- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP
LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
Hóa Thành Dụ là ví dụ hóa ra cái thành tạm, cho kẻ đi đường dài mỏi mệt nghỉ chân để rồi tiếp tục đi nữa. Dụ này ngầm nói lên quả vị Thanh văn, Duyên giác chỉ là Niết-bàn tạm, không phải cứu kính. Cứu kính là phải đạt quả vị Phật.
CHÁNH VĂN:
1.- Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
- Thuở quá khứ vô lượng vô
biên bất khả tư nghị a-tăng-kỳ kiếp đã qua, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu Đại
Thông Trí Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Nước đó tên Hảo Thành, kiếp tên Đại Tướng. Các Tỳ-kheo!
Từ khi đức Phật đó diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa, thí như địa chủng trong
cõi tam thiên đại thiên, giả sử có người đem mài làm mực rồi đi khỏi một nghìn
cõi nước ở phương Đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, lại qua một nghìn
cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lựa chấm hết mực mài bằng địa
chủng ở trên. Ý các ông nghĩ sao? Các cõi nước đó hoặc thầy toán hoặc đệ tử của
thầy toán có thể biết được ngằn mé số đó chăng?
- Thưa Thế Tôn! Không thể biết!
- Các Tỳ-kheo! Những cõi nước của người đó đi qua hoặc có
chấm mực hoặc không chấm mực, đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hột bụi là một
kiếp, từ đức Phật đó diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm
nghìn muôn ức a-tăng-kỳ kiếp. Ta dùng sức Tri kiến của Như Lai xem thuở lâu xa
đó dường như hiện ngày nay.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
2.-Ta nhớ đời quá khứ
Vô lượng vô biên kiếp
Có Phật Lưỡng Túc Tôn
Hiệu Đại Thông Trí Thắng.
Như người dùng sức mài
Cõi tam thiên đại thiên
Hết tất cả địa chủng
Thảy đều làm thành mực
Quá hơn nghìn cõi nước
Bèn chấm mỗi điểm trần
Như thế lần lựa chấm
Hết các mực trần nầy.
Bao nhiêu cõi nước đó
Điểm cùng chẳng điểm thảy
Lại đều nghiền làm bụi
Một bụi làm một kiếp
Kiếp số lâu xa kia
Lại nhiều hơn số bụi
Phật đó diệt đến nay
Vô lượng kiếp như thế
Trí vô ngại của Phật
Biết Phật đó diệt độ
Và Thanh văn, Bồ-tát
Như hiện nay thấy diệt.
Các Tỳ-kheo nên biết
Trí Phật tịnh vi diệu
Vô lậu và vô ngại
Suốt thấu vô lượng kiếp.
GIẢNG:
Đức Phật kể
lại chuyện của một đức Phật từ kiếp xa xưa tên là Đại Thông Trí Thắng. Từ khi
đức Phật ấy diệt độ nhẫn đến nay thời gian rất lâu xa. Thí như lấy đất tam
thiên đại thiên thế giới, mài nát ra thành mực, rồi cứ đi về phương Đông cách
khoảng một ngàn cõi nước chấm một điểm nhỏ, và cứ thế mà chấm cho đến khi hết
mực được mài, thì chừng bao nhiêu thế giới? Không thể tính đếm được, quá nhiều.
Bây giờ đem những thế giới chấm mực và không chấm mực nghiền nát thành bụi, mỗi
hạt bụi tính là một kiếp. Như vậy vô số bụi là vô số kiếp. Từ khi đức Đại Thông
Trí Thắng Như Lai nhập diệt tới nay lâu hơn vô số kiếp đó, thế mà đức Thế Tôn
dùng Tri kiến Phật xem thuở lâu xa đó thấy như hiện nay. Chúng ta không thể
tưởng tượng nổi, không thể tính toán ra thời gian đó là bao nhiêu, làm sao mà
tin được? Đứng về mặt sự mà nói thì kinh Phạm Động trong bộ Trường A-hàm có ghi
lại sáu mươi hai kiến chấp của ngoại đạo. Sở dĩ ngoại đạo có những kiến chấp là
do họ tu Thiền định, nếu sức định vừa thì họ nhớ từ năm mười kiếp về trước,
thấy rõ về túc mạng, gia tộc, quốc độ, sanh hoạt của họ và mỗi loài chúng sanh.
Nếu sức định sâu thì thấy cả trăm cả ngàn đời về trước. Họ thấy tới đâu là họ
chấp tới đó. Còn những gì xa hơn chỗ thấy biết do sức định thì họ không biết. Ở
đây nói lên sức định của Phật thâm sâu không thể diễn tả nổi. Cho nên cái biết của
Ngài về quá khứ cũng không thể nghĩ lường. Thời gian từ đức Phật Đại Thông Trí
Thắng tịch diệt, đến lúc đức Thích-ca ra đời trải qua thời gian lâu xa vô kể,
mà bây giờ Ngài ưng nhớ lại thì thấy rõ như chuyện hiện nay. Đó là do sức Thiền
định sâu, nhớ được quá khứ rất lâu xa. Đứng về mặt lý, thì Tri kiến Như Lai là
Trí tuệ Phật, mà Trí tuệ Phật thì không lệ thuộc thời gian... Thời gian như
ngày, tháng, năm chẳng qua là khái niệm do người đặt ra, không có thật. Quả đất
cứ xoay quanh mặt trời, vùng đất nhận ánh sáng mặt trời, người cho là ngày,
vùng đất không nhận ánh sáng mặt trời, người cho là đêm, chớ nó không tự nói là
ngày hay là đêm. Thời gian chỉ là ý niệm người đặt ra tạm dùng không có lẽ
thật. Dù thời gian muôn ngàn triệu ức, nhưng đối với đức Đại Thông Trí Thắng
tức Tri kiến Phật là cái không hình, không tướng, không sanh, không diệt thì
không bị giới hạn bởi thời gian. Vì vậy mà nói dù cho vô lượng kiếp xa xưa
không thể tính đếm được, cần nhớ thì nhớ thấy như hiện tại.
CHÁNH VĂN:
3.- Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Đức Đại Thông Trí Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn
ức na-do-tha kiếp, đức Phật đó khi trước lúc ngồi đạo tràng phá quân ma rồi,
sắp được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà Phật pháp chẳng hiện ra trước, như
thế một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm đều không
động mà các Phật pháp còn chẳng hiện ra trước.
Thuở đó, các vị trời Đao-lợi ở dưới cội cây bồ-đề đã trước
vì đức Phật đó mà trải tòa sư tử cao một do-tuần. Phật ngồi nơi tòa nầy sẽ được
đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi Phật vừa ngồi trên tòa đó các trời Phạm
Thiên vương rưới những hoa trời khắp một trăm do-tuần, gió thơm lâu lâu thổi
đến, thổi dẹp hoa héo rồi rưới hoa mới mãi như thế không ngớt mãn mười tiểu
kiếp để cúng dường đức Phật, nhẫn đến khi Phật diệt độ thường rưới hoa này. Các
trời Tứ thiên vương vì cúng dường Phật nên thường đánh trống trời. Ngoài ra các
vị trời khác trỗi kỹ nhạc trời mãn mười tiểu kiếp đến khi Phật diệt độ cũng lại
như thế.
Các Tỳ-kheo! Đức Đại Thông Trí Thắng Phật quá mười tiểu kiếp các Phật pháp hiện
ra trước thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc Phật chưa xuất gia có mười sáu người con trai, người con cả tên Trí Tích.
Các người con đó đều có các món đồ chơi tốt đẹp báu lạ, nghe cha chứng được quả
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều bỏ đồ báu của mình đi đến chỗ Phật. Các
người mẹ khóc lóc theo đưa.
Ông nội là vua Chuyển Luân Thánh vương, cùng một trăm vị
đại thần và trăm nghìn muôn ức nhân dân khác đều vây quanh nhau đi theo đến đạo
tràng, mọi người đều đến gần gũi đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai để cúng dường
cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Khi đã đến nơi, tất cả đem đầu mặt mình lạy
chân Phật, đi vòng quanh đức Phật xong, đều chắp tay một lòng chiêm ngưỡng dung
nhan của Phật, rồi nói kệ khen Phật.
GIẢNG:
Tại sao đức Phật Đại Thông Trí Thắng ngồi đạo tràng phá quân ma rồi sắp được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thân tâm chẳng động mà Phật pháp không hiện tiền? Đứng về mặt sự thì chúng ta thấy đức Thích-ca Mâu-ni tuổi thọ khoảng tám mươi tuổi. Ngài tọa thiền bốn mươi chín ngày đêm, đêm sau cùng đầu hôm, ma quân đến quấy nhiễu, Ngài chiến đấu với ma quân, đến canh năm lúc sao Mai mọc thì Ngài thành đạo. Còn đức Phật Đại Thông Trí Thắng tuổi thọ đến năm trăm bốn mươi vạn ức na-do-tha kiếp, nên thời gian Ngài nhập định chiến đấu với ma quân cũng lâu dài và mãi đến mười tiểu kiếp sau trời Đao-lợi trải tòa sư tử dưới cội bồ-đề, Ngài ngồi trên tòa này mới thành đạo. Sự kiện này nói lên đức Thích-ca Mâu-ni là Phật hóa thân tuổi thọ ngắn nên thời gian tu cũng ngắn, còn đức Đại Thông Trí Thắng là Phật báo thân, tuổi thọ dài nên thời gian tu cũng dài. Đứng về mặt lý thì nếu nhập định thân tâm không động, mãi an trú trong định thì chưa giác, mà nếu chưa giác thì chưa thành Phật, nên nói Phật pháp chưa hiện ra. Thiền tông có một câu chuyện nói lên ý nghĩa này: Xưa có một bà già thấy một Thiền sư tu hành tinh tấn, bà phát tâm cất một cái am và cung cấp lương thực cho ngài ở tu. Thiền sư ở yên tu một thời gian, một hôm bà sai đứa cháu gái đem cơm đến cho ngài và dặn đứa cháu khi đưa cơm xong thì vòng tay ôm ngài và hỏi: "Ngay bây giờ thì thế nào?" Đứa cháu gái làm đúng như lời bà dạy. Thiền sư trả lời:
Khô mộc ỷ hàn nham
Tam xuân vô noãn khí.
