TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA
PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
I. Khái lược về sự nhập thế
Những nền văn minh, văn hóa cổ xưa hiện nay đã mai một hoặc chỉ còn là những di tích. Điều này có nghĩa là các nền văn minh, văn hóa ấy không còn sự sống. Trái lại, những tôn giáo đang tồn tại hiện nay, dù đã được hình thành hàng ngàn năm trước vẫn đang hoạt động, sinh động, cải tiến về nhiều mặt. Đó là do tôn giáo không ngừng thể hiện tinh thần nhập thế.
Những phương cách nhập thế bao gồm sự rao giảng giáo lý, kinh sách, ảnh tượng, pháp khí, tư liệu, các phương tiện truyền thông… Sự nhập thế của một tôn giáo phải linh động, phù hợp với từng địa phương, lãnh thổ, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống của dân bản địa… Do đó, lịch sử của một tôn giáo luôn được chia thành nhiều thời kỳ. Lịch sử tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam cũng như vậy.
Đầu thế kỷ XIX, Phật giáo đã phát triển mạnh ở phương Tây, cho đến nay, số tín đồ Phật giáo lên đến gần nửa tỷ người trên khắp thế giới. Tuy số tín đồ Phật giáo có số lượng đông hàng thứ ba trên thế giới, nhưng một tôn giáo không phải là mạnh vì có nhiều tín đồ, nhất là một tôn giáo thiên về trí tuệ như Phật giáo.
Vấn đề là tôn giáo ấy đóng góp được gì cho hạnh phúc, an bình của loài người. Hơn một thế kỷ qua, vấn đề dấn thân vào xã hội như từ thiện, giảng pháp, xây tự viện được nói đến nhiều và được thực hiện không ngừng. Thế nhưng danh xưng và ý nghĩa của sự dấn thân của Phật giáo chỉ được nhấn mạnh, mở rộng khi Hòa thượng Thích Nhất Hạnh vào năm 1966 lập ra dòng tu Tiếp hiện (Interbeing, Inter-être), và rao giảng về Phật giáo Dấn thân hay Nhập thế (Engaged Buddhism, Bouddhisme Engagé). Các từ này, cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp đều do Hòa thượng nêu lập và hiện nay đã thông dụng khắp thế giới.
Trong thời đại mới, khi mà khoa học kỹ thuật phát triển mạnh và rất nhanh, đồng thời với những đe dọa về bất ổn chính trị, xã hội, bạo lực, chiến tranh, sự cạn kiệt môi trường, sự biến đổi khí hậu… Phật giáo Việt Nam dĩ nhiên phải thể hiện tinh thần nhập thế trong thời hiện đại để đóng góp cho đất nước Việt Nam và cho thế giới.
II. Tinh thần nhập thế truyền thống của Phật giáo Việt Nam
Từ 20 thế kỷ trước, người Việt đã học Phật pháp từ những vị sư người Ấn Độ và người Trung Hoa, khá nhiều người Việt được thọ đại giới để trở thành Tỳkheo. Một số ít vị lập am cốc riêng để tu tập, một số vị kế thừa trụ trì các tự viện từ các vị bổn sư. Các tự viện này đa số ở các vùng có dân cư đông đúc, tại các thôn làng. Nhà chùa trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn… Nói chung là nhà chùa đang nhập thế, phổ biến giáo lý và giúp đỡ người dân về nhiều mặt. Thế rồi mười thế kỷ sau, tinh thần và sự thể hiện nhập thế trở thành một truyền thống vững chắc, mang lại những thành quả lớn trong Phật giáo đời Lý, rồi đời Trần. Phật giáo xương minh, quốc gia hưng thịnh, đủ sức chống ngoại xâm. Tiếp theo, từ hoàn cảnh chiến tranh chống thực dân, đế quốc, đất nước chịu nhiều đau khổ, nhưng tinh thần nhập thế của Phật giáo vẫn không mai một. Nhận rõ sự bành trướng của phương Tây và đặc biệt là của các tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã chuyển mình với phong trào Chấn hưng Phật giáo, vừa cải cách phương pháp truyền bá vừa tham gia các hoạt động ích quốc lợi dân, thâu nhập cái mới của các nước phát triển để rồi lớn mạnh như ngày nay.
Truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam sinh khởi từ hai nguồn cội: một là từ giáo lý của Đức Phật, hai là từ bản tính của người Việt Nam.
Đức tính của tinh thần nhập thế là Bi, Trí và Dũng. Từ bi để cứu giúp, Trí tuệ để liễu hội giáo lý, biết rõ điều mình làm, Dũng là tinh thần vô úy, không sợ thất bại, thương tổn, không sợ các thế lực xấu ác. Đức tính của người Việt là yêu hòa bình, yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, kiên trì, bất khuất. Do vậy và cũng do hoàn cảnh phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Việt Nam hiện nay, chúng ta dù thể hiện hơn trong việc nhập thế so với nhiều nước hay nhiều vùng đất châu Á như Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Tạng… nhưng chúng ta đang có vận hội mới để nhập thế, đóng góp cho đất nước và cho thế giới.
III. Phật giáo Việt Nam nhập thế trong thời đại mới
1.Phật giáo Việt Nam nhập thế tại Việt Nam trong thời đại mới
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ cả về phẩm chất và về số lượng hoạt động. Đất nước cũng phát triển về nhiều mặt nhất là về kinh tế và uy tín trên chính trường quốc tế, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thâm nhập vào nước ta, giúp đất nước đang ở vị thế các nước đang phát triển trở thành một nước đã phát triển. Thế nhưng những tồn tại và những phát sinh mới của những vấn đề chung của thế giới hôm nay, như đã nói, bất ổn chính trị, chiến tranh ở nhiều nơi và có nguy cơ chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, bạo lực, sa sút đạo đức, sự cạn kiệt môi trường v.v… đang ảnh hưởng mạnh đến đất nước ta.
Với tinh thần nhập thế truyền thống, Phật giáo Việt Nam đang và sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho đất nước. Chúng ta có điều kiện, có khả năng, có tiềm lực.
Trong Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự vào cuối năm 2018, phần tổng kết hoạt động của Giáo hội đã nêu được những số liệu rất khả quan: khoảng trên 50 triệu tín đồ Phật giáo, 53.941 Tăng Ni, 18.466 tự viện. Các ban ngành đều hoạt động mạnh mẽ, đáng kể là các Ban Hoằng pháp, Ban Giáo dục Phật giáo, Ban Văn hóa… Đặc biệt, Ban Từ thiện xã hội với thống kê 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, 15 trung tâm nuôi người già cô đơn, 12 lớp học tình thương, 43 phòng khám Đông y và Tây y, 2 trung tâm dạy nghề và 21 cơ sở từ thiện khác, hoạt động từ thiện tính được gần 430 tỷ đồng VN.
Từ năm 1981 đến nay, thật không thể kể hết được số hội nghị, hội thảo Phật giáo với các chủ đề Phật pháp, môi trường, hội nhập, đạo đức, xã hội, hoằng pháp, văn hóa, lịch sử… Trong khi đó, các phương tiện thông tin truyền thông tân tiến, các trang web uy tín của Phật giáo có ảnh hưởng tốt đẹp đến xã hội. Kinh sách, Đại tạng kinh, tạp chí, tập san cũng đóng góp không ít cho việc hoằng hóa Phật giáo, an bình xã hội và phát triển, bảo vệ văn hóa truyền thống của Phật giáo và của đất nước.
2. Phật giáo Việt Nam nhập thế tại các nước ngoài
Cuối thập niên 70 thế kỷ XX, số người Việt định cư ở nước ngoài tăng lên nhiều, thống kê hiện nay cho thấy số lượng đã đạt tới hơn 4,5 triệu người và số tự viện, chi hội Phật giáo Việt Nam đã có khoảng 300 cơ sở, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Pháp, Đức, Canada. Chư Tăng Ni ở các cơ sở Phật giáo này thường xuyên tổ chức giảng pháp, lễ lạt, từ thiện, các quán chay…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức gửi các phái đoàn tham dự các hội nghị quốc tế về các vấn đề của thời đại mới. Chư tôn đức Tăng Ni cũng đến nhiều nước có đông đảo Phật tử người Việt để hoằng pháp hoặc giảng pháp khi tổ chức du lịch tâm linh chiêm bái các thánh tích Phật giáo.
IV. Kết luận với vài nhận định
1. Sự hội nhập tương đối chậm và chưa mạnh, phong trào Chấn hưng Phật giáo, đưa Phật giáo vào lòng xã hội chỉ thật sự từ năm 1930, trong khi trước đó nhiều chục năm, ý nghĩa của phong trào này đã được thực hiện tại Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ…
2. Sự hội nhập này được thể hiện mạnh mẽ ở trong nước và tạo được những thành quả tốt đẹp từ sau 1981. Tuy vậy sự đóng góp đối với quốc tế còn khiêm tốn. Lý do là chúng ta chỉ nhắm đến các đối tượng người Việt ở các nước ngoài. Các hoạt động hội nhập của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế ở sự việc không thành lập được các Tuệ Tĩnh đường, phòng phát thuốc, phòng khám Đông, Tây y, các cơ sở từ thiện và các cơ sở hoạt động xã hội khác như đã được thực hiện tại Việt Nam.
3. Còn có sự bất đồng quan điểm chính trị của các Phật tử Việt Nam ở hải ngoại, đôi khi đưa đến những quyết định, những hành động quá khích. Nỗ lực đoàn kết chưa được trọn vẹn.
4. Các cơ sở Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại chưa có biện pháp vận động tài chánh để mở mang và để hoằng pháp và để thực hiện các công tác xã hội. Trong khi Giáo hội ta cũng không đủ kinh phí để tài trợ cho các cơ sở ấy.
5. Công cuộc hội nhập có tầm quan trọng nhất ở con người thực hiện. Chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam cần có đạo hạnh, có trí tuệ, có hiểu biết về các vấn đề của thời hiện đại, có các kỹ năng hoằng pháp, biết cách phù hợp với nền văn hóa, chính trị, tập quán của quần chúng. Chúng ta hoằng pháp không phải nhằm mục đích phát triển tín đồ Phật giáo mà nhằm góp phần xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cho các Phật tử.
Thích Nguyên Thành
(*) Tham luận tại Hội thảo khoa học Hoằng pháp hải ngoại “Sứ mệnh Hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa”, Huế, 31/7 đến 1/8/2019
Tài liệu tham khảo:
- Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb Lá Bối, 1966.
- Nhất Hạnh, Đạo Phật ngày nay, Nxb Lá Bối, 1970.
- Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, btgcp.gov.vn.
- HT.Thích Bảo Nghiêm, Tinh thần nhập thế của Phật giáo, giacngo.vn.
- HT.Thích Gia Quang, Phật giáo nhập thế và các vấn đề đương đại ở Việt Nam, thuvienhoasen.org.
- Tài liệu Hội nghị thường niên HĐTS GHPGVN 2018.
- Engaged Buddhism, ecodharm.com.
- Malforde Spiro, Buddhism and Society, University of California Press, 1982.
- Ven. Master Hsing Yun, The Propagation of Buddhism: Unity for Peace, ntu.edu.tw.
- David R. Long, What’s Buddhist about and socially Engaged Buddhism, zen-occidental.net.
- Thích Nguyên Thành | Văn Hóa Phật Giáo Số 326 ngày 1--28019 |Thư Viện Hoa Sen nhập lưu 30-8-2019
- Từ khóa :
- tinh thần
- ,
- nhập thế
- ,
- Phật Giáo Việt Nam
- ,
- hiện đại