Truyện 3: Thầy Thương Con

28/05/20183:38 SA(Xem: 3640)
Truyện 3: Thầy Thương Con

Thích Trung Hữu
CHÚ TIỂU
Tập Truyện Ngắn 

Nhà Xuất Bản Phương Đông

  

Truyện 3
THẦY THƯƠNG CON


Tôi ôm thau đồ ra sàn nước, bé Ngộ lót tót theo sau, miệng tía lia: Sư huynh giặt mấy bộ đồ hả sư huynh?

- Sư huynh giặt ba cái áo, hai cái quần.

- Sư huynh không được nói là quần - nó bắt bẻ - Nói quần nghe thô lắm, thầy mình dạy phải gọi là khậu cơ.

- Ừ, ba cái quần, hai cái khậu.

- Hứ?

- Ba cái áo, hai cái khậu.

- Ừ, vậy đó.

- Bộ đệ tính giặt đồ phụ sư huynh hả?

- Dạ, đâu có.

- Không giặt phụ thì đi theo làm gì?

- Theo sư huynh chơi.

- Chơi hoài, thầy bắt quỳ hương đó - tôi đặt thau đồ xuống vừa nói.

- Sư huynh còn dám nhắc tới chuyện quỳ hương nữa à. - Ngộ leo như con khỉ lên cháng ba của cây khế ngồi, ngắt mấy lá khế non bỏ vô miệng nhai chóp chép nói tiếp - Làm bữa đó em quỳ muốn sưng đầu gối luôn vậy đó. Cho sư huynh trái khế chín nè… Nhưng mà thầy phạt đệ quỳ hương vì đệ ngủ nhiều chứ đâu phải tại đệ đi chơi đâu. Nói cho sư huynh biết, sư huynh xấu lắm đó vì không kêu đệ dậy. Chừng nào sư huynh có chuyện gì thì đừng có nhờ ai hết nhé!

- À mà kỳ thiệt đó nghen. Có người nói mình xấu vậy mà cứ theo nói chuyện hoài là sao vậy ta?

- Xí…bộ sư huynh tưởng đâu đệ theo sư huynh để nói chuyện à?

- Chứ theo mần chi?

- Theo để phá sư huynh đó.

- Vậy là sư huynh gặp xui xẻo rồi.

- Ừ, sư huynh gặp xui rồi đó. À mà sư huynh này, mình hái lá khế vô nấu nước đi.

- Sư huynh thấy hái trái khế còn hay hơn.

- Sư huynh thì chỉ biết ăn ăn ăn thôi à. (Công nhận bé nhe răng giống khỉ thật).

- À sư huynh biết rồi. Đệ định nấu nước tắm cho bớt ghẻ phải không?

- Sư huynh thì mới có ghẻ đó - Ngộ lườm tôi, rồi chúm chím miệng cười - Sư huynh biết để chi hôn - lại cười - Để gội đầu đó.

- Bộ đầu của đệ có chí hả?

- Ừ, “có chí thì nên” chứ sao!

- Sư huynh nói con chí kìa.

- Sư huynh nói xấu đệ hoài à - Ngộ cằn nhằn.

- Không phải vậy chứ sao?

- Để cho mượt tóc, hi hi…

- Có mấy sợi mà cũng đua đòi. - tôi nhìn cái chóp tóc chỉ nhỏ bằng ngón tay treo lủng lẳng trên mỏ ác của Ngộ rồi cười.

- Mấy sợi không phải là tóc à, lêu lêu mắc cỡ.

Huynh đệ đang đối đáp với nhau thì Thầy ra tới. Thấy thầy, chúng tôi sợ quá nên "tắt đài” ngay, vì Thầy rất nghiêm. Bản thân thầy luôn sống đúng tinh thần giới luật. Và thầy cũng áp dụng như vậy đối với hàng đệ tử chúng tôi. “Khó mới nên”, Thầy nói vậy. Cứ đúng ba giờ rưỡi sáng là tất cả phải thức dậy để công phu. Ở đây không có chuyện ngủ quên đâu nhé, vì Thầy lúc nào cũng thức dậy trước, thấy thiếu ai là Thầy đến tận giường đánh thức. Nhưng tốt hơn là đừng để cho thầy đánh thức, vì như vậy thì thế nào trên quá đường sáng cũng “được” nghe Thầy giáo giới cho, ngắn thì năm mười phút, dài thì nửa giờ. Cho nên không có ai dám “nướng” cả khi nghe tiếng bảng báo thức mỗi khuya. Mắc cười nhất là mấy chú tiểu mới vô tu, do chưa quen nên thức dậy trong trạng thái sật sừ, đi lủi vô cột chùa nghe lốp cốp… thấy thương! Có một lần khi chúng đang đứng trang nghiêm tụng kinh Lăng Nghiêm thì bỗng Nguyện bước tới giơ hai tay lên hư không như đón vật gì. Thì ra nó đang… đứng chiêm bao, thấy Phật tử cúng dường cho nải chuối nên nó bước tới lấy. Nói chi xa, chính tôi cũng vậy, hồi ở nhà một mình ngủ một bộ ván rộng mênh mông, có lăn… thẳng cánh cũng không tài nào ra khỏi bộ ván. Nhưng khi vô chùa ngủ trên chiếc đơn nhỏ xíu, một đêm lăn rớt xuống đất không biết bao nhiêu lần. Những chuyện “không quen” như thế khi mới vô chùa rất nhiều, kể mãi kể mãi cũng không hết… Nói như vậy có vẻ như bị bắt buộc phải tu, chẳng qua là vì vấn đề thể chất (tuổi trẻ nên ngủ nhiều mà) chứ thật ra thì chúng tôi không hề có khái niệm lười biếng mà là rất tinh tấn, thậm chí còn tranh nhau tu nữa là khác. Một phần vì ham tu, một phần nữa là vì không muốn để cho Thầy phải buồn.

- Khuya nay nhớ gọi em dậy công phu nhe sư huynh? - bé Ngộ căn dặn. Bé là đứa ngủ nhiều nhất, ngủ như chết, nên cũng thường bị qùy hương nhiều nhất. Nhưng sáng nay Thầy không bắt bé quỳ hương, có lẽ Thầy giận, nên bé tự dặn lòng mình là sẽ không làm thầy buồn nữa.

- Không hứa à nghen - tôi trả lời.

- Hu hu… - không ngờ Ngộ bỗng dưng òa lên khóc ngon lành. Báo hại tôi phải dỗ một hồi bé mới nín. Ấy thế mà khuya đó khi tôi lên khai bảng thì đã thấy bé ngồi bên đại hồng chung tự bao giờ. Thấy tôi, bé nhe… hàm răng khỉ ra cười. Tôi vừa gõ xong ba tiếng bảng thì giọng bé cất lên: “Nguyện thử chung thinh…” nghe thật thanh tao. Không biết có phải nhờ ngủ nhiều mà “nội công” của Ngộ dồi dào hay không mà mặc dù thuộc dạng “út tiêu” của chùa nhưng tiếng của bé thì… trên cả tuyệt vời.

Chúng tôi có tất cả bảy huynh đệ. Những năm tháng làm Điệu có thể nói là những kỷ niệm theo chúng tôi suốt cuộc đời không thể nào quên. Tất cả chúng tôi khi lớn lên đều có địa vị này nọ, nhưng gặp nhau là cứ nhắc chuyện hồi nhỏ để mà cười. Cười xong rồi lại bùi ngùi nhớ đến Thầy! Chính nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc của Thầy thời ấy mà chúng tôi mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Cũng như có thành tích để mà… lên mặt lên mày với đám đệ tử của mình, rằng hồi xưa thầy từng làm Điệu cực lắm cơ. Vân vân và vân vân… Nói cho vui là vậy, chứ nếu nói thật thì tôi sẽ nói… cũng y như vậy thôi. Bởi vì thật sự đời sống gương mẫu của Thầy đã ảnh hưởng tới chúng tôi rất nhiều, đơn cử như vấn đề chứng trai chẳng hạn. Thầy nói rằng thời đại ngày nay không thể giữ được hình thức khất thực như xưa, nhưng chúng ta phải giữ cái tinh thần của nó, tức là “ngọ trung nhất thực”. Phải coi việc đi chứng trai của mình cũng giống như ngày xưa đi khất thực vậy. Cho nên một khi đã nhận thiệp mời đám của ai là Thầy không bao giờ nhận của người thứ hai nếu cùng ngày. Còn bây giờ tôi thấy mối quan hệ Thầy trò sao mà lỏng lẻo quá. Khi trò cầu đạo thì Thầy chỉ có việc cạo đầu rồi bỏ đó, còn trò thì muốn học gì tự tìm chỗ mà học, muốn làm sao thì làm, mà không làm gì cũng không sao. Do không được mài giũa nên khả năng chịu đựng, nghị lực vượt khó của Tăng Ni trẻ ngày nay, nói thiệt, yếu như liễu mềm trước gió vậy. Và do đó mà cũng rất khó giữ vững trước những cám dỗ của cuộc đời. Thầy chúng tôi, dù cho những năm cuối đời, từ khi biết mình bệnh xơ gan, có phần dễ dàng với chúng tôi hơn, nhưng không vì lẽ đó mà chúng tôi lại buông lung, vì chúng tôi, nhờ Thầy dạy dỗ mà hiểu được vai trò của người xuất gia. Người xuất gia phải khác với người đời, phải có đạo đứctrí huệ để thực hiện nhiệm vụ của một người hoằng pháp, một sứ giả Như Lai…

- Dạ, thưa Thầy - tôi chắp tay xá thầy khi thấy thầy tới gần - Còn bé Ngộ không hiểu sao mà không chịu tuột xuống thưa Thầy như thể nó bị keo dính chuột làm cho dính vào cây khế vậy. Nhưng Thầy thì hình như không để ý tới chuyện đó.

- Tụi con đang giặt đồ à? - Thầy đáp lời bằng câu hỏi.

- Dạ!

- Con phải sạc như thế này nè - Thầy đứng nhìn tôi giặt đồ một hồi rồi đi lại ngồi xuống bên cạnh. Thầy cầm cái bàn chải sạc mẫu cho tôi thấy: “Thấy chưa, cổ áo của con đã bớt thâm kim rồi nè…”. Rồi thầy quay sang nhìn bé Ngộ (làm bé giật nẩy người một cái) nói - Con vào phòng thầy lấy chai nước xả. “Rột” một cái, bé Ngộ tuột xuống rồi chạy một mạch vào phòng Thầy mà không dám coi lại cái đáy quần bé vừa mới bị rách do cạ vào thân cây khế. Sau đó mấy thầy trò cùng nhau phơi đồ, thật là vui. “Đẹp quá!”. Tiếng nói lí nhí khi những bộ đồ đã móc xong trên sào, những bộ đồ được giặt sạch hơn, thơm hơn và phơi ngay ngắn hơn thường bữa. Thầy nhìn Ngộ mỉm cười trong khi bé bẽn lẽn núp sau lưng vị sư huynh của nó.

Trăng chiếu vào phòng thật sáng. Thầy lặng lẽ đứng nhìn các chú tiểu đang ngủ. Chúng ngủ thật ngon lành, vô tư, và bình thản như những thiên thần bé bỏng. Và Thầy thấy thương chúng quá. Mấy bữa nay Thầy về nhà thăm ông già. Thầy định ở chơi với ông lâu lâu, vì biết rằng thời gian của mình không còn nhiều nữa…, nhưng Thầy chẳng ở được lâu vì…nhớ lũ chóp ở chùa quá. “– Ai bảo đi tu là không có con. Thằng Ph (tên tục của Thầy) bây giờ có con còn nhiều hơn thằng Thành nữa”. Ba thầy nói đùa như thế mỗi lần thầy về thăm ông. Hai đứa cháu gọi Thầy bằng chú tuổi xấp xỉ mấy đứa chóp, nhưng chúng rất chi là nghịch. Chúng được ông nội và ba má của chúng cưng chiều nên ngoài việc học ra là chỉ có chơi. Còn nghỉ hè thì coi như chơi suốt ngày suốt buổi. Ăn cơm xong là đi chơi liền chứ không thèm dọn chén xuống nữa huống là rửa chén, đi chơi về đói bụng thì lục cơm nguội ăn, ăn xong rồi mở ti vi xem, đang xem thì có bạn rủ đi tắm sông, tắm lên thì cởi đồ liệng vô thau đó là tự nhiên ngày mai có đồ sạch và thơm mặc, thấy ông bán cà rem đi ngang là chạy lên xin tiền ông, ông không cho thì năn nỉ, năn nỉ không được thì khóc… Chúng được sung sướng như thế đơn giản là vì cha mẹ chúng phải có bổn phận nuôi chúng và bổn phận phải… thương chúng nữa. Càng thấy hai đứa cháu sướng bao nhiêu, Thầy lại càng thương mấy đứa chóp ở chùa bấy nhiêu. Bác Hồ nói: “Trẻ thơ như búp trên cành/ Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Tại sao thầy lại đặt lên vai chúng nhiều trách nhiệm và bổn phận mà ngay cả người lớn cũng chưa chắc gánh vác nổi? So với 2 đứa cháu của thầy thì đám đệ tử nhí của thầy còn giỏi và ngoan gấp mười lần kia mà, vậy mà Thầy còn chưa hài lòng. Dẫu biết rằng nghiêm khắc là để tốt cho chúng, nhưng dù sao chúng cũng chỉ là những đứa trẻ, cần vui chơi, cần được thương yêu… Vậy mà từ lâu Thầy lại quên điều đó, chỉ thấy chúng như một “sa môn, bậc Chúng trung tôn, bậc gương mẫu cho đời” nên ép Chúng vào khuôn khổ y như người lớn. Ôi, nếu chẳng phải vì “một duyên hai nợ” với Tam bảo thì Chúng ở nhà cho sướng chứ vào chùa làm gì? Thay vì được ngủ thẳng giấc, chúng phải thức khuya dậy sớm. Thay vì được vui chơi thoải mái, Chúng phải khép mình vào kỷ luật. Thay vì được cưng chiều, nũng nịu thì Chúng chỉ nhận được những ánh mắt nghiêm nghị, những lời sặc mùi giáo huấn. Đồ chơi của Chúng là chuông, mõ, khánh thay vì búp bê… Thầy bước lại khẽ kéo cái mền đang thòng xuống đất lên đắp ngang bụng cho Quy. Ngoài vườn đã nghe tiếng gà gáy sáng, nhưng Thầy tắt đồng hồ ré. Đến giờ công phu Thầy chỉ thắp hương rồi ngồi trước chánh điện lần chuỗi niệm Phật một mình, với ý nghĩ: “Đêm nay các con sẽ ngủ no giấc, con yêu!”

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 6607)
04/05/2015(Xem: 10743)
06/01/2020(Xem: 2730)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.