THÍCH NHẬT TỪ
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
Giúp con chấp nhận bố dượngSau khi li hôn được 2 năm, tôi đã tái hôn với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Anh ấy rất thương tôi và chăm sóc con trai 10 tuổi của tôi rất chu đáo. Tuy nhiên con trai tôi không chấp nhận anh ấy, cháu luôn hậm hực, khó chịu với bố dượng, lúc nào cũng nói trống không, cháu cho rằng bố dượng là nguyên nhân bố mẹ cháu chia tay nhưng thực tế không phải như vậy. Anh vào làm ở cơ quan tôi sau khi tôi đã li dị chồng. Tôi thương anh và cũng rất thương con, tôi nên dạy dỗ cháu thế nào để cháu lớn lên không hận thù và biết trân trọng những gì bố dượng đã dành cho cháu?
Mai Thị Hồng Anh, Cao Bằng
Thầy Thích Nhật Từ trả lời
Chị Hồng Anh thân mến!
Phải thừa nhận đây là tình huống hiếm có, vì hai lí do: Thứ nhất, con trai chị mới 10 tuổi mà có lối ứng xử của một người “lớn” về tâm lí; Thứ hai, chồng hiện tại của chị là người bố dượng lí tưởng, thương con trai của vợ như con ruột và thương chị bằng tất cả tấm lòng chân thành. Đây là một diễm phúc lớn.
Ứng xử ngỗ nghịch của con chị đối với bố dượng thực ra là phản ứng tâm lí phức tạp, do cháu có mối đồng cảm với cha ruột và tự làm đồng minh với cha ruột, do vậy, bất kì ai thay thế chỗ của cha ruột trong nhà đều bị cháu ứng xử phản cảm tương tự thôi.
Điều đáng mừng là người chồng hiện tại không chỉ yêu chị thật lòng, mà còn thương yêu và chăm sóc con ruột của chị. Đây chính là chiếc chìa khóa có khả năng hoá giải thái độ “hậm hực, khó chịu với bố dượng” của con trai chị. Để con chị từ thái độ “hận thù” vô cớ trở nên “biết trân trọng những gì bố dượng đã dành cho cháu”, chị cần thực hiện một số nỗ lực sau đây.
Đối với con trai: Chị nên theo dõi diễn biến tâm lí của cháu hơn là quá lo lắng cho cháu. Quan tâm cháu một cách sáng suốt (không cáu gắt, không quở trách) sẽ giúp chị không tự dày vò cảm xúc của mình, trong khi sự lo lắng quá mức chỉ làm cho chị khó có thể tiếp nhận trọn vẹn hạnh phúc đang có. Hơn nữa, cháu quá nhỏ để phán đoán đâu đúng, đâu sai, đâu là nguyên nhân li dị của bố mẹ. Do ý thức chưa phát triển trọn vẹn, cháu có thể suy luận rằng bố dượng làm cùng cơ quan với mẹ nên hai người đã yêu nhau, vì thế nên mẹ và cha ruột cháu mới li dị. Chị không phải nói nhiều với cháu như nói với một người lớn, chỉ cần nói: “Bố dượng con vào cơ quan mẹ sau khi mẹ đã li dị bố ruột con, nghĩa là mẹ mới biết bố dượng sau khi chia tay cha ruột con”. Không cần phải thanh minh nhiều vì không cần thiết và có thể làm cho vấn đề trở nên rắc rối. Điều quan trọng, mỗi khi chồng chị chăm sóc và lo lắng cho cháu, chị nên nói với cháu bố rất thương con. Chỉ cần cho cháu biết tình thương mà bố dượng dành cho cháu là đặc biệt trong các tình huống cụ thể thì nỗi ám ảnh “bố dượng giựt cha ruột” sẽ không còn nữa. Khi đến tuổi dậy thì, cháu bắt đầu biết yêu thì tự động cháu sẽ thay đổi thái độ ứng xử tiêu cực. Lúc ấy, cháu sẽ thương bố dượng.