Cây Cầu Giải Nghiệp

02/08/20204:00 SA(Xem: 3653)
Cây Cầu Giải Nghiệp
VÒNG XOÁY CUỘC ĐỜI
TUYỂN TẬP VĂN
THÍCH NHUẬN HÙNG
Thư Viện Hoa Sen
Nhà Xuất Bản Ananda Viet Foundation

  

CÂY CẦU GIẢI NGHIỆP


Trăng trung tuần treo lơ lửng trên không, chiếu sáng cả một vùng bao la vô tận, làm cho cảnh vật về khuya thêm tịch mịch, chẳng khác nào bức tranh sơn thủy chấm phá độc đáo do thiên nhiên tạo. Nói chung trên ngọn Nga My Sơn, Trung Quốc thời bấy giờ, núi rừng hiểm trở ít ai lai vãng đến. Nơi đây không hiểu đã được thành lập bao lâu mà thành trì Võ Đang này thật khí thế, chung quanh tường rào rất là kiên cố. Chiếm lấy cả khu đồi để xây cất chỗ ở cho môn sinh, lui tới luyện tập và tịnh tu rất bền thế, xa lánh phố phường thật là lý tưởng cho những ai chuyên tâm tập luyện…!

Sư phụ, trụ trì ở nơi đây tuổi tác đã khá cao nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, thân thể tráng kiện, chẳng những vậy mà còn đào tạo rất nhiều môn sinh, võ nghệ tinh thông và lúc nào cũng lấy đạo đức làm châm ngôn cho mọi sinh hoạt của môn phái. Người lúc nào cũng thao thức nghiệp võ nên ra sức đào tạo, tuyển chọn môn sinh đúng theo ý ngài để kế thừa môn võ học và truyền lại cho những thế hệ mai hậu. Trong những năm cuối đời nhà Tống loạn lạc quá nhiều, các giáo phái và những nơi luyện tập võ công luôn luôn tranh dành ảnh hưởng với nhau. Ai cũng muốn “bá chủ” võ lâm được làm anh hùng trong thiên hạ. Nhưng sư phụ nói thế, ngoài tài còn phải có đức độ, trong môn sinh có mấy ai được trọn vẹn. Nỗi buồn canh cánh bên lòng phân vân, chưa biết định đoạt ra sao…!

Đêm nay dưới ánh trăng nơi núi rừng hoang vu các môn sinh đã an giấc nghỉ ngơi. Nhưng sư phụ vẫn còn thao thức chưa ngơi nghỉ, linh tính ngài cho biết sẽ có điều gì bất an sắp xảy ra nơi hậu liêu của ngài. Không chớp mắt được giữa đêm khuya ngài liền dậy khoác chiếc áo choàng bông và không quên cầm thêm cây thương, đầu mũi thương nhọn và sáng, dáng đi thoan thoắt. Sư phụ có cặp mắt tinh anh và bộ râu dài trắng phau, tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, quắc thước. Thoáng chốc sư phụ đã đến chỗ gây ra tiếng động giữa đêm khuya. Sau khi quan sát kỹ, chứng kiến hai môn sinh của mình đang so tài với nhau. Thiện Tuệ xử dụng song đao lợi hại, đôi đao vung lên loang loáng dưới ánh trăng như đôi rắn bạc, chém xối xả xuống đầu Thiện Hậu. Bị tấn công bất ngờ Thiện Hậu ngả lăn mình tránh đôi lưỡi đao lợi hại, rồi lăn tròn dưới đất, vừa lăn vừa cởi chiếc đai vải dài quấn quanh bụng, rồi phóng vút người đứng dậy trong tay cầm đai thắt lưng bằng vải dày và dài, hai đầu dây đai vung lên uốn lượn lợi hại như con bạch xà uốn khúc, vây tròn đối thủ vào giữa Thiện Tuệ không kém vung song đao định cắt đứt dây đai, nhưng đã trễ – Thiện Hậu dùng thế “song thủ đả ngư ” hai đầu dây thắt đai như hai con rắn quấn lấy hai cổ tay Thiện Tuệ giựt phắt song đao, bay vút lên không, cắm vào gốc cây tùng gần đó! Đây là những thế tuyệt kỷ của phái Võ Đang chuyên dùng nhu thắng cương. Năm xưa Bạch My sư tổ đã dùng chiếc bụng mềm, hút chặt đầu của Chí Thiện chưởng môn phái Thiếu Lâm, đã phải bỏ mạng. Từ đấy gây ra mối thâm thù. Thiếu Lâm trường hận không biết bao nhiêu năm...!

Trở lại cuộc tỷ thí... Song đao vuột khỏi đôi tay Thiện Tuệ đang bàng hoàng ngơ ngác, thì một đầu dây đai lại phóng tới, định quấn quanh cổ Thiện Tuệ vật xuống đất, nhưng may thay sư phụ vừa phóng tới kịp thời cứu Thiện Tuệ thoát hiểm. Sư phụ bèn lên tiếng:

- “Ngừng lại!” Thiện Tuệ, Thiện Hậu khuya rồi, hai con đi nghỉ mai tập tiếp.

Đang độ giao đấu quyết liệt chưa phân thắng bại, nghe sư phụ gọi, cả hai cụt hứng, lòng không cam đành, chạy đến quỳ trước sư phụ, đồng thưa:

-Xin lỗi sư phụ, mong chỉ dạy thêm cho chúng con...!

- Sư phụ có việc nói các con:

“Ngày mai, sư phụ bế môn luyện công, công việc hai con phải quán xuyến và nhớ ra thông báo không nhận môn sinh mới. Các con cố gắng luyện tập và chuyên cần hướng dẫn các môn đệ.

Vừa dứt lời, sư phụ đã biến dạng, cả hai đều ngơ ngác.
Từ đó sự luyện tập vẫn y theo thời khóa nhưng không còn hào hứng như xưa nữa.

Sau khi sư phụ “bế môn” luyện công đã xong trở lại sinh hoạt bình thường. Bỗng nhiên có một người đến báo tin...Ba hôm sau sư phụ và Thiện Hậu lên đường đi đến điểm hẹn...
Thiện Tuệ được sư phụ giao phó ở lại trang trại trông nom và hướng dẫn môn sinh.

Chuyến đi này của sư phụ và Thiện Hậu không biết ra sao, nên Thiện Tuệ chỉ âm thầm tiễn đưa chẳng nói lời nào, ngoài câu “chúc lành” cho Sư phụ và Thiện Hậu. Thoáng chốc trong đầu Thiện Tuệ có linh cảm hiện ra những việc không hay như là, một đi không trở lại đó chăng? Chàng liền xua tan ý nghĩa xấu đó ngay. Chỉ cầu mong sư phụ xong việc sớm trở về…!


Thời gian cứ thế trôi đi, tin tức chờ hoài chẳng thấy, biệt vô âm tín cả thầy lẫn trò, rồi tai biến này, ách nạn kia xảy ra liên tục môn sinh ngày một thưa thớt, tiền bạc yếu kém trang trại nuôi sống đồng môn suy xụp, kéo theo đời sống của võ đường và gia đình vợ con Thiện Tuệ cũng lâm cảnh hàn vi túng quẫn. Sau đó trang trại yếu lần không còn ai kế nghiệp. Thiện Tuệ cũng mất mạng trong trận đấu quyết liệt với bọn cướp từ xa kéo đến. Người vợ thoát chết được một cao nhân lạ mặt cứu, nhưng thân thể bà đầy thương tích, cùng đứa con trai tên là An Hòa chưa đầy ba tuổi, thật là thảm kịch xảy ra quá kinh hoàng cũng vì ân oán - tình thù của thế hệ đi trước đã tạo ra.

Hai mươi lăm năm sau!

Loạn lạc đã lắng xuống, đời sống đã được an lạc trong dân gian. Tại một nhánh nhỏ xuyên qua làng xóm thuộc lưu vực sông Dương Tử. Nơi đây lúc bấy giờ vẫn còn hoang vu chưa được phát triển, đa số dân chúng sinh sống đều từ các nơi quy tụ về, sống quanh dòng sông này. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ở đây rất an toàn ít bị quấy nhiễu bởi bọn cường khấu nhưng ngược lại gặp phải dòng sông nước chảy mạnh chưa có điều kiện bắc cầu ngang qua sông cho nên mỗi khi nước lớn, dân chúng qua lại bằng ghe xuồng rất vất vả, có khi còn phải mất mạng do nước cuốn đi. Cảnh tượng ấy đã xảy ra rất nhiều, khiến cho bao gia đình mất mạng do nước lũ cuốn đi đành phải dời đến nơi khác.

Cũng tại nơi đây, không biết từ đâu lại xuất hiện một lão hành khất sống đời du canh, du cư khắp nơi nơi, không hiểu vì sao lão lại trụ nơi này khá lâu, trông tướng người rất rắn chắc, nước da đen xạm trông thật phong trần. Không biết tên họ ông lão là gì, từ đâu đến? chẳng ai biết gốc gác. Người dân ở đây đặt cho lão một biệt hiệu là Lão Trượng bởi thỉnh thoảng, lại thấy lão đứng hằng giờ trông ngóng ra dòng sông, không ai hiểu tâm tư của lão, hình như lão có uẩn khúc gì bên trong...! Rồi một ngày nọ lão cất ngay bên bờ sông một cái chòi tranh nho nhỏ, đủ che nắng che mưa, không ai hiểu lão sống bằng nghề gì? Chỉ thấy lão chu du khắp mọi nơi trông như một hành khất, sống qua ngày, che dấu thân phận hoặc mai danh ẩn tích chi đó? Bao nhiêu nghi vấn nhưng chẳng ai bận tâm tìm hiểu cuộc đời của Lão Trượng cả! Có người còn nghi vấn cho rằng lão có ước nguyện gì hay chờ đợi ai đó trên dòng sông này chăng? Mà cuộc sống vất vả chật vật về đời sống mưu sinh hằng ngày như thế, chưa hết có người còn thấy lão ra sức tạo dựng cây cầu bằng gỗ để bắc ngang qua sông. Lão Trượng có ý định giúp cho dân làng qua lại dễ dàng trên sông tránh cảnh nước dâng cao nguy hiểm cho tánh mạng dân chúng. Công việc làm tốn rất nhiều công sức, thời gian tuy đơn độc nhưng lão vẫn vui vẻ. Vì việc làm ấy rất có ích cho dân làng về sau. Thời gian cứ thế trôi qua, lúc đầu nhiều người cho rằng lão (khùng) làm việc xã hội mà chẳng hợp tác cùng ai, chẳng có kế hoạch hay đóng góp gì cả, lão cũng chẳng phải (quan quyền) chi đó, việc làm ấy chẳng khác nào “…...se cát biển Đông ...” Nhưng lão vẫn không nản chí cứ bền tâm mà theo đuổi việc làm chẳng nệ gian nancực khổ thiếu ăn, thiếu mặc nhưng ý chí vẫn không sờn...

Thời gian thấm thoát đã qua nhanh, gần ba năm trời rồi mà cây cầu làm mới được 1/5 với sức cố gắng tối đa của lão, rồi việc gì đến nó sẽ đến...!

Vào một buổi chiều khi bóng tà dương đã nhạt dần chỉ còn lại vài tia nắng yếu ớt le lói trên dòng sông. Xa xa có một gã thanh niên hướng về dòng sông hình như hắn muốn tìm phương tiện để qua sông, nhưng chẳng gặp ai cả hắn đang thất vọng, cố đi vòng quanh bên bờ sông mong gặp người để hỏi thăm. Bất chợt hắn cười ồ lên như gặp được quới nhơn cứu mạng, quên hết những ưu phiền chung quanh chạy ào đến hỏi thăm người đang làm việc dưới chân cây cầu gỗ ướt mèm. 

-Chào cụ ạ!
 Chẳng đáp chẳng rằng gì cả.
 

-Chào cụ ạ!
 

Lần thứ hai không trả lời.
 -Chào cụ ạ!


Lần thứ ba cũng thế, lúc bấy giờ chàng thanh niên này ngạc nhiên thầm nghĩ người hay là...! Lẽ nào im lặng như thế. Tập trung tư tưởng và nội lực An Hòa thử xuất chiêu với lão xem sao, người thật hay là giả không ngờ bị phản công quá mạnh trở tay không kịp, An Hòa bị rơi ngay xuống dòng sông, nhờ biết bơi nên chẳng hề hấn gì. Biết lão này không phải tay tầm thường nên An Hòa quỳ lạy xin lỗi vì tội bất kính. Lúc bấy giờ lão cũng hoan hỷ việc đã qua nên cả hai đều chuyện trò vui vẻ.

 An Hòa hỏi thăm đường xá lão lắc đầu nói rằng:
 -Đường còn dài lắm...thôi cậu hãy về nhà tôi nghỉ ngày mai lên đường.


 Sau khi chia tay với Lão Trượng tại dòng sông, An Hòa lại tiếp tục công việc và luôn để tâm vào việc đang điều tra thủ phạm và quyết tìm cho ra manh mối việc làm ấy quả thật khó khăn và gian nan. Mười năm qua rồi nhưng chưa có một bằng chứng nào cụ thể cả, suốt cả nhiều nơi chàng đã đặt chân đến, nhưng rồi tất cả vẫn “chìm xuồng” lui vào bóng tối, chẳng còn một tia hy vọng nào. An Hòa không muốn mẹ mình mất niềm tin nơi chính mình, vì đã không làm tròn sứ mệnh do mẹ giao. An Hòa có lúc muốn bỏ cuộc quên đi quá khứ khổ đau, nhưng nặng vì chữ hiếu...phận làm con không lẽ, bất tuân lời chỉ dạy của mẹ.

 

Chàng cố gắng lặn lội khắp nơi tìm cho ra mối thù năm xưa ai là kẻ đã giết cha chàng nhưng lưới trời lồng lộng chẳng biết đâu mà lần cho ra manh mối. Thời gian quá dài cuộc đời thay đổi không biết bao nhiêu lần. Sự thăng trầm xã hội nhiễu nhương, lúc bấy giờ vàng thau lẫn lộn chẳng biết ai thiệt ai giả. Cứ theo nhân quả nhà Phật mà ra chàng tin như thế, rồi từ đó chàng thường hay lui tới những nơi tôn nghiêng như chùa chiền lễ lạycầu khẩn hương hồn cha bị chết oan uổng, mà chàng đang đi tìm thủ phạm.

Có lần chàng cố gắng nhớ lại những chi tiết vụn vặt trên đường đi và ghi lại những diễn biến từng công việc đã qua. Chàng còn vấn vương, nhớ lại lần gặp một lão già nơi bờ sông, lão ấy đã từng chia xẻ với chàng rằng: “Người chết rồi không thể nào sống lại được, nếu giết thêm một người nữa để rửa hận thì có ích gì, đó là ân oán chất chồng không thể nào chấm dứt được, phải tìm một biện pháp nào tốt hơn để thế vào, (nếu được) (bằng không). Thay vì, ta phải làm một việc gì có ích nước lợi dân hoặc cho gia đình thì nên cầu nguyện cho người quá cố sớm được siêu thoát đó cũng là việc đáng làm.” An Hòa hồi tưởng những năm qua, nhớ đến lời nói này khiến cho chàng thức tỉnhsáng tỏ ra vấn đề chẳng khác nào như người vừa tỉnh mộng. Chàng quyết quay lại dòng sông năm xưa tìm cho ra lão hành khất khả nghi ấy để hỏi cho ra sự thật.


 Một buổi chiều nọ trời đang chuyển động những áng mây đen ùn ùn kéo đến, nhằm lúc An Hòa vừa đến dòng sông, chàng quanh quẩn tìm lão hành khất năm xưa chưa gặp. Cơn mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt và đổ ập xuống, không còn cách gì hơn chàng chạy một mạch vào xóm nhỏ gặp căn nhà tranh lụp xụp vội bước vào hiên đứng đụt mưa. Cơn mưa thật lớn, làm cho bầu trời tối xầm lại, nhà nào cũng lên đèn, ánh đèn dầu le lói từ trong nhà chiếu ra, có lẽ chủ nhà biết có người đứng bên ngoài đụt mưa, nên mở cửa ra hỏi:


 -Ai đấy?


 -Dạ, xin lỗi ông cho tôi đứng nhờ dưới mái hiên này giây lát ?


Nghe giọng nói run run của gã thanh niên to lớn, khi gặp phải nước mưa cũng không đủ sức để gượng lại cái lạnh buốt của thời tiết mùa Đông. Ông lão vui vẻ, nở nụ cười xã giao và nói: “Mời cậu vào trong nhà cho ấm, khi nào hết mưa rồi hãy lên đường”.


 -Cám ơn, tấm lòng tốt..!


 Khi An Hòa bước vào trong nhà, theo thói quen luôn luôn quan sát một vòng trong nhà xem chủ nhà như thế nào. Nhìn thấy căn nhà tranh quá đơn sơ chẳng có gì là đáng hồ nghi vả lại trong nhà có thờ Phật, chắc có lẽ chủ nhà, không đến nỗi nào..., trông bàn thờ Phật trang nghiêm, hương khói cùng hoa quả xanh tươi khiến cho lòng chàng càng ấm lại.


Ông lão nhìn phong cách và dáng dấp của chàng giây lát, thì lão nhận ra ngay và lớn tiếng nói rằng: “Ồ tưởng ai xa lạ thì ra là cậu...ngọn gió nào đưa cậu đến đây” Ông ta định nói thêm...nhưng ngưng lại.


 Thấy vậy, An Hòa lên tiếng: Cám ơn Lão, còn nhớ đến tôi. Cả hai đều vui vẻ tay bắt mặt mừng cùng nhau trao đổi công việc vui buồn suốt thời gian qua.


 Lão Trượng đưa quần áo cho An Hòa thay, rồi mời chàng dùng bữa cơm tối đơn sơ nhưng đầy tình nghĩa.


 -Này cậu Hòa, mấy năm nay đi xa đã có kết quả gì không?


 -Một câu hỏi bất chợt của Lão đã khiến cho An Hòa thắc mắc, không hiểu trong câu hỏi có hàm ý gì không? Đang bâng khuâng không hiểu vì sao lão lại có thể đoán ra nỗi lòng của mình thật lạ nhỉ? An Hòa thầm nghĩ, lại thêm một nghi vấn?


 An Hòa bình tĩnh ăn uống liền đáp lại:


 -Thưa, Lão Trượng chẳng có gì cả!


 Nhìn cử chỉ, lão chẳng nói gì thêm cả, hình như cả hai cùng mang tâm trạng gì đó. Chẳng ai muốn bộc lộ ra cả. Một điều bí ẩn đang gói trọn trong cõi lòng...


 Ánh lửa sưởi ấm mỗi lúc một rực lên làm ấm lại căn nhà và tình nhân ái của hai người xích lại với nhau sau những giây phút trò chuyện. Ngoài trời mưa vẫn tiếp tục, thỉnh thoảng những cơn gió lớn lại hú lên có lúc muốn bay cả nóc nhà tranh. Thật là khổ cho những kiếp sống của dân nghèo thiếu ăn thiếu mặc, lại thiếu cả chỗ ở. Giây lát trôi qua Lão Trượng bèn lên tiếng: “Thôi thì, cậu Hòa cứ ở đây chơi vài hôm rồi đi, vì trời mưa dai dẳng không thể qua sông, ít gì cũng mất vài ngày nữa mưa mới tạnh.”


 -Cám ơn, tấm lòng tốt của Lão Trượng.


Chàng lúc bấy giờ, mang một sứ mệnh cao cả...giữ trọn chữ hiếu nên lúc nào cũng thận trọng lời nói, chỉ muốn hỏi thăm lão những điều thắc mắc xưa, nhưng chưa có cơ hội.
 -Thưa Lão Trượng!, tôi thấy cụ có cuộc sống quá đơn giản mà lại làm việc phước thiện bằng cả tấm lòng. Không như những người tôi đã từng quen biết và gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, cụ có bí quyết gì cho tôi biết hay không? Chàng cố tình gợi ra những gì mà lão chưa muốn nói ra. Ngưng giây lát chàng liền đọc vài dòng thơ:


“Sơn lâm giả điểu thú chi cư giả
 Khách chi mỹ ngã giả dục hữu cầu vu ngã dã”.

 (Núi rừng là chỗ ở của chim muông
 Khách mà khen ta đẹp là vì có điều muốn cầu xin ta)
 

Nghe xong Lão Trượng gật đầu im lặng.

 Ba ngày trôi qua mưa vẫn chưa dứt, Lão Tượng thở dài: Trời đã hại ta nữa rồi, mưa cứ kéo dài mãi như thế biết đến bao giờ công việc làm cầu mới hoàn thành.


 An Hòa liền nói:


 - Việc tôi gấp như thế này mà vẫn chưa bận tâm, huống gì ông lo cho cây cầu như thế?


 Lão Trượng hồ nghi bèn hỏi An Hòa rằng:


 -Này cậu Hòa, có việc chi uẩn khúc xin kể ra cho Lão này chia xẻ bớt có được không?


 An Hòa tin tưởng nơi lão, nên đem câu chuyện thuật lại cho lão nghe và cả tấm khăn nhỏ có dòng chữ li ti viết bằng máu cho lão xem. Xem xong lão chẳng nói năng gì chỉ lắc đầu thở dài.

 -Muộn quá, muộn quá. . .!


 Khiến cho An Hòa bối rối không biết lão có hiểu được câu chuyện...của mình chăng? Hay là lão “khùng” chẳng biết gì cả.

 -Thôi thì, cậu hãy ngủ sớm đi ngày mai ta sẽ có cách... Thấy vậy, An Hòa không tìm hiểu Lão Trượng này là ai mà có vẻ mơ hồ như thế, suy nghĩ mãi rồi cũng chìm trong giấc ngủ. Biết được ý định của An Hòa, Lão Trượng này cũng không kém phần ưu tư .


 Sáng hôm sau cơn mưa tạnh hẳn, mặt trời cũng đã lên cao. Đúng là “sau cơn mưa trời lại sáng”. An Hòa chuẩn bị khăn gói lên đường tiếp tục cuộc hành trình...Thấy vậy, Lão Trượng giữ lại và nói:


 -Này cậu Hòa đi đâu vội thế?


- An Hòa còn ngập ngừng chưa đáp lời


 Lão Trượng nói ngay: “Nếu cậu không gấp thì ở lại đây chơi thêm vài hôm nữa có được không, xem tôi như người nhà...!

 An Hòa, nghe nói đến đây giựt mìnhchưa bao giờ có ai dám tự nhận mình là người thân trong gia đình. Điều đáng ngại khiến chàng sanh tâm hiếu kỳ và cố tìm hiểu xem hư thực ra sao? Rồi ra đi cũng chưa có muộn.


 Việc quan trọng là tìm cho ra manh mối thủ phạm giết cha mình. Người trông đợi tin nhiều nhất là mẹ, vì chàng giữ trọn chữ hiếu làm con nên dù có khó khăn gian khổ cũng quyết tìm cho ra kẻ thù.


 -Thưa Lão Trượng: Không hiểu vì lý do nào Lão lại ra sức làm cây cầu như thế? Tài khoản không có, nhân lực cũng không? Đơn thân độc mã lại làm việc “đội đá vá trời” hay Lão có ước nguyện gì với cây cầu này nhỉ?


 Lúc ấy, Lão chẳng để ý đến câu hỏi của chàng, chỉ chăm chú làm thức ăn đãi khách. Ngừng giây lát chàng lại hỏi tiếp:

 -An Hòa này, nghĩ rằng Lão Trượng phải có một lực vô hình nào đó xui khiến, hay là Lão có ý nguyện nào đó chăng?

 -Này cậu Hòa, tuổi đời còn trẻ, dòng thời gian còn dài, từ từ rồi cậu sẽ hiểu, đừng thắc mắc chi cho vô ích...!


 An Hòa nghe đến đây mất hứng, liền lảng qua chuyện khác, chờ dịp sẽ tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân. Bữa cơm đạm bạc đã xong chàng ra ngồi trên chiếc võng đong đưa bên ngoài hiên nhà. Còn Lão Tượng thì bước đến bàn Phật chắp tay cung kính dâng nén hương thơm khấn nguyện rồi xếp bằng theo tư thế kiết già, phía trước mặt lão là quyển kinh và chuông mõ Lão Trượng thành tâm tụng niệm. Những lời kinh thánh thoát lúc trầm lúc bổng khiến cho An Hòa thức tỉnh chẳng khác nào kẻ đói được ăn, khát được uống lời kinh ý nghĩa thâm sâu đã đưa chàng đến cảnh giới an nhiên tự tại, tâm hồn chàng lúc ấy như lơ lững trên chín tầng mây, vì ít chàng có dịp để tâm thanh tịnh mà nghe tụng kinh. Nhưng sau thời Kinh vẻ mặt chàng lại thiểu não ngay. Thấy thế, Lão Trượng bèn lên tiếng: Này cậu Hòa có điều gì cần ta giúp không? Lần này mạnh dạn trình bày, sau khi tường thuật công việc truy tìm...khiến cho Lão Trượng khó xử nhưng lão vẫn thản nhiên lời nói rất nhã nhặn:


 “Nhân nào quả ấy”


 - Cậu Hòa ơi!: Giả xử (nếu ta) là thủ phạm trong việc ấy thì cậu nghĩ sao?


 -Có tội thì phải đền tội. Một giọng nói thật lạnh lùng mang đầy u uất...!


 -Lão Tượng bật cười ha hả được lắm... được lắm…!


 Lúc ấy, An Hòa hoang mang không hiểu thật hay là giả? Đầu óc chàng cứ thế quay cuồng...thầm nghĩ một gã già khụm như thế này, mà dám can đản nhận tội thì mình phải làm gì đây? Bao nhiêu câu hỏi đặt ngay trong đầu, (giết hay tha) cả hai đều thay đổi thái độ, xem ra thật căng thẳng vào lúc này, một cuộc đấu trí rất hấp dẫn đang diễn ra.


 -Được! Hôm nay ngươi đến đây tìm ta về việc báo thù có phải không?.. Vì đã bao nhiêu năm rồi ta cũng chỉ đợi có ngày này, gương mặt của Lão Trượng  lúc đó,  bỗng đỏ hừng lên.

 Nghe nói đến đây An Hòa lạnh cả người, mồ hôi cứ việc tuôn ra, ngoài trời vẫn lạnh.. Không ngờ, chàng không tự chủ được trước đối phương, khiến cho mặt chàng xanh nhợt và tái đi. Còn Lão Trượng lúc đó cứ cười khà khà mất hết bình tĩnh chẳng khác nào kẻ say rượu. Giây phút đột xuất câu chuyện trôi qua, chàng lấy lại bĩnh tĩnh để sáng suốt phán đoán mọi việc thật oái ăm.


 Ít khi trường hợp này có thể xảy ra. Vì chàng cũng đã từng đi điều tra những việc oan ức gây cấn hơn thế nữa.


 -Này cậu Hòa trước khi cậu ra tay hành quyết ta, ta chính là thủ phạm năm xưa…mà cậu đang đi truy tìm, Lão này quyết không dùng bạo lực đến với cậu, có lỗi thì phải nhận, có giết người thì phải đền tội. Nếu Lão có chết đi lòng vẫn vui, giao mạng sống này cho cậu cũng hợp lý nhân quả, vì cậu là đứa con đi làm nhiệm vụ báo hiếu cho mẹ ấy cũng là điều đáng quý trên đời này. Nhưng cậu nên nghĩ lại đi “Sanh Tử là việc Đại Sự”...Ta chỉ có một yêu cầu nho nhỏ, nếu cần ta sẽ ký giấy “sinh tử” làm cam kết với cậu.


 An Hòa mạnh dạn nói giọng dõng dạc như quan tòa.
 -Được, ta không cần Lão ký tờ gì chi cả, chỉ mong Lão giữ trọn lời hứa, việc gì Lão yêu cầu ta vẫn sẵn lòng chờ đợi.

 Lão Trượng, khoái chí lại tiếp tục cười kha khả như kẻ đắc thắng, mặc dù cái chết kề cận nhưng lão hiên ngang xem thường kẻ địch, vì tha nhân đang lặn hụp trên dòng sông hơn vì cá nhân mình đang trốn tránh sự thật.


 Thấy Lão Trượng ý chí kiên cường đưa ra điều kiện chính đáng An Hòa đồng ý gật đầu ngay.


 -Lão Trượng nói: Ta chỉ yêu cầu với cậu một điều là ta phải thực hiện xong cây cầu này cho bá tánh, nơi đây qua lại được thuận tiện không còn gặp nhiều khó khăn, ta mãn nguyện rồi. Lúc bấy giờ nếu ngươi không ra tay ta cũng tự nộp “thủ cấp” cậu có đồng ý không?


 -Được, đồng ý.


 Kể từ đó công việc làm cây cầu thật khẩn trương đến mức dân làng phải ngạc nhiên theo dõi.


Sau đó chàng về thuật lại với người mẹ và thời gian ngắn chàng trở lại gặp Lão Trượng và thuê người cất ngôi nhà nho nhỏ đủ để chờ đợi việc làm của Lão Trượng. Một ngày hai, ba...bảy ngày trôi qua rồi một, hai tháng chờ mãi, chờ hoài công việc chẳng đi đến đâu cả. Lời hứa trên danh dự An Hòa không thể nào làm gì hơn bỏ cả việc làm nơi quan trường. Quyết định sau cùng cho đến tháng thứ ba An Hòa đến gặp Lão Trượng và nói: Này Lão Trượng, hôm nay ta đến giúp ông làm trọn cây cầu có được hay không?

 

-Tốt lắm, tốt lắm.

 

 Nhưng, nói thì dễ bắt tay vào việc làm lại là chuyện khác. Xưa nay An Hòa đâu có làm nặng như thế đâu, nay Lão này hành hạ quá mức, chàng vẫn cố gắng làm với Lão cho sớm hoàn tất công việc. Chỉ có một tuần lễ chàng đã chịu không nổi cảnh cơ cực giữa khí trời nóng bứcviệc làm phải lặn hụp dưới nước. Sau cùng lại đề nghị với lão.


 -Này Lão Trượng: Ta sẽ mướn thật nhiều, nhiều người đến để làm chiếc cầu này, ông có đồng ý hay không?


 -Tốt lắm, tốt lắm, nếu cậu cho người làm hoàn tất cây cầu thật là công đức vô lượng và ta cũng sẽ sớm nộp mạng cho cậu, việc đó là ta mong muốn lắm!


 Quả nhiên, ba ngày sau là cả hơn trăm người ào ạt xuống làm cây cầu. Chỉ thời gian ngắn cây cầu đã hoàn tất. Trước dự định của Lão Trượng, một niềm vui phấn khởi nhất của Lão Trượng trong đời, khi thấy dân làng hò reo vui mừng chiếc cầu đã được hoàn chỉnh. Xong công việc, Lão Trượng gặp ngay An Hòa trình bày bước kế tiếp.


 -Này cậu Hòa: Cây cầu đã xong, ta đã định ngày khánh thành và cũng là ngày ta nộp mạng cho cậu y như lời hứa. Cậu hãy về mời thân mẫu đến chứng kiến, Lão Trượng đây không nuốt lời đâu, người sẽ thưa cùng với thân mẫu của người rằng:
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo...” Tên thật ta là... mọi việc sẽ được an bài. “Ân oán – tình thù” xưa kia, Lão hy vọng ngày mai sẽ chấm dứt cả đôi bên. Cậu có hiểu không?


Sáng hôm ấy ánh dương đã trải rộng trên đồi cây ngọn cỏ. Một ngày đẹp trời dân làng nô nức kéo đến bên bờ sông dự lễ khánh thành câu cầu bằng gỗ do Lão Trượng dựng lên đã được hoàn tất, dù chỉ là cây cầu bằng gỗ nhưng cũng là phương tiện qua lại của dân làng. Đoàn người nô nức mỗi lúc mỗi đông. Xa xa đoàn xe ngựa của gia đình An Hòa kéo đến. Lão Trượng lúc bấy giờ oai phong từ từ trong ngôi nhà tranh bước ra tiếp khách phương xa đến chứng kiến cây cầu, lúc ấy dân chúng loan tin khắp nơi.


 Bước xuống xe ngựa mẹ của An Hòa chỉ ngay và nói: Này An Hòa, Thiện Hậu là ông mặc áo đỏ có phải không con? Trong đám đông người mà Mẹ của chàng nói như thế, khiến cho chàng choáng váng cả lên. Giây lát sau chàng nói tiếp: Sao Mẹ dám đoán chắc ông ấy là Thiện Hậu.


 -Thật ra con của mẹ... dù có làm quan đi nữa như thế, vẫn còn non nớt quá... con có nhớ mẹ dạy hay không:


 “Mãnh hổ nan địch quần hồ”


 (Một con hổ không đối lại ngàn con cáo)


 An Hòa nghĩ rằng: Oán nên giải, chớ không nên buộc, và nhớ trong sách có câu:


 “Lấy oán báo oán, oán chập chùng

 Lấy ân báo oán, oán tiêu tan”.


 Hay là nên:


 “Dĩ hòa vi quý ” với ông ta chăng. . .?


 Mẹ của An Hòa thấy vậy liền nói: Này An Hòa con hãy mở rộng từ tâm, kể từ nay chúng ta và Thiện Hậu không còn “ân oán – tình thù” gì nữa, vì ông ta đã ăn năn sám hối tội lỗi của mình rồi. Trong Kinh Phật có câu:


“Tội từ tâm khởi, đem tâm sám
 Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu...”


 Không những thế mà ông ấy đã làm được nhiều điều thiện giúp đỡ dân lành trong vùng này, ông ấy đang thực hành, Bồ Tát Hạnh, sự kiên nhẫn làm cây cầu cho mọi người cùng hưởng, bởi vậy ông được mọi người tán dương công đức và khen ngợi, ủng hộ tinh thần cho ông ta nữa. Bà còn nói tiếp: “Cá nhân con có thể chống nổi dân làng hay không? Thôi thì, chúng ta không còn đòi hỏi gì nơi ông nữa. Hãy để cho ông ta thong dong tự tại...cũng từ cớ đó con nên lấy “Cây Cầu Giải Nghiệp” mà nối lại nghĩa cử đẹp, vì giữa cha con và ông ta là tri kỹ người xưa. Oán thù chồng chất chẳng giải quyết được gì con ạ! “Sống hạnh phúc tấm lòng chân thật, tốt hơn là kẻ chuyên môn đi lừa đảo”.

 

Bảo Quang Tự

(Vu Lan- 2007)

 

Nhuận Hùng

Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21448)
12/10/2016(Xem: 19339)
26/01/2020(Xem: 12055)
12/04/2018(Xem: 20278)
06/01/2020(Xem: 11117)
24/08/2018(Xem: 9587)
12/01/2023(Xem: 4014)
28/09/2016(Xem: 25237)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…