống đã được Đức Phật ứng dụngtrở thành phương tiện quan trọng nhằm giúp chúng ta vượt qua mọi đau khổ trong đời sống.(8) 

Đức Phật cũng đã dạy ta về lý nhân quả. Trong vật lý, luật lực và phản lực là không thể loại trừ. Điều đó cũng đúng trong mối quan hệ giữa người với người. Nếu ta hành động với lòng tốt, ta sẽ nhận lại lòng tốt. Nếu ta hành động với ác ý, ta sẽ nhận lại điều ác ý. “Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được”.(9) Nếu chúng tachánh niệm, có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm thì Tịnh độ có mặt trong ta. Khi nhìn sâu, chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể có được nếu khônghiểu biếtthương yêu.

Đức Dalai Lama thứ XIV khi nhận định về đại dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra(10) đã nói:“Mặc dù tình hình có khó khăn đến đâu, chúng ta nên dùng kỹ thuật công nghệ và tài khéo léo của con người với quyết tâmcan đảm vượt qua những vấn đề chúng ta đang đương đầu. Đối mặt với những mối đe dọa cho sức khỏehạnh phúc, bỗng dưng chúng ta cảm thấy sợ hãilo lắng. Tuy nhiên, tôi lấy làm an ủi lớn lao theo lời khuyên trí tuệ để quán sát những vấn đề trước chúng ta: Nếu việc gì có thể làm được - thì hãy làm, không cần lo lắng; Nếu không làm gì được nữa, lo lắng sẽ không giúp ích gì”.

Những điều Phật dạy nghìn xưa, hôm nay vẫn là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta và những ai muốn sống và làm theo những nguyên lý và cũng là chân lý ấy!
_________
(1) Sam Harris, Waking Uo: A Guide to Spirituality without Religion, Simon & Schuster, 2014
(2)https://www.dire.it/…/426499-coronavirus-la-lettera-del-p…/…(Bản dịch của Trương Văn Dân )
(3) Pháp cú, 204
(4) Bachelor, Stephen, Confession of a Buddhist Atheist, random House, 2010 (Lời thú tội của một người không tin Phật giáo)
(5) Thích Phước Tiến, Bài học nghiêm khắc từ Covid-19, http:// phatgiao.org.vn
(6) John Donne, “Meditation XVII“, http:// wikiquote.org
(7) Thích Phước Tiến, ibid
(8) Mark Epstein, What is real mindfulness? http://healyourlife.com
(9) Pháp cú 161    
(10) Thông điệp đặc biệt từ Đạt-lai Lạt-ma, http://vn.sputniknews.com



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/05/2017(Xem: 13652)
28/04/2017(Xem: 9116)
10/06/2016(Xem: 11080)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.