Yếu tố tôn giáo trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963)
YẾU TỐ TÔN GIÁO
TRONG CUỘC ĐẢO CHÍNH LẬT ĐỔ
CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM (1-11-1963)
Lê Cung & Trần Thị Đông Thi
Như chúng ta đều biết, chế độ Ngô Đình Diệm xuất sinh từ yêu cầu của Nhà Trắng nhằm biến Nam Việt Nam trở thành nơi ngăn chặn phong trào cộng sản lan rộng ở khu vực Đông Nam Á. Ở đây yếu tố tôn giáo giữ một vị trí được xem như là then chốt. Trong “A Pictorical History of the Vietnam War”, Richard F. Newcomb khẳng định: “Đối với người Mỹ, Diệm là rất thích hợp. Ông là người Việt Nam thực sự, 54 tuổi chống Pháp, chống Cộng. Với một vài kinh nghiệm trong thời kỳ làm quan thuộc địa, và là một tín đồ Thiên Chúa giáo…”1 . Theo sử gia Buttinger, “việc lựa chọn Diệm đã được thực hiện dưới sức ép nặng nề của Mỹ và bằng cả sự can thiệp của Hồng y Spellman”2 .
Tháng 6-1954, khi Ngô Đình Diệm về nước, chuẩn bị cho việc lên nắm chính quyền, Phật giáo đã tỏ thái độ và cho rằng: “Cuộc sống sẽ hiểm nghèo hơn dưới chế độ Diệm, hơn bất cứ thời gian nào dưới thời Pháp thuộc trước đây. Chúng ta chắc phải trải qua những ngày tháng khó khăn hơn”3 . Và cũng ngay từ đầu, chế độ Ngô Đình Diệm lấy chủ nghĩa nhân vị làm hệ tư tưởng chính thống, Phật giáo đã chỉ ra rằng: “Chủ nghĩa nhân vị là một thủ đoạn bịp bợm nhằm làm cho Thiên Chúa giáo trở nên hấp dẫn. Gia đình họ Ngô tượng trưng không chỉ cho Thiên Chúa giáo, mà cả cho sự can thiệp của nước ngoài”4 .
Trong suốt 9 năm thống trị miền Nam (1954 - 1963), chế độ Ngô Đình Diệm đã tiến hành có hệ thống và toàn diện hàng loạt chính sách kỳ thị Phật giáo, ưu tiên Thiên Chúa giáo trên hầu hết các lãnh vực, không bỏ sót một lãnh vực nào, từ tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội đến văn hóa - giáo dục5 . Chính sách kỳ thị Phật giáo được thực thi bằng nhiều biện pháp gian manh, tàn bạo từ mua chuộc dụ dỗ đến đàn áp, khủng bố một cách quyết liệt, kể cả việc bắn giết, thủ tiêu những người khác tôn giáo với gia đình họ Ngô. Đó là quá trình từ đầu đến cuối, thống nhất trong một chỉnh thể, từ việc Ngô Đình Diệm tiến hành các chiến dịch “tố Cộng”, cho ra đời Hiến pháp 1956, tiếp theo là Luật 10/59 đến việc Ngô Đình Nhu cho ra đời chủ nghĩa nhân vị, “quốc sách ấp chiến lược”; từ việc Ngô Đình Thục thành lập Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long, nâng nhà thờ La Vang (Quảng Trị) lên hàng “Vương cung Thánh đường” cho đến việc Ngô Đình Cẩn trấn áp dữ dội đối với những người khác tôn giáo, v.v… Tất cả các mặt đan xen, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện “ý chí” và quyết tâm “Thiên Chúa giáo” miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Báo Đường Sống (26-3-1956), một tờ báo thân chính quyền Ngô Đình Diệm, cho biết: “Đã nhiều lần, báo giới Pháp công kích Tổng thống Ngô Đình Diệm lập chính phủ độc tài ở Sài Gòn, lập chế độ độc tài Công giáo dựa vào triệu dân Bắc lánh nạn xuống Nam 6 . Điều này tỏ rõ trong vô số tài liệu mà chế độ Ngô Đình Diệm để lại, xin dẫn ra đây chương trình lễ Giáng sinh 1958:
“Hồi 23g15: Tại Dinh Độc Lập, Phó Tổng thống đại diện Tổng thống và các Bộ trưởng dự lễ này do Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng thống phủ tổ chức. Thông điệp của Tổng thống, Rước kiệu Chúa vòng quanh Dinh… Trong đêm Chúa Giáng sinh, đài phát thanh có truyền thanh thông điệp của Tổng thống gởi đồng bào toàn quốc,…” (7).
