Lời Nói Đầu

18/05/201012:00 SA(Xem: 40935)
Lời Nói Đầu
MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA)
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)
Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính, ấn bản 2003


LỜI NÓI ĐẦU

Bộ kinh Milindapanha xuất hiện vào khoảng năm trăm năm sau Phật Niết bàn, do ngài Pitakaculàbhaya ở trung Ấn độ trước thuật bằng tiếng Pàli. Nội dung kể lại những câu hỏi, đáp giữa vua Milinda và tỳ kheo Nàgasena. Những câu hỏi thì đa trí, sắc bén mà lời giải đáp lại thâm sâu, quảng kiến, lợi tuệ; nhiều khi chỉ là những ví dụ cụ thể, bình dân, giản dị, rất bổ ích cho các nhà học giả, người nghiên cứu, kẻ đa nghi cũng như sự học Phật của các hàng hậu tấn.

Đi sâu vào những lời đối thoại, người nắm giáo nghĩa của Phật giáo Nguyên Thủy (Theravàda) dễ nhận ra rằng, những vấn đề được đề cập hoàn toàn là tinh yếu của Tam Tạng Pàli văn, chưa hề pha tạp tư tưởngkiến giải của các bộ phái phát triển sau này. Do vậy, không lạ gì Phật giáo Miến điện xếp bộ kinh Milindapanha vào Thánh điển, và Phật giáo Tích lan đặt chung với năm bộ Nikàya để tôn thờ và phụng hành.

Chúng ta cần biết rằng, các bộ phái Bắc truyền cũng có phổ biến kinh này do người Trung hoa phiên dịch vào các thế kỷ sau T.L kỷ nguyên. Và hiện tại có vài bản tiếng Việt đang lưu hành rộng rãi lấy tên là "Na-tiên tỳ-kheo kinh" như bản của Đoàn trung Còn, và bản của Cao hữu Đính, xuất bản vào năm 1971.

So sánh giữa Milindapanha và Na-tiên tỳ-kheo kinh của Cao hữu Đính, chúng ta thấy rằng bản dịch sau đã giản lược chưa bằng một phần ba so với bộ kinh trước; nhưng có nhiều ưu điểm là: cách phân câu, cú pháp, hành văn rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa hơn. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc kỹ cả hai bổn, ta sẽ thấy Na-tiên tỳ kheo kinh đã bỏ sót trên 150 câu hỏi, lượt bớt câu hỏi, bỏ sót những chi pháp quan trọng và bỏ sót những ví dụ sống động xoay quanh một vấn đề, làm giảm sút giá trị của bộ kinh cựu truyền không ít vậy.

Ngoài ra, thật đáng tiếc hơn, Na-tiên tỳ kheo kinh lại va vấp nhiều lỗi lầm quan trọng về tinh yếu của giáo pháp, ví dụ:

* Câu 7: Yoniso manasikàra (như lý tác ý), nghĩa là khởi tâm đến đối tượng một cách đúng đắn, hợp với sự thật, mà dịch là "Nhứt tâm"!

* Câu 13: Nàma-rùpa là danh sắc mà dịch là "danh thân"! Tưởng là giống nhau nhưng "sắc" chính xác hơn nhiều. Thân (kàya) theo Abhidhamma có hàng chục nghĩa khác nhau, không đơn thuầnthân tứ đại. Còn danh thân là thân của các tâm sở. Danh là phần tâm và tâm sở, sắc là thân xác tứ đại.

* Câu 22, 23, 24, 25:

- Vedanalakkhana: hành tướng của thọ, mà diễn giảng là: "cảm thọ vui là tự mình nhận biết và hưởng thọ cái vui ấy"! Xin thưa, "nhận biết" là thuộc về "tưởng", còn "hưởng" là thuộc về ái dục, nó nằm nơi "hành"!

