Viết về lịch sử là một việc làm quan trọng, vì nếu không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại, mà hiện tại không có thì chắc rằng vị lai cũng sẽ không. Do vậy tìm về cội nguồn, gốc rễ của mọi vấn đề là bổn phận của người đi sau, phải tiếp nối bước chân của những người đã đi trước để nối liền dấu vết của quá khứ. Có như vậy dòng chảy của lịch sử mới luôn truyền thừa được.
Nếu không kể đến một Tăng Nhân lỗi lạc vào thế kỷ thứ 8, người đất Phù Nam hiệu là Phật Triết đã đến Nhật Bản vào năm 752, do Thánh Vũ Thiên Hoàng mời Ngài đến Nara để làm lễ khai nhãn cúng dường tôn tượng Tỳ Lô Giá Na Phật, cũng như khánh thành chùa Đông Đại (Todaiji) với Thầy của mình là Ngài Bồ Đề Tiên Na, xuất thân từ Ấn Độ, thì dòng sử Việt Phật tại Nhật Bản cũng không có gì làm ấn tượng lắm. Tuy nhiên lịch sử vẫn là lịch sử, dầu chúng ta có muốn chạy quanh hay cố tình không đề cập đến, thì đó là lỗi của những người đi sau đã không quan hoài đến những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để cho sự việc âm thầm trôi vào dĩ vãng là điều mà chúng ta không thể thờ ơ được. Do vậy hôm nay trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi sẽ xin trình bày về Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản qua các thời kỳ như sau:
Thời kỳ thứ nhất được phân định từ năm 1953 đến năm 1964; thời kỳ thứ hai từ năm 1964 đến năm 1975; thời kỳ thứ ba từ năm 1975 đến năm 1995 và thời kỳ tiếp theo từ năm 1995 đến 2018. Như vậy trong 65 năm ấy Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản đã cống hiến được những gì cho đất nước Nhật Bản cũng như Việt Nam của chúng ta ở trong cũng như ngoài nước, xin mời quý vị lần lượt đi vào từng giai đoạn lịch sử của nước nhà gắn liền với vận mệnh của Phật Giáo như dưới đây:
A) Thời kỳ thứ nhất từ năm 1953 đến năm 1964:
Phong trào chấn hưng Phật Giáo của Trung Hoa do Ngài Thái Hư Đại Sư chủ xướng về 3 cuộc cách mạng. Đó là cách mạng giáo chế, cách mạng giáo sản và cách mạng Giáo hội từ những thập niên 30 tại Lục Địa Trung Quốc, chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đối với vấn đề chấn hưng Phật Giáo Việt Nam qua các Kỳ tại Nam Trung Bắc. Do vậy những Hội Phật Giáo tại Bắc Kỳ, Hội Phật Giáo tại Trung Kỳ, Hội Phật Giáo tại Nam Kỳ đã được thành lập, nhằm xiển dương tinh thần Phật Giáo dấn thân và phụng sự, mặc dầu Việt Nam chúng ta trong thời kỳ này vẫn còn bị người Pháp đô hộ và họ không muốn Phật Giáo được hoạt động như là một Tôn Giáo truyền thống của Dân Tộc, mà chỉ là một Hiệp Hội không hơn không kém theo Đạo Dụ số 10, mà họ đã áp dụng cho những hội đoàn, tổ chức khác hiện diện đương thời. Trong khi đó những bậc Tổ Đức của Phật Giáo Việt Nam đương thời, kể cả những vị Cư Sĩ hộ đạo đắc lực cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình vào việc phụng sự Đạo, bằng cách cổ vũ phong trào học Phật bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có vấn đề cho chư Tăng Ni tài đức ra ngoại quốc du học, hầu mở rộng kiến thức và sau khi thành tài có thể trở về lại quê hương để xây dựng Đạo và Đời.
Từ năm 1953 Hội Phật Giáo tại Bắc Kỳ đã công cử Hòa Thượng Thích Tâm Giác sang Nhật Bản du học, tại Trung Kỳ có Hòa Thượng Thích Thiên Ân và tại Nam kỳ có Thượng Tọa Thích Quảng Minh. Trong thời gian này cho đến khi đất nước chia đôi vào ngày 20.7.1954 các Hội Phật Giáo tại Trung và Nam Kỳ vẫn tiếp tục gửi chư Tăng Ni sang Nhật Bản du học, trong đó có quý Hòa Thượng Thanh Kiểm, Hòa Thượng Thanh Cát, Hòa Thượng Mãn Giác, Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Trí Tâm, Thầy Nguyên Hồng v.v… Trong số này chỉ có hai vị hoàn tục đó là Thượng Tọa Quảng Minh và Thầy Nguyên Hồng, còn những vị khác đã một thời làm nên lịch sử cho Phật Giáo nước nhà cũng như ở ngoại quốc.
Hòa thượng Thích Tâm Giác sau khi tốt nghiệp Cao Học Phật Giáo tại Nhật Bản, Ngài về lại Việt Nam và kể từ năm 1964 đến năm 1973, Ngài đã làm Giám Đốc nha Tuyên Úy Phật Giáo; Giám Đốc Trung Tâm Nhu Đạo Quang Trung ở Sài Gòn, nơi đã đào tạo được không biết bao nhiêu người tài giỏi để phụng sự cho Đời và cho Đạo. Riêng Hòa Thượng Thích Thiên Ân sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Waseda, năm 1964 Ngài đã về lại nước đảm trách giảng dạy tại Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn cho đến năm 1966, sau đó Ngài sang Hoa Kỳ để làm Giáo Sư thỉnh giảng tại nhiều Đại Học danh tiếng tại đó. Cuối cùng Ngài quyết định ở lại Hoa Kỳ, thành lập nên Trung Tâm Thiền Quốc Tế, Viện Đại Học Đông Phương cũng như Chùa Việt Nam, Chùa A Di Đà tại Los Angeles, California. Đến năm 1980 khi Ngài viên tịch thì những sự truyền thừa về Thiền Lâm Tế Việt Nam cho người Mỹ vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.
Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm sau khi về lại Việt Nam, Ngài đã trú tại chùa Giác Minh cũng như chùa Vĩnh Nghiêm. Và suốt cả cuộc đời Ngài, vấn đề Giáo Dục và Hoằng Pháp lúc nào Ngài cũng chú tâm giúp đỡ cho những thế hệ Tăng Ni trẻ có cơ hội để vươn lên. Trong khi đó Hòa Thượng Thích Thanh Cát sau năm 1975 đã sang Hoa Kỳ tỵ nạn và Ngài sống ẩn dật tại chùa Giác Minh tại Pola Anto, California cho đến ngày nay. Ở đây chúng tôi không muốn triển khai thêm về những vị khác, vì sợ tài liệu này quá dài cho một bài viết. Do vậy những ai cần nghiên cứu chi tiết thì xin tham cứu thêm nhiều tài liệu khác nữa cho được rõ ràng hơn. Đồng thời ở đây chúng tôi cũng chỉ viết về những vị liên quan đến Phật Giáo Nhật Bản, còn những vị Tăng hay Ni cùng thời này, nhưng đi du học ở những quốc độ khác như: Ấn Độ, Tích Lan, Hoa Kỳ, Đài Loan v.v…chúng tôi sẽ không đề cập đến. Thời kỳ này chúng tôi tạm gọi là thời kỳ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
B) Thời kỳ thứ 2 từ năm 1964 đến 1975:
Đây là thời kỳ có lẽ chư Tăng Ni Việt Nam đến Nhật Bản du học đông nhất so với các thời kỳ khác. Ví dụ như: Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Ni Sư Thích Nữ Như Chánh, Ni Sư Mạn Đà La, Thầy Long Nguyệt, Hòa Thượng Thích Trí Đức, Hòa Thượng Thích Đồng Từ, Hòa Thượng Thích Chơn Minh, Thầy Thích Như Tạng (Lâm Như Tạng), Thầy Thích Giác Thiện, Hòa Thượng Thích Trí Hiền, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Nguyên Đạt, Hòa Thượng Thích Như Điển, Hòa Thượng Thích An Thiên, Thầy Minh Tuấn, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích Phước Toàn.
Đây có lẽ là thời kỳ thăng hoa nhất của Phật Giáo Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước. Ở trong nước Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập tại Chùa Xá Lợi từ đầu năm 1964, sau đó Viện Đại Học Vạn Hạnh, Phật Học Viện Huệ Nghiêm cũng như các trường Trung Tiểu Học Bồ Đề mọc lên khắp nơi trong nước. Có thể nói đây là thời kỳ cực thịnh của nền Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam. Một điểm son của lịch sử, chỉ trong vòng 11 năm, nhưng Giáo Hội đã thực hiện được không biết bao nhiêu công trình ích quốc lợi dân và đã đào tạo được cả hằng ngàn, hằng vạn Tăng Ni, cũng như những cư sĩ chân tu thật học qua sự giảng dạy của các bậc Tôn Túc đã xuất ngoại du học, trở về lại quê hương đóng góp cho Đạo cũng như cho Đời, trong đó có Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Thiền Định, Giáo Sư Nguyên Hồng v.v…
Trong khi đó tại Nhật Bản quý Thầy, quý Sư Cô có nhiều vị vừa đi học, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cho học phí phải đóng cho các Đại Học. Quý Thầy, Cô mỗi năm còn tổ chức được những ngày Đại lễ Phật Đản hay Lễ Vu Lan cho Tăng Ni, cũng như Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tụ họp về một ngôi chùa Nhật để làm lễ. Thông thường hay đọc thông điệp của Đức Tăng Thống trong những lễ Hội như vậy vào sau thời Kinh Khánh Đản hay Vu Lan. Kế tiếp Thầy Chi Bộ Trưởng thông báo những chương trình Phật sự đã qua, Phật sự kế tiếp và cuối cùng là tiệc trà thân mật. Từ những năm 1972 trở về sau này, ít nhất là cho đến năm 1979 các lễ lớn vẫn thường được tổ chức tại Chùa Joenji (Thường Viên Tự) tại Shinjuku. Mỗi tháng hay mỗi hai tháng, quý Thầy, quý Cô trong Chi Bộ có một lần họp định kỳ tại chỗ ở của Thầy Chi Bộ Trưởng và cũng trong thời gian này (1973) Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản quyết định ra một tập san Phật Giáo, xuất bản ban đầu mỗi tháng một lần bằng hai ngôn ngữ Việt, Nhật, nhưng sau đó thì hai tháng và cuối cùng là một năm, để đến năm 1981 khi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc qua Úc định cư thì cũng là thời kỳ tờ báo Khuông Việt xuất bản tại Nhật Bản không còn hiện hữu nữa.
Đa phần chúng tôi ở tại các chùa Nhật, nên hoàn toàn bị lệ thuộc về giờ giấc cũng như những hoạt động khác của các chùa mà mình đang ở. Do đó những mùa An Cư Kiết Hạ hay cấm túc theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam hầu như chúng tôi đã không thực hiện được một lần nào, ngay cả những vấn đề Bố Tát tụng giới cũng không có. Nếu có chăng, mỗi người tự lo việc tu niệm riêng của mình, chứ tập họp lại một nơi từ 4 vị Tỳ Kheo trở lên, ở một nơi chốn nhất định trong 3 tháng An Cư Kiết Hạ thuở ấy hầu như chưa thấy tổ chức được lần nào cả. Vả chăng sự học tập và công việc chùa luôn là những trở ngại cho những Sinh Viên Tăng Ni chúng tôi thuở ấy rất nhiều. Nếu có muốn thực hiện đi chăng nữa, thì cơ hội khó có được. Người xưa thường nói: “Cái khó nó bó cái khôn“ là vậy.
Trong thời kỳ này là thời kỳ chiến tranh leo thang tại hai miền Nam Bắc Việt Nam, nên những phong trào đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho một đất nước tự do dân chủ không thuộc một phe phái nào, mà tinh thần tự quyết của Dân Tộc phải do người Việt Nam định đoạt. Do vậy quý Thầy, Cô đang du học tại Nhật Bản thuở bấy giờ mặc dầu theo nhiều truyền thống khác nhau như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Việt Nam Quốc Tự, Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Cổ Sơn Môn và ngay cả quý Thầy Cô nghiêng về phía bên kia, cũng đồng lòng để đứng chung dưới một lá cờ thống nhất của Phật Giáo để tranh đấu cho lý tưởng này. Do vậy những cuộc vận động các giới chức Nhật Bản cũng như những cuộc biểu tình tuyệt thực hay những cuộc hội nghị tại Kyoto và những lúc lạc quyên để cứu trợ cho nạn nhân chiến cuộc, cô nhi quả phụ v.v.. đều có sự tham gia rộng rãi của quý Thầy, Cô đang du học tại Nhật Bản vào thời điểm này. Thời kỳ này chúng tôi gọi là thời kỳ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
C) Thời kỳ thứ 3 từ năm 1975 đến năm 1995:
Trong 20 năm này Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản hoạt động xen lẫn với nhau. Vì lẽ sau năm 1975 đã có nhiều thuyền nhân đến Nhật Bản trong đó có quý Thầy, quý Cô cũng ra đi tỵ nạn, nhưng đa phần họ đến và ra đi, chứ không trụ lại Nhật Bản lâu dài. Trong đó có Hòa Thượng Thích Như Huệ, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Từ, Hòa Thượng Thích Chơn Lễ v.v… Khi họ đến đã được quý Thầy du học trước năm 1975 còn lưu lại tại Nhật thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất giúp đỡ họ lúc ban đầu, trong đó có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền v.v… đến năm 1982 thì Hòa Thượng Thích Như Huệ sang định cư tại Úc, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Từ đi định cư tại Hoa Kỳ và Hòa Thượng Thích Chơn Lễ, sau một thời gian tỵ nạn tại Nhật, nay thì cũng đã định trú tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này cũng có một số du học sinh Việt Nam trước 1975 trở thành những Tăng Sĩ Nhật Bản, trong đó có Thầy Triệt Học Trần Đức Giang, nay vẫn còn lưu trú tại Nhật Bản. Ngoài ra những vị sau khi học xong Đại Học tại Nhật Bản sang các nước khác định cư, trong đó có Ni Trưởng Thích Nữ Như Chánh đến Hoa Kỳ vào năm 1976, chúng tôi Thích Như Điển sang Đức năm 1977, Hòa Thượng Thích Minh lễ, Hòa Thượng Thích Phước Toàn sang Pháp năm 1975, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích An Thiên sang Úc năm 1981, 1990. Ở lại Nhật Bản trong thời này của những người đến trước 1975 chỉ có Hòa Thượng Thích Minh Tuyền. Phải nói ngay rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gửi những vị Tăng hay Ni đi du học ngoại quốc trong thời gian trước 1975 và kéo dài đến sau năm 1975 cũng không uổng công của đàn na tín thí và sự đỡ đầu của Giáo Hội, mặc dầu đứng dưới hình thức nào để hoạt động cho Đạo đi chăng nữa thì người Tăng Sĩ Việt Nam cũng mang ơn Giáo Hội và không làm hỗ danh của người “mang chuông đi đánh xứ người”, nên dòng sử Phật không thể không ghi nhớ những đóng góp của những người đã ra đi trong bối cảnh lịch sử của nước nhà như vậy. Thời kỳ thứ ba này chúng tôi gọi là: Thời kỳ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và những vị Tăng Sĩ ra đi tỵ nạn.