- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
TOÁT YẾU TOÀN BỘ
Toàn bộ
kinh Pháp Hoa có bảy quyển, hai mươi tám phẩm. Để thấy ý toàn bộ, chúng ta nên
lược qua từng phẩm:
1- Phẩm Tự:Phẩm này chỉ chủ yếu của toàn bộ. Hình ảnh Phật phóng
quang từ lông trắng giữa chặng mày, ánh sáng soi khắp phương Đông, thông trên
suốt dưới, theo ánh sáng hội chúng thấy chúng sanh trong lục đạo, tạo nghiệp
thọ báo và thấy chư Phật tu nhân chứng quả giáo hóa chúng sanh. Đây là biểu trưng
Tánh giác (Tri kiến Phật) rỗng suốt, không kẹt hai bên, biết rõ nguyên nhân
luân hồi sanh tử và nguyên nhân giải thoát sanh tử. Tánh giác rời ngôn ngữ và
tâm thức suy tư, cho nên Phật chỉ hiện tướng mà không nói một lời. Chỉ Căn bản
trí mới thấu suốt được Tánh giác, vọng thức thì không sao hiểu nổi. Vì thế, đức
Di-lặc (thức) khởi nghi hỏi Bồ-tát Văn-thù (trí).
2- Phẩm Phương Tiện:Từ chỗ vô ngôn đến đây phải dùng ngôn thuyết, ấy
là phương tiện. Lại nữa, Phật dùng mọi phuơng tiện dẫn dắt chúng sanh, cứu kính
đều đưa đến ngộ nhập Tri kiến Phật (Tánh giác). Đây là mục đích chung của chư
Phật. Dù trước có nói các pháp khác song cũng là phương tiện đưa đến cứu kính
này. Tuy nhiên Tri kiến Phật rất khó tin hiểu, nên phải thiết tha cầu thỉnh hai
ba phen Phật mới nói.
3- Phẩm Thí Dụ:Sau khi Phật phương tiện dùng ngôn ngữ trình bày, người
căn cơ lanh lợi bậc thượng liền nhận ra Tri kiến Phật của chính mình. Đây là
chỗ đốn ngộ của Xá-lợi-phất, Tôn giả vui mừng hớn hở được điều chưa từng có
trình lên Phật. Phật liền ấn chứng (thọ ký) cho Ngài sau này sẽ thành Phật. Tuy
vậy những căn cơ kém bén nhậy còn chưa nhận ra, Phật phải dùng thí dụ nhà lửa
và ba xe, cuối cùng chỉ cho một xe "bạch ngưu".
4- Phẩm Tín Giải: Đây là trình bày kiến giải của mình
để Phật ấn chứng. Những vị Thanh văn kỳ cựu đến đây mới nhận rõ Tri kiến Phật của
mình, vui mừng vô hạn, như chàng cùng tử được cha trao cả sự nghiệp, điều mà
trước kia chưa bao giờ dám nghĩ đến. Các ngài dùng thí dụ này trình kiến giải
lên Phật.
5- Phẩm Dược Thảo Dụ:Lẽ ra, sau khi trình kiến giải của
mình liền được Phật thọ ký ngay, song cần phải khích lệ những căn cơ bậc trung,
cố gắng nhận ra Tri kiến Phật, nên Phật ví dụ đám mưa mọi cây cỏ đều được thấm
nhuần. Các căn cơ có khác, nhưng đều được lợi ích trong một trận pháp vũ này.
6- Phẩm Thọ Ký:Thọ ký là tên khác của ấn chứng trong nhà thiền. Khi các
vị Ma-ha Ca-diếp v.v. trình bày chỗ sở ngộ rồi, Phật liền thọ ký (ấn chứng) cho
mỗi vị tương lai sẽ thành Phật. Đây mới đốn ngộ Phật thừa, còn phải tiệm tu
Bồ-tát hạnh, sau mới chứng thành Phật quả.
7- Phẩm Hóa Thành Dụ:Giải thích một lần nữa về phương tiện
của đức Phật, để những vị căn cơ bậc trung thấy rõ Tri kiến Phật của mình. Dùng
thí dụ Hóa thành và Bảo sở để sách tiến các ngài vượt lên, đừng đắm luyến trong
quả vị Thanh văn.
8- Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký:Giờ đây hàng căn cơ
bậc trung đã thấy rõ Tri kiến Phật của mình. Đại diện năm trăm vị, ngài Mãn Từ
Tử trình bày sở ngộ, theo đó Phật thọ ký năm trăm vị tương lai đều thành Phật.
9- Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký: Đến đây hàng hữu
học và vô học mới nhận ra Tri kiến Phật của mình, tự nhận mình có phần trong
Phật thừa, mong được Phật thọ ký. Phật thọ ký các ngài trong tương lai đều sẽ
thành Phật.
10- Phẩm Pháp Sư:Còn một số căn cơ hạ liệt, chưa dám nhận Tri kiến Phật của
mình. Phật muốn thúc đẩy họ tiến lên, cần khuyến khích họ thọ trì cúng dường
tùy hỉ giáo hóa thì tương lai đều thành Phật.
11- Phẩm Hiện Bảo Tháp:Tháp bảy báu hiện
giữa hư không trang nghiêm đẹp đẽ, trong có toàn thân Phật Đa Bảo. Phật Đa Bảo
tượng trưng cho Pháp thân, tháp bảy báu tượng trưng cho thất đại. Đến đây, Phật
chỉ rõ ngay trong thân thất đại này đã hàm chứa Pháp thân hay Tri kiến Phật.
Song làm sao thấy được Pháp thân, cần phải thu nhiếp vọng tưởng lại mới thấy.
Cho nên trong kinh nói: "Phật Đa Bảo có nguyện sâu: Nếu lúc tháp báu của ta
vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra trước các đức Phật, vị Phật nào muốn đem thân
ta chỉ bày cho bốn chúng, Phật đó phải nhóm họp tất cả Phật của mình phân thân
ra thuyết pháp ở mười phương về một chỗ, sau thân ta mới hiện." Phật phân
thân chỉ cho Ý thức phân tán chạy theo sáu trần, chúng tụ họp về một chỗ là an
định, Pháp thân sẽ hiện tiền. Đây là chỉ rõ cho đại chúng biết Tri kiến Phật đã
nằm sẵn trong lầu ngũ uẩn hay trong tháp thất đại.
12- Phẩm Đề-bà-đạt-đa:Đã chỉ rõ Tri kiến Phật ở trong lầu
năm uẩn hay thất đại, mà người căn cơ hạ liệt vẫn chưa tin chưa hiểu. Một lần nữa
Phật lại chỉ cặn kẽ, dù tạo tội ngũ nghịch như Đề-bà-đạt-đa, ty tiện như thân
Long nữ vẫn có Tri kiến Phật, gặp duyên hóa độ liền ngộ đạo, đều sẽ thành Phật
không nghi.
13- Phẩm Trì:Đến đây tất cả vị Tỳ-kheo ni đều buông xả tâm hạ liệt, đinh
ninh rằng người nữ tu hành không thể thành Phật, quí vị tự nhận mình có phần
thành Phật, vì mình đồng có Tri kiến Phật như tất cả những vị đã ngộ, được Phật
thọ ký. Do đó, Phật tuần tự thọ ký riêng và chung cho Ni chúng.
14- Phẩm An Lạc Hạnh:Trên đã xong phần mọi căn cơ đều đốn
ngộ, đến đây là phần tiệm tu Bồ-tát hạnh. Hay nói cách khác, ở trên đã ngộ Tri
kiến Phật, từ đây về sau là nhập Tri kiến Phật. Nói theo Thiền thì ở trên đã
Kiến tánh, từ đây về sau khởi tu. Kinh nói: "Ở trong đời ác sau, hộ trì
đọc tụng giảng nói kinh Pháp Hoa", có nghĩa là sống và bảo vệ Tri kiến
Phật của mình. Muốn bảo vệ Tri kiến Phật trước phải gìn giữ giới luật, tức là
an trụ bốn pháp vậy.
15- Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất:Do công phu tu trì,
bảo vệ Tri kiến Phật, tự trong thân phát Trí vô sư. Trí này từ thân tứ đại xuất
phát, nên nói Bồ-tát từ dưới đất vọt lên. Trí vô sư do công phu tu hành mà
được, nên có khả năng chống lại sanh tử; nó từ Chân tánh lưu xuất không sanh
không diệt, nên tương ưng với Tri kiến Phật. Vì thế Phật không chấp nhận Bồ-tát
ở tha phương duy trì truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi này, chỉ dành cho chư Bồ-tát
từ đất vọt lên duy trì. Bồ-tát tha phương biểu trưng Trí hữu sư. Trí này do học
tập được, còn phân biệt giản trạch, thuộc về trí sanh diệt, không đủ khả năng
bảo vệ Tri kiến Phật.
16- Phẩm Như Lai Thọ Lượng:Đã có Trí vô sư
phát sanh mới nhận rõ Pháp thân (Tri kiến Phật) bất sanh bất diệt, thường hằng
chẳng đổi. Tuổi thọ của Pháp thân đồng tuổi thọ của hư không, vì Pháp thân không
tướng làm gì bị vô thường và tan hoại. Như Lai ở đây là Tri kiến Phật hay Pháp
thân, thường nằm sẵn trong thân năm uẩn của chúng ta, song không mấy ai nhận
ra, chỉ khi nào Trí vô sư phát sanh mới thể hiện được Pháp thân. Vì thế nên nói
rất khó tin khó hiểu, người tin hiểu được thì công đức vô lượng.
17- Phẩm Phân Biệt Công Đức:Pháp thân chân thật
bất biến; người tin nhận được Pháp thân là đã biết lối trở về Chân tánh. Mọi
công đức của thế gian đều là công đức tương đối sanh diệt, nên hữu hạn hữu
lượng. Người nhận ra Pháp thân chân thật là vô sanh, nên công đức vô hạn vô
lượng. Vì thế nếu đem so sánh thì không công đức nào của thế gian có thể sánh
kịp.
18- Phẩm Tùy Hỉ Công Đức:Công đức của người
nhận ra Pháp thân đã cao tột như vậy, người phát tâm tùy hỉ công đức này ắt
cũng vô ngần. Phát tâm tùy hỉ tức đã có phần nhận hiểu, khuyến khích kẻ khác
tức đã tự hâm mộ, cho nên người tùy hỉ kinh này, khuyến khích kẻ khác nghe
kinh. đều là công đức vô biên.
19- Phẩm
Pháp Sư Công Đức:Công
đức Pháp sư hay công đức của người sống với Tri kiến Phật, y cứ nơi sáu căn
phát hiện. Sáu căn là chỗ phát sáng của hòn ngọc Tánh giác, không nương sáu căn
làm sao thấy được hòn ngọc. Hằng sống trở lại Tánh thấy Tánh nghe của mình là
cửa vào Tánh giác, con đường vào cửa Niết-bàn. Khi sáu căn thuần tịnh thì tự nó
trở thành Lục thông, khỏi cần tập luyện mới có thần thông.
20- Phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát:Người sống với Tri
kiến Phật và truyền bá cho mọi người phải kiên trì nhẫn nhục, vì làm một điều
khó làm, dạy một điều khó dạy. Biết mọi người đều có Tri kiến Phật, người ngộ
trước nào dám khinh người ngộ sau, người đã ngộ cố chỉ cho người sẽ ngộ. Đây là
việc làm của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Ngài trì kinh Pháp Hoa và truyền bá kinh Pháp
Hoa bằng cách gặp ai cũng bái xá nói rằng: "Tôi chẳng dám khinh quí Ngài,
quí Ngài đều sẽ thành Phật". Tu nhân như thế, Ngài kết quả thành Phật,
gieo nhân như thế, kết quả mọi người được dự hội Pháp Hoa. Thế là trì kinh bằng
cách chính mình sống với Tri kiến Phật của mình, truyền bá là gieo cho mọi
người đủ niềm tin mình có Tri kiến Phật.
21- Phẩm Như Lai Thần Lực:Đã biết sống trở về
Pháp thân, khi được thuần thục thì diệu dụng bất khả tư nghì. Tất cả diệu dụng
ấy đều từ chỗ Vô tác diệu trí phát sanh, không phải sự dụng công cố gắng nào
cả. Diệu dụng do công phu tu hành trở về Tánh giác là một lẽ thật không còn
nghi ngờ gì nữa. Cho nên ở đây Phật bày tướng lưỡi rộng dài, tất cả lỗ chân lông
đều phóng quang .
22- Phẩm Chúc Lụy:Tri kiến Phật là tuệ mạng của chúng sanh, là trí tuệ của chư
Phật, con đường cầu giác ngộ không còn lối nào khác hơn. Thế nên truyền bá cho
mọi người nhận ra Tri kiến Phật là trách nhiệm tối thượng của người ngộ trước.
Ngọn đèn trí tuệ duy nhất để phá đêm tối vô minh của thế gian là Tri kiến Phật.
Vì vậy đức Phật chúc lụy truyền bá kinh Pháp Hoa.
23- Phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự:Trên con đường tu
hành muốn đến Phật quả phải dẹp sạch chấp năm ấm, gọi là Ngũ ấm ma. Vì năm ấm
che đậy khiến Phật tánh không hiển lộ. Phẩm này là phá Sắc ấm. Thân tứ đại là
Sắc ấm, Bồ-tát khi được "chánh định hiện tất cả sắc thân" rồi, liền
thiêu thân cúng dường Phật, tức là phá Sắc ấm. Pháp thân là thể của Báo thân và
Hóa thân, được "chánh định hiện tất cả sắc thân", tức là nhập Pháp thân.
Khi Bồ-tát thâm nhập Pháp thân thì xem sắc thân như bóng như bọt, không còn cố
chấp làm ngã. Xả chấp sắc thân hướng về Pháp thân nên nói thiêu thân cúng dường
Phật. Xả sắc thân rồi cần phải xả sáu trần mới viên mãn phá Sắc ấm, cho nên
Bồ-tát sau lại đốt luôn hai cánh tay cúng dường Phật. Chấp ngã chấp pháp đã dẹp
sạch đó là chân thật cúng dường Như Lai.
24- Phẩm Diệu Âm Bồ-tát: Phá Sắc ấm rồi đến
đây phá luôn Thọ ấm. Thọ ấm không hình tướng nên Bồ-tát Diệu Âm đến, mà chúng
không thấy, phải đợi Phật Đa Bảo dạy Ngài hiện, chúng mới thấy. Bởi có nhận
được Pháp thân mới thấy Thọ ấm là hư giả, thấy rồi mới phá dẹp được chúng.
Bồ-tát Diệu Âm từ xa lại để nói lên sáu trần từ ngoài đến mới có lãnh thọ. Xả
mọi lãnh thọ, không cố chấp, là phá được Thọ ấm. Nhân tu của Bồ-tát Diệu Âm do
dùng âm nhạc và bát vàng cúng Phật, nên được quả báo tốt đẹp và nhiều diệu dụng.
Cúng dường là tên khác của bố thí, tức là buông xả, cúng dường âm nhạc là buông
xả âm thanh, cúng dường bát vàng là buông xả sắc tướng. Âm thanh và sắc tướng là
hai thứ nổi bật trong sáu trần, nói hai thứ đủ đại biểu cho sáu trần.
25- Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn: Phẩm này phá trừ
Tưởng ấm. Tưởng là nhân đau khổ của tất cả chúng sanh. Bởi vì có tưởng là có
đau khổ. Một viên đạn, một nhát dao bén phạm vào người một cách quá nhanh,
không kịp tưởng tượng, chúng ta không nghe sợ, cũng không nghe đau. Sau đó,
tưởng tượng lại, chúng ta mới kinh sợ. Thế nên mọi khổ ải trên thế gian này bởi
tưởng mà có. Muốn hết khổ không gì hơn hết tưởng, tưởng hết mọi đau khổ đều
sạch. Niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm liền hết khổ. Quán Thế Âm là Phản văn
văn tự tánh. Trở lại Tánh giác thì mọi tưởng đều lặng, còn đau khổ nào mà chẳng
khỏi. Sống được với Tánh giác, mọi công hạnh, mọi diệu dụng đều đầy đủ. Trong
sáu căn, nhĩ căn là viên thông hơn cả, người tu muốn trở về Tánh giác nên từ
nhĩ căn mà tu thì chóng được kết quả. Nên kinh nói niệm danh hiệu Bồ-tát Quán
Thế Âm, công đức thù thắng hơn tất cả. Niệm bằng cách nào? Nghĩa là phản quán
lại Tánh giác chân thật của mình. Quán được thanh tịnh thì trí tuệ phát sanh,
lòng từ bi đầy đủ, hằng tu như vậy đến khi nào hoàn toàn thanh tịnh, mặt trời
trí tuệ liền phát sanh, soi sáng cả thế gian. Như đoạn văn trong bài tụng:
Chân quán, thanh tịnh quán
Quảng đại trí tuệ quán
Bi quán cập từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Vô cấu thanh tịnh quang
Tuệ nhật phá chư ám
Năng phục tai phong hỏa
Phổ minh chiếu thế gian.
Quán chân, quán thanh tịnh
Quán trí tuệ rộng lớn
Quán từ và quán bi
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Huệ nhật phá các tối
Hay diệt nạn gió lửa
Soi sáng khắp thế gian.
Đây là lối tu trở về Tri kiến Phật, diệt hết mọi vọng
tưởng đau khổ.
26- Phẩm Đà-la-ni: Phẩm này phá Hành ấm. Hành ấm là lối suy tư thầm lặng bên
trong, nó vừa tế nhị, vừa sâu kín cho nên rất khó phá. Người phá được nó liền
thấy quá tịch tịnh lầm tưởng là Niết-bàn, bị lạc vào ngoại đạo, hoặc rơi vào
trầm không trệ tịch của Thanh văn. Tu nhân diệt Hành ấm, hành giả phải buông
sạch mọi xao xuyến thầm lặng vi tế, nên tượng trưng bằng thần chú. Bởi vì khi
đọc thần chú, chúng ta nào có xét nghĩ hiểu biết gì. Kết quả diệt được Hành ấm,
cần phải được chư Phật, chư Bồ-tát hoặc thiện tri thức khuyến phát khích lệ mới
vượt qua được. Đó là hình ảnh chư Bồ-tát nói thần chú bảo hộ người trì kinh
Pháp Hoa.
27- Phẩm Diệu Trang Nghiêm
Vương Bản Sự: Phẩm này phá Thức ấm.
Đây là chặng cuối cùng trên đường tu, nếu người khéo vượt qua thì viên mãn Phật
quả. Vua Diệu Trang Nghiêm tượng trưng thức A-lại-da (Tàng thức), phu nhân Tịnh
Đức tượng trưng cho thức Mạt-na (Ý căn), Thái tử Tịnh Tạng tượng trưng cho Ý
thức, Tịnh Nhãn tượng trưng cho năm thức trước. Chuyển thức A-lại-da thành Đại viên
cảnh trí là nhờ Ý thức và năm thức trước đã được thuần thục thanh tịnh. Thức
A-lại-da thứ tám này là chủ mà không có khả năng quyết định, phải do thức thứ
sáu và năm thức trước hướng dẫn. Thức thứ bảy ở bên cạnh thức thứ tám mà không
có công dụng bao nhiêu. Phá Thức ấm tức là chuyển A-lại-da trở thành Đại viên
cảnh trí, nó là chủ thể của các thức kia. Cho
nên kinh nói: "Phật vì muốn dẫn dắt vua Diệu Trang Nghiêm cùng thương
tưởng hàng chúng sanh nên nói kinh Pháp Hoa." Do Ý thức và năm thức trước
đã thuần thục thanh tịnh, mới chuyển được thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí.
Đây là hình ảnh hai người con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn đã có thần thông, có trí tuệ
tu tập tất cả công đức. mới chuyển hóa nhà Vua đến với Phật. Nhà Vua chịu đến
là có phu nhân đến. Nguyên nhân tạo nghiệp luân hồi do thức thứ sáu và năm thức
trước, chuyển sanh tử thành Niết-bàn cũng nhân thức thứ sáu và năm thức trước.
Khi chuyển thức A-lại-da rồi thì tám thức trở thành tứ trí. Đến đây công phu tu
hành đã đầy đủ, chỉ còn phải lợi ích chúng sanh.
28- Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát: Phổ Hiền tượng
trưng Trí sai biệt. Người tu khi viên mãn công phu rồi, cần phải phát nguyện độ
sanh, giáo hóa hộ trì cho mọi người được phát tâm Bồ-đề (trì kinh Pháp Hoa),
khởi nguyện lực lớn, dùng Lục độ làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Đó chính
là hình ảnh Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà đến trước người trì kinh Pháp
Hoa an ủi họ. Khi công hạnh tự lợi lợi tha của họ hoàn toàn viên mãn, liền
thành Phật.
Tóm lại, toàn bộ kinh Pháp Hoa cốt khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Phẩm đầu do Bồ-tát Văn-thù giải nghi cho Bồ-tát Di-lặc về việc phóng quang của đức Phật. Đó là tượng trưng Trí căn bản đánh thức phát tâm Bồ-đề. Phẩm cuối Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện bảo hộ người trì kinh sau này. Đây là tượng trưng Trí sai biệt làm lợi ích chúng sanh. Câu then chốt trong kinh này: "Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" có khác gì câu "Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật" của Thiền tông. Phẩm Tín Giải và phẩm Thọ Ký của kinh này nào xa lạ gì với việc "trình kiến giải" được "ấn chứng" của Thiền tông. Cho đến sự tu hành thủy chung đều không khác. Chỉ vì chúng ta không nhận được lý kinh, cứ chạy theo ngôn cú nên thấy dường như khác biệt.