THẬM THÂM VI DIỆU PHÁP
(PHẦN 4)
MÃN TỰ
Đừng nghĩ rằng Đức Thế Tôn Đạo Sư không có trả lời những câu hỏi mà tri thức nó cho là siêu hình bất khả luận đó. Tuy nhiên những câu trả lời đó lại vượt lên sự nhận biết của tri thức, tri thức phải cần có cái "Duyên" là căn và cảnh rồi nó mới phát sinh ra hiểu biết, phân biệt. Với Đức Như Lai Thế Tôn thì những câu hỏi siêu hình đó Ngài thấy rõ ràng chẳng khác nào thấy trái xoài đang trong lòng bàn tay. Không những Ngài trả lời mà còn trả lời nhiều hơn nữa, Ngài giảng giải tường tận chẳng phải một lần mà nhiều lần. Những bài giảng đó trải rộng trong các bộ Kinh cả Nguyên Thủy và Đại Thừa đều có. Tuy nhiên những lời giảng đó đối với tri thức thì lại giống như đem màu sắc để chỉ cho người mù lúc còn sơ sinh.
Nói có thế giới siêu hình huyền hoặc; thật ra không có thế giới siêu hình huyền hoặc nào hết mà nó chỉ là "Thức-Tưởng" của chúng ta mà thôi. Bài tán thán ngợi khen Đức Thế Tôn của ngài Bồ Tát Đại Hụê trong Kinh Lăng già cùng 108 câu hỏi đặt ra và Đức Thế Tôn cũng trả lời đầy đủ 108 câu hỏi không thừa không thiếu. Trong 108 câu hỏi và trả lời đó đã nói lên hết những gì mà tri thức cho là siêu hình là bất khả tư đó. Không chỉ trong Kinh Lăng già mà trước khi Niết Bàn vì Tâm từ bi Ngài vận dụng thần lực để cho Ca Diếp Đại Bồ Tát một lần nữa nêu lên cho Ngài giảng giải, để các tu sĩ dứt tâm nghi ngờ những câu hỏi mà tâm thức cho là siêu hình đó.
Thí dụ; vào thời Thế Tôn thị hiện có 96 vị triết gia Đạo sư Vệ Đà đem tất cả sự hiểu biết qua tư duy, thiền định, lý luận, tranh luận... Mà mong rằng thông qua tri kiến để thấy biết được những sự biến hiện sinh diệt của ngoại giới như: Vũ trụ này ai dựng lên? Có thế giới khác ngoài thế giới này không? Ở thế giới này ai là người sinh ta đầu tiên và ai là người sau cùng...?
Những câu hỏi đặt ra mà tri thức không thể nào thâm nhập vào được vì vậy cho nó là siêu hình. Tuy nhiên với trí tụê Giác Ngộ Đức Thế Tôn thì siêu hình chỉ là hai từ ngữ mà thôi không có gì là siêu hình hết, vì tất cả đều hiển hiện mà thế nhân thì đang say trong một giấc mộng nên không thấy, không biết mà thôi.
Vào thời Đức Thế Tôn thị hiện nói chung tất cả Đạo sư, tất cả Tu sĩ Ấn giáo Vệ Đà không một vị nào không biết những câu hỏi siêu hình đó, tuy nhiên những câu hỏi đó cho dù từ Ông Tổ đầu tiên cho đến Ông Tổ cuối cùng sau này tuyệt nhiên cũng không thể có một câu trả lời thuyết phục. Hầu hết chúng ta học Phật đều biết rằng thời sơ khai các tu sĩ theo học với Đức Thế Tôn đều từ Hin-Đu Vệ Đà; đã là Vệ Đà thì không có một vị nào nuốt trôi được những câu hỏi siêu hình đó, chẳng những thời đó mà cho đến hiện nay cũng vậy.
