Phẩm 10 Pháp Sư

25/05/201012:00 SA(Xem: 13640)
Phẩm 10 Pháp Sư

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI

Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không

 

PHẨM 10 PHÁP SƯ

 

Pháp Sư là thầy nói pháp, mà pháp được nói là kinh Diệu Pháp Liên Hoa tức là Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi người. Nếu quên, không nhớ nơi mình có Tri kiến Phật thì đời đời kiếp kiếp không bao giờ thành Phật. Nếu nhớ nơi mình có Tri kiến Phật lấy đó làm nhân tu hành không nghi ngờ thì thời gian sau sẽ thành Phật. Vì Tri kiến Phật quan trọng như vậy, nếu người chỉ Tri kiến Phật cho chúng ta nhớ và tin để tu hành, thì công đức người đó vô lượng vô biên không tính kể. Vì vậy phẩm này trước tán thán kinh, kế đó tán thán người truyền bá kinh.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nhân nói với Dược Vương Bồ-tát để bảo tám muôn Đại sĩ rằng: 

- Dược Vương! Trong đại chúng đây vô lượng hàng chư thiên, Long vương, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân, và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hạng cầu Thanh văn, hạng cầu Bích-chi Phật, hạng cầu Phật đạo, các loại như thế đều ở trước Phật nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa một bài kệ, một câu, nhẫn đến một niệm tùy hỉ đó, ta đều thọ ký cho sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo Dược Vương

- Lại sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, một câu, một niệm tùy hỉ đó, ta cũng thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho.

Nếu lại có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, đối kinh điển này cung kính xem như Phật. Các thứ cúng dường: hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng lụa, tràng phan, y phục, kỹ nhạc, nhẫn đến chấp tay cung kính. Dược Vương nên biết! Các người trên đó đã từng cúng dường mười muôn ức Phật, ở chỗ các đức Phật thành tựu chí nguyện lớn vì thương xót chúng sanh mà sanh vào nhân gian.

Dược Vương! Nếu có người hỏi những chúng sanh nào ở đời vị lai sẽ được làm Phật? Nên chỉ các người trên đó ở đời vị lai ắt được làm Phật. Vì sao? Nếu có gã thiện nam, người thiện nữ nào ở nơi kinh Pháp Hoa nhẫn đến một câu, thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép. Các thứ cúng dường kinh quyển: hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng lụa, tràng phan, y phục, kỹ nhạc, chấp tay cung kính. Người đó tất cả trong đời đều nên chiêm ngưỡng sùng phụng. Nên đem đồ cúng dường Như Laicúng dường đó. Phải biết người đó là Bồ-tát lớn thành xong đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì thương xót chúng sanh mà nguyện sanh trong đời để rộng nói phân biệt kinh Diệu Pháp Liên Hoa, huống lại là người trọn hay thọ trì và các thứ cúng dường.

Dược Vương nên biết! Người đó tự bỏ nghiệp báo thanh tịnh, sau khi ta diệt độ vì thương chúng sanh mà sanh nơi đời ác, rộng nói kinh này. Nếu người thiện nam, người thiện nữ đó, sau khi ta diệt độ có thể riêng vì một người nói kinh Pháp Hoa, nhẫn đến một câu, phải biết người là sứ của Như Lai, đức Như Lai sai làm việc của Như Lai, huống là ở trong đại chúng rộng vì người nói.

Dược Vương! Nếu có người ác dùng tâm không lành ở trong một kiếp hiện ở trước Phật thường chê mắng Phật, tội đó còn nhẹ. Nếu có người dùng một lời dữ chê mắng người tại gia hay xuất gia đọc tụng kinh Pháp Hoa, tội đây rất nặng.

Dược Vương! Có người đọc tụng kinh Pháp Hoa, phải biết người đó dùng đức trang nghiêm của Phật tự trang nghiêm mình, thời được Như Lai dùng vai mang vác. Người đó đến đâu, mọi người nên hướng theo làm lễ, một lòng chấp tay cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen: hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng nhiễu, tràng phan, y phục, đồ ngon, trỗi các thứ kỹ nhạc, đồ cúng bậc thượng của trong loài người mà đem cúng dường cho người đó, nên cầm báu trời mà rải cúng đó, nên đem đống báu trên trời dưng cho đó.

Vì sao? Người đó hoan hỉ nói pháp, giây lát nghe pháp liền được rốt ráo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

2.-Nếu muốn trụ Phật đạo

Thành tựu trí tự nhiên

Thường phải siêng cúng dường

Người thọ trì Pháp Hoa.

Có ai muốn mau được

Nhứt thiết chủng trí huệ

Nên thọ trì kinh này

cúng dường người trì.

Nếu người hay thọ trì

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Nên biết là sứ Phật

Thương nhớ các chúng sanh

Những người hay thọ trì

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Xa bỏ cõi thanh tịnh

Thương chúng nên sanh đây.

Phải biết người như thế

Chỗ muốn sanh tự tại

Ở nơi đời ác này

Rộng nói pháp Vô thượng,

Nên đem hoa, hương trời

y phục, báu trời

Đống báu tốt trên trời

Cúng dường người nói pháp.

Đời ác, sau ta diệt

Người hay trì kinh này

Phải chấp tay lễ kính

Như cúng dường Thế Tôn,

Đồ ngon ngọt bậc thượng

Và các món y phục

Cúng dường Phật tử đó

Mong được giây lát nghe.

Nếu người ở đời sau

Hay thọ trì kinh này

Ta khiến ở trong người

Làm việc của Như Lai.

Nếu ở trong một kiếp

Thường ôm lòng chẳng lành

Đỏ mặt mà mắng Phật

Mắc vô lượng tội nặng.

Có người đọc tụng trì

Kinh Diệu Pháp Hoa này

Giây lát dùng lời mắng

Tội đây lại hơn kia.

Có người cầu Phật đạo

Mà ở trong một kiếp

Chấp tay ở trước ta

Dùng vô số kệ khen

Do vì khen Phật vậy

Được vô lượng công đức

Khen ngợi người trì kinh

Phước đây lại hơn kia.

Trong tám mươi ức kiếp 

Dùng sắc thinh tối diệu

Và cùng hương vị xúc

Cúng dường người trì kinh

Cúng dường như thế rồi

Mà được chốc lát nghe

Thời nên tự mừng vui

Nay ta được lợi lớn.

Dược Vương! Nay bảo ông

Các kinh của ta nói

Mà ở trong kinh đó

Pháp Hoa tột thứ nhứt.

 

GIẢNG:

 Phẩm Pháp Sư cho chúng ta thấy đức Phật vì hàng hạ căn như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thiên, long... hạng cầu Thanh văn, cầu Bích-chi Phật, cầu Phật, ở trước Phật nghe chừng một câu kinh, một bài kệ nhẫn đến phát tâm tùy hỉ, đều được Phật thọ ký thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì đã có giống Phật chắc chắn sẽ thành Phật. Như vậy là đại chúng ở đây ai cũng thấy mình có phần hết. Còn chúng ta hiện nay tuy có nghe kinh Pháp Hoa, nhưng không sanh đồng thời với Phật nên không được thọ ký, thấy như vô phần. Nhưng chúng ta đừng mặc cảm vì Phật có nói: "Lại, sau khi đức Như Lai diệt độ nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, một câu, một niệm tùy hỉ đó, ta cũng thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho." Đức Phật tuần tự thọ ký cho người có mặt và ngầm thọ ký cho người sau. Như vậy là pháp Phật nói ra trùm khắp các căn cơ của chúng sanh, hàng hạ căn cũng có phần trong đó.

 Phật nói ai mà nghe kinh Pháp Hoa, hoặc thọ trì, đọc tụng, biên chép, vì người giải nói cung kính cúng dường, người đó từ trước đã cúng dường mười muôn ức đức Phật và cũng đã thành tựu công đức Phật, hoặc vì chí nguyện lớn thương xót chúng sanh mà vào cõi này chớ không phải mới tu, các vị đó đang hành Bồ-tát hạnh. Như vậy là Phật vì căn cơ bậc thấp mà nâng lên, để cho chúng ta khỏi mặc cảm chỉ có các bậc chứng A-la-hán hàng hữu học vô học được thọ ký, còn chúng ta thì vô phần. Nếu đã có phần với kinh Pháp Hoa thì sau này thành Phật không nghi.

Đến đây Phật lặp lại cho rõ ý Ngài đã nêu ở trên, là có người hỏi những chúng sanh nào ở đời vị lai sẽ được làm Phật? Ngài nói chỉ những người thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Pháp Hoa. Những người tu hạnh Bồ-tát vì lợi ích chúng sanhtrở lại cõi này, những người cúng dường Phật hãy đến cúng dường những người đó. Phật nâng chúng ta lên tột đỉnh, ngang với đức Phật để cho chúng ta đừng tự ti mặc cảm mình là chúng sanh hèn hạ không có phần. Đó là lòng từ bi vô bờ bến của Phật. Ngài dạy cho hàng thượng căn khác, dạy cho hàng hạ căn khác, để cho hàng chúng sanh nào cũng có lòng tin rằng mình có Tri kiến Phật. Dù là một niệm hướng về Trí tuệ Phật mà tiến tu thì sớm muộn gì cũng thành Phật. Vì đã tin mình có Phật nhân nên tu hạnh Bồ-tát, tu hạnh Bồ-tát là vì chúng sanhgiáo hóa cho viên mãn công hạnh thì thành Phật, người đó là sứ giả của Như Lai. Giả sử bây giờ có người hỏi những chúng sanh nào sẽ thành Phật, tôi chỉ quí vị đang ngồi nghe kinh Pháp Hoa có được không? - Được. Chỉ do công phu tu hành tinh tấn hay giải đãithành Phật trước hay sau thôi. Thoạt nghe thấy như dễ nhưng kỳ thật không dễ, vì ở sau, Phật đưa ra những điều kiện mà vị Pháp sư phải có.

 Phật nói rằng: "Nếu có người ác dùng tâm không lành ở trong một kiếp hiện ở trước Phật thường chê mắng Phật tội đó còn nhẹ. Nếu có người dùng một lời dữ chê mắng người tại gia hay xuất gia đọc tụng kinh Pháp Hoa, tội đây rất nặng." Tại sao thường chửi mắng Phật trong một kiếp mà tội nhẹ hơn là dùng một lời dữ chê mắng người phàm phu đọc tụng kinh Pháp Hoa? Có phải Phật thấp hơn kẻ phàm phu trì kinh Pháp Hoa chăng? Xưa, khi Phật thành đạo đi giáo hóa, nhiều tín đồ Bà-la-môn giáo theo Ngài. Các vị truyền đạo Bà-la-môn giận tức nên vây chửi Phật, Ngài thản nhiên không đáp lại, khiến họ càng tức thêm nên chặn Phật lại hỏi lý do. Ngài trả lời là Ngài không thọ nhận lời chửi mắng đó, nên Ngài thản nhiên bất động. Vì Ngài thản nhiên bất động, nên không có sân hận dấy khởi, làm gì có chướng ngại Phật? Đối với người phàm phu mới phát tâm tu, đạo lực còn yếu kém, nếu bị người ác mắng chửi, sân hận liền dấy khởi, thối tâm Bồ-đề. Phật nêu lên ví dụ này để nhấn mạnh kẻ làm cho người tu trở ngại, thối Bồ-đề tâm là tội nặng. Còn làm, mà người tu không chướng ngại không thối chuyển, ngay cả mắng chửi Phật, tội cũng nhẹ. Đối với đức Phật, đồng một việc ác, nếu việc ác đó gây tổn hại sự tu hành nhiều thì tội nặng, nếu không gây tổn hại cho sự tu hành thì tội nhẹ. Vì chửi mắng Phật mà Phật không thối tâm Bồ-đề, Phật không bị tổn thương nên Ngài nói tội nhẹ. Còn hàng phàm phu sơ cơ, nếu làm khó hoặc chửi mắng làm cho họ thối tâm Bồ-đề thì tội nặng. Tội nặng ở chỗ làm cho người tu không tiến, chớ không phải nặng ở chỗ người có công đức nhiều hay người có công đức ít. Để thấy lòng từ của Phật vô lượng vô biên, chỉ vì lợi ích cho chúng sanh, muốn cho mọi người tiến đến chỗ giác ngộ như Ngài, mà không ngần ngại tự hạ mình thấp đưa người lên, để tạo duyên tốt cho người tu tiến. Tới đây Phật nói quá dễ chỉ cần tùy hỉ hay đọc tụng năm, bảy câu cũng được Phật thọ ký. Đó là vì hạng người hạ căn, tâm hạ liệt nên Phật phải nói dễ để nâng đỡ cho họ tu, chớ không phải là pháp dễ.

 Thứ đến Phật còn hạ thấp Ngài xuống một bậc nữa, Ngài nói: "Có người đọc tụng kinh Pháp Hoa phải biết người đó dùng đức trang nghiêm của Phật, tự trang nghiêm mình, thời được Như Lai dùng vai mang vác." Phật là bậc thầy của trời người, là bậc Toàn Giác tại sao lại cõng vác kẻ phàm phu mới phát tâm tu? Ví dụ người đời sanh ra một đứa con dáng dấp tính hạnh cũng như cách nói năng rất vừa ý họ. Đứa bé đó rất được họ thương cưng, chính vì thương cưng nên họ thường ẵm bồng, cõng trên lưng trên vai. Cũng vậy bản hoài của Phật ra đời là dạy cho người tu thành Phật, nên người mà trì tụng kinh Pháp Hoa tức tin mình có sẵn Tri kiến Phậttu hành để được thành Phật, nên Phật hài lòng nâng đỡ cho tiến; ở đây diễn tả bằng cách cõng vác trên vai. Lại nữa Tri kiến Phật của Phật hay Tri kiến Phật của người không hai không khác. Vì không hai không khác nên Ngài hằng mang vác không rời.

CHÁNH VĂN:

3.- Lúc bấy giờ, Phật lại bảo ngài Dược Vương đại Bồ-tát: 

- Kinh điển của ta nói nhiều vô lượng nghìn muôn ức, đã nói, hiện nói, sẽ nói, mà ở trong đó kinh Pháp Hoa rất là khó tin, khó hiểu.

Dược Vương! Kinh này là tạng bí yếu của các đức Phật, chẳng có thể chia bủa vọng trao cho người. Kinh đây là của các đức Phật giữ gìn từ xưa đến nay chưa từng bày nói, mà chính kinh này khi Như Lai đương hiện tại còn nhiều kẻ oán ghét, huống là sau lúc Phật diệt độ.

Dược Vương nên biết! Sau khi Như Lai diệt độ người nào có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường, vì người khác mà nói, thời được Như Lai lấy y trùm đó, lại được các đức Phật hiện tại ở phương khác hộ niệm cho. Người đó có sức tin lớn và sức chí nguyện, các sức căn lành, phải biết người đó cùng Như Lai ở chung, được đức Như Lai lấy tay xoa đầu.

GIẢNG:

 Trong các kinh Phật nói, như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên... thì kinh Pháp Hoa là bậc nhất, khó tin khó hiểu. Vì kinh Pháp Hoa chỉ thẳng Tri kiến Phật, là chỗ giác ngộ viên mãn mà Phật đã đạt được và biết mọi người ai cũng có sẵn, nên Phật chỉ cho để tu thành Phật như Ngài. Nhưng khi Phật chỉ thì người ta không tin không nhận được, vì mọi người quen nhìn ra ngoài không biết tự tri. Hơn thế nữa, Tri kiến Phật là cái không hình không tướng, không thể dùng mắt thịt hay suy tư mà biết được nên khi chỉ thì khó nhận khó tin.

 Đến đây Phật lại an ủi người sau, khi Phật còn tại thế nói kinh Pháp Hoa người nghe còn khó tin khó nhận, sanh lòng oán ghét, huống là sau khi Phật diệt độ. Vì kinh Pháp Hoa là tạng bí yếu của các đức Phật, chỉ có người khéo nghe khéo nhận mới tin được. Còn nghe mà không hiểu thì không tin, nếu không hiểu không tin thì xem thường, rồi sanh lòng phỉ báng.

 Phật lại nói, sau khi Phật diệt độ có người trì tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa thì sẽ được Phật lấy y trùm và người đó cùng Như Lai ở chung, được Như Lai lấy tay xoa đầu. Hiện tại có rất nhiều người trì tụng và giảng kinh Pháp Hoa, mà chúng ta chưa thấy Phật lấy y trùm và lấy tay xoa đầu, như vậy là Phật nói rỗng sao? Điều này chúng ta cần hiểu cho thấu đáo. Nếu chúng ta thọ trì kinh Pháp Hoa, tức là chúng ta tin nhận nơi mình có Tri kiến Phật, mà Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi người không rời thân năm uẩn này, lúc nào cũng hiện hữu nơi mỗi chúng ta. Như vậy, không phải Phật đang trùm chúng ta, xoa đầu chúng ta, và ở chung với chúng ta sao? Quí vị nên nhớ, Như Lai đây không phải là Phật Thích-ca mà là Tri kiến Phật hay Pháp thân. Nếu hiểu Như Lai là Phật Thích-ca thì chúng ta sẽ ước vọng ra ngoài, tìm kiếm tướng lạ này tướng lạ nọ, trở thành mê tín. Lý kinh rất cao siêu rất thực tế, nếu hiểu lầm thì kinh điển trở thành huyễn hoặc, gây tác hại cho người tu học.

CHÁNH VĂN:

4.- Dược Vương! Nơi nơi, chỗ chỗ, hoặc nói, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc chép, hoặc chỗ có quyển kinh này, đều nên dựng tháp bằng bảy thứ báu cho tột cao rộng đẹp đẽ, chẳng cần để xá-lợi.

Vì sao? Vì trong đó đã có toàn thân của đức Như Lai rồi. Tháp đó nên dùng tất cả hoa hương, chuỗi ngọc, lọng lụa, tràng phan, kỹ nhạc, ca tụng, để cúng dường cung kính tôn trọng, ngợi khen. Nếu có người thấy được tháp này mà lễ lạy cúng dường, phải biết những người đó đều gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Dược Vương! Có rất nhiều người tại gia cùng xuất gia làm đạo Bồ-tát, nếu chẳng có thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì, cúng dường được kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó chưa khéo tu đạo Bồ-tát. Nếu có người được nghe kinh điển này, mới là hay khéo tu đạo Bồ-tát. Có chúng sanh nào cầu Phật đạo hoặc thấy, hoặc nghe kinh Pháp Hoa này, nghe xong tin hiểu thọ trì, nên biết người đó được gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Dược Vương! Thí như có người khát tìm nước ở nơi gò cao kia soi đào tìm đó, vẫn thấy đất khô biết rằng nước còn xa, ra công đào không thôi, lần thấy đất ướt rồi lần thấy đến bùn, tâm người đó quyết chắc biết rằng nước ắt gần.

Bồ-tát cũng lại như thế, nếu chưa nghe chưa hiểu chưa có thể tu tập kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó cách đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn xa.

Nếu được nghe hiểu suy gẫm tu tập kinh này, thời chắc biết được gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì sao? Vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Bồ-tát đều thuộc kinh này, kinh này mở môn phương tiện bày tướng chân thiệt. Tạng kinh Pháp Hoa này, xa kín nhiệm sâu không có người đến được, nay Phật vì giáo hóa để thành tựu Bồ-tát mà chỉ bày cho.

Dược Vương! Nếu có Bồ-tát nghe kinh Pháp Hoa này mà kinh nghi sợ sệt, phải biết đó là Bồ-tát mới phát tâm. Nếu hàng Thanh văn nghe kinh này mà kinh nghi sợ sệt, phải biết đó là hạng tăng thượng mạn.

GIẢNG:

 Phật dạy, nơi chỗ đọc tụng biên chép kinh Pháp Hoa hoặc có kinh Pháp Hoa, nên xây tháp bảy báu cúng dường mà không cần để xá-lợi. Nghĩa là người mà tin hiểu Tri kiến Phật tức là tin Phật tánh sẵn có nơi chính mình, như vậy chỗ đó nên xây tháp mà thờ vì có sẵn Phật pháp thân không cần xá-lợi.

Phật nói thêm, người hành đạo Bồ-tát mà chưa thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa, thì người đó chưa khéo tu đạo Bồ-tát, vì chưa tin nhận nơi mình có sẵn Tri kiến Phật. Còn người mà biết thọ trì, biên chép, cúng dường, giảng nói kinh Pháp Hoa thì sẽ gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tại sao được gần? Kinh Pháp Hoa là chỉ cho Phật tánh sẵn có nơi mỗi người, người mà biết trở về với Phật tánh của chính mình là người đó gần với Phật rồi, nên nói gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 Phật dùng ví dụ người đào giếng, đào từng lớp đất khô rồi dần dần tới lớp đất im im, lần tới lớp đất ướt. Khi tới lớp đất ướt là biết sắp tới nước. Cũng vậy, người nào đối với kinh Pháp Hoa đủ niềm tin, biết trở về với chính mình thì chắc chắn người đó sẽ thành Phật. Vì biết mình có sẵn Tri kiến Phật và biết trở về với Tri kiến Phật, thì cũng như người đi lạc đường mà tìm ra đường về, và bắt đầu đi về thì chắc chắn người đó sẽ tới nhà.

Tới đây Phật nói ngược lại, nếu người nghe kinh Pháp Hoa không tin lại nghi sợ, nên biết đó là Bồ-tát mới phát tâm. Còn hàng Thanh văn nghe kinh này mà nghi sợ thì biết đó là tăng thượng mạn. Tại sao vậy? Vì Phật chỉ thẳng Tri kiến Phật, nếu tin nhận được tức là khởi tu Phật nhân, nhất định sẽ thành Phật quả. Mà Bồ-tát tu cốt là để thành Phật, bây giờ nghe kinh Pháp Hoa mà sợ thì biết người đó mới bắt đầu, nên chưa hiểu, chưa tin, lại sợ. Còn hàng Thanh văn tự cho mình chứng quả Tu-đà-hoàn... hay A-la-hán là đủ rồi. Bấy giờ nghe kinh Pháp Hoa thì không tin nên gọi là tăng thượng mạn, được ít cho là đủ. 

CHÁNH VĂN:

5.- Dược Vương! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào, sau khi đức Như Lai diệt độ muốn vì hàng bốn chúng mà nói kinh Pháp Hoa này thời phải nói cách thế nào? Người thiện nam, người thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này.

Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với tất cả chúng sanh, y Như Lai chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục, tòa Như Lai chính là Nhứt thiết pháp không. An trụ trong đây, sau rồi dùng tâm không biếng trễ vì các Bồ-tát và bốn chúng rộng nói kinh Pháp Hoa này.

Dược Vương! Bấy giờ ta ở nước khác sai hàng hóa nhân làm chúng nhóm nghe pháp của người đó, ta cũng sai hóa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nghe người đó nói pháp. Các người biến hóa đó nghe pháp tin nhận thuận theo không hề trái. Nếu người nói pháp ở chỗ vắng vẻ, ta liền sai nhiều trời, rồng, quỉ, thần, càn-thát-bà, a-tu-la v.v... nghe người đó nói pháp. Ta dầu ở nước khác, nhưng luôn luôn khiến người nói pháp đó được thấy thân ta. Nếu ở trong kinh nầy quên mất câu lối, ta lại vì nói cho đó được đầy đủ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

6.-Muốn bỏ tánh biếng lười

Nên phải nghe kinh này

Kinh này khó được nghe

Người tin nhận cũng khó.

Như người khát cần nước

Xoi đào nơi gò cao

Vẫn thấy đất khô ráo

Biết cách nước còn xa

Lần thấy đất ướt bùn

Quyết chắc biết gần nước.

Dược Vương! Ông nên biết

Các người như thế đó

Chẳng nghe kinh Pháp Hoa

Cách trí Phật rất xa,

Nếu nghe kinh sâu này

Quyết rõ pháp Thanh văn

Đây là vua các kinh

Nghe xong suy gẫm kỹ

Phải biết rằng người đó

Gần nơi trí huệ Phật.

Nếu người nói kinh này

Nên vào nhà Như Lai

Mặc y của Như Lai

Mà ngồi tòa Như Lai

Ở trong chúng không sợ

Rộng vì người giải nói,

Từ bi lớn làm nhà

Y nhu hòa nhẫn nhục

Các pháp không làm tòa

Ở đó vì người nói.

Nếu lúc nói kinh này

Có người lời ác mắng

Dao gậy, ngói, đá đánh

Nhớ Phật nên phải nhịn.

Ta trong muôn ức cõi

Hiện thân sạch bền chắc

Trải vô lượng ức kiếp

chúng sanh nói pháp.

Sau khi ta diệt độ

Nếu hay nói kinh này

Ta sai hóa tứ chúng

Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni

Và nam, nữ thanh tịnh

Cúng dường nơi Pháp sư

Dẫn dắt các chúng sanh

Nhóm đó khiến nghe pháp.

Nếu người muốn làm hại

Dao gậy cùng ngói đá

Thời khiến người biến hóa

Giữ gìn cho người đó.

Nếu người nói Pháp Hoa

Ở riêng nơi vắng vẻ

Lặng lẽ không tiếng người

Đọc tụng kinh điển này

Bấy giờ ta vì hiện

Thân thanh tịnh sáng suốt

Nếu quên mất chương cú

Vì nói khiến thông thuộc.

Nếu người đủ đức này

Hoặc vì bốn chúng nói

Chỗ vắng đọc tụng kinh

Đều được thấy thân ta

Nếu người ở chỗ vắng

Ta sai trời, Long vương

Dạ-xoa, quỉ, thần thảy

Vì làm chúng nghe pháp.

Người đó ưa nói pháp

Phân giải không trở ngại

Nhờ các Phật hộ niệm

Hay khiến đại chúng mừng

Nếu ai gần Pháp sư

Mau được đạo Bồ-tát

Thuận theo thầy đó học

Được thấy hằng sa Phật.

 

GIẢNG:

 Đây, Phật đưa ra điều kiện người nói kinh Pháp Hoa phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai mới đủ tư cách của người nói kinh Pháp Hoa. Vì vào nhà Như Lai mới có tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, mặc y Như Lai mới có đủ nhu hòa nhẫn nhục đối với tất cả mọi khó khổ chướng ngại, ngồi tòa Như Lai mới có đủ trí tuệ rộng lớn thấy rõ tất cả pháp không có Tự thể cố định. Từ lâu chúng ta quen học hiểu trên sự tướng, hiểu thọ trì, đọc tụng bằng lời, diễn nói bằng ngôn ngữ, biên chép bằng tay, sẽ được Phật xoa đầu thọ ký thành Phật. Nhưng ở đây Phật dạy người nói kinh Pháp Hoa phải có đủ ba điều kiện vừa nêu. Nếu muốn giảng nói kinh Pháp Hoa thì trước phải biên chép, thọ trì, đọc tụng cho thể nhập, rồi sau mới vì người mà giảng dạy. Như vậy, thì người thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Pháp Hoa cũng phải vào nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, mặc y Như Lai mới gần với Tri kiến Phật. Tại sao? Vì Tri kiến Phật là Tánh giác có sẵn nơi mỗi người mà bị vô minh vọng tưởng che khuất, muốn cho Tánh giác hiển lộ thì phải có trí tuệ thấy rõ Thật tướng tất cả pháp không có Tự thể cố định tùy duyên tạm có, huyễn hóa không thật, thấy rõ ràng không lầm lẫn, thì đối với mọi hoàn cảnh khó khổ, đói thiếu, vinh nhục... không cố chấp không chao động, và thấy chúng sanh đang mê mờ chạy theo giả tướng, tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử không có ngày dừng, nên khởi lòng từ bi tế độ.

Thiền sư Duy Tín nói rằng: "Ba mươi năm trước, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông. Bây giờ tôi thấy núi sông là núi sông." Khi chưa học đạo còn phàm phu, trí tuệ chưa sáng thấy lầm các pháp là thật, nên thấy núi thật là núi, thấy sông thật là sông. Khi được thiện tri thức chỉ dạy biết tu, dùng trí tuệ quán chiếu thấy rõ các pháp không có Tự thể cố định, do duyên hợp tạm có không thật, thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông, nên không cố chấp không phiền não. Vì không cố chấp nên tâm không vọng động, Tâm thể nhất như, thấy các pháp đúng như bản vị của nó, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Như vậy, muốn vì người nói kinh Pháp Hoa là phải đủ ba điều kiện nêu trên, mới không hướng dẫn người tu sai lạc.

Phật kết thúc rằng người có đủ ba điều kiện nêu trên, vì chúng sanh nói kinh Pháp Hoa thì Phật sẽ sai hóa nhân đến để nghe pháp, luôn luôn được Phật hộ niệm và người nói pháp đó là người thấy Phật. Tại sao được thấy Phật? Vì người nói được kinh Pháp Hoa là người có đủ từ bi nhẫn nhục trí tuệ, mà người đã có trí tuệ là người hằng sống với Trí tuệ Phật thì thấy Phật chớ gì.

Qua phẩm này, chúng ta thấy Phật tán thán kinh Pháp Hoa là ít có, quí nhất trên đời, quí nhất trong các kinh, vì vậyPhật tán thán người thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Pháp Hoa. Kế đó, Phật tán thán người đem kinh này ra giảng nói cho mọi người nghe, nhắc cho mọi người nhớ và tin nơi mình có sẵn Tri kiến Phật là quí. Sau rốt, Phật nêu lên ba điều kiện mà một Pháp sư nói kinh Pháp Hoa phải có: tâm từ bi lớn, nhu hòa nhẫn nhục, và sống bằng Trí tuệ Bát-nhã.

Như vậy, Phật tùy theo người hạ căn mà nói. Người nào có một niệm hướng về kinh Pháp Hoa đều có thể thành Phật. Ngài nói thật thấp rồi Ngài nâng lên cao. Người nói kinh Pháp Hoa phải có ba điều kiện nêu trên, chớ không phải dễ. Phật vừa an ủi kẻ hạ căn không mặc cảm để nỗ lực tu, vừa răn dè kẻ nghe nói dễ rồi lơ là khinh thường, hoặc hiểu theo sự rồi chấp tướng, cứ lo trì tụng lễ bái suông cho là đủ công đức sẽ thành Phật. Thành Phật thì ai cũng có khả năng thành, nhưng thành hay không còn tùy thuộc ở người có thực hiện ba điều kiện vừa nêu hay không.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58765)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :