Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự

25/05/201012:00 SA(Xem: 13648)
Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI

Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không

 

PHẨM 23 DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT BẢN SỰ


Dược Vương Bồ-tát Bản Sự là nói về việc xưa của Bồ-tát Dược Vương. Thường thường trong kinh có chia ra Bản sanh và Bản sự. Bản sanh thì nói về những kiếp quá khứ của Phật, còn Bản sự thì nhắc lại việc làm đời trước của đệ tử và những người khác. Chủ yếu của phẩm này là phá Sắc ấm.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, ngài Tú Vương Hoa Bồ-tát bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Ngài Dược Vương Bồ-tát dạo đi nơi cõi Ta-bà như thế nào? Thế Tôn! Ngài Dược Vương Bồ-tát đó, có bao nhiêu trăm nghìn muôn ức na-do-tha hạnh khổ khó làm? Hay thay Thế Tôn! Nguyện giải nói cho một ít, các hàng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân v.v... và các vịBồ-tát ở các nước khác đến cùng chúng Thanh văn đây nghe đều vui mừng."

GIẢNG:

 Mở đầu phẩm này, người đương cơ đứng ra thưa hỏi là Bồ-tát Tú Vương Hoa. Tú Vương Hoa là vua của loài hoa đẹp. Tại sao lại có một Bồ-tát kiều diễm như vậy? Người tu nếu đem thân nhơ nhớp ô uế để hành hạnh Bồ-tát thì sẽ được Báo thân tốt đẹp. Nên khi đề cập tới Bồ-tát Dược Vương muốn đem thân cúng dường Phật, thì vị Bồ-tát đứng ra thưa hỏi phải là Bồ-tát có thân tươi đẹp.

 Đây bắt đầu phần Nhập Tri kiến Phật. Trước đã ngộ, bây giờ nhập. Muốn Nhập Tri kiến Phật trước phải làm sao? Là thiêu đốt thân tức phá Sắc uẩn. Thông thường nếu người nặng vật chất thì quên tinh thần, và ngược lại người trọng tinh thần thì xem thường vật chất. Thế nên muốn Nhập Tri kiến Phật, hay muốn sống với cái thanh tịnh sáng suốt của mình thì phải xem thường thân thể, nếu còn trọng thân thể thì không sống được với Tri kiến Phật. Nên bắt đầu Nhập Tri kiến Phật thì phải coi thường thân tứ đại.

CHÁNH VĂN:

 2.- Lúc đó, Phật bảo ngài Tú Vương Hoa Bồ-tát:

- Về thuở quá khứ vô lượng hằng hà sa kiếp trước, có Phật hiệu Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Phật đó có tám mươi ức đại Bồ-tát, bảy mươi hai hằng hà sa chúng đại Thanh văn. Phật sống lâu bốn muôn hai nghìn kiếp, Bồ-tát sống lâu cũng bằng Phật. Nước đó không có người nữ, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la v.v...và với các khổ nạn. Đất bằng như bàn tay, chất lưu-ly làm thành, cây báu trang nghiêm, màn báu trùm lên, thòng các phan báu đẹp, bình báu, lò hương, khắp cùng cả nước, bảy món báu làm đài, một cây có một đài, cây đó cách đài đều một lằn tên. Các cây báu đó đều có Bồ-tát, Thanh văn ngồi ở dưới. Trên các đài báu đều có trăm ức chư thiên trỗi kỹ nhạc trời ca khen đức Phật để làm việc cúng dường.

GIẢNG:

 Phật nói về công hạnh tu hành của những Bồ-tát trước đã hành, để người sau ứng dụng tu theo. Ngài kể từ thuở trước có đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai ra đời, Ngài có rất đông đệ tử Bồ-tát, Thanh văn, quốc độ Ngài thanh tịnh và đẹp quí, không có điều ác và khổ, tất cả những cây cối trong nước Ngài đều có đài, mỗi cây có một đài, mỗi cây đều có một vị Bồ-tát hoặc Thanh văn ngồi ở dưới, giống như một khu rừng dưới mỗi cây thông có tòa cho người ngồi tu. Cách nhau một trăm thước, có một vị ngồi thiền yên lặng thanh tịnh. Đây đưa ra hình ảnh trước, để nói lên cái nhân tu của Bồ-tát Dược Vương.

CHÁNH VĂN:

3.- Bấy giờ, đức Phật đó vì ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát, cùng chúng Bồ-tát và chúng Thanh văn nói kinh Pháp Hoa. Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát đó ưa tu tập khổ hạnh, ở trong pháp hội của đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mãn một muôn hai nghìn năm được "Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội".

Được tam-muội đó rồi lòng rất vui mừng, liền nghĩ rằng: "Ta được 'Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội' này đều là do sức được nghe kinh Pháp Hoa, ta nay nên cúng dường Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật và kinh Pháp Hoa."

Tức thời nhập tam-muội đó, ở giữa hư không rưới bông mạn-đà-la, bông ma-ha mạn-đà-la, cùng bột kiên hắc chiên-đàn đầy trong hư không như mây mà rưới xuống. Lại rưới hương hải thử ngạn chiên-đàn, sáu thù hương này giá trị cõi Ta-bà để cúng dường Phật .

Cúng dường thế đó rồi, từ tam-muội dậy mà tự nghĩ rằng: "Ta dầu dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường." Liền uống các chất thơm: chiên-đàn, huân lục, đâu-lâu-bà, tất-lực-ca, trầm thủy giao hương; lại uống dầu thơm các thứ bông chiêm-bặc v.v... mãn một nghìn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm xoa thân, ở trước đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật dùng y báu cõi trời mà tự quấn thân, rưới các thứ dầu thơm, dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân.

Ánh sáng khắp soi cả tám mươi ức hằng hà sa thế giới, các đức Phật trong đó đồng thời khen rằng:

- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đó là chân thiệt tinh tấn gọi là chân pháp cúng dường Như Lai. Nếu dùng hoa hương, chuỗi ngọc, hương đốt, hương bột, hương xoa, phan lọng bằng lụa cõi trờihương hải thử ngạn chiên-đàn, dùng các món vật cúng dường như thế đều chẳng bằng được.

Giả sử quốc thành thê tử bố thí cũng chẳng bằng. Thiện nam tử! Đó gọi là món thí thứ nhứt, ở trong các món thí rất tôn rất thượng, bởi dùng pháp cúng dường các đức Như Lai vậy. 

Các đức Phật nói lời đó rồi đều yên lặng. Thân của Bồ-tát lửa cháy một nghìn hai trăm năm, qua sau lúc đó thân Bồ-tát mới hết.

GIẢNG:

 Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiếntiền thân của Bồ-tát Dược Vương, lúc bấy giờ Ngài chuyên tu khổ hạnh và nghe kinh Pháp Hoa ở trong pháp hội của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ngài được chánh định Hiện nhất thiết sắc thân, tức là thấy rõ thấy đúng như thật Sắc thân này. Thấy Sắc thân này như thế nào? Đối với người ngộ được Tri kiến Phật thanh tịnh, thấy rõ Sắc thân tứ đại sanh diệt này như hòn bọt trên mặt biển, chợt nổi rồi tan; hòn bọt sánh với đại dương không đáng kể, nó chợt hiện chợt mất như mộng như huyễn. Thấy như thế gọi là được chánh định Hiện nhứt thiết sắc thân. Sau khi được chánh định thì Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến phát tâm cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ngài liền nhập tam-muội đó, bèn ở giữa hư không rưới những thù hương hoa để cúng dường Phật. Thù là một dụng cụ cân lường, sáu thù bằng một phần tư lượng. Một phần tư lượng hương hải thử ngạn chiên-đàn, trị giá bằng cõi Ta-bà mà chúng ta đang ở, nó quí như thế.

 Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến do nghe kinh Pháp Hoa, mà được Nhất thiết sắc thân tam-muội. Ngài thấy rõ diệu dụng của kinh Pháp Hoacông đức giáo hóa lớn lao của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, nên Ngài đã dùng tất cả hương hoa thơm để cúng Phật. Tuy đã cúng dường hương hoa mà Ngài chưa mãn nguyện, Ngài lại còn ướp hương vào thân mình châm lửa thiêu để cúng dường Phật. Và khi Ngài thiêu thân cúng dường, thì được các đức Phật mười phương khen ngợi là chân thật tinh tấn, là chân pháp cúng dường Như Lai. Cúng dường hoa hương chuỗi ngọc quí giá, hay bố thí quốc thành thê tử công đức không bằng thiêu thân cúng dường. Như vậy là sao?

Giáo lý của Phật có nói đến bố thí, bố thí ngoại tài và bố thí nội tài. Ngoại tài là những thứ thuộc về con người: như quốc thành, thê tử, hương hoa, phan lọng... Những thứ này tuy quí nhưng giá trịgiới hạn, nên phước cũng giới hạn. Nội tài là chính bản thân con người, là cái không tự làm thành được nên rất quí. Vì vậy mà người dám đốt thân cúng dường Phật, công đức không thể tính kể. Nhưng, ở đây chúng ta phải hiểu nghĩa đốt thân, đúng với tinh thần kinh Pháp Hoa là, khi người nhập Tri kiến Phật coi thường thân tứ đại, nên đốt thân mình để cúng dường Phật, mà đốt thân là phá Sắc ấmtiếp tục phá luôn Thọ, Tưởng, Hành, Thức ấm. Năm ấm phải phá sạch mới tới quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Người nhập được Tri kiến Phật đầu tiên là phá Sắc ấm, thấy rõ thân tứ đại do cha mẹ sanh là vô thường huyễn hóa không thật, không có giá trị. Thấy như thế thì không lệ thuộc nó, không bị nó chi phối làm cho phiền não khổ đau, vì không còn quí trọng nó, dùng nó làm phương tiện để truyền bá chánh pháp làm lợi ích cho chúng sanh. Thấy và thực hành như vậy là đốt thân hay đem thân cúng dường Phật. Chớ không phải ngộ đạo rồi đốt thân, đốt như thế vô tình làm cho Phật pháp sớm hoại diệt. Vì ai ngộ đạo rồi cũng đốt thân cháy thành tro, thì còn ai truyền bá Phật pháp? Vậy muốn nhập Tri kiến Phật, đầu tiên là phá Sắc ấm, ở đây gọi là đốt thân cúng dường Phật, đốt thân cúng dường Phậtbố thí thân trên hết. Tại sao? Vì những vật ngoài thân có thể làm ra được, còn thân này không tự làm thành được. Phá chấp ngã về thân, không quí trọng nó nữa, trải thân ra làm lợi ích cho mọi người, thật vô vàn khó khăn, nên nói bố thí thân là cao hơn cả. Xưa Đại sư Trí Giả đọc kinh Pháp Hoa tới đoạn này Ngài được chánh định, thấy Phật Thích-ca đang thuyết pháp trên hội Linh Sơn. Ngài đã nhập Pháp Hoa tam-muội, nên sau này Ngài giảng tựa kinh Diệu Pháp Liên Hoa suốt một tuần lễ. Đó là Ngài đã được ngôn ngữ tam-muội. Chỗ này đáng cho chúng ta lưu ý.

CHÁNH VĂN:

 4.- Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát làm việc pháp cúng dường như thế xong, sau khi mạng chung, lại sanh trong nước của Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, ở nơi nhà vua Tịnh Đức bỗng nhiên ngồi xếp bằng hóa sanh ra, liền vì vua cha mà nói kệ rằng:

Đại vương nay nên biết!

Tôi kinh hành chốn kia

Tức thời được Nhứt thiết

Hiện chư thân tam-muội

Siêng tu rất tinh tấn

Bỏ thân thể đáng yêu

Cúng dường đức Thế Tôn 

Để cầu huệ Vô thượng.

 Nói kệ đó rồi thưa vua cha rằng: "Đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật nay vẫn hiện còn, tôi trước cúng dường Phật xong, được 'Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà-la-ni' lại nghe kinh Pháp Hoa này tám trăm nghìn muôn ức na-do-tha, chân-ca-la, tần-bà-la, a-súc-bà, các bài kệ.

Đại vương! Tôi nay lại nên cúng dường đức Phật đó." Thưa xong, liền ngồi đài bảy báu, bay lên hư không cao bằng bảy cây đa-la, qua đến chỗ Phật đầu mặt lạy chưn, chấp tay nói kệ khen Phật:

 Dung nhan rất đẹp lạ 

Ánh sáng soi mười phương

Con vừa từng cúng dường

Nay lại về thân thấy.

GIẢNG:

Thân thấy, có nghĩa là chính mắt mình được thấy, chớ không phải nghe người ta nói. Sau khi Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến đốt thân cúng dường xong, thì Ngài hóa sanh trở lại, để gặp và lễ Phật, rồi tiếp tục công việc giáo hóa. Như vậy Ngài xả thân Sắc ấm để cầu Trí tuệ Phật, coi như Ngài đã chết, kỳ thật Ngài có chết không? Bồ-tát xả kiến chấp về thân, không còn thấy thân tứ đạithật ngã nên ngộ Phật pháp thân.

CHÁNH VĂN:

5.- Lúc đó, Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát nói kệ xong mà bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Đức Thế Tôn vẫn còn ở đời ư?"

 Bấy giờ, đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật bảo ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát rằng: "Thiện nam tử! Giờ ta nhập Niết-bàn đã đến, giờ diệt tận đã đến, ông nên sắp đặt giường tòa, ta trong đêm nay sẽ nhập Niết-bàn."

 Phật lại bảo ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát rằng: "Thiện nam tử! Ta đem Phật pháp giao phó cho ông, và các Bồ-tát đại đệ tử cùng pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng đem cõi thất bảo tam thiên đại thiên các cây báu, đài báu và hàng chư thiên cung cấp hầu hạ đều giao phó cho ông.

Sau khi ta diệt độ có bao nhiêu xá-lợi cũng phó chúc cho ông, nên làm cho lưu bố rộng bày các việc cúng dường, nên xây bao nhiêu nghìn tháp."

Đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật bảo ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát như thế rồi, vào khoảng cuối đêm nhập Niết-bàn.

GIẢNG:

 Khi thấy Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến xả thân để cúng dường, thì Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức tin tưởng giao phó, nào là chánh pháp, nào là bốn chúng, nào là của cải, đồng giao phó nốt, để vào Niết-bàn. Vì Ngài yên lòng đã có người thay thế Ngài để gánh vác bảo trì Phật pháp.

CHÁNH VĂN:

6.- Lúc đó, ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát thấy Phật diệt độ buồn cảm sầu khổ, luyến mộ nơi Phật, liền dùng hải thử ngạn chiên-đàn làm giàn để cúng dường thân Phật mà thiêu đó.

