Thư Viện Hoa Sen

Xuân Mới, Nhìn Lại Một Số Tư Liệu Về Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam

25/02/20187:11 SA(Xem: 7720)
Xuân Mới, Nhìn Lại Một Số Tư Liệu Về Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam
XUÂN MỚI, NHÌN LẠI MỘT SỐ TƯ LIỆU 
VỀ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TẠ VĂN TRƯỜNG

 

lich su phat giao viet namCứ mỗi độ xuân về, lòng người luôn chan chứa niềm vui, để tin rằng một chu kỳ mới sẽ đến, mọi thứ sẽ thay đổi. Mùa xuân đến với lứa tuổi từng trải còn là sự chiêm nghiệm tư duy, nhìn lại về những gì mình đã trải qua, về những gì đã thành công và thất bại trong đời, nhìn lại lịch sử của dân tộc, sự thăng trầm của đất nước. Trong kho tàng văn hóa Việt Nam nếu ta hình dung nó như một thư viện đồ sộ, thì chúng ta dễ dàng tìm thấy những tác phẩm trong đó chứa những tư liệu quý về Phật giáo Việt Nam. Từ khi các nhà bác học Việt Nam bắt đầu công cuộc viết sử dân tộc như: Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú với Đại Việt Thông sử, Lịch triều hiến chương loại chí, v.v… Phật giáo Việt Nam đã được nhắc tới trong lịch sử nước nhà như một bộ phận, một thành phần, như một chương sách trong một tập sách. Trên thực tế, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đương đại đã thịnh suy, thăng trầm cùng với vận mệnh dân tộc, cùng với lịch sử đất nước Việt Nam và góp phần không nhỏ trong công cuộc dựng nước và giữ nước.(1)

