3. Bắt Hổ

25/06/20182:36 CH(Xem: 4265)
3. Bắt Hổ
.
.
THẦY TĂNG MỞ NƯỚC 
Nguyễn Quỳnh
 

BẮT HỔ

Ánh nắng đã nhạt dần. Trên nền trời xanh biếc, những đám mây vàng bả lả trôi về tây, mềm mại như tấm lụa mỏng trước làn gió lạnh. Vạn vật chìm dần trong màu tím sẩm của hoàng hôn. Xa xa, một hồi chuông chùa ngân nga, rõng rạc. Những chùm lá rì rào lả lướt trong bóng tối càng làm tăng vẻ bí mật của khu rừng âm u, tịch mịch. Trên không trung, mảnh trăng lưỡi liềm treo lơ lững, buông xuống một ánh sáng nhợt nhạt.

- Be…be….be…e….e.

Một con dê con buộc ở gốc cây ruối cạnh gò Ông Đống, đang co hai chân trước, cố dằng dây thừng, đầu luôn luôn hất lên, làm cho mấy cành cây nằm ngả ở trên, xơ xác hết cả lá. Khóm lau mọc ở bên cạnh, bị chân dê dày xéo nát như vò, nằm bẹp dí trong đống bùn.

- Be…be…e…e… Bị bỏ rơi ở khu rừng, giữa nơi hoang vu ủ dột, con vật kinh sợ, cuống cuồng, kêu thét như để cầu cứu.

Soạt…!

Soạt! Một luồng gió tạt qua, thoáng có mùi hôi hám, những chiếc lá rào rào dẹp xuống khiến cho con vật im bặt tiếng, nằm phục xuống, run cầm cập. Rồi thì từ bụi cây trước mặt, cách đấy 20 bước, chiếu ra ngọn đèn đỏ rực như máu. Chỉ một cái nhẩy nữa là Chúa Sơn Lâm đã nhẹ nhàng đặt trước mặt con vật khốn nạn, bốn chân cứng nhắc như bốn chiếc cột sắt phủ một lượt nhung vàng nuột. Giờ phút nghiêm trọng đã đến. Con vật hèn yếu nằm rạp, đầu gục xuống, trước cái miệng đỏ lòm. Trên không, chị Hằng như tránh không muốn chứng kiến một cuộc máu rơi, thịt nát sắp xảy ra, lặng lẽ nấp sau đám mây đen, làm cho cảnh vật bỗng rơi vào trong khoảng tối tăm kinh khủng. Bỗng một tiếng hú rùng rợn, rồi hai ba tiếng liên tiếp nổi lên, xé tan bầu không khí tĩnh mịch, át hẳn cả tiếng gió vi vu thổi. Nhanh như chiếc tên, một cái bóng vụt nhảy ra ở bụi cây bên cạnh, rơi xuống chỗ đất cách mãnh hổ độ mươi bước. Chúa Sơn Lâm giật mình, quặt đuôi, nhảy lùi lại. Thật là một sự lạ, cái bóng đen lại là một con hổ nữa nhưng nhỏ hơn con kia.

Hổ con, chân vừa đặt xuống đất, vươn tấm thân mềm mại, chờn vờn nhảy nhót chung quanh dê non. Hổ lớn đang lúc tức giận, thấy bị tranh mất mồi ngon, lại thấy địch thủ nhỏ bé không đáng sợ, gầm lên một tiếng vang động cả khu rừng, đuôi quật đi quật lại mấy cái, rồi lao cả cái thân hình to lớn như trâu mọng vào đối phương. Nhanh như cắt, hổ con tránh sang một bên chân trước vồ lấy mồi dê, rồi chạy bằng hai chân sau đến gốc cây đại đã gần trụi cả lá.

Hổ lớn phóng mình đuổi theo.

Nhưng rủi thay, vừa tới gốc cây, hổ lớn đã rơi tụt xuống một cái hố đào sẵn từ trước, trên rải một lượt cỏ, và ngay lúc ấy trên cây buông xuống một cái thòng lọng đúng ngay vào đầu.

Hổ bị vướng hai chân sau chưa kịp vượt khỏi cạm bẫy, đã bị chiếc dây chão siết chặt lấy cổ. Hổ cố vùng vẫy lăn lộn dưới đất, làm rung chuyển cả thân cây, nhưng vẫn không thoát được vì dây chão bện rất dai, hổ càng dẫy, dây càng xiết chặt.

Hổ con bấy giờ đã trút bỏ lốt và hiện thành một tráng sĩ to lớn, vận quần áo nịt đen trong oai nghiêm và dữ dội. Tráng sĩ rút con dao găm cắm cạnh sường, nhằm phía trước mặt phóng mạnh. Một luồng ánh sáng vụt bay sạt vào ngực ác thú, rồi rơi xuống bãi cỏ. Hổ bị đau, hăng máu, sức khoẻ tăng lên gấp bội, chồm lên, rồi lao mạnh về phía tráng sĩ đứng.

Rắc…rắc…rắc….Cành cây buộc chiếc chão, bỗng gãy rời khỏi thân cây, lăn xuống đất. Cái thòng lọng buộc ở cổ tuột ra, hổ nhảy xuống vồ…Một tiếng thét to từ trên cây vọng xuống :

- Tư Chiềng coi chừng!

Tiếp luôn một con dao ném, rồi hai, ba con nữa phóng theo. Chúa Sơn Lâm nhanh nhẹn tránh được cả, "gầm" lên một tiếng dữ dội, nhe răng giơ vuốt, tiến sát đến chỗ Tư Chiềng. Tráng sĩ chờ cho hổ tới nơi, nhảy tránh sang một bên rồi phi thân tung cả hai chân đánh vào mạng sườn địch. Hổ bị cái đá ngã lộn một vòng, nhưng Tư Chiềng dùng sức mạnh quá cũng bị chồn chân ngồi xệp xuống. Hổ ngã nhưng lại vùng dậy ngay, nhảy xổ vào vồ. Tư Chiềng chưa kịp đứng lên, đành phải nhoài người luồn dưới bụng hổ, rồi chập cả hai tay dùng toàn sức đánh thốc lên một quả vào bụng. Hổ bị quả đấm "thôi sơn" ngã ngữa ra đằng sau, lăn hai vòng trên mặt đất. Tư Chiềng đứng phắt dậy, nhảy lên lưng hổ, một tay chặn lấy gáy, còn một tay cử quyền đánh tới tấp. Đồng thời, lão Mộc cũng ở từ trên cây nhảy xuống cầm dao thẳng cánh đâm xuống.

Bỗng một bóng người vụt đến, giơ chiếc gậy gạt mũi dao ra một bên, tiếp đến một giọng như van lơn :

- Xin lão trượng và tráng sĩ hãy dừng tay.

Lạ thay, con hổ nghe thấy tiếng nói tức thì chuyển mình thật mình, hất tung Tư Chiềng ra xa độ mười bước, rồi bò đến nằm phục dưới chân cái bóng đen.

Tư Chiềng không ngờ con hổ đã bị thương còn có sức mạnh ghê gớm như thế, nên ngã một cái bằng trời giáng, toàn thân ê ẩm, nằm lặng một ít lâu.

Lão Mộc cả kinh, chạy đến đỡ Tư Chiềng dậy rồi nói :

- Su phụ dung túng ác thú làm càn, định hại một người bạn của tôi nữa hay sao?

Sư già điềm tĩnh trả lời :

- Tráng sĩ chẳng qua vô tình bị đau xoàng thôi, không đến nỗi nguy đến tính mạng, để bần tăng chữa cho.

