Chương Bảy: Thiền Phái Lâm Tế

29/05/20214:44 SA(Xem: 1686)
Chương Bảy: Thiền Phái Lâm Tế
Như Hùng
TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Văn Học Phật Việt 2020 | Thư Viện Hoa Sen 2021

Chương Bảy

 THIỀN PHÁI LÂM TẾ

 

1. NHỮNG THIỀN SƯ NỔI BẬT TRONG THIỀN PHÁI

 

Sự có mặt của thiền phái Lâm TếViệt Nam đầu tiên là do thiền sư Thiên Phong sang tham cứu học tập và truyền vào ở thế kỷ thứ 13. Nhưng mãi về sau có thêm một số cao tăng từ Trung Hoa sang hành đạo, thiền phái Lâm Tế mới thật sự bành trướng mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu đậm cho đến ngày hôm nay.

 

Thiền Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867) một trong những thiền sư vĩ đại của Trung Hoa, tiếng hét được kể như tuyệt kỷ Ngài thường sử dụng để khai thị. Kẻ nào nghe phải đầu óc như vỡ tung ra, máu trong huyết quản như ngưng đọng lại. Nhưng một khi nhận chân bắt kịp lập tức bay bổng ra ngoài càn khôn thể nhập trong vô cùng. Đây là phương pháp gây tác động cực mạnh một thứ kỷ thuật chứa đầy uy lực, nhằm đánh thức nội tâm của hành giả bằng năng lực tương tác khủng khiếp. Từ đó để rồi chính họ ngay lập tức thấy được sự linh hiện đang ẩn chứa, nhận ra chân lý nhiệm mầu cấp thời của thiền đang phủ vây lan tỏa. Với thiền là phải thường sống trong sự tỉnh thức, đối diện trực tiếp với bản thể như thật, xúc tác vào tận cùng nguyên lý châm ngòi cho giác ngộ bừng dậy, vén mở thực tại hiện tiền. Ngoài những tác động đột khởi chớp nhoáng, thì sẽ không có sự bùng lên cấp thời nào đến từ bên ngoài hoặc do bên ngoài xô đẩy mang lại. Nếu không có sự hỗ tương quật khởi truy đuổi đến cùng đường bí lối, đánh động mạnh bạo trực tiếp vào chính nội tâm của hành giả. Sự quật khởi nội tại không đơn giản, nếu không nhờ những biểu thị linh hiện tạo thành sức ép lực đẩy đè mạnh tác động, thì khó có cơ may trở mình thức dậy.

 

Trong lịch sử thiền Trung Hoa có hai vị thiền sư thường sử dụng đến tiếng hét tiếng quát để khai thị, nổi danh nhất là Vân Môn Văn Yển (? - 949) và Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867) Vân Môn thì quát (Quan) còn Lâm Tế thì hét (Ha). Thông thường, lối biện luận giải thích dông dài mà ta hay bắt gặp đâu đó, phần nhiều đến từ kho tàng tri thức một dạng cảm tính đột biến chủ động. Do bám chặt và y cứ vào kinh viện tư tưởng của cổ đức để lý luận biện giải, nhưng chưa kịp tư duy thẩm định chưa xuyên qua quá trình chuyển hóa của trí tuệ chứng nghiệm. Với Thiền đó là một thứ sở tri chướng ngăn ngại phong tỏa chặng đường tìm thấy ánh sáng của giác ngộ. Muốn đạt được sự giác ngộ, trông thấy rõ ràng thật tướng của các pháp nhận biết được tự tánh, điều cần nhất là phải loại trừ sở tri lầm chấp dính mắc, vượt thoát ra khỏi mọi phạm trù sai biệt do ý thức rong ruổi chủ động sai khiến. Những gì tạo nên sự chướng ngại chướng duyên trì trệ, đều phải triệt tiêu thanh lọc chuyển hóa. Bởi tiến trình để khai mở năng lực giác ngộ, càng không có nghĩa ta chọn lấy giải pháp, y cứ bám víu viện dẫn nương nhờ từ bỏ trốn chạy. Nếu không nỗ lực tinh cần khơi mở nguồn tuệ giác, phá vỡ giai tầng biên kiến nhị nguyên, thì sẽ không trông thấy được ngọn ngành mọi sự. Nếu vậy, khi đối diện với Tổ chắc chắn ta bị phất trần đánh tới tấp, tiếng quát tiếng hét đồng loạt dồn dập cất lên, đẩy bung ta xuống vực sâu muôn trượng. Ta phải vận dụng tất cả hùng lực bi lực hạnh lực cùng năng lực sẵn có ở nội tại, liên tục quán chiếu tư duy nhập vào uyên nguyên bản thể, đẩy lùi vô minh tăm tối chuyển hóa phiền não si mê đau khổ, tạo mọi thắng duyên cơ hội để cho tự tánh giác ngộ bùng vỡ thức dậy.

Nội lực đủ đầy cùng với năng lực tu tập mở lối, càng khiến cho hiệu năng của tiếng hét tiếng quát mang một âm hưởng vi diệu, sức mạnh kinh khiếp bay hồn bạt vía, cuốn tròn xoáy thẳng công phá vào tận cùng mục tiêu. Tựa như cơn lốc cuồng phong cuốn hút ầm ỉ, như trái banh thần tốc bay thẳng vào lưới với sức mạnh kinh hồn của người đá, khó mà chống đỡ níu kéo ôm giữ. Thán từ đó, tiếng hét kinh thiên động địa xé nát không gian ủi sập thời gian đó, đốt cháy bao chướng ngại phá vỡ bao mục tiêu, tạo nên tâm chấn liên tục, âm vang tận cùng mạnh nhanh dồn dập đẩy ta bay bỗng ra ngoài thâu tóm càn khôn. Cứ thế công phá mọi thành trì ngăn ngại, đẩy nhào mọi chấp trước, quét sạch mọi trì trệ ứ đọng.

 

Tổ Lâm Tế, sử dụng âm pháp tiếng hét một cách đắc dụng và có hiệu năng thâm sâu nhất, xuất hiện đúng thời đúng lúc đúng người đúng đối tượng. Nhờ vậy tông Lâm Tế tạo nên một khuôn mặt khác lạ, một làn sóng pháp âm phi thường trong thiền sử, dù điều đó có vẻ quái đản lạnh lùng thô bạo. Nhưng cũng từ đó và nhờ đó Lâm Tế Tông mang màu sắc đặc thù khác hẳn với những tông phái khác. Những lời thiền ngữ pháp ngữ của Tổ cũng có công năng tương tự như tiếng hét, khủng khiếp mạnh bạo cô đọng lôi cuốn, thúc ép bén nhọn và cách mạng triệt để. Khiến cho người tiếp nhận chấn động cả hệ thần kinh, bị đẩy bung lên cao hoang mang bí lối chơi vơi giữa tầng không hụt hẫng, không có nơi trụ bám không còn cách gì phương nào chổ nào để chống đỡ trú ẩn dựa mong.

 

Tất cả những phương tiện mà Tổ Lâm Tế sử dụng đều trở nên thiện xảo diệu dụngcần thiết, nhằm đối trị lại sự giả tạo lầm chấp đang tràn ngập ở trong ta, những tác hại lừa đảo ru ngủ mê mờ của tâm thức. Đẩy lùi những chướng ngại điên đảo đau khổ phủ vây ngày đêm quấn chặt cuốn hút, vô minh tăm tối tác yêu tác quái liên tục nhấn chìm đày đọa. Cuộc cách mạng vĩ đại của tổ Lâm Tế, còn nhằm quật dậy dựng đứng phơi bày đặt lại mọi vấn đề, trực diện với cái hiện thực một cách rõ ràng minh bạch rốt ráo. Dù điều đó có là phũ phàng nhức nhối, có nhíu mày khó chịu trốn chạy phương nào, nhưng xuyên qua từng lời từng pháp ngữ của tổ Lâm Tế, tất cả bỗng vỡ ra nát tan từng mảnh vụn, đốt cháy mọi thành trì dập tắt mọi nguồn cơn toan tính, không có chỗ đứng cho căn cơ chậm lụt trí lu mờ vô minh phong tỏa. Từng mảnh vỡ vụn đó, cứ thế tiếp tục nổ tung tan chảy, cho đến khi nào bắt hết tướng trạng âm thanh ngôn từ. Lúc đó mới thật sự tìm thấy sinh lộ chân trời mới lạ, chứa đựng cả sự thâm sâu vi diệu không cùng, lắng đọng trùng khắp.

 

Ta thử đọc vài đoạn dưới đây để thấy Tổ Lâm Tế lột trần tất cả những lớp phấn son trang phết giả tạo, những ru ngủ mê hoặc đã từng tồn đọng trong ta. “Ngoài không giữ phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt không có chút nghi lầm”. Phơi bày một cách trần trụi nguyên vẹn, từ vô thủy đến vô chung bản nguyên tự tánh vẫn y nguyên như thế. Một khi có được năng lực nhiệm mầu tỉnh thức đủ đầy trọn vẹn, cũng là lúc vén mây cởi trói mở tung cánh cửa muôn lối càn khôn, niệm niệm thường thanh tịnh, thì pháp thân ứng thân hóa thân là “chỗ về nhà” lúc nào cũng hiện hữu từng phút từng giây trong mỗi chúng ta.

 

“Chư Đại đức, ba cõi không an như trong nhà lửa, đây không phải là chỗ các vị ở lâu. Quỷ vô thường trong khoảnh khắc không chọn lựa người già trẻ quý tiện. Quý vị muốn cùng Phật, Tổ không khác, là chỉ chớ hướng ngoại mà tìm cầu. Trên một tâm niệm thanh tịnh sáng suốtPháp thân Phật ở tại nhà quí vị. Trên một tâm niệm sáng suốt không phân biệtbáo thân Phật ở tại nhà quí vị. Trên một tâm sáng suốt không sai biệthóa thân Phật ở tại nhà quí vị. Ba loại thân này, là người nghe pháptrước mắt quý vị hiện nay. Chỉ vì không hướng bên ngoài dong ruổi tìm cầu nên có công dụng này. Cứ vào các nhà kinh luận thì họ nắm giữ ba loại thân làm cực tắc, còn chỗ thấy của sơn tăng thì không như thế: Ba loại thân này là danh ngôn, cũng là ba loại nương tựa. Người xưa nói: “Thân nương nơi nghĩa mà thành lập; cõi y cứ nơi thể mà luận. Pháp tánh độ biết rõ là quang ảnh”. Chư đại đức, các vị nên biết người mà hay nắm giữ và đùa bỡn quang ảnh, đó là bản nguyện của chư Phật. Tất cả chỗ là chỗ về nhà. Sắc thân tứ đại của các vị chẳng biết nói pháp và nghe pháp; gan ruột phèo phổi chẳng biết nói pháp; hư không chẳng biết nói pháp và nghe pháp, như vậy cái gì biết nói pháp và nghe pháp? Cái mà rõ ràng riêng sáng ở trước mắt quý vị và cũng chớ phân tích nó, đấy là cái biết nói pháp và nghe pháp. Nếu thấy được như vậy là cùng với Phật, Tổ không khác. Chỉ trong tất cả thời gian đều không gián đoạn, chạm mắt đều phải. Chỉ vì tình sanh nên trí cách, tư tưởng biến khởi nên thành sai khác, vì vậy nên phải luân hồi trong ba cõi, chịu muôn ngàn thống khổ. Nếu ước về chỗ thấy của sơn tăng thì đâu không sâu xa, không giải thoát?

Này chư huynh đệ, tâm pháp vô hình thông suốt mười phương, nơi mắt gọi rằng thấy, nơi tai gọi rằng nghe, ở mũi ngửi mùi, ở miệng đàm luận, nơi tay nắm bắt, nơi chân chạy nhảy, gốc từ một tinh minh sanh làm sáu công dụng. Một tâm đã không, tùy chỗ giải thoát. Sơn tăng nói thế ấy? Ý tại chỗ nào? Chỉ vì chư huynh đệ để tâm rong ruổi tìm cầu, tất không thể khô kiệt trên cảnh quen thuộc của người xưa.

Nầy chư huynh đệ, nhằm vào chỗ thấy của sơn tăng, ngồi chặt đầu báo, hóa thân Phật. Thập địa mãn tâm như người khách; Đẳng giác, Diệu giác như kẻ mang gông; La hán, Bích chi như đồ xí uế; Bồ đề, Niết bàn như cọc cột lừa. Tại sao như thế? Tại vì chư huynh đệ không đạt được ba kỳ kiếp là không, cho nên có sự chướng ngại này. Nếu là bậc đạo nhơn chơn chánh thì không như vậy. Chỉ hay hồn nhiên tiêu mòn những nghiệp cũ, mặc tình mặc áo xiêm, cần đi thì đi, cần ngồi thì ngồi, không một niệm mong cầu Phật quả. Do đâu mà nói như thế? Người xưa nói:

“Nếu muốn mong cầu Phật, thì Phật là điềm lớn sanh tử ”.

Chư Đại đức, thời giờ đáng tiếc, chỉ toan bôn ba chạy nhà bên học thiền học đạo, nhận danh nhận cú, cầu Phật cầu Tổ, cầu thiện tri thức cứu độ! Chớ lầm!

Chư huynh đệ, các vị chỉ có một cha mẹ lại cầu vật gì? Các vị hãy tự phản chiếu lại coi. Người xưa nói: “Diễn Nhã Đạt Đa mất đầu” chỉ chỗ khô kiệt của tâm tức là vô sự.

Chư Đại đức, lúc bình thường chớ làm dáng. Có một bọn thầy tu chẳng biết tốt xấu, thấy thần, thấy quỷ, chỉ đông, vẽ tây, thích mưa, thích tạnh, những bọn này phải trả nợ đã vay, trước Diêm chúa uống hoàn sắc nóng có ngày. Những người nam kẻ nữ bị bọn dã hồ tinh mị này vướng phải liền thành kẻ tác quái, làm kẻ đui mù ăn xin có ngày!

Sư dạy chúng:

Chư huynh đệ! Điều cần yếu là quý vị giữ được “Kiến giải chơn chánh”. Được như vậy mới hướng về thiên hạ mà hoành hành và khỏi bị bọn tinh mị ấy hoặc loạn . Vô sự là người quý, chớ tạo tác, chỉ bình thường. Các vị toan hướng ngoại, nương vào nhà bên cầu chỉ lỗi, tìm tay chân. Lầm lỗi rồi! Các vị chỉ muốn cầu Phật ư? Phật là danh cú các vị muốn chạy đi tìm không? Chư Phật chư Tổ trong mười phương ba đời cũng chỉ là cầu pháp. Như sự tham học của các huynh đệ hôm nay cũng chỉ là cầu pháp, đắc pháp mới thôi. Nếu chưa đắc pháp thì y như trước luân hồi trong ngũ đạo.

Thế nào là pháp? Pháp là tâm pháp. Tâm pháp thì vô hình thông suốt mười phương, biểu hiện ra công dụngtrước mắt, người thường tin không tới, nên mới nhận danh, nhận cú, hướng vào văn tự cầu Phật pháp trong sự suy tính đo lường, thật cách xa trời đất. Chư huynh đệ! Sơn tăng nói pháp là nói pháp tâm địa. Người ngộ pháp này liền hay vào phàm vào thánh, vào tịnh vào uế, vào chơn vào tục. Điều cốt yếu là các vị chẳng phải chơn tục phàm thánh, mà hay cùng tất cả chơn tục phàm thánh lập danh. Chơn tục phàm thánh cùng với người này lập danh không được. Chư huynh đệ! Nắm được liền dùng chớ đừng dính mắc vào danh tự. Đấy gọi là huyền chỉ. Sự thuyết pháp của Sơn tăng rất khác với người trong thiên hạ. Giả như có Ngài Văn Thù, Phổ Hiền xuất hiện ngay trước mặt, mỗi vị hiện mỗi thân đến hỏi pháp, vừa nói: Thưa Hòa thượng. Ta liền hiểu rồi. Lão tăng vừa ngồi yên, lúc ấyhuynh đệ nào đến tương kiến ta đều rõ cả. Tại sao thế? Tại vì chỗ thấy của ta rất khác biệt, ngoài không giữ phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt không có chút nghi lầm.

Sư dạy chúng:

Chư huynh đệ! Phật pháp không có chỗ dụng công, chỉ là bình thường vô sự, đi tiểu, đi đại, mặc áo ăn cơm, mệt thì nằm. Kẻ ngu thấy vậy cười ta, kẻ trí thấy vậy biết ta. Người xưa nói: “Những kẻ hướng ngoại hành công phu đều là bọn ngu si”. Quý vị hãy tùy trường hợp mà làm chủ, liền đó thành chơn, cảnh đến lay chuyển chẳng được. Dù cho có tập khí hay năm nghiệp vô gián từ trước tự nó thành biển cả giải thoát. Kẻ học đạo thời nay đều không biết pháp, giống như con dê khi có vật chạm mũi là đớp vào miệng (chớ không phân biệt), tớ thầy chẳng phân, chủ khách không biện. Bọn người như vậy là mang tà tâm nhập đạo, dù bôn ba khắp nơi cũng không vào được, gọi là người chơn xuất gia, chớ thật là chơn tục gia. Quý vị cần phải biện biệt được “bình thường kiến giải chơn chánh”; phải phân biệt được Phật ma, chơn ngụy, phàm thánh. Nếu biện biệt được như vậy mới gọi là người xuất gia chơn chánh. Nếu ma Phật chẳng phân, chính là ra nhà này vào nhà kia, gọi là chúng sanh tạo nghiệp, chớ chưa được gọi là chơn xuất gia. Giả như bây giờ có Phật và ma lẫn lộn đồng thể chẳng phân, giống như sự hòa hợp của nước và sữa, chỉ có con ngỗng chúa uống được sữa mà thôi. Đối với hàng đạo nhơn mắt sáng thì ma Phật đều đánh. Các vị nếu mến thánh ghét phàm thì sẽ nổi chìm trong biển sanh tử”.

Chừng đó cũng đủ để ta thấy pháp âm những lời dạy bảo của Tổ Lâm Tế dứt khoát rõ ràng minh bạch, không hề do dự nhân nhượng. Những vén mở lật ngược đặt lại vấn đề một cách thẳng thừng toàn triệt của Tổ, nhằm đẩy ánh sáng giác ngộ bằng sự phá vỡ tuyệt đối những thường tình dính mắt, xóa nhòa quét sạch mọi nghi ngờ lầm chấp trong mỗi chúng ta.

 

Không những ở Trung Hoa thiền phái Lâm Tế phát triển lớn mạnh mà ở Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn...cũng không kém. Bằng chứng là ngày hôm nay nhân loại vẫn còn tiếp nhận ánh sáng tâm linh siêu việt của thiền Lâm Tế. Ở Hoa Kỳ chính nhờ thiền sư Soyen Shaku và môn đệ của ông là D.T Suzuki. Sự ảnh hưởng của Lâm Tế còn bao trùm trên các thiền viện và những đại học đường nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Những nhà tư tưởng, học giả vĩ đại của Tây Phương cũng hấp thụ một phần nào tư tưởng thiền học của Lâm Tế. Và dĩ nhiên không phải ai cũng đồng thuận về những phương cách hành xử và một số những pháp ngữ của Lâm Tế.

 

Sự có mặt của những thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế khi sang hành đạo tại Việt Nam, đều mang theo hành trang pháp ngữ và tiếng hét vi diệu của Tổ, tác động phủ trùm lên tâm thức con người trong việc giáo hóa chuyển mê khai ngộ. Mấy thế kỷ đã trôi qua lời thiền ngữ năm xưa vẫn luôn ngời sáng, vượt thời không dẫn đường soi lối vươn cao tỏ rạng muôn nơi, hoàn thành sứ mạng giải thoát cao cả, đưa người thoát khỏi mộng huyễn tử sinh về với giác ngộ thường hằng.

 

* Thiền sư Minh Lương (? - 1675) một vị cao tăng Việt Nam sống ở thế kỷ thứ 17 thuộc đời pháp thứ 35 Tông Lâm Tế, một hôm thưa hỏi Hòa Thượng Chuyết Công:

- “Khi sanh tử đến phải làm sao trốn tránh?

Hòa Thượng Chuyết Công đáp:

- Chọn lấy nơi không sanh tử trốn tránh.

Sư hỏi:

- Thế nào là nơi không sanh tử?

Hòa thượng Chuyết Công đáp:

- Ở trong sanh tử nhận lấy mới được.

Nghe nói thế Sư vẫn chưa ngộ. Ngài Chuyết Công bảo:

- Hãy lui đi đợi chiều hãy đến.

y hẹn, chiều lại vào phương trượng

Chuyết Công Hòa thượng lại bảo:

- Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi minh chứng.

Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, sụp xuống lạy. Chuyết Công hứa khảtruyền tâm ấn cho.

 

Sanh tử, một trong những chặng đường ai trong chúng ta rồi cũng phải lần lượt bước qua, và đó cũng là vấn đề trăn trở khiến cho con người run sợ hãi hùng khi phải đối diện. Có sanh ắt có tử có đến thì phải ra đi, không một ai chúng sanh nào ngoại lệ, vì đó chính là quy luật tự nhiên hiển nhiên, như thật tánh tướng của các pháp vốn dĩ như thế. Việc sinh tử rõ ràng là vậy, có bàn cải trốn chạy vẫn không thay đổi được, thật ra chúng ta sống ra sao mới là vấn đề đáng nói sống như thế nào mới là điều cần bàn. Một con người sống với nỗi khổ niềm đau, bất an lo sợ thường xuyên hành hạ, sống với tính cách tâm cảnh hỗn loạn như vậy thì sự sống đó con người đó sẽ ra sao như thế nào? Có phải tự mình đặt mình vào vị thế lững lơ, sống cũng không được chết cũng chẳng xong, có khác nào ta đang sống trong cảnh tử, sống mà như chết, chết dần chết mòn trong mịt mờ hoang lạnh, tái tê run rẩy đau khổ thi nhau thấm vào hồn bám vào tim ngất ngư đau đớn. Sống lạc loài vất vưởng mang một trời khổ lụy, không tìm thấy đâu là hạnh phúc bình an, không nhận chân ra vô thường biến đổi, không thấy rõ bản chất như thật của từng vấn đề? Vậy thì, đâu là nơi không có sinh tử để ta có thể trốn tránh như lời Hòa Thượng Chuyết Công đề cập “chọn lấy nơi không sinh tử trốn tránh”?

 

Tâm cảnh nỗi niềm của con người đang sống trong thế giới hôm nay, là những lo sợ bất an thống khổ phủ vây, từng nỗi tang thương rách nát chết chóc thường xuyên báo động, luôn đặt mình trong hố thẳm của chiến tranh, thù hận, tù đày đói khổ bệnh tật. Sự phá sản của ý thức hệ, sự sụp đổ của thần tượng, mất phương hướng trong tư duy hành động, niềm tin tan vỡ vào đấng quyền năng tối cao, những lừa dối ru ngủ tai hại. Đâu đó trở thành vấn nạn khủng khiếp, đâu đó đang cướp mất phá tan làm băng hoại huỷ diệt những giá trị đạo đức cao quý, phá sản tê liệt tự do nhân quyền căn bản, nhiễm ô nặng nề con người tâm thức.

 

Những hối hả chạy xốc vào thời gian lao mình nhào tới níu kéo, tranh giành hơn thua kiếm ăn kiếm sống, mưu sinh lường gạt gian dối mánh mung tranh quyền đoạt lợi, trở thành một thứ bản năngtính cách sống của ta. Sự có mặt thường trực của khổ đau, sự đối diện lầm than cơ cực kinh khủng đó, sinh tử vô thường luôn phiên tác động, có khiến cho ta giật mình thức tỉnh, tìm phương định hướng, tự mình nỗ lực tìm thấy sự bình an đích thực, bình minh tươi đẹp cho cuộc sống hôm nay?

 

Đâu là điểm dừng trong cõi mịt mùng luân hồi lữ thứ, tìm chút ánh sáng soi đường trong vô minh tăm tối, đâu là ý nghĩa chung cuộc giá trị đích thực của sự sống, cuộc rong chơi kỳ bí với sinh tử hư vô? Đâu và nơi đâu, bình minh thơ mộng an yên trong nỗi thống khổ vây quanh, sự trân trọng biết ơn cuộc đời đã cưu mang nuôi dưỡng? Có phải bây giờ ta mới bắt đầu lục soát tìm tòi trong ký ức, về một quá khứ huy hoàng một thời oanh liệt một dạo giàu sang, khắc mỉm cười thỏa mãn sự trỗi dậy của bản ngã cái tôi to lớn? Chạy theo những phát hoạ mê mờ ru ngủ của những chủ thuyết đang từ từ giãy chết cùng chung số phận với con người nghiệt ngã. Một sự tức tưởi trên từng thân phận sự phá sản tận cùng của tâm linh, sự văn minh đi tới của vật chất, sự cùng quẫn tái tê tiến thối lưỡng nan của mê lộ tâm thức?

Tất cả đó, sanh tử biệt ly sống chết là việc lớn, khổ đau hành hạ, những vấn đề hệ trọng đó đang lôi xốc con người đi vòng ngược, suy nghĩ hành xử nghịch lại, hoàn toàn thiếu vắng sự tỉnh thức, tự mình nhảy xuống hố thẳm đen tối ngút ngàn thống khổ? Tìm nơi đâu, bằng lối nào cách nào để khai thông sinh lộ, tìm thấy ánh sáng thật sự cho tâm hồn, tìm ra ý nghĩa đích thật của sanh tử, không còn lo sợ bị vô thường tước đoạt? Hai chữ sinh tử trong ý nghĩa của giác ngộ giải thoát như thế nào? Câu trả lời rõ ràng của Hòa Thượng Chuyết CôngỞ trong sanh tử nhận lấy mới được”. Ta đang ở trong sanh tử ta đang trực diện với nó đêm ngày, và đó cũng là lời giải đáp hết sức minh bạch trực tiếp vào chính cái hiện tượng tâm cảnh con người thường xuyên phải đối diện. Chỉ có ở trong đó và từ nơi đó ta mới nhận biết chiêm nghiệm, mới tìm phương tìm lối thoát ra mới hiểu thấu ý nghĩa rốt ráo của điều tự nhiên. Đối với những bậc giác ngộ, những hành giả đang đi trên con đường giải thoát, thì chẳng có gì để phải bận tâm lo sợ bất an. Bởi sinh tử là việc hết sức bình thường, điều tự nhiên tất nhiên quy luật bình đẳng tất yếu vốn như vậy.

 

Trong sự chừng mực nào đó, để phá vỡ mọi lầm tưởng định kiến ngăn ngại một cách rốt ráo, là phải tìm thấy ý nghĩa chung cuộc của sanh tử khổ đau, để được hằng sống trong bản thể của giác ngộ. Bởi lẽ, tận cùng khổ đau mới nung nấu trong ta định lực thoát khổ, ở đó còn là sự trải nghiệm quý báu chất liệu dưỡng nuôi để tìm phương thoát khổ chuyển hóa khổ. Hơn nữa điều hết sức rõ ràng là không có sự hạnh phúc nào không đánh đổi khổ đau mới có được, trãi nghiệm đủ đầy bốn chân lý vi diệu của khổ thì mới thoát khỏi.

 

Tìm đến ý nghĩa của giải thoáthạnh phúc đích thật, chắc chắn không thể phó mặc cho may rủi, cầu xin ban bố lạy lục nhờ vả, lại càng không thể cứ mãi để cho tham sân si vô minh điều khiển lũng đoạn. Sự liên tục vong ngoại hướng ngoại, chạy theo trào lưu ồn ào xách động chạy nhảy lăng xăng, càng khiến cho ta mịt mờ cuốn hút chôn mình trong ấy, không tìm thấy lối để thoát ra không tìm thấy sinh lộ để gửi gắm thân tâm. Đêm ngày trôi lăn trong giả tạm não phiền, lặn hụp vẫy vùng trong những giấc mơ hoang tưởng không bao giờ dứt ra được. Con đường để hoàn thành sự nghiệp giác ngộ, là phải trở về với cái tâm ban đầu về với chân như tự tánh, về với vô sanh bất diệt, trở về bản thể vắng lặng tuyệt vời của giác ngộ. Trở về trú ngụ nơi nội tâm tỉnh thức an lành, nơi dung chứa những gì cao đẹp không khởi đi từ lo sợ đau khổ, một sự bình thản đón nhận hoan hỷ mỉm cười bằng lòng với tất cả.

 

Trong ý nghĩa vượt thoát, sự tương phản với khổ đau là hạnh phúc, tương phản với niết bànsanh tử phiền não tức bồ đề. Sự quyết định chung cuộc giữa sống và chết sinh tử niết bàn hạnh phúc khổ đau, để tìm ra một khuôn mặt đích thực bản lai diện mục trần trụi nguyên vẹn, là cả một tiến trình tư duy chiêm nghiệm tỉnh thức thường soi tỏ. Để có thể nhận biết được ý nghĩa cùng tuyệt vi diệu, chỉ có chính ta tự mình đốt đuốc soi đường tự mình trải nghiệm nhận rõ một cách trọn vẹn. Điều cần và quan trọng nhất là phải vận dụng đến năng lực tuệ giác của chính mình, một sự tỉnh thức quán chiếu thường nghiệm trong tất cả tư duy và hành động. Bằng vào công hạnh giải thoát cao cả với sự nhiệt tâm quyết lòng, ta mới đủ thẩm quyền giải quyết những bế tắc khủng hoảng lo sợ bất an, tìm thấy ý nghĩa chung cuộc của sanh tử niết bàn.

 

Vì thế, sự an lạc hạnh phúc đích thật chỉ có giá trị thật sự trong ý nghĩa thấu hiểu nhìn nhận, chiêm nghiệm tận hưởng một cách rốt ráo bản chất như thật của sanh tử khổ đau trong sự hoan hỷ cùng tuyệt. Phải làm một cuộc cách mạng toàn triệt, chuyển hóa phiền não giải quyết tận cùng rốt ráo việc hệ trọng của sanh tử. Dốc sức san bằng ủi sập phá nhào những ngăn ngại, đừng trụ bám vào nơi đâu, dù đó niết bàn sanh tử khổ đau hạnh phúc. Chỉ có sự thoát ly rốt ráo ra ngoài mọi xiềng xích trói buộc, ta mới thấy rõ được giá trị của từng vấn đề, và rằng sự thật của những cái mà ta cho là thật, bỗng như huyễn như sương trên đầu ngọn cỏ. Đó không còn là điều ngăn trở cách biệt xa xôi vạn dặm sơn khê, ngược lại rất gần ta có thể tìm thấy nơi nội tâm ngay từ bây giờ, ở tại nơi đây từ nơi cuộc đời triền phược biến động khổ đau này. Và cũng chính từ nơi đây con người này, ta mới có sự giải thoát cần đến giải thoáttìm thấy giải thoát.

 

Có phải đó là điều Hòa Thượng Chuyết Công muốn nhắn bảo với thiền sư Minh Lương? Rõ ràng, chỉ có chính ta mới đủ thẩm quyền trả lờitìm ra đáp án, chỉ có chính ta mới đủ năng lực tìm về trú ngụ nơi sinh tử không thể đụng đến được. Trước khi thị tịch thiền sư Minh Lương đã truyền pháp lại cho Chân Nguyên thiền sư và nói kệ rằng:

Ngọc quý ẩn trong đá

Hoa sen mọc từ bùn

Nên biết chỗ sanh tử

Ngộ vốn triệt bồ đề”

Thiền sư Thích Thanh Từ dịch

(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ư nê

Tu tri sanh từ xứ

Ngộ thị tức bồ đề).

 

2. Những bước chân hoằng hóa của các Thiền sư Trung Hoa mang thiền Lâm Tế vào Việt Nam truyền bá ở miền Trung (Đàng Trong) gồm những vị như:

 

- Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị

- Thiền sư Minh Hoằng khai sơn chùa Án Độ, Thuận Hóa

- Thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ, Thuận Hóa

- Thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm, Thuận Hóa

- Thiền sư Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam

- Thiền sư Pháp Hoa khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi

- Thiền sư Tế Viên Khai sơn chùa Hội Tông, Phú Yên

- Thiền sư Nguyên Thiều, khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định và các chùa như Quốc Ấn, Hà TrungThuận Hóa.

- Thiền sư Thạch Liêm, khai sơn chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa.

Những vị thiền sư ở trên đều thuộc phái thiền Lâm Tế, chỉ trừ hai vị Hưng Liên và Thạch Liêm thuộc phái thiền Tào Động.

Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận

 

* Tổ Sư Nguyên Thiều (1648 – 1728)

 

Sư họ Tạ không rõ tên thật, người huyện Trình Hưng, Triều Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, xuất gia học đạo năm 19 tuổi ở chùa Báo Tư với Hòa Thượng Bổn Quả – Khoáng Viên, được ban pháp danhNguyên Thiều, pháp tự là Hoán Bích, pháp hiệu là Thọ Tông, thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33. Sư là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam đầu tiên. Sư sang Đại Việt năm 1677 đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà nay thuộc Nhơn Thành, An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1692 Sư ra Thuận Hóa, chúa Nguyễn cử Sư làm trụ trì chùa Hà Trung huyện Phú Lộc, Huế. Tại đây Sư còn khai sơn chùa Quốc Ân, Huế. Sau đó Sư vào Đồng Nai hoằng hóa, sáng lập chùa Kim Cang nay thuộc Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho đến ngày viên tịch, thọ 81 tuổi, Sư để lại bài kệ thị tịch như sau:

 

* Bài kệ thị tịch

Lặng lẽ gương không chiếu bóng

Sáng trưng ngọc chẳng thu hình

Rõ ràng vật không phải vật

Mênh mông không chẳng là không”.

Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận trang 590

(Tịch tịch kính vô ảnh

Minh minh châu bất dung

Đường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không).

 

Xuyên qua bài kệ thị tịch của tổ, tư tưởng Bát Nhã phủ trùm lên tất cả, hiển bày thật tướng thật tánh của các pháp, trí tuệ bát nhã thâm cao soi chiếu khắp cùng. Bản thể chân không thanh tịnh xuyên suốt, vượt ra ngoài năng sở phạm trù, đối tượng nhận thức không gì có thể ngăn ngại. Sự lặng lẽ của tấm gương chẳng hề lưu lại chẳng mong nắm giữ điều gì, cũng không có tên gọi mất dấu bặt tăm, vô ảnh vô tung một sự tròn đầy trống không vắng lặng. Sự sáng trưng của viên ngọc tỏa ra ánh sáng tuyệt mỹ không gì sánh kịp, rạng ngời chiếu rọi muôn phương chẳng thu hình giữ bóng.

 

Hình ảnh tấm gương và viên ngọc trở thành biểu tính chân thể đồng nhất vô cùng giá trị và rõ nét, chính nó và tự nó có những biểu thị riêng biệt, sự tương chiếu hiển lộ trên từng đường nét nhưng tuyệt nhiên không nắm giữ lôi kéo hay lưu lại bất cứ thứ gì. Sự lặng lẽ của chiếc gương, sự sáng tỏ của viên ngọc có giúp được gì cho ta trong sự nhìn ngắm phản chiếu nội tâm của mình? Ta thử làm một cuộc thí nghiệm, bằng cách nhìn thật kỹ khuôn mặt của mình vào trong gương, sau đó đứng ở góc độ khác không đối diện để tìm xem mặt mũi của mình có còn ở trong đó hay không? Câu trả lời chắc hẳn là không tìm thấy, một sự trống trơn chẳng thấy bóng dáng tròn méo đâu cả, chẳng thấy mày ngang mũi dọc. Cũng vậy, khi tâm của mình không lưu lại không để cho những phiền não vướng bận trú ngụ, một lòng buông bỏ mọi thứ vô sự thảnh thơi, chính lúc trống không vắng lặng đó là dịp để tuệ giác trỗi dậy thế vào. Tự mình nỗ lực tìm thấy căn nguyên tối hậu, những giá trị đích thật của sự sống, chiêm nghiệmquán chiếu rõ ràng quyết lòng vượt thoát, tìm về bản thể vi diệu của chân tánh tròn đầy “mặt mũi thật của mình”. Chỉ khi nào có được như thế, thì ta mới thật sự thong dong tự tại hạnh phúc an lạc hoan hỷ mỉm cười.

 

Cái không và cái có, đều phải bước ngang qua chữ “tức” câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” “phiền não tức bồ đề”. Cũng chính nhờ vào chữ “tức” và đây còn là điểm then chốt vô cùng quan trọng để chuyển hóa tương tác, “cái này tức cái kia” và sự chuyển hóa ấy không hoàn toàn nằm trong chữ “tức” mà là gì cái gì. Nó vượt ra ngoài thoát lên trên mọi sự nắm chấp thủ đắc, tìm tới đỉnh cao của giác ngộ thường hằng thực chứng chân lý đạo như thật. Tư tưởng bát nhã thênh thang lồng lộng tròn đầy rực sáng viên mãn trùm khắp, sự diệu dụng phổ cập không ngần mé vô cùng của chân không, rộng lớn như hư không dung chứa tất cả nhưng không làm ngăn ngại hề hấn. “Đường đường vật phi vật, Liêu liêu không vật không”. Không tên gọi không dấu vết, dứt khoát rõ ràng minh bạch, thể nhập trong không cùng vô tận, không hề tồn đọng lưu giữ bất cứ thứ gì điều gì. Một khi ta tinh tường thấu rõ đâu là bản chất như thật “không vật không” của từng hiện hữu, cũng là lúc bao nhiêu mộng tưởng lầm lạc trong ta đổ ào cuốn phăng hất trọn, thênh thang vượt thoát thong dong trên mọi nẻo đi về.

 

Tổ sư Nguyên Thiều còn lập ra thiền phái mang cùng tên tồn tại đến ngày nay. Tổ xuất gia với ngài Bổn Khao - Khoáng Viên, tiếp nhận thừa pháp từ tổ sư Đạo Mẫn - Mộc Trần - Hoằng Giác, thuộc đời 31 thiền phái Lâm Tế. Tổ đình Quốc Ân, Huế truyền thừa theo dòng kệ của tổ Đạo Mẫn. Một số tư liệu còn lưu giữ tại chùa Viên Thông, Huế và trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thượng Tọa Mật Thể, cũng như tấm bia ở tháp thờ tại chùa Kim Cang, tỉnh Đồng Nai, ghi pháp danh của tổ Nguyên Thiều là Siêu Bạch, được truyền thừa từ bài kệ của tổ Vạn Phong – Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng, Trung Hoa.

 

Bài kệ truyền thừa của Tổ sư Đạo Mẫn như sau:

Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên

Minh như hồng nhật lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền”.

Bài kệ truyền thừa của Tổ sư Vạn Phong như sau:

Tổ đạo giới định tông

Phương quảng chứng viên thông

Hạnh siêu minh thật tế

Liễu đạt ngộ chân không”.

 

Sau khi Tổ Nguyên Thiều viên tịch, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban thụy hiệu là Hạnh Đoan Thiền Sư và làm bài minh khắc vào bia, xưng tán công hạnh của Tổ như sau:

Cao vút trí tuệ

Phạm hạnh vun trồng

Giới đao một lưỡi

Trăng nước thung dung

Ngồi đứng một thân

Trong lặng kiên cường

Hoằng pháp lợi người

Quán thân vốn không

Mây từ che khắp

Trời tuệ chiếu cùng

Ngắm đi ngắm đi

Thái Sơn oai hùng”.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận

(Ưu ưu bát nhã

Đường đường Phạm thất

Thủy nguyệt ưu du

Giới trì chiến lật

Trạm tịch cô kiên

Trác lập khả tất

Quán thân bổn không

Hoằng pháp lợi vật

Biển phú từ vân

Phổ chiếu tuệ nhật

Chiêm chi chiêm chi

Thái Sơn ngật ngật).

 

* Tổ Sư Minh Hải - Đắc Trí - Pháp Bảo (1670 – 1746) sơ tổ pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh

 

Tổ sư Minh Hải thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 34, được tổ Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) mời sang Việt Nam làm tôn chứng cho Đại Giới Đàn được tổ chức ở Thuận Hóa. Tổ Minh Hải khai sơn tổ đình Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam, và khai sinh dòng kệ truyền pháp Lâm Tế Chúc Thánh, một thiền phái đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật Giáo ở miền Trung từ trước cho đến nay.

 

Tổ Minh Hải thế danh Lương Thế Ân sanh năm Mậu Tuất 1670, tại Truyền Châu, Phúc Kiến, Trung Hoa. Năm 9 tuổi được song thân đưa đến chùa Báo Tư ở Phúc Kiến xin xuất gia học đạo. Năm 20 tuổi thọ cụ túc giới, với pháp danh Minh Hải pháp tự Đắc Trí pháp hiệu Pháp Bảo, thuộc đời thứ 34 dòng kệ truyền thừa của tổ Vạn Phong - Thời Ủy. Thể theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1648 - 1681) tổ Nguyên Thiều phụng mệnh trở về Trung Quốc thỉnh chư Tăngpháp khí sang Việt Nam, để lập giới đàn truyền trao giới pháp. Theo lời thỉnh mời của tổ Nguyên Thiều, chư Tôn Thiền Đức gồm quý ngài như: Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Lượng Thành Đẳng...Năm 1695 thuyền chở phái đoàn cập bến Hội An, sau đó đoàn ra Thuận Hóa và được chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) tiếp đón trọng thể, thỉnh về trú tại chùa Thiền Lâm, một ngôi chùa nguy nga bề thế. Cũng năm đó giới đàn khai mở do ngài Thạch Liêm làm đàn đầu Hòa Thượng.

 

Đại giới đàn truyền các giới như Sa Di, Tỳ KheoBồ Tát giới, có tất cả 1400 giới tử vừa tăng vừa tục, có vương hầu khanh tướng, bá quan văn võ. Riêng Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng 1 đàn giới, và được đàn đầu Hòa Thượng ban cho pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Sau khi giới đàn hoàn mãn, cũng trong năm đó, phái đoàn trở vào lại Hội An để lên thuyền về nước, dịp này phái đoàn lưu trú tại chùa Di Đà và theo lời thỉnh cầu của chư TăngPhật Tử tại đây, Hòa Thượng Thạch Liêm lập đàn truyền giới cho 300 giới tử. Sau đó đoàn rời Hội An lên thuyền ra Cù Lao Chàm, một hòn đảo cách Hội An khoảng 20 cây số để chờ gió mùa về nước, nhưng vì nghịch gió đoàn phải quay trở lại Hội An. Năm 1696 Hòa Thượng Thạch Liêm cùng với một số vị trong phái đoàn về lại Quảng Đông không qua lại nữa. Trong dịp quay lui trở lại này có một số quý ngài bằng lòng ở luôn Việt Nam để hoằng hóa, chấn tích khai sơn như: tổ Minh Hoằng - Tử Dung, khai sơn chùa Ấn TôngThuận Hóa, tổ Minh Lượng - Thành Đẳng, khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An và tổ Minh Hải - Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An. Lúc bấy giờ Ngài ở độ tuổi khoảng 26 hoặc 27 tuổi. Tổ biệt xuất dòng kệ truyền pháp danh và pháp tự như sau:

 

Bài kệ truyền pháp của tổ Minh Hải Pháp Bảo

1, Truyền pháp danh kệ:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

2, Truyền pháp tự kệ:

Đắc Chánh Luật Vi Tông

Tổ Đạo Giải Hạnh Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.

Dịch:

Hiểu thấu pháp chân thực

Ấn Chân Như hiện tiền

Cầu Thánh quân tuổi thọ

Chúc đất nước vững bền.

Giới luật nêu trước tiên

Giải và Hạnh nối liền

Hoa nở cây giác ngộ

Hương thơm lừng nhân thiên”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận

Sau gần 50 năm sang Việt Nam hoằng hóa, vào năm Bính Dần (1746) Tổ gọi đồ chúng đến dặn dò, đọc kệ phú chúc rồi an nhiên thị tịch thượng thọ 76 tuổi.

 

Bài kệ thị tịch của Tổ Minh Hải Pháp Bảo

(Nguyên phù pháp giới không

Chơn như vô tánh tướng

Nhược liễu ngộ như thử

Chúng sanh dữ Phật đồng).

Tạm dịch:

Pháp giới như mây nổi

Chân như không tánh tướng

Nếu hiểu được như vậy

Chúng sanh với Phật đồng”.

 

Bài kệ thị tịch của Tổ vẫn vang vọng cho đến tận hôm nay, nhắc nhở hàng con cháu luôn gìn giữ gia phong tâm Phật ý tổ. Hiểu rõ pháp giới tuệ tri ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) không yên như lò lửa đêm ngày thiêu đốt, vô thường thành, trụ, hoại, không, thường xuyên tác động chi phối. Trong chuỗi dài bất tận của sinh tử luân hồi, sự mênh mông diệu vợi thẳm sâu của kiếp người, những phiền muộn đớn đau lo sợ bất an đêm ngày bám theo ta trên từng bước đi về trăn trở. Những tiếng thở dài nhức nhối trong đêm trường cô quạnh, những khuôn mặt chập chờn chìm trong mộng mị, thững thờ nữa tỉnh nữa say rạng rỡ với đường nét giả tạo. Cõi sắc không lúc ẩn lúc hiện có đó rồi không, sớm còn tối mất không gì là bền chắc, như gió cuốn mây bay. Tất cả có nghĩa lý gì trong cuộc sống hôm nay, khi khổ đau chồng chất vô minh che mờ tâm trí, từng giọt lệ khóc thương khởi đi từ bế tắc đớn đau cùng đường bí lối. Những lúc ta tưởng chừng nắm giữ được hạnh phúc, nhưng than ôi! lại quá ngắn ngủi và ngầm chứa bóng dáng của vô thường tước đoạt. Điều ta mong cầu lại không thấy đến, những thứ ta chẳng mong lại đến ào ào, đôi lúc cưỡng cầu không như ý ta đâm ra hụt hẫng khổ đau. Có phải đó, dấu hiệu quá trớn của sự biến động bất an, vui mừng quá sớm hay ở đó một thứ bản năng đòi hỏi thỏa mãn của cái tôi của tôi trá hình réo gọi?

 

Lắng lòng quán chiếu, nhìn thật kỹ thật lâu vào những hiện tượng biến đổi, vào từng tâm cảnh biến động bất an do vô minh che mờ bao phủ, đều khiến cho ta giật mình run rẩy. Sự xuất hiện thường xuyên của cơn lốc vô thường đâu đó đang làm ta chưng hửng tắt ngặn, đặt mình đối diện thường trực với tan hợp chia lìa đổi thay, ngày đêm tung hoành ngang dọc khiến ta càng lo sợ đau khổ bất an. Nếu từ đó ta biết chiêm nghiệm quán chiếu và ở mặt tích cực hơn làm sao để nhận diện tỉnh thức thấu rõ pháp thân, vượt thoát khổ đau để có được sự an lành hạnh phúc đích thực, thì mới là điều thiết yếu tối cần. Có điều, sẽ không có bữa cơm nào miễn phí không ai dọn sẵn bàn tiệc để cho ta ngồi ăn mà không phải đánh đổi mất mát điều gì? Ở cuộc đời này, làm kiếp con người này có cái gì mà không phải trả giá, không rơi vào nhân quả định luật công bình và sòng phẳng. Có việc gì thành công mà không xuyên qua quá trình chiêm nghiệm hy sinh khổ nhọc, có sự hạnh phúc an lạc nào mà không tự mình tạo ra vựt dậy? Tất cả đều phải nỗ lực tốn công nhọc lòng quyết chí mới có thể thành tựu.

 

Con đường đi đến giác ngộ cũng không ngoại lệ, đòi hỏi trong ta thường xuyên sống trong sự tỉnh thức một cách liên tục bền bỉ, nỗ lực chuyển hóa thân tâm cho được trong sáng. Trở về trú ngụ nơi tự tánh chân như bản thể rốt ráo của giác ngộ, thể tính tuyệt vời không cùng của sự vật. Nó vốn vô hình vô tướng, vô ảnh vô tung vô ngã ngã sở, một sự vắng lặng thường hằng, không gì có thể so sánh, vượt ra ngoài đối đãi nhị nguyên luận bàn của tâm thức. Một khi thấu hiểu một cách trọn vẹn, có được sự trải nghiệm tuyệt vời, đạt được sự an tịnh rốt ráo. Lúc ấy không còn có chúng sinh với Phật, cả hai hòa nhập lại làm một thể bất khả phân ly.

 

* Tổ Sư Liễu Quán (1670 – 1743) sơ tổ pháp phái Liễu Quán

 

Nếu ở đàng ngoài thiền sư Chân Nguyên được kể như một trong những cây đuốc sáng rực ở thế kỷ thứ 17 và là nhân vật quan trọng, then chốt nhất trong việc phục hưng Phật Giáo đời Lý Trần. Thì ở đàng trong, Thiền Tổ Liễu Quán cũng đã xây dựng được phong trào phát triển Phật Giáo hết sức vẻ vang, và đẩy mạnh công cuộc truyền bá Đạo Phật đến chỗ thành công.

Tổ Liễu Quán họ Lê húy Thiệt Diệu người làng Bạch Mã huyện Đông Xuân tỉnh Phú Yên. Ngài sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ qua đời lúc vừa lên sáu. Năm 12 tuổi ngài theo cha đến chùa Hội Tôn gặp thiền sư Tế Viên, do quý mến đức độ thiền sư ngài xin phép cha ở lại thọ giáo. Được 7 năm Tế Viên thiền sư viên tịch, Ngài ra Thuận Hóa xin theo học với Giác Phong Lão Tổ ở chùa Báo Quốc. Ở đây tròn một năm được tin thân phụ bị bệnh, ngài bèn vượt suối băng ngàn trở về phụng dưỡng cha già, ngày ngày đi đốn củi đổi gạo nấu ăn hầu hạ cho cha. Bốn năm sau thân phụ qua đời, lo tang lễ cho cha xong, ngài bèn lên đường học đạo. Được tin Hòa thượng Thạch Liêm tổ chức đại giới đàn ở chùa Thiền Lâm, ngài đến xin ghi tên thọ giới Sa Di. Hai năm sau, vào năm 27 tuổi ngài thọ giới Tỳ Kheo, giới đàn này do Thiền sư Từ Lâm làm Đàn Đầu Hòa Thượng.

 

Sau 2 năm ngài lại lên đường tìm thầy học đạo, tham lễ khắp chốn thiền môn, chịu nhiều khó khăn khổ nhọc, nhưng không nản lòng. Năm 1702 nhờ duyên lành, ngài gặp được Thiền tổ Tử Dung tại chùa Ấn Tôn núi Long Sơn, Thuận Hóa. Ngài cầu thiền sư dạy cho phép tham thiền. Thiền sư dạy ngài tham cứu công ánmuôn pháp về một, một về chỗ nào” (vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ). Ngài trở về lại Phú Yên ròng rã nhiều năm dụng công, nhưng vẫn chưa phá vỡ được công án, trong lòng lấy làm hổ thẹn. Nhân một hôm đọc Truyền Đăng Lục đến câu: “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” Ngài bèn tỏ ngộ và buông sách xuống, mãi đến mùa xuân năm 1708 ngài mới có dịp trở ra Long Sơn trình bày chỗ sở đắc của mình lên cho tổ Minh Hoằng Tử Dung, khi ngài trình đến chỗ: “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”

- Tổ Tử Dung bèn đọc:

(Huyền nhai tán thủ,

Tự khẳng thừa đương,

Tuyệt hậu tái tô,

Khi quân bất đắc).

Hố thẳm buông tay,

Một mình cam chịu

Chết rồi sống lại,

Ai dám chê mình” ?

- Rồi hỏi: “vậy là thế nào nói nghe”?

- Ngài Liễu Quán không đáp, chỉ vỗ tay cười ha hả.

- Tổ Tử Dung bèn nghiêm nét mặt nói: “chưa được

- Ngài Liễu Quán nói: “Trái cân vốn là sắt

(Bình thụy nguyên thị thiết)

- Tổ Tử Dung lại lắc đầu, “cũng chưa phải”.

Sáng hôm sau tổ Tử Dung thấy Ngài đi ngang qua bèn gọi lại bảo:

Chuyện ngày hôm qua nói chưa xong, hôm nay hãy nói lại xem

- Ngài Liễu Quán bèn đọc:

Sớm biết đèn là lửa

Cơm chín đã lâu rồi

(Tảo tri đăng thị hỏa

Thực thục dĩ đa thì).

Bây giờ tổ Tử Dung mới không tiếc lời khen ngợi, liền ấn chứng cho.

 

Mùa hè năm 1712 khi hai ngài gặp nhau tại đại lễ Toàn Viên tổ chức tại Quảng Nam. Tổ Liễu Quán đem trình tổ Minh Hoằng Tử Dung bài kệTắm Phật” do ngài mới làm.

- Tổ Tử Dung hỏi:

Tổ truyền cho Tổ, Phật truyền cho Phật, chẳng hay họ truyền cho nhau cái gì?” (Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vi thâm truyền thọ cá thập ma)?

- Ngài Liễu Quán đọc liền hai câu:

Búp măng trên đá dài hơn trượng

Cây chổi lông rùa nặng mấy cân”

(Thạch duẫn, trừu, điều trường nhất trượng

Quy mao phủ phất trọng tam cân)

- Tổ Tử Dung lại đọc:

Lung linh nước chảy trên đèo

Ngựa đua dưới biển thuyền chèo trên non”

(Cao cao sơn thượng hành thuyền

Thâm thâm hải để tẩu mã)

- Ngài Liễu Quán đọc tiếp:

Giây đứt đàn tranh chơi suốt buổi

Gãy sừng trâu đất rống thâu đêm”

(Chiếc giác nê ngưu triệt dạ hống

Một huyền cấm tử tận nhật đàn)

Tổ Tử Dung gật đầu tỏ ý rất hài lòng.

Cuộc đối đáp ở trên, ta thấy công án đầu tiên Tổ Tử Dung trao cho ngài Liễu Quán, đó là công án đã từng được một vị tăng hỏi ngài Triệu Châu: “Muôn pháp về một, một ấy đi về đâu”? (Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?) Ngài Triệu Châu đáp: “Khi ở Thanh Châu ta có may một chiếc áo nặng bảy cân”.

Công án nói theo sách vở “một chứng ngôn công khai dựng lên một tiêu chuẩn đoán án”. Theo đó thiền sư làm một cuộc thí nghiệm với thiền sinh, khảo sát thẩm định trình độ lãnh hội chính xác về thiền. Thông thường, công án có thể là phát ngôn bất chợt nào đó của các vị thiền sư, không thể xác định hay phủ định được tính chất hiển thị của nó, vượt lên cái hữu thực và phi thực. Hoặc cũng có thể nêu lên câu trả lời của người xưa để tra vấn kẻ đối diện, đôi khi còn biểu lộ một thái độ nào đó để đặt lại vấn đề với thiền sinh, đẩy họ rơi vào chỗ không cùng bí lối, treo lơ lửng trên cao muôn trượng. Mục đích vẫn không ra ngoài khơi mở tâm ý, đánh thức giác ngộ vụt khởi, bằng sự tra vấn đánh động mãnh liệt và liên tục, khiến cho kẻ ấy chơi vơi không nơi trụ bám nương tựa, bỗng nhiên giật mình bừng tỉnh. Từ đó, đánh thức nội tâm vực dậy tự tánh giác ngộ, nhận chân năng lực tâm linh cao tột vượt muôn lối đi vào biển tuệ, thấu rõ bản thể vi diệu mở ra bầu trời trinh nguyên sáng tỏ.

Ở đó không có sự giẫy chết của tâm thức ngữ ngôn suy luận lầm chấp, một sự vắng lặng toàn triệt bặt hết ngôn từ ý niệm, cởi trói mọi ràng buộc tâm cảnh. Bởi lẽ, công án không đơn thuần là một mệnh đề luận lý, hay sự lớn mạnh của tâm thức mà là sự đào bới trong tận cùng tư duy quán chiếu, sự quật khởi thường nghiệm làm sống dậy thể tính nhất như, từ nơi suối nguồn tuệ giác phá tan chọc thủng màng đêm của vô minh. Thế nào là “một chứng ngôn công khai”? Có phải chứng ngôn là những biểu tính đồng nhất của siêu ngôn ngữ, hay chính ngôn ngữ là những nhào nặn nào đó của tâm thức, một sự tác động để biến đổi. Cái một quy nguyên trở về cùng chung một mối, quay về bản thể không cùng vô tận của giác ngộ, hiển lộ tuệ giác tối thắng soi tỏ càn khôn.

 

Qua cuộc đối đáp giữa Tổ Tử Dung và Tổ Liễu Quán ta thấy những biểu tính tưởng chừng như phi lý như: “lông rùa, búp măng mọc trên đá, ngựa đua dưới nước, thuyền chèo trên non, giây đứt đờn vẫn còn rung, gãy sừng trâu”. Ở đó, còn là một thứ biểu thị đánh động trực tiếp vào nội tâm khiến quật khởi tức thì, bằng vào những gì ta cho là hết sức vô lý, phi lý, phi thực, xô đẩy hất bung bay bỗng ra ngoài những quan niệm thông tục. Thách đố cái bản năng trực nhận nguồn cơn yếu chỉ trong ta, làm sống dậy bản thể như thật, vén lên bức màn thức giác đang ở trong tư thế nhận biết hiện tiền. Một sự thấu rõ tuệ tri vào chính cái bản thể vi diệu đang bao phủ, mà trong những tháng năm mê mờ say ngủ, những phút giây lạc mất lối về đó, đột nhiên ta giật mình thức dậy, trông thấy trọn vẹn vẻ đẹp thơ mộng huy hoàng của hiện thực. Sự trở mình thức giấc trọn nên đúng nghĩa, vượt ngoài mọi tương quan thường nghiệm, không bị thời gian không gian gian chi phối đào thải, cứ thế hiên ngang lồng lộng vươn cao tỏa sáng, cứ thế chiếu diệu muôn phương nhập bước vào cảnh giới chân như giác ngộ.

 

Trong thiền những gì phi lý nhất biết đâu nó lại có lý nhất, những gì ta tưởng chừng có lý biết đâu lại là phi lý, những thuật ngữ đó đầy dẫy trong thiền. Nhưng bằng vào điều gì chúng ta cho là phi lý và có lý, có phải đó chỉ là sự bế tắc của ngữ ngôn tâm thức? Hẳn nhiên, ngoài sự suy luận so đo toan tính của ý thức, thì ta đâu còn biết phải bám vào nơi đâu để đưa ra sự biện giải? Nhưng với thiền những gì hưng động qua cửa ngõ luận thuyết đều hoàn toàn lạc lốivô nghĩa, thiền đẩy bung điều này ra ngoài, hất trọn vào tận cùng, bởi nó không giúp được gì cho việc tìm thấy chân tánh. Nếu không nói là ngăn ngại khủng hoảng, trong sự tiếp cận ánh sáng của giác ngộ. Chỉ có đương đầu trực diện thúc đẩy đối trị, phá tan mọi chấp trước ngăn ngại dập tắt mọi nguồn cơn, tự mình nỗ lực khai quật thể tính chân thật đang chôn dấu trong mỗi chúng ta, đây là việc cần thiếtcấp bách để vực dậy năng lực giác ngộ ở tự thân. Gìn giữ chánh định không để cho tâm thức biến động quấy rối nhiễu loạn, không để cho những nguy hại lầm lạc có dịp chi phối tác động, đoạn trừ mê mờ lầm chấp do dự tưởng chừng đến từ bất cứ nơi đâu. Điều hẳn nhiên, nếu ta không nỗ lực chận đầu mọi toan tính, triệt tiêu mọi nguồn cơn mầm mống, liên tục đào bới gõ thật mạnh thật sâu vào cùng tận chính nó, thì ta vẫn mãi nổi trôi không hẹn ngày về.

 

Trước khi thị tịch tổ Liễu Quán để lại bài kệ như sau:

(Thất thập dư niên thế giới trung

Không không sắc sắc diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn mang vấn tổ tông).

Dịch:

Hơn bảy mươi năm ở cõi này

Không không sắc sắc thảy dung thông

Hôm nay nguyện mãn về quê cũ

Nào phải bôn ba hỏi tổ tông”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

 

Bài kệ lưu lại của tổ phủ bóng che mát chốn tùng lâm, chỗ dựa mong cho tứ chúng, còn cho ta thấy một cách toàn triệt ý nghĩa vi diệu của sắc không, tư tưởng thâm sâu của Bát Nhã. Một khi ta mạnh dạn gạt bỏ những lầm chấp, quét sạch những mê mờ, sắc không tất cả thảy đều dung thông vô ngại, chân tính hiển bày một cách thấu đáo, lúc đó đâu cần phải lăng xăng kiếm tìm “Nào phải bôn ba hỏi tổ tông”.

Sau khi tổ viên tịch, chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc làm bia ký và xây tháp phụng thờ, ban thụy hiệu Đạo Hạnh Thụy Viên Ngộ Chánh Giác Hòa Thượng.

Ngài còn là vị tổ khai sơn chùa Thuyền Tôn, núi Thiên Thai, Huế và là sơ tổ của phái Liễu Quán.

 

Bài kệ truyền pháp của Tổ:

(Thiệt tế đại đạo/Tánh hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận/Đức bổn từ phong

Giới định phước huệ/Thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả/Mật khế thành công

Truyền trì diệu lý/Diễn xướng chánh tông

Hạnh giải tương ưng/Đạt ngộ chơn không).

Dịch:

Đường lớn thực tại/ Biến thể tính trong

Nguồn tâm thấm khắp/Gốc đức vun trồng

Giới định phước huệ/Thể dụng viên thông

Quả trí siêu việt/Hiểu thấu nên công

Truyền giữ lý mầu/Tuyên dương chính tông

Hành giải song song/Đạt ngộ chân không”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch

 

Bài kệ truyền pháp của tổ mở ra hướng đi tích cực cho mỗi chúng ta, nương vào giới, định, huệ, ba điểm trọng yếu cần phải thông suốt tỏ tường hoàn thành đạo nghiệp. Ở đó, còn là pháp tu thiết dụng hành giả theo đó tìm về nơi bản nguyên tự tánh, giác ngộ chân không tròn đầy viên mãn. Công ơn hóa độ của Tổ vô cùng to lớn, phần nhiều tăng tín đồ miền Trung cũng như miền Nam thuộc dòng Lâm Tế, mà ngài chính là người có công khai hóa.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10333)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.