THÍCH NHẬT TỪ
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
Chồng có nên lập quỹ đen?
Bạch Thầy, chúng con mới thành hôn được mấy tháng. Vợ con là một người phụ nữ ngoan, hiền, đảm đang (ít nhất đó cũng là cảm nhận của con trong suốt 3 năm yêu nhau và hi vọng khi bước vào cuộc sống gia đình cũng mãi là như vậy). Chúng con quyết định sẽ không dấu nhau bất cứ điều gì từ tài chính đến tình cảm. Lương tháng sẽ cho chung vào 1 tài khoản và 2 vợ chồng tùy cơ sử dụng vào những mục đích phù hợp. Tuy nhiên tuần trước khi đi nhậu với mấy ông anh cọc chèo nhà vợ con thì con được các anh ấy khuyên: “Chung thì chung nhưng vẫn phải quỹ đen. Bọn đàn bà ki bo lắm, lúc mình cần khoản gì chi tiêu đặc biệt hay tế nhị rất khó lấy ra. Hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình đấy!”. Con không biết nên làm thế nào cho đúng. Con rất mong được thầy tư vấn về vấn đề này để chúng con bắt đầu một cuộc sống gia đình thật hạnh phúc và không bước những bước đi sai ngay từ đầu. Con cảm ơn Thầy nhiều ạ!
Nguyễn Mạnh Cường, Tp. HCM
Thầy Thích Nhật Từ trả lời
Quỹ đen có mặt tiêu cực và tích cực. Động cơ lập quỹ đen cũng có tốt và xấu. Để trả lời câu hỏi “làm thế nào cho đúng" trong việc lập “quỹ đen", với tư cách là chồng, anh hãy tự đánh giá động cơ và mục đích của việc lập quỹ đen, từ đó, anh sẽ tự có câu trả lời là nên hay không.
Quỹ đen cho chuyện đen: Hậu quả khó lường
Quỹ đen có thể được hiểu là quỹ dự phòng kín đáo, khoản tiền thiếu minh bạch, phải cất giấu riêng, đang khi người bạn đời không hề biết đến và cũng không hề được cho biết hay được hỏi ý kiến. Khái niệm “đen" với bản chất màu của nó thường có nghĩa ám chỉ cho sự không trong sáng, không sạch sẽ, trong bóng tối và không minh bạch.
Đối với các cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn, việc lập “quỹ chung" mang tên của hai người là rất cần thiết. Tiền chung của hai vợ chồng làm ra mà chỉ đứng tên một người thì rủi ro rất cao. Việc có một tài khoản riêng, ngoài tài khoản chung, mà người còn lại không hề biết, theo sự suy nghĩ của một số người là “chắc hẳn phải có nguyên nhân khác, nên mới giấu người bạn đời," điểm tựa tinh thần quan trọng nhất đối với người xây dựng tổ ấm.
Mỗi khi có việc bội chi và thiếu thốn tài chính, người lập quỹ đen không hề chi ra một khoản nào để giải quyết việc chung của gia đình thì mục đích lập quỹ này là được xem là mờ ám.
Trên thực tế, khi thu nhập ngày càng tăng, một số ông chồng lập quỹ đen vì “chuyện đen” để phục vụ cho tiêu xài hoang phí, rượu chè, hút sách, cờ bạc, bao bồ nhí, lập phòng nhì, vốn là các yếu tố dẫn đến việc phá vỡ hạnh phúc gia đình là rất cao. Một khi quỹ đen phục vụ cho tình đen thì tương lai hạnh phúc gia đình bị nhuốm màu đen của khổ đau. Lý do là khi quỹ đen bị phát hiện, nhiều bà vợ có cảm giác rằng mình bị chồng phản bội, tâm lý trở nên căng thẳng, nặng nề, mệt mỏi, dễ cau có, cãi vã. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Ngay cả trong tình huống lúc đầu mục đích lập quỹ đen là để giúp đỡ người thân trong gia đình và họ tộc, nếu thiếu sự kiểm soát và làm chủ tâm ý, người lập quỹ đen sẵn có tiền trong tay mà vợ/chồng không biết dễ “sinh tật” khi sống trong các hoàn cảnh dễ bị cám dỗ. Do đó, người lập quỹ đen với mục đích tốt cần phải giữ gìn lương tâm trong sáng, hành vi cao thượng, không tự dối mình và người bạn đời, để không phải ân hận và nuối tiếc về sau.
Dành dụm vì ít muốn và biết đủ
Cũng có trường hợp, có một số ít chị em đã âm thầm cất riêng một khoản tiền từ lương của chồng, vốn được tiện tặn từ tiền chợ, để dành dụm. Theo cách này, kiến tha lâu đầy tổ. Mỗi khi có việc hỷ, việc tang của gia đình hay bà con làng xóm, không cần chạy vắt chân lên cổ mượn tiền. Nhờ có tiền dự trữ này, nhiều chị em đã làm cho gia đình trở nên êm ấm hơn. Để làm được điều này, vợ chồng nên có trách nhiệm tiêu xài tiết kiệm hơn, cắt giảm những chi tiêu chưa thật sự cần thiết. Đó là lối sống “biết đủ” trên nền tảng “ít ham muốn”, mà theo Đức Phật, có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc bền vững.
Thái độ ít muốn sẽ giúp ta không bị sa đà vào thời trang, hàng hiệu, các lô hàng bán sỉ, bán khuyến mại. Nhờ đó, ta sống giản dị mà vẫn sang trọng, không tham muốn nhiều nên tâm trở nên thư thái và an vui. Biết đủ là thái độ hài lòng với những gì đang có. Không so sánh khập khiễng với những người giàu hơn mình, tiêu thụ nhiều hơn mình để không mặc cảm số phận, vốn là tâm lý phổ quát, làm nhiều người cố gắng chứng minh mình giàu có, sang trọng, đang khi trong nhà thì không có gì và lúc nào cũng cháy túi.
Sống với tâm “ít muốn và biết đủ”, theo Đức Phật, “dù nằm dưới đây, không có đủ tiện nghi, vẫn cảm thấy an vui,” đang khi, “người giàu có mà không biết đủ thì dù sống trong cung vàng điện ngọc vẫn cảm thấy thiếu thốn.” (Kinh Lời dạy cuối cùng của Phật).
Lập quỹ đen để phòng thân
“Tích góp tiền bạc" đã trở thành một thói quen phòng thân đối với nhiều người có tính cẩn trọng và lo xa. Người có tính tích góp sẽ có khuynh hướng “thủ" cho chắc ăn. Thói quen khi còn độc thân này đã làm cho một số người khi lập gia đình tiếp tục phòng thủ. Từ đó, việc lập quỹ đen trở thành một lý do để an tâm cho bản thân. Nếu mục đích của việc lập quỹ đen là để lo cho người thân khi cần thiết thì đây không phải là vấn đề đáng lo. Trong tình huống này, lập quỹ đen được hiểu như một mở một tài khoản “tiết kiệm’’ để sử dụng cho các mục đích cá nhân và gia đình thật sự có ý nghĩa về sau.
Tại các nước đang phát triển, lương công chức bao gồm phụ cấp chỉ vỏn vẹn 3-5 triệu đồng. Gom lương của hai vợ chồng lại chưa được chục triệu. Thông thường, khi vợ chồng hiểu và tin tưởng nhau, chồng sẽ giao cho vợ giữ tiền. Dĩ nhiên, vợ nào hiểu biết và lịch lãm sẽ chừa lại một ít để uống nước, đổ xăng, nói chung là cho các khoản chi lặt vặt. Đối với các khoản chi hợp lý, vợ nên ủng hộ chồng, để chồng không có lý do lập quỹ đen.
Đối với chồng nào thích ăn nhậu, la cà quán xá, thích đãi đằng, dễ mủi lòng, việc giao cho vợ giữ tiền xem ra tốt hơn cho tài chính của gia đình hơn. Trong trường hợp này, khi có nhu cầu chính đáng, vợ không nên càu nhàu, khi cần phải có ngay, nhất là chồng cần chi cho những khoản tiền không thể không chi.
Khoản dành cho tương lai
Về việc quản lý tài chính, phần lớn chị em phụ nữ với tư cách làm vợ và làm mẹ thường làm tốt hơn người nam với tư cách làm chồng, làm cha. Nếu anh lập quỹ riêng để dành cho tương lai của con cái thì đây là kế hoạch lâu dài và bền vững cho gia đình. Gia đình nào mà người chồng có tính ham vui và chơi sộp với bạn bè thì vợ càng “siết” chặt và tiết kiệm tối đa vẫn tốt hơn là để cho chồng lập quỹ đen. Ngoài tính chất giống như bỏ ống “Heo”, quỹ đen có thể là hình thức mua bảo hiểm cho con cái,... mở tài khoản trong ngân hàng để sinh lãi, sử dụng lãi để dự phòng cho tương lai.
Nhờ có quỹ đen này, khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, số tiền vượt xa con số dự trù, thay vì phải mượn nợ và trả lãi xuất cao, chỉ cần xuất quỹ đen, tình huống không còn áp lực nữa. Nói cách khác, quỹ đen được sử dụng vào mục đích có trách nhiệm với gia đình, xây dựng tổ ấm gia đình... có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình.
Vì là quỹ đen nên các khoản thu-chi thường không ghi vào sổ sách, chỉ có người lập quỹ đen biết. Phần lớn các ông chồng bị vợ “siết” quá chặt tiền lương, không vui vẻ chi xuất, khi chồng có nhu cầu chính đáng, thường có khuynh hướng lập quỹ đen. Trong trường hợp này, để trách phiền toái không cần thiết, mà vốn nó có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình, người chồng lập quỹ đen có lý do chính đáng thì có thể thông cảm và phớt lờ, cho qua, không nên bắt bẻ và gây khó dễ cho nhau.
Lập quỹ đen để giúp người thân
Một trong những nguyên nhân chính đáng có thể thông cảm được cho người lập quỹ đen là muốn giúp đỡ người thân bên nội hay bên ngoại, nhưng người bạn đời lại không chấp nhận xuất tiền, do đó, chồng cần có khoản riêng để tiện cho công việc giúp đỡ có giá trị tình thân và nhân văn này. Hoặc mỗi khi chồng muốn giúp đỡ người ngoài họ tộc, lâm hoàn cảnh khó khăn mà gặp quá nhiều sự phản đối kịch liệt từ vợ; hoặc khi chồng phải chi xài những khoản hợp lý thì bị vợ càu nhàu, mặt nóng mặt lạnh, thì chồng lập quỹ đen để khỏi làm phiền lòng vợ, là có thể thông cảm được.
Phần lớn cánh mày râu cho rằng vợ của họ hiếm khi thông cảm việc chồng chi tiền giúp đỡ bố mẹ, anh em, cậu mợ, chú thím,... bên nội. Nếu có chăng cũng chỉ chìa tiền ra cho chồng một vài lần, đang khi các ông chồng không thể làm ngơ không giúp đỡ người thân. Một số ông chồng cho rằng ngoài tổ ấm, họ cần có quan hệ ngoại giao, một khoản tiền là rất cần thiết, vì không thể kè kè bên vợ xin rút tiền chi tiêu cho các khoản đó một cách thường xuyên được. Cũng có ông cho rằng vợ khó “mở hầu bao" để chồng chi tiêu thoải mái. Nói cách khác, đưa vào tài khoản cho vợ thì dễ mà rút tiền ra thì lại khó... Đây là một số trong các lý do chính đáng làm cho một số ông chồng có khuynh hướng lập quỹ đen để khỏi phải lâm vào hoàn cảnh khó xử, khi chồng muốn chi ra, mà vợ lại chẳng hoan hỷ làm việc ấy.
Trong những tình huống vừa nêu, nhiều ông chồng đành âm thầm lập quỹ đen để thuận việc chi tiêu hợp lý và vẫn giữ được hòa khí trong gia đình, không mang tiếng keo kiệt với người thân, không nỡ làm ngơ trước hoàn cảnh bi đát của họ tộc. Nói chung, khi lập quỹ đen, bất kỳ lý do nào phục vụ cho mục đích tốt thì có thể chấp nhận được. Trong các trường hợp này, vợ chồng cần tin tưởng nhau. Người chồng lập quỹ riêng cũng phải nghiêm túc, không “treo đầu heo bán thịt chó" để tránh các tình huống dỡ khóc, dỡ cười về sau.
Các rủi ro do lập quỹ đen
MỤC LỤC
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH