- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP
LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
Như tôi đã nói mục đích Phật nói kinh Pháp Hoa là để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Phẩm Tự nói tổng quát trọn bộ kinh. Từ phẩm Phương Tiện đến phẩm Pháp Sư là phần khai Phật tri kiến. Những phẩm này Phật dùng những phương tiện thực tế, cũng như các đệ tử Phật dùng những thí dụ cụ thể nói lên chỗ nhận hiểu của các ngài, để minh chứng rằng các ngài đã tin nhận nơi mình có sẵn Tri kiến Phật. Trước tiên là ngài Xá-lợi-phất, kế đến là bốn vị Đại Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên... sau nữa gồm năm trăm vị A-la-hán, và cuối cùng thì có những vị hữu học vô học như ngài A-nan, La-hầu-la... Phật tùy theo cơ duyên mà thọ ký cho, phần này là phần khai, tức là mở ra cái hướng để nhìn và đi vào.
Phẩm Hiện
Bảo Tháp là phần "thị" Phật tri kiến. "Thị" là chỉ cho
người thấy (ngộ), "thị" và "ngộ" không rời nhau. Tri kiến
Phật tướng trạng như thế nào mà có thể chỉ được? Tri kiến Phật là Tánh giác có
sẵn nơi mỗi người, hằng sáng soi mà không hình không tướng, nên khó chỉ khó
nhận. Giống như không khí tối cần thiết cho lẽ sống của sanh vật, nhưng không
hình không tướng nên khó chỉ; khó chỉ không phải là không có. Vì vậy mà phải
mượn những hình ảnh biểu trưng để chỉ cho chúng ta ngầm nhận ra Tri kiến Phật,
nên phẩm Hiện Bảo Tháp, phẩm Đề-bà-đạt-đa... nêu lên những hình ảnh biểu trưng
cho Tri kiến Phật có sẵn muôn thuở không mất ở nơi mỗi người, khi người tin
nhận thì nó hiện tiền. Ở đây mang tính cách giải bày nêu ra phần khai, thị,
ngộ, nhập, kỳ thật toàn bộ kinh đều chỉ cho mọi người nhận ra nơi thân năm uẩn
này có sẵn Tri kiến Phật chớ không ở nơi nào khác.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc
bấy giờ, trước Phật có tháp bằng bảy báu, cao năm trăm do-tuần, ngang rộng hai
trăm năm mươi do-tuần, từ dưới đất nổi lên trụ ở giữa hư không; các món vật báu
trau giồi, năm nghìn bao lơn, nghìn muôn phòng nhà, vô số tràng phan để nghiêm
sức đó, chuỗi ngọc báu rủ xuống, muôn nghìn linh báu treo trên tháp. Bốn mặt
đều thoảng đưa ra mùi hương gỗ ly cấu, chiên-đàn khắp cùng cả cõi nước.
Các phan
lọng đều dùng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ, mã não, trân châu và mai
khôi hiệp lại thành, cao đến ngang cung trời Tứ thiên vương, trời Đao-lợi rưới
hoa mạn-đà-la cúng dường tháp báu.
Các trời khác và rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la,
ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân, phi nhân v.v... nghìn muôn ức chúng
đều đem tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, phan, lọng, kỹ nhạc mà cúng dường tháp
báu, đồng cung kính tôn trọng ngợi khen.
Bấy giờ,
trong tháp báu vang tiếng lớn ra khen rằng: "Hay thay! Hay thay! Đức
Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn! Có thể dùng huệ lớn bình đẳng vì đại chúng nói kinh
Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm Diệu Pháp Liên Hoa. Đúng thế! Đúng thế! Đức Thích-ca
Mâu-ni Thế Tôn! Như lời Phật nói đó, đều là chân thật."
GIẢNG:
Tới đây Phật
nêu lên hình ảnh một tháp bằng bảy báu, từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không,
rồi từ trong tháp đó vang ra tiếng khen Phật Thích-ca nói kinh Pháp Hoa là đúng
là chân thật. Tháp bảy báu là tượng trưng cho cái thân hình thành bằng thất
đại: đất, nước, gió, lửa, không, thức, kiến. Khi "ngộ", nhận ra Tri
kiến Phật thì nó thanh tịnh trở thành thất bảo, nếu còn mê Tri kiến Phật, tâm
uế trược thì nó là thất đại. Tại sao tháp bảy báu này nổi lên trụ ở giữa hư
không mà không trụ ở mặt đất? Ở phẩm Pháp Sư, Phật có nói người giảng kinh Pháp
Hoa phải có đủ ba điều kiện là từ bi, nhẫn nhục và trí tuệ rõ biết tất cả pháp
không. Trụ trong hư không là ngồi tòa Như Lai, với Trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả
các pháp Tự tánh là Không. Thấy được như thế mới chuyển thất đại thành thất
bảo. Ngay trong thất đại có sẵn Tri kiến Phật, đoạn sau biểu trưng bằng Phật Đa
Bảo, nếu gặp duyên khai mở thì nó hiện ra rỡ ràng, nên nói ở trong tháp bảy báu
vang ra tiếng khen Phật Thích-ca nói kinh Pháp Hoa đúng và chân thật. Kinh Pháp
Hoa chính là Tri kiến Phật, chư Phật đời quá khứ cũng ngộ Tri kiến Phật, chư
Phật đời hiện tại, đời vị lai cũng ngộ Tri kiến Phật không khác.
CHÁNH VĂN:
2.- Bấy giờ, bốn chúng thấy tháp báu lớn trụ trong hư
không, lại nghe trong tháp vang tiếng nói ra, đều được pháp hỉ, lấy làm lạ chưa
từng có, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chấp tay rồi đứng một bên.
Lúc đó,
có vị đại Bồ-tát tên Đại Nhạo Thuyết, biết lòng nghi của tất cả trời, người,
a-tu-la v.v... trong thế gian mà bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Do nhân
duyên gì mà có tháp này từ đất nổi lên, lại ở trong tháp vang ra tiếng như thế?"
Lúc đó, Phật bảo ngài Đại Nhạo
Thuyết Bồ-tát:
- Trong tháp báu này có toàn
thân Như Lai, thời quá khứ về trước, cách đây vô lượng nghìn muôn ức vô số cõi
nước ở phương Đông, có nước tên Bảo Tịnh, trong nước đó có Phật hiệu là Đa Bảo,
đức Phật đó tu hành đạo Bồ-tát phát lời thệ nguyện lớn rằng: Nếu ta được thành
Phật sau khi diệt độ trong cõi nước ở mười phương có chỗ nào nói kinh Pháp Hoa,
thời tháp miếu của ta vì nghe kinh đó mà nổi ra nơi trước để làm chứng minh
khen rằng: "Hay thay!" Đức Phật đó thành Phật rồi lúc sắp diệt độ ở
trong đại chúng, trời, người, bảo các Tỳ-kheo rằng: "Sau khi ta diệt độ
muốn cúng dường toàn thân của ta thời nên dựng một tháp lớn."
Đức Phật đó dùng sức nguyện thần thông nơi nơi chỗ chỗ
trong mười phương cõi nước, nếu có nói kinh Pháp Hoa, thời tháp báu đó đều nổi
ra nơi trước, toàn thân Phật ở trong tháp khen rằng: "Hay thay! Hay thay!"
Đại Nhạo
Thuyết! Nay tháp của Đa Bảo Như Lai vì nghe nói kinh Pháp Hoa nên từ dưới đất
nổi lên khen rằng: "Hay thay! Hay thay!"
GIẢNG:
Từ trước những người đứng ra thưa hỏi là những vị Thanh văn, La-hán có trong lịch sử. Tới đây là phần "thị" Phật tri kiến dùng hình ảnh biểu trưng để chỉ, nên người đứng ra thưa hỏi cũng là vị Bồ-tát biểu trưng tên là Đại Nhạo Thuyết. Ngài đứng ra thưa hỏi nguyên do nào tháp nổi lên trụ giữa hư không và vang ra tiếng như vậy?
Ngài được
đức Phật giải thích rằng, trong tháp báu ấy có toàn thân Như Lai. Thời quá khứ
xa xưa, về phương Đông có cõi nước tên là Bảo Tịnh, Phật hiệu Đa Bảo tu hạnh
Bồ-tát, có lời thệ nguyện là sau khi Ngài diệt độ, nơi nào nói kinh Pháp Hoa
thì tháp Ngài sẽ nổi lên ở trước để nghe kinh và chứng minh. Đây lại nêu lên
hình ảnh tượng trưng nữa. Phật đã thành Phật mà còn nghe pháp là chuyện thừa, vì
đã là bậc vô học rồi đâu còn cần nương pháp để học để tu. Tại sao Phật Đa Bảo
đã niết-bàn rồi mà còn nguyện nghe pháp và chứng minh pháp hội đó? Rõ ràng là ý
nghĩa biểu trưng! Đa Bảo là nhiều báu, Bảo Tịnh là của báu trong sạch, nước
Phật và hiệu Phật đều là quí báu, những món quí báu đều chỉ cho Tri kiến Phật.
Tri kiến Phật thanh tịnh, sáng suốt không bị thời gian không gian chi phối, rất
tôn quí nên nói là báu. Ở đây Phật Đa Bảo là chỉ cho Tri kiến Phật, hay Phật
pháp thân, mà Phật pháp thân thì thanh tịnh ở ngay nơi thân thất đại của mỗi
người, nên tượng trưng bằng cõi nước Bảo Tịnh. Thí dụ con người chúng ta tâm
đang bị phiền não chi phối, thường tạo những ác nghiệp nên thường lộ ra dáng vẻ
tối tăm nặng nề, nếu tâm thường an vui sáng suốt, thường tạo nghiệp lành thì lộ
ra dáng vẻ tươi sáng thanh tịnh. Vì vậy ở đây nói tâm thanh tịnh thì hiện ra
thân cũng thanh tịnh, nên nói là báu.
CHÁNH VĂN:
3.- Bấy giờ, ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát do sức thần của đức
Như Lai mà bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện muốn thấy thân
của đức Phật đó." Phật bảo ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát Ma-ha-tát:
- Phật Đa Bảo đó có nguyện sâu
nặng: "Nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra nơi trước
các đức Phật, có Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, thời các vị
Phật của Phật đó phân thân ra nói pháp ở các cõi nước trong mười phương đều
phải nhóm cả một chỗ, vậy sau thân của ta mới hiện ra."
Đại Nhạo
Thuyết! Các vị Phật của ta phân thân nói pháp ở các cõi nước trong mười phương
nay nên sẽ nhóm lại.
Ngài Đại Nhạo Thuyết bạch Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Chúng con
cũng nguyện muốn thấy các vị Phật của Thế Tôn phân thân để lễ lạy cúng dường."
GIẢNG:
Đến đây,
chúng ta càng thêm sáng tỏ là, đức Phật Đa Bảo có nguyện rằng khi tháp Ngài
hiện ra trong hội nghe kinh Pháp Hoa, đức Phật giảng kinh Pháp Hoa trong thời
đó, muốn cho tứ chúng thấy được thân của Ngài thì, các Hóa thân của Phật đó
đang phân đi giáo hóa ở khắp nơi phải tụ hội về một chỗ, ngồi yên lại, mở tháp
ra mới thấy được thân của Ngài. Nếu mà phân thân Phật đi làm Phật sự chưa tụ hội
về thì không thể mở tháp được, và cũng không thấy toàn thân của Phật Đa Bảo
được. Lời nguyện này có ý nghĩa gì? Phật pháp thân tức là Phật Đa Bảo, Phật báo
thân là chỉ cho thân Phật Thích-ca giáng sanh ở Ấn Độ, Phật hóa thân hay Ứng
thân là những thân Phật phân ra đi nói pháp ở các cõi trong mười phương. Muốn
thấy được Phật Đa Bảo thì các Hóa thân phải cùng qui hội về nhập Pháp thân là
thấy rõ toàn thân Ngài. Đoạn sau sẽ nói rõ ý này.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, Phật phóng một lằn sáng nơi lông trắng giữa chặng
mày, liền thấy năm trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa cõi nước ở phương Đông.
Các cõi nước đó đều dùng pha lê làm đất, cây báu, y báu để làm đồ trang nghiêm,
vô số nghìn muôn ức Bồ-tát đầy dẫy trong nước đó. Khắp nơi giăng màn báu, lưới
báu phủ trên, đức Phật trong nước đó đều dùng tiếng lớn tốt mà nói các pháp, và
thấy vô lượng nghìn muôn ức Bồ-tát khắp đầy trong nước đó vì chúng sanh mà nói
pháp. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới chỗ tướng sáng lông trắng chiếu
đến cũng lại như thế.
Lúc đó, các Phật ở mười phương đều bảo chúng Bồ-tát rằng:
"Thiện nam tử! Ta nay phải qua thế giới Ta-bà, chỗ của đức Thích-ca Mâu-ni
Phật, cùng để cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai."
5.- Lúc bấy giờ, cõi Ta-bà liền biến thành thanh tịnh,
đất bằng lưu-ly, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây để giăng ngăn tám
đường, không có các tụ lạc làng xóm, thành ấp, biển cả, sông ngòi, núi sông
cùng rừng. Đốt hương báu lớn, hoa mạn-đà-la trải khắp cõi đất, dùng lưới màn báu
giăng trùm ở trên, treo những linh báu, chỉ lưu lại chúng trong hội này, dời
các trời người để ở cõi khác.
Lúc đó,
các đức Phật đều đem theo một vị Bồ-tát lớn để làm Thị giả qua cõi Ta-bà đều
đến dưới cây báu, mỗi mỗi cây báu cao năm trăm do-tuần, nhánh lá bông trái thứ lớp
rất trang nghiêm. Dưới các cây báu đều có tòa sư tử cao năm do-tuần cũng dùng
đồ báu tốt mà trau dồi đó.
Khi ấy, các đức Phật đều ngồi xếp bằng trên tòa này, như thế lần lựa đến khắp
đầy cả cõi tam thiên đại thiên mà ở nơi thân của đức Thích-ca Mâu-ni Phật phân
ra trong một phương vẫn còn chưa hết.
Bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni
vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân, nên ở tám phương lại biến
thành hai trăm muôn ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa
ngục, ngạ quỉ, súc sanh cùng a-tu-la, lại cũng dời các hàng trời người để ở cõi
khác.
Những nước của Phật biến hóa ra đó cũng dùng lưu-ly làm
đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do-tuần, nhánh lá bông trái đều có thứ
lớp tốt đẹp, dưới cây đều có tòa báu sư tử cao năm do-tuần, dùng các thứ báu để
trau dồi. Những nước đó cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi
Mục-chân-lân-đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu-di v.v... thông làm một
cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, các báu xen lẫn nhau làm màn trùm khắp ở
trên, treo các phan lọng, đốt hương báu lớn, các hoa trời báu trải khắp trên
đất.
Đức Thích-ca Mâu-ni Phật vì các Phật sẽ đến ngồi, nên ở nơi tám phương lại đều
biến thành hai trăm muôn ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không
có địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và a-tu-la, lại dời các hàng trời người để ở cõi
khác. Những nước biến hóa ra đó cũng dùng lưu-ly làm đất, cây báu trang nghiêm,
cao năm trăm do-tuần, nhánh, lá, bông, trái thứ tự tốt đẹp, dưới cây đều có tòa
sư tử bằng báu cao năm do-tuần, cũng dùng chất báu tốt mà trau dồi đó.
Những nước này cũng không có
biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại Mục-chân-lân-đà,
núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu-di v.v... thông lại làm một cõi nước
Phật đất báu bằng thẳng, các báu đương xen lẫn nhau thành màn trùm khắp ở trên,
treo các phan lọng, đốt hương báu tốt, các thứ hoa trời báu trải khắp trên đất.
Bấy giờ,
ở phương Đông, các đức Phật trong trăm nghìn muôn ức na-do-tha hằng hà sa cõi
nước của đức Thích-ca Mâu-ni Phật phân thân ra, thảy đều nói pháp đến nhóm ở
cõi này. Tuần tự như thế, các đức Phật trong cõi nước ở mười phương thảy đều
đến nhóm ngồi ở tám phương. Bấy giờ, mỗi mỗi phương các đức Như Lai ngồi khắp
đầy trong bốn trăm muôn ức na-do-tha cõi nước.
GIẢNG:
Đức Phật Thích-ca được đại chúng yêu cầu họp các Hóa thân Phật của Ngài về, để chúng chiêm ngưỡng và được thấy đức Phật Đa Bảo ở trong tháp. Bấy giờ Phật Thích-ca từ giữa chặng mày phóng ra một luồng hào quang sáng qua vô số cõi nước ở phương Đông, Nam, Tây, Bắc... Các Hóa thân Phật thấy hào quang liền biết Phật muốn mình qui hội về, tuần tự các ngài rủ nhau về. Khi vô số Hóa thân Phật đều qui hội về thì cõi Ta-bà này được dẹp hết các loài trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục, chỉ còn một cõi thanh tịnh, hiện ra các tòa báu để cho Hóa thân Phật an trụ. Khi Hóa thân Phật an trụ xong thì Phật mới mở cửa tháp cho đại chúng thấy Phật Đa Bảo. Chúng ta phải hiểu như thế nào về ba đức Phật này? Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có nói về ba thân Phật như sau:
Pháp thân
khởi niệm; Pháp thân là Tự tánh pháp thân, khởi niệm là Hóa thân. Khi khởi niệm
mà không dính không kẹt hai bên có không, tà chánh v.v... là Báo thân thanh
tịnh. Thân tuy nói là ba nhưng cùng một Thể. Pháp thân là chỉ cho Tự tánh thanh
tịnh của chính mình, Báo thân là chỉ cho tâm thanh tịnh lìa chấp hai bên, còn
niệm tưởng dấy từ tâm gọi là Hóa thân. Như chúng ta mỗi ngày khởi vô số nghĩ
tưởng hết chuyện xưa đến chuyện nay, hết chuyện thiện tới chuyện ác, hết chuyện
bên Đông tới chuyện bên Tây... Đó là Hóa thân của chúng ta, vì chúng ta là phàm
phu nên Hóa thân không đi giáo hóa chúng sanh, mà là đi phá phách chọc ghẹo
chúng sanh, chớ không làm được điều gì hay. Ví dụ như đang tu, bỗng dưng khởi
lên những niệm rất trần tục đó là phá phách chớ gì? Chư Phật đã giác ngộ thấy
nơi nào chúng sanh có duyên liền khởi nguyện đến giáo hóa. Phật khởi niệm, khởi
trong giác ngộ chớ không khởi trong mê mờ như chúng sanh. Do đó chúng sanh có
vô số phiền não, Phật cũng có vô số Hóa thân để giáo hóa. Bây giờ muốn thấy
được Pháp thân Phật thì Hóa thân phải qui về với Báo thân và phải ngồi yên,
nghĩa là những Hóa thân tức là những vọng tưởng chạy Đông chạy Tây khắp cả mười
phương phải dừng, phải định thì Pháp thân Phật mới hiển hiện, nếu còn vọng
tưởng rối loạn thì Pháp thân Phật không hiển hiện. Chúng ta tu hành lúc nào
cũng vậy, nếu muốn được giác ngộ thì phải định, tức là sạch hết mọi loạn tưởng
rồi mới phát tuệ, tức là nhận ra Tri kiến Phật sẵn có nơi mình. Đây là những
hình ảnh biểu trưng, chúng ta chớ kẹt trên danh tướng mà không thấu được lý
kinh, rồi không ứng dụng tu hành được.
Đến đây chúng ta thấy có cái gì mâu thuẫn: Tại sao cõi Ta-bà của Phật Thích-ca không thanh tịnh, nào là núi sông, gò nổng, sỏi cát... lộn xộn đủ thứ, còn các cõi phân thân Phật đến giáo hóa thì thanh tịnh trang nghiêm toàn là bảy báu? Như vậy phân thân do Phật hóa ra có giá trị hơn chính Báo thân Phật Thích-ca sao? Như trên đã nói Hóa thân là những vọng tưởng chạy khắp mười phương nghĩ về người, về trời, về thú, về địa ngục... đó là đang đi trong lục đạo. Tất cả những vọng tưởng đó đều bất tịnh. Khi mà dừng hết mọi vọng tưởng bất tịnh chạy Đông chạy Tây đó, thì tâm thanh tịnh an định, nên cõi nước cũng thanh tịnh, mà khi tâm thanh tịnh thì Phật hiện tiền. Nhưng muốn dừng hết mọi vọng tưởng không chạy Đông chạy Tây, hay nói theo trong kinh là gom hết Hóa thân Phật về một nơi thì trước tiên phải có trí tuệ không kẹt hai bên. Người đối với cảnh khởi niệm phân biệt hai bên, tốt xấu, hay dở, phải trái... rồi sanh ưa ghét, niệm khởi rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh sanh diệt diệt, vô số vọng niệm chạy khắp sáu đường không dừng nghỉ, nên phiền não trần lao cũng vô số. Đó là người thấy một bên không có trí tuệ. Nếu người có trí tuệ đối với các pháp thấy đúng như thật, do duyên hợp tạm có, không có tự thể cố định nên không chấp thế này là tốt thế kia là xấu, không khởi niệm ưa chán tìm cầu hay ghét bỏ, nên không bị phiền não chi phối, tâm được an định. Như vậy là người có trí không kẹt hai bên. Trí không kẹt hai bên ở đây tượng trưng bằng hình ảnh hào quang phát ra ở giữa chặng mày.
CHÁNH VĂN:
6.- Lúc đó các đức Phật đều ngồi tòa sư tử dưới cây báu, đều
sai vị Thị giả qua thăm viếng đức Thích-ca Mâu-ni Phật, đều đưa cho đầy bụm hoa
báu mà bảo Thị giả rằng:
- Thiện nam tử! Ngươi qua đến
núi Kỳ-xà-quật, chỗ của đức Thích-ca Mâu-ni Phật, theo như lời của ta mà thưa
cùng Phật thế này:"Như Lai có được ít bịnh ít khổ sức khỏe an vui, và
chúng Bồ-tát cùng Thanh văn đều an ổn chăng?" Rồi đem hoa báu này rải trên
Phật để cúng dường mà thưa rằng: "Đức Phật kia cùng muốn mở tháp báu
này."
Các đức Phật sai người đến
cũng như vậy.
Bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni Phật thấy các vị Phật của
mình phân thân đều ngồi trên tòa sư tử, đều nghe các Phật cùng muốn đồng mở
tháp báu, Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy trụ trên hư không, tất cả hàng bốn
chúng đồng đứng dậy chấp tay một lòng nhìn Phật.
Khi ấy, đức Thích-ca Mâu-ni Phật dùng ngón tay hữu mở cửa
tháp bảy báu vang ra tiếng lớn, như tháo khóa chốt mở cửa thành lớn.
Tức thời, tất cả chúng trong hội đều thấy đức Đa Bảo Như Lai
ở trong tháp báu ngồi tòa sư tử, toàn thân không rã như vào Thiền định, lại
nghe Phật đó nói: "Hay thay! Hay thay! Thích-ca Mâu-ni Phật sướng thích
nói kinh Pháp Hoa đó, ta vì nghe kinh đó mà đến cõi này."
Bấy giờ,� hàng tứ chúng thấy đức Phật đã diệt độ vô lượng nghìn muôn ức kiếp về trước nói lời như thế đều khen là việc chưa từng có, đều đem hoa trời báu rải trên đức Phật Đa Bảo và Phật Thích-ca Mâu-ni.
Lúc đó, đức Đa Bảo Phật ở trong tháp báu chia nửa tòa cho
Thích-ca Mâu-ni Phật mà nói rằng:"Thích-ca Mâu-ni Phật có thể đến ngồi
trên tòa này."
Tức thời đức Thích-ca Mâu-ni Phật vào trong tháp báu ngồi xếp bằng trên nửa
tòa đó.
Bấy giờ, hàng đại chúng thấy hai đức Như Lai ngồi xếp
bằng trên tòa sư tử trong tháp bảy báu thời đều nghĩ rằng: "Đức Phật ngồi
trên cao xa, cúi mong đức Như Lai dùng sức thần thông làm cho bọn chúng con đều
được ở trên hư không."
Tức thời
đức Thích-ca Mâu-ni Phật dùng sức thần thông tiếp hàng đại chúng đều ở hư
không, rồi dùng tiếng lớn mà khắp bảo đó rằng: "Ai có thể ở trong cõi
Ta-bà này rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa nay chính phải lúc. Như Lai không bao
lâu sẽ vào Niết-bàn, Phật muốn đem kinh Pháp Hoa này phó chúc cho có người."
GIẢNG:
Khi Hóa thân Phật cùng qui hội về, đều ngồi trên tòa sư tử sai Thị giả đem hoa báu đến núi Kỳ-xà-quật vấn an Phật Thích-ca, cùng với đại chúng và cúng dường cung thỉnh Phật Thích-ca mở tháp bảy báu để chiêm ngưỡng Phật Đa Bảo.
Sau khi Hóa thân Phật qui hội về ngồi yên rồi, Phật Thích-ca mới mở được cửa tháp cho đại chúng thấy toàn thân Phật Đa Bảo trong tháp, và Phật Đa Bảo mời Phật Thích-ca cùng ngồi nửa tòa với Ngài. Như vậy để thấy rằng Pháp thân là có sẵn muôn đời nếu dừng hết vọng tưởng điên đảo thì ngay nơi Báo thân này Pháp thân hiện tiền. Nếu còn vọng tưởng duyên theo ngoại cảnh thì Pháp thân ẩn khuất không hiển hiện.
Khi đại
chúng thấy hai đức Phật cùng ngồi tòa sư tử trong tháp bảy báu trên hư không,
đều nghĩ rằng Phật ngồi trên hư không cao xa, mong đức Như Lai dùng sức thần
thông khiến cho các ngài đều được ở trên hư không. Phật Thích-ca liền dùng thần
thông tiếp đại chúng trên hư không. Tại sao có những hiện tượng như vậy? Như
phẩm Pháp Sư đã nói, người nào muốn thấy được Tri kiến Phật là phải từ bi, nhẫn
nhục và thấy tất cả pháp là Không. Vì vậy, đức Phật phương tiện giáo hóa để cho
người dùng trí Bát-nhã tu, thấy tất cả pháp là Không, đó là thần thông, chớ
không phải dùng thần lực đưa tất cả đại chúng từ mặt đất lên hư không để thấy
Phật. Nếu Ngài biến hóa đại chúng được như vậy thì Ngài cũng biến hóa cho tất
cả chúng sanh thành Phật, để họ khỏi tu, vì tu khó và lâu lắm mới được thành
Phật. Đó là Ngài vận dụng phương tiện giáo hóa cho chúng sanh tỉnh giác, không
còn lầm lẫn chấp các pháp là thật có. Thấy rõ các pháp duyên hợp giả có, Tự tánh
là không, tâm không còn chấp, không còn chạy theo các pháp, tâm an định, Pháp
thân hiển hiện. Vì vậy ở đây nói nâng đại chúng lên hư không để thấy Phật và
được nghePhật nói pháp. Và sau khi nâng đại chúng lên hư không rồi, nói rằng:
"Ai có thể ở trong cõi Ta-bà này rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nay
chính phải lúc. Như Lai không bao lâu sẽ vào Niết-bàn, Phật muốn đem kinh Pháp
Hoa này phó chúc cho có người." Khi nâng đại chúng lên hư không thì ngang
chừng đó là phải lúc, là xứng đáng nhận lãnh lời phó chúc, nên Ngài kết luận là
Ngài sắp vào Niết-bàn, ai có thể nói kinh Pháp Hoa thì Ngài giao phó. Khi đại
chúng còn ở dưới đất tức là còn chấp có, chấp không, thấy hai bên, Ngài không
tuyên bố lời này. Khi nâng đại chúng lên hư không, tức là đại chúng đã có trí tuệ
thấy rõ tất cả pháp đúng như thật, không còn kẹt hai bên, Phật mới tuyên bố như
vậy.
Qua những
hình ảnh trên, nếu chúng ta căn cứ trên chữ nghĩa thì thấy khó hiểu khó tin,
thấy như huyễn hoặc mê tín, rồi đâm ra phỉ báng kinh. Lý kinh thật cao siêu
tuyệt diệu, nếu chúng ta không hiểu, vô tình biến thành cái tầm thường rồi phỉ
báng, điều này không nên để xảy ra.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, đức
Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
7.-Đấng Thánh chúa Thế Tôn
Dầu diệt độ đã lâu
Ở trong tháp báu này
Còn vì pháp mà đến
Các ông lại thế nào
Há chẳng siêng vì pháp?
Phật Đa Bảo diệt độ
Đã vô lượng số kiếp
Nơi nơi đến nghe pháp
Vì khó gặp được vậy.
Phật kia bổn nguyện rằng:
Sau khi ta diệt độ
Nơi nơi tháp ta qua
Thường vì nghe Pháp Hoa.
Lại vô lượng các Phật
Số nhiều như Hằng sa
Của ta phân thân ra
Vì muốn đến nghe pháp
Và cùng để ra mắt
Phật diệt độ Đa Bảo
Nên đều bỏ cõi đẹp
Cùng với chúng đệ tử
Trời, người, rồng, thần thảy
Và các việc cúng dường
Muốn pháp lâu ở đời
Cho nên đến cõi này.
Ta vì các Phật ngồi
Dùng sức thần thông lớn
Dời vô lượng trời, người
Làm cho nước thanh tịnh.
Các đức Phật mỗi mỗi
Đều đến dưới cây báu
Như hoa sen trang nghiêm
Nơi ao báu trong sạch.
Dưới mỗi cây báu đó
Có tòa báu sư tử
Phật xếp bằng ngồi trên
Sáng suốt rất đẹp đẽ
Như giữa đêm tối tăm
Đốt đuốc lớn lửa sáng.
Thân Phật thoảng hương thơm
Bay khắp mười phương nước
Chúng sanh được hương xông
Vui mừng không kể xiết
Thí như luồng gió lớn
Thổi lay nhánh cây nhỏ
Dùng các phương tiện đó
Làm cho pháp ở lâu.
GIẢNG:
Phật khuyến khích đại chúng rằng Phật Đa Bảo đã niết-bàn lâu
rồi, nay vì kinh Pháp Hoa mà hiện bảo tháp để nghe, bởi kinh Pháp Hoa khó gặp
khó được, đại chúng nên phát tâm thọ trì kinh Pháp Hoa.
CHÁNH VĂN:
8.-Nói cùng hàng đại chúng
Sau khi ta diệt độ
Ai có thể hộ trì
Đọc nói kinh pháp này
Thời nay ở trước Phật
Nên tự phát lời thệ.
Coi Phật Đa Bảo kia
Dầu đã diệt từ lâu
Do bổn thệ nguyện rộng
Mà còn rền tiếng lớn.
Đức Đa Bảo Như Lai
Và cùng với thân ta
Nhóm họp các Hóa Phật
Phải nên biết ý này.
Các hàng Phật tử thảy
Ai có thể hộ pháp
Nay nên phát nguyện lớn
Khiến pháp ở đời lâu.
Có ai hay hộ được
Kinh Diệu Pháp Hoa này
Thời là đã cúng dường
Thích-ca cùng Đa Bảo
Đức Đa Bảo Phật đây
Ở trong tháp báu lớn
Thường dạo qua mười phương
Vì để nghe kinh này.
Cũng là để cúng dường
Các Hóa Phật đến nhóm
Trang nghiêm rất sáng đẹp
Các thế giới vô lượng.
Nếu người nói kinh này
Thời là đã thấy ta
Cùng Đa Bảo Như Lai
Và các vị Hóa Phật.
GIẢNG:
Phật dạy tất
cả những người đã phát tâm thọ trì kinh Pháp Hoa, sau đó là phải thệ nguyện.
Tại sao phải thệ nguyện? Vì Phật Đa Bảo từ muôn kiếp tới giờ vẫn còn ở trong tháp
không hư không hoại, đó là nói lên ý nghĩa Pháp thân không hoại diệt vì nó vô
tướng, bởi vô tướng nên thọ trì rất là khó. Phàm cái gì có hình tướng mắt thấy
tay sờ mó được thì nắm bắt gìn giữ tương đối dễ. Tri kiến Phật tuy không tướng
mà hằng hiện hữu, muốn chỉ và muốn nhận rất khó, nên đòi hỏi người tu phải bền chí
nhẫn nại tâm không lui sụt, mới có thể tiến tới đích được. Tuy biết mình có sẵn
Tri kiến Phật, song thời gian tu để nhận ra nó không hạn định. Trong kinh
thường diễn tả rất lâu xa, nếu thệ nguyện không vững, khi khỏe vui thì tu, mệt
buồn thì nghỉ, như vậy không tiến. Do đó Phật dạy người phát tâm thọ trì kinh
Pháp Hoa phải có chí nguyện bền vững.
CHÁNH VĂN:
9.-Các thiện nam tử này
Đều nên suy nghĩ kỹ
Đây là việc rất khó
Phải phát nguyện rộng lớn
Bao nhiêu kinh điển khác
Số nhiều như Hằng sa
Dầu nói hết kinh đó
Cũng chưa đủ làm khó,
Hoặc đem núi Diệu Cao
Ném để ở phương khác
Cách vô số cõi Phật
Cũng chưa lấy làm khó,
Nếu người dùng ngón chân
Động cõi nước Đại thiên
Ném xa qua cõi khác
Cũng chưa lấy làm khó,
Hoặc đứng trên Hữu đảnh
Nói vô lượng kinh khác
Vì để dạy bảo người
Cũng chưa lấy làm khó,
Nếu sau lúc Phật diệt
Người ở trong đời ác
Có thể nói kinh này
Đây thời rất là khó.
Giả sử lại có người
Dùng tay nắm hư không
Để mà khắp dạo đi
Cũng chưa lấy làm khó,
Sau khi ta diệt độ
Nếu người tự thơ trì[1]
Hoặc bảo người thơ trì
Đây thời là rất khó.
Hoặc đem cả cõi đất
Để trên móng ngón chân
Bay lên đến Phạm thiên
Cũng chưa lấy làm khó,
Sau khi Phật diệt độ
Người ở trong đời ác
Tạm đọc kinh pháp này
Đây thời mới là khó.
Giả sử gặp kiếp thiêu
Gánh mang những cỏ khô
Vào lửa không bị cháy
Cũng chưa lấy làm khó,
Sau khi ta diệt độ
Nếu người trì kinh này
Vì một người mà nói
Đây thời mới là khó.
Hoặc người trì tám muôn
Bốn nghìn các tạng pháp
Đủ mười hai bộ kinh
Vì người mà diễn nói
Khiến các người nghe pháp
Đều được sáu thần thông
Dầu được như thế đó
Cũng chưa lấy làm khó,
Sau khi ta diệt độ
Nghe lãnh kinh điển này
Hỏi nghĩa thú trong kinh
Đây thời mới là khó.
Hoặc có người nói pháp
Làm cho nghìn muôn ức
Đến vô lượng vô số
Hằng hà sa chúng sanh
Chứng được quả La-hán
Đủ sáu phép thần thông
Dầu có lợi ích đó
Cũng chưa phải là khó,
Sau khi ta diệt độ
Nếu người hay phụng trì
Những kinh điển như đây
Đây thời là rất khó.
GIẢNG:
Phật nói
kinh Pháp Hoa rất khó thọ trì, khó đem ra giảng dạy. Ngài dùng những ví dụ để
so sánh cái khó của kinh Pháp Hoa. Thứ nhất là dầu cho nói hết kinh điển của
Phật nhiều như số cát sông Hằng cũng chưa đủ làm khó.
Thứ hai là đem núi Diệu
Cao ném ở phương khác, cách vô số cõi Phật cũng chưa phải là khó. Thứ ba là
dùng ngón chân động cõi nước Đại thiên ném xa qua cõi khác cũng chưa phải là khó.
Thứ tư là đứng trên cõi trời Sắc cứu kính nói vô lượng kinh để dạy bảo người
cũng chưa phải là khó. Thứ năm là dùng bàn tay nắm hư không để dạo đi khắp cõi
nước cũng chưa phải là khó. Thứ sáu là đem tất cả cõi đất để trên móng ngón
chân bay lên đến Phạm thiên cũng chưa phải là khó. Thứ bảy là gặp kiếp thiêu
mang những cỏ khô vào lửa không bị cháy cũng chưa phải là khó. Thứ tám là trì
tám muôn bốn ngàn tạng pháp đủ mười hai bộ kinh, giảng nói cho người nghe chứng
Lục thông cũng chưa phải là khó. Thứ chín là nói pháp độ cho vô số chúng sanh
chứng Lục thông La-hán cũng chưa phải là khó. Cái khó nhất là sau khi Phật diệt
độ ở trong đời ác nói được kinh này mới thật là khó.
Chín việc khó vừa nêu trên, đối với khả năng chúng ta đã không làm được, thế mà sánh với việc thọ trì giảng nói kinh Pháp Hoa trong đời ác trược càng khó hơn nữa. Như vậy là sao? Đời ác trược là thời mà tâm người đang điên đảo móng vọng tìm cầu, tranh giành, dua nịnh, người mạnh lấn hiếp người yếu, khen mình chê người, lừa dối lẫn nhau. Với tâm người mê mờ cuồng loạn như thế, mà giảng nói Tri kiến Phật thì họ có tin có nhận được không? Thật khó mà tin nhận được! Vì muốn nhận ra Tri kiến Phật là phải dừng tất cả mọi vọng niệm. Nếu vọng niệm còn chạy ngược chạy xuôi, dù cho thuyết giảng thế nào chăng nữa, người ta cũng không hiểu không tin nên nói là khó. Nên nhớ, kinh này là chỉ cho Tri kiến Phật, chớ không phải bộ kinh văn tự được ghi chép bằng giấy mực và đóng lại thành tập thành bộ. Thế nên muốn giảng giải chỉ cho người nhận ra Tri kiến Phật là phải có đủ từ bi, nhẫn nhục và trí tuệ mới hội đủ điều kiện để thuyết giảng, nên nói là khó. Ngày nay chúng ta thấy giảng kinh Pháp Hoa tuy dễ, nhưng nếu làm đúng thì chúng ta ít ai làm được. Như hôm nay tôi giảng kinh Pháp Hoa cũng chỉ là gượng gạo nói, chưa trọn vẹn ý nghĩa trên và có lẽ người nghe cũng còn dính kẹt đủ thứ trần lao, nên nghe thì nghe chớ chưa nhận ra Tri kiến Phật.
CHÁNH VĂN:
10.-Ta vì hộ Phật đạo
Ở trong vô lượng cõi
Từ thuở trước đến nay
Rộng nói nhiều các kinh
Mà ở trong kinh đó
Kinh này là bậc nhứt
Nếu có người trì được
Thời là trì thân Phật.
Các thiện nam tử này
Sau khi ta diệt độ
Ai có thể thọ trì
Và đọc tụng kinh này
Thời nay ở trước Phật
Nên tự nói lời thệ
Kinh pháp đây khó trì
Nếu người tạm trì đó
Thời ta rất vui mừng
Các đức Phật cũng thế
Người nào được như vậy
Các đức Phật thường khen
Đó là rất dõng mãnh
Đó là rất tinh tấn
Gọi là người trì giới
Bậc tu hạnh đầu-đà
Thời chắc sẽ mau được
Quả Vô thượng Phật đạo.
Có thể ở đời sau
Đọc trì kinh pháp này
Là chân thật Phật tử
Trụ ở bậc thuần thiện.
Sau khi Phật diệt độ
Có thể hiểu nghĩa này
Thời là mắt sáng suốt
Của trời người trong đời.
Ở trong đời kinh sợ
Hay nói trong chốc lát
Tất cả hàng trời người
Đều nên cúng dường đó.
GIẢNG:
Vì
muốn hộ trì Phật đạo thường còn mà Phật hằng nói kinh, và trong các kinh, Phật
thường nói kinh Pháp Hoa là bậc nhất. Nên người nào thọ trì kinh này là hộ trì
pháp Phật, thọ trì thân Phật được Phật hoan hỉ tán thán khen ngợi là người trì
giới tinh tấn, dõng mãnh tu hạnh đầu-đà, chắc chắn sẽ mau được Vô thượng Phật
đạo, sẽ là con mắt sáng cho thế gian, xứng đáng cho trời người cúng dường.
[1] Thơ trì: biên chép và thọ trì