Dịch:
Cây khô tựa đá lạnh
Ba xuân không hơi ấm.
Tuy
cô gái ôm ngài, nhưng ngài không động tâm, trơ trơ như cây khô như đá lạnh, đã
trải qua ba năm rồi lòng ngài như băng giá không có chút tình cảm hơi ấm với
người. Hành động của cô gái đối với ngài, ngài không hề khởi niệm dục vọng. Cô
gái về thuật lại sự việc ấy cho bà nghe, bà nói: "Uổng mấy năm nuôi ông
thầy không có trí tuệ." Bà bèn đốt am đuổi đi.
Một người tu chân chánh bị nữ sắc cám dỗ tâm không dao động, đối với chúng ta ngài là người có đạo lực cao, đáng tán thán khen ngợi. Nhưng dưới mắt bà già cũng như dưới mắt Thiền tông thì Thiền sư ấy đang chìm trong nước chết, tức là đang ở trong trạng thái tịch lặng, trí tuệ chưa sáng, chưa đến chỗ rốt ráo. Để cảnh giác ngài, bà đốt am để ngài vươn lên. Một việc làm phi thường của bà già thấu được lý đạo. Đây nói ngồi thân tâm không động, Phật pháp chẳng hiện tiền, là chỉ trạng thái tịch lặng, trí tuệ chưa sáng. Trải qua mười tiểu kiếp lúc đó Phật pháp mới hiện tiền, tức là vượt qua chỗ nước chết, trí tuệ sáng ra.
Đức
Phật Đại Thông Trí Thắng lúc chưa xuất gia có mười sáu người con trai, người
con cả tên là Trí Tích. Trí Tích là trí chứa nhóm lâu đời, phần sau sẽ giải
thích rộng hơn. Khi Phật thành đạo thì mười sáu người con phát tâm tu và cả
quyến thuộc đều lần lượt kéo đến chiêm ngưỡng cung kính, cúng dường, khen ngợi.
CHÁNH VĂN:
4.-Thế Tôn oai đức lớn
Vì muốn độ chúng sanh
Trong vô lượng ức năm
Bèn mới được thành Phật
Các nguyện đã đầy đủ
Hay thay lành vô thượng.
Thế Tôn rất ít có
Một phen ngồi mười kiếp
Thân thể và tay chân
Yên tịnh không hề động
Tâm Phật thường lặng lẽ
Chưa từng có tán loạn
Trọn rốt ráo vắng bặt
An trụ pháp vô lậu.
Ngày nay thấy Thế Tôn
An ổn thành Phật đạo
Chúng con được lợi lành
Mừng rỡ rất vui đẹp.
Chúng sanh thường đau khổ
Đui mù không Đạo sư
Chẳng biết đạo dứt khổ
Chẳng biết cầu giải thoát
Lâu ngày thêm nẻo ác
Giảm tổn các chúng trời
Từ tối vào nơi tối
Trọn chẳng nghe danh Phật.
Nay Phật được Vô thượng
Đạo an ổn vô lậu
Chúng con và trời người
Vì được lợi lớn tột
Cho nên đều cúi đầu
Qui mạng đấng Vô thượng.
GIẢNG:
Mười sáu vị vương tử và trong thân quyến tán thán Phật. Trong lời tán thán Phật, đoạn trên lặp lại ý đức Phật tu hành, đoạn dưới nói lên sự đau khổ của chúng sanh là do đui mù không người hướng dẫn. Chúng ta thấy mọi loài chúng sanh ai ai cũng có mắt, thấy đường đi, ai ai cũng phân biệt được cảnh vật tốt xấu, tại sao trong kinh nói mù? Chữ đui mù ở đây ý nói rằng tất cả chúng sanh ở trong thế gian này, nếu không có Phật ra đời thì không làm sao nhận ra Pháp thân thanh tịnh bất sanh, bất diệt của mình. Cứ sống theo vọng tưởng hình tướng sanh diệt nên chúng sanh đời đời kiếp kiếp mê mờ, chẳng khác nào người mù không thấy lối đi. Chính vì mê mờ chẳng biết đạo dứt khổ, chẳng biết cầu giải thoát. Khi sanh ra không biết mình từ đâu đến, rồi khi nhắm mắt chẳng biết mình đi về đâu! Sống cứ loanh quanh lẩn quẩn trong việc ăn, mặc, ở, bệnh, già, chết... không biết đầu mối trước, cũng không biết cuối mối sau, cứ mù mù mịt mịt, không có ánh sáng nên mãi đau khổ. Sở dĩ như thế là vì không có minh sư hướng dẫn để thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó, nên càng ngày càng tạo thêm nghiệp ác, dẫn tới những đường ác như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Không có người tu Thập thiện nên cõi trời ít chúng sanh sanh lên đó. Như vậy thì đường ác càng ngày càng tăng, cõi thiện càng ngày càng giảm, nên nói từ tối vào nơi tối. Kinh A-hàm, Phật có dùng thí dụ để giải thích sự kiện này. Phật nói có bốn hạng người:
1.- Từ tối vào tối: là những người quá khứ không tạo duyên phước lành nên sanh ra trong cảnh nghèo khổ bệnh tật, chẳng những không phát tâm hướng thiện lại còn hung dữ tàn bạo tạo nhiều nghiệp ác. Trước đã mờ mịt nay lại tạo nghiệp đen tối nữa nên nói từ tối vào tối.
2.- Từ sáng đến sáng: là những người quá khứ đã tạo duyên phước lành nên sanh ra trong cảnh giàu sang, thông minh, hiền hậu, lại biết làm lành tạo nghiệp thiện. Trước đã sáng suốt nay tiếp tục tạo nghiệp duyên tốt nên nói từ sáng đến sáng.
3.- Từ tối đến sáng: là những người quá khứ mê mờ không tạo duyên phước lành nên sanh ra trong cảnh cơ cực bần cùng, nay biết hướng thiện tạo nghiệp duyên lành, lần lần nghiệp ác giảm, nghiệp thiện và trí tuệ tăng trưởng, nên nói từ tối đến sáng.
4.- Từ sáng vào tối: là những người trước đã có phước duyên lành sanh ra trong cảnh giàu có, mà không biết nương đạo lý tạo nhân lành lại tạo nghiệp ác. Vì vậy mà đời này thì sung sướng nhưng mai kia sẽ khổ sở, nên nói từ sáng vào tối.
Tới đây
chúng ta thấy trách nhiệm của Tăng Ni là làm thầy dẫn đường cho người đời. Vì
vậy mình phải tự tu cho sáng được lý đạo, để rồi hướng dẫn người biết đường thoát
ra khỏi cảnh mê mờ u tối, bằng cách mồi đuốc trí tuệ với chánh pháp của Phật.
Chính Tăng Ni phải là ngọn đuốc soi đường cho người đời đi đúng hướng, chớ
không thể chấp nhận một kẻ dẫn đường là người mù dẫn theo một số người đui,
chắc chắn không tránh khỏi cảnh lạc đường hay sa hầm sụp hố, khổ đau không có
ngày cùng.
CHÁNH VĂN:
5.- Bấy giờ, mười sáu vị vương tử nói kệ khen đức Phật rồi
liền khuyến thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân, đều thưa rằng: "Đức Thế
Tôn nói pháp được an ổn, thương xót làm lợi ích cho các trời và nhân dân."
Lại nói kệ rằng:
Đức Phật không ai bằng
Trăm phước tự trang nghiêm
Được trí huệ vô thượng
Nguyện vì đời nói pháp
Độ thoát cho chúng con
Và các loài chúng sanh
Xin phân biệt chỉ bày
Cho được trí huệ Phật
Nếu chúng con thành Phật
Chúng sanh cũng được thế
Thế Tôn biết chúng sanh
Thâm tâm nghĩ tưởng gì
Cũng biết đạo chúng làm
Lại biết sức trí huệ
Muốn ưa và tu phước
Nghiệp gây tạo đời trước
Thế Tôn biết cả rồi
Nên chuyển pháp Vô thượng.
GIẢNG:
Trên là cảnh khổ của chúng sanh không gặp Phật ra đời.
Nay được Phật ra đời là điều mãn nguyện bậc nhất của các vương tử nên các ngài
tán thán và khẩn cầu Phật vì lợi ích chúng sanh mà chuyển pháp luân.
CHÁNH VĂN:
6.- Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Lúc đức Đại Thông Trí Thắng
Phật được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong mười phương, mỗi phương
đều năm trăm muôn ức các cõi nước Phật sáu điệu vang động. Trong các cõi nước
đó chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới được mà đều sáng rỡ,
trong đó chúng sanh đều được thấy nhau, đồng nói rằng: "Trong đây tại sao bỗng
sanh ra chúng sanh?"
Lại trong các cõi đó cung điện của chư thiên cho đến Phạm
cung sáu điệu vang động, hào quang lớn soi cùng khắp đầy cõi nước, sáng hơn ánh
sáng của trời.
GIẢNG:
Khi đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật thì năm trăm muôn ức cõi Phật ở mỗi phương trỗi lên sáu điệu vang động. Trong cõi nước chỗ nào tối tăm, ánh sáng mặt trời mặt trăng không đến được, nay nhân Phật thành đạo, hào quang của Phật bủa khắp cả mười phương, chỗ tối tăm người ta không thấy nhau bây giờ được thấy. Do đó, các chúng sanh mới lần theo ánh sáng tìm đến chỗ Phật ngự. Khi đến nơi, ra mắt Phật, tán thán Phật, cúng dường Phật và cuối cùng thỉnh Phật chuyển pháp luân. Phần này, đứng về mặt sự thì Trí tuệ Phật là cái hằng sáng soi khắp tất cả chỗ, được dụ như mặt trời không chỗ nào là soi chẳng đến. Tại sao? Vì do công phu Thiền định sâu nên khi giác ngộ thì giác ngộ viên mãn. Do giác ngộ viên mãn nên trí tuệ trùm khắp cả mười phương. Đứng về lý thì Trí tuệ Phật không sanh, không diệt không bị hạn cuộc ở thời gian như đã trình bày ở đoạn trước, và ở đây thì nói Trí tuệ Phật không hình, không tướng nên không bị hạn cuộc bởi không gian. Trong kinh thường ví Trí tuệ Phật rộng lớn như hư không, phàm cái gì có hình tướng là có giới hạn, còn hư không không hình tướng nên không ngằn mé, không giới hạn, bởi không giới hạn nên trùm khắp cả mười phương, vì vậy mà đâu đâu cũng thấy được ánh sáng Phật.
Khi chúng sanh còn mê thì Trí tuệ Phật bị hạn cuộc trong thân năm
uẩn, bị giới hạn bởi ý niệm thời gian. Khi đã giác ngộ rồi, hết vô minh phiền
não thì Trí tuệ Phật bủa khắp tất cả chỗ. Sự kiện này người giác ngộ thì tự
biết. Bây giờ chúng ta chỉ lý luận để tạm hiểu chớ chưa phải là thấy thật. Do
đó phải nỗ lực tu hành để nhận ra lẽ thật ấy.
CHÁNH VĂN:
7.- Bấy giờ, phương Đông, năm trăm muôn ức các
cõi nước, cung điện của trời Phạm thiên ánh sáng soi chói gấp bội hơn ánh sáng thường ngày, các Phạm thiên vương đều tự nghĩ rằng: “Hôm nay cung điện sáng suốt từ xưa chưa từng có, vì nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này?” Lúc đó các vị Phạm thiên vương liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Trong chúng có một vị Phạm thiên vương lớn tên Cứu Nhứt Thiết vì các Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Các cung điện chúng ta
Sáng suốt chưa từng có
Đây là nhân duyên gì
Phải nên chung nhau tìm
Là trời Đại đức sanh
Hay là Phật ra đời
Mà ánh sáng lớn này
Khắp soi cả mười phương.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước, các vị Phạm thiên vương cùng chung với cung điện mỗi vị đều lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đi đến phương Tây suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử ở nơi đạo tràng dưới cội bồ-đề, hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân... cung kính vây quanh đức Phật, và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân; tức thời các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy chưn Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật.
Hoa của mấy ông rải nhóm như núi Diệu Cao, cùng để cúng dường cây bồ-đề của Phật, cây bồ-đề đó cao mười do-tuần. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: “Xin đức Phật đoái thương lợi ích cho chúng con, cung điện dâng cúng đây xin nạp ở.”
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:
Thế Tôn rất ít có
Khó thể gặp gỡ được
Đủ vô lượng công đức
Hay cứu hộ tất cả
Thầy lớn của trời người
Thương xót ở trong đời
Mười phương các chúng sanh
Khắp đều nhờ lợi ích.
Chúng con cùng theo đến
Năm trăm muôn ức nước
Bỏ vui Thiền định sâu
Vì để cúng dường Phật
Chúng con phước đời trước
Cung điện rất tốt đẹp
Nay đem dưng Thế Tôn
Cúi xin thương nạp thọ.
Bấy giờ, các vị Phạm thiên vương nói kệ khen đức Phật rồi đều thưa rằng: “Cúi xin Thế Tôn chuyển pháp luân, độ thoát chúng sanh mở đường Niết-bàn.”
Khi ấy, các vị Phạm thiên vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ rằng:
Thế Hùng Lưỡng Túc Tôn
Cúi xin diễn nói pháp
Dùng sức từ bi lớn
Độ chúng sanh khổ não.
Lúc đó, đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai lắng yên nhận lời đó.
8.- Lại nữa các Tỳ-kheo! Phương Đông Nam năm trăm muôn ức cõi nước các vị Phạm thiên vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu, liền cùng đến nhau chung bàn việc đó. Lúc ấy trong chúng đó có một vị Phạm thiên vương tên là Đại Bi, vì các Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Việc đó nhân duyên gì
Mà hiện tướng như thế?
Các cung điện chúng ta
Sáng suốt xưa chưa có
Là trời Đại đức sanh
Hay là Phật ra đời?
Chưa từng thấy tướng này
Nên chung một lòng cầu
Quá nghìn muôn ức cõi
Theo luồng sáng tìm đó
Phần nhiều Phật ra đời
Độ thoát khổ chúng sanh.
Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm thiên vương cùng chung với cung điện, lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đến phương Tây Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội bồ-đề, các hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân v.v... cung kính vây quanh, và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Khi ấy, các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy chưn Phật, đi quanh trăm nghìn vòng... liền lấy hoa trời mà rải trên Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu Cao, cùng để cúng dường cây bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: “Xin Phật thương xót lợi ích cho chúng con, những cung điện dâng đây cúi xin nhận ở.”
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:
Thánh Chúa vua trong trời
Tiếng ca-lăng-tần-già
Thương xót hàng chúng sanh
Chúng con nay kính lễ.
Thế Tôn rất ít có
Lâu xa một lần hiện
Một trăm tám mươi kiếp
Luống qua không có Phật
Ba đường dữ dẫy đầy
Các chúng trời giảm ít.
Nay Phật hiện ra đời
Làm mắt cho chúng sanh
Chỗ qui thú của đời
Cứu hộ cho tất cả
Là cha của chúng sanh
Thương xót làm lợi ích
Nhờ phước lành đời trước
Nay được gặp Thế Tôn.
Khi đó, các vị Phạm thiên vương nói kệ khen Phật xong đều thưa rằng: “Cúi xin đức Thế Tôn thương xót tất cả chuyển pháp luân cho, để độ thoát chúng sanh.”
Lúc ấy, các vị Phạm thiên vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ khen rằng:
Đại Thánh chuyển pháp luân
Chỉ bày các pháp tướng
Độ chúng sanh đau khổ
Khiến được rất vui mừng
Chúng sanh nghe pháp này
Được đạo hoặc sanh thiên
Các đường dữ giảm ít
Bậc nhẫn thiện thêm nhiều.
Khi đó, đức Đại Thông Trí Thắng Phật lặng yên nhận lời.
9.- Lại nữa các Tỳ-kheo! Năm
trăm muôn ức cõi nước ở phương
tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu liền đến cùng
nhau chung bàn việc đó. Vì nhân duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng chói này?
Trong chúng đó có một vị Phạm thiên vương lớn tên là Diệu Pháp, vì hàng Phạm chúng mà nói kệ
rằng:
Các cung điện chúng ta
Quang minh rất oai diệu
Đây không phải không nhân
Tướng này phải tìm đó
Quá hơn trăm nghìn kiếp
Chưa từng thấy tướng này
Là trời Đại đức sanh
Hay đức Phật ra đời?
Bấy giờ, năm trăm muôn ức Phạm thiên vương cùng cung điện chung, mỗi vị dùng đãy đựng các
thứ hoa trời đồng đến phương Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư
tử nơi đạo tràng dưới cội cây bồ-đề, hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà,
nhân và phi nhân v.v... cung kính vây quanh, cùng thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Khi đó, các vị Phạm thiên vương, đầu mặt lễ Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà
rải trên đức Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu Cao và để cúng dường cây bồ-đề của Phật. Cúng dường
hoa xong, mỗi vị đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: “Xin đức Phật đoái thương lợi ích
chúng con, cung điện của chúng con dâng đây cúi xin nạp xử.” Bấy giờ, các vị Đại Phạm thiên vương liền ở
trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:
Thế Tôn rất khó thấy
Bậc phá các phiền não
Hơn trăm ba mươi kiếp
Nay mới thấy một lần
Hàng chúng sanh đói khát
Nhờ mưa pháp đầy đủ
Xưa chỗ chưa từng thấy
Đấng vô lượng trí huệ
Như hoa ưu-đàm-bát
Ngày nay mới gặp gỡ
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang được đẹp
Thế Tôn đại từ mẫn
Cúi xin thương nhận ở.
Khi đó, các vị Phạm thiên vương nói kệ khen đức Phật rồi đều bạch rằng: “Cúi mong đức Thế Tôn
chuyển pháp luân làm cho tất cả thế gian các hàng trời, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn đều được an ổn mà
được độ thoát.”
Lúc ấy, các vị Phạm thiên vương một lòng đồng tiếng nói kệ rằng:
Cúi mong Thiên Nhân Tôn
Chuyển pháp luân Vô thượng
Đánh vang pháp cổ lớn
Mà thổi pháp loa lớn
Khắp rưới pháp vũ lớn
Độ vô lượng chúng sanh
Chúng con đều qui thỉnh
Nên nói tiếng sâu xa.
Khi đó, đức Đại Thông Trí Thắng lặng yên nhận lời đó.
10.- Phương Tây
Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước ở Thượng phương, các vị Đại Phạm thiên vương thảy đều tự
thấy cung điện của mình ở ánh sáng chói rực từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu, liền
đi đến nhau để chung bàn việc đó. Vì nhân duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng này? Lúc đó, trong
chúng có một vị Đại Phạm thiên vương tên là Thi-khí vì hàng Phạm chúng mà nói kệ rằng:
Nay vì nhân duyên gì
Cung điện của chúng ta
Ánh sáng oai đức chói
Đẹp đẽ chưa từng có
Tướng tốt như thế đó
Xưa chưa từng nghe thấy
Là trời Đại đức sanh
Hay là Phật ra đời?
Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm thiên vương cùng cung điện chung, mỗi vị đều dùng đãy
đựng các thứ hoa trời đồng đến phương dưới suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như
Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội bồ-đề, hàng chư thiên, Long vương, càn-thát-bà, khẩn-na-la,
ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v... cung kính vây quanh và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh đức Phật
chuyển pháp luân.
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời rải
trên đức Phật. Hoa rải nhóm như núi Diệu Cao và để cúng dường cây bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa
xong, đều đem cung điện dâng lên đức Phật mà bạch rằng: “Xin đoái thương lợi ích chúng con. Cung điện
dâng đây cúi mong Phật nhận ở.”
Lúc đó, các vị Phạm thiên vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:
Hay thay! Thấy các Phật
Đấng Thánh Tôn cứu thế
Hay ở ngục tam giới
Cứu khỏi các chúng sanh
Thiên Nhân Tôn trí khắp
Thương xót loài quần manh
Hay khai môn cam lồ
Rộng độ cho tất cả.
Lúc xưa vô lượng kiếp
Luống qua không có Phật
Khi Phật chưa ra đời
Mười phương thường mờ tối
Ba đường dữ thêm đông
A-tu-la cũng thạnh
Các chúng trời càng bớt
Chết nhiều đọa ác đạo
Chẳng theo Phật nghe pháp
Thường làm việc chẳng lành
Sắc, lực, cùng trí huệ
Các việc đều giảm ít
Vì tội nghiệp nhân duyên
Mất vui, cùng tưởng vui
Trụ trong pháp tà kiến
Chẳng biết nghi tắc lành
Chẳng nhờ Phật hóa độ
Thường đọa trong ác đạo.
Phật là mắt của đời
Lâu xa mới hiện ra
Vì thương các chúng sanh
Nên hiện ở trong đời
Siêu việt thành Chánh giác
Chúng con rất mừng vui
Và tất cả chúng khác
Mừng khen chưa từng có.
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang nên đẹp
Nay đem dưng Thế Tôn
Cúi mong thương nhận ở.
Nguyện đem công đức này
Khắp đến cho tất cả
Chúng con cùng chúng sanh
Đều đồng thành Phật đạo.
Khi đó, năm trăm muôn ức các vị Phạm thiên vương nói kệ khen đức Phật rồi, đều bạch Phật rằng:
“Cúi mong đức Thế Tôn chuyển pháp luân, nhiều chỗ an ổn, nhiều chỗ độ thoát.” Lúc ấy, các vị Phạm
thiên vương đồng nói kệ rằng:
Thế Tôn chuyển pháp luân
Đánh trống pháp cam lồ
Độ chúng sanh khổ não
Mở bày đường Niết-bàn
Cúi mong nhận lời con
Dùng tiếng vi diệu lớn
Thương xót mà nói bày
Pháp tu vô lượng kiếp.
GIẢNG:
Phật vì muốn
đưa mình và chúng sanh ra khỏi khổ luân hồi sanh, lão, bệnh, tử, mới xuất gia
tu hành. Khi thành Phật rồi sao Ngài không đi giáo hóa cứu độ chúng sanh hết
khổ, mà đợi khuyến thỉnh mới ra nói pháp? Thái độ này không riêng gì đức Đại
Thông Trí Thắng Như Lai mà ngay cả đức Thích-ca cũng vậy, Phật có thiếu từ bi
chăng? Theo tâm lý thông thường thì những gì mà người đời không ưa thích, chưa
biết giá trị, dù vật có quí giá đem cho, họ vẫn không trọng. Hơn thế nữa, Phật
pháp cao siêu vượt ngoài sự hiểu biết thông thường của con người, nên khó nói,
khó hiểu, khó nhận. Cái cao quí, khó nói khó hiểu khó nhận, nếu đem cho một cách
dễ dàng thì sẽ bị khinh thường, khi đã khinh thường thì người không cố gắng tu
học để được lợi ích. Phật sẵn sàng cho nhưng người nhận phải thiết tha mong
cầu. Đã thiết tha mong cầu thì khi nhận mới chịu áp dụng tu hành, có tu mới lợi
ích. Vì vậy khi Phật thành đạo, đợi mấy phen thưa thỉnh Ngài mới chuyển pháp
luân.
Trí tuệ Phật trùm khắp tất cả chỗ, chúng sanh trong mười phương được soi sáng, nên tìm đến để cúng dường hương hoa cùng cung điện, xin Phật nạp thọ và cung thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Trong phần này có đề cập đến những chúng sanh không theo Phật nghe pháp, thường làm việc ác nên sắc, lực cùng trí tuệ đều suy giảm. Tại sao? Vì người tạo nghiệp ác là do thiếu trí tuệ nên tâm không sáng, vì tâm không sáng nên hiện ra tướng bên ngoài u tối, và sức lực yếu kém, do quả báo sát sanh hại vật chiêu cảm mà nên. Đồng là người sanh ra trong cõi đời mà người thì sắc diện trí tuệ sáng suốt, sức lực khỏe mạnh, kẻ thì sắc diện tối, sức lực yếu kém, đó là kết quả do tạo nghiệp ác hay nghiệp lành mà nên.
"Vì tội nghiệp nhân duyên, mất vui cùng tưởng vui." Tội nghiệp đây không có nghĩa là thương xót theo tình cảm thông thường của chúng ta mà là thân, khẩu, ý tạo nghiệp gây tội, do nghiệp và tội đó là nhân là duyên cho nên "mất vui cùng tưởng vui". Mất vui cùng tưởng vui là sao? Vì nhân duyên gây tạo nghiệp xấu ác nên có tội, vì có tội nên không được hưởng thú vui ở thế gian, không được vui mà lòng vẫn ham muốn, do lòng ham muốn nên cứ mơ tưởng đến lạc thú. Đó là do tội nghiệp mà ra vậy.
"Trụ trong
pháp tà kiến, chẳng biết nghi tắc lành, chẳng nhờ Phật hóa độ, thường đọa trong
ác đạo." Có những chúng sanh thấy biết lệch lạc sai lầm, không biết điều
thiện việc lành, cái không đáng nghĩ cứ nghĩ, việc không nên làm cứ làm, không
có duyên với Phật nên không được Phật hóa độ. Vì vậy mà đọa trong đời ác. Phật
là bậc trí tuệ dẫn dắt đưa chúng sanh ra khỏi chỗ mê lầm tối tăm nên nói Phật
là mắt của đời.
Tóm lại, mười sáu vị vương tử cho đến mười phương tất cả Phạm
thiên đều đến cúng dường tán thán Phật, và cầu thỉnh Phật thương xót chuyển
pháp luân độ cho chúng sanh được thành Phật.
CHÁNH VĂN:
11.- Lúc bấy giờ, đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời thỉnh của các Phạm
thiên vương và mười sáu vị vương tử tức thời ba phen chuyển pháp luân mười hai
hành hoặc là Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc là trời, ma, Phạm và các thế gian khác đều
không thể chuyển được, nói: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là
đạo diệt khổ.
Và rộng nói pháp Mười hai
nhân duyên: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc
duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ,
thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não.
Vô minh diệt thời hành
diệt, hành diệt thời thức diệt, thức diệt thời danh sắc diệt, danh sắc diệt
thời lục nhập diệt, lục nhập diệt thời xúc diệt, xúc diệt thời thọ diệt, thọ
diệt thời ái diệt, ái diệt thời thủ diệt, thủ diệt thời hữu diệt, hữu diệt thời
sanh diệt, sanh diệt thời lão, tử, ưu bi, khổ não diệt.
Đức Phật ở trong đại chúng trời, người khi nói pháp đó có sáu trăm muôn ức
na-do-tha người do vì không thọ tất cả pháp mà ở các lậu tâm được giải thoát,
đều được Thiền định sâu mầu, ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát.
Lúc nói pháp lần thứ hai,
lần thứ ba, lần thứ tư, có nghìn muôn ức hằng hà sa na-do-tha chúng sanh cũng
bởi không thọ tất cả pháp mà nơi các lậu tâm được giải thoát. Từ đây nhẫn sau
các chúng Thanh văn nhiều vô lượng vô biên, không thể tính kể được.
GIẢNG:
Đức Phật Đại
Thông Trí Thắng ở thời xa xưa khi bắt đầu giáo hóa cũng dùng phương tiện nói
pháp Tứ đế gọi là "Tam chuyển pháp luân, Thập nhị hành". Tam chuyển
pháp luân là Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển. Thị chuyển là Phật chỉ rõ
bốn lẽ thật có tánh cách khách quan: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ
diệt, đây là đạo diệt khổ. Khuyến chuyển là Phật khuyên năm vị Tỳ-kheo xưa chưa
từng nghe, nay cần phải biết hãy chánh tư duy để phát sanh trí tuệ: đây là khổ
các ông phải biết, đây là tập các ông phải đoạn, đây là diệt các ông phải
chứng, đây là đạo các ông phải tu. Chứng chuyển, Phật nói đối với pháp Tứ đế Ngài
đã biết, đã tu, đã đoạn và đã chứng. Đây là khổ ta đã biết, đây là khổ tập ta
đã đoạn, đây là khổ diệt ta đã chứng, đây là khổ đạo ta đã tu. Phật nói về Tứ
đế ba lần là Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển mỗi lần đều lặp lại bốn
đế, ba lần lặp lại, thành muời hai. Nên nói Thập nhị hành. Lần thứ nhất chưa hiểu
nói cho hiểu, lần thứ hai hiểu rồi phải tu, lần thứ ba tu rồi để chứng.
Đức Phật thuyết pháp rất cụ thể, mỗi khi Ngài nói điều gì thì điều đó Ngài đã biết rõ, đã thực hành và được lợi ích, khuyên người nên làm để được lợi ích như Ngài, nên lời Phật dạy rất có giá trị được coi là chân lý. Chúng ta ngày nay nói pháp, chỉ lý thuyết suông thiếu cụ thể, có khi lại mâu thuẫn nữa. Vì vậy tốn công rất nhiều mà kết quả rất ít. Điều mình dạy người mà chính bản thân mình chưa thực hành được thì làm sao có đủ kinh nghiệm, đủ lòng tin, để hướng dẫn người? Trên đây là Phật chuyển pháp luân, chúng ta chớ lầm lối chuyển luân xa của ngoại đạo là dẫn điện chạy từ rún qua xương cùng, rồi theo xương sống chạy lên đầu xuống rún trở lại, dẫn điện chạy vòng vòng trong người gọi là chuyển luân xa. Hiện tại có nhiều người mang hình thức tu sĩ Phật giáo đầu tròn áo vuông vẫn tin và tu theo, thật là một việc đáng tiếc! Danh từ Phật giáo bị ngoại đạo lợi dụng, thế mà người tu Phật không biết lại thực hành theo!
Kế đến là
Phật nói pháp Mười hai nhân duyên là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức
duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập... cho tới sanh duyên lão tử, ưu bi khổ
não, đó là chiều lưu chuyển. Còn chiều hoàn diệt là vô minh diệt thì hành diệt,
hành diệt thì thức diệt... cho tới sanh diệt thì lão tử diệt, ưu bi khổ não
không còn. Căn cứ vào Mười hai pháp nhân duyên thì đầu mối của luân hồi sanh tử
là vô minh. Từ vô minh dẫn tới hành rồi thúc đẩy thức đi thọ sanh, khi có bào
thai thì có danh sắc, có danh sắc thì có lục nhập... Cứ như vậy tạo nghiệp rồi
trở lại sanh, liên miên không cùng tận. Muốn dứt vòng luân hồi đó là phải diệt
vô minh, làm cho trí tuệ bừng sáng thì hết tạo nghiệp tức là hành diệt, nếu hết
tạo nghiệp thì thức không còn đi thọ sanh, nên thức diệt... Nhưng mà vô minh
gốc, thuộc về quá khứ không thể diệt, phải đoạn vô minh hiện tại là ái, thủ,
hữu, nếu ái, thủ, hữu dứt thì vô minh gốc cũng không còn. Vậy làm thế nào phá
vô minh? Mọi nguời ai cũng thấy thân này là thật, thấy vọng tưởng là thật, thấy
cảnh vật là thật. Dùng trí Bát-nhã quán chiếu thấy thân này do duyên hợp tạm
có, vọng tưởng cũng là tướng duyên hợp chợt hiện chợt mất, cảnh vật cũng là
tướng duyên hợp không thật. Khi thấy thân này không thật, vọng tưởng không
thật, cảnh vật không thật thì ái, thủ, hữu theo đó mà dứt. Như vậy vô minh diệt
thì hành diệt ngay trong đời này. Đó là dùng trí tuệ phá dẹp vô minh để thoát
khỏi luân hồi sanh tử. Nhưng từ đâu mà thắp sáng trí tuệ? Kinh A-hàm Phật có
dạy chư Tỳ-kheo: "Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với
chánh pháp." Chánh pháp Phật dạy được kết tập lại thành Tam tạng giáo
điển, chúng ta học hiểu và thực hành theo lời Phật dạy bằng cách giữ giới luật,
tu Thiền quán, trí tuệ bừng sáng, không còn thấy biết mê mờ, không tạo nghiệp
dẫn đi trong luân hồi sanh tử, đó là tự thắp đuốc lên với chánh pháp để phá vô
minh. Đạo Phật chủ trương phát huy trí tuệ để dẹp vô minh, vì vậy trong tất cả
thời khóa tụng niệm ở trong chùa đều có tụng Bát-nhã Tâm Kinh. Bát-nhã Tâm Kinh
là kinh dạy cho chúng ta dùng trí thấy đúng như thật về thân, về tâm, về pháp.
Bất cứ pháp tu nào cũng phải có trí tuệ, để phá vô minh mới dứt luân hồi sanh
tử. Trước tự mình tu, sau là giáo hóa cho người tu, hết vô minh thoát ly sanh
tử luân hồi. Đó là mồi đuốc chánh pháp, hay nói theo tinh thần Thiền tông là
truyền đăng tục diệm.
Sau đây Phật
lại dạy: "Do không thọ tất cả pháp mà ở các lậu tâm được giải thoát, đều
được Thiền định sâu mầu ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát."
Không thọ tất cả các pháp là sao? Kinh Phạm Động trong Trường A-hàm có ghi lại
giai đoạn Phật đi du hóa gặp hai người Phạm chí, thầy thì dùng đủ cách để chê
Phật, trò cũng dùng đủ cách để khen Phật. Khi về tinh xá Phật dạy các Tỳ-kheo:
Nếu gặp người hủy báng Phật, Pháp, Tăng, các ngươi chớ sanh oán giận, hoặc có
ác ý với người ta, vì như vậy sẽ bị hãm nịch. Và khi gặp người khen ngợi tán thán
Phật, Pháp, Tăng, các ngươi lấy đó làm vui mừng kiêu hãnh cũng bị hãm nịch. Vì
khi vui mừng kiêu hãnh hay oán giận có ác ý thì không thấy đúng lẽ thật, mờ tối
không có trí tuệ nên bi ưu khổ não bủa vây.
Phật lại nói tiếp, người chỉ căn cứ vào hình thức giới tướng như
ăn một ngày một bữa, mặc chỉ ba y, đêm thức nhiều ngủ ít, hành hạnh khất
thực... Phật nói người khen Ngài như vậy là chưa hiểu Ngài. Chỗ đáng khen của
Ngài chỉ có các bậc A-la-hán mới biết để khen là: "Ngài biết tất cả pháp
mà không thọ." Thế nào là không thọ? Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý,
tiếp xúc với sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không thọ nhận. Mắt thấy
cảnh, thấy người biết là cảnh là người, chớ không thấy cảnh đẹp người đẹp thì
ưa thích, thấy cảnh xấu người xấu thì ghét bỏ, đó là không thọ. Hoặc tai nghe
tiếng khen biết là khen, nghe tiếng chê biết là chê, không nhận tiếng khen khởi
tâm vui mừng, không nhận tiếng chê sanh tâm buồn giận, đó là không thọ. Nếu
thấy cảnh đẹp người đẹp hay nghe tiếng khen mà sanh lòng ưa thích đó là thọ
lạc. Hoặc thấy cảnh xấu người xấu hay tiếng chê mà sanh buồn giận đó là thọ
khổ. Tắng ái sở dĩ có là do thọ khổ thọ lạc mà ra. Nếu không có tắng ái làm gì
có thủ và hữu đời sau? Nên nói không thọ tất cả là nhân giải thoát.
Nhưng làm sao không thọ? Mắt thấy vật thấy người, biết đẹp biết
xấu, tai nghe tiếng khen tiếng chê, biết là khen là chê. Nhưng đẹp xấu khen
chê, dùng trí tuệ biết rõ nó là tướng duyên hợp không thật. Đẹp trên tướng giả,
xấu trên tướng giả, khen trên tướng giả, chê trên tướng giả. Thấy đúng lẽ thật
của các pháp không lầm, không lầm thì không thọ, không thọ thì không nhiễm
trước do đó mà được vô lậu giải thoát. Chúng ta vì si mê nên lầm chấp các pháp,
chấp các pháp là thọ nên tự trói buộc, sanh vô số phiền não khổ đau, đi mãi
trong luân hồi sanh tử.
CHÁNH VĂN:
12.- Bấy giờ, mười sáu vị
vương tử đều là đồng tử mà xuất gia làm Sa-di, các căn thông lanh, trí huệ sáng
láng, đã từng cúng dường trăm nghìn muôn ức các đức Phật, tịnh tu hạnh thanh
tịnh, cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều bạch cùng Phật rằng:
"Thưa Thế Tôn! Các vị Đại đức Thanh văn vô lượng nghìn muôn ức đây đã thành
tựu xong, đức Thế Tôn cũng nên vì chúng con nói pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác, chúng con nghe xong đều đồng tu học. Thế Tôn! Chúng con có chí mong được
Tri kiến của Như Lai, chỗ nghĩ tưởng trong thâm tâm, đức Phật tự chứng biết
cho."
Lúc đó, tám muôn ức người
trong chúng của Chuyển Luân Thánh vương dắt đến thấy mười sáu vị vương tử xuất
gia, cũng tự cầu xuất gia, vua liền thuận cho.
Bấy giờ, đức Phật nhận lời
thỉnh của Sa-di qua hai muôn kiếp sau mới ở trong hàng bốn chúng nói kinh Đại
thừa tên là: "Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm". Đức
Phật nói kinh đó xong, mười sáu vị Sa-di vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác
đều đồng thọ trì đọc tụng thông thuộc. Lúc nói kinh đó, mười sáu vị Sa-di
Bồ-tát thảy đều tin thọ, trong chúng Thanh văn cũng có người tin hiểu. Ngoài ra
nghìn muôn ức loại chúng sanh đều sanh lòng nghi lầm. Phật nói kinh đó suốt tám
nghìn kiếp chưa từng thôi bỏ. Phật nói kinh đó xong liền vào tịnh thất trụ trong
Thiền định tám muôn bốn nghìn kiếp.
GIẢNG:
Mười sáu vị vương tử xuất gia làm Sa-di các căn trí lanh sáng, thiết tha cầu
Phật Đại Thông Trí Thắng nói pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để các ngài
được nghe và được tu chứng thành Phật. Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thể theo
lời yêu cầu của mười sáu vị Sa-di, Ngài nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói xong
liền trụ trong Thiền định suốt tám mươi bốn ngàn kiếp.