Chính Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế lúc bấy giờ, đã nói với Ngô Đình Diệm rằng: “Ai cũng thấy từ lúc cụ lên cầm quyền, thì nhà thờ mọc lên khắp nơi, các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh đều được tái thiết gần hết, cả những nơi không có bao nhiêu giáo dân cũng có nhà thờ đồ sộ. Số người theo đạo mới gia tăng mau chóng” (8); rằng kể “từ khi bắt đầu nắm chính quyền, ông Diệm không bỏ phí một nỗ lực nào nhằm triệt hạ mọi hình thức đối lập, và ông không tin tưởng vào ai ngoài bà con và giáo hội của ông” (9).
Ngay cả Thượng nghị sĩ Mỹ Mansfi eld, người đã từng ủng hộ Ngô Đình Diệm một cách nhiệt thành, trong cuộc tiếp xúc với Cao Văn Luận ngay khi phong trào Phật giáo miền Nam 1963 vừa bùng nổ, cũng chua chát thừa nhận rằng: “Hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ mà phần lớn các nhân vật chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công giáo trị” (10). Ellen J. Hammer trong “A Death in November” có một cái nhìn khái quát về sự phát triển Thiên Chúa giáo miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm: “Người Thiên Chúa giáo có vẻ đông hơn vì những cuộc rước kiệu trên đường phố vào những dịp lễ. Những ngày lễ Thiên Chúa giáo được công khai kỷ niệm nhờ vị tổng thống ngoan đạo, và những dịp lễ chính thức thường có nhiều vị linh mục tham dự. Những làng di cư được thiết lập dọc theo các trục lộ, giống hệt như các làng ngoài Bắc. Những ngọn tháp của các giáo đường mới nổi bật trên những cánh đồng lúa và chuông giáo đường rền vang khắp đồng quê” (11).
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng từ đầu những năm 1960, khi lực lượng đối lập tiến hành những hoạt động chống đối chế độ; đặc biệt, từ lúc phong trào cách mạng miền Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt, thì chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh hơn chính sách khủng bố, bắt ép tín đồ Phật giáo theo Thiên Chúa giáo, điển hình nhất là ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (12). Don Luce và John Sommer đã có một cái nhìn rất chính xác về vấn đề này: “Khi những cuộc nổi dậy của những người cộng sản gia tăng, Diệm càng ngày càng trở nên hoảng sợ, ông càng tin tưởng vào những người mà ông có thể tin tưởng được - những người Thiên Chúa giáo” (13).
Chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm đã gây biết bao đau thương, tang tóc, khổ nhục, uất hận đối với nhân dân miền Nam, đối với tín đồ các tôn giáo, nhất là đối với tín đồ Phật giáo. Do vậy, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp được biểu hiện qua “lăng kính” tôn giáo hết sức rất đậm nét. Nỗi đau bất công do chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm gây ra chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bùng nổ của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.
Ngày 6-5-1963, tiến thêm một bước nữa trong chính sách kỳ thị Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Công điện 9195 với nội dung cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản 1963 (Phật lịch 2507). Lập tức, phong trào Phật giáo bùng nổ. Huế là nơi mở đầu phong trào với khí thế cả “phố phường như bừng dậy trong một cuộc động quân. Khắp các đường phố, từ trong thành, Đông Ba, Gia Hội, từng đoàn người lũ lượt kéo qua cầu Trường Tiền. Từ Vĩ Dạ lên, ở trên Ga xuống, phía Kho Rèn, An Cựu về, dân thị xã và vùng phụ cận đổ xô về phía tỉnh đường đông nghịt cả người, đông một cách đáng sợ, như cuồng phong tới, như bão tố lên” (14).