- Sannàlakkhana: hành tướng của tưởng mà dịch là giác, không chính xác, dễ lầm lẫn, nên dịch là tri giác: nhận biết đối tượng một cách tổng quát.

- Cetanàlakkhana: hành tướng của "tư", mà dịch là "sở niệm"! Lại còn diễn giảng: Sở niệm tức là Tư tưởng! Xin thưa, tư chính là tư tác, nó tạo nghiệp do tham, sân, si khởi lên, nó chi phối "hành" trong ngũ uẩn.

- Vinnànalakkhana: Hành tướng của thức, thức ở đây là thức ghi nhận tiến trình kinh nghiệm từ sắc thọ, tưởng, hành...thức; mà ở đây lại nói là "nội động" thì chẳng ai hiểu ra làm sao cả! Thế mà còn định nghĩa: nội động là cái tư tưởng mong cầu xao xuyến trong nội tâm! Suy diễn như thế thì quả là đã đi xa từ và nghĩa nguyên thủy của giáo pháp.

* Câu 26: Bản dịch nói: năm cái xúc, thọ, giác, sở niệm, nội động một khi "dung hợp" thành "nỗi lòng" rồi...

Ôi! Sao lại gọi ngũ uẩn là "nỗi lòng"?! Và sao ngũ uẩn lại "dung hợp" được như các lượng vật chất? Có lẽ ai cũng hiểu rằng, ngũ uẩn chính là tiến trình sinh diệt của tâm sinh lý, và ngay chính các trạng thái tâm sinh lý cũng sinh diệt, tiếp nối tương tục không gián đoạn.

Sai lầm của bản kinh Na-tiên tỳ kheo, đáng buồn thay không phải chỉ có bấy nhiêu, mà ít nhất là vài chục chỗ tương tự thế trong số sáu mươi hai câu hỏi của bản kinh này!



Nêu ra như vậy, không phải chúng tôi "cầu toàn trách bị", bới lông tìm vết; cũng không phải chúng tôi vội quy kết những lỗi lầm trên là do dịch giả tiếng Việt, dịch giả tiếng Hán hay từ bản gốc bằng tiếng Pràkrit của phái Nhất thiết hữu bộ kết tập

[*]. Chỉ mong nhờ các bậc học giả lỗi lạc so sánh, đối chiếu để truy cứu vấn đề cho sáng tỏ hơn mà thôi.

[* Nhiều người lầm tưởng Nhất thiết hữu bộ thuộc Thượng tọa bộ. Không phải vậy. Nhất thiết hữu bộ là một trong 18 bộ phái được tách ra khỏi Thượng tọa bộ sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai. Các nhà học giả thường gọi đây là 18 bộ phái Tiểu thừa.]

Nhận thấy tầm mức quan trọng của bộ kinh, ngoài công việc Tam Bảo bề bộn, chúng tôi phải bỏ thời gian gần hai mươi năm để phiên dịch, trước sau phân thành ba quyển hầu cống hiến bạn đọc. Nay tuổi già sức yếu, biết tuổi thọ không còn mấy năm, chúng tôi ráng dành thì giờ soạn lại, gộp chung thành một quyển. Lần này cũng khá vất vả vì dường như chúng tôi phải làm lại từ đầu: viết lại lời tựa, chỉnh lại văn cú, lược bỏ các đoạn trùng lặp, sắp xếp lại chương mục, bỏ hết câu, chữ, kệ Pàli không cần thiết, chỉnh lại đây đó một số nghĩa, số từ cho chính xác hơn. Làm việc ấy, chúng tôi xem như một bổn phận của mình, những mong hoàn thành một dịch phẩm ít lỗi lầm so với dịch phẩm trước đây để đáp đền Tam Bảo thâm ân.

Bộ kinh Milindapanha này, đúng ra phải dịch là "Mi-lin-đà sở vấn", nhưng tên gọi cũ đã quen tai, chúng tôi thấy không cần thiết phải sửa lại.

Về tên gọi của hai ngài, Nàgasena, chúng tôi dùng tên phổ thông là "Na-tiên tỳ kheo", và Milinda, chúng tôi âm là "Mi-lan-đà". Các đoạn đối thoại giữa hai vị, chúng tôi ghi "-" ở đầu dòng cho gọn.

Dẫu đã rất nhiều cố gắng, nghiêm túc và nhiệt tâm, chúng tôi cũng không sao tránh khỏi những khuyết điểm sau đây:

* Để hợp với tư duy người Việt, văn Việt nên đôi chỗ phải phỏng dịch, phóng tác mà vẫn trung thành với câu chuyện, với giáo pháp.

* Chúng tôi đã tự ý bỏ tất cả các phẩm, chỉ ghi thứ tự câu hỏi để cho độc giả tiện theo dõi.

Cốt ý của chúng tôi là muốn phổ biến một tư liệu quý hiếm rất gần với giáo pháp uyên nguyên; giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc cho kẻ hoài nghi để phá bỏ sở tri chướng cho người tu Phật. Chỉ chừng ấy thôi thì công năng diệu dụng của "Mi-tiên-vấn-đáp" thật là bất khả tư nghì rồi.

Xin các bậc thức giả cao minh hoan hỷ chỉ giáo cho để lần tái bản được hoàn bị hơn.

Mong thay,
Phật Bảo Tự, Phú Thọ Hòa
Mùa An Cư 1982 - PL.2526
Tỳ Khưu Giới Nghiêm
(Thitasìlo Bhikkhu)


Kệ lễ bái TAM BẢO


Đê đầu đảnh lễ
Phật Bảo chí tôn
Oai đức vô lượng
Trí giác vô biên
Tự mình Điều Ngự
Viên mãn công hành
Hữu tình lợi lạc.

Đê đầu đảnh lễ
Pháp bảo chí tôn
Thiết thực hiện tiền
Khéo bày, khéo giảng
Cứu độ chúng sanh
Pháp học, Pháp hành
Pháp thành viên mãn
Ai dục, vô minh
Tử sinh đoạn tận.

Đê đầu đảnh lễ
Tăng Bảo chí tôn
Đạo quả Thánh nhân
Tròn đầy trí hạnh
Xứng đáng cúng dường
Tán dương, tôn trọng
Vô thượng phước điền
Chư thiên, nhân loại.

Chương mục [*]

I. PHẦN DẪN NHẬP

Ngoại thuyết (Bàhirakathà)
Câu chuyện liên quan tiền kiếp (Pubbayoga)

Chuyện về đức vua Mi-lan-đà
Chuyện về đại đức Na-tiên
Thấp thoáng bóng sư tử

II. NỘI DUNG MI-LAN-ĐÀ VẤN KINH

Gồm 244 câu hỏi: [**]

- Câu hỏi có khả năng cắt đứt sự nghi ngờ (vimaticchedanapanha)
- Câu hỏi vượt tầm mức của chúng sanh trong tam giới, chỉ có các vị Bồ tát mới đáp được (mendakapanha)
- Câu hỏi có tính cách xác định, khẳng định, kết luận (anumanapanha)
- Câu hỏi về tính chất, tướng, đặc tính của Pháp (lakkhanapanha)
- Câu hỏi bằng lối ví dụ, so sánh... (upamàpanha)

III. SAU CUỘC VẤN ĐÁP

[*] Do chúng tôi sắp xếp.

[**] Xét rằng, chỉ có phẩm 5 là phần dành riêng cho ví dụ, còn 4 loại câu hỏi còn lại đều nằm lẫn lộn, xen kẻ suốt trong các phẩm, khó phân định rạch ròi.

(http://www.zencomp.com/)





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 42796)
03/09/2014(Xem: 27576)
24/11/2016(Xem: 16474)
29/05/2016(Xem: 8130)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :