TRONG MẮT HỌC GIẢ PHƯƠNG TÂY
Câu chuyện chùa Ba Vàng 'gọi vong' ở Việt Nam gần đây lật trở lại một số vấn đề mà giới học giả Phương Tây đã nêu ra khi đề cập đến tín ngưỡng ở xã hội châu Á.
Việt Nam, giống Trung Quốc, hiện về nguyên tắc theo chủ nghĩa cộng sản vô thần, nhưng xã hội lại theo rất nhiều tín ngưỡng, đạo giáo.
Một tài liệu của ĐH Cambridge, Anh Quốc khi nói về Việt Nam gọi đây là hiện tượng "Nhà nước cộng sản trong quốc gia tôn giáo" (Communist state in a religious nation).
Vai trò của Phật giáo, tôn giáo vốn kêu gọi tối giản các phép thờ cúng - Đức Phật khi còn tại thế đã bác bỏ nhiều nghi lễ Bà La Môn của Ấn giáo - nhưng nay lại "đồng hành cùng tín ngưỡng dân gian", cũng được đề cập đến.
Mặt khác, như một số tài liệu của Hoa Kỳ về Myanmar ngày nay nhận định, Phật giáo cũng có mặt bạo lực và tham vọng chính trị của nó.
Tục thờ ma quỷ, vong hồn
Đầu tiên là về phong tục thờ ma quỷ, vong hồn ở vùng Đông Á.
Angela Tempest nêu quan sát rằng mỗi dịp Tết Nguyên Đán là dịp người Trung Hoa bị ám ảnh bởi ma quỷ.
Họ tin rằng có nhiều loại ác quỷ, ngạ quỷ có năng lực hại người sống và cần trấn áp hoặc mua chuộc chúng.
Có những loại hồn ma 'hiền lành' hơn cũng sống cùng loài người.
Nhưng ranh giới giữa hồn ma 'tốt' và 'xấu' rất mong manh.
Họ tin rằng có hai phần của linh hồn (soul) là phách (po) vốn thoát xác sau khi người ta chết, và hồn (hun) thì ở lại một thời gian và chỉ đi sau khi nhận được lễ.
Ngay cả hồn của thân nhân ta cũng có thể "quấy phá" sau khi đã chết.
Đặc biệt, các linh hồn còn chưa có chốn đi về, gọi là 'vong linh' (wangling - wandering spirit), cần được chú ý chăm sóc.
Dù người Hoa và nhiều dân tộc Đông Nam Á khác đều tin vào vong hồn nhưng con số vong hồn, ma quỷ có tên và đi vào sự tích văn học Trung Hoa lên tới trên 1500, cho thấy sự 'bành trướng' không nghỉ của tín ngưỡng này qua thời gian.
Vậy tín ngưỡng này đến từ đâu?
Mark Cartwright viết rằng tục thờ người chết đã có từ thời Đồ Đá ở Trung Hoa.
Sang đời Thương (1600 - 1046 trước Công nguyên) đã có bằng chứng khảo cổ rằng vua chúa, quý tộc thờ tổ tiên đã khuất của họ.
Hồn người chết ngự trên trời, theo đúng trật tự xã hội 'có trên có dưới' như xã hội dưới mặt đất, "trần sao âm vậy".
Đây cũng là tín ngưỡng thầy cúng (shamanism) có ở cả vùng Siberia, Mông Cổ, châu Phi, Nam Mỹ và nhiều nơi trên thế giới thời sơ khai.
Người nhà Thương tin rằng có thể nhờ vị shaman (thầy cúng) làm trung gian để nói chuyện với người đã chết.
Sang đời nhà Chu (1046 - 256 trước Công nguyên), tục thời tổ tiên của tầng lớp cầm quyền phát triển mạnh.
Lăng tẩm của vua chúa, quý tộc dành cho tổ tiên họ được xây ở thủ đô của đế chế.
Từ thời Hán, tục thờ tổ tiên ở Trung Hoa đã tiến lên một bước, thành vũ khí chính trị của các vị hoàng đế.
Vẫn theo Mark Cartwright, Hán Cao tổ đã cho xây 176 đền thờ tổ tiên ông ta ở thủ đô tại Trường An, và 167 ngôi nữa ở tất cả các thủ phủ châu quận.
Việc tôn thờ Thái miếu của nhà Hán trở thành tôn giáo cho cả đế chế.
Duy trì đền thờ, lăng tẩm vào thời gian đó đã cần số nhân lực 67 nghìn người.
Các quan coi lăng dâng lễ tới 25 nghìn lần một năm, tính theo tổng số lăng mộ.
Tại sao nhà Hán biến việc tôn thờ tổ tiên của vua thành quốc giáo?
Đó là vì chính quyền đề ra thuyết Thiên Mệnh để khẳng định vị thế vĩnh viễn, mang tính thần bí của quyền lực gắn liền với cá nhân hoàng đế và thân tộc.
Thiên Mệnh (Mandate of Heaven) là ý thức hệ chủ chốt của Trung Hoa, và ngày nay, theo một số tác giả, được áp dụng trong cả vấn đề lãnh thổ: thiên mệnh vươn ra đến đâu thì Trung Quốc có quyền đến đó.
Thần tính của Thiên Tử, gạch nối giữa Thiên - Địa - Nhân, là sự đảm bảo quyền lực chính trị xuyên cả không gia và thời gian.
Phật giáo cũng chấp nhận thờ cúng
Nếu như thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng sơ khai có ở khắp nơi - ai cũng muốn kéo dài sự hiện diện của thân nhân đã khuất qua lễ lạt, tưởng nhớ - thì tôn giáo có cách nhìn khác nhau về phong tục này.
Thiên Chúa Giáo cho đến các thập niên 1960 nghiêm cấm việc thờ cúng tổ tiên.
Các giáo sĩ dòng Tên (Jesuit) khi sang châu Á truyền đạo đã đề nghị với Vatican vào thế kỷ 17 cho chấp nhận một số nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người bản địa.
Nhưng họ bị từ chối và công tác truyền giáo bị ảnh hưởng nhiều vì người Hoa, Việt và Nhật không muốn bỏ thờ cúng tổ tiên.
Người Hoa và Việt có lễ Thanh minh chăm sóc phần mộ tổ tiên và cúng vong hồn vào Rằm tháng 7.
Với người Nhật, lễ Bon là dịp quan trọng thứ nhì trong năm, chỉ sau lễ mừng năm mới, khi người ta đem hoa trái dâng lên bàn thờ Butsudan cho tổ tiên.
Phải sau Công đồng Vatican II năm 1960, Tòa Thánh mới nới lỏng lệnh cấm.
Khi đến các nước đã thờ tổ tiên, vấn đề của Phật giáo này là làm sao thuyết phục người dân xa thế sự, gia đình để tập trung vào tu tập nhằm giải thoát con người.
Nhưng các tăng ni Phật giáo thấy rất khó gỡ bỏ truyền thống có từ lâu và cuối cùng thì không ít nhà sư đã tham gia "trợ giúp" người dân thực hành các nghi lễ mang tính cầu cúng vong hồn.
Trên thực tế, nhiều năm sau khi Đức Phật giác ngộ và nhập Niết Bàn, có một phái là Vajrayana (Kim Cương thừa) đã hình thành tại Ấn Độ, nhấn mạnh đến các phép ma thuật, bắt quyết, quán tưởng để giải thoát.
Nhưng nhìn chung Phật giáo tìm cách diễn giải các nghi lễ có sẵn của xã hội bản địa Đông Á và Đông Nam Á theo cách hiểu của kinh sách Phật.
Đây cũng là sự thỏa hiệp để tồn tại và không "mất dân".
Sau thời Tùy và Đường, Phật giáo Trung Hoa hoàn thành "bản địa hóa" để hòa trộn với nhiều nghi lễ Khổng giáo, Lão giáo và thờ cúng tổ tiên, theo Charles Custer.
Từ đó, Trung Hoa - và Việt Nam - chấp nhận Tam giáo đồng nguyên, với cả Khổng, Phật và Lão cùng tồn tại, bên cạnh các tín ngưỡng dân gian, trong nhiều thế kỷ về sau.
Phật giáo nguyên thủy không yêu cầu các lễ lạt đình đám để thờ cúng tốn kém nhưng các phái 'bản địa hóa' tại Trung Hoa đã diễn giải thuyết 'giác ngộ', và 'giải thoát' qua nghi thức cúng bái.
Kiểm soát các nghi thức này cũng là cách để sư sãi có quyền lực với dân chúng, điều đôi khi gây ra căng thẳng với tầng lớp quan lại theo Khổng giáo.
Tôn giáo và chính trị
Có ý kiến cho rằng từ lâu nay, Phương Tây bị cuốn hút bởi mặt tâm linh và huyền bí của Phật giáo mà quên đi rằng có những lúc, tín đồ của đạo này ủng hộ bạo lực.
Các ví dụ được nêu ra là giới tăng lữ Thiền tông Nhật Bản cổ vũ cho phe quân phiệt đem quân xâm lăng Trung Quốc.
Ở Sri Lanka, Bodu Bala Sena - Binh đoàn Phật giáo - đã gây ra các vụ tiêu diệt người Hồi giáo.
Charles Haviland của BBC News viết hồi 2015 trong bài 'The darker side of Buddhism' rằng "bất bạo động là nguyên tắc căn bản của đạo Phật" nhưng tại Sri Lanka, đã có các nhà sư bị cáo buộc vận động, hô hào Thánh chiến và thanh lọc sắc tộc.
Gần đây hơn, dư luận thế giới sửng sốt trước các vụ kích động bạo lực chống người Rohingya ở Myanmar đến từ các vị sư Phật giáo nước này.
Đây không phải là lần đầu tiên ở Đông Nam Á, Phật giáo có mặt trong các xung đột.
Phật giáo chiến đấu (militant Buddhism) có truyền thống trong phái Tiểu Thừa và thường được biện hộ bởi khẩu hiệu Thánh chiến (Dhamma Yudhaya) để bảo vệ đạo.
Riêng tại Nam Việt Nam, theo tác giả Mark Moyar, có phong trào các nhà sư 'chiến đấu' (militant monks) xuất hiện thời Ngô Đình Diệm và đã tạo ra bất ổn chính trị lớn trong giai đoạn 11/1963- 07/1965.
(Theo BBC News)