Đêm 8-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại Đài phát thanh Huế làm 8 người bị thiệt mạng khiến phong trào Phật giáo lên cao ở khắp các thành phố, thị xã miền Nam với những cuộc biểu tình, ‘rước linh’, tuyệt thực,… cuối tháng 5, đầu tháng 6-1963. Nổi bật nhất là cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào sáng ngày 11-6-1963 tại Sài Gòn. “Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục” (15).
Ở Mỹ, cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức đã gây nên một chấn động mạnh. Tờ New York Herald Tribune (21-7- 1963) cho rằng ngọn lửa Thích Quảng Đức sẽ thổi bùng lên một đám cháy lớn thiêu rụi chế độ Ngô Đình Diệm: “Hòa thượng Thích Quảng Đức, một vị tu sĩ đã biến tấm áo càsa vàng của mình thành một giàn hỏa thiêu,… Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam cũng đang làm một công việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông” (16).
Tờ San Francisco Chinese World đưa ra lập trường quyết liệt hơn: “Đã đến lúc chính quyền Hoa Kỳ phải từ giã ông Ngô Đình Diệm. The Chinese World khẩn thành kêu gọi tất cả mọi người Mỹ lên án ông Diệm, một kẻ độc tài của Sài Gòn” (17).
Ngày 14-6-1963, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị cho Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn xúc tiến kế hoạch thay Ngô Đình Diệm (18). Dean Rusk, Ngoại trưởng Mỹ, trong một cuộc họp báo ngày 16-6-1963, cho rằng Mỹ “không sung sướng gì trước những sự việc xảy ra ở miền Nam,…”, rằng Mỹ “rất buồn phiền về những sự chia rẽ đang xảy ra ở miền Nam” (19). Tổng thống Kennedy cho rằng: “Sự đụng chạm giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm với Phật giáo đồ rất có hại cho công cuộc chống Cộng tại miền Nam Việt Nam” (20).
Tuy nhiên, việc tiếp tục dùng hoặc thay Diệm vẫn là vấn đề tranh luận sôi nổi trong chính giới Mỹ. “Những người như Robert McNamara ở Bộ Quốc phòng và John McCone ở Cơ quan Tình báo Trung ương chưa có ý định thay Diệm. Nhưng ở Bộ Ngoại giao, Phó Ngoại trưởng George Ball, Averell Harriman và Roger Hilsman cảm thấy quá chán ngán cái ông Tổng thống Việt Nam. Ball gọi Diệm là người mù quáng và kém cỏi” (21).
Giữa lúc Nhà Trắng đang chần chừ, “tiến thoái lưỡng nan” thì trong một trả lời phỏng vấn của Don Baker (UPI), Frederick E. Nolting, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, nói: “Hơn hai năm tôi sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy dấu hiệu chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo” (22)
Phản đối những lời tuyên bố vô trách nhiệm của Nolting, ngày 1-8-1963, giới lãnh đạo Phật giáo đánh điện cho Tổng thống Kennedy khẳng định: “Lời tuyên bố của ông Nolting không phù hợp với sự thật, luôn cả với sự hiểu biết và thiện chí của người Hoa Kỳ” (23).
Ngày 3-8-1963, trong một cuộc nói chuyện với Phụ nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, lên tiếng công kích, nhục mạ Phật giáo, rằng “hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa,…” (24).
Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn đánh sư gấp mười lần như thế nữa à. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh, không cần biết tới” (25).
Tình hình trên đây khiến phong trào Phật giáo càng lên mạnh. Ngày 4-8-1963, Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu tại Đài Chiến sĩ trước Tỉnh đường Bình Thuận; ngày 11-8-1963, 20.000 người tham dự lễ cầu siêu cho các Thánh tử đạo tại chùa Xá Lợi. Trước lúc bắt đầu cuộc lễ, giới lãnh đạo Phật giáo tuyên bố cương quyết: “Chúng ta nguyện tranh đấu đến cùng cho tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo với bất cứ giá nào” (26).
Kết thúc buổi lễ, một rừng biểu ngữ xuất hiện, trong đó có nhiều biểu ngữ phản đối Trần Lệ Xuân: “Cực lực phản đối thái độ huênh hoang, vô lễ, nhục mạ Phật giáo của bà Ngô Đình Nhu” (27); ngày 12-8-1963, tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Thị Tuyết An tự chặt tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm; ngày 13-8-1963, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên (Hương Trà, Thừa Thiên); ngày 15-8- 1963, tại Huế, gần 1.000 sinh viên, học sinh biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tại chùa Phước Duyên; cùng ngày, Ni sư Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa gần Nha Trang. Ngày 16-8-1963, tại Huế theo lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo, tất cả chợ búa, trường học, xí nghiệp và công tư sở đều nhất loạt tổng đình công. Cùng ngày hôm đó, nhà sư Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm. Ngày 17-8-1963, Ngô Đình Diệm cách chức Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế. Cũng trong ngày này, các khoa trưởng thuộc Viện Đại học Huế và toàn thể giảng viên Viện Hán học ra tuyên cáo lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và cách chức Cao Văn Luận, tuyên bố từ chức và nghỉ việc. Tiếp theo, toàn thể giảng viên và sinh viên Viện Đại học Huế từ chức, bãi khóa.
Ngày 18-8-1963, theo lệnh của giới lãnh đạo Phật giáo, lễ cầu siêu được tổ chức trên toàn miền Nam. Tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) có trên 30.000 người tham gia. Sau lễ cầu siêu, Đoàn Sinh viên Phật tử kêu gọi quần chúng tham gia tuyệt thực tại chỗ, có khoảng 10.000 người tham gia. Suốt ngày hôm đó, đông đảo đồng bào Sài Gòn kéo đến chùa Xá Lợi để ủng hộ cuộc tuyệt thực.
Để cứu nguy chế độ, đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch Nước lũ”, tấn công đồng loạt hầu hết các ngôi chùa dùng làm cơ sở đấu tranh trên toàn miền Nam, bắt giữ hầu hết các nhà lãnh đạo Phật giáo và nhiều giáo sư, sinh viên, … Cùng với “Kế hoạch Nước lũ”, Ngô Đình Diệm đọc tuyên cáo và ban hành lệnh giới nghiêm. Theo Maneli bấy giờ là Đại diện Ba Lan tại Ủy hội Quốc tế: “Anh em Diệm - Nhu đã tung ra trận tổng tấn công nhà chùa là để tự cứu họ khỏi bị đảo chánh do Mỹ thúc đẩy, nhưng hành vi tấn công chùa hóa ra lại làm mất uy tín chế độ trước người Việt Nam và thế giới” (28). Rõ ràng, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm đã “thực sự dẫm trúng vỏ chuối do Phật giáo quăng ra” (29), đã tự chọn cho mình một tuyệt lộ.
Sau “Kế hoạch Nước lũ”, phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn lên mạnh. Ngày 24-8-1963, Ủy ban Chỉ đạo sinh viên và học sinh Sài Gòn ra tuyên ngôn, đòi chính quyền Ngô Đình Diệm: 1. Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng. 2. Trả tự do cho Tăng Ni và tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện bị giam giữ. 3. Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo. 4. Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.
Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên. Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc” (30), và “tuyên bố bãi khóa, nghỉ học để đấu tranh cho tự do tín ngưỡng” (31). Phong trào Phật giáo Phật giáo năm 1963 đã lan sang sinh viên Huế, rồi sinh viên Sài Gòn, đặt chế độ Ngô Đình Diệm trước những hiểm nguy khó có thể vượt qua.
Tình hình căng thẳng cực độ giữa nhân dân miền Nam với chế độ Ngô Đình Diệm dẫn mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và chính quyền Ngô Đình Diệm tiến đến điểm nút không thế khắc phục được, trong đó yếu tố tôn giáo tác động giữ vị trí hàng đầu. Ngày 22-8-1963, Tân Đại sứ Cabodge Lodge đến Sài Gòn nhận chức Đại sứ trước dự định. Hai ngày sau (24-8-1963), Lodge gởi về Washington DC. một điện văn báo cáo rằng “ông Nhu là người ra lệnh tấn công chùa và nói về dự tính đảo chính của một số tướng lãnh” (32). “Như định mệnh đã sắp xếp” (33), ngày đó Tổng thống Kennedy, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Giám đốc CIA McCone đều nghỉ cuối tuần. Vì vậy, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, Xử lý Thường vụ ngoại trưởng cùng Herriman, Thứ trưởng Ngoại giao, Hilsman, Phụ tá Ngoại trưởng, Forrestal Phụ tá Tổng thống, những người vốn đã công khai chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm, đã đọc bản điện văn của Lodge một cách quan ngại. Họ soạn và ký tên Mật điện 243 chuyển cho Tổng thống Kennedy và Ngoại trưởng Rusk. Cả Kennedy và Dean Rusk đều đồng ý cho gởi bức mật điện này đến Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Nội dung mật điện viết: “Cố vấn Ngô Đình Nhu chịu trách nhiệm về sự tấn công đàn áp chùa chiền. Đại sứ Hoa Kỳ phải minh danh: Chính lực lượng đặc biệt của ông Nhu, chứ không phải quân đội tham dự. Hoa Kỳ không thể tha thứ cho tình trạng chính quyền nằm trong tay Ngô Đình Nhu. Tổng thống Ngô Đình Diệm được dành một cơ hội để loại trừ Ngô Đình Nhu và tay chân, phải thay thế họ bằng những nhân vật quân sự và chính trị có khả năng nhất… Nếu Tổng thống Diệm vẫn còn ngoan cố, thì chúng ta (người Mỹ) sẽ đi tới chỗ không thể tiếp tục ủng hộ ông nữa. Ông Đại sứ có thể loan báo cùng các vị tư lệnh quân sự liên hệ rằng: Chúng ta sẽ trực tiếp yểm trợ cho họ trong mọi trường hợp tạm thời gián đoạn của một chính quyền trung ương” (34).
Với Cabot Lodge, nội dung điện văn trên đây được xem như là chỉ thị trực tiếp, phải chuẩn bị một cuộc đảo chính lật đổ Diệm, nếu Diệm không chịu làm theo lệnh của Nhà Trắng đề ra. Ngày 26-8-1963, Cabodge Lodge đánh điện cho Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: “Tôi tin rằng Diệm sẽ không chấp thuận những đòi hỏi của chúng ta,… Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta nên đi thẳng với các tướng lãnh mà không cần cho Diệm biết. Tôi sẽ nói cho các tướng lãnh biết chúng ta chủ trương giữ Diệm mà không có Nhu. Trên thực tế, giữ Diệm hay không còn tùy ở họ” (35). Tại Sài Gòn, trong một cuộc tiếp xúc với Diệm, Cabot Lodge đã chính thức yêu cầu gạt Nhu, nhưng Diệm từ chối vì theo Diệm một khi Nhu bị gạt thì y cũng không sao tồn tại. Việc cố bám lấy chế độ gia đình trị của anh em Diệm - Nhu buộc Nhà Trắng gấp rút tổ chức cuộc đảo chính quân sự để lật đổ Diệm. Ngày 2-9-1963, Tổng thống Kennedy tuyên bố: “Bằng việc thay đổi chính sách và thay đổi cả người nữa, có thể giành