DUY MA CẬT SỞ THUYẾT
KINH
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
GIÁO ÁN TRUNG CAO CẤP PHẬT HỌC
Tập I và II
Pháp Sư Thích Từ Thông dịch giải
CHƯƠNG THỨ CHÍN
CHỨNG NHẬP PHÁP MÔN KHÔNG HAI
1.- Bấy giờ Ông Duy Ma Cật long trọng nói với các Bồ tát
rằng:
Thưa chư nhơn
giả! Tôi xin trân trọng đề nghị chư Bồ tát trong hội này, mỗi người tự trình
bày sự chứng đắc và thể nhập pháp môn không hai của một Bồ tát như thế nào?
Trước hết vị
Bồ tát hiệu là Pháp Tự Tại trình bày:
- Thưa
chư nhơn giả! Sanh và diệt là hai. Vạn pháp xưa không sanh, nay không
diệt. Tỏ ngộ được pháp nhẫn vô sanh đó, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Đức Thủ nói: Ngã và ngã sở là hai. Vì có ngã cho nên có ngã sở. Tôi
nhận thức rằng nếu không có ngã thì không có ngã sở. Do duyên cớ đó, tôi
thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Bất Thuần nói: Thọ và bất thọ là hai. Nếu đối với các pháp mà không
thọ thì không có cái được. Ví không có cái được cho nên không có lấy,
không có bỏ, không tạo tác không hành vi. Do nhận thức ấy, tôi thể nhập
pháp môn không hai.
- Bồ
tát Đức Đảnh nói: Cấu và tịnh là hai. Thấy được thực tánh của cấu thì
không có tướng tịnh. Đồng thời tùy thuận với tướng diệt của vạn pháp. Do
tỏ ngộ chân lý đó, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Thiện Tú nói: Động tâm và niệm tưởng là hai. Nếu không động tâm thì
không có niệm tưởng. Không có niệm tưởng thì không có phân biệt. Thông
suốt được chân lý ấy, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Thiện Nhẫn nói: Tướng nhất và tướng vô là hai. Nếu biết rõ tướng nhất
tức là tướng vô, bấy giờ thể nhập tánh bình đẳng. Do quá trình nhận thức
như vậy, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Diệu Tý nói: Tâm Bồ tát và tâm Thanh văn là hai. Quán tướng của tâm
rỗng không như huyễn như hóa, cho nên tôi không còn thấy tâm Bồ tát, tâm
Thanh văn. Do triệt tiêu tánh chấp, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Phất Sa nói: Thiện và bất thiện là hai. Không khởi ý niệm thiện và bất
thiện, nhận thức thấu suốt ngằn mé vô tướng của các pháp. Do vậy, tôi thể
nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Sư Tử nói: Tội và phước là hai. Hiểu rõ tánh của tội và phước không
khác. Dùng trí tuệ kim cương quyết đoán một cách dứt khoát mọi tình huống.
Cho nên không thấy có ràng buộc và cũng không thấy có giải thoát. Do vậy,
tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Sư Tử Ý nói: Hữu lậu và vô lậu là hai. Có được tâm bình đẳng với các
pháp thì không khởi tướng hữu lậu và vô lậu. Không dính mắc ở pháp tướng
cũng không trụ chấp pháp tướng. Do vậy, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Tịnh Giải nói: Hữu vi và vô vi là hai. Xa lìa tất cả số thì tâm rỗng
lặng như hư không. Dùng tuệ thanh tịnh mà nhìn vạn pháp cho nên không còn
có sự trở ngại nào. Do vậy, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Na La Diên nói: Thế gian và xuất thế gian là hai. Tánh của thế gian
rỗng không, cho nên thế gian cũng là xuất thế gian. Trong đó không có
tướng đi vào, đi ra, không có tràn đầy, không có vơi cạn. Do nhận thức đó,
tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Thiện Ý nói: Sanh tử và Niết bàn là hai. Thấy được tánh của sanh tử
thì không có sanh tử gì cả, cũng không có cột, không có mở, không có sanh
không có diệt. Nhận thức rõ như thế, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Thiện Kiến nói: Tận và bất tận là hai. Vạn pháp hoặc rốt ráo tận hoặc
rốt ráo bất tận đều là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là không. Không thì
không có tướng tận hay vô tận. Tỏ ngộ chân lý ấy, tôi thể nhập pháp môn
klhông hai.
- Bồ
tát Phổ Thủ nói: Ngã và vô ngã là hai. Ngã hãy còn không có, vô ngã càng
không thể có. Thấy được thật tướng của ngã thì không còn khởi quan niệm
hai. Do vậy, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Điển Thiên nói: Minh và vô minh là hai. Thật tánh của vô minh là minh.
Minh cũng không chấp thủ. Ly tất cả số. Trụ tâm trong bình đẳng không có ý
niệm hai. Do vậy, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Hỉ Kiến nói: Sắc và không là hai. Sắc tức là không. Không phải sắc diệt
mới không. Tánh của sắc tự không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Thức là tức không. Không phải thức diệt mới không. Tánh của thức tự không.
Do quán triệt chân lý đó, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Minh Tướng nói: Sự sai khác của tứ đại và sự sai khác của Không đại là
hai. Tánh của tứ đại tức là tánh của không đại. Bởi vì thời gian trước và
thời gian sau đều không, cho nên thời gian khoảng giữa cũng không. Hiểu
biết được như thế, cũng tức là nhận thức rõ tánh của các đại. Do vậy, tôi
thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Diệu Ý nói: Nhãn căn và sắc trần là hai. Biết rõ tánh của nhãn căn và
tánh của sắc trần ở giữa cắt đứt sự ái nhiễm. Thế là không còn tham, không
còn sân, không còn si. Đó là trạng thái tịch diệt. Nhĩ đối thanh, Tỷ đối
hương. Thiệt đối vị. Thân đối xúc. Ý đối với pháp cũng như vậy. Biết rõ
tánh cũa ý căn và tánh của pháp trần, đoạn trừ sự ái nhiễm tham, sân, si.
Đạt đến trạng thái tịch diệt. An trụ trong tỉnh giác như vậy, tôi thể nhập
pháp môn không hai.
- Bồ
tát Vô Tận Ý nói: Bố thí và hồi hướng nhất thiết trí là hai. Tánh của bố
thí tức là tánh của hồi hướng nhất thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh
tấn, thiền định và trí tuệ cũng như vậy.Tánh cũa trí tuệ tức là tánh hồi
hướng nhất thiết trí. Ở trong đó hội nhập tướng nhất. Do vậy, tôi thể nhập
pháp môn không hai.
- Bồ
tát Thâm Tuệ nói: Không, vô tướng, vô tác là hai. Không tức vô tướng, vô
tướng tức vô tác. Hiểu rõ không tức vô tướng. Vô tướng là vô tác thì tâm,
ý và thức bấy giờ công dụng trở thành một. Bấy giờ một giải thoát môn tức
ba giải thoát môn. Quán triệt chân lý đó, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Tịnh Căn nói: Phật, pháp và tăng là hai. Phật tức pháp, Pháp tức Tăng.
Tam bảo đều là tướng vô vi, đồng như hư không. Tất cả pháp cũng vậy. Tùy
thuận theo chân lý đó, thi vi hành sự. Do vậy, tôi thể nhập pháp môn không
hai.
- Bồ
tát Tâm Vô Ngại nói: Thân và thân diệt là hai. Thân tức là thân diệt. Thấy
được thật tướng của thân thì không còn khởi chấp thân và sự hoại diệt của
thân. Thân và sự hoại diệt của thân không khởi ý phân biệt là hai. Vì vậy,
thân sinh tồn hay hoại diệt, không kinh hãi, không lo lắng sợ sệt. Tỏ ngộ
chân lý đó, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Thượng Thiện nói: Thân, khẩu, ý là hai. Ba nghiệp đều là tướng vô tác.
Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu. Tướng vô tác của khẩu
tức là tướng vô tác của ý. Tam nghiệp là tướng vô tác. Tất cả pháp cũng là
tướng vô tác. Dùng tuệ vô tác nhận thức chân lý và tùy thuận chân lý ấy,
tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Phước Điền nói: Làm phước làm tội, làm không phước không tội là hai.
Thật tánh của ba việc là vắng lặng rỗng không. Không thì không thấy có làm
phước, không thấy có làm tội, không thấy có làm không phước không tội.
Không khởi ý niệm chấp mắc ở ba việc làm. Do vậy, tôi thể nhập pháp môn
không hai.
- Bồ
tát Hoa Nghiêm nói: Từ bản ngã khởi chấp hai là hai. Biết được thật tướng
của bản ngã không khởi chấp hai. Không khởi chấp hai thì không có cái biết
và đối tượng bị biết. Quán triệt chân lý đó, tôi thể nhập pháp môn không
hai.
- Bồ
tát Đức Tạng nói: Có tướng sở đắc là hai. Không sở đắc thì không có
tham lấy, không chê bỏ. Do trụ trong tướng bình đẳng không lấy bỏ, tôi thể
nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Nguyệt Thượng nói: Tối và sáng là hai. Không tối không sáng thì
không hai. Ví như nhập định diệt thọ tưởng, không còn nhận thức tối sáng.
Đối với tất cả pháp tướng cũng như vậy. Hội nhập với tâm bình đẳng ấy, tôi
thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Bảo Ấn thủ nói: Ham mộ Niết bàn, nhàm chán thế gian là hai.
Không ham mộ Niết bàn, không nhàm chán thế gian thì không hai. Vì sao? Vì
rằng ai có bị trói buộc mới mong cầu mở. Người không bị buộc trói còn hy
vọng mở cái gì? Không bị buộc, không cần mở, cũng không nhàm chán, không
có ham mộ. Thâm ngộ chân lý đó, tôi thể nhập pháp môn không hai.
- Bồ
tát Châu Đảnh nói: Chánh đạo và tà đạo là hai. Trụ ở chánh đạo thì không
phân biệt tà hay chánh. Do ly cái tướng hai, tôi thể nhập pháp môn không
hai.
- Bồ
tát Nhạo Thật nói: Thật và không thật là hai. Thật thấy hãy còn không thấy
thật huống hồ không phải thật. Vì sao? Vì cái thấy của nhục nhãn không thể
thấy đúng chân lý. Chỉ có tuệ nhãn mới thấy đúng chân lý. Tuệ nhãn không
thấy gì hết nhưng không có gì không thấy. Do tỏ ngộ chân lý đó, tôi thể
nhập pháp môn không hai.
Các Bồ tát mỗi
mỗi đều trình bày pháp môn sở ngộ của mình và kết quả cùng đến một mục đích:
thể nhập pháp môn không hai.
2.- Các Bồ tát
trong hội này đã nói hết rồi. Vậy xin Bồ tát Văn Thù Sư Lợi phát biểu phương
pháp thể nhập pháp môn không hai của một Bồ tát.
Bồ tát Văn Thù
nói: Theo ý tôi, tất cả pháp không nói được hết, không bàn tột được, không chỉ
đúng được, không giải thích trọn vẹn được. Vì vượt ngoài những câu vấn đáp của
ngữ ngôn văn tự. Khế hội chân lý đó thì đó là yếu tố thể nhập pháp môn không
hai.
3.- Bồ tát Văn
Thù hỏi ông Duy Ma Cật: Thưa cư sĩ! Chư Bồ tát đã trình bày xong. Giờ đây, xin
nhơn giả cho biết cao kiến của ngài về phương pháp thể nhập pháp môn không hai
của một Bồ tát?
Ông Duy Ma Cật
lúc bấy giờ điềm nhiên an tọa. Đại chúng cả hội trường như nín thở trông chờ...
Ông Duy Ma Cật
vẫn im lặng và im lặng...
Trong dáng vẻ
hân hoan, cảm thông được diệu ý, Bồ tát Đại trí Văn Thù Sư Lợi nói: Siêu tuyệt
thay! Siêu tuyệt! Pháp môn không hai siêu tuyệt! Bặt cả văn tự ngữ ngôn!
Đấy mới là
cách thể nhập pháp môn không hai chí chân, chí thiện!
Sau khi trình
bày những nguyên do và tâm đắc của mình trong quá trình thể nhập pháp môn không
hai của ba mươi mốt Bồ tát. Trong số hội chúng có năm ngàn Bồ tát tỏ ngộ vô
sanh pháp nhẫn đồng thể nhập pháp môn không hai.
TRỰC CHỈ
1.- Chứng nhập pháp môn không
hai, kinh Duy Ma Cật không nhằm dạy cho người đệ tử tu hành phải tìm về con số
một, hay cái một nào đó. Bởi vì chữ hai ở đây không phải là chữ "2" ở
số lượng như 1,2...cũng không phải chữ hai ở số thứ tự như: thứ hai, thứ ba...
Tránh số 2 trong lượng số, hy vọng trở
lùi nắm giữ số 1 đã là vô ích, tránh thứ hai ở thứ tự số mục để mong cầu được
số thứ ba, thứ tư thì cũng hoài công, không có tác dụng gì trên đường tiến tu
đối với sự nghiệp giác ngộ.
Người đệ tử Phật, tu theo con đường Phật
phải thận trọng lưu tâm.
Bồ tát Duy Ma Cật, đề nghị chư Bồ
tát trình bày về phương cách, lý do, về yếu tố, dữ kiện, về hoàn cảnh, trường
hợp chứng nhập pháp môn không hai của mình, nhằm dạy cho người đệ tử Phật tu
hành phương thức: Hồi đầu thị ngạn, phương cách trở về Căn bản trí, tức là trí
vô phân biệt vốn có của mọi người. Giáo lý của đạo Phật dạy rằng con người ai
ai cũng có cái trí vô phân biệt đó. Vì vậy, tự tánh của mọi người vốn trong
sáng thanh tịnh. Cái tự tánh trong sáng thanh tịnh đó chính là Phật tánh của
mỗi người.
Con người bắt đầu có đau khổ từ khi con
người sống trái Căn bản trí. Con người tự hủy hoại cái tánh trong sáng, thanh
tịnh, hồn nhiên, thanh thoát của con người. Con người bắt đầu xử dụng cái trí
hậu đắc, tức là cái trí phân biệt, cái trí rất kém cõi thường bị bao phủ bởi
những lớp tạp tưởng vô minh phiền não. Với phân biệt trí khó mà nhận thức chân
lý đúng đắn, nếu không có những giây phút thiền quán để tư duy phản tỉnh hồi
đầu.
Muốn hồi đầu phản tỉnh cần có duyên cớ
hoặc hoàn cảnh, hoặc sự nhận thức v.v...
Ba mươi mốt Bồ tát thể nhập pháp môn
không hai đều dựa vào sự tư duy nhận thức hoặc duyên cớ nào đó do thấy, sự kiện
nào đó do tư duy hoặc trường hợp nào đó do tiếp xúc...
Ba mươi mốt Bồ tát thể nhập pháp môn
không hai, dựa trên những duyên cớ, những sự kiện nhận thức không đồng mà kết
quả cũng đến mục đích: Vô trí phân biệt.
- Sanh và diệt.
- Ngã và ngã sở.
- Thọ và bất thọ.
- Cấu và tịnh.
- Động tâm và niệm tưởng.
- Tướng nhất và tướng vô.
- Tâm Bồ tát và tâm Thanh văn.
- Thiện và bất thiện.
- Tội và phước.
- Hữu lậu và vô lậu.
- Hữu vi và vô vi.
- Thế gian và xuất thế gian.
- Sanh tử và Niết bàn.
- Tận và bất tận.
- Ngã và vô ngã.
- Minh và vô minh.
- Sắc và không sắc.
- Tứ đại và không đại.
- Nhãn căn và sắc trần.
- Bố thí và hồi hướng nhất thiết trí.
- Không, vô tướng, vô tác.
- Phật, Pháp và Tăng.
- Thân và thân diệt.
- Thân, khẩu, ý.
- Làm phước, làm tội, làm không phước
không tội.
- Từ bản ngã, khởi chấp.
- Có tướng sở đắc.
- Tối và sáng.
- Ham mộ Niết bàn, nhàm chán thế gian.
- Chánh đạo, tà đạo.
- Thật và không thật.
Ba mươi mốt đề mục được xem là
Hai và dựa trên tướng hai đó mà tư duy quán sát rồi phản tỉnh hồi đầu, ba mươi
mốt vị Bồ tát đều chứng nhập pháp môn không hai.
Ba mươi mốt cặp phạm trù đối đải ấy, nhận
xét kỹ, ta thấy có đề mục chỉ có một. Như đề mục Có tướng sở đắc, lại có những
đề mục không phải hai mà có đến ba. Như đề mục Phật, Pháp, Tăng. Đề mục Thân,
khẩu, ý. Đề mục Không, vô tướng, vô tác. Đề mục Làm phước, làm tội, làm không
phước không tội.
Ấy thế mà tất cả đều được xem là
hai.
Do vậy, ta cũng thấy rõ kinh dạy qua vấn
đề chứng nhập pháp môn không hai, như trước đã nói. Chứng nhập pháp môn không
hai mục đích không phải chối bỏ số hai để lùi về số một. Cũng nhằm tránh né số
hai để có được số ba, bốn, năm.
2.- Đến lượt Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư
Lợi, ngài cho rằng: Đã là pháp môn không hai thì ngôn từ không bàn luận đến
được. Văn tự không mô tả được. Nghĩ ngợi đến ba đã là sai rồi. Đến chỗ tuyệt
đường đối đải thì có diễn đạt hoa mỹ, khéo léo cách nào cũng không phải cái đó.
Vì cái đó, chỗ đó, nó ở vào lãnh vực Bất khả tư nghì. Chỉ ai chứng mới biết mà
thôi. Chữ chứng ở đây không có gì quá sức tưởng tượng đâu các bạn ạ! Nó đồng
nghĩa với cái từ chứng nước ở các tòng lâm miền Bắc nước Việt Nam ấy.
"Như nhơn ẩm thủy, lãnh noãn
tự tri". Chỉ có người chứng nước mới biết được nước ấm lạnh ở độ
nào...người không chứng nước thì nghe để mà nghe, sự diễn tả của người chứng
nước không làm cho người không chứng hiểu chính xác độ nóng lạnh, vị ngọt ngon
của tách trà thơm ngát ấy.
3.- Đến lượt ngài Duy Ma Cật trình bày
phương cách chứng nhập pháp môn không hai của mình. Ngài biểu thị bằng thái độ
im lặng thản nhiên. Đại chúng như hồi hộp và có ý trông chờ những gì sẽ diễn
biến ra sau giây phút thản nhiên im lặng đó. Nhưng rồi không có gì nữa hết! Bồ
tát Đại trí Văn Thù thông cảm sâu sắc, tận cùng ý niệm của nhau, như hai tấm
gương đối diện cùng lồng bóng phản chiếu trước một cành hoa rực rở sắc màu.
Bồ tát Đại Trí Văn Thù chỉ tán
thán trước sự biểu hiện lặng im mà không bình luận gì thêm nữa. Bồ tát Đại Trí
Văn Thù tâm đắc và cảm thông hành động biểu hiện đó của ngài Duy Ma Cật. Ngài
Văn Thù cho rằng hành động đó, tự nói lên phương cách chứng nhập pháp môn không
hai của ngài Duy Ma Cật đầy đủ lắm rồi. Còn dùng ngôn ngữ văn tự để phủ nhận
văn tự ngữ ngôn, ngài Đại Trí Văn Thù đã bỏ lỡ cơ may không về đến đích. Người
hiểu được Duy Ma Cật phải là bậc Đại trí, chẳng những cần có Căn bản trí mà
phải xử dụng Sai biệt trí để thấy biết tường tận mọi vật lý, sanh lý và tâm lý
giữa cuộc đời.
Ở đời, người hay dạy dỗ, quở
phạt, đánh mắng con cái là người cha mẹ quá thương con cái của mình. Không ai
bỏ công dạy dỗ, quở phạt, đánh mắng những đứa trẻ nước lã người dưng. Vì sao?
Vì người dưng nước lã không tương quan gắn bó, chẳng dính líu nghĩa tình. Đối
với chúng, người làm cha mẹ kia chẳng có gì để nói.
Cũng vậy, các pháp
thế gian và
xuất thế gian đối với
chúng,
Bồ tát Duy Ma Cật không có gì để nói. Đó là thâm ý của sự lặng thinh,
lặng thinh chỉ vì không có gì để nói. Chỉ vì đã biết rõ
vạn pháp giai không từ
hồi vô thỉ dĩ chí vô chung, cho nên nói ít thì sai
chân lý ít,
nói nhiều chỉ
tăng thêm nhiều hý luận!