Chương 2 Chữ Tâm Trong Doanh Nghiệp

31/08/201012:00 SA(Xem: 9442)
Chương 2 Chữ Tâm Trong Doanh Nghiệp

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU
QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO

Thích Nhật Từ
Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2009


Chương 2

CHỮ TÂM TRONG DOANH NGHIỆP 

Bài thuyết trình chia sẻ của ĐĐ. Thích Nhật Từ tại Resot Phương Nam - tỉnh Bình Dương ngày 12 -04 -2009.

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng trên 360.000 doanh nghiệp, trong số đó TPHCM chiếm 1/3, tức khoảng 120.000 doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến số lượng doanh nghiệp nước ta phải bỏ cuộc ước tính khoảng 10%. Nếu so sánh những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và có mối quan hệ giao dịch với nhóm G7, G8, G20 thì nước ta ít bị tác động hoặc nếu có cũng không đáng kể. Dù như thế không có nghĩa là chúng ta không lo lắng, và để cho vận mệnh của cuộc khủng hoảng tác động đến. Chính vì thế mà Đảng và Nhà nước ta trong thời gian gần đây cũng đã đề ra nhiều chính sách giúp kích cầu và khôi phục lại nền kinh tế trong nước. Phần thuyết trình này, tôi xin chia sẻ về hai góc độ nhỏ từ cái nhìn của Phật giáo:

1. Phác họa lại bức tranh mà sự khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đòi hỏi đến nhu cầu phục hồi một cách cộng sinh trên toàn thế giớiHội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra vào ngày 02.04. 2009 được kỳ vọng là mang tính quyết định, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống kinh tế tài chính thế kỷ 21, với thông điệp của hội nghịthế giới cùng bắt tay để giải quyết khủng hoảng. 

2. Doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới phải làm thế nào để xử lý tình huống nếu ta trở thành nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngoài phương pháp luận về phương diện kinh tế, vấn đề xử lý cảm xúc dựa vào tinh thần, kinh điển của đạo Phật là một nhu cầu giúp doanh nghiệp có thể đứng vững và hoàn thành sứ mệnh chữ “Tâm”, lợi dụng kinh tế đó để phục vụ cho mình, cho người, và cho xã hội

Khủng hoảng kinh tế và giải pháp cộng sinh

Bản chất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu liên hệ đến thị trường chứng khoán Mỹ -Wall street (phố Wall), giá nhà liên tục rớt thê thảm từ khoảng tháng 06-2007 cho tới nay, đẩy các ngân hàng rơi vào tình thế khó khăn, nợ xấu gia tăng khi số tài sản thế chấp khổng lồ ngày càng mất giá trị. Để tránh thua lỗ nặng nề hơn, các ngân hàng thi nhau ngừng cho vay. Kết quả sau 14 tháng, 4,4 triệu người Mỹ đã mất việc làm. Nước Mỹ đã mạnh tay bơm hàng nghìn tỷ đôla để giải cứu thị trường tín dụng, trong đó có 700 tỷ USD dành riêng cho các ngân hàng. Đến tháng 2 năm nay, chính quyền Tổng thống Obama lại tiếp tục thiết kế gói cứu trợ thứ hai trị giá 787 tỷ USD.

Nỗ lực của Nhóm G20 là làm thế nào để cả thế giới cùng ngồi sát lại với nhau tìm giải pháp kinh tế cho toàn cầu, mà nói theo ngôn ngữ Việt Nam là tạo mặt trận để kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo nguồn việc làm. Nếu nỗ lực đó không phát xuất từ cái tâm cộng sinh quốc tế thì cho dù chúng ta có cái tâm của doanh nghiệp, tâm của quốc gia, hay tâm của tập thể chăng nữa cũng đành phải chịu đựng, ngồi nhìn sự sụp đổ và ảnh hưởng trực tiếp của nó đến đời sống kinh tế, hạnh phúc gia đình của từng con người trên hành tinh này.

Giải pháp mà nhóm G20 đưa ra nói theo ngôn ngữ Phật học đó là giải pháp duyên khởi, và nói theo ngôn ngữ hiện đại đó là giải pháp cộng sinh. Trước đây, bản chất của nền kinh tế tự do mà Mỹ khởi xướng được gọi là bàn tay vô hình, tức là sự điều tiết tự nhiên của bản chất tự do trong kinh tế. Thế nhưng bây giờ người ta buộc phải chấp nhận một giải pháp mới đó là bàn tay hữu hình của chính phủ. Giải pháp này cũng là đường lối kinh tế được các nước thuộc khối cộng sản thực thi trong những năm qua, nhưng vì mâu thuẫn của ý thức hệ sau phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, người ta có vẻ thành kiến về khối cộng sản mà không thấy được tầm quan trọng trong những học thuyết kinh tế học mà Karl Marx(Các-mác) đã đưa ra. Nền cộng sinh buộc con người phải chấp nhận quan điểm mà theo kinh điển đạo Phật nó như là một công thức, cái này phát sinh tạo tiền đề dẫn khởi cho cái khác phát sinh, cái này bị hoại diệt tạo tiền đề dẫn khởi cho cái khác bị hoại diệt; và trong hướng cộng sinh, cộng tồn như thế buộc con người cần phải thực thi trách nhiệm và cam kết quốc tế. Cho dù có xảy ra những xung đột hoặc căng thẳng thế nào đi nữa thì thông điệp đoàn kết vẫn là điều kiện quan trọng nhất để đạt kết quả tối ưu cho sự sống còn của thế giới về vấn đề tài chính, thông qua đó đảm bảo được sự bình ổn về kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh G20 - “Bước ngoặt” kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Anh đã kết thúc khá tốt đẹp với kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 1.100 tỉ USD. Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị hôm 02-04, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết các lãnh đạo G20 đã đạt được một thỏa thuận "mang tính lịch sử" khi nhất trí lập quỹ cứu trợ kinh tế trị giá 1.100 tỉ USD. Ông nói: "Đây là ngày thế giới cùng sát cánh bên nhau chống suy thoái toàn cầu, không phải bằng lời nói suông mà là một kế hoạch để phục hồi cũng như cải cách kinh tế toàn cầu". Nhà lãnh đạo Anh khẳng định một trật tự thế giới mới đã được hình thành sau hội nghị G20. Về phía tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không giấu được sự vui mừng với những kết quả đạt được tại hội nghị và gọi đây là "bước ngoặt" cho kinh tế thế giới, ông cho rằng các quốc gia đã thống nhất một loạt biện pháp không tiền khoáng hậu để phục hồi đà tăng trưởng và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra thêm lần nữa. 

Trên cơ sở giải pháp nào tạo tiền đề cho sự hồi sinh về kinh tế, các thỏa thuận cam kết mà hội nghị đã thống nhất đạt được bao gồm

1. Nhất trí đóng góp thêm để tăng quỹ cứu trợ các nền kinh tế khó khăn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều thể chế tài chính khác lên 1.100 tỉ USD. Khoản tiền khổng lồ trên bao gồm 500 tỉ USD cho IMF để các nền kinh tế khó khăn có thể vay, 250 tỉ USD trong Quyền rút vốn đặc biệt của IMF, 250 tỉ USD để hỗ trợ các dòng thương mại toàn cầu và 100 tỉ USD để các ngân hàng phát triển quốc tế cho các nước nghèo nhất vay mượn. 

2. Cam kết nỗ lực xử lý các bảng cân đối tài sản phần nhiều đã vơi đi của hệ thống ngân hàng và khơi thông nguồn tín dụng. Lên danh sách đen và trừng phạt những "thiên đường trốn thuế", đặt ra qui định mới về việc trả lương và tiền thưởng cho các chủ ngân hàng, giám đốc các công ty... 

3. Tập trung vào việc thắt chặt, giám sát, quản lý hệ thống tài chính, các quỹ đầu cơ đa quốc gia, các nhà đầu tư tài chính nhiều tham vọng tại Mỹ và các nền kinh tế khác. Họ cũng cam kết chi 5.000 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới trong năm nay và năm tới. Bên cạnh đó, G20 cũng ủng hộ kế hoạch của IMF bán 403 tấn vàng dự trữ để giúp các nước nghèo nhất thế giới. 

Nhìn chung, sau những bất đồng sâu sắc tưởng như không thể vượt qua, hội nghị G20 đã kết thúc khá suôn sẻ khi tìm được lời giải cho bài toán về khủng hoảng kinh tế. Ngay cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người từng đe dọa rút khỏi hội nghị, cũng thừa nhận những kết quả trên là vượt ngoài trông đợi. Các lãnh đạo G20 dự kiến sẽ nhóm họp lại vào tháng 9 tới tại Mỹ để xem xét, đánh giá lại diễn tiến cam kết đó được thực hiện như thế nào. 

Đó là tình hình cứu vãn thị trường có bàn tay hữu hình của các quốc gia mà nói theo Mác là một điều hết sức cần thiết và không thể thiếu thì đến bây giờ chủ nghĩa tư bản mới bắt đầu nhìn và đánh giá lại, dù không thừa nhận một cách công khai đó là các biện pháp giám sát toàn cầu. Để làm được như thế, họ thống nhất là phải tăng cường sự minh bạch của thị trường tài chính quốc tế bằng cách quản lý chặt chẽ hơn các ngân hàng và tổ chức lại hệ thống tài chính toàn cầu. Bởi theo sự phân tích của ông Robert Zoellick - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ các gói kích thích kinh tế là chưa đủ. Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về 122 cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế cho thấy bước ngoặt sẽ không đến nếu như không dọn dẹp nợ xấu và tái đầu tư cho các ngân hàng. Ông cũng dự đoán kinh tế thế giới sẽ suy thoái 1-2% trong năm nay và khó khăn có thể kéo dài sang năm 2010. Nếu không sớm đối phó với vấn đề ngân hàng, các gói kích thích kinh tế cũng giống như lượng đường trong máu. Nó bơm năng lượng vào cho hệ thống nhưng sau đó mọi chuyện sẽ đi xuống nếu như không mở cửa lại thị trường tín dụng.

Ngoài ra, theo ông Pascal Lamy - tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán, thương mại toàn cầu cũng sẽ suy giảm 9% trong năm nay. Ông cho biết những lo ngại về xung đột thương mại mới đã xuất hiện. Trong một bản báo cáo gần đây gửi đến 153 nước thành viên, WTO lưu ý các nền kinh tế lớn như Mỹ hay EU đang âm thầm thưc hiện nhiều chính sách bảo hộ thương mại trong nước, trong khi ngoài miệng vẫn hô hào tự do thương mại. Thế giới đang đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khi xuất hiện ngày càng nhiều hàng rào qui định. Chúng dần dần bóp nghẹt tự do thương mại quốc tế và làm mất đi tính hiệu quả của các chính sách kích cầu cũng như làm chậm lại quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhóm G20 đã tăng nguồn vốn vay cho IMF, song vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu tình hình chỉ như hiện nay, thì G20 sẽ kiểm soát được, nhưng nhìn vào “đám cháy” đang lan ra toàn cầu trong suốt 5 tháng qua, sẽ thấy là vẫn chưa có đường đi rõ ràng để giải quyết các thách thức nghiêm trọng. Thực tế, vẫn chưa có sự đồng thuận về cách thực hiện kích thích kinh tế mà các nước đang thực hiện

Giới phân tích cho rằng thành công của hội nghị G20 lần này có thể chỉ là bước tiếp theo chứ chưa phải là bước kết thúc trong hành trình tìm liều thuốc chữa bệnh cho kinh tế thế giới. Với những diễn biến kinh tế như hiện nay, nếu làm hết khả năng và đúng phương pháp luận với sự hợp tác mang tính cách cộng hưởng toàn cầu thì người lạc quan nhất cũng chỉ dám dự đoán kinh tế thế giới sẽ khởi sắc vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2010. Còn người bi quan thì cảnh báo nguy cơ đại suy thoái có thể kéo dài 5 năm, hoặc thậm chí 10 năm. Trong bối cảnh như vậy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại và chiến tranh thương mại ắt sẽ xảy ra. Đây là viễn cảnh mà các nước G20 nói riêng và thế giới nói chung chắc chắn không hề mong muốn.

Do đó, tất cả nỗ lực của doanh nghiệp bằng chữ “tâm”, “tiền”, “tài”, “trí” và “tầm” nếu làm một cách độc lập và rời rạc thì chắc chắn kết quả sẽ không đi đến đâu. Chính vì thế, mối quan tâm của toàn cầu là phải cộng tác với nhau theo nguyên lý cái này bị khổ đau dẫn đến cái khác cũng bị khổ đau trực tiếp hoặc gián tiếp, cái này được hạnh phúc cũng tạo tiền đề cho cái khác được hạnh phúc. Trên cơ sở đó, giải pháp duyên khởi của đạo Phật được sử dụng một cách ngẫu nhiên nhằm tháo gỡ những khủng hoảng mà toàn thế giới đang nỗ lực hướng về. 

Phương pháp xử lý cảm xúc trong Phật giáo

Với bức tranh kinh tế toàn cầu vừa phác họa, tôi xin chia sẻ hai phương pháp hành trìcon đường tâm linh Phật giáo đang rất quan tâm, và nó đóng một vai trò ảnh hưởng tâm linh khá lớn tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài mươi thế kỷ qua. 

1. Phương pháp Tịnh Độ tông 

Bằng nghệ thuật thay thế đối tượng nhận thức của tâm thông qua việc giới thiệu danh hiệu đức Phật A-di-đà, và danh hiệu này được tiếp cận dưới ba góc độ: 

- Góc độ tín ngưỡng: người ta xem đức Phật A-di-đà có khả năng cứu giúp con người vượt qua nỗi khổ niềm đau về vật chấttinh thầnhiện tại; và sau khi chết, nếu có nguyện vọng tái sinh về thế giới Cực Lạc -nơi an bình một cách lâu dài mà không còn bất kỳ một nỗi vướng bận nào về mặt kinh tế, xã hội, đạo đức, chính trị v.v… Tiếp cận phương pháp Tịnh Độ tông dưới hình thức vừa nêu, giá trị của nó được tạm gọi là sự “trấn an” giống như liều thuốc giảm đau và không có tác dụng trị liệu lâu dài

Bởi theo đức Phật, bản chất của mọi vận hành trong vũ trụ dưới sự khám phá của Tứ Diệu Đế thông qua hai lớp nhân quả, và nhân quả đó tự nó quyết định vận mệnh của con người. Không có Thượng Đế như một đấng sáng thế can thiệp vào, không có vị Thần linhtrung gian trưởng quản các chức nghiệp ngành nghề, và cũng không có mọi sự rủi ro xảy ra trong cuộc đời. Tất cả đều là sự vận hành khá biện chứng, lý giải nó được hay không bằng phương pháp luận với tính hệ thống, hoặc đổ lỗi, xem nó là một điều gì đó chưa thể giải quyết.

- Góc độ nghệ thuật thay thế: bằng cách sử dụng danh hiệu của đức Phật như một cái “nêm” chèn vào trong đời sống nội tâm của con người. Con người luôn có những khổ đau về vật chất hoặc tinh thần. Nếu giải quyết được khổ đau về vật chất thì về mặt tinh thần vẫn còn nguyên hoặc ngược lại. Do đó, cần giải quyết nó bằng cách cộng hưởng, chú tâm vào đối tượng danh hiệu sẽ giúp quên đi khổ đau đang diễn ra như một hiện thực. Đây cũng chỉ là phương pháp giảm đau mang tính chất tạm thời. 

- Góc độ biểu tượng và triết lý: A-di-đà Phật được hiểu là vô lượng quangvô lượng công đức. Vô lượng quang không nên hiểu theo ý nghĩa vật lý là ánh sáng tuệ giác của đức Phật soi chiếu rộng cùng khắp muôn nơi, mà nên hiểu tuệ giác đó được sử dụng một cách không giới hạn mới có thể giải quyết được nhiều vấn đềphương pháp luận của nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng. Có như thế, việc giải quyết đó mới được dứt điểm một cách lâu dài

Vô lượng thọ không nên hiểu theo ý nghĩa đơn thuần là tuổi đời không giới hạn, mà đó là sự bền bỉ trong các mục đích chân chínhchân thànhchúng ta đầu tư để hướng về. Ta không được quyền bỏ cuộc nửa chừng mà phải theo đuổi mục đích ấy bằng sự tinh tấn theo con đường của đạo Phật để đạt được những giá trị cho chính mình và cho cả tha nhân.

2. Phương pháp thiền 

Trong Phật giáo có khá nhiều các phương pháp thiền, ở đây tôi xin giới thiệu về phương pháp thiền quán vô ngãvô ngã sở hữu. Bởi vì hiểu biết luôn là gốc rễ của sự thực tập, và tập hiểu chính là thực tập thiền quán. Thiền quán là cách thức nhìn sâu vào lòng sự việc.

- Phương pháp quán vô ngã: đặt con người vào cái khả thể nhận thức bản thân mình là một tổ hợp gồm hai yếu tố cấu thành, đó là vật lýtâm lý. Toàn bộ nỗi đau của con người trên cuộc đời này nếu có đều liên hệ đến yếu tố vật lý, cụ thểthân thể này và môi trường xung quanh. Toàn bộ những bất mãn, khủng hoảng, khổ đau về phương diện tinh thần của con người nếu có đều liên hệ đến tâm. Như vậy, bản chất của khổ đau hoặc là bám trên thân, hoặc là bám trên tâm. 

Phương pháp quán vô ngã cho phép ta không đánh đồng hai tổ hợp vật lý hoặc tâm lý là ta, ví dụ: thân thể này không phải là tôi, tôi không bị lệ thuộc vào thân thể này. Dòng cảm xúc, ý niệm hóa, nhận thức và tâm tư không phải là tôi, tôi không bị lệ thuộc vào nó. Như vậy, nó được quan niệm như thế nào? 

Đức Phật dạy, nó được quan niệm như một tổng thể chức năng đóng vai trò trong một thời gian nhất định nào đó. Do việc đồng hóa nó là ta, nên nỗi khổ đối với thân thông qua bệnh tật càng làm cho người ta bị khổ đau lâu dài, cường điệu hóa về nó đến mức nhiều người chịu không nổi đã phải tự tử mà chết như trường hợp nhà tỷ phú Adolf Merckle của Đức là một điển hình. Tuyệt vọng, khổ đau, bế tắc, không có lối thoát, ông đã chọn giải pháp kết liễu đời mình kéo theo bao nỗi khổ đau cho vợ, con, cùng hàng trăm ngàn nhân viên của ông. 

- Phương pháp quán vô ngã sở hữu: trong đó cái tôi được xem là chức năng và công cụ, đồng thời những gì liên hệ đến cái tôi đó cũng nên xem là chức năng để phục vụ mà thôi. Nếu ta so sánh điều này với quan điểm của nhà kinh tế học hiện đại Adam Smith là hoàn toàn thích hợp với nhau. Bởi theo ông: “Không có tài sản vĩnh hằng, chỉ có sự quản trị giỏi được sử dụng như là phương thức và công cụ để làm chủ sở hữu tài sản trong một không gianthời gian tương đối”.
Hiểu được điều đó cùng với toàn thể phương pháp luận dẫn đến phước quả thông qua việc làm ăn chân chính, để có thể giữ sở hữu tài sản đó một cách lâu dài, không bị lún lút sâu trong nỗi khổ niềm đau. Thực tế, phương pháp quán vô ngã sở hữu là một giải pháp giúp con người không tiếc nuối về những gì đã mất, vì nó là một hiện thực. Ngược lại, cho dù con người có tiếc nuối, có rơi lệ thì thực tế nó vẫn là không. Thay vì để cho dòng nước mắt tuôn trào, chúng ta hãy dùng đôi tay, đôi chân của mình bằng trí tuệ, bằng phương pháp, bằng niềm tin, bằng sức mạnh đứng dậy để làm lại từ đầu. 

3. Phương pháp thực tế của cư sĩ Cấp-cô-độc

Một câu chuyện được xem là bài học kinh nghiệm để giải quyết khổ đau có thể ứng dụng trong cuộc sống thực tiễn của chúng ta ngày nay. Trong thời đại của đức Phật, có một cư sĩ nổi tiếng đồng thời cũng là nhà đại tỷ phú của Ấn Độ lúc bấy giờ tên là Tu-đạt, và người ta quen gọi ông là Cấp-cô-độc. Ông là một thương gia rất giàu có, hầu như 75% lợi nhuận thu được từ việc làm ăn buôn bán của ông đều đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Thế rồi có một giai đoạn khủng hoảng kinh tế xảy ra tại Ấn Độ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ăn của ông. Lúc đó, ông bị thua lỗ, thất bại gần như khánh tận hết của cảitài sản

Nhiều người thấy thế đã chế giễu ông:“Ông Cấp-cô-độc à, ông cúng cho đức Phật, giúp cho giáo hội và các nhà hoạt động đạo đức làm chi, bởi vì nhân quả không hề có. Nếu nhân quả thực sự có thật thì sao ông lại phải ra nông nổi tồi tệ như thế này!” Trước những lời lẽ trên, chẳng những không làm ông chán nản, bỏ cuộc, mà ngược lại càng làm cho ông thêm tin sâu vào nhân quả; xem nó như một hiện tượng của đường siêng lên và xuống. Khi bị chìm xuống dưới đáy thì chắc chắn sẽ có một cơ hội để vực dậy. 

Với niềm tin vô thường của đạo lý Phật giáo gợi mở cho ông lối suy nghĩ về một hướng tích cực, mà trong kinh điển ngài Long Thọ Bồ-tát cũng từng nói:“Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành”, tức là do vì nguyên lý vô thường, tính duyên khởitính cách không thực thể mà tất cả mọi sự thành tựu trong cuộc đời này được thành tựu trên cơ sở nỗ lực chân chính và nguyện ước chân thành của mỗi con người. Từ đó, ông đã nỗ lực gầy dựng lại từ hai bàn tay trắng. Kết quả sau thời gian ba năm, việc buôn bán của ông thịnh vượng và phát đạt trở lại gấp hai lần so với thời ông là tỷ phú. 

Chúng tôi cũng tin chắc rằng các nhà doanh nghiệp trên toàn thế giới và nhất là Việt Nam với chữ “tâm” trong doanh nghiệp, “tầm” và “trí” trong nhận thứcphương pháp luận, với sự cộng sinh để cùng hợp tác đứng dậyđi lên. Trong một thời gian ngắn có thể là một năm hoặc một năm rưỡi, chắc chắn quý vị có thể phục hồi lại, rũ bỏ được nỗi khổ niềm đau và xem nó như là một thách đố cần phải trải qua trong cuộc đời.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/12/2013(Xem: 26252)
01/09/2014(Xem: 16776)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.