- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP
LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
PHẨM 13 TRÌ
Trì có nghĩa là gìn giữ. Vậy ở đây gìn giữ cái gì? Người tu theo kinh Pháp Hoa là phải gìn giữ cho kinh này tồn tại mãi ở thế gian. Mà kinh này là chỉ cho Tri kiến Phật sẵn có nơi mỗi người, làm sao cho mọi người ở thế gian mãi mãi đủ lòng tin nơi mình có Tri kiến Phật. Và thứ nữa, là sau khi đã tự nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật, luôn luôn phải gìn giữ chớ để phiền não trần lao phủ che, nghĩa là lúc nào cũng nhớ nơi mình có Tri kiến Phật không quên, đó là"Trì".
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, ngài Dược
Vương đại Bồ-tát và ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát Ma-ha-tát cùng chung với quyến
thuộc hai muôn vị Bồ-tát đều ở trước Phật nói lời thệ rằng: "Cúi mong đức
Thế Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì đọc tụng nói kinh điển
này, đời ác sau, chúng sanh căn lành càng ít, nhiều kẻ tăng thượng mạn tham lợi
dưỡng cúng dường, thêm lớn căn chẳng lành, xa lìa đạo giải thoát, dầu khó có
thể giáo hóa, chúng con sẽ khởi sức nhẫn lớn đọc tụng kinh này, thọ trì, giải nói,
biên chép, dùng các món cúng dường cho đến chẳng tiếc thân mạng."
GIẢNG:
Bồ-tát Dược Vương và Bồ-tát Đại Nhạo Thuyết đứng lên thệ nguyện đem kinh Pháp
Hoa truyền bá cho chúng sanh đời sau, khi Phật đã niết-bàn. Tuy chúng sanh đời
sau căn lành ít, nhiều kẻ tăng thượng mạn, tham lợi dưỡng cúng dường, tăng
trưởng nhiều tật xấu ác, xa lìa đạo giải thoát rất khó giáo hóa, nhưng các ngài
vẫn nguyện khởi sức nhẫn lớn để truyền bá kinh này, dù có bị hại cũng không
tiếc thân mạng.
CHÁNH VĂN:
2.- Lúc đó, trong chúng có
năm trăm vị A-la-hán đã được thọ ký đồng bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Chúng
con cũng tự thệ nguyện ở nơi cõi khác rộng nói kinh này."
Lại có bậc học và vô học tám nghìn
người đã được thọ ký đồng từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay hướng về phía Phật nói
lời thệ rằng: "Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ ở cõi khác rộng nói kinh này. Vì
sao? - Vì người trong nước Ta-bà nhiều điều tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn,
công đức cạn mỏng, giận hờn, dua vạy tâm không chân thật."
GIẢNG:
Tới đây các vị A-la-hán và hàng hữu học vô học đã được thọ ký cũng phát nguyện:
Đời sau sẽ truyền bá kinh Pháp Hoa, mà truyền bá ở cõi khác, chớ không truyền
bá ở cõi Ta-bà. Vì chúng sanh ở cõi này tệ ác, không chân thật, nghiệp chướng
nặng nề, các ngài không kham giảng nói, các ngài chỉ có thể giáo hóa những
chúng sanh ở những cõi hiền lành. Đó là tâm nguyện của các vị A-la-hán, tuy đã
được thọ ký thành Phật tâm lợi tha vẫn còn hạn cuộc. Ở trên thì các vị Bồ-tát
phát nguyện: Sau khi Phật niết-bàn đời sau chúng sanh nghiệp ác sâu dày, dù có
khó giáo hóa đến đâu các ngài cũng sẵn sàng xả thân, làm lợi ích cho họ mà
không tiếc thân mạng. Tâm hạnh Bồ-tát và La-hán khác nhau ở chỗ đó.
CHÁNH VĂN:
3.- Khi đó, dì của Phật là Đại Ái Đạo Tỳ-kheo ni cùng
chung với bậc "học" và "vô học" Tỳ-kheo ni sáu nghìn người,
đồng từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt chẳng
tạm rời.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Kiều-đàm-di:
- Cớ chi có sắc buồn mà nhìn
Như Lai, tâm bà toan cho rằng tôi chẳng nói đến tên bà, để thọ ký thành Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?
Kiều-đàm-di! Tôi trước tổng nói tất cả Thanh văn đều đã
được thọ ký, nay bà muốn biết thọ ký đó, đời tương lai sau bà sẽ ở trong pháp
hội của sáu muôn tám nghìn ức đức Phật làm vị Đại pháp sư và sáu nghìn vị
"học" và "vô học" Tỳ-kheo ni đều làm Pháp sư. Bà lần lần đủ
đạo hạnh Bồ-tát như thế sẽ được thành Phật hiệu là Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ
Kiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Kiều-đàm-di! Đức Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Phật đó và
sáu nghìn Bồ-tát tuần tự thọ ký được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, mẹ của La-hầu-la là bà Gia-thâu-đà-la Tỳ-kheo ni
nghĩ rằng: "Thế Tôn ở nơi trong hội thọ ký riêng chẳng nói đến tên tôi."
Phật bảo bà Gia-thâu-đà-la:
- Ngươi ở đời sau trong pháp
hội của trăm nghìn muôn ức đức Phật, tu hạnh Bồ-tát làm vị Đại pháp sư, lần lần
đầy đủ Phật đạo ở trong cõi Thiện quốc sẽ được thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên
Vạn Quang Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Phật sống lâu vô lượng vô số kiếp.
Lúc đó, bà Đại Ái Đạo Tỳ-kheo ni và bà Gia-thâu-đà-la Tỳ-kheo ni cùng cả quyến
thuộc đều rất vui mừng được việc chưa từng có, liền ở trước Phật mà nói kệ rằng:
Đấng Thế Tôn Đạo sư
Làm an ổn trời người
Chúng con nghe thọ ký
Lòng an vui đầy đủ.
Các vị Tỳ-kheo ni nói kệ đó rồi, bạch Phật rằng:
"Thế Tôn! Chúng con cũng có thể ở cõi nước phương khác rộng tuyên nói kinh
này."
GIẢNG:
Tới đây chúng ta thấy có điều dường như lạc đề, là hai vị
thuộc cấp lãnh đạo bên Ni giới là Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo và Da-du-đà-la đứng dậy
chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan Phật im lặng không nói, Phật biết tâm trạng của
hai bà mong được thọ ký, nên liền thọ ký cho hai bà và sáu ngàn Tỳ-kheo ni hữu
học và vô học sẽ được thành Phật. Đây không phải là phẩm Thọ Ký tại sao các bà
mong được thọ ký? Ở trước chúng ta đã thấy Phật tổng thọ ký rồi, tuy không nói
tên riêng từng người, nhưng trong đó đã có hai bà Đại Ái Đạo và Da-du-đà-la là
cấp lãnh đạo của Ni giới. Chẳng lẽ Ni giới lại vô phần, không được Phật gọi tên
người nào để thọ ký, trong khi Long nữ là súc sanh mới tám tuổi mà được Phật đề
cập đến. Điều này khiến người sau nghi ngờ. Để đánh tan mối nghi ngờ, hai bà
tạo điều kiện để Phật gọi tên ít vị lớn thọ ký trước, rồi sau mới thọ ký chung
như Phật đã thọ ký bên Tăng, chớ không phải các bà không biết là đã được thọ ký
rồi. Sau khi đã được thọ ký, hai bà và các Tỳ-kheo ni khác cũng phát nguyện sau
khi Phật niết-bàn, các bà cũng rộng nói kinh Pháp Hoa ở các cõi khác.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, đức Thế Tôn nhìn tám mươi muôn ức na-do-tha vị đại Bồ-tát, các vị
Bồ-tát đó đều là bậc Bất thối chuyển, chuyển pháp luân bất thối được các pháp tổng
trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật một lòng chấp tay mà nghĩ rằng:
"Nếu đức Thế Tôn dạy bảo chúng ta nói kinh này, thời chúng ta sẽ như lời
Phật dạy, rộng tuyên nói pháp này."
Các vị đó lại nghĩ: "Nay đức Phật yên lặng chẳng
thấy dạy bảo, chúng ta phải làm thế nào?"
Lúc đó, các vị Bồ-tát kính thuận ý của Phật, và muốn tự thỏa mãn bổn nguyện,
bèn ở trước Phật nói lớn tiếng mà phát lời thệ rằng: "Thế Tôn! Sau khi Như
Lai diệt độ, chúng con đi giáp vòng qua lại khắp mười phương thế giới hay khiến
chúng sanh biên chép kinh này thọ trì, đọc tụng, giải nói nghĩa đó, nghĩ nhớ
chân chánh, đúng như pháp mà tu hành, như thế đều là sức oai thần của Phật. Cúi
mong đức Thế Tôn ở phương khác xa giữ gìn cho."
Tức thời các vị Bồ-tát đều đồng tiếng mà nói kệ rằng:
5.-Cúi mong Phật chớ lo
Sau khi Phật diệt độ
Trong đời ác ghê sợ
Chúng con sẽ rộng nói
Có những người vô trí
Lời ác mắng rủa thảy
Và dao gậy đánh đập
Chúng con đều phải nhẫn.
Tỳ-kheo trong đời ác
Trí tà lòng dua vạy
Chưa được nói đã được
Lòng ngã mạn dẫy đầy.
Hoặc người mặc áo nạp
Lặng lẽ ở chỗ vắng
Tự nói tu chân đạo
Khinh rẻ trong nhân gian
Vì ham ưa danh lợi
Nói pháp cho bạch y
Được người đời cung kính
Như Lục thông La-hán
Người đó ôm lòng ác
Thường nghĩ việc thế tục
Giả danh “A-luyện-nhã”
Ưa nói lỗi chúng con
Mà nói như thế này
Các bọn Tỳ-kheo này
Vì lòng tham lợi dưỡng
Nói luận nghĩa ngoại đạo
Tự làm kinh điển đó
Dối lầm người trong đời
Vì muốn cầu danh tiếng
Mà giải nói kinh đó
Thường ở trong đại chúng
Vì muốn phá chúng con
Đến Quốc vương, quan lớn
Bà-la-môn, cư sĩ
Và chúng Tỳ-kheo khác
Chê bai nói xấu con
Đó là người tà kiến
Nói luận nghĩa ngoại đạo
Chúng con vì kính Phật
Đều nhẫn các ác đó.
Bị người đó khinh rằng
Các người đều là Phật
Lời khinh mạn dường ấy
Đều sẽ nhẫn thọ đó.
Trong đời ác kiếp trược
Nhiều các sự sợ sệt
Quỉ dữ nhập thân kia
Mắng rủa hủy nhục con
Chúng con kính tin Phật
Sẽ mặc giáp nhẫn nhục
Vì để nói kinh này
Nên nhẫn các việc khó,
Con chẳng mến thân mạng
Chỉ tiếc đạo Vô thượng.
Chúng con ở đời sau
Hộ trì lời Phật dặn
Thế Tôn tự nên biết
Tỳ-kheo ác đời trược
Chẳng biết Phật phương tiện
Tùy cơ nghi nói pháp
Châu mày nói lời ác
Luôn luôn bị xua đuổi
Xa rời nơi chùa tháp
Các điều ác như thế
Nhớ lời Phật dặn bảo
Đều sẽ nhẫn việc đó.
Các thành ấp xóm làng
Kia có người cầu pháp
Con đều đến chỗ đó
Nói pháp của Phật dặn.
Con là sứ của Phật
Ở trong chúng không sợ
Con sẽ khéo nói pháp
Xin Phật an lòng ở
Con ở trước Thế Tôn
Mười phương Phật đến nhóm
Phát lời thệ như thế
Phật tự rõ lòng con.
GIẢNG:
Đến hàng Bồ-tát bất thối chuyển đứng lên phát nguyện, là đi
khắp mười phương thế giới đem kinh Pháp Hoa giáo hóa chúng sanh, cho họ thọ trì
đọc tụng đúng như pháp mà tu hành. Tâm nguyện của các ngài thênh thang không
giới hạn, không chọn lựa, sẵn sàng làm việc lợi sanh dù cho bị kẻ cư sĩ vô trí
hãm hại các ngài cũng kham nhẫn. Hoặc hàng Tỳ-kheo trí tà ngã mạn, tham danh
lợi, lòng còn ác giả danh làm ẩn sĩ, chê bai nói lỗi các ngài là hàng ngoại đạo
tự làm ra kinh điển dối gạt người đời, để cầu danh lợi. Cho đến hàng vua quan
cư sĩ cho các ngài là kẻ truyền bá tà kiến ngoại đạo, như Tổ Huệ Khả bị giam
trong khám, các ngài đều vì Phật mà kham nhẫn. Hoặc quỉ nhập thân người, mắng
chửi hủy nhục các ngài, các ngài vì kính Phật vì truyền bá kinh Pháp Hoa, sẵn
sàng nhẫn chịu tất cả, chẳng tiếc thân mạng. Tại sao? Vì Tri kiến Phật là tôn quí
nếu không truyền bá được thì chúng sanh mê mờ, mãi trôi lăn trong vòng luân hồi
sanh tử khổ đau. Còn thân này dù có khéo gìn giữ cũng không gìn giữ được, duy
trì được khoảng sáu bảy mươi năm, rồi cũng hoại. Nếu truyền bá cho người tin
nhận được Tri kiến Phật thì họ sẽ thành Phật, dứt mọi phiền não khổ đau không
còn luân hồi sanh tử. Nên nói chẳng mến thân mạng chỉ tiếc đạo Vô thượng.
Tại sao ở đây Phật không chỉ định cho đệ tử đi giáo hóa nơi này nơi kia, mà để cho các ngài từ Bồ-tát bậc thượng, đến hàng Bồ-tát mới phát tâm, rồi Thanh văn La-hán, cho đến hàng hữu học vô học, tự đứng lên phát nguyện? Vì chuyện hoằng hóa làm lợi ích cho chúng sanh là trách nhiệm của người thực hành hạnh Bồ-tát. Nếu chỉ định thì có tính cách cưỡng bách bắt buộc, không thích hợp với căn cơ của người tự giác. Vì vậy mà hàng đệ tử Phật thể theo ý Phật, đứng lên phát nguyện đúng với khả năng trình độ của mình, ra làm lợi ích cho chúng sanh.