Đào Văn Bình
Ta lầm lũi và hớn hở chạy theo cuộc sống. Ta chủ định làm cái này, ta quyết định làm cái kia, không làm cái nọ.
Cái khối óc kiêu hãnh đó và cả thêm cái kinh nghiệm chồng chất đó, đã đưa ra những phán quyết khôn ngoan nhất cho ta. Ta tin vào nó, ta sống và đang sống dưới sự chỉ huy của nó. Và cũng vì nhờ nó mà ta lại rút ra được kinh nghiệm…thành công có, thất bại có, vui buồn có.
Do đó, thật không có gì cực đoan khi cho rằng ta đã hiểu và cầm nắm được con người thật của mình. Ta là ta, một cái Ta rất khác biệt với những cái Ta khác. Cái Ta có thực, nó đang tồn tại, nó đang suy nghĩ, nó đang đi, đang đứng. Nó đang và sẽ sống dưới sự chỉ huy bằng trí tuệ của nó.
Nhưng này bạn ơi,
Có một lúc nào đó, ở một sát-na nào đó, ta bỗng chợt tỉnh, chợt thấy mình bơ vơ như đứng giữa một khoảng không vô định. Một nỗi buồn mênh mang chợt đến, vây phủ cả tâm hồn. Ta tra vấn lương tâm và trí tuệ, ta ăn năn, ta phiền muộn rồi tự hỏi tại sao ta lại làm như thế? Để làm gì và để đi về đâu?
Biết bao thẩm tra dồn dập đến như muốn bóp nghẹt và xẻ vạch trái tim ta. Nhưng đau đớn thay, ta bất lực. Ta ăn năn về quá khứ rồi lại tiếp tục ăn năn về quá khứ.
Rồi ta tự hỏi, cái Ta hiện hữu để làm gì? Gốc tích của nó ở đâu? Và nó sẽ đi về đâu? Cái Ta ngày hôm nay có còn giống cái Ta ngày hôm qua không? Hay có muôn ngàn cái Ta cứ tiếp tục chen vai thích cánh nhau hiện hữu ở từng sát-na của một khoảng thời gian hữu hạn? Ta là kẻ xa lạ với chính ta hay cái Ta không có và chắc chắn không có?
Chính vì thế mà bao lần, mỗi khi bình minh thức giấc, một ngày mới lại bắt đầu với trái tim rộn rã hay với bước chân nặng nề. Có khi ta chợt tỉnh và thấy rõ hơn bao giờ hết rằng con người ngày hôm qua của ta chẳng có gì liên hệ tới con người ngày hôm nay. Dường như chẳng có sự liên tục nào giữa hai con người mà hai còn người đó chỉ bị ngăn cách tạm thời bởi một giấc ngủ ngắn ngủi về đêm.
Bạn ơi,
Tôi vẫn cứ bị nỗi buồn như thế làm khắc khoải trái tim. Rõ ràng tôi thấy mình chơi vơi, rã rượi đến cùng độ.
Thế nhưng từ ngày học Phật và hiểu được Tánh Không của vạn pháp tôi chợt bừng tỉnh. Tự nhiên tôi thấy mình sáng suốt và nhận biết được sự hiện hữu của con người mình.
Tôi chợt thấy cái Ta của mình hiển lộ và cái Ta đứng trang nghiêm trong khoảng không gian trôi chảy không ngừng nghỉ.
Chúng ta có muôn vàn cái Ta. Cái Ta lúc trước, cái Ta bây giờ, cái Ta ngày hôm nay, cái Ta ngày hôm qua và cái Ta trong vô lượng quá khứ. Không có cái Ta nào thật cả. Nó do Duyên Khởi mà biến hiện.
Và tôi chợt nhận ra rằng tôi đang tỉnh thức giữa cái Ta giả dối, vô thường. Từ đó tôi hết sức thận trọng khi xác định hay phủ định một chuyện gì và cũng hết sức thận trong với những gì mình muốn, mình đang nói và đang làm cũng như sẽ nói và sẽ làm.
Bạn ơi,
Chúng ta đang bị cuốn trôi theo dục vọng của mình. Mà dục vọng chính là cuộc sống này đây. Chúng ta thèm khát hoặc khổ đau vì chạy theo những gì mà người khác có và có khi còn muốn nhiều hơn nữa. Thế giới càng văn minh, vật chất càng nhiều thì dục vọng càng nhiều. Chúng ta tưởng như chúng ta là “chủ” nhưng thực chất lại là “nô lệ” của dục vọng và thú vui của chính mình. Cái Ta của chúng ta như một bóng ma bị phủ thủy dẫn dắt. Mà phù thủy ở đây chính là tham-dục của chính mình.
Bạn ơi,
Điếu thuốc lá trên môi - chúng ta “làm chủ” nó hay bị nó trói buộc và sai khiến? Thiếu nó, chúng ta làm đủ mọi chuyện ghê gớm trên cõi đời này để mua về phục vụ cho cái lưỡi, phục vụ cho cái ảo giác giả dối của mình. Còn cái lâu đài kia, chúng ta làm chủ hay nó làm chủ chúng ta. Mất nó có khi chúng ta tự tử chết. Vậy thì tòa lâu đài đó sai khiến chúng ta. Ta là nô lệ cho chính tòa lâu đài của mình.
Vậy thì chạy theo tham vọng, đam mê và thú vui là cái Ta giả dối, cái Ta tù ngục.
Sống chủ định, bớt đam mê, bớt tham dục, bớt hối hả và lăng xăng là cái Ta an định, nhẹ nhàng và rất tự do. Tự do, không bị trói buộc tức là giải thoát.
Và nhớ suy nghĩ lời dạy trong Kinh Đại Bát Nhã (*), “Quán sát sâu sắc muôn loài, muôn vật (vạn pháp) như ảo ảnh, như quáng nắng, như chiêm bao, như trăng đáy nước, như tiếng vang, như hoa đóm trên không, như ảnh, như bóng sáng, như trò ảo thuật, như ảo thành…tuy đều là không thật, nhưng hiện ra giống như thật.”
Vậy thì cái Ta tưởng là thật mà không phải thật.
Thiện Quả Đào Văn Bình
(*) Bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm