- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
PHẨM 24 DIỆU ÂM BỒ TÁT
Diệu Âm là
tiếng nói hay đẹp nhiệm mầu. Tiếng nói như thế nào là nhiệm mầu? Căn cứ trên
nhân tu để được cái quả của một Bồ-tát. Bồ-tát Diệu Âm do nhiều đời nhiều kiếp tu
hạnh cúng dường chư Phật âm nhạc và bát báu, nên được tiếng nói nhiệm mầu. Đó
là nói theo nghĩa thông thường, còn nói theo lý thì ở phẩm Dược Vương Bồ-tát
Bản Sự khi phá Sắc ấm thì Bồ-tát đốt thân và hai tay, vào Sơ địa và Nhị địa
Bồ-tát. Giờ đây phẩm Diệu Âm Bồ-tát phá Thọ ấm vào Tam địa Tứ địa Bồ-tát. Thọ
ấm sâu hơn, nên khó phá.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni Phật từ nhục kế tướng đại nhân, phóng ra ánh sáng, và phóng ánh sáng nơi tướng lông trắng giữa chặng mày, soi khắp tám trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông.
Qua khỏi số cõi đó có thế giới
tên Tịnh Quang Trang Nghiêm. Nước đó có Phật hiệu: Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như
Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, được vô lượng vô
biên đại chúng Bồ-tát cung kính vây quanh, mà vì chúng nói pháp.
Ánh sáng lông trắng của đức Thích-ca Mâu-ni Phật soi khắp
cõi nước đó.
GIẢNG:
Ở đây Phật phóng quang ở hai chỗ, một là từ nhục kế ở trên đỉnh đầu, hai là ở
giữa chặng mày. Như chúng ta đã biết, hào quang được phóng ra từ giữa chặng
mày, tượng trưng cho trí tuệ không kẹt hai bên. Đó là cái nhân tu hành. Còn hào
quang được phóng ra từ nhục kế biểu trưng cho quả giác. Vì nhục kế trên đỉnh
đầu là chỗ cao tột của con người, hào quang được phóng ra từ đó là nói lên kết
quả tột cùng của sự giác ngộ. Hào quang ở giữa chặng mày là cái nhân giác ngộ.
Nhân giác và quả giác đồng thời gặp nhau, nên ngang đây tướng của Bồ-tát Diệu
Âm vượt hẳn những vị Bồ-tát trước. Bấy giờ Phật phóng quang qua vô số thế giới
ở phương Đông, có một thế giới tên Tịnh Quang Trang Nghiêm của Phật Tịnh Hoa Tú
Vương Trí, cõi nước này
được hào quang của Phật rọi soi khắp tất cả.
CHÁNH VĂN:
2.- Lúc đó, trong nước Nhứt Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm
có một vị Bồ-tát tên là Diệu Âm, từ lâu đã trồng các cội công đức, cúng dường
gần gũi vô lượng trăm nghìn muôn ức các đức Phật, mà đều được trọn nên trí huệ
rất sâu, được môn "Diệu tràng tướng tam-muội", "Pháp hoa
tam-muội", "Tịnh đức tam-muội", "Tú vương hí
tam-muội", "Vô duyên tam-muội", "Trí ấn tam-muội",
"Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn tam-muội", "Tập nhứt thiết
công đức tam-muội", "Thanh tịnh tam-muội", "Thần thông du
hí tam-muội", "Huệ cự tam-muội", "Trang nghiêm vương
tam-muội", "Tịnh quang minh tam-muội", "Tịnh tạng
tam-muội", "Bất cộng tam-muội", "Nhựt triền tam-muội" v.v...
được trăm nghìn muôn ức hằng hà sa các đại tam-muội như thế.
Quang minh của đức Thích-ca Mâu-ni Phật soi đến thân vị Bồ-tát
đó, liền bạch cùng đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật rằng: "Thế Tôn! Con phải
qua đến cõi Ta-bà để lễ lạy gần gũi cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật, cùng
để ra mắt ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dõng Thí
Bồ-tát, Tú Vương Hoa Bồ-tát, Thượng Hạnh Ý Bồ-tát, Trang Nghiêm Vương Bồ-tát,
Dược Thượng Bồ-tát."