Bây giờ hãy thanh tịnh lắng tâm để nghe Như Lai khai mở giảng giải các vấn đề cho là siêu hình đó. Trở lại vườn Lộc Uyển nơi mà hai trường phái là Đại Thừa và Nguyên Thủy Kinh điển, cùng nhất trí đó là nơi Đức Thế Tôn đầu tiên chuyển pháp luân độ năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như với bài pháp "Tứ Thánh Đế là: Khổ-Tập-Diệt-Đạo". Ở đây không có gì luận bàn về Tứ Thánh Đế, tuy nhiên nếu nói Khổ-Tập-Diệt-Đạo mà độ được năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như thì đó là một sự thiếu xót to lớn về giáo pháp Đức Như Lai và ảnh hưởng lâu dài cho các truyền nhân học đạo Giác Ngộ. Đây là một ẩn số mà hiện tại chúng ta không biết được. Có thể là khi kết tập Kinh điển bị thiếu xót chăng?... Hay là Kinh điển chúng ta thỉnh không đầy đủ từ Trung Quốc chăng?... Hay cộng nghiệp của chúng sanh trong cõi Ta bà...? Như trên đã nói thì Tứ Thánh Đế không thể độ được năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như mà Đức Thế Tôn ban đầu độ anh em tu sĩ Kiều Trần Như giải thoát khỏi những câu hỏi siêu hình bằng bài kệ 4 câu là: "Vạn pháp nhân duyên sinh, cũng theo nhân duyên diệt..." Và Tứ Thánh Đế là sau đó, vì Khổ Đế, Tập Đế, cũng từ nhân duyên sinh vậy.
Không biết vì lý do nào đó mà khi kết tập Kinh điển hay sang định kinh điển các vị đó luôn luôn rập khuôn rằng năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như được độ bằng bài pháp Tứ Thánh Đế Khổ-Tập-Diệt-Đạo mà không nói gì về bài kệ bốn câu: "Vạn pháp nhân duyên sinh, cũng theo nhân duyên diệt..." Thật ra lần đầu chuyển Pháp Luân độ năm năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như Là bài kệ bốn câu: "Vạn pháp nhân duyên sinh, cũng theo nhân duyên diệt..." Chứ không phải là Tứ Thánh Đế. Chứng minh: Cả hai hệ Kinh điển Nguyên Thủy và Đại Thừa, câu chuyện sau đây trong hệ Kinh điển Nguyên Thủy: "Ngài Xá Lợi Phất tình cờ thấy ngài A Thuyết Thị một trong năm anh em ngài Kiều Trần Như đi khất thực từng bước chân nhẹ nhàng khinh an tỏa ra sự tịch tịnh an lạc mà ngài Xá Lợi Phất chưa từng gặp qua trong các tu sĩ khác. Vui mừng vì gặp được vị có phạm hạnh, oai nghi ngài liền đến chào hỏi làm quen và hỏi rằng:
- Thầy của Đại Đức là ai và Ngài dạy những gì?
Ngài A Thuyết Thị đáp rằng:
- Thầy của tôi là Thích Ca Mâu Ni, bậc Giác Ngộ và Ngài dạy rằng: "Vạn pháp nhân duyên sinh. Cũng theo nhân duyên diệt. Nhân duyên sinh diệt này. Như Lai từng tuyên thuyết".
Nghe xong bài Kệ Ngài Xá Lợi Phất liền ngộ ra bao nhiêu sự mê mờ bao nhiêu câu hỏi siêu hình mà từ lâu trói buộc tâm tư phút chốc tan biến giống như vạch mây thấy bầu trời. Quá vui mừng ngài trở về gặp ngài Mục Kiền Liên, cũng đọc lên bốn câu kệ đó tức khắc ngài Mục Kiền Liên cũng ngộ ra. Đúng theo Kinh điển chúng ta thấy rằng năm anh em ngài Kiều Trần Như, ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên đầu tiên được độ không dính dáng gì đến Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo hết.
Thứ hai: Hệ Đại Thừa Kinh Lăng Nghiêm: Theo ngài Anan chọn lựa pháp môn thích hợp trình độ căn cơ để tu hành Đức Thế Tôn yêu cầu các vị Thánh trong pháp hội đứng lên giãi bày pháp môn thủa ban đầu mà mình tu học chứng đắc thì ngài Kiều Trần Như đứng lên trước nhất trình bày trước thính chúng:
- Thứ nhất theo ngài trình bày thì khi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng bài pháp về nhân duyên sinh trong thập nhị nhân duyên thì ngài ngộ ra nhờ hai từ: "Khách-Trần" Lần thứ hai cũng theo ngài trình bày thì ngài ngộ ra nhờ "Âm Thanh" Như Lai thuyết pháp.
Một vài minh chứng ở trên để thấy rằng lần đầu tiên nơi vườn Lộc Uyển Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân và năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như được độ bằng bài pháp Tứ Thánh Đế Khổ- Tập- Diệt- Đạo thì đó là sự khiên cưỡng có tánh cục bộ. Nói về sự sai biệt tu hành giữa hai bài pháp Tứ Thánh Đế và Nhân Duyên Sinh thì điểm đến không cùng đường. Một hành giả tu hành theo pháp Tứ Thánh Đế là "Rút lại" và điểm đến sau cùng là "Tịch Tịnh". Còn hành giả tu hành theo pháp Nhân Duyên Sinh là "mở ra" và điểm đến là"Trí Tụê".
Khổ có hai loại: Một là khổ Thân, hai là khổ Tâm. Nếu khổ Thân là tu theo Tứ Thánh Đế: Khổ- Tập- Diệt- Đạo; còn khổ Tâm thì pháp tu Nhân Duyên Sinh là sự chọn lựa tốt nhất. Theo lịch sử Phật Giáo nhìn chung thì năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như, ngài Xá Lợi Phất cùng ngài Mục Kiền Liên không phải khổ thân mà là khổ tâm vì không tìm ra, không phá vỡ được nhiều câu hỏi siêu hình mà tấm lưới tâm thức giăng ra rồi chính mình lại bị trói vào trong đó, nên ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như được giải thoát bằng bài pháp: "Vạn pháp nhân duyên sinh..." Chứ không là Khổ- Tập- Diệt- Đạo.
Để khám phá sắc thân này từ đâu trước khi nó hiện hữu và về đâu khi nó hoại diệt. Vì không Trí Hụê, vì sống trong ảo tưởng nên có nhiều triết thuyết huyền hoặc vu vơ nói về cái sắc thân này. Thật ra sắc thân đến đi rành rành hiện ra trước mắt, ngày ngày giờ giờ chưa từng che đậy. Trong nhân gian có hai hạng người khó có thể nhận ra sự thật về sắc thân này: Hạng thứ nhất vì quá khổ nên bị sắc thân sai khiến, mọi thời gian phải làm nô lệ cho nó tìm kiếm nguồn thực phẩm cung cấp cho nó được tồn tại. Hạng thứ hai vì quá sung túc về tài lực, vật lực nên bị làm nô lệ cho cảm thọ của sắc thân mọi thời gian đều nghĩ tưởng những lạc thú, cảm thọ khác lạ để thỏa mãn vọng tâm đòi hỏi. Và những cách hưởng thụ đó đã làm cho nhiều người, nhiều sinh vật bị khổ đau chết chóc.
Có hai loại trí nói về sắc thân, và một loại trí biết như thật về sắc thân này: Thứ nhất là Phàm phu trí là các nhà tri thức, học giả, triết gia, những vị thông thái, những đạo sư ngoại đạo tu hành; Tất cả các vị đó luận về sắc thân nói chung là không ra khỏi Nhị nguyên là đến-đi, là sinh diệt là đấng này, là vị kia tạo ra dựng lên... vì vậy gọi là Phàm nhân trí. Tất cả Phàm nhân trí đều đặt niềm tin vào vọng tưởng Thần Quyền, đem mình làm nô lệ hiến dâng lên Ảo Tượng chưa bao giờ hiện hữu mà chỉ có trong ngôn từ thần thoại. Những ngôn từ huyễn ảo đó chính con người đặt ra rồi con người lại mê hoặc bởi nó giống như ngọn lửa mà con thiêu thân lao vào. Vì bị mê hoặc lâu đời nên Phàm nhân không thể nhận ra ngôn từ chỉ là ngôn từ mà thôi.
Thứ hai: Nhị thừa trí; đó là trí của các bậc Thánh Tịch Tịnh Thanh Văn Độc Giác. Vì có học Pháp Tứ Thánh Đế nên không có quá mê mờ như phàm nhân là thần phục, tôn thờ ngẫu tượng huyền hoặc. Tuy nhiên các vị Thánh đó chỉ học được Tứ Thánh Đế mà không thể học được Tứ Diệu Đế. Chư Thánh đó chứng Thật Đế bằng sáu căn quán sáu trần như thật thấy biết sự vô thường của sắc thân trong quá trình sinh lão bệnh tử nên nhàm chán, không thích thú, không luyến tiếc, không mê đắm… Nhờ nương theo pháp Tứ Thánh Đế tu nên thoát khổ, thoát khổ nhờ Diệt Tập. Nhờ Diệt Tập nên được tịch diệt, do tịch diệt nên chứng Niết Bàn tịch lặng.
Cảnh giới Niết Bàn tịch lặng đó là vì các căn thôi nghỉ mà chẳng phải là chuyển hóa chủng tử Tàng Thức thành Trí Tuệ. Vì đóng ngũ căn, vì không tiếp xúc, vì các căn thôi nghỉ nên chư vị đó không thể nào biết được Trí Thành Sở Tác là diệu dụng của ngũ căn. Do ngũ căn thôi nghỉ nên ý thức cũng không hoạt dụng, vì ý thức không hoạt dụng nên các vị đó không làm sao biết được Trí Diệu Quang là diệu dụng của ý thức. Chư vị đó chỉ biết chút ít phần nào về Diệu Tại Thượng mà không làm sao nhận ra Pháp Tại Hạ.
Thứ ba: Đại Bồ Tát Như Như Trí; Như Như Trí của Đại Bồ Tát là Trí thấy như thật, Trí thấy thư thật không còn chướng ngại bởi Vô Minh ô nhiễm từ vô thủy, đã đứng trên cảnh giới bình đẳng bất nhị, thấy cảnh giới Tánh và Tướng không sai biệt, thể và dụng không lìa nhau, Thức và Trí không hai…
Giáo pháp căn bản Đức Như Lai để lại cho dù là Nguyên Thủy hay Đại Thừa đều phải tu học đó là Tứ Thánh Đế và Tứ Diệu Đế. Tứ Thánh Đế là cho các vị Thánh từ Tu Đà Hoàn sơ quả cho đến quả vị sau cùng là A La Hán tu học. Còn Tứ Diệu Đế là để cho các Đại Bồ Tát tu học. Từ lâu giáo Pháp Đức Như Lai bị chia làm hai hệ thống là Nguyên Thủy và Đại Thừa, nguyên do không phải là giáo Pháp mà là chữ “Thánh và Diệu”. Từ Thánh và từ Diệu sai biệt như thế nào? Trong pháp hội Đức Như Lai Thế Tôn thuyết pháp thông thường gồm có tứ chúng khi ngài đến vương đô, thành thị và chỉ có hai chúng là Bồ Tát và Thanh văn, Duyên giác khi trên đường du hành từ nơi này sang nơi khác pháp nói cho tứ chúng là Phổ Độ, Pháp nói cho hai chúng là Biệt Độ. Tâm đức Như Lai ngài bình đẳng khi thuyết pháp tuy nhiên vì căn cơ của mỗi vị tu sĩ khác nhau nên sự tiếp nhận pháp khác nhau, vì cấp độ khác nhau nên tiếp nhận Pháp từ đó mà sai biệt .
Sai biệt như thế nào? Khi Đức Thế Tôn nói Pháp thì các vị Thanh văn, Duyên giác bằng “căn tai” tiếp nhận Pháp âm ghi nhớ thông thuộc, tư duy xác quyết rồi sau đó thiền định tu học và tiến trình thứ lớp là “Văn-Tư-Tu”.
Cũng trong pháp hội đó, cũng bài pháp Đức Thế Tôn thuyết đó tuy nhiên không giống các vị Thanh văn, Duyên giác tiếp nhận Pháp âm bằng “căn trần” mà các Đại Bồ Tát tiếp nhận Pháp âm Đức Như Lai bằng “Tánh nghe”.
Thế nào là “Tánh nghe”? Các Đại Bồ Tát là những vị đã thấy được Chân Tâm, đã thấy thật Pháp, đã vào Chân Như, đã thấy pháp thường trụ… Vì vậy Pháp âm Đức Như Lai đi ngang qua tánh nghe làm tỏa sang chiếu diệu lên tâm các ngài như mặt trời chiếu soi quả địa cầu này vậy. Nhờ sự chiếu diệu đó mà các Đại Bồ Tát thấy được thâm tâm duyên theo Pháp Âm mà Khởi, dù là trùng trùng duyên khởi. Tuy nhiên Đại Bồ Tát rõ ràng thấy như thật là Pháp này hoàn toàn thanh tịnh viên mãn. Pháp này còn nhiễm ô bởi tập khí vi tế, Pháp này còn chướng ngại bởi sở tri, Pháp này chưa viên mãn Không Không… Thấy biết như thật vậy rồi Đại Bồ Tát tu tập để thành Mãn những Pháp nào chưa thành Mãn. Cùng là tu tập, tuy nhiên hai cấp độ khác nhau nên sự tu học cũng sai biệt. Không như các vị Thanh văn, Duyên giác sau khi lãnh thọ Pháp âm thì tìm nơi thanh vắng để Thiền định tu tập, mà các vị Bồ Tát thì tu học ngay trong nhân gian lấy tâm Đại Bi cứu độ chúng sinh mà dũng tiến. Cũng nhờ Đại Bi Tâm đó mà sở chi chướng được giải trừ, sở chi trướng không còn thì Hậu Đắc Trí tự thành tựu, vì thành tựu Trí Hậu Đắc nên tánh thấy không còn chướng ngại vì trần cảnh bên ngoài. Vì Căn Bản Trí nên tâm ô nhiễm bởi tập khí cực vi tế trong thức thứ tám “A-lại-da” được soi sáng. Một lý, một sự như vậy không còn ngăn ngại thì đó là Lý-Sự vô ngại cảnh giới, cho đến tất cả các Lý, tất cả các Sự không còn ngăn ngại thì đó là: Sự-Sự vô ngại.
Như trên đã phân tích nên dù là Kinh hệ Nguyên Thủy hay Đại Thừa cũng từ Đức Thế Tôn Như Lai mà ra đều cùng một gốc, có sự sai biệt các bộ phái là do trình độ thâm nhập sâu hay cạn vào Ý Kinh rồi theo đó mà giải nghĩa theo sự chứng biết của cá nhân đó. Thật ra không có sự Đúng-Sai mà chỉ có điểm đến là xa hay gần. Thí dụ như có cái thang mười bậc rồi tùy theo sức lực mỗi người mà leo lên, có người sức yếu chỉ leo lên một bậc, có người hai bậc, có người ba bậc… Có người mạnh mẽ leo lên chín, mười bậc. Rồi cũng tùy theo tầng bậc của mình mà diễn tả cảnh quan mình thấy biết. Như vậy người ở bậc thang thứ nhất diễn tả cảnh quan trong tầm thấy biết của mình, rồi người thứ hai do tầng bậc cao hơn nên diễn tả cảnh quan thấy biết rộng lớn hơn, xa hơn. Tuần tự như vậy cho đến người thứ mười là thấy được toàn cảnh, do vị trí đứng do ngôi cao thấp và tầm thấy biết có rộng-hẹp-xa-gần. Tuy nhiên người ở bậc thang thứ nhất không thể cho rằng người đứng dưới đất nói sai, và người ở bậc thang thứ hai cũng không thể cho rằng người ở bậc thứ nhất không đúng cho đến người ở bậc thứ 9 cũng vậy… Nếu không biết như vậy thì bị bị hai chứng bệnh: Chứng bệnh thứ nhất là thấy gần mà không thấy xa đó là những người ở bậc thấp, chứng chứng bệnh thứ hai là thấy xa mà không thấy gần đó là những bậc ở cao.
HẾT
Mãn Tự
Các bài trước
Thậm thâm vi diệu pháp (phần 1)
Thậm thâm vi diệu pháp (phần 2)
Thậm thâm vi diệu pháp (phần 3)
- Từ khóa :
- Thậm thâm
- ,
- vi diệu pháp
- ,
- mãn tự