- Huyễn giác về tánh giác

02/09/20189:52 SA(Xem: 7943)
- Huyễn giác về tánh giác

NHỤY NGUYÊN
SƯƠNG KHÓI PHẬN NGƯỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation


TẠM KẾT MỘT PHẦN ĐỜI

 

HUYỄN GIÁC VỀ TÁNH GIÁC

 

Tôi không dành được nhiều thời gian cho sự tỉnh giác, bởi tôi vẫn sợ sự tĩnh giác như sợ phải buông một thứ gì đó tưởng là quý giá trên trần gian. Ngẫm lại mình luôn thấy ngượng ngùng khi soi gương. Trong mỗi ta đều có cái tự biết, như gương. Như cách hành của bạn tu “của tôi”, chuyên trì niệm một câu kinh và lấy đó làm thực tại duy nhất. Câu kinh duy nhất ấy như một siêu nhiên tự lau gương mà không mảy may cần để ý đến vọng-trần, khiến gương ngày một sáng, nên vọng hiện ngày càng rõ. Ban đầu vọng hiện trong gương là cành lá, dần dà hiện thân rồi đến gốc, rồi hiện đến rễ; và một khi vọng hiện đến gốc rễ, vọng ấy mất chỗ nương bám do đó nó tự “chết”.

Thật xót, tôi tu lâu nay vẫn là một vọng trong đại viên kính trí của Tánh Giác. Trong ta bà thế giới, sự hưởng thụ tôi và bạn tự phong, ấy là sự quay về với loài vật. Đau không?! Bạn và tôi phải hạ mình xuống với “tầm vóc” của loài vật để xưng danh hai từ hưởng thụ! Đau nhỉ. Thầy tôi nhắc lời một vị đại đức, rằng vạn người tu chỉ vài ba người thành tựu. Nguyên do ở đâu? Bởi hổng nền tảng Nguyên Thủy, sa hố tình chấp, tham dục. Dục chính là sợi dây thừng trói cột chúng sanh vào quả địa cầu. Nên nguyện dẫu lớn song bị tưởng ấm chi phối chứ thực ra chúng ta chưa [muốn] chặt sợi dây thừng mê-chấp cõi dục. Nhưng có một nỗi đau, là thời nay chẳng mấy ai [và tôi] còn hứng khởi hành pháp quán Tứ niệm xứ, đặc biệt quán thân vô thường - bất tịnh; và do không lấy đây làm căn nền, thân kiến luôn được bọc êm ái trong nhung lụa của thần Chết bằng nỗi sợ thường trực do vậy bị nghiệp tam đồ nắm giữ vận mạng, nên tu theo pháp môn nào cũng khó giải thoát. Đọc sách về thánh tăng mới hay họ buông được thứ dục lạc chúng ta đang nắm giữ, đó mới là sự hưởng thụ tối cao đích thực. Ân sư của tôi suốt đời chỉ dạy mỗi chữ Buông. Buông xuống là trí tuệ chân thật. Buông xuống phân biệt chấp trước với mọi trần cảnh, bởi mỗi pháp đều đang viên dung với nhân-duyên-quả chính nó đang “sở hữu” từ tiền kiếp và từ khắc khắc ý niệm khởi sinh. Buông là thấy pháp. Trong chân tâm không có tham sân si mạn, chúng ta mang nó từ luân kiếp và tưởng con cái của mình. Chấp những thứ giả hợp làm mình và dựng lập thành kiến quy chụp vạn pháp để thỏa mãn cuộc chơi bất tận của tâm thức. Buông cái Giả - ngay đó Thấy cái Thật. Đây là vòng trôn ốc lên mãi, như mũi khoan xoáy vào Lâu đài Luân hồi Ảo ảnh, đột phá nghiệp dĩ.

Thế gian huyễn mộng. Kinh điển dạy giấc mơ và đời thực trong ta bà đều do tâm biến hiện. Nhiều khi tôi vẫn cảm nghiệm sự tương đồng tuyệt đối giữa cảnh mộng và thực, bởi sự đau buồn hay hạnh phúc giữa hai cảnh hoàn toàn như nhau. Có lần tôi bị người thân đánh không thương tiếc trong mộng. Những ngày sau gặp họ, tôi lại không thấy giận. Giả như họ đánh tôi ngoài đời, ít nhất tôi cũng tránh mặt dài dài… Bên trong ảo, bên ngoài cũng ảo, mà tôi lại chấp một đằng, buồn quá! Buồn bởi tôi còn lù lù cái “tôi” to tướng, bởi tôi luôn nhốt mình trong chiếc lồng son của ngũ ấm rồi tự huyễn thêm ảo danh vượt thoát. Bậc chánh giác thấy mọi tướng đều hư vọng. Cái tôi đây hư vọng, dĩ nhiên bạn cũng hư vọng. Tôi đã hư vọng lấy gì để “thấy” các tướng như thật nữa. Còn khi tôi muốn thấy theo nghiệp, dĩ nhiên phải quán/thấy cho ra các tướng vốn thanh tịnh. Mỗi mỗi đều thanh tịnh với chính nó, cho nên nó thanh tịnh với toàn thể. Bởi cái gương tôi bám vọng trần nên mới phản chiếu tướng của các pháp ô nhiễm. Một lần có người tự dưng nhắn tin gây rối, rất lâu tôi mới hạ hỏa thấy ra, ừ, người này đâu gây rối với bạn và bao người khác, họ chỉ gây rối với tôi mà. Âu là nghiệp chiêu cảm. Nếu nghiệp tôi thanh tịnh trở về chân tâm sáng trong, thì sự gây rối đó đơn giản là đang soi vào trong chiếc-tâm-gương, nào có tội tình chi. Bởi tôi không thấy được ngoài tánh giác ra, cái tôi này là hư vọng, nghĩa là không nhận tánh giác nên mê. Khi mê liền bị nhốt trong ngục tù của ảo. Tôi và bạn đều thấm, ảo ảnh là cái không, như sân, như ngã; khốn nỗi chúng ta có thể tàn rụi và chết bởi cái không hề có ấy, cái tự ảo hóa ấy. Nếu cái sân là thật, không ảo; lúc tôi nổi giận, là tôi đang giận, vậy lúc hết giận rồi tôi ở đâu? Cơn giận nếu là tôi thì cơn giận mất tôi cũng mất chứ. Thế mới biết giận là ảo ảnh có cội nguồn từ si. Cũng như ngã vốn tập tánh chứ không phải tự tánh, vậy màhiển hiện như một lâu đài với năm bức tường ngũ ấmchúng ta cứ thế mang theo cho đến trước hố tử thần vẫn chưa nghĩ đến chuyện bước ra.

Khi bạn và tôi quen thói dựng lập những khuôn thước ảo từ sáu căn, nó sẽ chống trái tiêu diệt những thứ không vừa với khuôn nghiệp ấy, và đó chính là chúng ta tự mâu thuẫn, tự phiền não do bẫy rập của Ngã. Bạn và tôi không thâm nhập được vào hang ổ của ngã chấp thông qua hàng rào khuôn nghiệp, song nhận diện thấu rõ nó chúng như những tiểu ngục tù ảo, để tìm đường cho ánh sáng của trí tuệ Phật pháp soi vào, mà điều thiết yếu phải bắt đầu từ Giới. Tôi và bạn là phàm phu chính hiệu, lại không chịu nghe lời thánh trí, Phật trí. Không chịu tin kinh nào cũng đều là chìa khóa mở kho tàng phước trí sẵn có. Ngay lúc khởi tu giới, giới cũng chính là tu định và cũng đồng thời phát tuệ, nếu ta khéo tu và đi đúng lộ trình buông bỏ tham-chấp. Xét ở Giới thôi đã nhận diện được phần nào lối thoát chật hay hẹp của một hành giả. Dụng ngũ giới thực hành đạo đứcNhân thừa; Thiên thừa thọ trì Thập thiệntừ bi hỷ xả. Tu Tứ đế, bát chánh đạo trên đường tiến đến vô ngã cầu chứng từ sơ quả Tu đà hoàn trở lên thì thuộc Thanh văn thừa. Thuần giới luật, dụng linh hoạt trong "khai giá trì phạm" làm căn nền cho lục độ ba la mật là hướng Bồ tát đạo. Những hành giả giữ giới Đại thừa đến nhuyễn nhừ sẽ tự biết chỉ riêng mình giữ giới và giữ từ sâu trong ý niệm. Họ không chụp khuôn đắc giới lên những người phá giới, bởi một khi dấy phiền não thì có vin vào lời kinh cũng là đang ô nhiễm "nội Phật". Giả như ta giữ giới tinh khiết, đó là sự đang trở về bổn tánh vốn tinh khiết muôn lần. Giới chính là một pháp tu để trở về, và trong giới của những người thuộc Bồ tát thừa luôn là sự hòa quyện của định và tuệ; Giới là nhân, định tuệ là quả. Giới trì giữ khô cứng tự lợi sẽ không theo được lộ trình này. Ân sư tôi dạy đừng nói hành vi, ngay đến mọi ý niệm cũng là lợi tha, thậm chí hại mình lợi người mới là đang học hạnh siêu thoát. Trong chân tâm không có niệm ác, nên giới chính là gạn niệm ác để trở về chân thiện; mà chân thiện là dụng tự nhiên của chân tâm nên nó vốn thuần thiện lợi tha không mảy may tự lợi, nó không phải cái thiện đối lập với ác. Xem thường tu giới, cũng như xây lâu đài bằng nguyên liệu ảo ảnh. Xét ở giới Nói dối mà trong Thập giới chia thành 4: ỷ ngữ, lưỡng thiệt, vọng ngữ, ác khẩu; như vậy từ giới thân đã chuyển vào giới Tâm. Tỉnh giác tu giới này ta sẽ thấy hễ chuẩn bị nói, bao giờ cũng bắt đầu từ tâm ý. Ý vừa khởi, cái tự biết đã biết, chưa kịp chuyển lên não để sai sử miệng phát thì ý niệm giữ giới đã bắt lại, bảo ngưng; hoặc hành giả sẽ tự gọi, giới đâu rồi?, lập tức giới xuất hiện như thần đèn. Thù thắng hơn là như bạn tu của tôi, hễ bất giác tức bất cứ vọng nào khởi lên đều lấy đó như sự nhắc nhở trở ngay lại đề khởi câu kinh duy nhất cũng là thực tại duy nhất. Thế là miệng ít có cơ hội. Tập dần thành nếp, mọi giới đều chuyển vào tâm ý. Cái tự biết biết ý khởi sinh và cái tự biết cũng tự nhắc đừng theo ý bởi nó đơn giản là vọng. Nếu ta để ý đến nó, nó càng làm dáng, càng trở nên hấp dẫn và ta bị hút theo rồi bị lôi vào những thiên đường mù mịt. Thật ra giữ giới nhuyễn hơn sẽ nhận ra cái gương sáng suốt của tánh giác. Bạn tôi nói lúc này tựa như mặt ao trong, vọng niệm như những sinh vật chỉ búng mình lên rồi lặn, không diễu hành để rồi kéo tâm đi mãi. Có lần đang ngồi quán cà chợt thấy chị công nhân vệ sinh đường phố ngang qua, tức thì tâm ý hiện bài thơ về “chị lao công đêm đông quét rác”; tôi trố mắt nhìn ngược vào. Bài thơ này học hồi nhỏ, từ đó đến nay vài chục năm chưa một lần gợi lại, xem như mất hẳn, đột nhiên phóng hiện chớp nhoáng, nó lưu ở đâu trong tôi và sao lại nhanh đến vậy. Quan trọng hơn, nó vừa phóng hiện “tôi” đã biết; thực tếcái tự biết biết. Vọng mới hiện cái tự biết biết liền. Không phải một vọng mà thậm chí nhiều vọng và bất cứ lúc nào, chúng hiện đều bị cái tự biết phát giác ngay, và nó sẽ mất năng lượng nếu ta không còn theo. Tại sao không theo, như với bạn tu của tôi lý giải, bởi mình đang chuyên niệm một câu kinh, nhờ năng lực “lau chùi” của câu kinh duy nhất luôn trì niệm.  Việc Phật giao cho mình là chuyên niệm một câu kinh, mình thật thà chăm chỉ niệm mọi lúc mọi nơi. Mình không có việc gì khác ngoài chuyên niệm và thầm niệm một câu kinh. Câu kinh thầm niệm nhanh thì như gió song vẫn hiện từng chữ như trên màn hình siêu nét. Niệm chậm thì từng âm nổi như tiếng chuông và “tánh nghe” nghe trọn vẹn [từng chữ] rõ đến mảy lông tơ. Trừ những lúc buộc trí não phải hoạt dụng lo việc đời, còn lại mình chuyên niệm câu kinh đó. Chuyên niệm thì không còn thời gian đón tiếp vọng niệm dẫu niệm thiện hay ác vui hay buồn đến chơi. Việc vọng đến, mình không tiếp mà chúng vẫn muốn ngồi đó xem mình niệm một câu kinh thì cứ việc. Mà chắc xem một chặp vọng sẽ chán cái việc tâm mình chuyên vào một câu kinh; còn mình thì không chán, ngược lại càng niệm càng an lạc, càng ngọt. Đó là cách nhạt dần thọ lạc do sáu căn mang lại; trong lúc nhĩ căn (nhờ chuyên nghe một câu kinh) trở thành con đường dẫn khởi vào chân tâm. Cách tu này dường như đi thẳng tìm bổn tánh, trực tiếp nhanh gọn hơn cách tu từ việc điều phục sáu căn để có định; có định dễ chấp vào định bởi đó là một tầng tâm linh vi diệu nằm trong thọ ấm, nên tuệ giải thoát bị chướng ngại. Chỉ tuệ mới khiến ta giải thoát! Vạn pháp duy tâm. Tâm như ti vi, nếu ta chỉ thuần chiếu một kênh duy nhất, cảnh giới sẽ không bị nhiễu và đó là cách mà bạn tôi chuyên một hướng niệm một câu kinh theo lý “vạn pháp duy tâm”. Tâm chuyên nhất về “nghiệp Phật” ắt hiện cảnh giới Phật. Niệm cho đến một ngày tâm không còn nhu cầu suy nghĩ kể cả trong giấc ngủ và cơn mộng, đó là hướng đúng của giải thoát một khi hành giả không còn sử dụng thức. Tôi chợt nghĩ, vọng hiện đã bị cái tự biết phát hiện; nhưng vọng nương vào đâu mà khởi. Vọng ấy nhờ vào đâu mà hiện hình? Tôi tưởng đến một hồ nước trong, dẫu chỉ trong bề trên, và lâu lâu trên mặt nước trong ấy có con cá con tôm búng lên, chúng vừa hiện là họ thấy liền. Vậy tâm ta cũng như mặt hồ. Có trong mới thấy vọng xuất hiện. Càng trong vọng vừa móng khởi cái tự biết đã thấy, “tôi” cứ đứng đó chiêm ngưỡng, chẳng phải lo bận gì. Như vậy vọng được hiện trên một tấm gương, có lẽ đây là chân tâm chúng ta cần giữ lấy. Mà để giữ, phải quay lại từ giới. Bởi đơn giản trong bổn tánh không hề có niệm ác, không hề có một niệm tự lợi (mà chỉ thuần lợi tha) nên phải thọ giới để có cái tương ưng, rồi sau nốt phá đi cái “ta” đang sở hữu cái thiện tương ưng ấy… Có giới sẽ khiến mặt nước trong dần từ phía trên xuống đáy theo mức độ công phu. Nước trong dần xem như định. Có định sẽ tự thấy biết vọng niệm khởi (tự sinh tự diệt). Nhờ định liền sanh tuệ, dẫu là tuệ cạn cợt và còn vẩn đục. Tuệ sẽ dần nhận ra mình có chân tâm [như gương] (để thấy biết vọng mà không hề nhăn nhó, vì gương mà nhăn gương sẽ vỡ!).

Tu là bớt chứ không thêm vào. Bớt đi mọi chấp trướcphân biệt để trở về với sự bình đẳng của chân tâm trong sự tương ưng với vạn pháp [vốn bình đẳng]. Thầy tôi bảo phải bớt đến tận cùng. Học pháp học cũng để nhận ra mình phải buông những gì. Bởi chân tánh vốn rỗng rang và chính trong cái rỗng rang đó đầy đủ phước trí. Giáo pháp của Đức Phật thiết yếu dạy chúng ta: Biết và Buông. Biết để buông, biết buông. Sau đó thì Biết và Buông nhập làm một. Biết chính là Buông mà Buông cũng chính là Biết. Có những điều đơn giản song không dễ vào. Phật tử hầu như ai cũng biết chúng ta nặng Ái mới luân hồi trong cõi Dục. Bạn tu của tôi tâm sự: chúng ta đến Ta bà bằng con thuyền Ái, và cần nương vào con thuyền đó thông qua chánh trí buông/phá tham-chấp để rời cõi Dục. Gốc rễ luân hồi này muốn gỡ khỏi tâm chúng ta không dễ. Bởi ta Ái nên Thủ. Ban đầu học Phật thấy hay hay, sau động chạm đến chữ Ái thì tôi bắt đầu rụt tay. Rõ ràng có bàn tay vô hình đang sờ vào lợi dưỡng. Tôi không dám buông con dao sắc của tham chấp (từ tham chấp thế gian đến tham chấp Phật pháp, bởi nằm trong thức (với tâm suy nghĩ và óc phán đoán) thì thứ gì cũng có vị ngọt). Tôi không biết con dao tham-chấp ái dục cùng với sân si mạn, ngũ dục lục trần không hề có cán, mà chỉ toàn lưỡi sắc bén. Tôi sợ bị tước đi trò chơi dao tuổi nhỏ, tôi sợ bị tước những thủ đắc lợi dưỡng. Tôi bắt đầu cảnh giác. Tôi tiếp tục học Phật và song hành tiếp tục bồi đắp dày thêm hàng rào ngũ ấm để che chắn dục lạc. Đó là căn bệnh trầm kha khiến chư Phật nhiều lúc phải chờ ta một cơ duyên khác ở kiếp khác. Nói vậy không có nghĩa Phật không luôn ở bên chúng sanh. Sự thực thì Phật tánh có ở khắp vạn sự vạn vật, phần thô sơ là tánh giác. Chẳng hạn tôi phàm phu, song vẫn biết nếu không có tánh giác thì những tri thức học được sẽ không thể tự sắp xếp thành một bài viết như thế này. Tôi khâm phục tánh giác tuôn ra những thứ ngoài tri thức, nhào trộn tri thức để kiến tạo nên cái gọi tác phẩm. Nhiều lúc ký tên mình lên một bài viết thấy hổ thẹn làm sao. Đâu phải tôi. Với chút tri thức nếu không có sự vận hành của tánh giác, hoàn toàntri thức chết. Lại nghĩ bất cứ ai cũng từng nhận sự gia trì từ bổn giác trong mình, chỉ là không để ý đó thôi. Lờ mờ hiểu điều này, tôi chợt nhận mình chẳng hơn ai. Thậm chí có lần tôi chỉ muốn sụp xuống khi thấy một con chó nằm ở hiên; tôi người lạ đi ngang, nó chỉ đảo tròng mắt ơ hờ, tôi lượn lại nó cũng vậy. Tôi làm rối, nó cũng không nhúc nhích, tuồng như tôi là con rối thật, tuồng như nó linh cảm mọi cái trước mắt thảy đều hư vọng. Tôi hơn ai chứ? Ai chẳng có tánh giác như tôi và như con chó kia? Lại nghĩ một người hành nghề hốt phân, họ có tự hào chăng? Trong lúc tôi lại cho cái sự ngồi tĩnh tâm của mình là cao sang và hơn cả một niềm tự mãn. Một bài báo do tôi viết, hoàn thành và được đăng trang trọng, dĩ nhiên ký tên tôi; song có thực nó là của tôi? Cũng như: Một người thầu nhận từ “ông chủ” đang muốn xây nhà số tiền lớn. Anh ta mua đầy đủ các loại vật liệu cát sạn, xi măng, sắt thép, gỗ, sơn v.v, và thuê tốp thợ xây lành nghề. Ngôi nhà hoàn thiện, anh ta với tư cách chủ thầu liệu có khác tôi viết bài báo. Bạn sẽ bảo nhưng tiền là của ông chủ. Lại hỏi tiền có thực của ông chủ nhà. Giả như ông mua vé số và trúng, tiền ấy có phải nhờ ngàn nhà góp lại? Còn nếu xét ở duyên may do ông có làm phước từ đời trước hoặc trong kiếp này nên gặt quả lành, thì ông xét đến cùng chỉ là "trạm/bến" trung chuyển (Duyên) của Nhân - Quả. Nhân quả đồng thời. Chắc chắc kiếp trước hay kiếp này ông đã tích nhân lành nên giờ nhận quả (trúng số). Tấm vé là quả ấy, nhưng ông khởi ý dùng vào việc gì, ngay lập tức thành nhân (xấu hay tốt). Tôi từng biết một người trúng số, liền đốt ngôi nhà cũ để xây lên ngôi nhà ngạo nghễ, và lúc ngôi nhà bốc lửa mới hay tấm vé số trong túi áo móc trong nhà. Trắng tay. Nhân là tấm vé số độc đắc, lập tức thành quả đắng! Nhân với Quả là một. Trở lại với người chủ thầu mải mê làm xong ngôi nhà, họ “hiểu” lý này nên mới phủi tay; thâm tín hơn về nhân quả anh ta sẽ trích phần lãi tiếp tục quay vòng phước đức. (Cái sự biết xả này cũng chính là Trí tuệ). Còn với chủ nhân của những bài báo. Nếu tôi nhờ bạn viết một bài về mẹ hay vợ tôi, bạn viết được chăng? Bạn đã biết gì về họ đâu mà viết! (Việc này dạng như đưa một công án khiến hành giả bặt đường biện giải). Bạn bắt đầu lần đến những mối quan hệ kết nối với hàng xóm hay bè bạn của tôi để tìm hiểu về mẹ/vợ tôi), và bắt đầu có những thông tin đầu tiên. Đến lúc bạn tạm đủ tư liệu viết (tổng hợp) lại thành bài âu cũng là cái biết của tảng băng nổi về họ. Song chừng ấy để thấy nếu không có những tư liệu từ ai đó đâu đó, bạn hoàn toàn mù tịt. Cũng như ta không thể tưởng tượng ra cõi Phật và cung cách sinh hoạt của "chúng sanh" tại đó. Còn nếu ta tính công do mình cạy cục viết nên, cũng nên nghĩ tới những người công nhân vệ sinh họ cũng như chúng ta vậy, trong lúc họ không đứng tên mình cho những con đường sạch hàng đêm. Còn nếu bảo tôi viết hay hơn người khác, càng hiểu không gì nằm ngoài sức gia trì tùy vào duyên nghiệp từng người tạo dựng trong cuộc sống có gần với chân tánh vũ trụ hay không; không ngoại trừ chúng ta là kẻ "ăn may" kiếp trước. Tôi bởi khoanh vùng nghiệp thức; bởi có bí mậtâm mưu nên kiểu như không dám nối mạng máy tính của mình với toàn cầu, mỗi lúc làm việc gì đều thấy cái tôi đứng đó nặn óc suy tính; còn trên diệu lý tánh đức, trí tuệ vốn sẵn và mọi thông tin vốn sẵn trong đó, ai cũng vô biên sử dụng. Bạn tu của tôi có lần cảm nhận ngồi viết bài pháp, do nhẹ chấp ngã nên não-thức gần như mở toang cửa khiến tánh giác có cơ hội tự hoạt dụng; cảm giác lâng lâng và không nghĩ mình đang viết, chỉ nghe tiếng rào rào của bàn phím như mưa tuôn thác đổ. 

Bạn tu của tôi bảo trong chúng tacái không biết. Khi nhận ra nó chính là lúc ta hình dung về một tấm gương soi chiếu cái biết, phân loại cái biết. Chúng ta sẽ thấy rõ một miếng ăn đặt vào miệng hay mùi vị xốc lên mũi, chính là lúc tấm gương làm hiển lộ cái biết đã lưu đâu đó trong ta. Nếu ta biết chừng lặng để nhận cảm xúc, sẽ thấy mọi thứ hiển lộ qua sáu căn chỉ là những thông tin. Thông tin đau, thông tin buồn, thông tin chua cay mặn chát, thông tin ngọt ngào, thông tin âm thanh trầm bổng, thông tin vọng… Những thông tin báo lên não liền được so sánh với những thứ lưu trong tàng thức rồi chiếu ngược trở ra khiến ta khởi chấp trước - đây cũng là một thông tin nốt. Bạn nhiều lúc lặng trong cái không, cảm giác như vọng niệm đang lặng lẽ soi gương; cảm giác giữa cái không biết bên trong và hư không trước mặt đồng thể. Quán chiếu về những thông tin sẽ thấy thân của chúng ta nhạt bớt, chỉ còn những thông tin vụt hiện như sao băng giữa đêm đen mà chính ta đang tan vào nó. Để thấy bạn và tôi sống trọn trong ảo ảnh. Nói đúng hơn, chúng ta chỉ là một hình nộm tự nhận là mình trong lâu đài ảo ảnh. Rõ ràng ai chửi ta dẫu đau mấy nặng nề mấy thì thoáng đã tan, nhưng ta vẫn tưởng lại để hờn giận buồn đau; có người để bụng một câu thành thù cho đến chết mắt còn trợn ngược. Chúng ta sập bẫy ảo giác. Chúng ta không chịu để cơn đau buồn trôi đi mà luôn níu lại vời gọi để gặm nhấm tự hủy diệt mình trong một thực tại miên viễn. Những ảo tưởngsức mạnh hơn cả gông cùm. Tôi có thói quen nhấp cà phê sáng. Đến một ngày vắng, tôi nhớ cái khung cảnh ấy, ảo tưởng về con đường đó góc nhìn đó; ảo tưởng về hương vị cà phê lưu trong trí não trói buộc mình. Là ảo. Ảo ảnh có sức hút phi thường, tôi không dùng tri thức hay bất cứ quyền lực nào gỡ bỏ. Ảo ảnh dĩ nhiên không có công năng trói cột. Nhưng ta tưởng nó thật nên kết tụ thành bản tánh, rồi biện hộ bằng mọi lý lẽ chấp giữ. Đấy là nguyên do Phật giảng ngũ ấm ma. Là nguyên do chúng ta rất khó thể nhập vào không gian nhiệm mầu của Pháp. Bởi trong sự lộng lẫy xa hoa của lâu đài ảo tưởng, bản thân tôi luôn muốn kiếm tìm một thứ gì hơn nó, mà đâu hay ngay từ bước đầu tiên đã lầm đường lạc lối. Phật dạy hãy dừng mọi chấp trước, để thế giới trôi qua. Hãy buông xuôi mọi sự; tôi lại ghì chặt. Chúng ta đang cầm những chiếc kẹo, bậc chánh giác thấy liền thốt lên: Con ơi độc đó, buông nó ra. Một đứa trẻ lúc biết đến những món đồ chơi dục lạc sẽ buông tay khỏi mẹ nó. Dẫu những thứ đồ chơi kia có lúc khiến nó hoảng sợ, khiến nó đau thấu tim can song chưa dễ gì buông bỏ, chưa dễ gì chạy ngược trở lại òa vào vòng tay chờ đón của Mẹ Bổn Tánh. Nghĩ mà buồn cái buồn của thọ ấm, như lời thầy tôi thường bảo chúng sanh thích chọn con đường gai góc lầy lội, thích liếm dục như mật ngọt trên lưỡi dao bén của sự thật. Tôi nhớ một vị Hòa thượng giảng, chúng tasắc dục chẳng khác con chó đói gặm xương khô. Gặm mãi cho đến lúc máu miệng chảy, nó lại tưởng máu từ cục xương nên cứ gặm và liếp láp mãi cho đến kiệt sức. Các vị tổ sư luôn đứng trên cao nhìn xuống, chỗ nào có hầm hố đều biết; lũ trẻ ranh như tôi và bạn thì ham chơi, bịt tai trước thánh huấn. Không tin. Tôi cần ở Phật một trí tuệ nào ghê gớm hơn sự buông. Tôi cần nắm giữ dục lạc thế gian và học Phật. Tôi cầm nắm ngũ dục lại cầu Phật ban cho ngọn đèn để soi con đường xa thẳm phía trước. Ai hay ngay khi bước đi chính là gạt chân lý qua một bên rồi; bởi trong ta đã sẵn tánh giác. Tôi thường liên tưởng đến kho báu đức năng trí tuệ của Phật, chúng ta ai cũng có thể thò tay lấy ra bất cứ thứ gì. Điều thiết yếu là phải đến với kho báu đó bằng hai bàn tay trắng.

Tay trắng không có nghĩa hoàn toàn trắng tay. Cũng như ai cũng nghĩ tâm thanh tịnhtuyệt nhiên không có vọng niệm. Điều này chỉ đúng với những hành giả chuyên tâm trong mấy năm đầu, dĩ nhiên đây là tầng công phu căn bản trọng yếu. Khởi tu định thường tại là thấy mọi việc như nó vốn vậy, nó diễn ra như thế nào thì cứ nhìn nó như vậy, không thêm bớt, chẳng đẩy ra cũng không ôm vào nặng bụng. Bạn tu của tôi dụng pháp này và chuyên niệm một câu kinh, đến một ngày những vọng niệm tự chán chường với chính nó, chúng thấy vô nghĩa, yếu đuối và tự tan ngay khi gặp niệm lực của câu kinh được chuyên niệm. Chúng ta cần học cách bao dung, bao dung hàm nghĩa sâu xa gồm cả cái xấu, cái dở và bao dung luôn cái ác; bao dung cái thiện dễ làm, bao dung cái ác mới là Từ Bi chân thật. Sự bao dung khi chúng ta đã quá rõ nghiệp quả của cái ác. Âm thầm từ bi với điều xấu ác để tìm phương tiện giúp họ đi ra, là ta đang rọi những tia sáng đến những tâm thức tối tăm lầm lỡ có một hy vọng quay về. Tâm thức vốn là một bộ máy tinh vi chuyên lừa đảo tôi và bạn. Chúng ta thích bị lừa bởi sự lừa luôn bọc một lớp ngọt ngào man trá. Số đông chỉ cần đến vậy, lúc chạm chút đắng cay họ liền chuyển qua một trò chơi khác, cứ thế luân chuyển từ trò chơi này đến cuộc chơi trọn đời nếm hưởng sự giả tạo dịu dàng của ma.

Phật phápcon đường đưa đến hạnh phúc an lạc tối hậu, vĩnh viễn thoát khổ. Song người ta bỏ qua con đường từ nhà đến Tam bảo, nó nhiều gian nan thử thách. Chân lý bao giờ cũng có sức nóng. Nếu ví von chân lý như mặt trời, thì ta càng tiếp cận càng nóng bức và trước hết không chân thành cung kính dễ chừng bị thiêu cháy. Có những hành động vĩ đại, chẳng như lúc tôi đang ngồi trầm tư bên ly cà phê, thì có hai bàn tay chai sần gầy guộc chìa trước mặt lúc nào không hay; con người già nua ấy thốt lên với đứa trẻ nít là tôi rằng: Cho con xin vài ngàn! - Với riêng tôi lúc đó, tôi gọi ấy là hành động vĩ đại.

Phật dĩ nhiên không mảy may chấp tướng, các Ngài chẳng may may khởi tâm động niệm trước mọi hành vi của chúng sanh đối với các Ngài. Chúng ta chưa cung kính Phật đã tự “miễn lễ” cho mình, là một bước ảo tưởng vượt thoát. Chúng ta chưa thật thấy cung kính Phật như một ân nhân vừa cứu mạng mình cũng như cứu mạng hết thảy người thân của mình, sao mong nhìn cho ra chân tánh, bởi trong chân tánh chẳng những đương nhiên có cung kính Phật, mà còn là cung kính hết thảy chúng sanh. Tôi vẫn thường lễ Phật trước thời công phu tĩnh tọa, rồi một lần bỗng giật mình: Tôi lễ Phật cung kính lắm, nhưng không lễ nổi hành vi nhặt rác của một người tầm thường từng gặp, không lễ nổi những người gây hại tôi và những người từng dẫm đạp lên niềm tin tối hậu của tôi. Tôi lễ Phật rất dẻo song khi thấy người ta tới xin uống chỗ nước thừa của mình, tôi chỉ biết co rúm cứng đờ không dám chắp tay trước bao con mắt trong quán, nói gì cúi đầu và sụp lạy sự “vô ngã” kia dẫu trong tưởng tượng. Rất nhiều người họ vượt qua được ngã chấp nhẹ nhàng, còn tôi học Phật mãi vẫn thấy mình cao sang để rồi xem thường luôn cả những bậc đang tìm mọi cách vớt mình khỏi đầm ác trược. Đến đây tôi đã biết mình đang đứng ở rất xa chân lý. Tôi lờ mờ thấy chân lý song đang thoái chí. Tôi run gối chùng chân trong từng bước và đôi khi đã bỏ chạy. Rồi tiếc ngẩn ngơ, rồi bao phen gượng dậy, bao phen được bạn tu và thầy dìu dắt tiến thêm, rốt cục vẫn ở đây quyết chí làm một phàm phu. Thẹn với lòng chưa thể Buông những thứ ràng buộc vào mình tưởng hữu ích, rốt cuộc chỉ là biện hộ cho chấp thủ. Bao lần thầy dạy hãy tri túc. Nơi con sẵn đủ, hãy buông và đừng làm thêm nữa. Hãy tận dụng cái sẵn đủ và ở đó. Đừng ảo tưởng phải nhìn cho xuyên tường hay thâm nhập cảnh giới nào khác để rồi thành ma. Tôi ừ dạ, rồi lại lén lút vun trồng ngã ái rong chơi bên bờ vực sâu không đáy.

Có những lúc hổ thẹn khôn cùng. Trong bóng tối đêm đen, rõ ràng yêu quỷ vẫn đứng đó cỗ vũ cho tham đắm si mê của mình, rồi tha hồ diễu cợt. Tôi đòi dở trò gì qua mặt ai. Rồi chợt linh cảm chư Phật Bồ tát vẫn đứng đó lặng lẽ nhìn mình, nhìn và nhìn. Bỗng nhiên tôi nghĩ, chư Phật - Bồ tát đó chính là chân tâm của mình; có một chân tâm luôn đứng đó nhìn cái vọng trong tôi. Tâm soi tâm. Chân tâm luôn đứng đó nhìn và chỉ nhìn, một sự quan sát đơn thuần nhưng sâu sắc cùng tột. Những vọng trong tôi bị lộ và cúi mặt. Những vọng trong tôi yếu đuối dần trước ánh nhìn đầy bi mẫn và “bất động” của chân tâm, dẫu những vọng ngày càng sắc nét và sống động. Trong khung cảnh ấy bỗng vang lên một âm thanh trong khiết: Giả như con nhìn thấy ngọn núi chăng nữa, con cũng chưa chạm đến ngọn núi ấy đúng không? Mà dẫu con tu đến ngày bạc tóc, trèo lên được ngọn núi hay đứng trên ngọn núi chăng nữa, con cũng chưa phải là ngọn núi ấy trừ phi con tan loãng vào hư không, tan loãng vào những thứ tầm thường nhất trong cõi ác trượcdĩ nhiên không còn thấy ngọn núi nào trong con.

Tôi như đang mơ giấc mơ đẹp và có ai muốn đánh thức dậy; tôi không chịu rời giấc mơ đẹp. Bạn tu của tôi thì tỉnh, luôn biết tập sống với tánh giác, sống với một câu kinh duy nhất, và câu kinh đó chính là bạn tu. Bạn kể hồi mới tập nhận và tập sống với tánh giác, có lần nằm trên xe tốc hành qua đoạn đường xấu, xe cứ rùng rùng, trong thoáng chốc, chỉ thoáng chốc thôi, bạn cảm nghiệm, ngoài cái cảm giác rùng rùng (trên thân ra), thật chẳng có ai đang nằm trên ghế xe cả, dĩ nhiên là ngoại trừ câu kinh duy nhất đang khởi và “tự nó” đang nghe lấy. Bạn tu của tôi, vọng niệm vừa sinh liền biết giác để khởi niệm câu kinh, chính cái biết đó mới là mình. Mọi việc chẳng đưa trí não suy xét; tập lìa tâm ý thức để trần cảnh ta bà không méo mó khi soi vào tấm gương tánh giác. Trong mọi công việc thường ngày, thảy đều giao cho tánh giác. Tánh giác thông minh gấp vạn lần thể trí; chả là chúng ta quen thấy có mình nên luôn sử dụng cái trí và tự cho thông minh. Bạn tu kể lần đang ăn sực nhớ có hũ bầu khô cất đã lâu, bèn nói với người nhà mai đem ra xào ăn kẻo mốc. Ngày mai người nhà xào lên món bầu khô và tự thú, thực tế đã đưa ra ngâm trước lúc bạn tu của tôi nhắc. Như vậy trường hợp này tánh giác khởi tác dụng; mới hay giữa hai người với ta hình thể và tâm tính khác nhau song tánh giác thì thông, chỉ là do vọng nên ngăn trở, lâu lâu mới khởi tác dụng. Mới hay tất cả chúng sanh đều chung một bổn tánh. Mới hay bất cứ chúng sanh nào khởi tâm động niệm đều hiện trong tấm gương thấy biết của Phật. Tập sống với tánh giác sẽ khiến thân kiến nhạt đi. Tánh giác ở đây, là tính giác; một cái tự nhiên “có tính chất tự biết giác”. Tôi dùng ngôn từ tánh giác âu là lạm dụng bởi trong ấy có chữ “tánh” mà chỉ những bậc chứng ngộ mới chạm vào. Sống với tánh giác đã khó; mà dẫu từ thân chuyển dần thành tánh giác rồi thì vẫn còn cái tánh giác đó để dụng công xóa đi. Thầy tôi diễn ý kinh Lăng Nghiêm: Hãy tu cho đặng thuần một tánh giác, là không có cái đau và cái biết đau nữa, không còn tướng sở văn rồi đến tướng năng văn cũng dứt; năng giác sở giác đều không. Là bởi “tánh giác là chơn không”. Thầy còn nhắc lời Hòa thượng Duy Lực: “Hầm sâu giải thoát”. Tôi nghe bỗng lạnh người. Vẫn ghì nắm giấc mơ. Một giấc mơ lưu luyến một giấc mơ. Một ảo ảnh chồng lên ảo ảnh. Vẫn như lời thầy còn vang: Buông nó ra con à. Tôi mơ hồ chợt nhớ khoảnh khắc mơ thấy mình rơi tự do giữa không trung, nhưng rồi lại giãy giụa vươn tay bám níu sợ hãi cú rơi làm tan nát lâu đài ảo ảnh đã dày công muôn kiếp tạo dựng. Tôi và bạn, chúng ta vẫn đem tâm kết thân với ngoại đạo bày trò nhảy múa trong lâu đài ảo ảnh; mặc cho tánh giác vẫn từng sát na thâu lại làm tư liệu gửi vào hư không bổ sung vào hồ sơ ra ngoài tam giới, như là một ảo tưởng mới.

TÁC GIẢ 

 

Nhụy Nguyên 2018Nhà văn Nhụy Nguyên tên thật là Trần Nguyên Sỹ
Quê quán: Phù Lưu - Lộc Hà - Hà Tĩnh
Hiện công tác tại Tạp chí Sông Hương
Tác giả từng viết đều ở các thể loại:
thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận.

 

Design bìa: Hải Trung
Minh họa: Thái Ngọc Thảo Nguyên

 

Tác giả và nhà xuất bản không giữ bản quyền sách. Giá bán khi độc giả đặt mua là giá thành tối thiểu của Amazon nhằm trang trải chi phí in ấn cho một quyển theo hình thức POD (Print on Demand).





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 190823)
01/04/2012(Xem: 36427)
08/11/2018(Xem: 15107)
08/02/2015(Xem: 54244)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :