TAN BIẾN NGÃ VÀ PHÁP
TT. Thích Tuệ Hải
Hiển Hiện Như Nhiên Thiền Sư
TAN BIẾN NGÃ VÀ PHÁP - TT THÍCH TUỆ HẢI
[Trích đoạn bắt đầu ở phút 29:08’]
Trích Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm 25: Thập Hồi Hướng
“Lúc Đại Bồ tát hồi hướng như vậy, thời chẳng phân biệt ngã cùng ngã sở, chẳng phân biệt Phật cùng pháp…”
Sự phân biệt giữa ngã và pháp và sự tồn tại của chính “mình”
Ở đoạn này, trong Kinh nói là các vị Bồ tát hồi hướng được như vậy rồi thì không rớt vào ngã và ngã sở. Nguyên đoạn này nói về một người khi rớt trong cảnh giới đạo lý thì chuyện đầu tiên là ngã và ngã sở hoàn toàn không có, ngã và pháp hoàn toàn phải biến mất. Tại vì nếu “hồi hướng đến cảnh giới Phật đạo” mà còn ngã và ngã sở thì không phải đâu! Khi tới cảnh giới này mà gọi là hồi hướng tới cảnh giới Phật đạo thì cũng không đúng mà là đã “nhập trong cảnh giới” đó rồi. Và khi một người đã nhập trong cảnh giới đó rồi thì chuyện đầu tiên là không còn thấy “mình” !
Và khi đó một cảnh giới sẽ hiện ra. Đó là khắp pháp giới mười phương này sẽ là một ánh hào quang và nó cũng sẽ hoàn toàn “không sai khác” với tất cả các pháp hiện đang có. Nghĩa là ở chỗ đó, sự phân biệt giữa ngã và pháp hoàn toàn biến mất! Mà chỗ này không phải là mình buông bỏ gì đâu, không phải là mình dụng công muốn nhập vô cảnh giới “không”. Không phải là như vậy mà tất cả đều tới như một sự hoàn toàn bất ngờ! Hồi xưa tôi hay dùng cái từ là giống như bị trợt té vậy.
Như vậy có nghĩa là khi tâm của chúng ta bắt đầu tiến bộ và dần dần bước những bước ngoặc công phu thì mình sẽ tự động thấy là “mình” không còn tồn tại nữa! Dùng đúng từ là mình không còn “tồn tại” nữa! Cái “mình” không còn chỗ để sống nữa! Mặc dù trước kia mình công phu, mình nhập định, mình xuất định nhưng “mình” vẫn còn tồn tại ở đâu đó mà mình không phát hiện ra. Cho đến một ngày chúng ta hoàn toàn mất đi sự tồn tại của mình ở trong không gian này.
Còn hiện bây giờ, dù chúng ta có muốn không tồn tại, nhưng cái “muốn” đó là gì? Đó chính là “sự tồn tại của mình” đó! Mình muốn mình biến mất nhưng chính cái “muốn” đó là “sự tồn tại” của mình. Nhưng ít khi nào mình nhận ra được cái muốn này là sự tồn tại của mình!
Mình muốn mình thành không, mình muốn mình được rớt vào cảnh giới rỗng, hoặc mình muốn mình vào định, hoặc mình muốn mình trụ định, mình muốn mình ở cảnh giới rỗng lặng thanh tịnh, và rồi mình thấy cái cảnh giới thanh tịnh đó thực sự hiện ra với mình, mình rất thích thú được an trú trong cảnh giới rỗng lặng thanh tịnh đó chứ mình không muốn xuất định.
“Người muốn” và “cái muốn” đều là sự duy trì “ngã chấp”
Vậy thì “định” là cái gì? Và “ai” là người trụ định? Nếu vẫn còn định là một cái gì đó và còn ai đó là người đang trụ định thì như vậy chỗ này vẫn còn nguyên ngã và pháp! Cho nên cái “người muốn” đó phải tuyệt mất đi!
Đi sâu vào công phu thì chúng ta mới phát hiện ra một điều là… mình đang muốn nhập định, mình đang muốn yên, mình đang muốn nhập đạo và v.v. Như vậy thì rõ ràng là chúng ta vẫn còn tiếp tục làm cái chuyện hai bên. Có mình và có cái để mình đạt được, mình và có cái để mình đến, mình và có cái để mình đạt! Nếu như vậy thì ngã và pháp vẫn mãi mãi tồn tại, không phá vỡ được. Khi nào chúng ta công phu, chúng ta phát hiện là mình đang nhập định, mình đang muốn nhập đạo, mình đang muốn ngộ đạo, mình đang muốn rỗng, mình đang muốn một cái gì đó thì mình cũng cần phải phát hiện ra rằng chính cái muốn này là cái duy trì “ngã chấp” của chính mình! Và mình phải thấy ra một cách thực thụ.
Một “dạng” ngã và pháp mới chứ không phải là cách phá ngã chấp
Ở đây nếu nghe nói về những điều này thì chúng ta cũng có thể hiểu, nhưng phải công phu đến lúc chúng ta thực sự thấy mình mất mình, thấy mình rỗng lặng…Giống như sáng nay có một người nói rằng khi họ thở thì tự nhiên họ thấy như họ “mất thân”. Chính ở cái chỗ mất thân đó cũng hiện ra cái rỗng lặng thanh tịnh. Nhưng chính cái chỗ mất thân, cái chỗ rỗng lặng thanh tịnh này thì nó vẫn “tồn tại” cái gì? Một cái “dạng” ngã và pháp mới!
Cái chỗ rỗng lặng đó chính là pháp, và “mình” là cái người rõ biết cái pháp rỗng lặng đó. Ở cái chỗ thanh tịnh như vậy mà “mình” vẫn đang thấy biết cái sự thanh tịnh đó thì đây chính là một sự tồn tại mới của ngã và pháp. Chúng ta vẫn chưa thoát được.
Cho nên có nhiều khi nhập định tới một, hai trăm năm, chứ một, hai ngày chỉ là chuyện bình thường. Thì chính “cái người” đang ở trong định đó, cái người đang trụ định đó vẫn còn “cái định” để họ trụ, vẫn còn có chỗ để họ bám chấp, thì nghĩa là họ chưa thoát ra được! Cho nên khi chúng ta học hỏi kiến thức, học lý luận về ngã và pháp ở chỗ chuyên môn, nếu chúng ta thấy vẫn còn có một chỗ mà mình trụ được, vẫn còn có chỗ mình có thể bám được, còn có chỗ mình có thể an trú được, thì chỗ đó là gì? Là chỗ an thân, lập mạng mới thôi, chứ không phải là cách để phá ngã chấp!
Bây giờ mình nói thì nghe rất bình thường nhưng nếu chúng ta đã có kinh nghiệp định rồi, có kinh nghiệm vào ra định rồi, thì thấy rõ ràng là mình còn nguyên đó để mình vô chỗ “không” rồi mình mình đi ra, rồi mình bị động lại, rồi mình còn nguyên cái “mình” để mình lại vào trở lại chỗ rỗng lặng. Bữa nay thì thấy rỗng ít, ngày mai thì thấy rỗng nhiều, ngày kia thì thấy ánh sáng, ngày kia nữa thấy cái gì đó v.v. thì nghĩa là “ai” thấy? Hỏi lại một câu là “ai” thấy? Còn “thấy” và còn “cái bị thấy” thì vẫn còn nguyên ngã và pháp!
Ngã chấp được “tẩy xóa” và cái “mình” cũ không tồn tại được nữa
Cho nên nếu nói tới cảnh giới ngã và pháp hoàn toàn tan biến thì… rất là khó! Phải dùng cái từ là rất là khó! Tại vì tất cả những cảnh giới định đều vẫn còn nguyên ngã và pháp! Như vậy nếu vào được cái chỗ “chánh định” trong Phật đạo như trước giờ chúng ta thường nói thì ngã và pháp sẽ phải mất. Thật sự mỗi lần mình nhập định thì giống như có một cái lực gì đó để “tẩy xóa” cái ngã chấp của mình. Chúng ta dùng cái từ “tẩy xóa” là rất đúng vì mình thấy mình mất vị trí đứng, mình mất đi cái lực dụng.
Như bây giờ mình muốn nói chuyện, mình muốn động tay động chân, mình muốn cười, hoặc là mình muốn động tâm thì có nghĩa là lúc đó mình còn cái “lực”. Nhưng đến một lúc nào đó mình sẽ bị khóa chặt mà mình không làm được gì nữa. Mình muốn động tâm cũng không động được, muốn động thân cũng không động được, muốn nghĩ một niệm nghĩ cũng không ra. Tức là lúc đó chúng ta bị rớt trong cảnh giới thân tâm bất động. Trong cảnh giới thân tâm bất động này, chúng ta thấy rõ ràng là chúng ta không động thân được cũng không động tâm được, không làm gì được nữa và gần như là bị khóa chặt. Khóa chặt không phải một ngày một giờ mà nhiều ngày nhiều giờ như vậy.
Nhưng nếu chúng ta ở cái chỗ khóa chặt từ giờ thứ nhất qua đến giờ thứ hai, tức là trải qua những cảnh giới khác nhau… thì dần dần chúng ta sẽ thấy mình mất lực, rồi mình cảm giác mình bị tan biến, mình không còn vị trí và lần lần, lần lần, mình giống như bị bào mòn, lần lần mình mỏng đi, lần lần mình thấy cái “mình” cũ không tồn tại được! Nó hoàn toàn mất đi cái “mình”!
“Khái niệm” về rỗng lặng thanh tịnh sẽ biến mất cùng với “mình”
Ở đây nghe nói những chuyện này thì chúng ta tưởng tượng thôi, nhưng thực sự là khi đi sâu vào trong định thì chúng ta thấy nó lần lần “tan biến”. Trước đây có một cái rất rõ để “biết” thì bây giờ cũng là sự “sáng tỏ” đó nhưng nó không có một cái gì gọi là “khẳng định” trong khoảnh khắc đó nữa. Không khẳng định được! Cái rỗng đó nó vẫn hiện đó… nhưng “mình” dần dần… dần dần… dần dần…. tan… tan… tan… và nó sẽ hòa nhập hoàn toàn vào cái rỗng lặng thanh tịnh.
Cho tới khi cái rỗng lặng thanh tịnh hoàn toàn hiện hữu thì chính cái “khái niệm” về rỗng lặng thanh tịnh đó nó cũng sẽ biến mất với mình! Mình không còn khái niệm đó, mình không còn khẳng định đó, mình không còn “người nhận” cái đó nữa, mà nó chỉ là cái “rỗng,” nó chỉ là cái “suốt” đó thôi. Nó không phải là không biết những cái này (*Thượng Tọa đưa tay chỉ vào những bông hoa những bông hoa trước mặt) nhưng sự hiện hữu của những cái đang có trong pháp giới này vào lúc đó không có cảm giác “khác biệt”. Không có còn cái “niệm” khác biệt với tất cả mọi thứ! Nó cứ dần dần… dần dần như vậy.
Nghĩa là lúc đầu thì nó “rõ” các pháp, rồi lúc kế nữa thì các pháp cũng “hiện hữu” như vậy nhưng vẫn còn “nhận biết”, rồi cái nhận biết nó từ từ “mong manh” đi. Lúc đó không phải là mình cảm giác, mà là mình “nhận rõ” là “mình” sắp “mất”, “mình” sắp bị “biến mất”… Mình bị biến mất trong từng khoảnh khắc một trôi qua...
Cho tới một khoảnh khắc hoàn toàn mất mình thì mình rớt vào một cái tuyệt đối rỗng lặng thanh tịnh và có một chút xíu cảm giác giống như mình bị chơi vơi. Giống như mình đang ở giữa hư không, mình bị quăng ra giữa hư không, mình bị mất đi vị trí, nghĩa là bị mất đi hoàn toàn vị trí “bám trụ”… Bây giờ mình ngồi trên ghế là mình bám trên ghế, mình đứng trên đất là mình bám trên đất, mình ở trên cây thì mình bám cành cây v.v. Chúng ta vẫn còn có cảm giác bám vào tất cả những cái đó giống như mình bám ở chính mình. Cái “mình” còn tồn tại là còn chỗ để bám!
“Người đang bám chấp” và “cái không bám chấp” cũng không còn – hoàn toàn không còn ”dấu tích”của mình nữa
Nhưng khoảnh khắc đó hiện ra là mình hoàn toàn mất đi chỗ bám, mất hoàn toàn luôn! Đối với chỗ để có thể trụ thì cảm giác hoàn toàn không còn nữa. Cảm giác thân này không còn, tâm này không còn, và cái cảm giác của “người đang bám chấp” cũng không còn, rồi không luôn “cái không bám chấp” đó… Tất cả mọi cái hiện ra mà không tìm lại được “dấu tích của mình” nữa! Nó hoàn toàn mất tích! Lúc đó, cái “người tìm” và “cái bị tìm” không còn. Đây là điều mà nếu chúng ta đi sâu vào công phu thì sẽ thấy là chưa xong. Nghĩa là khi mình chỉ còn tồn tại sự rỗng lặng và cái thanh tịnh rõ biết của mình thôi thì chúng ta phải tiếp thêm một bước nữa…
Dùng từ “tiếp một bước nữa” là có nghĩa chúng ta còn công phu, nhưng chúng ta phải cố gắng. Ở cái vị trí đó, một vị trí rất là vững vàng, rõ biết sự rỗng lặng và thả lỏng cái rõ biết này… Phải làm sao cho đủ tầm! Tại vì khi rớt vào cảnh giới đó, chúng ta cảm giác nó chơi vơi, chúng ta hụt hẫng và chúng ta sẽ “nhận ngã” trở lại. Chúng tôi dùng cái từ “nhận ngã” chứ không phải nhận cái thân này đâu. Có những cái khoảng giống như chúng ta bị chơi vơi, và khi rớt vào cảnh giới chơi vơi đó thì mình lại ráng trụ để mình đừng bị mất cái biết. Từ xưa trước giờ là mình làm như vậy.
Cái “mình” tan biến mất thì sự rỗng lặng bắt đầu tỏa sáng
Nhưng thật sự là khi chúng ta đi sâu vào công phu thì tới lúc đó mình muốn “trụ cái biết” cũng không trụ được! Không trụ được, tới chỗ đó rồi là không trụ được. Và khi chúng ta không trụ được thì chúng ta thấy “mình” bị mất đi ở đâu đó, bị tan biến một cách rất là rõ ràng, và cái sự rõ ràng rỗng lặng tỏa sáng kia thì nó bắt đầu tỏa sáng, nhưng nó lại hoàn toàn khác với những cái mà mình đã từng biết từ bao nhiêu ngàn đời kiếp cho tới bây giờ. Rất là khác! Thì cái khác biệt đó hiện ra ở chỗ nào?
Khi đó, tất cả mọi cái hiện ra trong vũ trụ mênh mông này, tất cả mọi hình sắc, tất cả mỗi âm thanh, tất cả mọi mùi vị… lúc đó lại bắt đầu hiện rất rõ nét của từng cái một, không có cái nào không hiện. Nhưng “cái người” để nhận biết âm thanh, “cái người” để nhận biết hình sắc như bây giờ, thì “cái người” đó mất đâu rồi! Không còn “cái người” đó nữa! Một điều rất lạ lùng là không còn “cái người” để nhận biết hình sắc.
Bây giờ nói gì thì nói chứ “mình” vẫn còn nhận biết âm thanh, “mình” vẫn còn nhận biết hình sắc… thì “cái ngã” nó vẫn còn nguyên ở đây! Cho nên nếu thực sự muốn ngã, pháp không còn thì không đơn giản là mình có thể nói lý luận và gật đầu để hiểu đâu. Ở đây không phải là chuyện đó đâu! Cho nên đây là một chuyện rất khác biệt giữa người có công phu và người không công phu, giữa người tới và người không tới, người nếm trải và người chưa nếm trải, hoàn toàn khác biệt với những người bình thường…
Và thậm chí có khi mình cũng vô định rất là sâu trong nhiều năm nhiều tháng nhưng vẫn không phá nổi, không rớt nổi vô “cảnh giới vô ngã”! Rất là khó khăn!
Không còn khả năng phân biệt nhưng xây dựng ngã ở một tầng khác – chưa phải là chỗ giác ngộ
Cho nên nếu muốn đạt tới cảnh giới “không phân biệt” ngã và ngã sở thì “không phân biệt” không có nghĩa là “mình không phân biệt” đâu mà chính xác là mình không còn cái “khả năng” để phân biệt nữa! Phải dùng các từ như vậy. Tất cả những “khả năng phân biệt” của mình theo cái kiểu nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp, ví dụ như mình thấy mình phân biệt, mình ngửi mình phân biệt, mình nếm mình phân biệt, mình nghe mình phân biệt… thì bây giờ đến đây, cái khả năng đó mất hoàn toàn chứ mình không thể phân biệt được nữa!
Thành ra nhập định mà vẫn còn phân biệt, vẫn còn thấy hình ảnh sáng vàng, rồi thấy vòng xoắn, rồi thấy cái này cái kia thì đây là gì? Là chúng ta đang xây dựng ngã của chúng ta ở một tầng khác, không phải ở một cái tầng thô nữa mà là qua một cái tầng khác rồi! Qua một cái tầng khác thì không có nghĩa là nó sai, nhưng nghĩa là qua cái tầng đó thì nó sẽ lộ một cảnh giới khác. Mình sẽ ở một cái “dạng tâm thức” khác để “nhận định” cảnh giới đó và đó chính là cái “tầng bậc sinh tử mới” của mình!
Có thể là mình sẽ không trở lại cõi người này nữa, vì ở cái tầng định đó, ở cái tầng tâm đó thì không phải là tâm của người, nhưng vẫn chưa phải là chỗ giác ngộ! Cho nên ai đã từng vào định ra định thì phải kinh nghiệm điều này vì ở đây vẫn còn có “cảnh”, tức là vẫn còn có “sở lưu”. Còn có cảnh để cho mình thấy, còn có chỗ để cho mình nhận thì sẽ vẫn còn có chỗ để cho mình đến! Còn có ngã là còn có pháp!
Cho nên một khi mình đạt tới “cảnh giới vô ngã” rồi thì mới nói được đến những chuyện sau đó, còn nếu chưa đạt tới những chỗ này thì những chuyện sau, nếu nói cũng sẽ thành thừa. Và nếu không tới chỗ này thì những chuyện sau cũng sẽ không làm được. Ví dụ như ở đây trong Kinh nói “chẳng phân biệt Phật cùng pháp” thì mình sẽ không làm được đâu.
Nhưng khi đã ở “cảnh giới vô ngã” rồi thì tất cả mọi hiện tướng đều là tướng của Phật, tất cả các pháp đều là Phật pháp! Nó sẽ tự động nó hiện ra như vậy mà ở đây không phải là phân biệt hay không phân biệt nữa, hoàn toàn không có chuyện này. Muốn phân biệt cũng không phân biệt được! Thành ra đó là một cái vô cùng khác.
Nhưng như mình bây giờ, cho dù mình có muốn hết phân biệt thì mình làm cũng không được. Ví dụ như bây giờ làm sao để mình hết cái khái niệm về “hồi nãy, bây giờ và chút nữa”? Mình hiện không thoát ra được cái khái niệm về thời gian này đâu. Khi nói chuyện với nhau thì mình sẽ nói về chuyện hồi nãy, chuyện bây giờ và chuyện chút nữa, và trong đầu mình cũng luôn suy nghĩ đến ba cái thời này.
Bặt hết khái niệm về không gian, thời gian vẫn chưa phải là tới cảnh giới “vô ngã, vô pháp”
Như vậy khi mình dụng công sâu thì lần lần đối với khái niệm thời gian mình phải làm sao? Phải “hết”, đúng không? Ở đây mình đang muốn nói đến chuyện phá cảnh giới ngã chấp nên khái niệm thời gian phải hết, các khái niệm xa gần, nhiều ít, có không… cũng bắt đầu phải sạch hết. Và như vậy là tới một lúc khi chúng ta vào trong định thì chúng ta sẽ mất cái gọi là “thời gian”, không còn khái niệm quá khứ, hiện tại, vị lai nữa. Chúng ta sẽ mất hoàn toàn “không gian” là không còn xa không còn gần, rồi không nhiều không ít, không lớn không nhỏ nữa. Thì chỗ này là sao?
Nếu như một hành giả tới được đây thì được gọi là “vô ngã” chưa? Đây là một chuyện mà chỉ những người thực sự đủ tầm mới có thể khẳng định nổi điều này. Câu hỏi này tôi có thể đặt ra với tất cả những người công phu đi sâu vào đạo Phật. Ai có thể đứng lên nói đi! Tới đây là tới cái cảnh giới “vô ngã, vô pháp” chưa?
Tại vì tới đó là chúng đã hết thời gian và hết không gian, đang ở cái cảnh rỗng lặng thanh tịnh tuyệt đối kia… vậy thì đã thực sự hoàn toàn “hết” chưa? Phải hỏi điều này ở đây để mình thấy được cái chuyện “vô ngã” thực sự ra sao. Tại vì từ xưa tới giờ có nhiều sách vở cũng đã viết nổi tới đây rồi, có rất nhiều người dạy đạo cũng nói tới đây rồi, nhưng ở đây, chúng tôi có kiến giải khác! “Hết” chưa? Tới chỗ này “hết” chưa?
Tại vì ở chỗ này thì không còn một chút khái niệm quá khứ, hiện tại, vị lai nữa, tức là một cảnh giới vượt thoát thời gian, và cũng không còn không gian ở trong khái niệm nơi tâm thức nữa. Hành giả này đang ở chỗ rỗng lặng tuyệt đối tức là tuyệt đối không còn thời gian và không gian nữa. Thì rồi sao? Thì vẫn chưa phải! Vẫn chưa phải là cảnh giới của “vô ngã”!
Không thấu thoát ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai cùng một sát na, cùng một thời điểm thì chưa phải cảnh giới “vô ngã”
Khi hành giả muốn đạt tới cảnh giới vô ngã thì phải đi qua cái cửa ngõ này – đây là một cửa ngõ cuối. Nghĩa là mình đã hoàn toàn mất thời gian, mất không gian. Có nghĩa là cái gì mình cũng thấy, nhưng nó không có thời gian. Như vậy có nghĩa là ngay lúc đó, tất cả những chuyện của quá khứ, chuyện của hiện tại, chuyện của vị lai phải xảy ra với người hành giả này như thế nào? Tức là lúc mà mình không còn thời gian và không gian nhưng mình vẫn không thấu thoát được ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai cùng một sát na, cùng một thời điểm thì nghĩa là mình chưa rớt vào cảnh giới “vô ngã”!
Như vậy có nghĩa là khi rớt vào cảnh giới vô ngã thì ba cái “tướng” của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều “hiện nguyên như vậy” chứ nó không mất! Hồi nãy là nó mất nhưng bây giờ nó lại trở lại “nguyên tướng”! Vẫn hiện nguyên cái chuyện trước đó, hiện tại và một chút nữa, không hề mất! Không hề mất, nhưng mà lại không có thời gian, tại vì ở đây là nó chỉ thuần túy đang hiện ở nơi hiện thực, nó đang hiện hữu. Rõ ràng là nếu nói về ba thời thì nó rõ ràng ba thời, rất rõ ràng ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhưng mà khi thực sự ở trong đó thì nó lại không có ba thời! Thì đối với chuyện này, chúng ta không thể dùng cái đầu để mà hiểu được.
Như vậy có nghĩa là nó hiện tất cả mọi cái “tướng” của pháp giới này, “tướng có” và “tướng không” của pháp giới này đều hiện rất rõ ràng, nhưng mà nó không có “khoảng cách” của không gian!
Ví dụ như ở đây có một hạt cát và ở nửa bán cầu bên kia có một hạt cát, và trải qua hằng hà sa số cõi nước phương đông cũng có một hạt cát. Như vậy ở cùng trong một lúc này chúng ta thấy cả ba hạt cát ở ba điểm. Nhưng như vậy là nó vẫn có khoảng cách không gian, đúng không? Ví dụ cách mình một mét, hai mét có một vật, cách mình ba mét, bốn mét có một vật. Hoặc nếu như bây giờ một người ngồi sau nhìn thấy người ở đằng trước mình, rồi thấy người ở đằng trước nữa, rồi người ở đằng trước nữa…thì từng người hiện ra trong cái thấy của mình bây giờ. Và nếu trong khoảnh khắc này chúng ta nhìn thấy như vậy thì nghĩa là chúng ta thấy có người này gần hơn, người kia xa hơn. Tức là cái khoảnh khắc của thời gian, cái khoảng trống của không gian vẫn còn hiện nơi tâm của mình trong lúc này.
Bây giờ nếu chúng ta mất đi hoàn toàn cái so sánh, phân biệt để mình chỉ nhìn là nhìn thôi thì dù vậy, người mình nhìn vẫn có một sự khác biệt với mình. Khác biệt một cách hoàn toàn. Tới một cái chỗ mà mình hoàn toàn không còn một sự khác biệt nào nữa thì nghĩa là mình vẫn sẽ thấy mọi người đang hiện cái “tướng” như vậy, nhưng mình hoàn toàn không so sánh phân biệt, không khởi bất kỳ một động niệm nào. Tâm mình rất là rỗng lặng thanh tịnh ở cảnh giới này.
Cái ải cuối cùng – còn một chỗ “nương tựa” là còn chỗ “dính mắc”
Nói về “vô ngã” thì chúng ta phải nói về nhiều mặt như vậy. Bây giờ thì nghe chuyện này thấy nó bình thường thôi vì nó chẳng có dính gì tới mình trong cuộc sống này nhưng nếu đi vào công phu mà không rõ chỗ này thì chúng ta sẽ bị quay ngược trở lại, chúng ta sẽ không qua được cái ải này! Đây là cái ải cuối cùng!
Ải cuối cùng thì giống như Thiền Sư diễn tả làm sao? Có một cái cây có một cái nhánh nằm đưa ra trên bờ vực. Có vị Thiền Sư buông hai tay, hả miệng cắn vào nó. Có một vị Thiền khách lại hỏi “thế nào là Đạo?” Vị Thiền Sư mở miệng trả lời thì rớt xuống vực tan thân mất mạng, mà nếu không trả lời thì cô phụ người hỏi, vậy thì giờ phải tính làm sao? Công án đó! Đó là công án!
Cho nên tới cái chỗ mà chúng ta thấy là chỉ còn có duy nhất một điểm dính là mấy cái răng bám vào cành cây, tức là còn một cái chỗ nương tựa. Vậy nếu một người thực sự học Đạo thì sẽ thấy cái “chỗ nương tựa” đó là gì? Là chỗ còn dính mắc! Cho nên ở đây nếu mình không chịu chấp nhận “tan thân mất mạng” thì sẽ không vượt qua được để đến được cái chỗ không có ngã, không có pháp! Mà ở chỗ không ngã không pháp thì là sẽ vượt qua một cái tầng khác.
Sau “cái biết mênh mông, biết toàn vũ trụ” thì vẫn còn một bước nữa
Ở ngay chỗ này đây thì chúng ta vẫn chưa đến được cái tầng vượt qua đó đâu. Khi chúng ta rớt vào cái cảnh giới không thời gian, không không gian thì nó là một sự rỗng lặng thênh thang, mênh mông, trùm khắp pháp giới v.v. Nó hiện một “cái biết mênh mông”, nó “biết” toàn vũ trụ này. Nhưng mà vẫn còn một bước cuối cùng!
Nghĩa là nếu như vũ trụ này vẫn còn có một cái gì đó ra ngoài cái hạt cát mình đang nhìn thấy bây giờ, vẫn còn có một cái gì khác hơn, nhỏ hơn hoặc lớn hơn, xa hơn hoặc gần hơn, nhiều hơn hoặc ít hơn đối với vũ trụ này… thì hoàn toàn không phải, hoàn toàn chưa tới!
Thấy tường tận mọi thứ hiện “nguyên tướng” của nó nhưng không cái gì che khuất, bít lấp cái gì
Ở đây, bây giờ ví dụ chúng ta nói đến một chồng, một đống hạt cát… Chúng ta chồng các hạt cát lên nhau, chồng một triệu hạt hoặc một tỷ hạt lên nhau, gom tất cả lại thành một đống cát như vậy. Có nhiều người dạy rằng lúc nhập vào định, khi chúng ta sẽ rớt vào cái chỗ “vô phân biệt” thì chúng ta sẽ chỉ thuần túy thấy một đống cát. Đây là chỗ mà nhà Thiền hay dạy, các quyển sách Thiền cũng hay nói đến chỗ này. Họ sẽ nói là chúng ta thấy một đống cát này mà không khởi niệm phân biệt thì một hạt cát cũng giống như một đống cát.
Vậy có đúng không? Đúng thì ăn ba mươi gậy! Vậy mà nhiều quyển sách lại nói theo luận điệu đó lắm. Nhưng Thiền không thể nói kiểu đó được, nói kiểu đó là hư rồi! Cái đó là Thiền gì chứ không phải Thiền tông!
Như vậy cảnh giới chân thật là sao? Là đối với tất cả những hạt cát này, chúng ta phải thấy tường tận từng hạt cát một nhưng không có hạt nào che khuất, làm bít lấp hạt khác! Và thêm vào đó, một đống cát kia thì nó cũng hiện “nguyên tướng” của một đống cát và một hạt cát kia thì nó cũng hiện “nguyên tướng” của một hạt cát.
Nhưng kỳ lạ là “nguyên tướng” của một đống cát vẫn không che lấp được “nguyên tướng” của một hạt cát! “Nguyên tướng” của một cái núi nó cũng vẫn không che được một hạt cát! Và hạt cát này nó có thể “dung chứa” được cái núi kia. Ngược lại cái núi kia cũng “dung chứa” hạt cát này. Ở đây tạm dùng từ “dung chứa” chứ thực sự là nó không có “dung” và nó cũng không có “chứa”, không có cái gì “dung” cái gì hay cái gì “chứa” cái gì.
Tuệ của Phật đạo – cái sai biệt hiện rõ ràng nhưng hoàn toàn không khác biệt với nhau và không hề có sự lẫn lộn, che khuất
Nếu như trong cái phút chúng ta gọi là “không phân biệt” mà chúng ta thấy cái hạt cát và cái núi này – do không so sánh phân biệt nên nó không lớn hơn hoặc không nhỏ hơn, thì đó chỉ là lý luận phàm phu! Chứ thiệt thì nào phải như vậy! Khi chúng ta tới đây thì chúng ta phải thấy “thật”! Cái “hiện thật” nó phải hiện ra, nghĩa là cái hạt cát này không phải là nó “chứa” cái núi Tu Di đâu mà nó đầy ngập khắp cái hư không này một lần! Cả hư không này có hằng hà sa số hạt cát thì mỗi hạt cát cũng đều đầy ngập và “dung chứa” cái hư không này. Bao nhiêu cái “hiện tướng” khác thì cũng thế, cũng đều “đầy ngập” cái hư không này mà không hề có sự lẫn lộn, không hề có sự che khuất nào hết! Đây chính là chỗ khác biệt!
Bây giờ thì mình thấy rõ ràng là lá và hoa khác nhau. Nhưng tới cái phút đó thì lá cũng đầy ngập hư không, hoa cũng đầy ngập hư không, dù là một chiếc lá rất là nhỏ, và dù một phân tử của cái lá này cũng đầy ngập hư không. Để thành một cái lá thì cần rất nhiều phân tử, nhưng điều kỳ lạ là một phân tử trong cái lá đó cũng không bị cái lá che khuất, nghĩa là cái lá này cũng không thể che khuất được một phân tử nhỏ nhiệm trong cái cành lá đó. Thì đây bắt đầu là chuyện khó hiểu rồi. Nhưng tới lúc đó thì chúng ta mới thấy đó mới chính thực là cái tuệ của Phật đạo!
Nó không thể lẫn lộn với nhau được, nó không thể chồng chéo với nhau được. Nó vẫn hiện rất rõ ràng mọi cái sai biệt. Nghĩa là mọi cái sai khác đều hiện rõ ràng, nhưng nó hoàn toàn không “khác biệt” với nhau! Thì đây là chuyện mà không thể dùng cái đầu để có thể hiểu được.
Mỗi “tướng” đều “hiện” ở nơi thực tại và cả ba thời đều hiện ra một lượt
Cho nên không phải là vượt qua không gian, vượt qua thời gian là một cái thấy sai, tuy nhiên chỗ đó vẫn chưa xong, vẫn còn một bước nữa! Bước kế tiếp ở đây có nghĩa là khi ấy, đối với cái hiện thực thì cái gì nó sẽ “hiện” cái đó. Mỗi mỗi cái “tướng” đều hiện một cách rất rõ ràng ở nơi thực tại, có nghĩa là cái thực tại đó đang hiện tướng của cái hiện tại, cái thực tại đó nó cũng hiện tướng của quá khứ, và cái thực tại đó nó cũng hiện tướng của vị lai. Như vậy là cả ba thời đều hiện ra một lượt!
Nếu chúng ta nói “ba thời” riêng lẻ thì sẽ rớt xuống tầng tâm thức nhưng mà phút chốc đó nó lại không rớt ở tầng sâu của tâm thức mà cả ba thời đều hiện! Như vậy người ở trong cảnh giới đó sẽ thấy có chuyện trước đây, có chuyện bây giờ và có chuyện chút nữa. Họ cũng thấy rất rõ chuyện này, nhưng ở nơi tâm của họ là hoàn toàn không có một mảy động nhỏ nào về cái khái niệm của thời gian và không gian.
Cái nhận biết hoàn toàn mới mẻ, tinh khôi, hiện tiền
Mỗi mỗi chuyện xảy ra, họ đều thấy rõ, họ đều biết rõ, nhưng mà không còn dùng “bất kỳ một cái gì quen thuộc cũ” để nhận biết cái hiện thực này. Cái này sẽ là một cái nhận biết hoàn toàn mới mẻ! Chúng ta sẽ thấy mình hoàn toàn mới mẻ trong cái phút giây đó. Phút giây đó thì thực sự là không có ai “thấy” đâu, nhưng nó hiện mới, tất cả đều hiện mới. Tất cả những kiến thức, kiến giải cũ của mình tự nhiên biến mất, những cái khẳng định, phủ định, nhận định v.v. đều biến mất hoàn toàn. Nghĩa là bây giờ mỗi cái hiện tượng, mỗi cái hiện tướng xảy ra đều “mới”!
Và từ đó về sau thì họ không lặp lại được điều gì trong bất kỳ cái thấy nghe hay biết nào của mình. Họ bắt đầu “mới”! Và lúc nào cũng mới mẻ, tinh khôi, hiện tiền! Mọi cái chúng ta thấy, mọi cái chúng ta nghe, mọi cái hiện hữu trong pháp giới này luôn luôn là như vậy và chúng ta tìm lại cái “dấu tích cũ” không được! Bây giờ nếu bảo mình thấy “thiệt” một vấn đề gì đó lại thì mình thấy không được. Không còn kiến giải đó được nữa, không còn hiểu theo cái kiểu hiểu đó được nữa.
Cho nên nếu có một lần một người nào đó nói là đã rớt vào cảnh giới “vô ngã” rồi mà vẫn còn có thể có được kiến giải cũ thì biết rằng đây là người chưa xong việc! Chúng ta có thể nghĩ lại chuyện cũ, chúng ta có thể nhớ lại chuyện cũ. Ví dụ như trước đó là có một chuyện xảy ra, có người muốn giết mình nhưng họ giết không được. Như vậy thì một là mình sẽ sợ hãi, hai là mình sẽ thù hận, và mỗi khi nhớ tới chuyện đó thì mình rất uất và mình muốn tẩy xóa điều này trong tâm sau nhiều năm tháng nhưng không làm được, không có cách nào chúng ta có thể quên được chuyện này. Người ta hại lấy mạng mình nên làm sao mình quên được! Nhưng mà khi chúng ta đã rớt vô cảnh giới “vô ngã” rồi và chúng ta gặp lại người này, người muốn ám hại mình, mà người ấy không thực sự “mới” với mình thì phải biết rằng chuyện đạo lý mình chưa xong! Cho nên chúng ta nói nghiệp chướng vốn “không tịch” là như vậy đó.
Tức là khi chúng ta tiếp xúc với người đó, mặc dù là họ rất hung hãn, họ rất muốn lấy mạng mình và thực sự họ đã từng lấy mạng mình rồi nhưng không thành công, thế mà bây giờ khi mình nhìn họ – không phải những chuyện cũ không lộ ra, tất cả những chuyện cũ đều hiện ra một cách rõ ràng, nhưng mình không hề mang một chút tâm uất hận, phiền hà nào cả. Không hề có chuyện này xảy ra trong tâm! Và mình giao tiếp với họ như giao tiếp với một vị ân nhân chứ không phải là như đối với một kẻ thù nữa. Nếu được như vậy thì chúng ta mới được gọi là “mới, mới” và mới rớt được vô cảnh giới “vô ngã”. Đây là một chuyện quá khó với người phàm, nhưng khi chúng ta tới cảnh này thì mọi việc là như vậy đó. Hoàn toàn không thể gợi lại được sự oán hờn mặc dù là chuyện cũ không “mất”. Khi mình thấy người đó thì tất cả mọi chuyện từ quá khứ cho tới bây giờ đều hiện ra, bao nhiêu kỷ niệm buồn thương giận ghét đều hiện lên hết.
Giống như khi gặp một người thân chẳng hạn, một người thân yêu mà cả đời này và cả muôn kiếp khác mình cũng không quên người ngày được, buông ra là mình nhớ. Nhưng khi đã xảy ra cảnh giới “vô ngã” rồi thì khi mình gặp lại người đó, mọi chuyện của mình với người đó, mọi chuyện buồn thương giận ghét, bao nhiêu kỷ niệm liền hiện ra hết không sót một mảy tơ nào, nhưng mà sao? Nhưng mà hoàn toàn như một người mới gặp! Nó không mang bất kỳ một chút xíu cảm tình nào theo cái kiểu của luyến ái – điều này tuyệt mất!
Hiện tiền hiện hữu – khôi phục lại những gì đã bị che khuất
Vậy nếu đến đây thì là mình đã tẩy xóa được cái “ngã chấp” của mình chưa? Nếu một người mất đi hoàn toàn “ngã chấp” thì “ngã sở” sẽ mất. Nhưng nếu mình hiểu mất ngã sở tức là mình sẽ quên đi chuyện cũ là mình hiểu sai rồi. Cho nên giống như hồi nãy, chúng ta nói là khi chúng ta tới cảnh giới không còn không gian, không còn thời gian, tức là “quên” chuyện quá khứ, hiện tại, vị lai, những chuyện này không còn nữa và nó chỉ còn là cái rỗng lặng thanh tịnh thôi. Nếu hiểu như vậy thì là không đúng. Mà sự thật là nó phải hiện hết tất cả những chuyện quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả những chuyện xa gần, tất cả những chuyện lớn nhỏ, tất cả đều “hiện” nguyên mà đồng thời nó lại không có quá khứ, hiện tại và vị lai, và nó chỉ là cái hiện tiền, cái hiện hữu vậy thôi!
Cho nên khi chúng ta đọc câu Kinh: “Không truy tìm quá khứ / không vọng hướng tương lai / chỉ có pháp hiện tại / tuệ quán tức là đây / không động, không rung chuyển / biết vậy, nên tu tập”, thì chúng ta nghĩ rằng Đức Phật dạy chúng ta “không vọng hướng quá khứ” tức là không nghĩ ngợi về quá khứ, không nghĩ ngợi về tương lai, chỉ có “pháp hiện tại” mà thôi. Thì đó cũng là một cái hiểu đúng chứ không phải sai, nghĩa là khi chúng ta dụng công thì chúng ta không dính quá khứ, hiện tại, vị lai, cho đến một ngày chúng ta quên hẳn chuyện quá khứ, chúng ta không còn dính mắc gì tới vị lai nữa, và chúng ta ở cảnh giới không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Đây được xem là chỗ rỗng lặng thanh tịnh, vì phải mất bóng dáng của những điều này. Đây cũng đúng là cửa ngõ mà chúng ta phải bước tới.
Nhưng sau khi tới cửa ngõ đó rồi thì chúng ta phải trở lại cái hiện thực đang hiện tiền thì ngay chính ở đó lại đầy đủ chuyện quá khứ, hiện tại, vị lai, không thiếu, không sót cái gì! Hôm trước chúng ta nói rằng chúng ta sẽ “khôi phục” lại được ký ức của mình,và khả năng con người sẽ tới chỗ này. Đây không phải chỉ là chuyện của Phật pháp đâu, nhưng mà hôm trước mình đã nói đến cái chuyện mà mình phải bẻ được cái khóa. Nghĩa là hiện tại, tâm thức của mình đang bị khóa chặt rồi.
Khôi phục lại “khả năng vốn có”, xuyên suốt, bình đẳng tuyệt đối
Và nghĩa là bây giờ chúng ta sẽ phải công phu tới lúc mà chúng ta phải bẻ được cái khóa này để chúng ta sẽ (1) biết rất rõ mọi điều trong ký ức, biết rất rõ bản thân mình và tất cả mọi người mọi loài. Mình sẽ nhớ hết chuyện bao nhiêu đời kiếp sinh tử của mình, những gì mình đã từng trải qua ở đây v.v. thì mình sẽ được nhớ trở lại được hết. Thứ hai là mình sẽ (2) thông cảm với nhau một cách tuyệt đối, thông hiểu với nhau một cách tuyệt đối, không có người nào dấu được người nào bất kỳ điều gì. Và thứ ba là chúng ta sẽ (3) khôi phục lại được cái tâm thức bình đẳng của tất cả chúng sanh muôn loài, và nhất là đối với loài người chúng ta thì chúng ta phải khôi phục lại được cái đó.
Tức là những cái này là “những cái cũ”mà mình đã bị che khuất. Ở đây chúng ta có thể dùng những từ của đạo Phật gọi là nghiệp báo,và đôi khi có một số lý luận khác là có những vị Thần muốn cai trị mình, cho nên họ không muốn cho mình biết tất cả những chuyện này và họ khóa những điều đó lại. Nhưng đó chỉ là lối lý luận của những đạo giáo khác thôi. Cho nên nói đến khả năng có thể thấy lại hết tất cả những chuyện quá khứ, hiện tại, vị lai thì đây là “chuyện cũ” của mình, là “năng lực vốn có” của mình để mình có thể khôi phục. Chứ không phải là do mình tu tập cao rồi mình đạt được những điều này. Không phải là đạt được mà là “khôi phục” lại tất cả những chuyện “nguyên xưa” của mình.
Vậy khả năng đó là gì? Là chúng ta không còn cái “chấp ngã”! Nghĩa là phải đến cảnh giới “vô ngã” rồi thì mới khôi phục lại được khả năng này. Tới chỗ đó rồi thì chúng ta tự động ở chỗ “xuyên suốt”, “bình đẳng” tuyệt đối, cho nên ở chỗ đó rồi thì không còn có thể phân biệt Phật pháp, riêng tư, cao thấp gì được nữa hết!
TT. THÍCH TUỆ HẢI
Hiển Hiện Như Nhiên Thiền Sư
Chùa Long Hương
(3.1.2021)