- Tưởng Nhớ Thầy
- Cây Cầu Giải Nghiệp
- Đi Tìm Linh Dược
- Tấm Lòng Nghĩa Hiệp
- Tâm Bất Biến
- Dặm Nẻo Đường
- Uống Trà Tri Kỷ
- Vòng Xoáy Cuộc Đời
- Còn Gì Trên Đỉnh Thời Gian
- Ảo Mộng - Trần Gian
- Thân Phận Lá Vàng
- Nỗi Lòng – Hạt Mưa Lake Wales
- Trà Ấm Tình Nồng
- Khúc Nhạc Sầu
- Ai Đã Thầm Lặng?
- Hư Hư – Thật Thật?
- Cội Tùng – Hai Nhánh
- Bầu Trời Bình Yên
- Hồi Chuông - Cảnh Tỉnh?
- Đò Chiều - Lỡ Chuyến (Xe - Metro)
- An Trong - Bất An (Covid – 19)
- Thành Phố - (đìu hiu) Dõi Theo - Covid – 19
- Thiện - Ác & Đại Dịch (Covid – 19)
- Tình Người Trong Cơn Đại Dịch
- Lỗi Người và Lỗi Ta
- Mẹ!
- Về Tác Giả
TUYỂN TẬP VĂN
THÍCH NHUẬN HÙNG
Thư Viện Hoa Sen
Nhà Xuất Bản Ananda Viet Foundation
VÒNG XOÁY CUỘC ĐỜI…!
Khi nhắc đến: “Vòng Xoáy Cuộc Đời…!” Ta liền nhớ đến hằng bao ký ức đã ghi đậm nét trong tâm khảm chúng ta. Nói một cách khác nôm na là “A Lại Da” còn gọi là Tàng thức có nghĩa là cái kho mà danh từ Hán Việt gọi là tàng.
Tất cả mọi chủng tử không phân biệt thiện ác, tốt xấu, (sanh tử và niết bàn), mê - ngộ và khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong Tàng Thức này. A Lại Da thức có khả năng tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến cho đến khi đầy đủ nhân duyên thuần thục chín mùi thì mới được đi tái sanh vào những thế giới thích hợp với căn nghiệp của mình. Tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sinh mà được thọ sanh vào trong lục đạo hoặc sinh về những cõi trời trong những cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Tính chất của A Lại Da thức là (vô phú và vô ký): vô phú là không che giấu, vô ký là không ghi nhận, không ghi nhận theo tôi nên hiểu là không phê phán,không lượng giá. Những chủng tử được sắp xếp nhưng không nằm yên mà tác động lẫn nhau nên gọi là chủng tử sinh chủng tử: (Thí dụ chủng tử ăn trộm tác động nhau khiến càng ngay càng, ăn trộm nhiều hơn; nhưng nếu biết bố thí, giúp đỡ người khác thì chủng tử bố thí này sẽ hóa giải một phần những chủng tử ăn trộm)
Lại nói thêm, A Lại Da thức còn gọi Tàng thức nó chứa nhóm ghi lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời của chúng ta từ lúc hiểu biết thời thơ ấu, cho tới ngày khôn lớn và trưởng thành, sau đó trở thành những bậc cao niên cuối cùng trở về với cát bụi.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi! cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi! cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”
(Trịnh Công Sơn)
Qua quá trình của một đời người không nhất thiết giống nhau, vì lẽ còn nhiều nghiệp duyên khác cũng như số phận, hoàn cảnh…mỗi người đều diễn ra khác nhau cả, không ai giống ai cả, ngay như những người đã từng sinh con đôi, tuy đứa bé trên gương mặt giống nhau như đúc nhưng tánh tình vẫn khác nhau.
Nói một cách khác nếu ai đó, dù trí nhớ không được giữ lâu trong tiềm thức nhưng vẫn còn lưu lại một ít, nhưng trí não cũng có thể nhớ lại những dữ kiện của mình ít nhất là lúc mười tuổi…hoặc mười ba tuổi những hình ảnh ấy khó quên nhất trong cuộc đời của mỗi người, ít ai nhớ quá khứ của mình lúc ba, bốn tuổi cả.
Nói cho cùng cuộc đời của mỗi con người trải qua nhiều biến cố khó quên, từ lúc chào đời cho đến lúc tuổi xế chiều thì trang giấy ấy đã ghi lại quá nhiều kỷ niệm. Chẳng hạng như: buồn, vui, sầu thảm, được mất…vật chất đầy đủ hay là thiếu thốn trên con đường danh vọng địa vị tiền tài, tình yêu, hạnh phúc hay sầu hận gì đó? Từ trên chiến trường hay tình trường, thương trường. Diễn biến “ấy” ghi đầy đủ trong ký ức sâu thẩm của chúng ta. Giáo lý Phật đà trong Duy Thức Học gọi đó là Tàng thức hay là Mạt Na Thức là thức chứa nhóm tất cả dữ liệu của con người và ghi nhận lại…xin hẹn khi khác tôi sẽ chia sẽ cùng quý vị nhiều hơn.
Thuyết nghĩ, đời người chẳng khác nào một quyển hồi ký dày cộm của từng cá nhân tạm gọi là “ vòng xoáy cuộc đời”.
Đúng thế, cuộc đời là một chuỗi ngày dài vô tận khi nó đã đi qua thì không bao giờ sẽ trở lại. Và “nó” cũng không thể nào ngừng lại chờ chúng ta được, sống ở trên đời này ta cũng nên trân quý cuộc sống và cũng đừng để xảy ra những gì mà khi đã đi quá đà, việc làm trái với lương tâm, đến khi thức tỉnh lại thì đã muộn màn và có hối cải cũng vô ích.
Chúng ta cứ thử làm một ví dụ thì sẽ thấy rõ ngay giải đáp liền. Ví dụ ta đang đứng trên một dòng sông hay một thác nước nào đó, đôi mắt ta chăm chú nhìn dòng nước chảy cứ nhìn mãi, nhìn hoài dòng nước ấy lưu chuyển liên tục, chúng cứ chảy mãi và chảy mãi không bao giờ ngừng. Dòng nước đó “nó” cũng sẽ không bao giờ quay lại với chúng ta.
Đúng thế, “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”
Bởi vì, nước không thể ngừng lại mà cứ thế trôi đi, chảy mãi năm này qua tháng nọ. Đời này qua đời khác hao tổn là những tảng đá ấy mà thôi, còn nước thì mãi mãi vẫn là nước. Cho nên có sách câu: “nước chảy đá mòn” ngầm nói lên sự đời là thế đó!
Dòng đời, cũng là dòng xoáy của bao trái tim nồng cháy của chúng ta, ký ức nào rồi cũng phải ghi lại thật sâu và thật đậm, không ai giống ai cả, cho dù hằng triệu người trên thế giới này đi chăng nữa, cũng đều khác nhau cả. Trường hợp nào đó đã xảy ra, nó cũng đều có những nguyên nhân chính đáng cả.
Nói một cách khác theo nghĩa thông thường đó là nghiệp quả của từng người mà ra. Sự khác biệt hẳn hoi vì tiền kiếp của họ đã tạo ra, dẫn đến bây giờ họ phải chịu nhận hậu quả, dù thiện hay ác cũng phải chịu quả báo hiện tiền không thể chối cả. Theo luật nhân quả ai ai cũng biết, chớ không phải do ngẫu nhiên mà ra. Chúng ta không nên chỉ trích ai đó một cách quá đáng trước khi chưa tìm rõ chân tướng của sự việc…!
Tôi còn nhớ rõ cuộc đời của tôi như thế nào thì tôi biết phận của tôi, còn người khác làm sao tôi biết hết được cũng chẳng qua một vài khía cạnh nào đó mà thôi. Nếu cuộc đời này, người này biết rõ cuộc đời người kia thì thế gian này còn gì để nói. Trong sâu thẳm của con người có rất nhiều điều bí ẩn khác nhau, chúng ta không thể nào dùng nhãn quan bình thường của mình, mà nhìn thấu được tim can người khác. Ngoài trừ những bậc tu hành khi họ đã chứng được “thiên nhãn thông” cũng như “thiên nhỉ thông” điều bất khả tư nghì. Người xưa có câu:
“Tri nhân, tri diện bất tri tâm”
(Nhìn người, nhìn mặt chớ không thể nhìn vào tâm được).
Chúng ta có thói quen thường hay nhìn người qua vẻ bề ngoài mà đánh giá một cách hờ hững, có những lúc họ rất tốt với ta bề ngoài nhưng sâu thẳm tận đáy lòng, họ sẽ hại ta lúc nào mà ta chẳng hay biết. Nhất là kẻ đa nghi họ thường hay có dùng thủ đoạn bỉ ổi lắm, ai ai có thể hay biết được họ sẽ làm gì? Còn có rất là nhiều hạng người khác nữa không tiện kể ra.
Một khi ai đó có tâm trạng buồn thảm họ thường hay lộ dạng trên gương mặt, nhưng cũng có người cố gắng dấu đi những nỗi ưu phiền đó bằng cách vẫn vui, vẫn tươi như không có việc gì xảy ra. Nhưng tâm họ rất ưu buồn, phiền não...Họ chỉ muốn gói trọn cuộc đời vào trong tâm khảm. Bởi vậy, có nhiều người thường hay bị bệnh ung thư mà bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân là họ đang vướn bệnh gì?
Nói một cách khác theo phương diện của đạo Phật, chúng ta cũng có thể biết hạng người bị “tâm bệnh” thì cần có “tâm dược” mới chữa được bệnh. Còn không thì sẽ chết mòn - chết dần theo năm tháng, bác sĩ giỏi cũng đành phải bó tay khi không tìm ra nguồn gốc của bệnh. Cuối cùng cũng trở về với cát bụi, chẳng ai hiểu đã phải mắc bệnh gì mà đoản mạng như thế? Thật là tội nghiệp vô cùng cho một kiếp người. Chết không biết đi về đâu?
Đúng thế, nếu hiểu được như vậy thì xã hội này ít người bị đè bẹp, bởi cũng từ cái “ta” và cái “của ta” mà ra. Đứng trên bình diện khác mà phân tích thì ta sẽ rõ: “Đừng trách cuộc đời không rộng bao la, mà tự trách lòng ta, không rộng lượng quảng đại cho ra, chỉ biết khư khư đem “nó” vào mà chẳng cho “nó” ra”.
Thật đúng, đời không cho ai tất cả, bởi vì chúng ta không cho đời tất cả. Bởi vậy, chấp nhận thương đau đừng hỏi tại sao? Có đau khổ thì mới hiểu được vị đắng của cuộc đời. Đời không phải màu hồng mãi mãi với chúng ta đâu? Đạo bây giờ cũng thế! Xã hội càng văn minh chừng nào, thì đạo đức càng suy tồi bấy nhiêu, đã đi vào đạo rồi có lắm lúc còn chua chát hơn cả thế gian nữa.
Chúng ta cứ thử nhìn xem, ngày ngày xảy ra bao nhiêu việc từ cửa thiền môn quý vị cũng đã thấy rồi, chỉ cần “một con sâu làm rầu nồi canh” những dự kiện đó do đâu mà ra. Có phải chăng là lòng người còn đầy dẫy “tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến”. Nếu không ngăn ngừa thì sẽ xảy ra liền liền. Thời buổi này cơm, áo, gạo, tiền, làm sao tránh cho khỏi được những việc làm bất lương. Dưới danh nghĩa này cũng như danh nghĩa kia, tạo không biết bao nhiêu việc thất nhân tâm…!
Nếu chúng ta biết tu tập theo giáo pháp của đức Phật mà thực hiện được tâm tốt như là: “Từ bi, hỷ xả” cho tường tận thì hạnh phúc cũng do chính ta tạo ra, bằng như không làm được chỉ chạy theo thói đời tham đắm dục vọng thì (khổ vẫn hườn khổ…)Trong giáo lý Phật đà có câu:
“Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhơn thân Phật diệt độ
Áo não tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân”
(Huyền Trang)
(Thuở xưa đức Phật còn tại thế, con còn trầm luân nơi nao, nay được làm người thì kim thân của đức Như Lai đã diệt độ…)
Đúng vậy, chuỗi ngày vẫn là chuỗi ngày, quá khứ vẫn là quá khứ, nếu ai đó có quá khứ tốt đẹp thì cuộc đời mình luôn luôn được an lành, còn như quá khứ đã tạo quá nhiều ác nghiệp, dù có che đậy đến đâu thì cũng không qua khỏi, “lưới trời lồng lộng…!” Trong kinh có câu:
“Quá khứ không truy tầm, tương lai không hứa hẹn, hiện tại chính là đây”.
Chúng ta đang sống với hiện tại thì phải sáng suốt phải có trí tuệ phân biệt “đâu là thiện - đâu là bất thiện.” Tâm chúng ta luôn hướng thiện và phải làm việc thiện thì không cần bận tâm chi cả.
Tóm lại, quá khứ của ai thì người đó tự biết, chuỗi ngày trôi qua cũng là bài học đáng giá ngàn vàng cho mỗi cá nhân. Buồn vui, đắc thất, chẳng qua cũng là “vòng xoáy cuộc đời” nằm trọn trong mỗi bản thể con người. Chính xác hơn người nào tạo nghiệp gì, thì người ấy phải gánh chịu nghiệp nấy, không thể đổ lỗi cho người khác, hay tìm cách trốn chạy. Đó không xứng đáng là người có mặt trên trái đất này. Dù có sống ở trên đời này phẩm chất tư cách cũng thấp hơn các loài chúng sinh khác. Nhân quả nhãn tiền không thể trốn tránh được.
FL, ngày 10-9-2019
Nhuận Hùng