CHÁNH VĂN:
13.- Bấy giờ, mười sáu vị Bồ-tát Sa-di biết Phật nhập thất trụ trong Thiền định
vắng bặt, mỗi vị đều lên pháp tòa cũng trong tám muôn bốn nghìn kiếp vì bốn bộ
chúng rộng nói phân biệt kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Mỗi
vị đều độ sáu trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sanh, chỉ dạy cho được
lợi mừng, khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Sau khi biết Phật Đại Thông Trí Thắng trụ trong Thiền định, muời sáu vị Bồ-tát
Sa-di đều lên pháp tòa vì tứ chúng mà nói kinh Pháp Hoa, mỗi vị đều độ vô số
chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các vị Sa-di chỉ là Bồ-tát
thôi, chưa chứng quả Phật mà vẫn ra nói pháp cho tứ chúng nghe. Vì các vị
Bồ-tát Sa-di đã tin thọ lời Phật dạy rồi, nên có quyền ra hành Bồ-tát đạo độ
chúng sanh cho công hạnh tự giác giác tha được viên mãn để thành Phật. Chúng ta
thấy rõ tinh thần của đạo Phật, ngoài công việc tự giác ở chính mình, còn phải
làm lợi ích cho chúng sanh, chớ không phải đợi tu thành Phật rồi mới ra giáo hóa.
Như chúng ta đã thấy Phật Thích-ca thường nhắc lại ở kinh Bản Sanh, trải qua
nhiều đời nhiều kiếp Ngài hành Bồ-tát đạo, kiếp sau cùng mới thành Phật dưới
cội bồ-đề. Nên nói tự giác giác tha viên mãn thì thành Phật.
CHÁNH VĂN:
14.- Đức Đại Thông Trí Thắng
Phật qua tám muôn bốn nghìn kiếp sau từ tam-muội dậy, qua đến pháp tòa mà ngồi
an lành, khắp bảo trong hàng đại chúng: "Mười sáu vị Bồ-tát Sa-di này rất
là ít có, các căn thông lẹ, trí huệ sáng láng, đã từng cúng dường vô lượng
nghìn muôn ức số đức Phật, ở chỗ các đức Phật thường tu hạnh thanh tịnh, thọ
trì trí của Phật để chỉ dạy chúng sanh làm cho vào trong đó. Các ông phải luôn
luôn gần gũi mà cúng dường các vị ấy.
Vì sao? Nếu hàng Thanh văn,
Duyên giác cùng các Bồ-tát có thể tin kinh pháp của mười sáu vị Bồ-tát Sa-di đó
nói mà thọ trì không mất, thời người đó sẽ được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác trí huệ của Như Lai."
GIẢNG:
Pháp mà mười sáu vị Sa-di Bồ-tát nói là kinh Pháp Hoa, tức là Tri kiến Phật. Các ngài đã tin nhận được Tri kiến Phật rồi thọ trì tu hành, sau này chắc chắn sẽ thành Phật không nghi. Đó là trách nhiệm giáo hóa của đức Phật Đại Thông Trí Thắng đã xong.
CHÁNH VĂN:
15.- Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Mười sáu vị Bồ-tát đó thường
ưa nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy. Sáu trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa chúng
sanh của mỗi vị Bồ-tát hóa độ đó đời đời sanh ra đều cùng Bồ-tát ở chung, theo
nghe pháp với Bồ-tát thảy đều tin hiểu. Nhờ nhân duyên đó mà được gặp bốn muôn
ức các đức Phật Thế Tôn đến nay vẫn chẳng ngớt.
Các Tỳ-kheo! Ta nói với các ông mười sáu vị Sa-di đệ tử
của đức Phật kia nay đều chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiện đương
nói pháp trong cõi nước ở mười phương, có vô lượng trăm nghìn muôn ức Bồ-tát,
Thanh văn để làm quyến thuộc.
Hai vị Sa-di làm Phật ở phương Đông: vị thứ nhứt tên là A-súc ở nước Hoan Hỉ, vị thứ hai tên là Tu-di Đảnh.
Hai vị làm Phật ở phương Đông Nam: vị thứ nhứt tên là Sư Tử Âm, vị thứ hai tên là Sư Tử Tướng.
Hai vị làm Phật ở phương Nam: vị thứ nhứt tên là Hư Không Trụ, vị thứ hai tên là Thường Diệt.
Hai vị làm Phật ở phương Tây Nam: vị thứ nhứt tên là Đế Tướng, vị thứ hai tên là Phạm Tướng.
Hai vị làm Phật ở phương Tây: vị thứ nhứt tên là A-di-đà, vị thứ hai tên là Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não.
Hai vị làm Phật ở phương Tây Bắc: vị thứ nhứt tên là Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương Thần Thông, vị thứ hai tên là Tu-di Tướng.
Hai vị làm Phật ở phương Bắc: vị thứ nhứt tên là Vân Tự Tại, vị thứ hai tên là Vân Tự Tại Vương.
Một vị làm Phật ở phương Đông Bắc hiệu Hoại Nhứt Thiết Thế Gian Bố Úy.
Vị thứ mười sáu, chính ta là Thích-ca Mâu-ni Phật ở cõi nước Ta-bà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Các Tỳ-kheo! Lúc chúng ta làm Sa-di mỗi người giáo hóa vô
lượng trăm nghìn muôn hằng hà sa chúng sanh, vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác theo ta nghe pháp. Những chúng sanh đó đến nay có người trụ bậc Thanh văn,
ta thường giáo hóa pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những bọn người này
đáng dùng pháp đó mà lần vào Phật đạo.
Vì sao? Vì trí tuệ của Như Lai khó tin khó hiểu, vô lượng
hằng hà sa chúng sanh được hóa độ trong thuở đó chính là bọn ông, các Tỳ-kheo,
và sau khi ta diệt độ các đệ tử Thanh văn trong đời vị lai. Sau khi ta diệt độ,
lại có đệ tử không nghe kinh này, không biết không hay hạnh của Bồ-tát, tự ở
nơi công đức của mình được tưởng cho là diệt độ sẽ nhập Niết-bàn.
Ta ở nơi nước khác làm Phật lại có tên khác. Người đó dầu
sanh lòng tưởng là diệt độ nhập Niết-bàn, nhưng ở nơi cõi kia cầu trí huệ Phật
được nghe kinh này, chỉ do Phật thừa mà được diệt độ lại không có thừa nào
khác, trừ các đức Như Lai phương tiện nói pháp.
Các Tỳ-kheo! Nếu đức Như Lai tự biết giờ niết-bàn sắp đến, chúng lại thanh tịnh, lòng tin hiểu bền chắc, rõ thấu pháp không, sâu vào Thiền định, bèn nhóm các Bồ-tát và chúng Thanh văn mà vì nói kinh này. Trong đời không có hai thừa mà được diệt độ, chỉ có một Phật thừa được diệt độ thôi.
Các Tỳ-kheo
nên rõ! Đức Như Lai phương tiện sâu vào tánh chúng sanh, biết chí nó ưa pháp
nhỏ, rất ham năm món dục, vì hạng người này mà nói Niết-bàn, người đó nếu nghe
thời liền tin nhận.
GIẢNG:
Những vị
Sa-di Bồ-tát do nghe kinh Pháp Hoa và nói kinh Pháp Hoa để giáo hóa chúng sanh,
sau này ra đời đều gặp chư vị Bồ-tát, và chư Phật tiếp tục tu hành tiến mãi
trên đường tu cho đến khi thành Phật. Và sau khi thành Phật thì cứ hai vị giáo
hóa một phương, như phương Đông có Phật A-súc, Phật Tu-di Đảnh, phương Nam có
Phật Sư Tử Âm, Sư Tử Tướng... cho tới muời phương, phương nào cũng có các Phật
do đức Đại Thông Trí Thắng giáo hóa thành Phật. Và chính đức Thích-ca Mâu-ni
cũng do đức Đại Thông Trí Thắng là cha nói kinh Pháp Hoa giáo hóa mà được thành
Phật. Như vậy là thế nào? Kinh Kim Cang có đoạn nói: Kinh này là mẹ của chư
Phật ba đời. Kinh điển từ miệng Phật nói ra, tại sao lại nói kinh là mẹ của
Phật? Kinh này là chỉ cho Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Chư Phật nếu được thành
Phật là phải đầy đủ trí tuệ, nếu không có trí tuệ thì không thể thành Phật, mà
Phật là giác và giác là trí tuệ. Nên nói Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là mẹ của
chư Phật. Cũng vậy, ở đây thay vì nói Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là mẹ của chư
Phật thì dùng hình ảnh đức Phật Đại Thông Trí Thắng nói kinh Pháp Hoa, con của
Ngài nhân nghe kinh Pháp Hoa mà tu hành thành Phật ở khắp mười phương. Như vậy,
chư Phật ở mười phương được thành Phật là do đức Đại Thông Trí Thắng là cha nói
kinh Pháp Hoa, các ngài nghe tu hành mà được thành Phật. Đức Đại Thông Trí
Thắng là chỉ cho Pháp thân, nếu muốn sống được với Pháp thân thì không gì hơn
là từ Tri kiến Phật mà vào, vì Tri kiến Phật là dụng của Pháp thân.
Ví dụ một ngọn đèn đốt ở giữa nhà, nhà có sáu cửa mở rộng, người
ở ngoài nhà do thấy ánh sáng từ sáu cửa mà biết có đèn trong nhà, và phải do
cửa mà vào nhà mới thấy được ngọn đèn. Ngọn đèn dụ cho Pháp thân Phật, ánh sáng
tỏa ra sáu cửa dụ cho Tri kiến Phật. Tri kiến Phật từ Pháp thân tỏa ra gọi là
dụng của Pháp thân, muốn sống được với Pháp thân thì phải từ Tri kiến Phật mà
vào, chớ không có con đường nào khác. Vì vậy nên đây mới nói đức Đại Thông Trí
Thắng giảng kinh Pháp Hoa cho các Sa-di Bồ-tát tu và được thành Phật. Tóm lại
muời phương chư Phật đều từ cửa Tri kiến Phật mà ngộ nhập được Pháp thân Phật,
chớ không có cửa nào đường nào khác. Vì vậy nên các ngài tu trong vô lượng kiếp
khi thành Phật rồi mỗi vị phân ở mỗi phương, để nói lên ý nghĩa Pháp thân không
bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Tới đây Phật nói Trí tuệ Phật khó tin khó hiểu. Song, có vô số chúng sanh đã được Phật giáo hóa, tu theo Phật chứng quả Thanh văn rồi đến Bồ-tát. Lại cũng có người sau này nghe pháp Phật có lòng tin tưởng Phật nhập Niết-bàn là hết không trở lại, không ngờ Phật thị hiện Niết-bàn ở đây rồi giáng sinh ở kia để giáo hóa chúng sanh, chớ không phải ngang đó mà hết.
Diệt độ tức
là Niết-bàn. Đạo Phật chỉ có một Niết-bàn duy nhất là Niết-bàn Phật. Sở dĩ Phật
nói Niết-bàn Thanh văn, Duyên giác chẳng qua là phương tiện dẫn dụ, vì Ngài biết
tâm chúng sanh thích ngũ dục ưa pháp nhỏ, để cho thấy dễ họ ham mà hướng dẫn họ
tu lần lần. Nếu nói tu lâu và phải chứng được Phật quả thì họ ngán sanh lười
mỏi không chịu tu.
CHÁNH VĂN:
16.- Thí như đường hiểm nhiều nạn dữ, dài năm trăm
do-tuần, chốn ghê sợ hoang vắng không người. Nếu chúng đông muốn đi qua con
đường nầy đến chỗ trân bửu, có một vị Đạo sư thông minh sáng suốt khéo biết rõ
tướng thông bít của con đường hiểm, dắt chúng nhân muốn vượt qua nạn đó. Chúng nhân
được dắt đi giữa đường lười mỏi bạch Đạo sư rằng: "Chúng con mệt nhọc lại
thêm sợ sệt chẳng có thể đi nữa, đường trước còn xa nay muốn lui về."
Vị Đạo sư nhiều sức phương tiện mà tự nghĩ rằng: "Bọn nầy đáng thương, làm sao cam bỏ trân bửu lớn mà muốn lui về." Nghĩ thế rồi dùng sức phương tiện ở giữa đường hiểm quá ba trăm do-tuần, hóa làm một cái thành mà bảo chúng nhân rằng: "Các ngươi chớ sợ, đừng lui về, nay thành lớn nầy có thể dừng ở trong đó tùy ý muốn làm gì thì làm, nếu vào thành nầy sẽ rất được an ổn, nếu có thể lại thẳng đến chỗ châu báu đi cũng được."
Bấy giờ, chúng mỏi mệt rất vui mừng khen chưa từng có, chúng ta hôm nay khỏi được đường dữ rất được an ổn. Đó rồi chúng nhân thẳng vào hóa thành sanh lòng tưởng cho rằng đã được độ rất an ổn.
Lúc ấy Đạo sư biết chúng nhân đó đã được nghỉ ngơi không còn
mỏi mệt, liền diệt hóa thành bảo chúng nhân rằng: "Các ngươi nên đi tới,
chỗ châu báu ở gần đây, thành lớn trước đó là của ta biến hóa ra để nghỉ ngơi
thôi."
Các Tỳ-kheo! Đức Như Lai cũng lại như thế, nay vì các ông
mà làm vị Đại đạo sư, biết các đường dữ sanh tử phiền não hiểm nạn dài xa nên
bỏ nên vượt qua. Nếu như chúng sanh chỉ nghe một Phật thừa thời chẳng muốn thấy
Phật, chẳng muốn gần gũi, mà nghĩ thế nầy: "Đạo Phật dài xa lâu ngày chịu
cần khổ mới có thể được thành." Phật biết tâm chúng đó khiếp nhược hạ liệt
dùng sức phương tiện mà ở giữa đường vì để ngơi nghỉ nên nói hai món Niết-bàn.
Nếu chúng sanh trụ nơi hai bậc, đức Như Lai bấy giờ liền
bèn vì nói: "Chỗ tu của các ông chưa xong, bậc của các ông ở gần với huệ
của Phật. Phải quan sát suy lường Niết-bàn đã được đó chẳng phải chân thật vậy.
Chỉ là sức phương tiện của Như Lai, ở nơi một Phật thừa phân biệt nói thành ba.
Như vị Đạo sư kia vì cho mọi người ngơi nghỉ mà hóa làm thành lớn, đã biết nghỉ
xong mà bảo đó rằng: 'Chỗ châu báu ở gần, thành nầy không phải thiệt, của ta
biến hóa làm ra đó thôi.'"
Lúc đó đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
17.- Đại Thông Trí Thắng Phật
Mười kiếp ngồi đạo tràng
Phật pháp chẳng hiện tiền
Chẳng được thành Phật đạo
Các trời thần, Long vương,
Chúng a-tu-la thảy
Thường rưới các hoa trời
Để cúng dường Phật đó
Chư thiên đánh trống trời
Và trỗi các kỹ nhạc
Gió thơm thổi hoa héo
Lại mưa bông tốt mới
Quá mười tiểu kiếp rồi
Mới được thành Phật đạo
Các trời cùng người đời
Lòng đều sanh hớn hở
Mười sáu người con Phật
Đều cùng quyến thuộc mình
Nghìn muôn ức vây quanh
Cùng đi đến chỗ Phật
Đầu mặt lạy chân Phật
Thỉnh Phật chuyển pháp luân:
“Đấng Thánh sư mưa pháp
Lợi con và tất cả
Thế Tôn rất khó gặp
Lâu xa một lần hiện
Vì giác ngộ quần sanh
Mà chấn động tất cả.”
Các thế giới phương Đông
Năm trăm muôn ức cõi
Phạm cung điện sáng chói
Từ xưa chưa từng có
Phạm vương thấy tướng nầy
Liền đến chỗ Phật ở
Rải hoa để cúng dường
Và dưng cung điện lên
Thỉnh Phật chuyển pháp luân
Nói kệ ngợi khen Phật
Phật biết chưa đến giờ
Nhận thỉnh yên lặng ngồi
Ba phương cùng bốn phía
Trên, dưới cũng như thế
Rưới hoa, dưng cung điện
Thỉnh Phật chuyển pháp luân:
“Thế Tôn rất khó gặp
Nguyện vì bổn từ bi
Rộng mở cửa cam lồ
Chuyển pháp luân Vô thượng.”
18.- Thế Tôn huệ Vô thượng
Nhân chúng nhân kia thỉnh
Vì nói các món pháp
Bốn đế, Mười hai duyên
Vô minh đến lão tử
Đều từ sanh duyên hữu
Những quá hoạn như thế
Các ông phải nên biết.
Tuyên nói pháp đó rồi
Sáu trăm muôn ức cai[1]
Được hết các ngằn khổ
Đều thành A-la-hán
Thời nói pháp thứ hai
Nghìn muôn hằng sa chúng
Ở các pháp chẳng thọ
Cũng được A-la-hán
Từ sau đây được đạo
Số đông đến vô lượng
Muôn ức kiếp tính kể
Không thể được ngằn mé.
19.-Bấy giờ mười sáu vị
Xuất gia làm Sa-di
Đều đồng thỉnh Phật kia
Diễn nói pháp Đại thừa:
“Chúng con cùng quyến thuộc
Đều sẽ thành Phật đạo
Nguyện được như Thế Tôn
Huệ nhãn sạch thứ nhất.”
Phật biết lòng đồng tử
Chỗ làm của đời trước
Dùng vô lượng nhân duyên
Cùng các món thí dụ
Nói Sáu ba-la-mật
Và các việc thần thông
Phân biệt pháp chân thiệt
Đạo của Bồ-tát làm
Nói kinh Pháp Hoa nầy
Kệ nhiều như Hằng sa.
Phật kia nói kinh rồi
Vào tịnh thất nhập định
Tám muôn bốn nghìn kiếp
Một lòng ngồi một chỗ.
Các vị Sa-di đó
Biết Phật chưa xuất thiền
Vì vô lượng chúng nói
Huệ Vô thượng của Phật
Mỗi vị ngồi pháp tòa
Nói kinh Đại thừa nầy
Sau khi Phật yên lặng
Tuyên bày giúp giáo hóa.
Mỗi vị Sa-di thảy
Số chúng sanh mình độ
Có sáu trăm muôn ức
Hằng hà sa các chúng.
Sau khi Phật diệt độ
Các người nghe pháp đó
Ở các nơi cõi Phật
Thường cùng thầy sanh chung.
Mười sáu Sa-di đó
Đầy đủ tu Phật đạo
Nay hiện ở mười phương
Đều được thành Chánh giác
Người nghe pháp thuở đó
Đều ở chỗ các Phật
Có người trụ Thanh văn
Lần dạy cho Phật đạo.
Ta ở số mười sáu
Cũng từng vì ngươi nói
Cho nên dùng phương tiện
Dẫn ngươi đến huệ Phật
Do bổn nhân duyên đó
Nay nói kinh Pháp Hoa
Khiến ngươi vào Phật đạo
Dè dặt chớ kinh sợ.
20. Thí như đường hiểm dữ
Xa vắng nhiều thú độc
Và lại không cỏ nước
Chốn mọi người ghê sợ
Vô số nghìn muôn chúng
Muốn qua đường hiểm nầy
Đường đó rất xa vời
Trải năm trăm do-tuần.
Bấy giờ một Đạo sư
Nhớ dai có trí huệ
Sáng suốt lòng quyết định
Đường hiểm cứu các nạn
Mọi người đều mệt mỏi
Mà bạch Đạo sư rằng:
“Chúng con nay mỏi mệt
Nơi đây muốn trở về.”
Đạo sư nghĩ thế nầy
Bọn nầy rất đáng thương
Làm sao muốn lui về
Cam mất trân bửu lớn?
Liền lại nghĩ phương tiện
Nên bày sức thần thông
Hóa làm thành quách lớn
Các nhà cửa trang nghiêm
Bốn bề có vườn rừng
Sông ngòi và ao tắm
Cửa lớn lầu gác cao
Trai, gái đều đông vầy.
Hóa ra thành đó rồi
An ủi chúng: “Chớ sợ
Các ngươi vào thành nầy
Đều được vừa chỗ muốn.”
Mọi người đã vào thành
Lòng đều rất vui mừng
Đều sanh tưởng an ổn
Tự nói đã được độ.
Đạo sư biết nghĩ xong
Nhóm chúng mà bảo rằng:
“Các ngươi nên đi nữa
Đây là hóa thành thôi
Thấy các ngươi mỏi mệt
Giữa đường muốn lui về
Nên dùng sức phương tiện
Ta hóa làm thành nầy
Các ngươi gắng tinh tấn
Nên đồng đến chỗ báu.
21.-Ta cũng lại như vậy
Đạo sư của tất cả
Thấy những người cầu đạo
Giữa đường mà lười bỏ
Không thể vượt đường dữ
Sanh tử đầy phiền não
Nên dùng sức phương tiện
Vì nghỉ nói Niết-bàn.
Rằng các ngươi khổ dứt
Chỗ làm đều đã xong
Đã biết đến Niết-bàn
Đều chứng A-la-hán
Giờ mới nhóm đại chúng
Vì nói pháp chân thật
Sức phương tiện các Phật
Phân biệt nói ba thừa
Chỉ có một Phật thừa
Vì nghỉ nên nói hai
Vì các ngươi nói thiệt
Các ngươi chưa phải diệt,
Vì Nhất thiết trí Phật
Nên phát tinh tấn mạnh
Ngươi chứng Nhất thiết trí
Mười lực các Phật pháp
Đủ băm hai tướng tốt
Mới là chân thiệt diệt,
Các Phật là Đạo sư
Vì nghỉ nói Niết-bàn
Đã biết ngơi nghỉ rồi
Dẫn vào nơi huệ Phật.
GIẢNG:
Để
cho rõ nghĩa hơn, Phật nói ví dụ: Có một đoàn người đi lấy trân bảo phải đi qua
con đường rất dài, hoang vắng không người, nhiều tai nạn nguy hiểm. Đoàn người
này đi qua được một đoạn đường dài khá mệt nhọc mà chưa tới chỗ trân bảo, nên
sanh tâm chán nản muốn thoái lui. Khi đó vị hướng đạo là người thông minh tài
trí rõ biết đường đi, không muốn cho đoàn người mất lợi ích bèn dụ dẫn đoàn
người rằng, ở phía trước có một cái thành rất an ổn, hãy ráng đi chút nữa rồi
sẽ vào thành nghỉ ngơi cho khỏe. Nghe vị hướng đạo nói, mọi người rất vui mừng,
nỗ lực tiếp tục đi đến thành, vào trong ấy được mọi nhu cầu tiện nghi rất an ổn,
nên muốn nghỉ luôn ở đó. Vị hướng đạo thông minh tài trí biết đoàn người nghỉ đã
hết mệt, bèn nói với họ rằng thành này do ta hóa ra để cho các người nghỉ, chớ
không phải là chỗ chứa trân bảo. Hãy ra khỏi thành này và đi thêm một đoạn
đường nữa sẽ đến chỗ chúng ta muốn đến. Đoàn người hết mệt nhọc nên tiếp tục đi
đến đích.
Đây là tâm bệnh chung của tu sĩ chúng ta, khi mới xuất gia tuổi còn trẻ phấn chấn tu hành, nhưng khi tu được năm, mười năm, chưa chứng đạo quả bèn sanh tâm lười mỏi muốn thoái lui, vì thấy quả Phật khó thành. Trên đường tu hay gặp những chướng nạn Ma vương như sắc, tài, danh, lợi cám dỗ. Người tu không khéo tỉnh giác thì mắc bẫy, sa hầm sụp hố. Nên tuổi trẻ đi tu thì nhiều nhưng giữ được phạm hạnh thanh tịnh cho tới tuổi già thì rất ít. Số còn lại, người thì tay bồng tay dắt, kẻ thì lạc ngõ tẽ này, kẻ thì lạc lối quanh nọ... Rốt cuộc rồi tu chẳng tới đâu. Nên người hướng dẫn biết tâm bệnh đó phải khuyến khích, chẳng hạn như tôi nói tu một giờ là tiến một giờ, tu một ngày là tiến một ngày, tu một tháng là tiến một tháng. Vọng tưởng khởi, biết, không theo là giác, vọng tưởng khởi một trăm lần, giác một trăm lần là tiến rồi. Tôi lấy cái nhỏ để khuyến khích họ, chớ bảo tọa thiền nhập định năm, bảy ngày thì họ không thực hiện nổi, phải tùy theo trình độ mà hướng dẫn, điều phục họ tiến cho xuôi đường thẳng lối, làm thầy khó là khó ở chỗ đó.
Đây là phần hợp pháp thí dụ: Vị Đạo sư dẫn đường là dụ cho đức Phật. Đoàn người đi tìm trân bảo dụ cho các bậc Thanh văn, Duyên giác đang tu theo sự hướng dẫn của Phật. Hóa thành là Niết-bàn Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và chỗ chứa trân bảo tức quả Phật. Phật biết hàng Tỳ-kheo tu theo hạnh Thanh văn với tâm nguyện nhỏ hẹp, nên trước Ngài nói tu đoạn sạch phiền não liền chứng Niết-bàn tịch diệt. Niết-bàn đó chỉ là phương tiện, là Niết-bàn tạm thôi, vì chỉ làm lợi ích cho mình, thiếu phần công đức lợi tha cho người nên chưa được viên mãn. Vì vậy muốn được Niết-bàn cứu kính chân thật ngoài phần tự tu cho mình giác ngộ thành Phật, còn phải giáo hóa cho người cũng được giác ngộ thành Phật như mình, tới đó mới là viên mãn. Như vậy quí vị mới thấy tinh thần Tiểu thừa và Đại thừa dị biệt ở chỗ nào. Thật ra tu mà giữ phạm hạnh, hết phiền não tâm thanh tịnh, sánh với chúng ta thì quá quí. Tuy nhiên được phần mình rồi, nhìn lại người còn đang mờ tối quờ quạng khổ đau, mà làm ngơ không hóa độ thì lòng từ chưa khai mở. Nên ở trước Phật mới ví Niết-bàn Thanh văn giá đáng chừng một bữa ăn là vậy.
Phật dùng thí dụ này cho hàng Thanh văn thấy rõ thêm các ngài đã có chủng tử Tri kiến Phật và Niết-bàn các ngài được chỉ là tạm, chưa phải cứu kính, không nên an trú trong đó. Phải khởi tâm đại bi, ra giáo hóa chúng sanh cho công hạnh tự giác giác tha viên mãn thành Phật. Vì thương chúng sanh, vì thương đệ tử đi chưa tới chỗ cứu kính viên mãn, nên Phật dùng mọi phương tiện để giáo hóa, thúc đẩy đi cho tới chỗ rốt ráo như Ngài, Ngài mới toại nguyện. Nên khi Phật nói kinh Pháp Hoa rồi Ngài nhập Niết-bàn rất là hợp lý, vì đã có người tin nhận chỗ Ngài muốn chỉ. Vì vậy, Phật niết-bàn rồi mà Phật pháp vẫn còn tồn tại ở thế gian không mất. Đây tôi nhắc lại một lần nữa, bản hoài của đức Phật là muốn cho mọi người đều được giác ngộ thành Phật, chớ không bằng lòng cho bất cứ một ai dừng ở bất cứ chặng đường nào. Nếu chúng ta hài lòng ở chặng đường nào đều bị Phật quở.
Phẩm này có thể phân bốn đoạn:
1.- Trí tuệ Phật không bị hạn cuộc ở thời gian, vì định lực Phật rất thâm sâu nên có thể nhớ vô số kiếp về quá khứ, thấy biết một cách tường tận không sai lầm. Và vì Trí tuệ Phật là thể sáng suốt thanh tịnh, vượt ngoài ý niệm về ngày tháng năm theo thông lệ của thế gian.
2.- Trí tuệ Phật không bị giới hạn bởi không gian, vì Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu tập trí tuệ, nên Trí tuệ Phật viên mãn không giới hạn. Và Trí tuệ Phật là thể sáng suốt không hình tướng trùm khắp, nên không giới hạn bởi không gian.
3.- Mười sáu vị vương tử từ đức Phật Đại Thông Trí Thắng mà được thành Phật, rồi phân vị mà giáo hóa ở tám phương. Điều này cho chúng ta thấy sức hiểu biết của Phật không thể nghĩ bàn, không riêng ở cõi Ta-bà mới có Phật như từ lâu chúng ta nghĩ tưởng, mà ở những thế giới khác cũng có Phật giáo hóa. Trí tuệ Phật là Thể sáng suốt viên mãn trùm khắp tất cả không đâu không có. Và không ai tu mà không từ Trí tuệ Phật khởi tu để được thành Phật.
4.- Dụ hóa thành cho thấy rằng Trí tuệ Phật rộng lớn không ngằn mé. Công hạnh Phật không thể tính kể, với ý chí tầm thường của phàm phu không thể theo nổi, nên Phật tùy căn cơ chúng sanh phương tiện nói Ngũ thừa Phật giáo hướng dẫn từ thấp lần lên cao, cuối cùng đưa chúng sanh đến mục đích cứu kính mà Phật muốn chỉ là Phật thừa. Còn kết quả được ở Ngũ thừa chỉ là quả an vui tạm bợ không nên an trụ nơi ấy.
Muốn
đạt được quả Phật thì phải trải qua nhiều kiếp tu lâu dài cho công hạnh Bồ-tát
đầy đủ, Trí tuệ Phật viên mãn mới thành Phật.
[1] Cai: một trăm triệu.