Sau khi lửa tắt, thâu lấy xá-lợi đựng trong tám muôn bốn nghìn bình báu, để xây tám muôn bốn nghìn tháp, cao ba thế giới, chưng dọn trang nghiêm thòng các phan lọng treo các linh báu.

 Bấy giờ, ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát lại tự nghĩ rằng: "Ta dầu làm việc cúng dường đó lòng còn chưa đủ, ta nay lại nên cúng dường xá-lợi." Liền nói với các Bồ-tát đại đệ tử và trời, rồng, dạ-xoa v.v... tất cả đại chúng rằng: "Các ông phải một lòng ghi nhớ, tôi nay cúng dường xá-lợi của đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật." Nói xong liền ở trước tám muôn bốn nghìn tháp đốt cánh tay trăm phước trang nghiêm, mãn bảy muôn hai nghìn năm để cúng dường. Khiến vô số chúng cầu Thanh văn, vô lượng vô số người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều làm cho trụ trong "Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội".

 Lúc đó, các Bồ-tát, trời, người, a-tu-la v.v... thấy Ngài không có tay bèn sầu khổ buồn thương mà nói rằng: "Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát này là thầy chúng ta, giáo hóa chúng ta, mà nay đốt tay, thân chẳng đầy đủ."

Lúc ấy, ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát ở trong đại chúng lập lời thề rằng: "Tôi bỏ hai tay ắt sẽ được thân sắc vàng của Phật, nếu thiệt không dối, thời khiến hai tay tôi hoàn phục như cũ." Nói lời thề xong hai tay tự nhiên hoàn phục, đó là do phước đức trí huệ thuần hậu của Bồ-tát cảm nên.

Đương lúc đó cõi tam thiên đại thiên thế giới sáu điệu vang động, trời rưới hoa báu, tất cả người, trời được việc chưa từng có.

GIẢNG:

Sau khi Phật ký thác cho Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến phải duy trì chánh pháp, phải giáo hóa đệ tửduy trì sự nghiệp của Phật. Tới đây Bồ-tát đốt luôn hai cánh tay để cúng dường tháp Phật. Vậy đốt hai cánh tay hàm chứa ý nghĩa gì? Trước đốt thân là xả kiến chấp ngã nơi thân Sắc uẩn, hi sinh thân để làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu chỉ phá chấp ngã nơi thân, mà còn mắc kẹt kiến chấp nơi tâm, thấy có không, thiện ác... là kiến chấp hai bên, không thể đến quả Phật được. Vì vậy mà phải phá luôn cái thấy hai bên, qua hình ảnh biểu trưng là đốt hai cánh tay. Ngay phẩm Tự đã nói lên ý nghĩa này với hình ảnh Phật phóng quang giữa chặng mày. Đến đây chúng ta lại càng thấy rõ hơn, nếu xem thường thân Sắc uẩn, hi sinh thân Sắc uẩn mà còn kiến chấp hai bên, thì chưa đến chỗ giải thoát viên mãn, vì còn kẹt trong đối đãi hai bên nên phải phá nốt.

 Sau khi đốt hai cánh tay rồi, Ngài thề rằng: "Tôi bỏ hai tay ắt sẽ được thân sắc vàng của Phật, nếu thật không dối, thì khiến hai tay tôi hoàn phục như cũ." Nói lời thề xong, hai tay tự nhiên hoàn phục. Rõ ràng là phá được kiến chấp hai bên thì nhất định sẽ được kết quả thành Phật không nghi ngờ.

Hạnh thứ nhất của Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiếnphá chấp thân Sắc uẩn, hạnh thứ hai là phá kiến chấp hai bên.

CHÁNH VĂN:

7.- Đức Phật bảo ngài Tú Vương Hoa Bồ-tát: 

- Ý ông nghĩ sao? Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát đâu phải người nào lạ, chính nay là ông Dược Vương Bồ-tát đó. Ông ấy bỏ thân bố thí số nhiều vô lượng trăm nghìn muôn ức na-do-tha như thế.

Tú Vương Hoa! Nếu người phát tâm muốn được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có thể đốt một ngón tay nhẫn đến một ngón chưn để cúng dường tháp của Phật, hơn đem quốc thành, thê tử và cõi tam thiên đại thiên, núi rừng, sông ao, các vật trân báu mà cúng dường.

Nếu lại có người đem bảy thứ báu đầy cả cõi tam thiên đại thiên cúng dường nơi Phật, cùng đại Bồ-tát, Duyên giác và A-la-hán, công đức của người đó được chẳng bằng người thọ trì kinh Pháp Hoa này nhẫn đến một bài kệ bốn câu, phước của người này rất nhiều.

GIẢNG:

Phật kết thúc, Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiếntiền thân của Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Vương không phải hi sinh một đờihi sinh nhiều đời, đem thân cúng dường Phật như vậy. Nên Phật mới nói nếu ở đời có người muốn cầu thành Phật đạo, chỉ cần đốt một ngón chân hoặc một ngón tay cúng dường tháp Phật, còn hơn đem quốc thành thê tử và vật báu ở cõi tam thiên đại thiên cúng dường. Như vậy bố thí nội tài quí hơn bố thí ngoại tài.

Hơn thế nữa, người trì kinh Pháp Hoa lại còn quí hơn. Tại sao vậy? Vì vật báu tuy là quí, nhưng sanh diệt vô thường, đem tướng sanh diệt vô thường mà cầu Phật đạo tuy có phước, nhưng chưa viên mãn, không bằng quay lại sống với Tri kiến Phật không sanh không diệt, có sẵn nơi mình mới là viên mãn cứu kính. Chúng ta thấy Phật dạy quá rõ ràng, nhưng mà sau này có nhiều người đọc kinh Pháp Hoa, hoặc đọc trong giới Bồ-tát thấy Phật dạy đốt thân cúng dường Phật, bèn đốt tay, hoặc đốt chân, hoặc đốt liều trên đầu... để cúng dường Phật, việc làm này rất thạnh hành, song mâu thuẫn mà người ta không biết mình đang kẹt trên hình tướng. Tại sao? Trong giới bản Phật có dạy: Người thiếu tay thiếu chân có tật, không được thọ giới Tỳ-kheo. Nếu không được thọ giới Tỳ-kheo thì làm sao truyền bá chánh pháp mà cho rằng Phật dạy đốt thân? Trong luật Phật đã không cho người có tật thọ giới, nếu người mới học đạo, nghe kinh rồi chấp tướng bèn đốt tay cúng dường Phật, tới chừng thọ giới Tỳ-kheo, không được thọ thì sao đây? Quí vị có thấy mâu thuẫn không? Nếu chúng ta hiểu đốt tay chân, đốt một phần thân xác là thể hiện tinh thần xả thân, xem nhẹ thân Sắc uẩn, để tu hành và làm lợ�i ích cho chúng sanh, tiến tới quả Phật thì có ý nghĩa. Tôi có sống gần với những vị đốt một hai ngón tay. Hồi đốt, không biết họ phát nguyện như thế nào, nhưng rồi họ cũng quí thân và ích kỷ quá! Lại có nhiều người đốt trên đầu tới chín liều, thế mà rồi họ cũng cởi áo hoàn tục, sống thường tình như bao nhiêu người khác! Như vậy là sao? Thoạt thấy như họ hi sinh rất mạnh, nhưng kỳ thật đó là một việc làm do chấp tướng mà ra. Thậm chí còn có quan niệm đốt liều nhiều là lớn, không đốt liều là nhỏ. Thật là lệch lạc! Thế nên phải hiểu cho thật rõ. 

Hồi xưa khi còn học, tôi thắc mắc chỗ này lắm, thấy quí Hòa thượng khác có đốt liều, sao Hòa thượng Giám đốc Ấn QuangHòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo không đốt? Tôi mới thưa hỏi thì Hòa thượng cười nói: "Ai muốn nguyện gì thì nguyện." Ngài chỉ trả lời như vậy thôi. Chúng ta mới thấy nguyện xả thân để lo cho đạo mới là chủ yếu. Đốt thân mà không có chí nguyện quên mình vì đạo, dù cho đốt nhiều tới đâu rồi cũng chỉ là việc làm của buổi đầu thôi. Vì vậy khi tôi thọ giới Bồ-tát cũng không đốt liều nào. Chúng ta làm điều gì phải hiểu lý cho thật vững, chớ đừng thấy người làm rồi đua nhau làm theo, như vậy cũng hơi nguy hiểm, sẽ làm cho Phật pháp suy vi.

CHÁNH VĂN:

 8.- Tú Vương Hoa! Thí như trong các dòng nước: sông ngòi, kinh rạch thời biển là lớn thứ nhứt, kinh Pháp Hoa này cũng như thế, ở trong các kinh của đức Như Lai nói rất là sâu lớn.

 Lại như trong các núi non: thổ sơn, hắc sơn, núi Tiểu Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi cùng mười núi báu thời núi Diệu Cao bậc nhứt, kinh Pháp Hoa này cũng như thế, ở trong các kinh rất là bậc thượng. 

 Lại như trong các ngôi sao, mặt trăng là bậc nhứt, kinh Pháp Hoa này cũng như thế, ở trong nghìn muôn ức các kinh, pháp này rất là sáng.

 Lại như mặt trời hay trừ các chỗ tối tăm, kinh này cũng thế, hay phá tất cả sự tối bất thiện.

 Lại như trong các vua nhỏ, vua Chuyển Luân Thánh vương rất là bậc nhứt, kinh này cũng như thế, ở trong các kinh là bậc tôn kính hơn cả.

 Lại như Đế Thích là vua trong ba mươi ba cõi trời, kinh này cũng thế, là vua trong các kinh.

 Lại như trời Đại phạm thiên vương là cha của tất cả chúng sanh, kinh này cũng thế, là cha của tất cả Hiền Thánh: bậc hữu học, vô học cùng hàng phát lòng Bồ-đề.

 Lại như trong tất cả phàm phu thời bậc Dự lưu, Nhứt lai, Bất lai, Vô sanh, Duyên giác là bậc nhứt, kinh này cũng như thế, tất cả Như Lai nói hoặc Bồ-tát nói, hoặc Thanh văn nói, trong các kinh pháp là bậc nhứt hơn cả, có người thọ trì kinh điển này cũng lại như thế, ở trong tất cả chúng sanh cũng là bậc nhứt.

 Trong tất cả Thanh văn cùng Duyên giác, Bồ-tát là bậc nhứt, kinh này cũng thế, trong tất cả các kinh pháp rất là bậc nhứt.

 Như Phật là Vua của các pháp, kinh này cũng thế, là Vua của các kinh.

GIẢNG:

Đức Phật nói rằng tất cả các cách bố thí ở trên, không bằng thọ trì kinh Pháp Hoa. Tới đây Phật mới tán thán giá trị của kinh Pháp Hoa sánh với tất cả kinh khác thì kinh Pháp Hoa là bậc nhất, là Vua của tất cả kinh.

CHÁNH VĂN:

 9.- Tú Vương Hoa! Kinh này có thể cứu tất cả chúng sanh, kinh này có thể làm cho tất cả chúng sanh xa rời các khổ não, kinh này có thể lợi ích cho tất cả chúng sanh, đầy mãn chỗ mong cầu của chúng như ao nước trong mát có thể đầy đủ cho những người khát nước, như kẻ lạnh được lửa, như kẻ trần truồng được y phục, như người buôn được chủ, như con gặp mẹ, như qua sông gặp ghe, như người bệnh gặp thầy thuốc, như tối được đèn, như nghèo được của báu, như dân gặp Vua, như khách buôn được biển, như đuốc trừ tối. Kinh Pháp Hoa này cũng thế, có thể làm cho chúng sanh xa rời tất cả khổ, tất cả bệnh tật đau đớn, có thể mở sự trăn trói của tất cả sanh tử.

Nếu người được nghe kinh Pháp Hoa này, hoặc chép, hoặc bảo người chép, được công đức, dùng trí huệ Phật tính lường nhiều ít chẳng thể được ngằn mé đó. Nếu chép kinh sách này, dùng hoa hương, chuỗi ngọc, hương đốt, hương bột, hương xoa, phan, lọng, y phục, các thứ đèn: đèn nến, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm, đèn dầu chiêm-bặc, đèn dầu tu-mạn-na, đèn dầu ba-la-la, đèn dầu bà-lợi-sư-ca, đèn dầu na-bà-ma-lợi đem cúng dường, được công đức cũng là vô lượng.

GIẢNG:

Kinh Pháp Hoadiệu dụng là cứu tất cả khổ ách cho chúng sanh. Chúng sanh nào biết trì tụng kinh Pháp Hoa, thì mọi khổ não đều hết sạch. Giống như người khát gặp nước, người đói gặp cơm, người lạnh gặp lửa, người trần truồng gặp y phục, như tối được đèn, nghèo được của báu... Như vậy, kinh Pháp Hoabộ kinh làm cho chúng sanh xa rời mọi khổ não tật bệnh, mở hết mọi sự trói buộc ở trong sanh tử. Tại sao? Vì kinh Pháp Hoa chỉ Tri kiến Phật cho mọi người, ai nhận ra và hằng sống với Tri kiến Phật thì không còn thấy đói khổ. Tri kiến Phật không phải là thân tứ đại, đã không phải là thân tứ đại thì làm gì có đói, có khát, có lạnh, có nóng...? Nếu không đói, không khát, không lạnh, không nóng, thì đâu có phiền não làm nhân dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Cho nên nói kinh Pháp Hoa cứu tất cả khổ cho tất cả chúng sanh.

Sau đó, Phật nói công đức của kinh Pháp Hoa, người nào thọ trì, đọc tụng, biên chép công đức vô lượng, Trí tuệ Phật cũng không thể tính đếm được. Tại sao Trí tuệ Phật trùm khắp, mà không thể biết được công đức kinh Pháp Hoa? Chúng ta nhớ trong Thiền tông, khi nói tới chỗ cứu kính thì nói chỗ đó mắt Phật nhìn cũng không thấy nữa. Tại sao? Vì chỗ cứu kính đó không có tướng mạo, bởi không có tướng mạo nên không có con mắt nào thấy được; mắt quỉ thần, mắt chư thiên, kể cả mắt Phật cũng không thấy, chỉ ai ngộ được thì người đó tự biết thôi. Chớ người khác không thể căn cứ trên hình tướng mà thấy được.

CHÁNH VĂN:

10.- Tú Vương Hoa! Nếu có người nghe phẩm "Dược Vương Bồ-tát Bổn Sự" này cũng được vô lượng vô biên công đức.

Nếu có người nữ nghe phẩm "Dược Vương Bồ-tát Bổn Sự" này mà có thể thọ trì, thời sau khi dứt Báo thân đàn bà đó không còn thọ lại nữa.

Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe kinh điển này, đúng như lời mà tu hành, thời khi ở đây chết liền qua cõi An lạc, chỗ trụ xứ của đức A-di-đà Phật cùng chúng đại Bồ-tát vây quanh, mà sanh trên tòa báu trong hoa sen.

Chẳng còn bị lòng tham dục làm khổ, cũng lại chẳng bị lòng giận dũi, ngu si làm khổ, cũng lại chẳng bị lòng kiêu mạn ganh ghét các tánh nhơ làm khổ, được thần thông Vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát, được pháp nhẫn đó thời nhãn căn thanh tịnh. Do nhãn căn thanh tịnh đó thấy bảy trăm muôn hai nghìn ức na-do-tha hằng hà sa các đức Phật Như Lai.

Bấy giờ, các đức Phật đồng nói khen rằng: "Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Ông có thể ở trong pháp hội của đức Thích-ca Mâu-ni Phật mà thọ trì đọc tụng suy gẫm kinh này vì người khác nói, ông được công đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt được, nước chẳng trôi được, công đức của ông, nghìn Phật chung nói chẳng thể hết được. Ông nay đã có thể phá các giặc ma, hoại quân sanh tử, các oán địch khác thảy đều trừ diệt.

Thiện nam tử! Trăm nghìn các đức Phật dùng sức thần thông đồng chung thủ hộ ông, tất cả trời người trong đời không ai bằng ông. Chỉ trừ các đức Như Lai, bao nhiêu Thiền định trí huệ của các Thanh văn, Duyên giác, nhẫn đến Bồ-tát không có ai bằng ông."

Tú Vương Hoa! Vị Bồ-tát đó thành tựu sức công đức trí huệ như thế.

GIẢNG:

 Đến đây, có điều khiến chúng ta để ý là, Phật giảng hơi nghiêng về phái nữ. Như chúng ta đã biết, trong tất cả ái, ái thân là số một, và trong hai phái, phái nữ tình cảm dồi dào, vì vậy nói mẹ thương con như biển cả, chớ không nói cha thương con như biển cả. Thế nên ở đây, nói tới tu hành, phá chấp thân Sắc uẩn, thì nhấn mạnh người nữ. Vì người nữ ái thân nặng, nên mới trang điểm thân sắc cho đẹp, người nào trang điểm nhiều là người đó ái thân nhiều, người ít trang điểm là người đó ái thân ít. Ở đây Phật dạy người nữ nghe phẩm Dược Vương Bản Sựthọ trì đọc tụng thì hết Báo thân phụ nữ, tức là sạch ái nhiễm. Tại sao? Vì khi ngộ được Tri kiến Phật, thấy rõ thân Sắc uẩn là huyễn hóa tạm bợ, không còn chấp thân thì ái cái gì? Không chấp và không ái thân thì đâu còn tái sanh làm người nữ nữa. Như vậy, sau khi Phật diệt độ thì người nữ đó sanh về cõi Phật A-di-đà, được tự tại an lạc. Sở dĩ chúng ta đau khổ là do ái ngã, nghe lời nói nặng ngủ không được, là vì cái ngã bị xúc chạm, mất một chút quyền lợi ngủ không ngon, vì ngã sở bị mất mát... tất cả khổ ách đều từ ái ngã mà ra, bây giờ nếu dứt được tâm ái ngã thì không phải ở Cực lạc là gì?

 Sau đây Phật nói tiếp, nếu người phá được tâm ái ngã thì không còn bị tham dục làm khổ, không còn bị sân giận làm khổ, không còn bị ngu si làm khổ, không còn bị kiêu mạn ganh ghét làm khổ... Do ái ngã nên mới ngu si, do ái ngã nên mới có tham dục, do ái ngã nên mới giận dữ... Nếu phá được tâm ái ngã thì hết ngu si, hết tham dục, hết sân giận...

Do không còn chấp thân, không còn ái ngã nên không còn sanh tử. Đã không sanh tử thì lửa làm sao đốt, nước làm sao cuốn trôi, nhận chìm? Tất cả oán tặc không làm hại, không làm khổ được, nên nói phá hoại được quân ma sanh tử, các oán địch khác thảy khác đều trừ diệt.

Tới đây chúng ta thấy hình ảnh đẹp của Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến, sau khi đốt thân sẽ được hoàn thân đẹp thêm, sau khi đốt tay sẽ được hoàn tay đẹp hơn. Như vậy để thấy rằng, khi chúng ta phá chấp Sắc thân rồi, thì từ đó về sau được thân đẹp hơn, nên người đương cơ hỏi Phật phép tu để phá Sắc ấm là Bồ-tát Tú Vương Hoa.

CHÁNH VĂN:

11.- Nếu có người nghe phẩm "Dược Vương Bồ-tát Bản Sự" này mà có thể tùy hỉ khen ngợi, thời người đó trong đời hiện tại trong miệng thường thoảng ra mùi thơm hoa sen xanh; trong lỗ chân lông nơi thân thường thoảng ra mùi thơm ngưu đầu chiên-đàn, được công đức như đã nói ở trên.

Tú Vương Hoa! Vì thế ta đem phẩm "Dược Vương Bồ-tát Bản Sự" này chúc lụy cho ông. Năm trăm năm sau khi ta diệt độ phải tuyên nói lưu bố rộng truyền ở cõi Diêm-phù-đề, chớ để dứt mất. Chớ cho hàng ác ma, dân ma, các trời, rồng, dạ-xoa, cưu-bàn-trà v.v... phá khuấy được.

Tú Vương Hoa! Ông phải dùng sức thần thông giữ gìn kinh này. Vì sao? Vì kinh này là món lương dược của người bệnh trong cõi Diêm-phù-đề; nếu người có bệnh được nghe kinh này bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.

 Tú Vương Hoa! Nếu ông thấy có người thọ trì kinh này, phải dùng hoa sen xanh đựng đầy hương bột rải trên người đó. Rải xong nghĩ rằng: "Người này chẳng bao lâu quyết sẽ lấy cỏ trải ngồi nơi đạo tràng phá các quân ma, sẽ thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng sanh ra khỏi biển sanh, già, bệnh, chết."

 Cho nên người cầu Phật đạo thấy có người thọ trì kinh điển này, nên phải sanh lòng cung kính như thế.

GIẢNG:

 Đối với phẩm kinh này, ai mà đầy đủ lòng tin hoặc sanh lòng tùy hỉ, thì người đó châu thân đẹp đẽ, sạch sẽ không có hôi hám dơ dáy. Vì không còn chấp thân, không ái thân, thì đâu có niệm xấu ác bẩn thỉu qui về thân nên ma quái không thể phá được.

Bệnh chung của chúng sanh ở cõi này là chấp ngã, chấp ngã nơi thân Sắc uẩn là nặng nhất, mà chấp thân là khổ. Nếu không còn chấp thân thì bệnh khổ đâu còn, không phải thuốc hay là gì? Giả sử như thân đau oằn oại, mà thấy thân là huyễn hóa không thật, thì không bị cái đau chi phối nên không khổ. Nếu còn chấp thân, thương thân, thấy thân bệnh, buồn lo nên khổ. Còn chấp thân là còn bệnh còn khổ. Nếu ứng dụng phẩm này như lời Phật dạy, thì không còn bệnh, không còn già, không còn chết. Đối với bệnh, già, chết thấy như trò đùa, không có tác dụng làm cho người khổ đau. Như vậy, người phá được chấp ngã nơi thân thì người đó được tự tại, người đó sẽ ngồi đạo tràng, và mọi người nên cúng dường các thứ hoa báu. Vì người đó sẽ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và sẽ nói pháp độ chúng sanh ra khỏi biển sanh, già, bệnh, chết.

CHÁNH VĂN:

12.- Lúc đức Phật nói phẩm "Dược Vương Bồ-tát Bản Sự" này, có tám muôn bốn nghìn Bồ-tát được pháp "Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà-la-ni".

Đức Đa Bảo Như Lai ở trong tháp báu, khen ngài Tú Vương Hoa Bồ-tát rằng: "Hay thay! Hay thay! Tú Vương Hoa! Ông thành tựu bất khả tư nghì công đức mới có thể hỏi đức Thích-ca Mâu-ni Phật việc như thế, làm vô lượng lợi ích cho tất cả chúng sanh."

GIẢNG:

Tới đây chúng ta lại có chút nghi vấn: Trước nói Phật Đa Bảo hoàn chỗ cũ, sao bây giờ Ngài ở trong tháp khen ngợi Bồ-tát Tú Vương Hoa? Như chúng ta đã biết Phật Đa BảoPhật pháp thân, mà Phật pháp thân thì không rời Báo thânHóa thân, nên không lúc nào Ngài vắng mặt khi còn nói kinh Pháp Hoa.

Phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự, chỉ cho chúng ta một phương thuốc để trị bệnh sanh, già, bệnh, chết. Phương thuốc ấy là "không chấp, không ái thân Sắc uẩn, và buông xả kiến chấp hai bên đối đãi". Đó là vị vua thuốc trên tất cả loài thuốc. Người nào uống được thuốc này thì sẽ được đầy đủ thân sắc vàng, tức là Phật pháp thân hiển hiện. Vậy ai thấy mình chấp ngã, ái ngã nặng, hãy trì tụng phẩm kinh này thường xuyên, không lựa là các cô mang thân xác phụ nữ, hễ chấp ngã, ái ngã nhiều, dù là mang thân nam nhân, vẫn được coi là các cô như phẩm này nói. Đọc kinh Đại thừa, nếu chúng ta chỉ hiểu trên chữ nghĩa, thì không thông được lý Phật dạy, thấy như Phật nói chuyện đàn bà con nít đâu đâu, kỳ thật là dạy chúng ta tu rất thực tế.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58789)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :