- Tưởng Nhớ Thầy
- Cây Cầu Giải Nghiệp
- Đi Tìm Linh Dược
- Tấm Lòng Nghĩa Hiệp
- Tâm Bất Biến
- Dặm Nẻo Đường
- Uống Trà Tri Kỷ
- Vòng Xoáy Cuộc Đời
- Còn Gì Trên Đỉnh Thời Gian
- Ảo Mộng - Trần Gian
- Thân Phận Lá Vàng
- Nỗi Lòng – Hạt Mưa Lake Wales
- Trà Ấm Tình Nồng
- Khúc Nhạc Sầu
- Ai Đã Thầm Lặng?
- Hư Hư – Thật Thật?
- Cội Tùng – Hai Nhánh
- Bầu Trời Bình Yên
- Hồi Chuông - Cảnh Tỉnh?
- Đò Chiều - Lỡ Chuyến (Xe - Metro)
- An Trong - Bất An (Covid – 19)
- Thành Phố - (đìu hiu) Dõi Theo - Covid – 19
- Thiện - Ác & Đại Dịch (Covid – 19)
- Tình Người Trong Cơn Đại Dịch
- Lỗi Người và Lỗi Ta
- Mẹ!
- Về Tác Giả
TUYỂN TẬP VĂN
THÍCH NHUẬN HÙNG
Thư Viện Hoa Sen
Nhà Xuất Bản Ananda Viet Foundation
HỒI CHUÔNG - CẢNH TỈNH
Tuy nơi đây không phải là chùa nhưng giữa khu đồi rất xinh xắn hướng ra biển xanh bát ngát, cảnh trí tuy đơn sơ nhưng toát ra sự yên tĩnh trông giống như thiền môn, mà thiền sinh đang tìm đến đó để tu tập. Thỉnh thoảng cũng có vài người khách ngoại quốc đi quanh viếng cảnh và tháp chuông. Còn có người mang cả thức ăn và gia đình đến đó nghỉ mát, và ngắm cảnh trông thật thú vị. Tháp chuông này kiến trúc theo lối Triều Tiên “ Đại Hàn” cổ đại nên mầu sắc tuy sặc sỡ nhưng cũng có vẻ thiền vị thoát tục. Lòng tôi chùng hẳn lại, khi bước đến những nơi nhưng thế này. Những ý tưởng ngày xưa liền khơi lại, khiến tôi nhớ lại ngày đầu tiên bước đến chùa, sư phụ dạy bài học đầu tiên là phải thuộc kệ “thỉnh chuông” rồi sau đó chỉ tôi cách đánh, nói nôm na là “thỉnh” (chuông) Đại Hồng Chuông, cho đúng nghĩa trong chùa thường hay nói đến. Nói đến chuông Đại Hồng Chung là loại chuông lớn của chùa. Tùy theo chùa lớn, nhỏ mà tạo dựng chuông Đại Hồng Chung, cho hợp với không gian của chùa…Ngoài chuông lớn còn có trống lớn nữa, đó gọi là pháp khí trong chùa…Tôi còn nhớ như sau: (Kệ thỉnh chuông)
“Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn.
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhất thiết chúng sinh thành chính giác.
Văn chung thanh phiền não khinh
Trí tuệ trưởng Bồ Đề sinh,
Ly Địa ngục xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật độ chúng sanh,.”
Án già ra đế, gia ta bà ha (3 lần )
“-Hồng chung sơ khấu, Bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường, Hạ triệt địa phủ.
Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu Khổ Bổn Tôn, Cứu Bạt Minh Đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
-Hồng chung Nhị khấu, Bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường, Hạ triệt địa phủ.
-Hồng chung Tam khấu, Bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường, Hạ triệt địa phủ.”
Nghĩa:
(Nguyện tiếng chuông nầy ngân khắp cõi / Thiết-vi ngục tối thảy xa nghe
Cõi trần trong sạch đều thông suốt / Giác ngộ sanh linh cả mọi loài.
Nghe chuông, phiền não nhẹ lâng lâng / Bồ đề lớn thêm, Tuệ sáng ngần
Xa rời Địa-ngục, qua hầm lửa / Nguyện thành chư Phật, độ chúng sanh.)
Án già ra đế, gia ta bà ha (3 lần )
Nhắc lại, Đại Hồng Chung được mệnh danh chuông lớn hay còn gọi là chuông U minh, chuông này thường được đánh vào những lúc đầu hôm (5 hoặc 6 giờ chiều) và canh khuya (4 giờ sáng). Thỉnh chuông vào lúc đầu hôm là để thức tỉnh và nhắc nhở mọi người rằng:
“Vô thường mau chóng, chẳng hẹn một ai, khi hơi thở ra, mà không quay về lại được là qua đời khác”.
Còn đánh vào lúc canh khuya, gần sáng là để sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn trừ mọi phiền não cấu uế của tự tâm, gạn lọc (tham, sân và si) là thứ gây ra tội lỗi, trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi. Lối đánh chuông này, thường là 108 tiếng, ý nghĩa biểu trưng cho 108 thứ phiền não của chúng sinh, khi chuông đánh lên thì 108 thứ phiền não này đều bị rơi rụng, trí tuệ phát sinh, căn lành tăng trưởng, đạt được sự giải thoát giác ngộ trong tương lai. Đại Hồng Chuông còn được đánh vào những buổi lễ lớn để thỉnh chư Phật - chư Bồ Tát…cùng chung với trống lớn ở chùa cho nên gọi là Chuông Trống Bát Nhã. Hoặc là khi có những buổi lễ lớn quan trọng của chùa thì mới dùng đến…!
Bảo chúng chung hay còn gọi là Tăng đường chung, tức là loại chuông này dùng để báo tin trong lúc nhóm họp Đại chúng, thọ trai hoặc khi lên khóa lễ hay kiền chùy v.v... trong các chùa và am tự viện thường dùng đến.
Gia trì chung là loại chuông dùng để đánh trong trường hợp đầu bài hoặc cuối bài những câu kinh hay câu sám, hoặc cũng có lúc xuống dòng của đoạn hay của câu, và còn ra hiệu cho biết khi bắt đầu hoặc chấm dứt buổi lễ. Đồng thời cũng là để điều hoà cho người tụng kinh, lễ Phật được nhịp nhàng đều đặn, hướng người tụng vào một con đường duy nhất là Chí Tâm, còn gọi là chuông gia trì, thường để phía trước bàn Phật.
Nói đến tiếng chuông, ngoài trừ chuông chùa ra chúng ta còn có nhiều loại chuông khác nữa. Nhưng ở đây trong phạm vi bài này không thể diễn đạt cho hết được. Tôi chỉ đơn cử vài khía cạnh về chuông, với cảm nhận của riêng tôi tiếng chuông cảnh tỉnh trong bài này chỉ là lòng mong mỏi của tôi, cũng nhưng mọi người. Bởi đời sống thực tại hiện bây giờ, đang trên đà phát triển đi quá nhanh hơn mình tưởng.
Quý vị, hãy thử nghĩ lại cách nay thời gian gần nhất là hai mươi năm. Mọi vật vẫn còn trong giai đoạn bình thường từ từ tiến hóa. Thế mà, quay ngoải chỉ trong chớp mắt hai mươi năm qua, trong hai mươi năm đó thay đổi, đổi thay biết bao nhiêu công việc. Nhất là thời đại khoa học kỹ thuật lên cao, cộng thêm nạn nhân mãn. Thống kê con số dân cư càng lúc càng tăng vọt, đời sống hẳn nhiên phải vất vả thêm ra. Nhưng nói thế, con người không thể dặm chân tại chỗ, phải chạy theo trào lưu, nghĩa là lao vào vòng xoáy của cuộc đời. Không ngoài vật chất, sinh nhai như ngày xưa, mà còn thực phẩm hằng ngày cũng bị con người điều khiển, từ sự phát triển cho đến thành phẩm phải cho ra số nhiều và ngắn hạn, mới có đủ số lượng lớn cung cấp cho mọi người tiêu thụ.
Phải chăng, đó có phải là ưu tư trong cuộc sống không? Nếu chúng ta sống mà nương vào hóa chất nhiều thì sức khỏe của con người sẽ ra sao? Nhất là nạn dịch “Corora virus” đang hoành hành khắp mọi nơi, chúng ta ai ai, cũng biết. Chẳng hạn một khi đại dịch đã đến, thì chúng ta phải làm gì đây ??? Quý vị, cần ý thức cho cuộc sống trước cái đã, nên tự chăm sóc bản thân, cùng con cháu và người thân… Việc gì đến rồi sẽ đến, nhưng tâm chúng ta mãi mãi vẫn còn chưa yên được. Bởi xã hội này còn đang gặp nhiều tai ách…! Ta không lường trước được.
Vậy hãy nghe tiếng chuông để cho lòng lắng đọng lại, bớt đi những “tham –sân- si- mạn- nghi- ác –kiến.” Có như thế, thì cuộc sống bớt đi phiền não. Phiền não nhiều thì dễ sinh ra bệnh hoạn. Bệnh hoạn thì sẽ ra sao? Nếu không đến chùa được, hằng ngày chúng ta cũng cố gắng tạo cho mình có một không gian yên tĩnh, ít nhất cũng dành cho được nửa giờ đồng hồ, nếu được nhiều càng tốt. Chúng ta nên tập ngồi xếp bằng, tư thế ngồi thiền, (theo kiểu quý thầy - quý sư cô) ngay thẳng trong phòng khách hay nơi nào đó thuận lợi, không suy nghĩ việc gì cả, chỉ hít vào và thở ra theo dõi hơi thở trong thời gian rất ngắn, nếu được từ từ gia hạn thêm. Thỉnh thoảng đánh một tiếng chuông nhỏ, rồi sau đó tập trung nghe theo tiếng chuông. Nếu làm được như thế, thời gian sau chúng ta sẽ cảm nhận được gì? Câu trả lời dành cho quý vị!!!
Đứng trên phương diện, nhân sinh theo tôi nghĩ nếu đem tiếng chuông thức tỉnh lòng người mà viết ra, rất là dài dòng, nên dành vào dịp khác. Theo tôi được biết, từ ngày xưa tiếng chuông mà đã không biết bao nhiêu nhân văn, thi sĩ thường hay nhắc đến: “Phong Kiều Dạ Bạc” (thơ - Trương Kế)
"Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền".
Dịch nghĩa:
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
Trong giấc mơ buồn có cây phong ở bến sông và ngọn lửa thuyền chài
Chùa Hàn San ở ngoại thành Cô Tô
Nửa đêm khách đi thuyền tới nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang
Dịch thơ:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Bản dịch: Tản Đà)
“Trích theo cuốn Thơ Đường của Trần Trọng San có ghi lại có một truyền thuyết khá lãng mạn về bài này. Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không
Nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật. Vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ, thành bài tứ tuyệt mà Trần Trọng San đã dịch như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề...” Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong kiều dạ bạc “...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...”
Còn chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xoá. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự” (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu “Lãnh tận Hàn San cố tự phong” (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong. Như vậy, Giang phong và Ngư hoả trong bài thơ trên vẫn là cây bên sông và lửa chài, chứ không phải là tên 2 quả núi Giang Phong và Ngư Hoả như một vài giả thuyết đã nói.”
Câu chuyện, nói về tiếng chuông rất là dài, cho nên tôi chỉ nhắc thêm một việc nữa là, ngày xưa tiếng chuông, tiếng trống cũng là khí cụ thúc quân ra chiến trường mỗi khi có giặc đến hay là trong những buôn làng hẻo lánh núi non trùng điệp, dùng tiếng chuông để báo động, khi có thú dữ tìm đến quấy phá dân lành. Thật vậy, tiếng chuông cũng có công hiệu đến với mọi người…!
Tóm lại, bài viết này nói lên “Hồi Chuông Cảnh Tỉnh” cũng là tiếng lòng của ai đó, cũng có thể gióng lên tiếng nói của tự tâm mình. Bênh vực cho một ai đó bị bất công hay là cho một đoàn thể hoặc là tiếng nói ra tranh cử trước bao công chúng để đem tự do – dân chủ - nhân quyền cho Việt Nam. Hồi chuông đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho sự sống còn do nạn dịch “corona virus” Còn báo hiệu “đỏ” cho thế giới biết sức tàn phá của nạn “đại dịch xảy là khiếp đảm như thế nào?”
Có phải chăng bàn tay ai đó, thừa nước đục thả câu, mà chế ra vũ khí sinh học giết hại người dân vô tội, tôi cảm nghĩ như thế, cho nên chúng ta ra sức giúp cho những người gặp hoạn nạn. Cũng là công việc nhắc nhở chính bản thân chúng ta cần phải thận trọng trong cuộc sống, giao tiếp hằng ngày và giữ vệ sinh cho thật tốt. Hồi chuông ấy ‘nó’ còn báo hiệu cho mọi người tìm về với sự an lành, sau khi cuộc đời trải qua bao thăng trầm. Nó cũng có thể gióng lên hồi cảnh cáo những ai còn mê muội đắm chìm trong cõi dục vọng trần lao hay đắm chìm trong cõi vô minh. Hãy mau thức tĩnh về với Phật đà hồi tâm chuyển ý không còn bụi trần đen đủi lấm đầy. Hỡi! Những ai đã lầm đường mù quáng không biết lối về, hãy nghe tiếng Chuông Đại Hồng mà thức tỉnh quay về bến giác. Nhất là đảng Cộng Sản thế giới hãy ý thức cuộc sống cho dân chúng đừng làm những việc trái lương tâm, đi ngược lòng dân sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Nên ý thức trước trào lưu tiến hóa của xã hội.
Mong sao nạn dịch “Corona virus’ sớm ngừng phát triển, để mọi người kịp thời có biện pháp khống chế, không cho “đại dịch hoàn cầu” chúng phát sinh nữa. Mong sao mọi người trên thế giới này sẽ có cuộc sống an lành, tươi mát nơi không khí trong lành, ấm êm. Mong lắm thay!!!
Ngày Đại Dịch Corona – khởi đầu.
California, ngày 25-2-2020
Nhuận Hùng