Từ khi Phật giáo truyền bá vào Việt Nam nhất là khi có sự truyền bá về tông phái, và sự phát triển của hệ phái, tuy chưa hẳn đã có ý thức viết lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhưng các vị sư lãnh đạo Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ đã ghi lại rất nhiều Thiền Phả, lịch sử các chùa, tiểu sử các chư tăng đạo hạnh, sự truyền thừa của các tông phái, v.v… mà sau này trở thành tư liệu quý giá cho người viết sử. Sau sự xuất hiện đầu tiên của công trình khuyết danh “Phật giáo Nam lai khảo” trên tờ Nam Phong số 128, vào năm 1928, người phát khởi công cuộc viết lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trần Văn Giáp đã trên cơ sở những tài liệu trên đây và những nguồn tư liệu tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Âu mà hoàn thành công trìnhPhật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII”. Đó là luận án cao học của ông công bố tại Paris năm 1932. Với công trình này của Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt Nam được người ta biết đến một lịch sử thật phong phú và độc đáo mặc dù chỉ dừng lại ở thế kỷ XIII”(2). Hơn 10 năm sau, năm 1943, Hòa thượng Thích Mật Thể, cho công bố công trình Việt Nam Phật giáo sử lược, mà sau đó vào năm 1969 được tái bản tại Nhà xuất bản Đà Nẵng và năm 1966 tái bản tại Hà Nội.(3) Công trình của Hòa thượng là cuốn đầu tiên của Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến những năm đầu của thập kỷ 40. Nó đã “thể hiện một nỗ lực tổng hợp tất cả tư liệu Phật giáo cho thời ấy”(4) và trở thành tài liệu tham khảo quý cho giới nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam nói chung và nghiên cứu lịch sử Phật giáo nói riêng. Vào thập kỷ 60, một số phát hiện về tư liệu Phật giáo của những nhà khảo cổ học Việt Nam đã được công bố, trong đó đáng chú ý là bài nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn “Về một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư(5). Tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Minh Tuấn và Chánh Trí cũng được xuất bản ở Sài Gòn trong dịp này đã góp phần làm cho phong trào nghiên cứu lịch sử Phật giáo được động viên khích lệ hơn. Đến năm 1974, Phật giáo Việt Nam mới có được một công trình tầm cỡ và tương đối đầy đủ về lịch sử Phật giáo của mình. Đó là công trình nghiên cứu của Nguyễn Lang với nhan đề Việt Nam Phật giáo sử luận.(6)Năm 1974, công trình được xuất bản ở Sài Gòn. Tới cuối năm 1978, cả hai tập được ra mắt bạn đọc và “đã hầu như có mặt trong đời sống học thuật của giới nghiên cứu trong nước, Bắc cũng như Nam”(7). Công trình nghiên cứu của Nguyễn Lang ngoài việc tiếp thu nghiên cứu của những tác giả đi trước như Trần Văn Giáp, Thích Mật Thể, đã được bổ sung thêm một số tư liệu liên quan tới Phật giáo mà ngành khảo cổ học Việt Nam phát hiện những năm thập kỷ 1960. Về thời điểm xuất hiện Phật giáoViệt Nam, ông chứng minh rằng: Trung tâm Phật giáo của Luy Lâu của Giao Châu (Việt Nam thời cổ) đã hình thành và phát triển trước Trung tâm Phật giáo Lạc DươngBành Thành của Trung Quốc thời cổ. Trong khi đó, tác giả Lịch sử Phật giáo Trung Quốc cho rằng: Phật giáo Ấn Độ tới Trung Quốc chính thức vào năm 67 Dương lịch.(8) Từ đó có thể hiểu rằng Phật giáo tới Việt Nam còn sớm hơn nữa theo chứng minh của Nguyễn Lang. Có nghĩa rằng, khả năng Phật giáo có mặt ở Việt Nam còn sớm hơn thế kỷ I và II sau Công nguyên như trước Nguyễn Lang người ta vẫn quan niệm có thể vào “tiền bán thế kỷ thứ nhất”(9). Với những tác phẩm từ sau công trình của Trần Văn Giáp, công cuộc nghiên cứu Phật giáo Việt Nam khẳng định được nhiều điều nhưng còn nhiều điều chưa được sáng tỏ do thiếu những cơ sở khoa học bổ trợ. Năm 1975, đất nước độc lập, thống nhất, cùng với xu thế nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển, trong đó Phật giáo cũng được nhiều nhà khoa học xã hội quan tâm, nghiên cứu, thảo luận. Có thể kể đến công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, ông đã soạn từ năm 1972, nội dung viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1940. Lịch sử Phật giáo Việt Nam được chia làm ba thời kỳ lớn. Trong tập I (Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế), tác giả chứng minh rằng: Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ khởi kỳ Hùng Vương thứ nhất và thứ hai tức là khoảng thế kỷ II, III trước Công nguyên(10). Thời kỳ thứ hai, bắt đầu từ lúc dòng thiền Pháp Vân ra đời cho đến cuối đời Trần. Thời kỳ thứ ba, từ đầu đời Lê tới cận đại. Mỗi một giai đoạn có mỗi nét đặc trưng và một quá trình phát triển tất yếu của nó.

Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết chỉ điểm lại một số tư liệu tiêu biểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói trên. Nghiên cứu lịch sử Phật giáo luôn sôi động với các phát hiện mới, có thể là bổ sung hoặc làm thay đổi các quan điểm cũ. Và trong những thập niên gần đây, lĩnh vực này đã được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu tôn giáo, văn hóa, lịch sử nước nhà. Nhiều tác giả luôn cố gắng cập nhật những phát hiện và quan điểm mới về lịch sử Phật giáo dân tộc để góp phần có những tư liệu kiến thức cơ bản về truyền thống và bản sắc của dân tộc nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Năm mới bắt đầu với biết bao niềm tinhy vọng về sự thành công trong công việc, trong cuộc sống, hạnh phúc đủ đầy bên người thân và gia đình. Bên cạnh đó là sự kỳ vọng vào những nghiên cứu phát hiện mới từ đó làm tư liệu để tìm hiểu chính xác hơn về nền Phật giáo nước nhà.


1. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Thuận Hóa, 1999, tr.3.

2. Trần Văn GiápPhật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, trong cuốn Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.31-174.

3. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.

4. Lê Mạnh Thát, Sđd, tr.3.

5. Hà Văn Tấn, Về một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 78, năm 1965.

6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I và tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.

7. Nguyễn Huệ Chi, Lời giới thiệu, trong cuốn: Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.7.

8. Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1991.

9. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Sđd, tr.32-33.

10. Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 15 và tr.4
Thư Viện Hoa Sen

Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11332)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: