- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
LỜI ĐẦU SÁCH
Kinh Pháp Hoa là bộ kinh Đại thừa được nhiều
dịch giả phiên dịch, được nhiều học giả nghiên cứu chú giải, lại được lưu
truyền sâu trong giới trí thức và phổ cập rộng trong quần chúng.
Giáo nghĩa trọng yếu của kinh Pháp Hoa là chỉ
bày Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Tri kiến Phật là cái thấy biết không
thuộc về kiến chấp ngã nơi thân, không thuộc về kiến chấp ngã nơi tâm (vọng
tâm). Lại là thể của thân tâm, thường trụ không sanh không diệt. Bất luận là
hàng nam nữ xuất gia thiện trí, hay hạng phàm nhân tại gia, cho đến kẻ ác tạo
tội ngũ nghịch như Đề-bà-đạt-đa và những chúng sanh khác như loài rồng... cũng
đều có Tri kiến Phật. Nếu biết và tin nơi mình có Tri kiến Phật, liền khởi nhân
tu hành thì sẽ được thành tựu quả Phật.
Kinh Pháp Hoa không ức dương đặc biệt cho một trình
độ căn cơ nào, mà bao dung tế độ hết thảy mọi chúng sanh không bỏ sót một loài
nào. Nhưng vì căn cơ chúng sanh không đồng, nên phải tùy theo trình độ mà giáo hóa
có sai biệt, để cho người cao cũng như người thấp đều nhận được lợi ích, và
cuối cùng đưa đến chỗ cứu kính bình đẳng là quả Phật. Do đó, kinh Pháp Hoa rất
được nhiều thành phần xuất gia, cũng như cư sĩ tôn quí, tín ngưỡng, thiết lập nhiều
đạo tràng trì tụng, lễ kính, tu tập.
Hòa thượng Viện chủ tu viện Chân Không khôi phục
Thiền tông trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam đương thời, không thể chỉ thẳng
"chỗ cứu kính" cho người trực ngộ, mà phải đem Kinh, Luận, Sử ra
giảng dạy để cho Thiền sinh thầm hội lý kinh rồi liễu ngộ lý thiền. Kinh Pháp
Hoa là một trong những bộ kinh có quan hệ với Thiền tông, nên Hòa thượng đem ra
giảng dạy cho Tăng Ni và Phật tử học.
Từ trước, chúng tôi cũng đã từng theo chúng tụng
kinh Pháp Hoa, và cũng đã từng theo học kinh Pháp Hoa trong những khóa giảng ở
Sài Gòn; nhưng vẫn chưa thông hiểu lý kinh và cũng không biết kinh Pháp Hoa dạy
tu như thế nào. Chẳng những riêng chúng tôi, mà đa số các bạn đồng tụng đồng
học cũng cùng tâm trạng đó. Nay duyên phuớc lớn hội đủ, chúng tôi được nghe Hòa
thượng Viện chủ giảng kinh Pháp Hoa; càng nghe chúng tôi càng sáng càng vui.
Những điều thắc mắc trong kinh từ trước đều được hóa giải. Pháp lạc này đối với
chúng tôi không lấy gì sánh được! Đối với những pháp lữ khác, không rõ quí vị
có những cảm khái như thế nào, mà có một số người đến đề nghị chúng tôi nên sưu
tập lời giảng của Hòa thượng cho in thành sách, để có tài liệu nghiên cứu tu
hành. Vì những lý do trên mà kinh Pháp Hoa do Hòa thượng tu viện Chân Không
giảng, được sưu tập thành sách, được Hòa thượng xem qua và đồng ý cho xuất bản.
Bản kinh Pháp Hoa giảng giải này, chúng tôi phối
hợp những bài giảng của khóa I tại tu viện Chân Không và khóa III tại Thiền
viện Thường Chiếu. Vì phối hợp bài giảng của hai khóa nên lý nghĩa vừa sâu lại
cũng vừa rộng. Ý lời không nhất thiết của khóa I, mà cũng không hẳn của khóa
III. Vậy nên quí vị đã trực tiếp nghe Hòa thượng giảng tại Thường Chiếu chớ lấy
làm thắc mắc: sao tập sách không trung thực với lời giảng của Hòa thượng mà quí
vị đã được nghe.
Cũng như những tập sách chúng tôi ghi từ lời giảng của Hòa thượng, mặc dù cố gắng hết sức mình, nhưng sức người có hạn, chắc chắn không tránh khỏi sơ sót lỗi lầm trong lúc làm việc. Kính mong quí vị độc giả thông cảm, bỏ qua cho những lỗi mà chúng tôi đã vấp phải.
THUẦN GIÁC
Kính ghi