Nói đoạn, sư già lấy trong người ra một lọ thuốc đựng thứ nước màu xanh xanh, đổ một ít ra tay, rồi xoa khắp sống lưng. Chỉ một lát Tư Chiềng tỉnh dậy. Lão Mộc cả mừng nói :

- Thật là thần dược!

Sư già quay lại vỗ về con hổ, rồi cúi xuống nói nhỏ mấy tiếng. Chúa Sơn Lâm gật đầu mấy cái, rồi băng mình vào bóng tối.

Sư già tươi cười nói :

- Mô Phật, bần tăng xin cảm ơn hai vị.

Lão Mộc đáp lại :

- Phiền sư phụ đến giải cứu hộ, không có thì bạn của tôi đã nguy đến tính mệnh.

- Tráng sĩ tài nghệ siêu quần, sau này tương lai có phần rực rỡ. Bần tăn hân hạnh được làm quen với người.

Tư Chiềng bấy giờ đã khỏi đau. Hắn tính chất thật thà, quê kệch lại vô học, nên không biết dùng lời văn hoa để đáp lại. Hắn lúng túng chưa biết xưng hô thế nào cho phải, nhưng chợt nhớ ra rằng sư già vẫn dùng hai chữ "bần tăng", và lão Mộc thì gọi là "sư phụ" trong khi đàm thoại, nên hắn thuận mồm đáp :

- Bần tăng giỏi quá, cứu được sư phụ.

Hai người nhìn nhau, mỉm cười.

Lão Mộc chắp tay vái sư già, kính cẩn thưa :

- Lần đầu tiên được tiếp kiến sư phụ, âu cũng là duyên nghiệp xui nên. Đêm đã khuya nếu sư phụ không chê lều tranh chật hẹp, xin quá bộ lại nghỉ ngơi, thì thật hân hạnh cho chúng tôi muôn phần.

Sư già cảm kích tiếp lời :

- Bần tăng lưu lạc trên mười năm trời, bốn bể đâu cũng là nhà, cái cảnh gối đất, nằm sương đã từng trải. Nếu lão trượng thấy cảnh nghèo, động lòng trắc ẩn, cho nghỉ tạm một đêm, bần tăng đâu dám chối từ.


Ba người thủng thỉnh ra về. Mặt traang đã khuất hẳn. Gió lạnh. Xa xa, tiếng trống cầm canh điểm thùng. Trông lên trời, lác đác một vài ngôi sao, lúc ẩn, lúc hiện trên nền trời đen sẩm như mực.

Về đến nhà, lão Mộc bảo Tư Chiềng xuống bếp đun nước, rồi mời sư già ngồi chơi.

Trên cái bệ xây bằng đất, gối lưng vào mặt vách, đĩa đèn dầu ta toa? một ánh sáng yếu ớt và vàng nhạt trong ba gian nhà nhỏ hẹp. Đồ đạc gồm có một cái giường do ba tấm ván ghép thành, và đặt ngay trên mặt đất, một khúc gỗ to bằng một ôm tay người lớn dùng để ngồi; một ngọn dáo dài dựng ở góc tường, và một chiếc cung bằng sắt nặng ước độ 15 cân vứt ở trên bệ gần ống tên.

Một đời sống cô độc đã tạo nên cái không khí lạnh lẽo luôn phảng phất trong gian nhà, thoang thoảng có mùi tanh tanh lợm giọng của máu…Những oan hồn của người, của vật ngã gục trên bãi chiến trường hay trên đồng cỏ lúc nào cũng như lảng vảng đâu đây, xui khiến cho lão ác cảm với phái đẹp, và rồi để suốt đời lão phải chịu cái nhục không một trái tim ấp ủ trong những ngày tàn tạ.

Hình như lão cũng chẳng thiết đến cái thú thần tiên của gia đình. Lão quen sống giữa rừng gươm cạnh ao máu, đùa rỡn với cái chết, nhảy múa trước thây ma. Trong những chuỗi ngày tàn, lão say sưa với màu xanh tươi của đồng quê, nội cỏ, với tính mạo hiểm noi khe thẳm, hang sâu, với sương mù buổi sáng, với mây bàng bạc của chiều tà, với tất cả cái gì đã rèn luyện nên con người cứng rắn, giàu nghị lực và sở năng.

Sư già gác cây thuyền trượng vào góc tường, bỏ chiếc khăn gói đeo ở vai xuống. Lão đón lấy rồi để lên bệ. Sư già ngồi ở giường, đưa mắt nhìn qua gian nhà rồi nói :

- Cảnh huống của lão trượng cũng tương tự như của bần tăng, không màng đến danh lợi, chẳng bận bịu gì đến gia đình. Bần tăng lê gót giang hồ đã nhiều nơi, cũng muốn tìm nơi am thanh, cảnh vắng để sớm chiều tụng niệm. Nếu lão trượng lòng trần đã dứt, thì nên theo bần tăng cư ẩn một nơi để tìm nguồn hạnh phúc trong tiếng mõ, hồi chuông, có hơn không?

- Tôi quen sống một đời hoạt động, bây giờ lại đem giam mình vào cửa "không" thì chịu sao được.

- Đời người sáu bảy mươinăm, chẳng qua như giấc mộng. Sao bằng nấp bóng Từ Bi, tối ngày bạn với quyển kinh cũng rũ sạch hết nỗi phiền muộn.

- Tôi tuy đã ngoài lục tuần, nhưng sức còn mạnh, trí còn muốn dọc ngang vũ trụ, bối đắp sơn hà, đâu há chịu nương mình cửa Phật cầu lấy sự an nhàn.

- Hiện nay đức Tiên Hoàng đang chiêu nạp anh tài, các dũng sĩ bốn phương tấp nập tới Hoa Lư ứng mộ. Thật là một dịp tốt để lão trượng báo đáp Quốc Gia, sao lại cứ du dú ở ven rừng làm gì nữa ?

Lão Mộc chép miệng thở dài nói :

- Vì chót đã chịu ơn người tri kỷ, nên đành để mai một tài ba. Sự nghiệp đã tan tành, thì tuy chẳng bắt chước được Bá Di, Thúc Tề, không thèm ăn thóc nhà Chu, nhưng cũng chẳng chịu đem thân thờ kẻ khác.

Sư già ngạc nhiên hỏi :

- Không ngờ lão trượng lại còn một mối u tình, vậy có thể cho bần tăng biết được chăng? Vừa lúc ấy Tư Chiềng bưng lên hai bát nước chè tươi nóng, khói bốc lên nghi ngút. Hai người lặng lẽ ngồi cầm bát uống. Lão Mộc vơ lấy chiếc điếu cầy, châm đóm rít một hoi, rồi nhả làn khói xanh đặc; con mắt lờ đờ có vẻ khoan khoái vô cùng.

Sư già giục :

- Xin lão trượng kể tiếp.

- Hẳn sư phụ cũng biết tiếng Nguyễn Lịnh Công ?

- Sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp, bần tăng cũng có gặp vài lần.

- Lệnh Công hồi còn nhỏ, cha mẹ mất sớm phải nương nhờ anh. Chị dâu là người có độ lượng, cư xử với em chồng rất tốt. Tổ họ xưa kia là người Phúc Kiến, sang đất Giao Châu sinh cơ lập nghiệp đã lâu, tính đến đời Thủ Tiệp là năm đời. Lúc Ngô Vương khởi quân ở Ai Châu giết Kiều Công Tiễn, thì lúc ấy Lệnh Công mới lên mười tuổi, lại nhân lúc thân phụ mới từ trần, anh em dắt díu nhau làm ăn ở Tiêu Sơn một ít lâu, rồi lại sang Tiên Du, Lệnh Công lớn lên hay kết nạp với những tay vong mạng. Anh đã hết lời khuyên răn, nhưng lệnh công vốn sẵn có tấm lòng hoài bảo cao cả, khẳng khái đáp lại :

"Làm trai ở đời phải làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa, lưu lại danh thơm cho hậu thế, có đâu lại bắt chước phàm nhân mưu sống một cuộc đời an nhàn bên cạnh vợ con thì chẳng thẹn với Phục Ba tướng quân lắm ru." Người anh không dám can nữa. Lệnh Công được thể tha hồ phóng túng, bạn bè đi lại rầm rập suốt ngày, đêm đêm rủ nhau lên núi luyện tập võ nghệ. Trong bọn thực khách cũng có người tài giỏi, nhưng phần nhiều là dư đảng của thảo khấu nên coi sự giết người như trò chơi giải trí. Hồi ấy tôi cũng tìm đến nhập bọn, vì có tài bắn nên rất được mọi người trọng đãi. Kịp đến khi nhà Ngô hết số, anh hùng bốn phương nổi lên, mỗi người chiếm cứ một nơi. Chúng tôi tôn Lệnh Công lên làm minh chủ chiêu binh mãi mã lấy Tiên Du làm sào huyệt rồi mang quân đi đánh các trấn khác.

- Lão trượng xem Thủ Tiệp là người thế nào ?

- Lệnh Công có nhiều mưu trí, lại thêm võ nghệ giỏi, tính đa sát, nhưng biết dùng người. Có lần, một nhà thuật sĩ đi qua xem tướng cho Lệnh Công xong ra nói nhỏ với tôi :

"Sự nghiệp sứ quân cũng chỉ như Hạng Vũ mà thôi. Tướng công nên đến Hoa Lư sẽ gặp nhiều tay anh kiệt. Tôi không tin nhưng sau mới nghiệm lời nói là đúng.

- Lão trượng vì chút ơn tri ngộ, nên không thiết đến danh lợi, đáng khen lắm! Nhưng sao không bắt chước Dự Nhượng tự huỷ tấm thân ngàn vàng để báo thù cho chủ, lại chịu ẩn nấp một nơi, vui sướng cảnh già?

- Sự trả thù không phải là hành động của người quân tử. Trong tay hàng vạn sĩ tốt mà không làm gì nổi người ta ở chiến địa, đến khi cuốn cờ ngã trống quẳng giáp chạy dài, lại toàn mưu sự hành thích, sư phụ cho thế là hợp lý phải không? Vả lại, hồi ấy trong nước ta, các sứ quân tranh nhau từng tấc đất, từng thôn lạc, dân gian lầm than cơ cực, nếu đức Tiên Hoàng không phải là tay kiệt liệt, thì làm sao thống nhất được giang sơn; gỡ được mối nguy cho dân chúng? Tôi tuy quê mùa, thô lậu, không từng đọc sách thánh hiền, chỉ biết múa gươm cưỡi ngựa, nhưng cũng hiểu biết lẽ phải ở đời, đâu há chịu dùng cái kế đê hèn của kẻ tiểu nhân bất đắc chí?

Sư già gật đầu nói :

- Đó mới thật là khí tiết của kẻ trượng phu.

Hai người nói chuyện, mãi vui quên cả mệt. Nhìn lại, thấy Tư Chiềng đã yên giấc trên chiếc da trâu, nửa mình đắp manh chiếu cũ. Sư già chỉ Tư Chiềng nói :

- Hắn ở đâu, thụ giáo ai ? mà võ nghệ khá như vậy?

- Hắn họ Trần, bố mẹ chết cả, ở với người chú. Tôi thấy hắn có sức khoẻ, nên dạy cho biết ít võ nghệ để phòng thân. Mấy hôm nay, vì bận về việc hổ nên tôi bảo hắn lại ngủ đây để tiện việc dặn dò mưu mẹo.

Gà đã gáy lần thứ hai, lão Mộc mới mời sư già đi nghỉ.

Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11246)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…