CHÂN LÝ SỐNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Đạo Phật không phải là tôn giáo như chúng ta thường gọi bây giờ, mà là một con đường sáng để phá tan si mê, tối tăm, mờ mịt, là một phương pháp giáo dục phẩm chất sống có đạo đức, từ bi và trí tuệ, giúp mọi người biết cách làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng họa; có chăng chỉ là thượng đế của chính mình, mình làm lành được hưởng phước báo an vui, mình làm ác chịu quả báo đau khổ; hạnh phúc hay khổ đau đều do ta tạo lấy.
Đã làm người ai cũng có tình cảm, rồi dẫn đến hẹn hò, yêu thương và lập gia đình; bắt đầu từ đó, ta phải gánh lấy nhiều trách nhiệm nặng nề hơn; nếu ta thiếu phước và không biết cách tu tập, sẽ chịu nhiều phiền muộn, khổ đau trong cuộc sống hằng ngày.
Như chúng ta đã biết, khi có yêu thương thì có luyến ái, muốn bảo vệ cho riêng mình, từ đó phát sinh lòng ham muốn, và không chỉ giới hạn ở tình yêu thương giữa hai người, mà còn tham muốn rất nhiều thứ khác nữa. Tất cả những thứ yêu thương, luyến ái đó đều phát xuất từ sự ham muốn khoái lạc cho chính mình. Hình như chúng ta chỉ yêu mến người nào đem lại hạnh phúc cho ta và sẽ oán giận, thù hằn người nào làm cho mình đau khổ.
Từ sự thương yêu, luyến ái, muốn bảo vệ quyền lợi cho riêng mình để hưởng thụ khoái lạc cảm giác, cha mẹ thương yêu con mình nên phải lo lắng đủ cách để bảo đảm đời sống hiện tại và tương lai của nó. Nếu sau này con cái bất hiếu, không làm nên tích sự gì, sẽ làm cho cha mẹ thất vọng và phiền muộn, khổ đau vô cùng. Cho nên,
Mới sinh ra, ta đã khóc, mọi người cười.
Ta phải sống, như thế nào, khi ra đi, mọi người khóc, còn ta cười.
Tiếng khóc oe oe báo hiệu đau khổ cho một chúng sinh vừa mới chào đời, nhưng ai cũng vui tươi, phấn khởi đón nhận một vì sao sáng. Vì ai cũng có tâm, nên ta biết phân biệt, đặt tên cho nhau, biết đủ mọi thứ, đó gọi là phần tinh thần.
Tâm không có hình tướng hay màu sắc gì, nên không thể dùng mắt mà thấy, không thể dùng tai để nghe, hoặc dùng tay chân sờ mó, đụng chạm được. Tâm tuy không có hình tướng cụ thể, nhưng do tác dụng thấy-nghe, phân biệt nên có biết, biết tức là tâm.
Tâm được chia ra làm hai phần, chơn tâm và vọng tâm. Đứng về chơn tâm thì không thể dùng lời nói để diễn tả cho mọi người biết được, nên chỉ nói “thường biết rõ ràng”.
Phật dạy, chơn tâm giống như vàng còn nằm trong quặng, bị bùn đất, cát đá lẫn lộn, chưa được đào đãi, sàng lọc sạch; giống như ly nước chứa lẫn lộn bùn đất, khi ta lóng trong và đổ hết cặn cáu, bấy giờ nước trong ly đã thật sự thuần khiết, trong sạch, dù ta có làm cho nước dao động mạnh, cũng không vì thế mà nước bị vẩn đục, cũng như vàng sau khi đã gạn lọc hết đất cát, bùn đất lẫn lộn, lúc bấy giờ chỉ còn thuần một chất vàng.
Phật cũng lại như thế, dù bị phong ba, bão táp cuộc đời làm hại, Phật vẫn sáng suốt, thanh tịnh, trong sạch, vì các tạp chất phiền não đã được chuyển hóa hết rồi. Cho nên, trong hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen lên, Ngài Ca Diếp mỉm cười, nhận ra chơn tâm trong sạch của mình nói không thể đến, nhưng vẫn thường biết rõ ràng, thanh tịnh, sáng suốt mà lặng lẽ chiếu soi.
Có khi ta sống với chân tâm, nhưng không được lâu dài vì bị vọng tâm che lấp. Tuy nó vẫn thường hiện hữu ngay nơi thân này, nhưng vì gió nghiệp thức cuốn trôi, ta hay sống với vọng tâm mà sinh ra phân biệt ta, người, đủ thứ hết. Nếu ta không có tâm, làm sao biết đặt tên cho tất cả muôn loài vật?
Vọng tâm là cái hiểu biết phân biệt, nhận thức tốt xấu, đúng sai, mọi âm thanh, hình sắc, nên ai sống với vọng tâm thì bị tham lam, si mê trói buộc, do chấp ta là mình mà muốn chiếm hữu tất cả. Ngược lại, khi ta sống với tâm chân thật thì thanh tịnh, sáng suốt, thấu rõ mọi sự vật, nên chuyển hóa được tham lam, sân giận, si mê.
Do đó, chơn tâm không có hình tướng dài ngắn, vuông tròn, xanh đỏ, trắng vàng, nên không ai dùng mắt thấy, tai nghe, hay sờ mó được tâm; nhưng tâm chân thật nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng, không lầm lẫn, nương nơi tai thì thông suốt mọi âm thanh lớn nhỏ, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như vậy.
Trong một chuyến đi từ thiện ở Lâm Đồng, để giúp cho 300 hộ gia đình nghèo người dân tộc, chúng tôi vô tình đọc được một bài kệ 4 câu trên tảng đá mà không có tác giả, thấy hay nên tôi vội chép lại và cố gắng học thuộc:
Ai cũng có tâm sáng suốt chỉ vì chẳng chịu thừa nhận nên sống trong đau khổ lầm mê.
Khi mê bùn chỉ là bùn
Khi ngộ mới biết trong bùn có sen.
Khi mê tiền chỉ là tiền
Khi ngộ mới biết trong tiền có tâm.
Quả thật, từ ngàn xưa cho đến nay, loài sen chỉ mọc nơi bùn và vươn lên tỏa hương hoa thơm ngát. Chính vì vậy, trong các loài hoa, hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết, trong sáng, tuy sống và phát triển từ bùn mà không bị bùn làm ô nhiễm.
Bùn là tượng trưng cho việc làm xấu xa, tội lỗi, nói đến bùn là nói đến sự nhơ nhớp của nó. Các loại cây sống nơi bùn thì khó mà cho ra hương thơm tinh khiết, riêng hoa sen có điểm đặc biệt hơn, vươn lên từ bùn lầy mà nở hoa thơm ngát. Do đó, khi ta chưa sống được với chơn tâm chân thật nên khi mê, bùn chỉ là bùn.
Thân ta cũng vậy, do đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại mà thành, nên lúc nào cũng bị sinh-già-bệnh-chết chi phối. Tuy nhiên, ngay nơi thân ta có tính biết sáng suốt, hằng soi sáng muôn loài vật không bị ngăn ngại, nên ta nói “khi ngộ mới biết trong bùn có sen”. Thân ta cũng vậy, nếu không có thì ai biết, ai nghe đây? Gió thổi thì biết mát, trời nắng thì biết nóng, ta biết rõ ràng như vậy không lầm lẫn.
Trong bùn có sen, trong thân có tâm, vậy thì tại sao ta chẳng chịu thừa nhận, để đến khi mê tiền chỉ là tiền. Tiền là phương tiện để ta sinh sống, là nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong đời sống con người; nhưng nếu ta không chịu sống với con người tâm linh, khi mê tiền chỉ là tiền, nó sẽ sai sử, dẫn dắt ta chạy theo dòng đời nghiệt ngã, tranh giành hơn thua, phải quấy, tốt xấu, để kiếm tiền bằng cách gian dối, lường gạt người khác. Cho nên, chúng ta phải sống trong vòng lẩn quẫn tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ mà tranh đấu, sát phạt lẫn nhau.
Từ đó, ta làm mất đi tình yêu thương chân thật mà kết thành tội lỗi, gây đau khổ cho nhau. Nhưng rõ ràng, đâu phải ai cũng vì tiền mà đánh mất đi lương tâm của chính mình. Nhiều người biết sử dụng đồng tiền đúng chỗ, nên làm lợi lạc cho số đông quần chúng. Tiền chỉ là giá trị để cân bằng sự sống, là vật vô tri do con người sắp đặt. Nếu ta không có tâm thì làm sao đặt tên cho nó là tiền; biết được như vậy, khi ngộ mới biết trong tiền có tâm.
Nếu ta không có tâm, vậy ai biết đặt tên; có biết là có tâm, vì tâm đó không có hình tướng rõ rệt, không trong ngoài, trước sau, nên biến hiện không có ngần mé, mà vẫn sáng trong, chiếu soi muôn loài vật.
Từ ngàn xưa cho đến nay, con người sở dĩ tồn tại là nhờ biết sống hòa hợp với nhau. Tương tự như thế, mắt-tai-miệng-chân-tay nhờ biết cảm thông nên sống vui vẻ, hòa thuận, không bao giờ biết tranh cãi hay hơn thua một điều gì! Nhờ biết sống hòa hợp với nhau nên suốt một thời gian dài họ sống an lạc hạnh phúc, bổng dưng một bữa nọ do tâm ganh ghét nên xảy ra một chuyện như sau:
“Anh em, dòng họ chúng tôi từ trước đến nay có tiếng là biết sống yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau, tuy có rày rà đôi chút nhưng không đáng kể. Bởi tôi là đứa con gái duy nhất trong nhà, nên lúc nào cũng hay làm duyên, làm dáng với đôi mắt bồ câu làm say đắm lòng người. Tôi được mọi người công nhận là cửa sổ tâm hồn, là nơi thu nhận tất cả mọi hình ảnh đẹp xấu trong cuộc đời. Mỗi ngày sau khi làm việc chăm chỉ, tôi cũng có được những giây phút ngắn ngủi để nghỉ ngơi, ngắm nhìn và say mê, thích thú vẻ đẹp của muôn loài vật; có khi vì ham muốn quá mà không được, tôi bị căng thẳng và mệt mỏi vô cùng.
Bên cạnh chúng tôi còn có bác Tai luôn biết cảm thông mọi âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, cho đến những lời hằn học, khó nghe. Bác hay lắng nghe tiếng nói của tha nhân, tùy duyên giúp đỡ mọi người, nên họ hàng nhà tôi ai cũng yêu thích bác hết.
Riêng hai cậu Chân và Tay lúc nào cũng phải siêng năng cần mẫn, cậu Chân gánh đỡ cả con người và hoạt động đi lại, để anh Tay làm việc phục vụ bên ngoài mà có tiền nuôi sống bản thân nhờ vào ăn uống. Ngày nào nhu cầu công việc cũng tiếp nối và cần thiết nên làm cho hai cậu Chân và Tay vất vả nhọc nhằn. Do vì kế sinh nhai của cuộc sống, chúng tôi phải tất bật làm việc mỗi ngày, không có thì giờ ngơi nghỉ từ mờ sáng tinh sương cho đến khi chiều tối.
Thỉnh thoảng, gia đình chúng tôi cũng ngồi lại bên nhau để họp mặt, bàn bạc, trao đổi, rút tỉa kinh nghiệm trong cuộc sống. Những lần như vậy, tôi hay ngồi lim dim vì mệt mỏi, hai cậu Tay và Chân cũng lừ đừ, chẳng buồn trò chuyện với ai. Riêng bác Tai nhà chúng tôi phải chăm chỉ chú tâm vào công việc, tuy không vất vả nặng nhọc như tôi, mất sức như hai cậu Tay và Chân, nhưng có khi bác bị đau và ê ẩm hết mình mẩy vì những ngôn từ chát chúa, thô lỗ, tục tằn, hằn học và khó nghe…
Tuy nhiên, tất cả bốn người chúng tôi đều cố gắng siêng năng, tích cực làm việc, nhờ vậy mà cuộc sống có phần cơm no ấm áo, không phải lao đao, lận đận như những gia đình khác. Nhưng thời gian trôi qua, chúng tôi về sau lại sinh tâm so đo, tính toán quá nhiều; vì thấy anh chàng Miệng là sung sướng hơn hết, chẳng thèm làm gì mà vẫn được ăn sung mặc ấm, suốt ngày chỉ thong dong, đi chơi hết đầu trên xóm dưới, tán dóc, nói chuyện đâu đâu. Anh ta chờ chúng tôi làm việc xong, đến giờ cơm là chỉ việc xơi tái một cách ngon lành. Anh ta ăn một cách an nhàn, thoải mái, làm chúng tôi càng thêm tức tối, ganh tị và bực bội vô cùng.
Chúng tôi làm việc cực nhọc, vất vả như vậy mà có bao giờ thưởng thức được món ngon, vật lạ nào, cuối cùng chỉ để cho anh chàng Miệng ăn không ngồi rồi, hưởng trọn vẹn hết; thử hỏi làm sao chúng tôi không tức tối, bực bội cho được.
Vì suy nghĩ ích kỷ, không tới nơi, tới chốn, tôi tức giận quá, bèn rũ bác Tai và hai cậu Tay, Chân nói với anh chàng Miệng, chúng tôi từ nay không thèm làm gì hết, mọi việc để anh ta tự làm, tự sống.
Bắt đầu từ hôm đó, chúng tôi không làm gì nữa mà chỉ ngồi chơi xơi nước. Rồi một ngày, hai ngày trôi qua, chúng tôi cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, cảm thấy trời đất như đang quay cuồng, không còn thấy rõ mọi thứ được nữa; riêng hai cậu Chân và Tay không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như xưa, chỉ muốn nằm lỳ một chỗ, không nhúc nhích, cục cựa gì.
Lúc này, bác Tai không còn nghe rõ chính xác mọi âm thanh, chỉ nghe thấy tiếng ù ù như tiếng cối xay đá vậy. Chúng tôi sống như vậy gần suốt hai tuần lễ, nên tất cả gần như hết xí quách, ai cũng ủ rũ, rã rượi như kẻ mất hồn, nếu kéo dài thêm thời gian chắc sẽ chết hết cả đám.
Đến giờ phút này, tôi mới nhận ra sai lầm lớn lao của mình, vì so đo tính toán quá nhiều nên sinh tâm bất mãn, bỏ liều hết mọi công việc, xuýt chút nữa tôi đã hủy diệt cả dòng họ, anh em mình; đúng là khùng tới nơi vậy, mọi việc đang trôi chảy, bình thường, tốt đẹp, tôi lại nảy sinh ý định oán giận, thù hằn, ganh ghét anh chàng nhà Miệng làm chi, để đến nỗi phải chịu khốn khổ, thân tàn ma dại như thế này.
Tôi ăn năn và hối hận vô cùng. Tuy anh chàng Miệng làm việc nhẹ nhàng hơn chúng tôi, chỉ có nhiệm vụ nhai thôi nhưng rất quan trọng, thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Ngoài việc ăn để tiếp năng lượng cho chúng tôi, anh còn nói năng, chỉ đạo, sắp xếp mọi việc được vuông tròn, tốt đẹp. Không có anh, chúng tôi sẽ không biết cách làm việc chừng mực, giữ được sức khỏe để dấn thân, phục vụ lâu dài.
Thế nên, vì hành động dại dột, thiếu ý thức, hiểu biết của mình, cả bọn chúng tôi đi nhanh đến nhà anh Miệng để nói lời xin lỗi. Thấy chúng tôi đến, anh Miệng mừng quá nói chẳng ra lời, vì đôi môi đã tái mét, tím sạm, chắc anh đã đợi chúng tôi từ lâu. Hai cậu Chân và Tay nhanh trí hơn nên vội tìm thức ăn cho anh Miệng; ăn xong, anh dần dần tỉnh lại, vui vẻ cười nói huyên thuyên như người chết đi, vừa sống lại.
Lúc bấy giờ, chúng tôi cảm thấy vui tươi, phấn khởi lạ thường, như người ốm nặng đã lâu vừa được hồi phục. Kể từ đó, chúng tôi sống thân thiện, hòa hợp với nhau nhiều hơn, vì đã hiểu được nguyên lý duyên khởi theo lời Phật dạy, “trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài vật đều phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống”. Nhờ vậy, chúng tôi bây giờ luôn thầm cảm ơn lời dạy của Phật, biết sống hết lòng bằng trái tim hiểu biết mà chan hòa tình yêu thương, cùng san sẻ nâng đỡ cho nhau, cùng nhau chia vui sớt khổ với tấm lòng biết ơn lẫn nhau.
Riêng tôi thì rất xấu hổ vì đã gây ra biết bao lầm lỗi do tham lam, ích kỷ, ganh ghét, hẹp hòi, xém chút nữa tôi đã hại hết dòng họ nhà mình. Chính vì thế, tôi càng ý thức hơn trong việc kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, để đến với nhân loại bằng tất cả tấm lòng từ bi rộng lớn.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, chúng ta đã rút ra được một bài học quý báu về cuộc đời, không ai một mình có thể tự sống dù tài giỏi đến đâu. Dù ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, không dệt vải nhưng vẫn có quần áo mặc, không phải thợ hồ, thợ mộc nhưng vẫn có cửa nhà để ở, chỉ vì con người luôn nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau cùng vui sống hài hòa. Ai cũng có khả năng, sở trường riêng để đóng góp, phục vụ cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình, không có ai là người vô tích sự nếu biết trân quý, tận dụng thời gian để dấn thân đóng góp, an ủi và sẻ chia.
Vì tham lam, ích kỷ, si mê, nên chúng ta sinh tâm giận hờn, ghét bỏ, để cuối cùng tìm cách triệt hại, bức giết lẫn nhau. Con người từ vua quan cho đến thứ dân bần cùng, ai cũng có trách nhiệm và bổn phận. Mỗi người đều có một việc làm tùy theo khả năng và sự hiểu biết, để dấn thân đóng góp và phục vụ, đem lại lợi ích thiết thực cho gia đình và xã hội. Người nông dân phải phơi mình một nắng hai sương, đầu trần chân đất, chân lấm tay bùn, mới làm ra những hạt gạo thần tiên, giúp mọi người được sống no đủ. Kẻ thương gia sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng mọi mặt. Người bán hàng quán, thức ăn, thức uống thì đáp ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho con người mỗi ngày. Người chiến sĩ phải hy sinh hạnh phúc gia đình riêng để bảo vệ biên cương bờ cõi, có khi phải chịu đau thương, chết chóc, hay bệnh hoạn, tật nguyền.
Người lãnh đạo đất nước phải có tinh thần trách nhiệm, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp trên tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Người tu sĩ thì giữ gìn phẩm chất đạo đức, làm cơ sở gương mẫu giúp mọi người ý thức được, sống là phải nương nhờ lẫn nhau, cùng san sẻ, giúp đỡ mỗi khi có việc cần thiết.
Chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, biếng nhác, chây lười, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, nên dễ rơi vào vòng tệ nạn, làm khổ người thân, gây thiệt hại cho gia đình, xã hội. Mỗi chúng ta là viên gạch tình thương xây nên căn nhà bao dung, độ lượng, sẻ chia và hiến tặng. Chính vì vậy, ai cũng có bổn phận và trách nhiệm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Cụ thể như gia đình nhà cô Mắt, nếu cứ sống thân thiện, hòa hợp với nhau, mỗi người đều có trách nhiệm riêng, cùng hỗ trợ cho nhau, thì cuộc sống này an lạc, hạnh phúc biết dường nào.
Cũng vậy, ta đang sống với bản tâm thanh tịnh sáng suốt, để được hưởng những giây phút an nhàn, siêu thoát thì lại không chịu, cứ khởi vọng động phân biệt, so đo, tính toán, nên vô tình làm tổn thất và thiệt hại cho nhau.
Nếu cô Mắt có nhiệm vụ thâu nhận hình ảnh trung thực như thế nào thì biết rõ thế ấy, không thêm vào một thứ nào khác, thì cuộc sống này là thiên đường hạnh phúc. Hai cậu Chân, Tay thì lao động, làm việc, giúp thân này đóng góp công ích vào phúc lợi xã hội. Bác Tai phải điều hòa âm thanh lớn nhỏ cho nhẹ nhàng, êm thắm. Anh Miệng ngoài nhiệm vụ ăn để tiếp nguồn dinh dưỡng, giúp mọi người có sức khỏe mà sống yêu thương, còn phải nói năng, hướng dẫn để mọi người biết sống tốt hơn.
Nói tóm lại, cuộc sống trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài vật đều phải nương nhờ lẫn nhau. Cho nên, chúng ta phải có trách nhiệm dìu dắt, nâng đỡ để cùng nhau dấn thân đóng góp, cùng sẻ chia với tất cả mọi người.
- Từ khóa :
- Chân lý sống