được thắng lợi Việt Nam”, cùng ngày tờ New York Times nhận định: “Nhiều quan chức ở Hoa Thịnh Đốn cho rằng giải pháp duy nhất chấp nhận được cuộc khủng hoảng chính trị - tôn giáo ở Việt Nam chỉ có thể là một cuộc đảo chánh quân sự của các chỉ huy quân sự Nam Việt Nam” (36). Ngày 7-9-1963, Hãng UPI (Mỹ) cho rằng: “Hoa Thịnh Đốn đã buộc phải thừa nhận là khó mà hy vọng được rằng Diệm chịu bỏ Nhu. Do đó, Hoa Thịnh Đốn đang đặt nhiều hy vọng vào các thủ lãnh quân sự” (37). Hãng AFP (8-9-1963) bắn tin: “Trong mấy ngày qua, Tòa Nhà Trắng đã vạch ra một chính sách mới nhằm khuyến khích các chỉ huy quân sự Nam Việt Nam nắm lấy chính quyền, Mỹ đã có một chủ trương tích cực ‘không liên kết’ nhằm tách các thủ lĩnh quân sự khỏi chính quyền, Mỹ đang xúc tiến việc tách quân đội Diệm khỏi sự kiểm soát của Diệm và Nhu, tách quân đội Diệm với lực lượng mật vụ của Diệm” (38).
Từ điện văn của Nhà Trắng gởi cho Lodge, rồi tuyên bố của Tổng thống Kennedy đến những dư luận báo chí Mỹ cho thấy Mỹ đã “bật đèn xanh” cho nhóm tướng tá trong quân đội Sài Gòn thực hiện kế hoạch đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tuy vậy, trong suốt tháng 9-1963, chính quyền Kennedy vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc thay Diệm. Để có quyết định dứt khoát thay hay không thay Diệm, cuối tháng 9-1963, Tổng thống Kennedy cử Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng với Maxell Taylor sang Sài Gòn để tìm biện pháp giải quyết. Báo chí Mỹ đã công khai nói rằng: “Mắc Namara gặp các tướng lĩnh quân sự (Diệm) là để tìm hiểu ảnh hưởng chính sách Diệm đối với binh sĩ. Mắc Namara và Taylơ chắc chắn sẽ trao cho Diệm một tối hậu thư,… Chắc chắn Mỹ sẽ quyết định như thế nào là do kết quả chuyến đi của Mắc Namara và Taylơ, bất chấp tiếng kêu lạc lõng của vợ Nhu” (39). Ngày 29-9-1963, McNamara và Taylor cùng gặp Diệm, khẳng định với Diệm rằng việc đàn áp Phật giáo gây trở ngại cho nỗ lực chống Cộng và bày tỏ sự bất bình trước những phát ngôn của Trần Lệ Xuân. Sau khi McNamara và Taylor trở về Mỹ báo cáo tình hình, chính quyền Kennedy đã ra một tuyên bố 5 điểm, trong đó nói rằng: “Tình hình chính trị tại Nam Việt Nam vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Mỹ vẫn tiếp tục phản đối các hành động đàn áp tại Việt Nam” (40).
Về phía quân đội Sài Gòn, từ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch Nước lũ” (đêm 20 rạng ngày 21-8-1963) cùng với dấu hiệu “bật đèn xanh” của Mỹ, các tướng tá chóp bu bắt đầu vận động, lôi kéo các phần tử không ăn cánh với Diệm, bàn mưu kế làm đảo chính lật đổ Diệm. Cho đến đầu tháng 10-1963, các kế hoạch đảo chính đã được chuẩn bị, sắp đặt một bước. Ngày 2-10-1963, tại Nha Trang, Trần Văn Đôn, Quyền Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, gặp Trung tá CIA Conein, thông báo kế hoạch đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm đang được chuẩn bị và đề nghị Conein gặp Dương Văn Minh. Sau cuộc gặp đó, guồng máy đảo chánh chuyển động.
Trước hết, Mỹ “vặn cái đinh vít về kinh tế” khiến tình hình vật giá ở Sài Gòn leo thang vùn vụt. Đây là đòn đánh mạnh vào nhân dân, làm cho lòng công phẫn của họ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm lên gấp bội phần. Để cuộc đảo chính đi đến thành công, Nhà Trắng còn tạo ra những động tác đánh lừa Diệm về tình hình, như đồng ý cho Diệm tổ chức bầu cử quốc hội, Lodge báo tin cho Diệm rằng Lodge chuẩn bị trở về Mỹ để thảo luận lại chính sách đối với Diệm. Rồi Đô đốc Felt, Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, trên đường đi dự hội nghị Đông Nam Á đến Sài Gòn. Cả Felt và Lodge giả vờ ghé thăm Diệm vào 9 giờ sáng ngày 1-11-1963, với ý đồ cầm chân Diệm trong Dinh Gia Long (41) để phe đảo chính dễ dàng hành động.
Miếng đất tốt cho cuộc đảo chính quân sự được Mỹ ráo riết chuẩn bị bằng mọi giá. Ngay sau khi Lodge và Felt rời Dinh Gia Long, cuộc đảo chính thực sự diễn ra vào lúc 11 giờ 30 ngày 1-11-1963, anh em Diệm - Nhu bị giết chết. Chế độ độc tài, gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm sau 9 năm thống trị miền Nam sụp đổ.
Nghiên cứu, tìm hiểu yếu tố tôn giáo trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963), chúng ta có thể rút ra một số nhận định chủ yếu sau:
Một là, yếu tố tôn giáo, ở đây là Thiên Chúa giáo, giữ vai trò hàng đầu trong việc khai sinh ra chế độ Ngô Đình Diệm. Lập luận này là xác quyết, bởi như sử gia Buttinger đã nhận định: “Hồng y Spellman chắc chắn là người Mỹ đầu tiên nuôi ý tưởng về một chính phủ Việt Nam do tín đồ Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm cầm đầu” (42); và sau đó trong suốt 9 năm thống trị miền Nam, chế độ Ngô Đình Diệm đã thực thi hàng loạt chính sách, từ tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội đến văn hóa - giáo dục nhằm đưa Thiên Chúa giáo lên hàng quốc đạo.
Hai là, trong quá trình thống trị miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đi từ thống nhất đến mâu thuẫn. Chính yếu tố tôn giáo đã đẩy mâu thuẫn giữa Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm từng bước phát triển đến chỗ không khắc phục được, từ chỗ Mỹ là đồng minh thân cận nhất của anh em Diệm - Nhu đến chỗ là kẻ “cừu địch”, rồi “thiết kế” cuộc đảo chính (1-11-1963), giết chết anh em Diệm - Nhu, đặt dấu chấm hết của “nền Đệ nhất Cộng hòa” do Mỹ dày công xây dựng, dựng lên một chính quyền tay sai mới với hy vọng có hiệu quả hơn để tiếp tục duy trì miền Nam Việt Nam trong quỹ đạo chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.
Ba là, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, chính yếu tố tôn giáo đã làm cho nhân dân miền Nam, kể cả nông thôn và đô thị dần dần “quay mặt” với chế độ, đỉnh cao là chính sách và biện pháp đối với Phật giáo trong năm 1963. Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963), đô thị miền Nam đã thực sự “dậy mà đi”, góp phần đẩy các chính quyền Sài Gòn sau Diệm liên tục bị sụp đổ, tạo ra thế “ba mũi giáp công”, đưa phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi ngày 30-4-1975.
Chú thích:
1. Richard F. Newcomb, A Pictorical History of the Vietnam War, Doublday & Company, Inc. Garden City, New York, 1987, tr.26.
2&42. Joseph Buttinger, A Political History, Frederick A. Pracger, Inc. Pubishers, New York, USA, 1968, tr.386, tr.385.
3&4&24. Jerrold Scheter, The New Face of Buddha, John Weatherhill, Tokyo, Japan, 1967, tr.156, tr.186, tr.196.
5. Xem sách: Lê Cung, Năm mươi năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2013.
6. Báo Đường Sống ngày 26-3-1956, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ I CH-19466.
7. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ I CH - 5425.
8&10. Cao Văn Luận, Bên dòng lịch sử, Nxb Trí Dũng, Sài Gòn, 1972, tr.318, tr.324.
9. Thích Nhất Hạnh, Vietnam, Lotus in a Sea of Fire, New York, 1967, tr.56.
11. Ellen J. Hammer, A Death in November (American in Vietnam in 1963), E.p. Duton, New York, USA, 1987, tr.106.
12. Xem Hồ sơ gởi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung Phần ngày 20-2- 1962 (bản đánh máy), Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Sài Gòn, 1968.
13. Don Luce & John Sommer, Vietnam: The Unheard Voices, Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, tr.114.
14. Quý Linh, Mở đầu cuộc đấu tranh Phật giáo, trong “Trước cơn sóng gió”, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần xuất bản, Huế, 1964, tr.14-15.
15. Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1966, tr.342, tr.380, tr.384.
16&17&20. Tuệ Giác, Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, tr.211, tr.207, tr.210.
18. Trần Gia Phụng, Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ ba lý do chính, trong “Thích Nhật Từ và Nguyễn Kha (Chủ biên), Pháp nạn Phật giáo 1963 - Nguyên nhân, bản chất và tiến trình”, Nxb Hồng Đức, TP.HCM, 2013, tr.377.
19. Xuân Thâm, Cuộc đấu tranh của Phật giáo đang làm chế độ Mỹ - Diệm khủng hoảng trầm trọng, Tuần báo Thống Nhất, số 322, ngày 23-8-1963, tr.4.
21. Ellen J. Hammer, A Death in November (American in Vietnam in 1963), E.p. Dutton, New York, USA, 1987, tr.152, tr.234.
22&25. Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.298, tr.307.
23. Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ tư), Nxb Thuận Hóa, Huế, 2008, tr.239.
26&27. Phóng sự buổi lễ cầu siêu sơ tuần cố Đại đức Thích Nguyên Hương (tại chùa Xá Lợi hồi 8 giờ ngày 11-8-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký kiệu tài liệu Đệ I CH-8541, tr.2, tr.3. 28&33. Howard Jones, Death of a Generation - How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War, Oxford University Press, New York, 2003, tr.313, tr.364, tr.314.
29. Tâm Phong, Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo, Tuần báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24-8-1964, tr.10.
30. Nguyễn Lang, Sinh viên và học sinh đứng dậy, trong “1963 - 2013, Năm mươi năm nhìn lại, Tuyển tập của 99 tác giả, Tập Ba (3/3)”, Nxb Thien Tri Thuc, Garden Grove, CA, USA, 2012, tr.138.
31. Tin về hoạt động tôn giáo (mật) số 17357/TCSQG/CII/2/M ngày 24-8-1963, Bộ Nội vụ, Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu tài liệu TM-HS. 686.
32&33&34. M.N., Về vai trò của Phật giáo miền Nam trong cuộc lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 89, tháng 8-1966, tr.11.
34. The Pentagon Papers, New York: Bantam Books, 1971, tr.194.
35. FRUS, 1961-1963, Vol III, Document 285, tr.634-635.
36&37&38&39&40. Hồng Chuyên, Từ lâu Mỹ đã chuẩn bị đảo chính quân sự để thay Diệm, Báo Nhân Dân, ngày 3-11-1963, tr.3.
41. Sau vụ hai phi công Sài Gòn ném bom Dinh Độc Lập ngày 27-2-1962, Diệm - Nhu tạm di chuyển“Phủ Đầu Rồng” Việt Nam Cộng hoà về tạm Dinh Gia Long.
- Từ khóa :
- Yếu tố
- ,
- tôn giáo
- ,
- cuộc đảo chính
- ,
- lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm
- ,
- 1-11-1963