- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
PHẨM 27 DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG
BẢN SỰ
Diệu Trang Nghiêm Bản Sự là công hạnh tu hành ở đời trước của vua Diệu Trang Nghiêm. Đời trước Ngài tu hành thế nào, nay thuật lại như thế ấy, gọi đó là Bản sự.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, Phật bảo hàng đại chúng rằng:
- Về thuở xưa, cách đây vô
lượng vô biên bất khả tư nghì a-tăng-kỳ kiếp, có đức Phật hiệu là Vân Lôi Âm Tú
Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Nước đó tên Quang Minh Trang
Nghiêm, kiếp tên Hỉ kiến.
Trong pháp hội của Phật đó có vị vua tên Diệu Trang
Nghiêm, phu nhân của vua tên Tịnh Đức, có hai người con, một tên Tịnh Tạng, hai
tên Tịnh Nhãn. Hai người con đó có sức thần thông lớn, phước đức trí huệ, từ
lâu tu tập đạo hạnh của Bồ-tát, những là: Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn
nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Trí huệ ba-la-mật, Phương
tiện ba-la-mật, từ bi hỉ xả nhẫn đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp thảy đều
rành rẽ suốt thấu.
Lại được các môn tam-muội của Bồ-tát: Nhựt tinh tú
tam-muội, Tịnh quang tam-muội, Tịnh sắc tam-muội, Tịnh chiếu minh tam-muội, Trường
trang nghiêm tam-muội, Đại oai đức tạng tam-muội, ở nơi các môn tam-muội này
cũng đều thấu suốt.
GIẢNG:
Đây nêu lên bốn nhân vật biểu trưng là vua Diệu Trang
Nghiêm, phu nhân Tịnh Đức, hai người con là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Phẩm này là
phá Thức ấm, ấm chót trong năm ấm. Phá được Thức ấm là qua được Cửu địa và Thập
địa Bồ-tát, rồi lên Đẳng giác Diệu giác thành Phật. Thức ấm đây không phải là
sáu thức do sáu căn duyên sáu trần dấy khởi, mà là Tạng thức, là kho chứa tất
cả chủng tử thiện ác, khi chuyển hết chủng tử thiện ác thì nó trở thành Như Lai
tàng, tức là thành Phật.
Vua Diệu Trang Nghiêm biểu trưng
cho Tạng thức, phu nhân Tịnh Đức biểu trưng cho Mạt-na thức, Tịnh Tạng biểu
trưng cho Ý thức, Tịnh Nhãn biểu trưng cho Tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tị,
thiệt, thân thức. Người tu, dùng Ý thức nhận hiểu chánh pháp rồi mới khởi sự tu
hành và chuyển năm thức trước trở thành thanh tịnh. Do năm thức trước thanh tịnh
thì thức thứ bảy là Mạt-na thức mới thanh tịnh. Khi Ý thức và năm thức trước
huân tu đầy đủ công đức rồi, mới chuyển thức thứ tám là A-lại-da thức thành Như
Lai tàng. Nên nói Hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn xuất gia rồi, khuyên phu nhân
Tịnh Đức và vua Diệu Trang Nghiêm hướng về đạo để tu hành. Hoàng tử Tịnh Tạng
và Tịnh Nhãn dẫn đường cho phu nhân và Hoàng đế đi tu, lẽ ra phải được Phật thọ
ký trước, Hoàng đế tới sau được thọ ký sau. Nhưng, ngược lại khi thọ ký thì
Phật thọ ký cho vua Diệu Trang Nghiêm, mà không thọ ký cho Hoàng tử Tịnh Tạng và
Tịnh Nhãn. Để thấy thành Phật là A-lại-da thức thành, còn những thức kia chỉ là
diệu dụng thôi. Nên khi loại hết chủng tử thiện ác rồi thì A-lại-da thức thành
cái kho thanh tịnh gọi là Như Lai tàng. Thức A-lại-da mang chủng tử thiện ác ở
đời quá khứ đến thọ sanh ở đời hiện tại. Khi mang thân người thì tất cả nghiệp
thiện hay ác đều chứa chấp đủ. Nếu chuyển được nó thì thành Phật, còn nếu chưa
chuyển được nó, dầu cho tu các thức kia cũng không thể thành Phật. Vì vậy,
trong Duy thức học nói thức A-lại-da đi thì đi sau đến thì đến trước, nên nói
nó là gốc là chủ. Đó là hình ảnh biểu trưng của sự tu tiến.
CHÁNH
VĂN:
2.- Lúc đó, đức Phật kia vì muốn dẫn dắt vua Diệu Trang Nghiêm cùng thương tưởng hàng chúng sanh nên nói kinh Pháp Hoa này.
Bấy giờ, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, hai người con đến chỗ của mẹ,
chấp tay thưa mẹ rằng: "Mong mẹ đến nơi chỗ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương
Hoa Trí, chúng con cũng sẽ theo hầu gần gũi cúng dường lễ lạy."
Vì sao? Vì đức Phật đó ở trong tất cả chúng trời, người mà
nói kinh Pháp Hoa, nên phải nghe và tin nhận.
Mẹ bảo con rằng: "Cha
con tin theo ngoại đạo, rất ham pháp Bà-la-môn, các con nên qua thưa với cha để
cùng nhau đồng đi."
Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn chấp tay thưa mẹ: "Chúng con là
Pháp vương tử mà lại sanh vào nhà tà kiến này!"
Mẹ bảo con rằng: "Các con nên thương tưởng cha các
con, mà vì đó hiển phép thần thông biến hóa, nếu cha con được thấy lòng ắt
thanh tịnh, hoặc là chịu cho chúng ta qua đến chỗ Phật."
GIẢNG:
Đoạn này chúng ta thấy rõ ý nghĩa của những hình ảnh biểu trưng đó.
Lúc bấy giờ Phật nói kinh Pháp Hoa vì muốn độ vua Diệu Trang Nghiêm cùng chúng
sanh trong thời đó. Hai anh em Hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn xin phép Hoàng
hậu và mời Hoàng hậu đi nghe kinh. Hoàng hậu khuyên hai con nên mời nhà vua
cùng đi. Nhắc tới Vua cha, hai Hoàng tử mới than rằng: "Chúng con là Pháp
vương tử mà lại sanh vào nhà tà kiến này!" Tại sao nói nhà Vua theo ngoại
đạo tà kiến? Nhà Vua là chỉ cho thức A-lại-da huân chứa chủng tử cũ. Trước khi
đức Phật ra đời đã có đạo Bà-la-môn nên con người đã có sẵn chủng tử đó. Bây
giờ muốn chuyển thì khó khăn lắm, phải đầy đủ diệu dụng mới chuyển được. Vì vậy
Hoàng hậu khuyên hai người con nên dùng phép thần thông để chuyển tâm ý Vua cha.
CHÁNH VĂN:
3.- Lúc ấy, hai người con thương cha nên bay lên hư không
cao bằng bảy cây đa-la, hiện các món thần biến. Ở trong hư không đi, đứng,
ngồi, nằm, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra
lửa, hoặc hiện thân lớn đầy trong hư không rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn, ở
trong hư không ẩn mất, bỗng nhiên hiện trên đất, vào đất như vào nước, đi trên
nước như đi trên đất, hiện các món thần biến như thế làm cho vua cha lòng thanh
tịnh tin hiểu.
Bấy giờ, cha thấy con có sức
thần như thế, lòng rất vui mừng được chưa từng có, chấp tay hướng về phía con
mà nói rằng: "Thầy các con là ai, con là đệ tử của ai?"
Hai người con thưa rằng: "Đại vương! Đức Vân Lôi Âm
Tú Vương Hoa Trí Phật kia nay đương ngồi trên pháp tòa dưới cây bồ-đề bằng bảy
báu, ở trong tất cả chúng trời, người thế gian, rộng nói kinh Pháp Hoa, đó là
thầy chúng con, con là đệ tử."
Cha nói với con rằng: "Ta nay cũng muốn ra mắt thầy
các con, nên cùng nhau đồng đi." Khi đó hai người con từ trong hư không xuống,
đến chỗ của mẹ chấp tay thưa mẹ rằng: "Phụ vương nay đã tin hiểu, có thể
kham phát được tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng con đã vì cha làm
Phật sự rồi, mong mẹ bằng lòng cho chúng con, ở nơi chỗ đức Phật kia mà xuất
gia tu hành Phật đạo."
Lúc đó, hai người con muốn tuyên lại ý mình nói kệ thưa:
Mong mẹ cho các con
Xuất gia làm Sa-môn
Các Phật rất khó gặp
Chúng con theo Phật học
Như hoa ưu-đàm-bát
Gặp Phật lại khó hơn
Khỏi các nạn cũng khó
Mong cho các con xuất gia.
Mẹ liền bảo con rằng: "Cho các con xuất gia. Vì sao? Vì Phật khó gặp vậy."
GIẢNG:
Thông thường chúng ta tu là do Ý thức lanh lợi, giản trạch rõ lẽ chánh tà, chân ngụy, rồi từ từ chuyển hóa Ý thức trở thành thanh tịnh. Do Ý thức thanh tịnh mới có diệu dụng huân lại những chủng tử trong A-lại-da, nhờ đó thức A-lại-da lần lần chuyển theo. Ý thức và năm thức trước tiếp xúc bên ngoài, nó huân tất cả những cái hay cái tốt, mới có công năng hướng thức A-lại-da trở thành thanh tịnh, nên ở đây nói là hai Hoàng tử hiện thần thông cho nhà Vua tin để rồi đưa nhà Vua tới chỗ Phật ngự.
Sau khi hướng dẫn Vua cha đến với đức Phật, hai Hoàng tử đồng xin xuất gia, vì
đã làm tròn bổn phận là đưa cha về với chánh pháp. Chúng ta thấy rõ, khi Ý thức
và năm thức trước đã chuyển thì thức A-lại-da cũng chuyển thành trí, thì tất cả
thức đều được thanh tịnh hoàn toàn, ý nghĩa này đoạn sau sẽ giải thích.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, hai người con thưa cha mẹ
rằng: "Lành thay, cha mẹ! Xin liền qua đến chỗ đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa
Trí Phật để gần gũi cúng dường.
Vì sao? Vì Phật khó gặp được, như hoa linh thoại, lại như
rùa một mắt gặp bộng cây nổi mà chúng ta do phước đời trước sâu dày, sanh đời
này gặp Phật pháp, xin cha mẹ nên cho chúng con được xuất gia.
Vì sao? Vì các đức Phật khó gặp được, thời kỳ gặp Phật cũng
khó có."
GIẢNG:
Lại
mộ�t lần nữa hai Hoàng tử xin xuất gia vì lý do được gặp Phật là khó. Nay có
phước duyên lớn, sanh nhằm thời Phật ra đời, là cơ hội tốt được gặp Phật, nên
hai Hoàng tử nguyện đi theo con đường của Phật để chóng thoát sanh tử.
CHÁNH VĂN:
5.- Lúc đó, nơi hậu cung của vua Diệu Trang Nghiêm có tám
muôn bốn nghìn người thảy đều có thể kham thọ trì kinh Pháp Hoa này Tịnh Nhãn Bồ-tát từ lâu đã thông đạt nơi "Pháp
Hoa tam-muội". Tịnh Tạng Bồ-tát đã từ vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp,
thông đạt môn "Ly chư ác thú tam-muội", vì muốn làm cho tất cả chúng
sanh lìa các đường dữ vậy.
Phu nhân của vua được môn "Chư Phật tập
tam-muội", hay biết được tạng pháp bí mật của các đức Phật. Hai người con
dùng sức phương tiện, khéo hóa độ Vua cha như thế, khiến cho lòng cha tin hiểu
ưa mến Phật pháp.
GIẢNG:
Nhà
Vua đi đâu là có cả tám muôn bốn ngàn người ở hậu cung đi theo, những người đó
đều thọ trì kinh Pháp Hoa. Điều đó cho chúng ta thấy rằng thức A-lại-da chứa vô
số chủng tử, nên khi thức A-lại-da chuyển thì bao nhiêu chủng tử liền theo đó
chuyển hết. Đây nói Tịnh Nhãn thì được Pháp Hoa tam-muội, Tịnh Tạng thì được Ly
chư ác thú tam-muội. Pháp Hoa tam-muội là Tri kiến Phật, mà Tri kiến Phật lúc nào
cũng hiện hữu nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của mỗi người, nên nói Tịnh Nhãn
được Pháp Hoa tam-muội. "Ly chư ác thú tam-muội" là chánh định lìa
các đường ác, hay nói cách khác Ý thức đã chuyển, không tạo các nghiệp ác nên được
thanh tịnh. Động lực dẫn con người đi vào đường ác cũng là Ý thức, lìa các
nghiệp ác được thanh tịnh cũng là Ý thức.
Phu
nhân Tịnh Đức thì được "Chư Phật tập tam-muội". "Chư Phật tập
tam-muội" là chánh định do chư Phật nhóm họp, phu nhân được định này.
Đoạn này chúng ta thấy chia ra bốn nhóm: nhóm thứ nhất
chỉ cho Tiền ngũ thức, nhóm thứ hai chỉ cho Ý thức, nhóm thứ ba chỉ cho Mạt-na
thức, nhóm thứ tư chỉ cho A-lại-da thức. Chúng ta thấy rõ Ý thức là động lực
chính tạo nghiệp và chuyển nghiệp. Còn những thức kia có công năng đi theo thôi,
nhất là Mạt-na thức, qua hình ảnh phu nhân Tịnh Đức không có công gì hết, chỉ
có việc đi theo vua Diệu Trang Nghiêm. Giống như Sa Tăng quảy hành lý theo Tam
Tạng đi thỉnh kinh. Tịnh Nhãn như Trư Bát Giới, Tịnh Tạng như Tề Thiên tài ba mưu
lược. Vua Diệu Trang Nghiêm là Tam Tạng thì không khôn lanh, chậm chạp, nhưng
Ngài là chủ, những người kia theo trợ giúp cho Ngài nên khi thành tựu kết quả
thì chính Ngài nhận lãnh. Qua đoạn này chúng ta thấy trọng tâm tu, là chuyển Ý
thức thành Diệu quan sát trí, năm thức trước thành Thành sở tác trí, Mạt-na
thức thành Bình đẳng tánh trí, A-lại-da thức thành Đại viên cảnh trí. Rõ ràng
chuyển tám thức thành bốn trí.
CHÁNH VĂN:
6.- Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng chung với quần thần quyến thuộc, Tịnh Đức phu nhân
cùng chung với thể nữ quyến thuộc nơi hậu cung, hai người con của vua, cùng
chung với bốn muôn hai nghìn người, đồng một lúc đi qua chỗ Phật. Đến
rồi, đầu mặt lạy chân Phật, đi quanh Phật ba vòng, rồi đứng qua một
phía.
Lúc đó, đức Phật kia vì Vua nói pháp, chỉ dạy làm cho
được lợi ích vui mừng, Vua rất vui đẹp.
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng phu
nhân mở chuỗi trân châu giá trị trăm nghìn đeo nơi cổ, để rải trên đức Phật, chuỗi
đó ở giữa hư không hóa thành đài báu bốn trụ, trong đài có giường báu lớn trải
trăm nghìn muôn thiên y, trên đó có đức Phật ngồi xếp bằng phóng hào quang sáng
lớn.
GIẢNG:
Vua Diệu Trang Nghiêm mới gặp Phật lần
đầu, liền phát tâm cúng dường chuỗi ngọc, chuỗi ngọc biến thành đài báu, trên
đài báu có Phật ngồi xếp bằng phóng hào quang. Như vậy, vừa khởi tâm cúng dường
Phật thì Phật hiện tiền.
CHÁNH VĂN:
7.- Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm nghĩ rằng: Thân Phật tốt đẹp riêng lạ ít có, thành tựu Sắc thân vi diệu thứ nhứt.
Bấy giờ, đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật, bảo bốn chúng rằng: "Các ngươi thấy vua Diệu Trang Nghiêm chấp tay đứng trước ta đó chăng?
Vị Vua này ở trong pháp ta làm Tỳ-kheo siêng ròng tu tập các món trợ Phật đạo pháp, sẽ được làm Phật hiệu Ta-la Thọ Vương, nước tên Đại Quang, kiếp tên Đại cao vương.
Đức Ta-la Thọ Vương Phật có vô lượng
chúng Bồ-tát và vô lượng Thanh văn, nước đó bằng thẳng công đức như thế."
GIẢNG:
Hai Hoàng tử và phu nhân phát tâm tu
trước mà không được Phật thọ ký, nhà Vua vừa mới phát tâm cúng dường liền được Phật
thọ ký. Như vậy, để thấy rõ ý nghĩa A-lại-da thức chuyển từ mê thành ngộ, từ ô
nhiễm thành thanh tịnh, nó là cái nhân chánh để thành Phật, chớ bảy thức còn
lại là phụ không phải là nhân tố chánh để thành Phật.
CHÁNH VĂN:
8.- Vua Diệu Trang Nghiêm liền đem nước giao cho em, rồi cùng phu nhân, hai người con và các quyến thuộc, ở trong Phật pháp xuất gia tu hành đạo hạnh.
Vua xuất gia rồi trong tám muôn bốn nghìn năm thường siêng tinh tấn tu hành kinh Diệu Pháp Liên Hoa; qua sau lúc đây, được môn "Nhứt thiết tịnh công đức trang nghiêm tam-muội".
Liền bay lên hư
không cao bảy cây đa-la mà bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Hai người con của con
đây đã làm Phật sự, dùng sức thần thông biến hóa, xoay tâm tà của con, làm cho
con được an trụ trong Phật pháp, được thấy Thế Tôn. Hai người con này là thiện
tri thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước lợi ích cho con nên đến
sanh vào nhà con."
Lúc đó, đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa TríPhật bảo vua Diệu
Trang Nghiêm rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói, nếu có thiện nam
tử, thiện nữ nhân nào trồng cội lành thời đời đời được gặp thiện tri thức, vị thiện
tri thức hay làm Phật sự, chỉ dạy cho lợi ích vui mừng, khiến vào đạo Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác.
Đại vương nên biết! Vị thiện tri thức đó là nhân duyên
lớn, giáo hóa dìu dắt làm cho được thấy Phật, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác.
Đại vương! Ông thấy hai người con này chăng? Hai người
con này đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm nghìn muôn ức na-do-tha hằng hà sa
các đức Phật. Gần gũi cung kính, nơi chỗ các đức Phật thọ trì kinh Pháp Hoa,
thương tưởng những chúng sanh tà kiến làm cho trụ trong chánh kiến."
Diệu Trang Nghiêm vương liền từ trong hư không xuống mà
bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Như Lai rất ít có do công đức trí huệ nên nhục
kế trên đảnh sáng suốt chói rỡ. Mắt Phật dài rộng mà sắc xanh biếc, tướng lông
trắng chặng mày như ngọc kha nguyệt, răng trắng bằng và khít thường có ánh sáng,
môi sắc đỏ đẹp như trái tần-bà."
Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm khen ngợi Phật có vô lượng
trăm nghìn muôn ức công đức như thế rồi, ở trước Như Lai một lòng chấp tay lại
bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Chưa từng có vậy! Pháp của Như Lai đầy đủ trọn
nên bất khả tư nghì công đức vi diệu, dạy răn chỗ tu hành an ổn rất hay. Con từ
ngày nay chẳng còn lại tự theo tâm hành của mình chẳng sanh những lòng ác: kiêu
mạn, giận hờn, tà kiến."
Vua thưa lời đó rồi, lạy Phật mà ra.
GIẢNG:
Vua Diệu Trang Nghiêm phát tâm tu liền
giao hết triều đình, quốc dân cho em, cả gia đình cùng xuất gia và được
"Nhứt thiết tịnh công đức trang nghiêm tam-muội", tức là chánh định mà
tất cả công đức đều được thanh tịnh trang nghiêm. Ngài tán thán Phật và nói
rằng Ngài được tu hành là do hai người con làm thiện tri thức, giúp Ngài phát
khởi căn lành. Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí cũng xác nhận là đúng như vậy.
Chúng ta thấy, thiện nam thiện nữ có sẵn căn lành nhờ thiện tri thức hướng dẫn
khiến vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu có sẵn duyên lành mà không
gặp thiện tri thức, thì duyên lành đó cũng khó phát triển. Thế nên thiện tri
thức là người có công lớn đối với người tu hành. Ví dụ như tôi không gặp Hòa
thượng Viện trưởng cho xuất gia, thì không biết bây giờ tôi trôi nổi ra sao?
Nhờ thiện hữu tri thức giáo hóa hướng dẫn, chúng ta mới nhận được đạo lý rồi từ
đó tiến tu. Vì vậy mà ơn của thiện tri thức đối với chúng ta lớn vô kể, nếu
người không tu tiến thì ơn thiện tri thức thấy như không có. Đó là đứng trên sự
mà nói. Về lý thì, sở dĩ A-lại-da thức mà được thanh tịnh sáng suốt, là nhờ Ý
thức và Tiền ngũ thức chuyển và hướng dẫn. Vậy A-lại-da thức được chuyển thành
trí là nhờ những thức trước chuyển mà chuyển theo. Cho nên thức thứ tám được
quả mà không phải công của mình, mà do công của những thức kia. Ở đây biểu
trưng qua hình ảnh vua Diệu Trang Nghiêm tán thán hai người con là thiện tri
thức của mình.
Phật lại nói: "Hai người con của nhà vua đã cung kính cúng dường sáu mươi lăm trăm ngàn muôn ức na-do-tha hằng hà sa đức Phật, thọ trì kinh Pháp Hoa, và làm cho chúng sanh hết tà kiến trụ trong chánh kiến." Điều này cho chúng ta thấy Ý thức và Tiền ngũ thức là quan trọng, vì Tri kiến Phật luôn hiện hữu ở những thức này. Khi đã nhận ra Tri kiến Phật liền từ đó chuyển lần tới A-lại-da thức. Nên nói Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng đã thọ trì kinh Pháp Hoa với thời gian rất lâu không thể tính kể.
Vua Diệu Trang Nghiêm tán thán tướng
tốt của Phật. Sở dĩ Ngài được tướng tốt như: trên nhục kế có hào quang sáng
suốt, mắt dài rộng xanh biếc, tướng lông trắng giữa chặng mày như hòn ngọc...
là do phước đứ�c sâu dày trang nghiêm, không phải do tình phàm mà có được tướng
phi thường như vậy. Tới đây Vua lại nói: "Từ nay con chẳng còn tự theo tâm
hành của mình." Tâm hành là chỉ cho chủng tử do năm thức trước và Ý thức
huân tập, rồi Mạt-na thức đưa vào A-lại-da thức. Do có chủng tử ở A-lại-da thức
nên khởi ra hiện hành, chủng tử tốt thì khởi hiện hành tốt, chủng tử xấu thì
khởi hiện hành xấu. Chủng tử khởi hiện hành, hiện hành huân thành chủng tử, cứ
như vậy mà tiếp nối không dừng. Nên đây nói: "chẳng còn tự theo tâm
hành", tức là không còn theo những chủng tử mà sanh lòng ác kiêu mạn, giận
hờn, tà kiến, nên được thanh tịnh.
CHÁNH
VĂN:
9.- Phật bảo đại chúng: "Ý các ông nghĩ sao? Vua Diệu Trang Nghiêm đâu phải người nào lạ, nay chính là Hoa Đức Bồ-tát, bà Tịnh Đức phu nhân nay chính là Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ-tát hiện đương ở trước Phật. Hai người con vì thương xót vua Diệu Trang Nghiêm và các quyến thuộc nên sanh vào trong cung vua, nay chính là Dược Vương Bồ-tát cùng Dược Thượng Bồ-tát.
Dược Vương và Dược Thượng Bồ-tát này
thành tựu các công đức lớn như thế, đã ở chỗ vô lượng trăm nghìn muôn ức các đức
Phật trồng các cội công đức, thành tựu bất khả tư nghì những công đứ�c lành.
Nếu có người biết danh tự của hai vị Bồ-tát này thời tất cả trong đời, hàng
trời, nhân dân cũng nên lễ lạy."
Lúc Phật nói phẩm "Diệu Trang
Nghiêm Vương Bổn Sự" này có tám muôn bốn nghìn người xa trần lụy, rời cấu
nhiễm, ở trong các pháp chứng được pháp nhãn tịnh.
GIẢNG:
Phật hợp thức chuyện xưa thành hiện tại. Vua Diệu Trang Nghiêm thời xưa, nay chính là Bồ-tát Hoa Đức, Hoàng tử Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng nay là Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng. Dược Vương là Vua thầy thuốc và Dược Thượng là thầy thuốc bậc trên. Chúng sanh có những bệnh như tham lam, sân giận, si mê, kiêu căng, bỏn sẻn... phát sanh từ Ý thức và năm thức trước. Khi chuyển Ý thức và năm thức trước, hết những bệnh trên gọi đó là Dược Vương và Dược Thượng. Hai vị Bồ-tát này hay chuyển cái xấu cái tà thành cái hay cái chánh, nên công đức của hai vị Bồ-tát này rất lớn. Phật dạy nếu có người biết danh tự của hai vị Bồ-tát này thời tất cả trong đời, hàng trời, nhân dân cũng nên lễ lạy. Nghĩa là Ý thức và năm thức trước trở thành thầy thuốc trị hết bệnh tham, sân, kiêu mạn... là bậc tôn kính đáng đảnh lễ.
Trọng tâm của phẩm này là phá Thức ấm trong thân năm ấm, ở kinh Lăng Nghiêm gọi là Ngũ ấm ma. Sắc ấm, Thọ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm và Thức ấm che khuất Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi người, phá tan năm ấm đó thì Tri kiến Phật hiển hiện. Cũng như mặt trăng khi mây tan trời trong thì sáng vằng vặc. Phá xong Thức ấm đi tới quả Phật không còn khó khăn nữa. Tới đây là xong phần Nhập Tri kiến Phật.