Khi đó, đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật bảo ngài Diệu Âm Bồ-tát:
"Ông chớ có khinh nước Ta-bà sinh lòng tưởng là hạ liệt. Thiện nam tử! Cõi
Ta-bà kia cao thấp không bằng, các núi đất đá đầy dẫy sự dơ xấu, thân Phật kém
nhỏ, các chúng Bồ-tát thân hình cũng nhỏ, mà thân của ông cao đến bốn muôn hai
nghìn do-tuần, thân của ta sáu trăm tám mươi muôn do-tuần. Thân của ông tốt đẹp
thứ nhứt, trăm nghìn muôn phước sáng rỡ đẹp lạ, cho nên ông qua đó chớ khinh
nước kia, hoặc ở nơi Phật, Bồ-tát cùng cõi nước mà sanh lòng tưởng cho là hạ
liệt."
Ngài Diệu Âm Bồ-tát bạch với Phật đó rằng: "Thế Tôn!
Con nay qua cõi Ta-bà đều là do sức thần của Như Lai, do thần thông du hí của
Như Lai, do công đức trí huệ trang nghiêm của Như Lai."
GIẢNG:
Đây nói sở chứng của Bồ-tát Diệu Âm, Ngài do tu nhân cúng dường Phật âm nhạc và bát báu nhiều đời nhiều kiếp, nên được đầy đủ vô lượng tam-muội.
Hào quang của Phật Thích-ca soi đến thân của Bồ-tát Diệu Âm, Ngài cảm thọ hào quang Phật Thích-ca, liền xin Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, đến cõi Ta-bà để lễ Phật Thích-ca và các Bồ-tát. Ở phẩm trước đã phá Sắc ấm, phẩm này phá Thọ ấm. Thọ ấm thì thuộc về tinh thần. Nếu không xúc chạm, có thọ không? Không. Nếu không có xúc thì không có thọ. Bồ-tát Diệu Âm nhờ hào quang của Phật Thích-ca soi đến thân Ngài, Ngài tiếp xúc nên có cảm thọ lạc. Song, cõi Ta-bà mà Ngài muốn qua là nơi đất không bằng phẳng, nhiều hầm hố gò nổng, chúng sanh thân thì nhỏ, ốm... biểu hiện của khổ đau. Nên khi Ngài xin phép được qua đó, thì Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí dặn dò Ngài, chớ có khinh chê cõi Ta-bà là xấu, rồi tự thấy thân mình là tốt. Thấy như vậy là có thọ khổ và thọ lạc sai biệt. Muốn cho thọ khổ và thọ lạc được bình đẳng, phải dùng trí tuệ quán chiếu cảm thọ do xúc mà có, nó không có Tự thể cố định nên không thật. Cảm thọ không thật thì khổ vui làm gì có thật? Đó là phá được Thọ ấm.
Bồ-tát Diệu Âm nói Ngài qua cõi Ta-bà được là nhờ sức thần và trí tuệ của Phật,
chớ không phải khả năng của Ngài. Ngài ở nơi cảm thọ được tự tại là do Trí tuệ Phật
mà được. Như vậy, ở nơi sáu căn đều có lãnh thọ, nhãn căn thì thọ sắc trần, nhĩ
căn thì thọ thanh trần, tị căn thì thọ hương trần, thiệt căn thì thọ vị trần, thân
căn thì thọ xúc trần, ý căn thì thọ pháp trần. Tuy nhiên, căn mà lanh lợi thông
nhiếp nhất là nhĩ căn, vì khi đi đứng nằm ngồi nói nín thức ngủ, tai đều nghe
được tiếng. Nên Bồ-tát tượng trưng cho cảm thọ của nhĩ căn tên là Diệu Âm.
CHÁNH VĂN:
3.- Lúc đó ngài Diệu Âm Bồ-tát chẳng rời khỏi tòa, thân chẳng lay động mà vào
trong tam-muội, dùng sức tam-muội ở nơi núi Kỳ-xà-quật cách pháp tòa chẳng bao
xa hóa làm tám muôn bốn nghìn các hoa sen báu: vàng diêm-phù-đàn làm cọng, bạc
làm cánh, kim cang làm nhụy, chân-thúc-ca-bảo làm đài.
Bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thấy hoa sen bèn bạch cùng Phật
rằng: "Thế Tôn! Đây do nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này, có ngần ấy
nghìn muôn hoa sen: vàng diêm-phù-đàn làm cọng, bạc làm cánh, kim cang làm
nhụy, chân-thúc-ca-bảo làm đài?"
Khi ấy, đức Thích-ca Mâu-ni Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: "Đó là Diệu Âm đại Bồ-tát từ cõi nước của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật muốn cùng tám muôn bốn nghìn Bồ-tát vây quanh mà đến cõi Ta-bà này, để cúng dường gần gũi lễ lạy nơi ta cũng muốn cúng dường nghe kinh Pháp Hoa."
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Vị Bồ-tát đó trồng cội lành gì, tu công đức gì mà có được sức đại thần thông như thế? Tu tam-muội gì? Mong Phật vì chúng con nói danh tự của tam-muội đó. Chúng con cũng muốn siêng tu hành đó. Tu hành môn tam-muội này mới thấy được sắc tướng lớn nhỏ oai nghi tấn chỉ của vị Bồ-tát đó. Cúi mong đức Thế Tôn dùng sức thần thông khi vị Bồ-tát đó đến khiến chúng con được thấy."
Lúc ấy, đức Thích-ca Mâu-ni Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: "Đức Đa Bảo Như
Lai đã diệt độ từ lâu đây, sẽ vì các ông mà hiện bày thân tướng của Bồ-tát đó."
Tức thời đức Đa Bảo Phật bảo Bồ-tát đó rằng: "Thiện
nam tử đến đây! Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử muốn thấy thân của ông."
GIẢNG:
Bồ-tát Diệu Âm từ trong chánh định hiện ra nơi núi Kỳ-xà-quật, cách nơi nói kinh Pháp Hoa không bao xa, hiện ra hoa sen đẹp ngàn cánh, nhụy, bông, cành, lá, cọng... đều làm bằng vật báu. Bồ-tát Văn-thù thấy hoa sen quí hiện ra, cho đó là điềm lành mới thưa hỏi Phật Thích-ca. Phật Thích-ca cho biết có Bồ-tát Diệu Âm sắp đến. Bồ-tát Văn- thù yêu cầu Phật nói cái nhân tu hành của Bồ-tát Diệu Âm, để các ngài tu theo và thấy được Bồ-tát Diệu Âm. Điều này cho chúng ta thấy Bồ-tát mà được phước tướng trang nghiêm là do tu phước, tu định, tu tuệ... không phải ngẫu nhiên mà có.
Tại
sao Phật Thích-ca không chỉ bày thân tướng Bồ-tát Diệu Âm cho thính chúng thấy,
mà đợi Phật Đa Bảo gọi, Bồ-tát Diệu Âm mới hiện? Như chúng ta đã biết thọ vui,
thọ khổ là do cảm xúc mà có. Bản chất của cảm thọ là biết, biết khổ biết vui,
biết không khổ biết không vui. Do có biết nên nói cảm thọ phát khởi từ Tâm chân
thật, chớ không phải ở ngoài vào, giống như sóng dậy từ mặt biển. Thế nên Phật
Thích-ca không thể chỉ được, mà phải Phật Đa Bảo gọi Bồ-tát Diệu Âm mới hiện.
Tức là tâm phải thật thanh tịnh mới thấy thọ từ Tự tánh chân thật dấy động, nó
là hư giả không thật.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, ngài Diệu Âm Bồ-tát nơi cõi nước kia ẩn mặt, cùng với tám muôn bốn
nghìn Bồ-tát đồng nhau qua cõi Ta-bà, ở các nước trải qua, sáu điệu vang động,
thảy đều rưới hoa sen bằng bảy báu, trăm nghìn nhạc trời chẳng trỗi tự kêu, mắt
của vị Bồ-tát đó như cánh hoa sen xanh rộng lớn. Giả sử hòa hiệp trăm nghìn
muôn mặt trăng, diện mạo của Ngài tốt đẹp lại hơn nơi đây, thân sắc vàng ròng
vô lượng trăm nghìn công đức trang nghiêm, oai đức rất thạnh, ánh sáng chói
rực, các tướng đầy đủ như thân Na-la-diên bền chắc.
Ngài vào trong đài thất bảo bay lên hư không cách đất bằng bảy cây đa-la. Các chúng Bồ-tát cung kính vây quanh, mà đồng đến núi Kỳ-xà-quật ở cõi Ta-bà này, đến rồi xuống đài thất bảo, dùng chuỗi ngọc giá trị trăm nghìn, đem đến chỗ Thích-ca Mâu-ni Phật, đầu mặt lễ chân Phật dưng chuỗi ngọc lên mà bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật hỏi thăm đức Thế Tôn ít bệnh, ít khổ, đi đứng thơ thới, sở hành an vui chăng? Bốn đại điều hòa chăng? Việc đời nhẫn được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng? Không có người nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn chăng? Không kẻ chẳng thảo cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, tà kiến tâm chẳng lành, chẳng nhiếp năm tình chăng?
Thế Tôn! Chúng sanh hàng phục được các ma oán chăng? Đức Đa Bảo Như Lai diệt độ
từ lâu ở trong tháp bảy báu có đến nghe pháp chăng? Lại hỏi thăm đức Đa Bảo Như
Lai: an ổn, ít khổ, kham nhẫn ở lâu được chăng? Thế Tôn! Nay con muốn thấy thân
đức Đa Bảo Phật, cúi mong Thế Tôn chỉ bày cho con được thấy."
Lúc đó, đức Thích-ca Mâu-ni Phật nói với Phật Đa Bảo rằng: "Ông Diệu Âm
Bồ-tát này muốn được ra mắt Phật."
Đức Đa Bảo Phật liền nói với Diệu Âm Bồ-tát rằng:
"Hay thay! Hay thay! Ông có thể vì cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật và
nghe kinh Pháp Hoa cùng ra mắt Văn-thù-sư-lợi v.v... nên qua đến cõi này."
GIẢNG:
Ở đoạn
trước đã phá Sắc ấm rồi, tới đây là phá Thọ ấm thì tế nhị hơn, càng tế nhị là
càng đẹp, sáng, bền, nên thân Bồ-tát Diệu Âm được diễn tả từ mặt đến mắt, màu
da... không có cái đẹp, sáng, bền nào ở thế gian có thể sánh bằng. Sở dĩ thân
Ngài được như thế là do Ngài tu vô lượng công đức và được nhiều tam-muội.
Bồ-tát
Diệu Âm và các vị Bồ-tát phương khác, đến cõi Ta-bà ra mắt Phật Thích-ca và
Phật Đa Bảo. Theo thể thức chung, trước là vấn an Phật, sau là hỏi thăm việc
giáo hóa của Phật, chúng sanh có dễ độ không, chúng sanh nghiệp ác nặng nhiều hay
ít, có hàng phục được ma oán chăng? Sau nữa Bồ-tát Diệu Âm hỏi thăm Phật Đa Bảo
và ngỏ ý muốn gặp Phật Đa Bảo. Phật Thích-ca giới thiệu Bồ-tát Diệu Âm với Phật
Đa Bảo. Phật Đa Bảo tùy hỉ việc Bồ-tát Diệu Âm qua cõi Ta-bà, để ra mắt cúng
dường Phật Thích-ca cùng nghe kinh Pháp Hoa và để gặp Bồ-tát Văn-thù. Hình ảnh
này nói lên ý nghĩa hành giả sau khi phá Sắc ấm, tiếp theo là phá Thọ ấm, xoay
lại sống với Tri kiến Phật hằng hiện hữu.
CHÁNH VĂN:
5.- Lúc bấy giờ, ngài Hoa Đức Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Thế Tôn! Ngài Diệu Âm Bồ-tát trồng cội lành gì, tu công đức gì, mà có sức
thần thông như thế?"
Đức Phật bảo ngài Hoa Đức Bồ-tát:
- Thuở quá khứ có Phật hiệu
Vân Lôi Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước tên là Hiện nhứt
thiết thế gian, kiếp tên Hỉ kiến. Diệu Âm Bồ-tát ở trong một vạn hai nghìn năm,
dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân Lôi Âm Vương Phật cùng dưng lên
tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của
đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật, có sức thần như thế.
Hoa Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó, nơi chỗ đức Vân Lôi Âm Vương Phật, Diệu Âm
Bồ-tát cúng dường kỹ nhạc cùng dưng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ,
chính nay là Diệu Âm đại Bồ-tát đây.
Hoa Đức! Diệu Âm Bồ-tát này đã từng cúng dường gần gũi vô
lượng các đức Phật, từ lâu trồng cội công đức, lại gặp hằ�ng hà sa trăm nghìn
muôn ức na-do-tha đức Phật.
GIẢNG:
Ở phẩm Dược Vương, Phật nói bố thí quốc thành thê tử là những món ngoại tài,
công đức không thể sánh bằng cúng dường thân mạng là nội tài. Tại sao ở đây
Bồ-tát Diệu Âm cúng dường âm nhạc và bát bảy báu là hai món ngoại tài, công đức
lại thù thắng hơn Bồ-tát Dược Vương? Ý này nếu chúng ta không hiểu thì thấy có
cái gì mâu thuẫn. Như trước đã nói, phẩm Diệu Âm Bồ-tát là phần: phá Thọ ấm.
Thọ ấm là cảm thọ của sáu căn nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý; trong sáu căn ấy
nhãn và nhĩ là đại biểu. Hằng ngày chúng ta đau khổ phần lớn là do thấy và
nghe, nghe tiếng khen lời chê, nghe tiếng từ ái hòa nhã... nên có buồn vui. Nếu
chúng ta nghe tất cả tiếng, không dấy niệm phân biệt tốt xấu khen chê; khi nghe
tiếng, biết mình đang nghe tiếng, không cảm thọ buồn vui, đó là xả thọ, là cúng
dường âm nhạc. Bát bằng bảy báu tốt đẹp chỉ cho Sắc pháp, mắt tiếp xúc Sắc pháp
mà không có cảm thọ vui hay buồn, đó là xả Sắc tướng, là cúng dường bát báu.
Như vậy, mắt thấy sắc tai nghe tiếng; biết rõ sắc tiếng là huyễn hóa không
thật, nên tâm không kẹt không dính và không bị nó quấy nhiễu, đó là phá Thọ ấm.
Trước đốt thân, đốt cánh tay là phá Sắc ấm, đây là phá Thọ ấm. Thọ ấm từ nơi
tâm phát ra khi tiếp với ngoại trần, nên tế nhị và sâu hơn Sắc ấm một tầng. Nên
đây diễn tả thân tướng Bồ-tát Diệu Âm trang nghiêm hơn thân tướng Bồ-tát Dược
Vương.
CHÁNH VĂN:
6.- Hoa Đức, ông chỉ thấy Diệu Âm Bồ-tát thân hình ở tại đây, mà Bồ-tát đó hiện
các thứ thân hình, nơi nơi vì hàng chúng sanh nói kinh điển này.
Hoặc hiện thân Phạm vương,
hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Tự tại thiên, hoặc hiện thân Đại tự tại
thiên, hoặc hiện thân Thiên đại tướng quân, hoặc hiện thân Tỳ-sa-môn thiên
vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh vương, hoặc hiện thân các Tiểu vương,
hoặc hiện thân trưởng giả, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân Tể quan, hoặc
hiện thân Bà-la-môn, hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di,
hoặc hiện thân phụ nữ của Tể quan, hoặc hiện thân phụ nữ của Bà-la-môn,
hoặc hiện thân đồng nam đồng nữ, hoặc hiện thân trời, rồng, dạ-xoa,
càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân
v.v... mà nói kinh này.
Bao nhiêu địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và các chỗ nạn đều có
thể cứu giúp, nhẫn đến trong hậu cung của Vua biến làm thân người nữ mà nói
kinh này.
GIẢNG:
Đây nói lên diệu dụng của Bồ-tát Diệu Âm. Trước phá Sắc ấm,
thân đã trang nghiêm tự tại rồi, bây giờ phá luôn Thọ ấm nữa thì diệu dụng càng
tự tại và mạnh mẽ hơn, nên Ngài có Báo thân đẹp đẽ trang nghiêm. Lại có Ứng
thân tùy theo sở cầu của chúng sanh, mà thị hiện giáo hóa cho mọi người biết và
nhận ra Tri kiến Phật. Như vậy, tùy chúng sanh ở trong loại nào là Ngài hiện
thân loài ấy để hóa độ; nơi nơi chốn chốn Ngài đều Ứng thân thị hiện không
thiếu vắng. Đó là Bồ-tát tu tới Tam địa trở lên đã có Ứng thân. Trước Phật
phóng quang từ giữa chặng mày, rồi phóng quang ở trên đảnh, đó là chỉ cho cái
dụng của nhân và quả hợp nhau, nên Bồ-tát có thể hiện thân Phật và Phật diệt độ
được.
CHÁNH VĂN:
7.- Hoa Đức! Diệu Âm Bồ-tát này, hay cứu hộ các chúng sanh trong cõi Ta-bà,
Diệu Âm Bồ-tát này biến hóa hiện các thứ thân hình như thế ở tại cõi Ta-bà này
vì chúng sanh mà nói kinh Pháp Hoa, ở nơi trí huệ thần thông biến hóa không hề tổn
giảm. Vị Bồ-tát này dùng ngần ấy trí huệ sáng soi cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng
sanh đều được hiểu biết, ở trong hằng hà sa cõi nước trong mười phương cũng lại
như thế.
Nếu chúng sanh đáng dùng thân Thanh văn được độ thoát, liền hiện thân hình
Thanh văn mà vì đó nói pháp.
Đáng dùng thân hình Duyên giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì
đó nói pháp.
Đáng dùng thân hình Bồ-tát được độ thoát, liền hiện thân hình Bồ-tát mà vì đó
nói pháp.
Đáng dùng thân hình Phật được độ thoát, liền hiện thân hình Phật mà vì đó nói
pháp.
Theo chỗ đáng độ mà vì chúng hiện các thứ thân hình như
thế, nhẫn đến đáng dùng diệt độ mà được độ thoát liền thị hiện diệt độ.
Hoa Đức! Diệu Âm đại Bồ-tát
trọn nên sức đại thần thông trí huệ, việc đó như thế.
Lúc ấy, ngài Hoa Đức Bồ-tát bạch cùng Phật rằng: "Thế Tôn! Ngài Diệu Âm Bồ-tát sâu trồng căn lành. Thế Tôn! Bồ-tát đó trụ tam-muội gì mà có thể ở các nơi biến hiện thân hình độ thoát chúng sanh như thế?"
Phật bảo ngài Hoa Đức Bồ-tát: "Thiện nam tử! Tam-muội đó tên là 'Hiện nhứt
thiết sắc thân'."
Diệu Âm Bồ-tát trụ trong tam-muội đó có thể nhiêu ích vô
lượng chúng sanh như thế.
GIẢNG:
Bồ-tát Diệu Âm tùy theo sở cầu của chúng sanh mà thị hiện
Hóa thân Thanh văn, Bồ-tát, Phật để giáo hóa chúng sanh. Bồ-tát Hoa Đức thấy
vậy mới hỏi Phật: Bồ-tát Diệu Âm trụ trong tam-muội nào mà hiện được thân như
vậy? Phật nói Bồ-tát Diệu Âm trụ trong tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân.
Tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân có nghĩa là người sống được với Tri kiến
Phật, thấy Thọ uẩn chợt có, chợt không, vô thường huyễn hóa không thật, nên
không chấp Thọ uẩn là ngã. Do chấp thọ uẩn là ngã nên bị trói buộc bởi thọ ở
mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, ở ý, vì vậy không tự tại vô ngại. Giờ đây
cảm thọ ở sáu căn đã phá vỡ, chấp thọ là ngã không còn, thể nhập Bản thể rộng
lớn là Pháp thân, mà Pháp thân thì có diệu dụng không thể lường, nên ứng hiện
thân tự tại không ngại, để hóa độ mọi loài chúng sanh.
CHÁNH VĂN:
8.- Lúc nói phẩm "Diệu Âm Bồ-tát" này, những
Bồ-tát cùng đi chung với Diệu Âm Bồ-tát tám muôn bốn nghìn người đều được:
"Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội". Vô lượng Bồ-tát trong cõi Ta-bà
này cũng được tam-muội đó và Đà-la-ni.
Khi ngài Diệu Âm đại Bồ-tát cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật và tháp của Đa Bảo Phật xong rồi, trở về bổn độ, các nước trải qua đều sáu điệu vang động, rưới hoa sen báu, trỗi trăm nghìn muôn ức các thứ kỹ nhạc, đã đến bổn quốc cùng tám muôn bốn nghìn Bồ-tát vây quanh đến chỗ đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật mà bạch rằng: "Thế Tôn! Con đến cõi Ta-bà lợi ích chúng sanh, ra mắt đức Thích-ca Mâu-ni Phật và ra mắt tháp đức Đa Bảo Phật lễ lạy cúng dường, lại ra mắt Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Đắc Cần Tinh Tấn Lực Bồ-tát, Dõng Thí Bồ-tát, cũng làm cho tám muôn bốn nghìn vị Bồ-tát này được "Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội".
Lúc nói phẩm "Diệu Âm Bồ-tát lai vãng" này, bốn
muôn hai nghìn vị thiên tử được Vô sanh pháp nhẫn. Hoa Đức Bồ-tát được Pháp Hoa
tam-muội.
GIẢNG:
Bồ-tát Diệu Âm do cảm thọ hào quang của Phật Thích-ca,
nên đến cõi Ta-bà lễ Ngài và Phật Đa Bảo, cùng thăm viếng các vị Bồ-tát ở cõi
này. Làm Phật sự xong, Bồ-tát Diệu Âm trở về bản quốc. Các vị Bồ-tát theo Ngài
và những vị Bồ-tát ở cõi Ta-bà đều được chánh định Hiện sắc thân tam-muội, số
đông thiên tử thì được Vô sanh pháp nhẫn. Bồ-tát Hoa Đức thì được Pháp Hoa
tam-muội. Tất cả đều nhờ duyên phước nghe Phật nói Bồ-tát Diệu Âm vãng lai.
Như trước đã nói, cảm thọ là do ngoại trần xúc chạm với nội căn, nếu ngoại trần hết xúc chạm với nội căn thì cảm thọ hết. Ý nghĩa trên biểu trưng qua hình ảnh Bồ-tát Diệu Âm vãng lai. Ngài từ phương xa đến xong việc rồi đi, không thường trụ. Cảm thọ là vô thường nếu chúng ta dùng trí tuệ thấy rõ nó không lầm, thì sẽ được cái Chân thường, không còn bị chi phối bởi khổ vui nữa. Nếu chúng ta còn kẹt trong khổ vui tạm bợ, thì không bao giờ thấy được cái Chân thường. Đối với Sắc ấm, phá nó đã là khó; bây giờ, xả Thọ ấm lại càng khó hơn, vì nó thuộc về tâm vi tế hơn nên khó xả. Ví dụ như thân bị đạp gai, nhổ gai xong, xức thuốc ít hôm lành, là hết cái khổ đau nhức nơi thân. Nhưng bị vu khống chúng ta thấy đó là sỉ nhục, nên tâm bất an, nhớ hoài, buồn dai dẳng khó quên. Thế nên cảm thọ tuy vi tế, song khó phá. Cái nhân tu và quả chứng liên hệ mật thiết không rời nhau. Tu, thiết yếu là phải thực hành cho được những điều Phật và Bồ-tát đã hành và dạy cho chúng ta. Phần Nhập Tri kiến Phật là phần thực hành, nên Phật nói lên công hạnh của các vị Bồ-tát để cho chúng sanh theo đó mà tu.